Dấu Hiệu Để Nhận Biết Người Không Có Trí và Người Có Trí – Ngài Tam Tạng 15 Thuyết

Dấu hiệu để nhận biết người không có trí (bāla) và người có trí (paṇḍita)

BÀI THUYẾT PHÁP TẠI CHÙA PHÚC MINH TỈNH THÁI BÌNH
(Ngày 13/04/2023)

Thuyết giảng: Ngài Tam Tạng thứ 15 Bhaddanta Paññāvaṃsābhivaṃsa
Chuyển ngữ: Sư Thiện Đức – Kusalaguṇa Bhikkhu

 

Hôm nay Ngài Tam Tạng thứ 15 đến Chùa Phúc Minh gặp chư Tăng, các cô Tu nữ và đông đảo Phật tử có tín tâm nơi Tam Bảo, quy tụ về Chùa Phúc Minh để tiếp đón Ngài cùng với Tăng đoàn, Ngài rất hoan hỷ khi được thấy tất cả những người con Phật đã tu tập và hướng về Phật Pháp như ở Chùa Phúc Minh.

Trong chuyến hoằng Pháp này, suốt những ngày qua Ngài đi đến các nơi, đặc biệt là các chùa thực hành theo Chánh Pháp Theravāda (Phật giáo Nguyên Thủy). Ngài rất hoan hỷ, tán thán công đức của đông đảo chư Tăng, Ni, Phật tử đã tu tập và có sự kính tín đối với Tam Bảo. Cho nên, đi đến đâu, Ngài đều hướng tâm rải tâm từ và cầu nguyện ngày càng nhiều người hiểu biết và tu tập Chánh Pháp, để mang lại sự lợi ích, an lạc cho chính mình và cho người xung quanh, đặc biệt là gia đình, xã hội.

Đức Phật đã xuất hiện trên thế gian cách đây khoảng hai ngàn sáu trăm năm, không chỉ mang lại sự lợi ích, an vui cho một Dân tộc, một Quốc gia hay một nhóm người, Ngài xuất hiện trên thế gian để mang lại lợi ích và an vui cho tất cả chúng sinh trong Tam Giới. Khi học tập, tu tập theo Giáo Pháp mà Ngài đã dạy, mỗi người đều có thể trải nghiệm được sự an lạc, an vui thật sự.

Nhân đây, Ngài Tam Tạng thứ 15 muốn chia sẻ với hội chúng chúng ta về những dấu hiệu để nhận biết người không có trí (Bāla) và người có trí (Paṇḍita).

1. Trước hết, Ngài giải thích từ Pāli “Bāla”. Bāla nghĩa là người không có trí, hay là người ngu. Bāla ở đây có ba ý nghĩa:
Thứ nhất, là những người dù sống lâu năm nhưng không mang lại lợi ích, an vui cho mình, cho người khác, kể cả ở trong đạo lẫn ngoài đời.

Thứ hai, là những người sinh ra ở trên đời không những không làm những điều có lợi ích cho mình trong hiện tại, trong tương lai, mà còn làm những điều không có lợi ích trong hiện tại và trong tương lai.

Thứ ba, là những người làm hại mình và người khác, không mang lại lợi ích, an vui cho mình và người khác.

2. Người trí chữ Pāli là paṇḍita, được hiểu ngược lại với bāla (người ngu), có ba ý nghĩa:

Thứ nhất, là người làm những việc làm hữu ích, mang lại những lợi ích, an vui ở trong Đạo cũng như ở ngoài đời. Nói cách khác là làm những điều mang lại sự lợi ích, an lạc ở thế gian và xuất thế gian. Cho nên paṇḍita là người có khả năng thực hành những điều mang lại sự an lạc, an vui, hữu ích ở trong Đạo cũng như ngoài đời.

Thứ hai, là người làm những điều có sự lợi ích trong hiện tại, mang lại sự lợi ích trong tương lai, trong những kiếp luân hồi sau này và cũng là người không bao giờ hoặc rất ít khi làm những việc mang lại sự tai hại ở trong hiện tại cũng như là ở trong những kiếp tương lai.

Thứ ba, những điều tai hại như chiến tranh, loạn lạc xảy ra ở trên thế gian, đều do những người không có trí gây ra. Trong thành ngữ tiếng Miến có một câu nói với ý nghĩa: khi bốc cháy, những ngọn lửa được bắt đầu từ những mái nhà lợp bằng tranh, nứa sau đó mới lan qua những ngôi nhà khác làm bằng bê tông, gỗ, ngói. Cũng tương tự, những sự tai hại không lợi ích ở trên đời thường được làm bởi những người không có trí. Những việc làm đó không những ảnh hưởng đến bản thân, mà họ còn ảnh hưởng xấu đến những người có trí. Vì vậy, ở trên đời, những người không có trí chứ không phải người có trí gây ra những rủi ro, tai hại, chiến tranh, loạn lạc.

