Đại Cương Lịch Sử Phật Giáo Thế Giới – Phần Ii: Phật Giáo Ngoài Ấn Độ – Phật Giáo Ở Nepal & Ba Tư

27

PHẬT GIÁO Ở NÊPAL

Nước Nêpal ngày nay bao gồm một lãnh thổ địa dư rộng lớn hơn nhiều so với thực thể của nó trong lịch sử. Nêpal trước đây chỉ là vùng thung lũng Katmandu trước khi lãnh thổ này được bành trướng dưới thời các vua Gurkhas ở thế kỷ XVIII. Chỉ vì sự bành trướng lãnh thổ này mà sinh quán của Đức Phật, Lumbinī, mới nằm trong lãnh thổ của nước Nêpal hiện đại thay vì thuộc bang Uttar Pradesh của Ấn Độ ngày nay. Phật giáo Nêpal là di sản của những người Newars, thuộc chủng tộc Mongoloid, và ngôn ngữ của họ là tiếng Newari. Các vị vua Gurkhas là người Ấn Độ, nói tiếng Ấn Độ, nay là ngôn ngữ chính thức của Nêpal, gọi là tiếng Nepali.

Nêpal được nhắc tới lần đầu tiên trên một bi chí ở Gupta ở thế kỷ IV, trên bi chí này Nêpal được gọi là một nước chư hầu. Triều đại cai trị là các vua Licchavi (300-870), có thể có quan hệ nào đó với vương quốc Licchavi vào thời Phật. Tuy chúng ta biết rất ít về Nêpal vào thời kỳ đầu, nhưng chắc hẳn nó chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ. Tại đây người theo Ấn giáo và Phật giáo có một cuộc sống hòa đồng và phát triển, cũng như tại vương quốc Gupta. Vào thế kỷ V các tháp Bodhnāth và Svayambhunath được xây dựng, và vào thế kỷ VII người hành hương Trung Hoa tên là Hsuan-Tsang ghi nhận rằng có khoảng 2 ngàn Tỳ khưu Phật giáo Đại Thừa và Tiểu Thừa sống trong các tu viện tại thung lũng Katmandu. Chắc chắn những phát triển của Phật giáo ở Ấn Độ đã mau chóng được truyền qua Nêpal, vì Nêpal ở gần Bihar và Bengal, đặc biệt khi những vùng này là quê hương của triều đại Pāla, là triều đại Phật giáo cuối cùng ở Ấn Độ trước thời kỳ Hồi giáo (khoảng 760-1142).

Phật giáo Tantra từng phát triển trong vương quốc Pāla, đặc biệt tại những tu viện đại học mới được thành lập tại đây dưới sự bảo trợ của triều đình vào thời đó, đã được truyền sang Nêpal. Tại đây, Phật giáo Tantra trở nên vững vàng và cuối cùng đã thay thế mọi phái Phật giáo ngoài Đại Thừa khác. Các nhà nghiên cứu ngày nay nghĩ rằng Nêpal là nơi còn duy trì được những nét tương tự với Phật giáo Ấn Độ thời kỳ sau và vì thế là nguồn duy nhất cung cấp cho chúng ta một cái nhìn về những việc thực hành của Phật giáo và chính nền văn hóa Ấn Độ, mà không một nơi nào khác còn giữ được. Nhưng điều không mấy chắc chắn là Nêpal đã giữ lại được những đặc tính của Phật giáo Ấn Độ tới mức độ nào, hay phải chăng chỉ là diễn tả những phát triển độc đáo riêng của mình. Những đặc trưng chính của văn hóa Phật giáo Nêpal bao gồm một cuộc sống hòa đồng giữa Ấn giáo và Phật giáo, một Tăng Già theo cơ cấu giai cấp (như ở Sri Lanka, và được chính thức hóa ở Nêpal do một chỉ dụ của vua ở thế kỷ XIV), và việc phát triển giới Tỳ khưu có gia đình của những người theo phái Tantra, kèm theo việc cha truyền con nối trong nhiệm vụ cai quản các chùa chiền. Có hai giai cấp Tỳ khưu Phật giáo. Cấp cao gồm những vajrācaryās, ‘thầy dạy Vajra(-yāna), cấp thấp gồm những śākyabhikṣus, những “Tỳ khưu của Sakya” (nghĩa là của Phật). Tuy ban đầu là những tước hiệu, nhưng nay chúng được dùng làm tên họ cho những người thuộc cả giới nam lẫn nữ, vì một người Nêpal chỉ được dùng những tước hiệu này nhờ di truyền.

