Đại Cương Lịch Sử Phật Giáo Thế Giới – Phần I: Phật Giáo Ở Ấn Độ – Sự Suy Tàn Của Phật Giáo Tại Ấn Độ

18

SỰ SUY TÀN CỦA PHẬT GIÁO TẠI ẤN ĐỘ

Sự suy tàn của Phật giáo tại Ấn Độ chắc chắn đã được đẩy nhanh do những cuộc xâm lăng của Hồi giáo ở thế kỷ XII và XIII, nhưng ở một số mặt, nó đã bị suy yếu trước đó rồi, và vì thế dễ bị tổn thương trước ảnh hưởng của Hồi giáo.

Trước hết, đã có một sự pha trộn giữa các tư tưởng của Ấn giáo và Phật giáo, mà người bình thường khó có thể phân biệt một cách rõ ràng. Một mặt, từ nhiều thế kỷ đã có cuộc đối thoại phê bình lẫn nhau giữa hai tôn giáo này để làm cho các triết lý của mỗi tôn giáo trở nên tinh tế hơn – nhưng sự tinh lọc này đã dẫn tới khuynh hướng làm cho chúng ngày càng khô khan trừu tượng và khó phân biệt đối với người thường. Mặt khác, sự phát triển của phong trào Tantra, làm phát sinh vô số các vị Phật, Bồ tát, và các nhân vật dharmapāla, hẳn đã làm cho Phật giáo trở thành không khác gì Ấn giáo chính thống, với cả một chuỗi các vị thần của họ. Thậm chí cũng có một sự tiếp thu giáo lý Phật giáo vào trong Ấn giáo, như được phản ánh trong học thuyết của phái Viṣṇu coi Đức Phật như một hóa thân của thần Viṣṇu, đã xuất hiện lần đầu tiên một thời gian ngắn trước cuộc xâm lăng của Hồi giáo. Ngay cả những người Pāla, vốn tự coi mình là người Phật giáo, cũng tự hào vì tuân giữ hoàn hảo Giáo pháp của mình về giai cấp – là những khoản luật quy định mọi khía cạnh của các mối tương tác xã hội.

Đi song song với điều này là sự kiện Phật giáo có vẻ như đã trở thành một tôn giáo dành riêng cho các chuyên viên, đặc biệt các chuyên viên trí thức đại học quan tâm tới việc phát triển các đại học đã được xây dựng trước đây dưới sự bảo trợ của các vua của triều đại Guptka và Pāla. Ở đỉnh cao của nó, đại học Nālandā được tài trợ bằng tiền thuế thập phân của một trăm ngôi làng, và cung cấp việc đào tạo miễn phí cho cả mười ngàn sinh viên, Phật giáo và không Phật giáo. Trong khi Phật giáo ngày càng gắn liền với hoạt động tri thức tập trung, tu trì, thì Ấn giáo vẫn duy trì được tính bình dân, dựa trên đời sống của các làng mạc, và các Tỳ khưu Ấn giáo đi tới từng nhà để phục vụ những nhu cầu tôn giáo của người đồng đạo. Ngược lại, người Phật giáo không phải lo lắng về những nhu cầu kinh tế trực tiếp của mình vì có những tài sản dồi dào đã tích luỹ do của dâng cúng từ những tín đồ hảo tâm và những vị vua bảo trợ trước đây. Có lẽ họ đã mất tiếp xúc phần nào với văn hóa bình dân, ngưng thu nạp tín đồ mới, và khép kín trong những cuộc tranh luận triết học tinh vi và những nghi lễ theo giáo phái Tantra. Ngay cả những Tỳ khưu khổ hạnh của Ấn giáo cũng chỉ là những con người khất sĩ đơn giản, giống như những người Phật giáo ban đầu, và vì thế họ không phải lệ thuộc các tổ chức tu viện và sự bảo trợ cần thiết của các vị vua giống như thân phận của những người Phật giáo. Hình như Ấn giáo đã trải qua một cuộc hồi sinh nữa trước thời kì bị Hồi giáo xâm lăng, và họ đã bành trướng giáo phái Viṣṇu ở miền Nam, Siva ở Kashmir, và các triết gia – giáo sư thù nghịch với Phật giáo như Śaṇkara và Kumārila đi giảng dạy khắp các vùng đồng quê và thu hút được nhiều tín đồ. Tuy có những dấu hiệu cho thấy sự phân biệt giai cấp đặc trưng của Ấn giáo đã thâm nhập vào chính Tăng Già Phật giáo (như ở Sri Lanka), nhưng chúng ta không nên quên rằng Phật giáo đã mặc nhiên phủ nhận giá trị của những phân biệt giai cấp này bằng cách chấp nhận mọi người thụ giới bất kể thuộc thành phần giai cấp nào. Sự chống đối này đã được diễn tả trực tiếp trong tác phẩm Vajrasuci của Aśvaghoṣa, trong tác phẩm này ông xoá bỏ cơ sở của sự phân biệt giai cấp bằng cách nêu lên những giai thoại bất bình thường trong kinh thánh Ấn giáo.

