Đại Cương Lịch Sử Phật Giáo Thế Giới – Phần Ii: Phật Giáo Ngoài Ấn Độ – Phật Giáo Ở Triều Tiên, Nhật Bản

23

PHẬT GIÁO Ở TRIỀU TIÊN

Phật giáo được các nhà sư Trung Hoa lần đầu tiên đưa vào Triều Tiên ở thế kỷ IV. Tại đây sự truyền bá diễn ra rất chậm vì dân Triều Tiên rất gắn bó với tôn giáo Shaman của họ, và phải đến thế kỷ VI Phật giáo mới truyền tới được miền Đông Nam của nước này, và sự hiện diện của Phật giáo tại đây chỉ được nhìn nhận chính thức từ năm 528. Thế kỷ VI và VII, nhiều trường phái Phật giáo Trung Hoa đã du nhập vào, đặc biệt khi việc gửi các sư người Triều Tiên sang Trung Hoa trở thành phổ biến. Từ thế kỷ VII tới giữa thế kỷ X, Triều Tiên trở thành một thực thể chính trị thống nhất dưới vương quốc Silla, trong thời kỳ này Phật giáo trở thành một tổ chức xã hội được thiết lập. Thời kỳ này trường phái Phật giáo Thiền từ Trung Hoa cũng được nhập vào Triều Tiên lần đầu tiên.

Thời kỳ Koryo (935-1392) là thời kỳ cực thịnh trong việc phát triển và ảnh hưởng của Phật giáo ở Triều Tiên. Các tu viện được Nhà nước bảo trợ, và toàn bộ kinh điển Trung Hoa được thu thập và sao chép lại. Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ XIV, bắt đầu một triều đại các vị vua mới, triều đại Yi, những vị vua này theo Khổng giáo và đã bắt đầu một cuộc bức hại Phật giáo ngày càng gay gắt trong suốt năm thế kỷ. Triều đình ra các sắc chỉ giảm số các tu viện và Tỳ khưu, các trường phái khác nhau bị giảm xuống còn hai trường phái bằng một tiến trình sát nhập bó buộc, và các sư không được phép vào thủ đô. Đến thế kỷ XIX, Phật giáo Triều Tiên bị suy giảm nghiêm trọng về số lượng và ảnh hưởng mà nó đã đạt được trong thời kỳ Koryo. Hậu quả của nhiều thế kỷ bị cấm không được vào thủ đô và việc Tăng Già không thể thăng tiến trong địa vị xã hội đã tạo ra một phong trào rời bỏ thành phố để lui về các tu viện tại các vùng núi hẻo lánh. Tình trạng này tạo điều kiện thuận lợi cho trường phái Thiền gọi là Sonjon, trường phái này còn giữ lại một hình thức cổ xưa của trường phái Thiền Trung Hoa và là trường phái Phật giáo mạnh còn tồn tại được ở đây. Phải đợi đến cuối thế kỷ XIX trở đi, dưới ảnh hưởng của Nhật Bản, Phật giáo tại Triều Tiên mới có cơ hội để phục hưng.

—–*—–

24

PHẬT GIÁO Ở NHẬT BẢN

Niên đại chính thức Phật giáo được truyền vào Nhật Bản là 552 CN. Một phần đây là kết quả của lời đề nghị hòa bình từ phía một vị vua Triều Tiên mong muốn cổ võ một sự ổn định chính trị trong quần đảo Nhật là lân bang với Triều Tiên. Lời đề nghị này được phía Nhật Bản hoan nghênh, vì nước họ vừa trải qua những cuộc chiến tương tàn giữa các bộ tộc, và nay họ muốn tìm kiếm một thế lực có ảnh hưởng ôn hòa để giúp họ cải thiện những mối căng thẳng và tranh chấp của các lãnh chúa trong giới quý tộc của nước họ. Ngoài ra, khi những tiếp xúc với Phật giáo Trung Hoa phát triển, và chính Trung Hoa vừa phục hưng sau nhiều thế kỷ chia rẽ nội bộ, giới cầm quyền Nhật Bản xem Phật giáo như là một tôn giáo có ảnh hưởng đến nền văn minh. Vì thế giới lãnh đạo mới tại Nhật Bản đã khuyến khích Phật giáo đi vào nước họ.