Ba hình thức Phật giáo là Tiểu Thừa, Đại Thừa, và Mật tông, được coi như là những bậc thực hành kế tiếp nhau. Việc thực hành Tiểu Thừa được đánh dấu bằng một cuộc thụ giới vắn và có tính chất ít nhiều hình thức, kéo dài 4 ngày, để thành một Tỳ khưu. Qua việc thụ giới này một cậu bé trở thành thành viên của một tu viện hay một chùa, và suốt đời được hưởng những quyền lợi và nghĩa vụ gắn liền với việc thụ giới này. Từ giai đoạn thụ giới Tiểu Thừa này, người hành đạo được giải phóng để có thể thực hành Đại Thừa, nghĩa là lập gia đình! Thực tế lúc này người ấy là người hành đạo thế tục, tuy rằng lối cắt nghĩa việc thực hành Đại Thừa này không am hợp với các nguồn gốc của Đại Thừa. Người gia trưởng có gia đình này tiếp tục các nhiệm vụ của mình trong tu viện hay chùa. Từ cơ sở này, người hành đạo được tự do tiến lên bậc Mật tông, là một đặc quyền họ được hưởng do quyền thừa kế, nghĩa là như một nhiệm vụ của giai cấp Phật giáo của họ. Sự suy đồi của giới Tỳ khưu độc thân xảy ra rất chậm, và người ta biết rằng mãi tới thế kỷ XVII (181)vẫn còn có những cộng đồng Tỳ khưu độc thân ở Patan.

Do vị trí địa dư của mình, Nêpal là một con đường tự nhiên thuận lợi để Phật giáo truyền qua Tây Tạng. Làn sóng người Phật giáo qua lại đất Nêpal gia tăng rất mạnh do ảnh hưởng của các cuộc xâm lăng Hồi giáo, vì Nêpal trở thành một nơi lánh nạn tự nhiên và gần để tránh những sự tàn bạo ở vùng đồng bằng phía Bắc Ấn Độ. Cuộc xâm lăng Hồi giáo không vào tới Nêpal, nhờ đó di sản Phật giáo đã có thể tồn tại và phát triển ở vùng thung lũng Katmandu. Nhiều người Tây Tạng sử dụng đất Nêpal làm trạm dừng chân trên đường đi Ấn Độ, và nhà sư Tây Tạng Dharmasvāmin (thế kỷ XIII) đã tới học tại đây nhiều năm trước khi tìm cách đi vào quê hương của Phật giáo ở Ấn Độ, mà thời đó đã bị quân xâm lăng Hồi giáo chiếm đóng. Chỉ sau cuộc chinh phục của người Gurkha vào năm 1768, Phật giáo tại Nêpal mới bắt đầu chịu đựng những sự áp bức chính trị. Người Gurkha cai trị Nêpal vốn là những quân nhân Ấn Độ bị quân Hồi giáo đánh đuổi khỏi Rajasthan ở Ấn Độ, có tham vọng Ấn giáo hóa các lãnh thổ mới chinh phục của mình, nên thỉnh thoảng đã thực hiện những chính sách đàn áp những người Nêpal theo Phật giáo.

