Điều Kỳ Diệu Trong Giáo Pháp Của Đức Phật – Kinh Đạo Từ
(Giảng tại huyện Mộc Châu, Sơn La | Ngày giảng 17/04/2023)
Thuyết giảng: Ngài Tam Tạng thứ 15 Bhaddanta Paññāvaṃsābhivaṃsa
Chuyển ngữ: Sư Thiện Đức – Kusalaguṇa Bhikkhu
Hôm nay, Ngài Tam Tạng thứ 15 cùng Tăng đoàn có được nhân duyên đến huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Ngài rất hoan hỷ và tán thán công đức của đông đảo quý Phật tử đã đến đây.
Để bắt đầu bài pháp thoại Đạo Từ, Ngài Tam Tạng thứ 15 cầu chúc và rải tâm từ đến cho tất cả Quý Phật tử hiện diện nơi đây được thân tâm an lạc, tránh khỏi mọi điều rủi ro, tai hại và thành tựu những hạnh phúc cao quý trong cuộc sống.
Mặc dù sau một chặng đường xa từ thủ đô Hà Nội, đường đi khúc khuỷu, lên xuống đồi dốc, khi đến đây thấy đông đảo Phật tử, kính tín Tam Bảo có đức tin trong sạch với Phật, Pháp và Tăng, cung đón Ngài cùng với Tăng đoàn với niềm kính tín và mong được nghe Ngài thuyết Pháp, Ngài Tam Tạng thứ 15 rất hoan hỷ và sự mệt mỏi của Ngài theo đó cũng không còn.
Cách đây hơn hai ngàn sáu trăm năm, Đức Phật đã xuất hiện trên thế gian tại đất nước Ấn Độ. Đức Phật xuất hiện ở trên thế gian không phải với mục đích chỉ mang lại lợi ích cho riêng một cá nhân, một tập thể, một đất nước, hay một Tôn giáo, mà mang lại lợi ích, an vui cho tất cả chúng sinh. Thông qua sự khai ngộ bằng trí tuệ của Ngài, chúng sinh hiểu rõ con đường tu tập để mang lại sự an vui.
Vì vậy, không chỉ loài người mà cả các hàng Chư Thiên, Phạm Thiên cũng đã thân cận, gần gũi Đức Phật lắng nghe Diệu Pháp để đạt được hạnh phúc an vui ở cõi Người, cõi Trời, cõi Phạm Thiên và cuối cùng là đạt đến hạnh phúc cao thượng nhất – hạnh phúc Niết-bàn, giải thoát khỏi mọi cảnh khổ trầm luân ở trong Tam Giới, trong sanh tử luân hồi. Tất cả loài Người, Chư Thiên và Phạm Thiên hữu duyên lắng nghe Diệu pháp đã quy y Đức Phật, quy y Giáo Pháp và quy y Tăng Đoàn, như câu quy y các Quý Phật tử vừa đọc: “Con thành kính quy y Phật, con thành kính quy y Pháp, con thành kính quy y Tăng”, câu tiếng Pāli, tiếng Phạn mà Đức Phật dùng là:
“Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi
Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi
Saṅghaṃ saraṇaṃ gacchāmi”
Khi một người, một vị Thiên hay Phạm Thiên xin quy y, đều đọc những câu này và đã quy y Tam Bảo.
Nhờ nhân duyên quy y Tam Bảo và các Phật tử đọc những câu quy y này trong thời khóa hằng ngày, nên mỗi Phật tử có thể giải thoát được khỏi những khổ đau ở trong hiện tại và trong những kiếp tương lai. Sau khi quy y Tam Bảo, là một Phật tử thuần thành cũng cần giữ gìn năm giới trong sạch. Năm giới đó là gì? Đó là các giới như các quý Phật tử vừa đọc:
“Con nguyện giữ giới không sát sanh.
Con nguyện giữ giới không trộm cắp.
Con nguyện giữ giới không tà dâm.
Con nguyện giữ giới không nói dối.
Con nguyện giữ giới không uống rượu và các chất say là nguyên nhân dẫn đến sự dễ duôi.”