Kết quả của chính sách này là trong nhiều thế kỷ, Phật giáo đã chủ yếu thu hẹp trong giới quý tộc, ít có sự tiếp xúc với giới bình dân và chịu nhiều sự bất lợi do sự đỡ đầu chính trị. Chính sách này được tiêu biểu bởi thái tử Shòtoku (574-622), là người muốn có một nhà nước tập quyền dưới sự điều khiển của một hoàng đế theo kiểu của đế quốc Trung Hoa, và cổ võ sự phát triển của Phật giáo để tạo sự kích thích văn hóa. Sản phẩm thấy rõ nhất của tham vọng này là mối tương tác mà thái tử khởi sự với Trung Hoa. Ông cũng đưa vào hiến pháp Nhật Bản điều mười bảy, kết hợp Khổng giáo với Phật giáo để trở thành một quốc giáo. Hình như ông quan tâm tới Phật giáo không chỉ vì tính cơ hội, nhưng ông còn có một chút hiểu biết về những giáo lý của Phật giáo. Người ta cho rằng ông đã viết một bình luận về ba kinh lớn của Đại Thừa, là các kinh Vimalakīrtī-nirdeśta (Kinh Duy-ma-cật Sở thuyết), Śrīmālādevī-siỵhanāda (Kinh Thắng Man Sư Tử Hống), Saddharma-puṇḍarīka (Kinh Diệu Pháp Liên Hoa).

Trong khi các khuynh hướng do Shòtoku thiết lập vẫn tiếp tục, thì thủ đô của Nhật dời về Nara năm 710, tại đây sự bảo trợ của triều đình đối với Phật giáo gia tăng. Hậu quả của sự bảo trợ này là có sự kích thích lòng tham của cải và quyền lực nơi giới Tỳ khưu Phật giáo, và thời kỳ này chứng kiến sự gia tăng tham nhũng, tranh giành, và tình trạng chính trị hóa các giới Phật giáo. Phật giáo thời kỳ này có sáu trường phái lớn, tất cả đều có nguồn gốc là thủ đô Trường An của Trung Hoa, tất cả đều dựa trên những trường phái Ấn Độ và những truyền thống kinh điển, ít quan tâm tới việc truyền giáo. Chỉ có một trường hợp ngoại lệ là đối với nhà sư Gyògi (670-749), nhà sư này sống ẩn cư tại một miền quê hẻo lánh, sử dụng pháp thuật để cứu giúp dân chúng. Các tổ chức Phật giáo thời kỳ này chủ yếu nhằm phục vụ những ước muốn của chính quyền (Tăng Già được liệt kê như một bộ trong chính phủ). Tại mỗi tỉnh đều có nhiều đền đài Phật giáo được xây cất do kinh phí của nhà nước, và năm 749, bức tượng Phật Vairocana khổng lồ được dựng ở Nara.

Năm 794, thủ đô được dời về Heian (nay là Kyoto), và tiếp tục là thủ đô cho tới cuối thế kỷ XII. Trong khi vào giai đoạn đầu của thời kỳ này xuất hiện hai trường phái từ Trung Quốc, thì đến cuối thế kỷ IX, sự tiếp xúc chính trị với Trung Quốc chấm dứt. Trường phái thứ nhất trong hai trường phái mới này là Thiên Thai, một hình thức Phật giáo pha trộn, coi kinh Pháp Hoa là lời dạy cuối cùng và chính thức của Phật, và được đưa vào Nhật Bản do nhà sư Saichò (767-822), cũng gọi là đại sư Dengyò. Sau nhiều khó khăn, nhà sư này đã thành công thiết lập được một dòng thụ giới tại núi Hiei, tách biệt với các dòng thụ giới của các trường phái Nara. Trường phái thứ hai là Thần Ngôn, một loại Phật giáo bí truyền Tantra, và tên của trường phái này là lấy từ một tiếng Trung Hoa có nghĩa là câu thần chú, thần ngôn. Trường phái này từ Trung Hoa đến do một nhà sư tên là Kūkai (774-835), cũng gọi là đại sư Kòbò, là người bất mãn với Phật giáo Nara. Còn hai yếu tố nổi bật khác trong thời kỳ này là sự gia tăng khuynh hướng pha trộn giữa Phật giáo và Thần giáo là tôn giáo của người bản xứ (kéo dài tới hết thế kỷ XIX), và một thái độ bi quan, do tình trạng thiếu ổn định chính trị, coi xã hội như đang trên đà suy thóai vô phương cứu chữa. Quan điểm này được hệ thống hóa thành thuyết gọi là mạt pháp mappò, theo đó chính Phật giáo cũng sẽ suy vong theo ba giai đoạn, mà giai đoạn thứ nhất đã bắt đầu rồi. Chắc hẳn để khẳng định quan điểm này, các trường phái Phật giáo ở Nara trong thời kỳ này càng trở nên suy đồi, và chẳng bao lâu cả hai trường phái Thiên Thai và Tịnh Độ Chân tông đã hoàn toàn bị đồng hóa với các lợi ích và ảnh hưởng của nhà nước.