Ngoài khả năng thấu triệt những tính chất đặc trưng của Phật giáo Ấn Độ, người Phật giáo Nêpal còn bảo tồn được nguồn chính và thường là nguồn độc nhất về nhiều bản văn Phật giáo ở bản gốc chữ Phạn, bao gồm nhiều kinh Đại Thừa. Phần lớn những tài liệu này mang tính chất Tantra, nhưng cũng có một số thủ bản có giá trị của các tài liệu gọi là navadharma, là chín bản Giáo pháp gồm Lalitavistara, Gaṇḍavyūha, Laṅkāvatāra, Samādhirāja, Daśabhūmika, Suvarṇa-prabhāsa, Saddharma-puṇḍarīka, Aṣṭasāhasrikā-Prajñāpāramitā Sūtra, Guhyasamāja Tantra. Các đền chùa Phật giáo đã lưu trữ được tương đối an toàn nhiều ngàn thủ bản, thậm chí cả một số thủ bản cổ của Ấn Độ, được sao lại ở Nālandā và Vikramaśīla vào thế kỷ X hay XI và được đưa sang Nêpal. Có thể nói việc bảo tồn di sản đồ sộ của Phật giáo bằng tiếng Phạn là công lao của các tín đồ Phật giáo ở Nêpal. Nếu không có những cố gắng của họ để sao chép và gìn giữ những thủ bản trong các đền chùa của người Nêpal, hẳn phần lớn các văn bản Phật giáo bằng chữ Phạn chỉ có thể được các Phật tử ngày nay biết đến dựa vào các bản dịch bằng tiếng Tây Tạng và Trung Hoa mà thôi. (182)

—–*—–

28

PHẬT GIÁO Ở BA TƯ

Những hiểu biết của chúng ta về lịch sử phát triển Phật giáo ở Ba Tư hiện còn đang ở giai đoạn chủ yếu là suy đoán. Dù vậy, tóm lược một số quan điểm hiện nay cũng là điều quan trọng để hiểu được lịch sử này. Có rất ít cuộc tra cứu khảo cổ học về những vùng đất của nước Iran hiện đại mà Phật giáo có thể đã hiện diện, và theo tôi được biết, không có một cuộc tra cứu khảo cổ học trong vùng Caucase ở phía Tây. Mãi tới thế kỷ XIX mới bắt đầu có những chứng cớ văn bản về ảnh hưởng của Phật giáo đối với văn hóa Ba Tư và Ả Rập. Và mấy thập kỷ gần đây mới bắt đầu có việc xác định những bằng chứng về ảnh hưởng của các đền đài Phật giáo và về việc hiểu biết Phật giáo trong thực tế.

Vào thế kỷ trước, người ta biết rằng các câu chuyện Jātaka của Phật giáo, được nhuận chính bằng tiếng Ấn Độ giáo dưới tựa đề Pañcatantra, đã được dịch sang tiếng Ba Tư vào thế kỷ VI theo lệnh của vua Khusru, người theo Bái Hoả Giáo, và vào thế kỷ VIII được dịch sang tiếng Syri và Ả Rập, dưới tựa đề Kalilag và Damnag. Bản dịch Ba Tư sau đó được dịch sang tiếng La Tinh, Hi Lạp, và Do Thái để rồi trở thành cơ sở cho các sưu tập truyện cổ được biết đến dưới các tựa đề: Truyện Ngụ Ngôn Ê-sốp (do một Tỳ khưu Byzance soạn vào thế kỷ XIV), Các câu chuyện về Sinbad, và Nghìn Lẻ Một Đêm. Vào thế kỷ VIII, một tiểu sử của Phật được thánh Gioan ở Đamát dịch sang tiếng Hi Lạp và được nhiều người Thiên Chúa giáo đọc như là câu chuyện về Balām và Josaphát. (183)Rashīd al-Dỵn, một sử gia ở thế kỷ XIII, ghi lại khoảng mười một bản văn Phật giáo được lưu truyền ở Ba Tư bằng các bản dịch Ả Rập, trong số đó có bản Sukhāvatī-vyūha Kāraṇḍa-vyūha Sūtras. (184)Mới đây, những mảng của Saỵyutta Aṅguttara-Nikāyas, cùng với những mảng của Maitreya-vyākaraṇa, cũng đã được xác định trong sưu tập này. (185)