Giới thứ nhất, không sát sanh: Là một Phật tử thuần thành, sẽ không sát hại dù những con vật bé nhỏ như con kiến, con muỗi.
Giới thứ hai, không trộm cắp: Sau khi phát nguyện, mỗi Phật tử chúng ta cần phải giữ gìn giới này trong sạch bằng cách không bao giờ lấy những vật của người khác khi người khác không cho. Khi lấy những vật không phải của mình với tâm trộm cắp là giới không trong sạch. Là một Phật tử thuần thành, cần phải giữ giới trong sạch, không bao giờ trộm cắp, lấy của cải của người khác dù rất ít, rất nhỏ.
Giới thứ ba, không tà dâm: Không xâm hại hạnh phúc gia đình của người khác, không quan hệ bất chính với vợ hoặc chồng người khác. Nếu một người xâm hại hạnh phúc, quan hệ bất chính với vợ hoặc chồng người khác là phạm giới tà dâm, như vậy sẽ không phải là một Phật tử thuần thành. Một Phật tử thuần thành cần phải tránh xa sự tà dâm, không bao giờ xâm hại hạnh phúc của người khác, không bao giờ có sự quan hệ bất chính với vợ hoặc chồng của người khác.
Giới thứ tư, không nói dối: Không bao giờ nói những lời không thật, luôn nói những lời chân thật, không giả dối. Phật tử là người không bao giờ có tâm giả dối, nói những lời giả dối làm ảnh hưởng đến lợi ích của người khác hoặc trong việc làm ăn, buôn bán luôn chân thật, không bao giờ nói dối.
Giới thứ năm, không uống rượu và các chất say: Rượu và các chất say là các chất có thể làm cho tâm bị mê mờ, dễ duôi từ đó có thể làm những điều xấu ác khác. Vì vậy, là một Phật tử cần phải tránh xa, không bao giờ sử dụng những chất say.
Những Phật tử và những người không phải Phật tử nếu giữ gìn được năm giới này, năm nền tảng đạo đức căn bản của một con người, có thể giải thoát khỏi những khổ đau ở trong đời sống hiện tại và tránh được những khổ đau trong những kiếp sống tương lai.
Đức Phật có dạy tám sự kỳ diệu của biển cả và tám sự kỳ diệu ở trong Giáo Pháp của Ngài. Nhân đây Ngài Tam Tạng thứ 15 sẽ chia sẻ với chúng ta bốn trong tám điều kỳ diệu này để giúp chúng ta hiểu thế nào là những kỳ diệu của đại dương biển cả và những điều kỳ diệu ở trong Giáo Pháp của Đức Phật.
Thứ nhất, Như chúng ta biết rằng, biển cả hay đại dương là một hiện tượng không giống như các dòng sông, vì bờ biển không bị thấp cao bất ngờ, đột biến mà từ cao đến thấp, cạn đến sâu một cách từ từ, không phải từ chỗ thấp khoảng nửa mét rồi đột ngột thấp ba, bốn mét v.v… Những ai thích biển sẽ thấy bãi biển có độ thấp cao tuần tự, từ nông đến sâu dần dần ra ngoài, không phải nông sâu một cách đột ngột. Đó là điều kỳ diệu thứ nhất của biển cả.
Cũng vậy, trong Giáo pháp của Đức Phật, sự tu tập cũng theo tuần tự từ thấp đến cao. Khi một hành giả, Phật tử thực hành Giáo Pháp của Đức Phật, thực hành Giới, Định và Tuệ theo từng bước tuần tự có hệ thống từ thấp đến cao, không có sự đột biến từ một phàm nhân bình thường trở thành ngay một bậc Thánh A-ra-hán. Đây là một điều kỳ diệu ở trong Giáo Pháp của Đức Phật. Vì vậy, trước hết một hành giả cần phải thực hành Giới, sau khi Giới được thanh tịnh thì mới có được Định, tu tập Định. Sau khi có Giới và Định, hành giả mới có, phát triển trí tuệ. Tu tập theo tuần tự như vậy: Giới, Định và Tuệ cho đến khi chứng đắc Thánh Đạo, Thánh quả A-ra-hán, đạt đến Niết-bàn đó là những Pháp cao thượng, giải thoát khỏi mọi cảnh khổ trong Tam Giới. Đó là sự tuần tự tu tập trong Giáo Pháp của Đức Phật.