3. Vì vậy, Ngài Tam Tạng thứ 15 muốn chia sẻ với chúng ta ba dấu hiệu của một người không có trí:

– Thứ nhất, người ngu thường có những suy nghĩ không tốt, những suy nghĩ bất thiện. Những suy nghĩ bất thiện đó là những suy nghĩ dẫn đến:

+ Để chiếm hữu của cải, tài sản… của người khác (abhijjhā – tham lam)
+ Để làm hại người và chúng sanh khác (sân hận).
+ Rằng không có kiếp sau, không nghiệp và quả của nghiệp, không có quả ở đời này, không có quả ở đời sau… (micchādiṭṭhi – tà kiến)

– Thứ hai, người không có trí thường nói những điều không tốt:

+ Nói những điều dối trá, không thật: Khi làm việc gì đều nghĩ đến việc nói dối để lừa dối người khác trong công việc làm ăn, để hại người khác. Đó là lời nói không tốt và cũng là dấu hiệu của một người không có trí.
+ Nói những lời chia rẽ: đi đến người này nói xấu người kia, đi đến người kia nói xấu người này để hai người có sự chia rẽ. Người ngu, người không có trí thường nói những lời xấu để chia rẽ giữa người này với người kia, đó là dấu hiệu của một người không có trí.
+ Nói những lời thô ác, lời mắng nhiếc, chửi rủa để cho người khác không hoan hỷ và có thể làm hại cho người khác. Người ngu thường nói những lời độc ác, những lời mắng nhiếc, v.v… Đó là dấu hiệu của người ngu.
+ Nói những lời vô ích: những lời nói không mang lại sự lợi ích ở trong Đạo cũng như ngoài đời, không mang lại những lợi ích trong hiện tại cũng như trong tương lai. Đó là lời nói của những người không có trí.

– Thứ ba, người không có trí thường làm những việc tai hại, không có lợi ích cho mình và cho người khác. Những việc đó là:

+ Người ngu thường sát sanh, sát hại những con vật như trâu, bò, heo, gà, v.v…, kể cả những chúng sanh rất nhỏ như muỗi, ruồi, v.v… Đó là những hành động sát sanh và cũng là những dấu hiệu nhận biết đó là người ngu.
+ Người ngu có những hành động trộm cắp, lấy của không cho. Việc lấy những của cải không phải của mình là sự trộm cắp và đó cũng là dấu hiệu để nhận biết một người không có trí.
+ Những hành động ảnh hưởng đến gia đình của người khác như: những hành động tà dâm, ngoại tình, quấy nhiễu vợ/chồng của người khác, làm tan vỡ gia đình của người khác. Đó cũng là dấu hiệu của một người ngu.

Như vậy, có ba dấu hiệu nhận biết một người ngu, đó là:

– Người đó có những suy nghĩ không có lợi ích.
– Người đó nói những điều không tốt.
– Người đó làm những điều xấu, những điều không lợi ích cho mình và cho người khác.

Ngược lại, để nhận biết một người có trí, cũng có ba dấu hiệu và được hiểu ngược lại dấu hiệu của người ngu đó là:

– Người có những suy nghĩ tốt mang lại lợi ích cho mình và cho người khác.
– Người có những lời nói tốt mang lại lợi ích, an vui cho mình và cho người khác.
– Người có những hành động tốt đẹp mang lại lợi ích cho mình và cho người khác.

Sau khi biết những dấu hiệu nhận biết một người ngu và một người có trí, mỗi người Phật tử cần phải cố gắng tu tập để tránh xa những dấu hiệu của người ngu và thực hành những dấu hiệu của một người có trí.

Nhân đây, trong chuyến viếng thăm Chùa Phúc Minh, Ngài Tam Tạng thứ 15 cầu chúc cho tất cả quý Phật tử, hàng xuất gia cũng như tại gia luôn có sự hiểu biết và luôn biểu hiện những dấu hiệu của một người trí, Ngài cũng cầu chúc cho tất cả chúng ta được nhiều sức khỏe, an vui và tránh khỏi mọi điều rủi ro, tai hại để thành tựu những hạnh phúc, an lạc trong cuộc sống. Đó là lời kết của bài Đạo Từ sáng hôm nay./.

Dhamma Nanda

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa. Nhận thấy những lợi lạc vô cùng quý báu của Dhamma mà Bậc Giác Ngộ chỉ dạy, khoảng Rằm tháng 4 âm lịch năm 2020, con Dhamma Nanda và các bạn hữu Dhamma đã có tác ý phát triển trang Theravada.vn và hệ thống Phật Giáo Theravāda, nhằm tổng hợp lại các tài liệu Dhamma quý báu mà các Bậc Trưởng Lão và các Bậc Thiện Trí đã dày công lưu giữ và truyền dạy, nhằm đem lại lợi lạc đến nhiều người, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam.

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app