Đại Cương Lịch Sử Phật Giáo Thế Giới – Phần Ii: Phật Giáo Ngoài Ấn Độ – Phật Giáo Tại Trung Á & Kashmir

21

PHẬT GIÁO TẠI TRUNG Á VÀ KASHMIR

Dãy Hi Mã Lạp Sơn tạo thành một bức tường chắn hầu như không thể vượt qua nổi giữa thánh địa Phật giáo ở Ấn Độ và các vùng phía Bắc và phía Đông. Việc truyền bá Phật pháp lúc ban đầu tới những vùng đất này đi theo con đường tơ lụa, bắt đầu từ cùng những con đường ở Tây Bắc Ấn Độ vốn đã đóng một vai trò vô cùng quyết định trong biết bao giai đoạn của lịch sử tại bán lục địa này. Kết quả là cả một vùng đất bao la gọi là Trung Á, trải dài từ các nước cộng hòa Turkmenistan, Uzbekistan, và Tadzhikistan ở phía Tây tới vùng đất Trung Hoa tự trị là Sinkiang-Uighur ở phía Đông, và Kashmir ở phía Tây Nam, đã đóng một vai trò sinh tử trong sự phát triển Phật giáo ở Trung Hoa và Tây Tạng. Trung Á là con đường chính để Phật giáo được truyền sang Trung Hoa, từ khoảng thế kỷ I CN., và sang Tây Tạng từ thế kỷ VII. Nhưng tuy là quan trọng, lịch sử của việc truyền bá này được người ta biết đến rất ít, đặc biệt từ thế kỷ VIII tới XIV, khi cả vùng rơi vào tay xâm lược Hồi giáo, mặc dù quá trình “Hồi giáo hóa” trong một số vùng diễn ra rất chậm, và Phật giáo có thể đã tồn tại dưới một hình thức nào đó ở Trung Á Trung Hoa cho tới thế kỷ XVII hay XVIII, (173) và ở Afghanistan cho tới thế kỷ XIX. (174)

Chìa khóa giúp ta hiểu được tầm quan trọng của vùng này là sự tồn tại của những con đường thương mại, chủ yếu liên quan tới việc xuất khẩu tơ lụa tới Ấn Độ và châu Âu, những con đường này đi từ miền Tây Bắc Ấn Độ và nối liền Trung Hoa với Địa Trung Hải. Các thương gia, nhiều người đến từ Sogdia, đã đến sống dọc theo con đường này, và họ học các ngôn ngữ để dùng vào việc buôn bán, đặc biệt với người Trung Hoa, và họ cũng đã có công lớn trong việc dịch các bản kinh Phật sang tiếng nước họ vào những thế kỷ đầu công nguyên. Thời ấy cả vùng chia thành nhiều vương quốc nhỏ, thường quy tụ chung quanh những khu định cư ở ốc đảo như Khotan, Kuchā, và Turfan, mỗi nơi này đều đã trở thành một trung tâm quan trọng về Phật học. Các dân sống trong vùng rất hỗn tạp, phía Nam và Tây có người Hi Lạp, Ấn Độ, Iran, còn phía Đông và Bắc có người Thổ và người Trung Hoa. Tất nhiên, người ta sử dụng nhiều ngôn ngữ trong vùng này, kể cả các thổ ngữ Iran và Thổ, Tây Tạng, Trung Hoa, Phạn và Prakrit.

Giai đoạn đầu của hoạt động truyền giáo Phật giáo có thể đã được thực hiện do các Tỳ khưu Dharmaguptaka. Các chứng cớ bao gồm một bản dịch kinh Dharmapada sang ngôn ngữ mà họ sử dụng, ngày nay gọi là tiếng Gandhārī Prakrit, chỉ còn tồn tại một thủ bản có niên đại là thế kỷ I hay II CN., được tìm thấy ở Khotan. Chúng ta cũng biết rằng một bản dịch kinh Dīrghāgama của họ đã được dịch sang tiếng Trung Hoa khoảng năm 410 và 413 CN., và các quy luật mà các Tỳ khưu Trung Hoa tuân giữ là các quy luật Dharmaguptaka. Giai đoạn tiếp theo bắt đầu có ảnh hưởng của tông phái Sarvāstivādin dưới sự bảo trợ của các vua Kūśana, đặc biệt vua Kaniṣka, nhờ đó các tác phẩm đặc trưng của Sarvāstivādin được phổ biến, gồm nhiều bản văn Vi diệu pháp, bằng tiếng Phạn của Phật. Đến thế kỷ IV hình như cũng đã có một trung tâm Đại Thừa học ở Khotan.