Thứ hai, Biển cả, đại dương ở Việt Nam hay ở bất kỳ một nơi nào cũng chỉ có một vị mặn. Đó là điều kỳ diệu thứ hai của biển cả. Pháp và Luật cũng chỉ có một vị là vị giải thoát.
Thứ ba, ở trong biển cả hay đại dương có rất nhiều báu vật như: vàng, bạc, kim cương, ngọc trai, v.v…
Cũng tương tự như vậy, trong Giáo pháp của Đức Phật có rất nhiều sự quý báu. Sự quý báu hay những vật báu này không phải là những vật báu như vàng, bạc, kim cương, v.v… ở trên thế gian, mà là những Pháp quý báu như Tứ Niệm-Xứ (bốn phương pháp để thiết lập chánh niệm), Tứ chánh cần (bốn sự tinh tấn để loại trừ những phiền não), Tứ như ý túc (bốn Pháp dẫn đến sự thành công ở trong cuộc sống). Đây là những báu vật có thể giúp con người đạt đến hạnh phúc, nên những Pháp này gọi là những của báu ở trong Giáo Pháp của Đức Phật.
Ngoài ra, trong Giáo Pháp của Đức Phật còn có Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi, Bát chánh đạo là những Pháp có thể giúp cho các chúng sinh thoát khỏi những ô nhiễm phiền não ở trong tâm, đạt đến hạnh phúc cao thượng Niết-bàn, nên những pháp đó gọi là những vật báu ở trong Giáo Pháp của Đức Phật. Khi tóm tắt lại những báu vật này, có tất cả ba mươi bảy Pháp, còn gọi là ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, là những Pháp giúp chúng sinh trên con đường tu tập để hướng đến sự giải thoát khỏi những phiền não, ô nhiễm trầm luân và đạt đến giác ngộ Niết-bàn.
Chúng ta không thể tìm thấy ba mươi bảy phẩm Bồ đề phần hay ba mươi bảy phẩm Trợ đạo này ở đâu ngoài Giáo Pháp của Đức Phật. Chúng ta, là những Phật tử, cần phải học, tu tập để có được của báu ba mươi bảy phẩm Trợ đạo này làm hành trang trên bước đường tu học, bước đường giải thoát giác ngộ. Mỗi Phật tử chúng ta cần tu tập tất cả những Pháp này.
Thứ tư, ở Ấn Độ có những dòng sông Hằng, dòng sông Yamunā, v.v… và ở Việt Nam cũng có sông Hồng, sông Đuống, sông Mê Kông, v.v… và những nước khác cũng vậy, có nhiều dòng sông và tất cả những dòng sông này đều chảy ra biển. Khi nước còn ở sông Hồng, ta gọi là nước sông Hồng, khi nước vẫn ở sông Mê Kông, chúng ta gọi là nước sông Mê Kông, hay khi nước ở sông Hằng tại Ấn Độ, chúng ta gọi là nước sông Hằng, v.v…. Mặc dù biển là nơi chứa đựng tất cả những dòng nước từ những dòng sông này chảy ra, nhưng khi những dòng nước này chảy ra đến đại dương thì không còn những tên gọi như nước sông Hồng, nước sông Mê Kông, nước sông Hằng, v.v… mà chỉ còn một tên gọi duy nhất là nước biển.
Cũng vậy, trong Giáo pháp của Đức Phật có rất nhiều hạng người, nhiều dân tộc, xuất gia hay tại gia. Vào thời Ấn Độ khi còn phân biệt giai cấp: có giai cấp Bà-la-môn, giai cấp Sát-đế-lỵ, giai cấp Vệ-xá, v.v…; hay ở nước khác có những dân tộc khác nhau, những người có tên gọi khác nhau, xuất thân từ những gia đình, dân tộc khác nhau, khi đã xuất gia hay trở thành đệ tử của Đức Phật, thực hành Giáo pháp của Ngài, những tên gọi trước kia không còn nữa mà chỉ còn một tên gọi duy nhất là Phật tử. Đó là điều kỳ diệu ở trong giáo Pháp của Đức Phật.