Các Hình Thức Phật Giáo Nhật Bản

Thời kỳ Kamakura (1185-1333) nổi bật với sự xuất hiện của những trường phái Phật giáo đặc trưng ở Nhật Bản. Sự kiện này một phần là do sự tách rời ảnh hưởng Trung Hoa đã bắt đầu từ thời kỳ Nara, và đã khích lệ sự đồng hóa Phật giáo Trung Hoa với tính cách và văn hóa Nhật Bản. Tất cả các trường phái mới này đều mang chung những đặc điểm sau: nhấn mạnh vào đức tin của người theo đạo; những nhà sáng lập trường phái có tính cách mạnh, lỗi lạc, và không hài lòng với hình thức Phật giáo hiện có; nhấn mạnh vào việc giảng dạy duy nhất dẫn đến Giác ngộ, và tạo sự thu hút với quần chúng, chuyển hướng trọng tâm Phật giáo Nhật Bản từ lãnh vực được sự bảo trợ của giới quý tộc sang lãnh vực bình dân, quần chúng. Tất cả những trường phái này đều có tính đơn sơ nổi bật là diễn tả phản ứng chống lại những hình thức Phật giáo suy đồi và hỗn tạp, đồng thời cũng nói lên niềm tin vào lý thuyết mạt pháp, hình như đòi hỏi sự phát huy những việc thực hành tôn giáo đơn sơ và chắc chắn mà cả những người bình thường trong thời đại suy đồi này cũng có thể thực hiện. Không nên quên rằng Nhật Bản trong thời kỳ này đang bị khốn đốn vì nội chiến và nạn đói. Người ta coi sự khốn khổ và thảm họa đang diễn ra như là bằng chứng rõ ràng của thời đại suy đồi. Một số học thuyết mới cũng lấy cảm hứng từ những khuôn mẫu Trung Hoa, sau khi việc tiếp xúc với lục địa trở nên dễ dàng hơn.

Trường phái mới đầu tiên xuất hiện có liên quan tới Phật giáo Tịnh Độ, và việc tôn thờ Phật A Di Đà, tiếng Nhật gọi là A Mi Đà. Trường phái này không phải là nguồn gốc của việc thực hành này ở Nhật Bản, vì việc tôn thờ Phật Amida đã có từ vài thế kỷ trước, và được một số trường phái khác nhau chấp nhận, trong đó có trường phái Thiên Thai. Cách riêng, trong thời kỳ Hiei (794-1185) đã từng nổi lên phong trào của một số vị thánh nhân đi phiêu du, được gọi là những hiriji, sống một nếp sống lập dị ngoài các tu viện và dạy các việc thực hành tôn giáo đơn sơ, đặc biệt việc thờ Phật Amida. Tuy nhiên, trường phái Phật giáo Tịnh Độ đúng nghĩa có tên là Jòdo, do Hònen (1133-1212) sáng lập.

Không hài lòng với những lời giảng dạy của trường phái Thiên Thai ở Hiei, Honen bắt đầu giảng dạy rằng chỉ có thể đạt được cứu độ nhờ tụng niệm tên của Amida với lòng tin, là đọc nembutsu – Namu Amida Butsu. Mọi việc thực hành khác đều thua kém việc thực hành này, vì trong thời suy đồi hiện nay, không ai có thể đạt Giác ngộ nhờ những cố gắng của mình, gọi là jiriki, nhưng hoàn toàn tuỳ thuộc lòng từ bi của một “tha lực”, tariki, của Phật A-di-đà.

Kế tục Hònen là một học trò của ông, Shinran (1173-1263), ông này đã khai triển học thuyết của thầy mình đi xa hơn. Ông dạy rằng không được coi niệm Phật nembutsu như một việc thực hành thiêng liêng, mà như một hành vi diễn tả lòng biết ơn, vì Amida đã sáng tạo ra Sukhāvatī và mọi chúng sinh đều đã hiện hữu rồi. Sự tái sinh trong Tịnh Độ vì vậy không phải do hành động của chúng ta, mà do lòng từ bi của Amida. Điều chúng ta có thể làm chỉ là đặt niềm tin vào lòng từ bi đó. Kết quả là mọi sự phân biệt về lối sống của người ta ở đời này không có khác biệt gì đối với Amida. Lý thuyết này có một ảnh hưởng rất sâu rộng đối với Phật giáo Nhật Bản nói chung, với khuynh hướng ngày càng giảm thiểu sự khác biệt giữa đời tu và đời thế tục. Một hậu quả lớn của khuynh hướng này là giới Tỳ khưu lập gia đình đã trở thành quy luật trong nhiều trường phái, và các chùa chiền được lưu truyền từ cha sang con. Shinran gọi trường phái của ông là Jòdo-shin-shū, “Tịnh Độ Chân Tông tạm dịch là Trường phái Tịnh Độ Đích Thực”.