Những sự cải cách chắc hẳn đã phát sinh từ sự pha trộn giữa Phật giáo nguyên thủy và Đại Thừa ở Kashmir. Dưới sự hướng dẫn của các thầy dạy thuộc tông phái Sarvāstivādin trong vùng, một số các trường phái thiền có ảnh hưởng đã phát triển và lấy cảm hứng từ vị Bồ tát Di Lặc Maitreya. Hẳn nhiên điều này chứng minh rằng Maitreya, sau này trở thành Phật, đã được nhìn nhận là một Bồ tát bởi cả trường phái Đại Thừa lẫn những trường phái phi Đại Thừa, và vì vậy đã có thể tạo được một sức thu hút phổ quát trong một môi trường mà hai truyền thống pha trộn với nhau. Các trường phái thiền ở Kashmir chắc hẳn đã có ảnh hưởng lớn trong việc phát sinh các thực hành buddhānusmqti, là các thực hành liên quan tới việc “niệm Phật”, sau này trở thành đặc trưng của Phật giáo Đại Thừa và truyền thống huyền bí Tantra. Việc sùng mộ Maitreya rõ ràng có liên quan tới kinh nghiệm thiền, và rất có thể Maitreya đã là đối tượng của những kinh nghiệm giác ngộ mà người ta có được bằng cách tập thiền. Sự sùng mộ Maitreya được chứng minh ở khắp vùng Trung Á, vì người ta đã tìm thấy ở Turfan một bản kinh về Ngài và nhiều bức tượng lớn được dựng ở biên giới giữa các nước dọc theo các con đường thương mại. Phật A Di Đà cũng được rất nhiều người trong vùng này sùng mộ, và cuối cùng đã làm lu mờ hẳn Maitreya, và có thể kinh Sukhāvatī-vyūha Sūtras đã được biên soạn tại đây. Kashmir cũng là quê hương của Saṅgharakṣa, một thiền sư Sarvāstivādin, người đồng thời với Kaniṣka và đã viết một cuốn sách dạy thiền nhan đề Yogācārinbhūmi, sẽ trở thành mẫu mực cho các sách cùng tên được viết sau này bởi thiền sư Đại Thừa Asaṅga.

Ở phần cuối phía Đông con đường tơ lụa, nay là miền Tây Trung Quốc, có Tuyên Hưng, một khu vực rộng có nhiều hang đá hùng vĩ, và chứa nhiều bích họa và tượng của Phật. Đây là nơi sinh trưởng của Dharmarakṣa, nhà dịch thuật quan trọng nhất các bản kinh Phật sang tiếng Trung Hoa trước Kumārajīva. Tuy có nhiều người Trung Á chuyên dịch các kinh Phật, nhưng nổi tiếng nhất là Kumārajīva (344-413 CN.), người đã dịch nhiều tác phẩm của Phật giáo nguyên thủy và Đại Thừa sang tiếng Trung Hoa. Bản dịch cuốn Diệu Pháp Liên Hoa kinh được nhìn nhận là tuyệt hay (có thể ông là dịch giả đầu tiên thành thạo cả tiếng Phạn lẫn tiếng Trung Hoa) và bản dịch này của ông đã trở thành bản dịch Trung Hoa chính thức. Người ta cũng đã phát hiện ra nhiều thủ bản Phật giáo ở Trung Á, đặc biệt ở Tuyên Hưng, Turfan, và Gilgit (Bắc Pakistan). Những thủ bản này là những thủ bản lâu đời nhất chúng ta còn giữ được về một số kinh quan trọng. Vì những thủ bản này chứa đựng những bản văn đôi khi ngắn hơn nhiều thủ bản được phát hiện sau này ở Nepal, chúng chứng minh rằng rất nhiều bản kinh trong thực tế là những công trình sáng tạo kết hợp, được phát triển qua một tiến trình bổ sung dần dần qua nhiều thế kỷ.

—–*—–

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app