Khi Giáo pháp của Đức Phật lan tỏa từ đất nước Ấn Độ đến các nước: Thái Lan, Miến Điện, Tích Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam, v.v…, những người Việt Nam (thuộc sắc tộc Việt Nam), những người Miến Điện (thuộc sắc tộc Miến Điện), những người Thái Lan (thuộc sắc tộc Thái Lan), v.v… đến với Giáo pháp của Đức Phật, quy y Tam Bảo trở thành đệ tử của Đức Phật, những tên gọi sắc tộc này và sắc tộc kia không còn nữa, mà chỉ còn là Phật tử. Mặc dù về hình thức, nhiều màu da khác nhau nhưng ở trong tâm mỗi người đều có sự kính tín Tam Bảo.
Vì vậy, tuy có sự khác nhau ở bên ngoài, khác nhau trong tên gọi nhưng tất cả chúng ta khi đã quy y Đức Phật, đã trở thành những người con Phật thì dù là xuất gia hay tại gia đều được gọi là Phật tử.
Trước khi đến đây, Ngài Tam Tạng thứ 15 không quen biết các Phật tử chúng ta, nhưng khi đến đây, các quý Phật tử cung đón Ngài bằng những nghi thức của Phật giáo thì Ngài cảm nhận rằng: “Ồ, thì ra ở đây có rất nhiều Phật tử, rất nhiều người quy y Phật”. Ngài cảm nhận rằng Phật tử chúng ta khi đã trở thành những người con Phật, sẽ là những người thân quyến, bà con ở trong Giáo pháp. Ngài có sự cảm nhận sâu sắc điều đó khi nhìn thấy các Phật tử ở đây có lòng kính tín đối với Tam Bảo. Tất cả chúng ta đến với Giáo Pháp của Đức Phật cũng chỉ với một mục đích duy nhất là giải thoát khỏi tất cả mọi cảnh khổ tử sinh luân hồi trong Tam Giới.
Giáo pháp của Đức Phật có công năng giúp chúng sinh chữa trị những bệnh phiền não, thoát khỏi cảnh khổ trong sinh tử luân hồi, nên khi chúng ta đã có đại duyên, đại phước gặp được Giáo Pháp của Đức Phật và có lòng kính tín đối với Giáo pháp của Đức Phật, với Tam Bảo. Ngài Tam Tạng thứ 15 khuyên chúng ta luôn kính tín Tam Bảo, và luôn thực tập, thực hành theo Giáo Pháp của Đức Phật để có được công năng chữa trị những bệnh phiền não ở trong tâm mỗi người, giúp mỗi người có được sự hạnh phúc cao thượng.
Ngũ Giới là năm nền tảng đạo đức cơ bản nên là một Phật tử thuận thành, một Phật tử tại gia cần giữ gìn năm Giới cho được trong sạch. Là một Phật tử thuận thành, mỗi chúng ta cũng cần có sự học hỏi và tu tập Giáo Pháp của Đức Phật theo tuần tự: Giới, Định và Tuệ. Làm được như vậy thì mỗi Phật tử chúng ta mới có được sự an vui, hạnh phúc trong đời sống hiện tại, không những thế mà còn tránh được sự tái sinh vào bốn cõi khổ và được tái sinh vào các giới an lành sau kiếp sống này. Bằng cách thực hành Giáo Pháp của Đức Phật, Giáo Pháp của Ngài sẽ giúp chúng ta giải thoát khỏi những khổ đau trong hiện tại và trong tương lai.
Ngài Tam Tạng thứ 15 cầu chúc cho tất Quý Phật tử chúng ta có mặt ngày hôm nay luôn tinh tấn tu tập Giáo Pháp của Đức Phật để giải thoát khỏi mọi cảnh khổ trầm luân ở trong Tam Giới. Đó là lời kết bài Đạo Từ của Ngài Tam Tạng thứ 15./.