Thế kỷ XII và XIII có sự du nhập Phật giáo Thiền của Trung Hoa sang Nhật Bản. Hình thức đầu tiên là Rinzai, tiếng Trung Hoa là Liên Khí, nhấn mạnh việc sử dụng công án (kung-an), được đưa vào bởi nhà sư Eisai (1141-1215). Kế đến là hình thức Sòtò (tiếng Trung Hoa là Tào Động), chủ trương ngồi thiền trong tĩnh lặng, do Dògen (1200-1253) đưa vào. Cả hai hình thức này đều trở thành phổ biến, nhưng lãnh vực ảnh hưởng trong xã hội thì khác nhau. Trường phái Thiền Rinzai do các nhà cầm quyền giới quý tộc bảo trợ và tập trung ở thủ đô, nên sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá văn hóa Trung Hoa ở Nhật Bản. Ngược lại, phái Thiền Tào Động, thịnh hành ở miền quê, nên đã thấm nhuần và phát triển một số lễ nghi và tập tục dân gian, như các lễ nghi chôn cất người chết chẳng hạn.

Trường phái cuối cùng trong số các trường phái mới là một trường phái không có ở nước ngoài, và vì thế có thể coi là trường phái phát triển đặc trưng duy nhất ở Nhật Bản. Trường phái này phát xuất từ những học thuyết của Nichiren (1222-82). Vốn được đào tạo là một tỳ khưu Thiên Thai, Nhật Liên (Nichiren) cảm thấy đau buồn trước những thảm họa kinh hoàng của thiên tai và chính trị đang diễn ra ở Nhật Bản thời đó, nên thấy cần phải có một cách thực hành tôn giáo mới. Ông đi tới kết luận rằng những tai họa đó xảy ra là do sự bỏ quên những lời dạy đích thực của Phật và vì thế nếu nước Nhật muốn tồn tại, cần phải đưa lời dạy đích thực này của Phật trở lại Nhật Bản. Ông đồng hóa lời dạy đích thực với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni vĩnh cửu qua kinh Pháp Hoa, và khẳng định rằng Phật Thích Ca Mâu Ni được đồng hóa cả với kinh Pháp Hoa và với mọi chúng sinh. Ông còn đi tới chỗ cực đoan là cho rằng mọi hình thức thực hành khác của Phật giáo đều tích cực gây hại và ông cổ động nhà cầm quyền xoá sạch mọi hình thức thực hành đó vì sự thịnh vượng của nước Nhật. Nhật Liên Tông sẽ trở thành phổ biến trong giới buôn bán của Nhật.

Từ thế kỷ XIV tới XVI, có nhiều rối loạn tại Nhật, và các tu viện đều dính líu sâu đậm với những cuộc rối loạn này – nhiều tu viện tổ chức những đội quân riêng của mình. Kết quả của sự dính líu chính trị này là nhiều trung tâm tu viện bị các nhà cầm quyền tiêu diệt ở thế kỷ XVI, gồm cả những tu viện của các trường phái Jòdo-shin-shū, Tịnh Độ Chân Tông, và Thiên Thai. Từ đầu thế kỷ XVII Nhật Bản bị đặt dưới sự cai trị chuyên chế của giới quân sự áp đặt một sự cô lập văn hóa hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Trong tình trạng bị cấm hoạt động này, Phật giáo rơi vào thái độ câu nệ hình thức và người theo đạo thì chỉ là cho có tên, nhất là vì mọi công dân đều buộc phải đăng ký là một Phật tử tại một chùa địa phương để chứng minh họ không phải người Thiên Chúa giáo. Cũng có những con người kiên cường, như Hakuin (1685-1768), đã mạnh bạo đi ngược lại trào lưu suy thoái này. Tuy cũng có một số phát triển trong thời kỳ này, nhưng cũng có rất nhiều sự sa đoạ trong giới Tỳ khưu Phật giáo, và đôi khi những người theo đạo Phật nghiêm túc phải gặp gỡ nhau một cách lén lút. Tình hình chỉ bắt đầu được cải thiện dưới ảnh hưởng của triều đại mới của Minh Trị (1867), dưới triều đại này Thần Đạo trở thành quốc giáo, và nhờ những ảnh hưởng tân tiến của thế giới bên ngoài.

—–*—–

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app