Các nền văn hóa Ba Tư và Ả Rập của khu vực rõ ràng rất quý chuộng những câu chuyện xây dựng của sách Jātaka, thế nhưng đã không có bản dịch nào của Ả Rập, Ba Tư hay các vùng khác của Trung Đông về các tài liệu có tính chất văn học cao hơn còn tồn tại. Các tài liệu về Phật giáo mà chúng ta có được trong nền văn học Ba Tư chủ yếu nằm trong các tác phẩm của các nhà chép lịch sử và địa lý, và mang một sắc thái nhân văn học. Dựa trên những giai thoại, những tác giả này từng biết đến một al Budd (Bụt, Phật) như một thần tượng Ấn Độ, al Būdāsṛ (Bồ Tát), và phái sumaniyyas (śramaṇas), một trong hai giáo phái tại Ấn Độ (giáo phái kia là Ấn giáo), nhưng họ không kết hợp những tên gọi này chung lại thành một câu chuyện về Phật giáo. (186) . Sự hiểu biết về lễ nghi Phật giáo liên quan tới tháp ở Balkh được nhắc tới vào thế kỷ X bởi sử gia Ba Tư Ibn al-Faqīh, và Yāqūt (187), một sử gia Syri ở thế kỷ XIII. (188) Sở dĩ ở Ba Tư sự hiểu biết về Phật giáo bị giới hạn vào những hình thức Phật giáo của Trung Á và Afghanistan, một phần là vì sự suy tàn của Phật giáo tại Ấn Độ, mà nguyên nhân lớn là cuộc chinh phục quân sự của Hồi giáo tại Ấn Độ. (189)

Trên đây là nói về nhận thức của người Ba Tư về Phật giáo. Còn với chính người Phật giáo, các cuộc xâm nhập vào Ba Tư hình như đều diễn ra trong hai thời kỳ, thời kỳ thứ nhất có thể bắt đầu ở thế kỷ III trước CN. và kéo dài ít là cho tới khi bị chặn lại bởi phong trào Hồi giáo từ thế kỷ VII trở đi; thời kỳ thứ hai là sau cuộc chinh phục Iran của quân Mông Cổ vào đầu thế kỷ XIII.

Đợt xâm nhập thứ nhất chắc chắn bao gồm hai loại hoạt động. Hoạt động truyền đạo trong khu vực này có thể bắt đầu dưới thời vua Aśoka. Các truyền thuyết ghi nhận việc gửi các phái đoàn truyền giáo tới Bactria và Gandhara, cả hai nơi này nay đều thuộc Afghanistan, và chắc hẳn việc phát triển Phật giáo ở đây đã lan tới Khurasan (miền Đông Bắc của Iran bây giờ). Phật giáo cũng được thiết lập ở Sindh và đây cũng có thể sẽ trở thành điểm tiếp xúc địa dư thứ hai với triều đại Sassanid và sau này với các triều đại Hồi giáo.

