Đại Cương Lịch Sử Phật Giáo Thế Giới – Phần I: Phật Giáo Ở Ấn Độ – Bối Cảnh Ấn Độ Cổ Đại

Đại Cương Lịch Sử Phật Giáo Thế Giới
A Concise History Of Buddhism

Andrew Skilton (Dharmacari Sthiramati)
Tỳ-kheo Thiện Minh chuyển dịch

 

PHẦN I

PHẬT GIÁO Ở ẤN ĐỘ

—–*—–

1

BỐI CẢNH ẤN ĐỘ CỔ ĐẠI-TIỀN SỬ PHẬT GIÁO

Nói về lịch sử Phật giáo là phải bắt đầu với tiểu sử của vị sáng lập ra nó là Thích Ca Cồ Đàm, tức Đức Phật lịch sử. Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn đánh giá đúng mức tiểu sử này, chúng ta cũng cần biết đôi chút về lịch sử Ấn Độ thời kỳ đầu, về bối cảnh mà Đức Thích Ca Cồ Đàm khởi sự cuộc tìm kiếm tâm linh của Ngài. Lịch sử Ấn Độ là một câu chuyện dài, trở ngược về cả ngàn năm trước thời của Đức Phật, nên trong mục tiêu tìm hiểu của chúng ta, tốt nhất chúng ta nên bắt đầu với những di tích đầu tiên có ý nghĩa của nền văn minh đã vượt qua được sự tàn phá của thời gian để tồn tại.

Giống như phần lớn lịch sử, lịch sử Ấn Độ thời cổ bị chi phối bởi một số đặc điểm địa lý. Phía Bắc bán lục địa này là dãy Hi Mã Lạp Sơn sừng sững như một bức tường thành khổng lồ ngăn chặn đường tiếp xúc với các nền văn hóa ở phía Đông và Bắc. Chỉ có một kẽ hở duy nhất là những con đường núi đi qua Afghanistan, nằm ở phía Tây Bắc của bán lục địa. Cũng có hai lưu vực lớn là lưu vực sông Indus ở Tây Bắc và lưu vực sông Hằng ở Đông Bắc bán lục địa, cả hai con sông đều tạo thành những môi trường bảo vệ quan trọng để củng cố một nền văn minh phức tạp.

Nền Văn Minh Lưu Vực Sông Indus

Lưu vực thứ nhất đóng vai trò quan trọng trong lịch sử này là lưu vực của Sông Indus. Tại đây, vào thiên kỷ thứ 3 trước Công Nguyên (CN.), trên cơ sở một nền văn minh thời đồ đá mới của dân bản xứ, đã phát sinh một nền văn minh đô thị, từng được biết đến với cái tên “Văn hóa Lưu vực Indus,” phồn thịnh nhờ những sản phẩm nông nghiệp, ngoại thương, và ngư nghiệp. Hai khu tập trung dân cư đô thị lớn là ở Mohenjo Daro và Harrapa, và vì vậy nền văn hóa này cũng được đặt tên là “Nền Văn hóa Harrapa.”

Có vẻ đây là một xã hội đã có tổ chức cao, tập trung, và rất bảo thủ, không thay đổi bao nhiêu qua nhiều thế kỷ. Những cố gắng nhằm tái hiện những phong tục và tin tưởng của xã hội này phần lớn chỉ là những suy đoán, tuy rõ ràng cũng đã có những hình thức tế tự khá tinh vi như nghi lễ thanh tẩy để biểu trưng sự trong sạch của tâm hồn. Những di vật có ý nghĩa nhất đã được phát hiện gồm nhiều con dấu ấn được sử dụng rộng rãi trong việc buôn bán và đặc biệt gặp thấy nhiều ở các vùng bờ biển. Những con dấu này khắc một loại chữ viết (nay vẫn chưa giải mã được) và những hình vẽ nhỏ xíu nhưng tuyệt đẹp, một số hình vẽ mô tả những nghi tiết. Một con dấu nổi tiếng vẽ một hình người ở tư thế ngồi thiền, mà một số học giả nghĩ là mô tả một hình thức ngồi thiền hay suy niệm thời sơ khai.