Sau cùng, ngay cả sự bảo trợ của nhà vua chưa hẳn là điều có lợi. Đại học Nālandā từng được vua Harṣa (606-647) bảo trợ rất mạnh, nhưng sau đã bị triều đại Pāla làm ngơ, ngược lại triều đại này quay sang bảo trợ các trường đại học do chính triều đại này thiết lập – Vikramaśīla và Odantapurā. Ngay cả các việc làm của các vua cũng không nhất thiết đáng tin, vì không những họ dễ dàng bỏ đạo mà còn có thể bị mất chức quyền và thay thế bởi những vị vua khác thù nghịch với Phật pháp.

Khởi đầu bước suy tàn của Phật giáo Ấn Độ là vào thế kỷ VIII, với những cuộc tấn công đầu tiên của Hồi giáo vào Ấn Độ, như cuộc phá huỷ thành phố và đại học Phật giáo ở Valabhī. Những cuộc tấn công này đã bị các lãnh chúa địa phương Ấn Độ chặn đứng, khiến quân xâm lăng Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có thể tiến quân dần dần vào Ấn Độ trong bốn thế kỷ sau, khi các vương quốc lần lượt rơi vào tay họ. Vì các vương công địa phương tại Ấn Độ không đạt được liên minh hiệu quả nào chống lại mối đe dọa của Hồi giáo, và trong một số trường hợp đã đánh giá quá thấp mối nguy của quân thù ở biên giới nên cuối cùng họ đã bị xâm chiếm hoàn toàn ở thế kỷ XII, khi người Hồi giáo mở rộng sự hiện diện huỷ diệt của họ trên khắp miền Bắc của bán lục địa. Năm 1197 Nālandā bị chiếm. Vikramaśīla cũng chịu cùng số phận năm 1203. Tại những đồng bằng miền Bắc Ấn Độ, các sử gia Hồi giáo ghi lại rằng các đại học ở đây lúc đầu bị tưởng lầm là những pháo đài, và bị tàn phá không thương tiếc, các thư viện bị đốt sạch, và những người cư ngụ trong đó bị tàn sát mà không kịp giải thích mình là ai và làm gì (162). Chẳng bao lâu sau, cả vùng lưu vực sông Hằng, đất thánh truyền thống của Phật giáo, hoàn toàn nằm dưới quyền kiểm soát của các nhà cai trị Hồi giáo.

Chính các đại học đã bị phá huỷ hầu như ngay tức khắc, vì các nguyên tắc bất bạo động cơ bản có lẽ đã ngăn cản sự bảo vệ quân sự từ phía các cộng đồng Phật giáo. Nhưng các tập thể Phật giáo vẫn còn sống sót thêm mấy thế kỷ nữa trong những dúm nhỏ ở miền Bắc Ấn Độ. Một người hành hương từ Tây Tạng, Dharmasvāmin, khi đi tìm kiếm những bản kinh giữa những phế tích của Nālandā đã gặp một nhà sư tên là Rāhulaśrībhadra đang dạy văn phạm chữ Phạn cho một nhóm học trò vào năm 1295. (163) Đa số người tị nạn trốn sang vùng Đông Nam Á qua ngả Miến Điện hay sang Tây Tạng, hay xuống miền Nam Ấn Độ. Phần lớn các cơ sở và tổ chức Phật giáo ở miền Nam Ấn Độ không bị ảnh hưởng do cuộc xâm lăng miền Bắc của người Hồi giáo, và đã tồn tại thêm mấy thế kỷ nữa cho tới khi dần dần bị tan rã trước cuộc hồi sinh của phái Siva từ thế kỷ VIII hay IX trở đi. Có bằng chứng cho thấy Phật giáo Theravāda còn tồn tại ở Karnataka cho tới ít là thế kỷ XVI (164) và ở Tamil Nadu cho tới tận thế kỷ XVII. (165)

-ooOoo-

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app