Loại hoạt động thứ hai là hoạt động thương mại. Ngay từ những thời kỳ đầu, Phật giáo đã có quan hệ nhiều với giới thương gia ở Ấn Độ và vì vậy chắc hẳn đã dẫn đến những quan hệ thương mại với nước ngoài. Các nhánh của con đường tơ lụa xưa đi qua Bactria và Gandhara trước khi dẫn tới biển Địa Trung Hải, và có thể đã đưa những thương gia Phật giáo tiến xa về phía Tây (cũng như về phía Đông). Người ta cũng biết rằng ngay từ thế kỷ II trước CN., các thương gia Ấn Độ từ miền Tây và Nam Ấn Độ, và chắc cũng có từ vùng Sind, thường xuyên ghé qua những cảng trong Vịnh Ba Tư và Ả Rập, và những tiếp xúc này có thể giải thích các tên gọi thường gặp trong vùng có chứa những yếu tố như but, và cả hind (Ấn Độ), và bahār(do chữ Phạn vihāra, nghĩa là tu viện Phật giáo). Chắc hẳn nó cũng giải thích việc quần đảo Maldive theo đạo Phật vào thế kỷ VI. (190)

Mặc dù Bái Hỏa giáo là lực lượng tôn giáo nổi bật trong vùng, nhưng Phật giáo cũng đã phát triển mạnh tại đây, như có thể thấy được qua các đồng tiền của Peroz, con của Ardashir I (226-241), trên các đồng tiền này vẽ cảnh ông đang thờ cả Bái Hoả giáo lẫn Phật giáo. (191) Tuy nhiên, cũng có những chứng cớ cho thấy Phật giáo gặp phải sự đối kháng tại đây, vì vào thế kỷ III, một vị giáo sĩ Bái Hỏa giáo tên là Kartir đã ghi lại trên những bi chí rằng các Phật tử và những người khác trong vương quốc Sassanid đang bị tiêu diệt. Al-Bīrūnī viết vào thế kỷ XI rằng trước cuộc tiêu diệt này, “Khurasan, Persis, Irak, Mosul, và tất cả miền của đất nước lên tới biên giới Syria” đều là Phật giáo, (192) và kết quả của cuộc bách hại khiến người Phật giáo rút về phía Đông, và điều này cắt nghĩa việc họ tập trung sinh sống ở vùng Balkh (193).

Đợt xâm nhập thứ hai của Phật giáo về hướng Tây được thúc đẩy bởi cuộc chinh phục của người Mông Cổ vào đầu thế kỷ XIII dẫn tới việc thiết lập triều đại Mông Cổ IIlkhānid ở Ba Tư từ năm 1256 trở đi (194) . Các hoàng đế Khāns của Mông Cổ đều là Phật tử thuộc phái Tantra, và họ bảo trợ Phật giáo trong vương quốc của họ cho tới hết thế kỷ, tới khi Ghazan Khān theo đạo Hồi năm 1295 (195). Thời kỳ bảo trợ ngắn ngủi này được chứng kiến một chương trình xây dựng đền chùa rất phấn khởi tại Maraghed thủ đô ở miền Đông Bắc Ba Tư, và tại những nơi khác nữa, nhưng chương trình này đã bị cắt đứt theo lệnh của Ghazan buộc phá huỷ tất cả những đền chùa Phật giáo hoặc biến những đền chùa này thành những đền thờ Hồi giáo. Bằng chứng cụ thể về sự kiện này có thể là hai khu vực hang động ở Rasatkhāneh và Varjuvi, cả hai đều ở gần thủ đô cũ Maragheh của Mông Cổ. Cả hai đều phù hợp với kiểu mẫu của các phức hợp hang động Phật giáo được biết đến ở nhiều nơi, nhưng các bức bích họa đã bị lấy mất và đã bị đổi thành những đền thờ Hồi giáo. Những cố gắng sau này của các Phật tử nhằm cải hóa vua Uldjaitu Khān (1305-16) về với Phật giáo là bằng chứng về sự tồn tại của Phật giáo ở Ba Tư sau thời kỳ này, mặc dầu Phật giáo hình như đã biến mất vào giữa thế kỷ XIV. (196) Ngày nay, những tòa nhà xây theo kiểu tháp và trang trí với nhiều cờ quạt tại Dhagestan thuộc vùng Caucase cũng có thể cho thấy ảnh hưởng của Mông Cổ trong thời kỳ này.

-ooOoo-

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app