Nền văn minh này bắt đầu suy vong dần từ khoảng 1200 trước CN., có lẽ là do hậu quả của những thay đổi về môi trường, nhưng chắc hơn là do sự đổi hướng dòng chảy của sông Indus, tuy cũng có những dấu vết của sự tàn phá do chiến tranh. Tuy nhiên, những dấu vết này không liên quan gì đến sự xuất hiện cùng thời của những bộ tộc xâm lăng từ phía Tây Bắc tràn xuống. Rất có thể những bộ tộc này đã đến đây đúng vào lúc nền văn hóa này đang tàn lụi.

Văn Hóa Vêđa

Người ta vẫn còn tranh cãi về bản chất đích thực của cuộc xâm lăng này và các tác giả hiện đại đã coi nó như là một sự thẩm thấu văn hóa hơn là một cuộc xâm nhập bằng quân sự. Tuy nhiên, phần lớn các tác giả đều mô tả về những bộ tộc mới tới này như là những đợt di dân nối tiếp nhau của các bộ tộc du mục bị đẩy ra khỏi quê hương của họ vốn từng trải dài từ Trung Âu sang Trung Á, nên đã mở đường xuống phía Đông Nam để tìm những miền đất mới làm chỗ cư ngụ. Ngày nay, chúng ta biết họ là những tổ tiên của các dân tộc Ấn Âu, các bộ tộc chiến binh rong ruổi trên lưng ngựa và sử dụng những cỗ xe ngựa làm vũ khí để chiến đấu. Sau khi vượt qua những con đường xuyên qua Hi Mã Lạp Sơn dẫn tới phía Tây Bắc của biên giới Ấn Độ ngày nay, họ kiên trì nhưng quyết liệt càn quét theo hướng Đông băng qua toàn thể bán lục địa, mà phải mất nhiều thế kỷ sau họ mới hoàn toàn chiếm cứ được.

Họ mang theo nền văn hóa đặc trưng riêng của họ, gồm những vị thần riêng của họ như Indra, Varuna, Rudra, Vjus, v. v. . ., rất giống với những thần Hi Lạp cổ, ví dụ Dyaus Pitr, thần Bầu Trời, rõ ràng rất giống với thần Zeus của Hi Lạp và thần Jupiter của Roma. Họ cũng mang theo cơ cấu xã hội đặc trưng của họ được chia làm ba thành phần là tư tế, chiến binh, và nông dân. Thành phần thứ nhất gồm những gia đình đặc biệt chuyên làm nghề ngâm vịnh và cử hành nghi lễ, là tiền thân của giai cấp tư tế brāhmaṇa sau này; hai thành phần sau sẽ trở thành những giai cấp chiến binh kṣatriya và giai cấp thứ dân vaiṣya.

Họ cũng mang theo một thứ nguyên liệu bí ẩn gọi là soma, có thể là một thứ rượu hay nấm gây ảo giác, hình như để tạo ra những trạng thái xuất thần. Bất luận nó là gì, hình như nó đã gợi hứng cho rất nhiều bài thánh ca và bài thơ còn được lưu truyền từ thời kỳ này và sẽ trở thành bộ kinh Vêđa. Những nghi lễ do những nhà chuyên môn này thực hiện sẽ mang một ý nghĩa đặc biệt, vì các giai đoạn và các yếu tố của nghi lễ được nhìn như là phản chiếu và điều khiển các khía cạnh của vũ trụ – vì vậy việc thực hiện nghi lễ một cách đúng đắn sẽ bảo đảm cho vũ trụ này được tiếp tục tồn tại. Hơn nữa, cũng như vũ trụ được duy trì nhờ việc các tư tế “đặt tên” cho các đồ vật một cách mầu nhiệm, một số các tư tế bắt đầu nghĩ rằng có thể vũ trụ này đã phát sinh từ “Một” và nếu con người có thể đặt tên được cho cái “Một” này, thì họ sẽ có khả năng điều khiển được cái là nền tảng của toàn thể vũ trụ. Theo nghĩa này, việc thực hành tôn giáo ở thời kỳ này có thể được coi như là một cuộc tìm kiếm quyền năng.

Chúng ta biết được tất cả những điều trên đây nhờ những văn bản do những người này đã viết ra. Không hẳn chúng đã được viết ngay từ thời kỳ đầu, vì lúc ban đầu truyền thống đã được lưu truyền bằng miệng – được giữ riêng trong giới các gia đình tư tế, và được truyền từ đời cha sang đời con. Các tài liệu này đã được làm thành ba sưu tập lớn gọi là Rg, Yajur, Sma Veđa, tạo thành bộ kinh được coi là Kinh thánh cung cấp ba nguồn tri thức. Một sưu tập Vêđa thứ tư được soạn hơi muộn hơn, gồm những lời bùa chú để xua đuổi ma quỉ, gọi là Atharva Veđa. Sau đó, những sưu tập này lại lần lượt được tiếp nối bằng hai đợt biên soạn liên tiếp để hình thành các bộ kinh gọi là Brhmaṇas Āraṇyakas, trong đó ta càng ngày càng thấy rõ khuynh hướng suy tư huyền bí về bản chất vũ trụ và việc điều khiển vũ trụ bằng pháp thuật “đặt tên” cho các sự vật.

Một thời gian ngắn trước Đức Phật, bản kinh Upaniṣads bằng văn xuôi đã được biên soạn. Như tên của nó gợi ý, kinh Upaniṣads thu thập những lời giảng bí truyền, chỉ truyền từ ông thầy sang học trò mà thôi, vì chữ upa-ni-sad có nghĩa là “ngồi gần.” Bộ kinh này được coi là giai đoạn cuối cùng của kinh Vêđa, và vì thế được gọi là Vedānta, “kết hay tột đỉnh của Vêđa.” Ở đây, các yếu tố nghi lễ không có tầm quan trọng như trong các bộ kinh thời kỳ trước, thay vào đó, chúng ta thấy nhấn mạnh lời giảng dạy bí truyền và đầy ấn tượng về sự tái sinh và đầu thai. Sự quan tâm này rõ ràng thúc đẩy việc tìm kiếm cái “Một” là nền tảng của vũ trụ, và nhờ việc điều khiển được nó (bằng việc biết nó và gọi tên nó), người môn sinh có thể kiểm soát được vũ trụ, và nhờ đó thoát được vòng luân hồi vô tận của cái chết.

Phương pháp tìm kiếm này có hai khía cạnh – một mặt người ta đi tìm cái nền tảng của thế giới hiện tượng, cốt tuỷ của mọi đồ vật và sự vật ngoại giới, và cái đó được gọi là brahman; mặt khác người ta đi tìm cái sự vật hiện hữu tối hậu bên trong mỗi cá nhân, là cái cho chúng ta sự sống và ý thức, và cái này được gọi là ātman. Có lẽ tất yếu người ta sẽ đi đến giáo huấn bí truyền cuối cùng là đồng hóa hai thực tại này, và cho rằng tman brahman chỉ là một thực tại duy nhất. Trực giác này được tóm gọn trong các kinh Upaniṣads bằng những phát biểu nổi tiếng như tat tvam asi, “ngươi là cái đó,” và brahmo’ham, “tôi là brahman,” v. v. . . Người ta nghĩ rằng khi suy niệm những lời giảng này, người môn sinh đưa trực giác đó vào nội tâm của mình, nhờ đó được giải thoát khỏi vòng tái sinh và khỏi cái chết.

Trên đây là bức tranh khái quát về bối cảnh tôn giáo của Đức Phật, nhưng chúng ta cũng còn phải ghi nhận những đổi thay xã hội tổng quát hơn và có tầm quan trọng vào thời kỳ đó. Đặc biệt, chúng ta phải ghi nhận sự phát triển của kỹ thuật thời Đồ Sắt vào cùng thời kỳ này, bắt đầu khoảng 800 năm trước CN., giúp cho việc khai hoang những vùng rừng thưa rộng lớn để lấy đất canh tác – khiến cho cả vùng lưu vực sông Hằng đã trở thành khu dân cư từ khoảng 600 trước CN. – và nó cũng giúp phát sinh một kiểu chiến tranh mới cho giai cấp chiến binh kṣatriya. Các phương pháp nông nghiệp mới, đặc biệt lưỡi cày bằng sắt, giúp cải tiến sản xuất và thậm chí tạo ra một sản phẩm dư thừa, có thể dùng để cung cấp cho những tổ chức chính quyền và tôn giáo rộng lớn hơn.

Có những sự thăng trầm xã hội rộng lớn do sự tranh giành quyền lực của các vua chúa muốn bành trướng vương quốc của mình, dần dần thâu tóm những cơ cấu xã hội cũ theo cơ chế gia đình và bộ tộc của thời kỳ Vêđa. Đến thời Đức Phật sinh ra, chỉ còn có 16 thành phố tự trị trong các vùng Trung và Đông Bắc Ấn Độ do người Aryan xâm chiếm. Cũng như sự phát triển của tôn giáo Bà La Môn đã đi song song với cuộc xâm lăng từ từ của các bộ tộc Aryan ở khắp miền Bắc bán lục địa, thì tôn giáo của thời Vêđa và Brāhmaṇa cũng ngày càng liên kết với sự chính thống của cơ cấu xã hội, và với những chính quyền tập trung của thời kỳ đó.

Một hệ quả rất quan trọng của điều này là sự sản sinh ra một giai cấp thực hành tôn giáo mới từ bỏ những truyền thống Bà La Môn cũ và phủ nhận lời tuyên bố của họ là có đặc quyền trong việc hiểu biết sự khôn ngoan thần linh (kinh Vêđa) do giai cấp của họ được thừa hưởng. Giai cấp mới này được gọi là hành giả (parivrjaka) hay người khất sĩ. Vị hành giả (parivrjaka) là người bất mãn với những cơ cấu của xã hội hiện hành và với tôn giáo vụ lễ nghi của xã hội này, đã bỏ nhà và vai trò của mình trong xã hội để đi lang thang khắp nơi tùy thích, sống nhờ của bố thí và tìm kiếm giải thoát tâm linh. Sau này chính Đức Phật cũng gia nhập giai cấp những vị hành giả này khi Ngài bắt đầu con đường tìm kiếm giải thoát cho mình.

Chúng ta có những tài liệu vững chắc về ba phương pháp mà những vị hành giả (parivrjaka) này sử dụng để thể hiện cuộc tìm kiếm của họ (3). Có những người nhấn mạnh vào tính siêu thế, tu luyện nhiều phương pháp luyện thiền khác nhau, giữ tâm linh thanh thản và tập trung vào một vật duy nhất. Nhóm người thứ hai nhấn mạnh sự tự tại và sức mạnh hầu như dựa trên ma thuật mà họ có thể đạt được nhờ trực giác được bản tính, thậm chí biết được tên gọi của nguyên lý tối cao làm nền tảng cho vũ trụ. Rồi cũng có những người thuộc nhóm thứ ba quan tâm hơn tới sự thanh tịnh và ô trọc của thân xác con người, nên dùng những hình thức tu đức khác nhau để thanh tẩy tâm hồn mình nhờ đó tâm hồn được nhẹ bớt khỏi những sự ô uế và có thể bay bổng lên tới đỉnh cao vũ trụ tâm linh. Các vị thiền sư thuộc các trường phái dị biệt này được gọi là Sa-môn (srmanas), có nghĩa là “người cố gắng” hay “người mệt mỏi [vì thế giới?]”(chán đời).

Cũng còn có những nhóm các vị hành giả khác chủ trương những quan điểm triết học khác nhau. Có thể kể đến những người Ajīvakas – những người theo thuyết tất định, chăm chú phân tích chi tiết hiện tại, và chủ trương rằng mọi chúng sinh đều dần dần tiến tới sự hoàn thiện bất kể họ có cố gắng hay không; những người Lokyatas – những người theo thuyết duy vật, bề ngoài có vẻ chủ trương khoái lạc thuyết, vì họ phủ nhận nhân quả thuyết và cho rằng người ta phải hành động theo ý thích của mình; rồi cũng có những người theo thuyết hoài nghi – thường được đề cập đến trong Kinh Phật bằng biệt danh xấu là amavrvikkhepikas (kẻ giỏi luồn lách) – họ không nhìn nhận mà cũng chẳng phủ nhận bất kỳhọc thuyết hay niềm tin đặc biệt nào; và ta có thể họ là đa số những vị hành giả này chẳng nhắm mục tiêu tìm kiếm tâm linh nào cả, mà chỉ là thích một cuộc sống khoáng đạt và trốn tránh trách nhiệm xã hội mà thôi. Ta có thể tìm hiểu một số quan điểm của một số người đương thời với Đức Phật trong các kinh Phạm Võng Kinh (Brahmajla) Sa-môn quả Kinh (Smannaphala) trong Trường Bộ Kinh (Dīgha-Nikya (4).

—–*—–

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app