20
PHẬT GIÁO Ở ĐÔNG NAM Á
Lịch sử Phật giáo thời kỳ đầu tại Đông Nam Á mang tính chất chọn lọc và rời rạc, tuy sau này nó sẽ mang những nét hoàn toàn đặc trưng của tông phái Phật giáo Theravda. Lịch sử Phật giáo thời sau trong vùng này được đặc trưng bởi một mối tương quan mật thiết giữa bản sắc tôn giáo và bản sắc quốc gia, và việc công bố một học thuyết chính thống cực đoan xuất phát từ những tác phẩm của Buddhaghosa, dựa theo kiểu mẫu những sự phát triển ở tu viện Mahvihra tại Sri Lanka.
Miến Điện
Vùng đất mà ngày nay là nước Miến Điện (Myanmar) đã đóng một vai trò quyết định trong việc bành trướng Phật giáo trong cả vùng, và thực ra hình như nó đã là vùng lục địa đầu tiên ngoài Ấn Độ chịu ảnh hưởng của Phật giáo, khi một đoàn truyền giáo được vua Aśoka (thế kỷ III tr. CN.) gửi tới các dân tộc Môn của vùng Hạ Miến và Thái Lan. Người ta cho rằng hai vị sư Soṇa và Uttara đã đón nhận một hình thức của tông phái Sthaviravāda. Các đoàn truyền giáo tiếp theo từ Sri Lanka và Nam Ấn Độ đã đến đây vào thế kỷ I trước CN., và đã thiết lập vững vàng sự hiện diện của một cộng đồng Phật giáo nguyên thủy giữa những người Môn.
Tổ tiên của người Miến Điện ngày nay đã chiếm cứ vùng đất này khi họ di chuyển từ bản địa của họ ở miền Đông Hi Mã Lạp Sơn để xuống phía Nam và đã thiết lập vương quốc Pyu, là vương quốc đầu tiên của người Miến, tại Trung Miến Điện vào thế kỷ III CN. Vùng Thượng Miến có sự tiếp xúc lần đầu tiên với Phật giáo qua những đoàn truyền giáo đường bộ từ Bắc Ấn Độ, những đoàn này đã đến đây trong các thế kỷ III tới V CN., họ mang theo những lời giảng và thực hành của các tông phái Sarvāstivāda và Đại Thừa, và tới thế kỷ VII, họ cũng mang theo cả những ảnh hưởng thần bí Tantra nữa. Vì ở gần với Nam Ấn Độ và Sri Lanka về địa lý, nên Theravāda cũng được thiết lập ở Trung Miến Điện. Những di tích về đền đài của Phật giáo tại thành phố Beikthano của Pyu có niên đại là thế kỷ IV và là bằng chứng vững chắc về những mối quan hệ của nó với các cộng đồng Phật giáo ở Nāgārjunakoṇḍa, có lẽ là dựa trên công việc buôn bán. (170)
Tình hình này còn tồn tại cho tới khi có cuộc thống nhất hai vùng Hạ Miến và Thượng Miến dưới thời vua Miến là Anawratā (thế kỷ XI), người đã đưa về miền Thượng Miến các vị sư từ vương quốc bị chinh phục của người Môn (một phần thuộc miền Hạ Miến), và cho các vị sư này quyền kiểm soát toàn thể Tăng Già trên khắp nước. Ảnh hưởng của các vị sư này, đại diện cho tông Theravāda kỳ cựu vốn được người Môn duy trì, được gia tăng nhờ ảnh hưởng của một vị sư người Miến tên là Chapaṭa, là người đã được thụ giới ở Sri Lanka trong cuộc cải tổ Tăng Già Mahāvihāra của vua Parakkama Bhu I. Từ đó về sau, Theravda được sự bảo trợ mạnh mẽ của vua, và vào thế kỷ XV, vai trò dhammarāja, “trưởng Giáo pháp” với quyền kiểm soát tất cả các tu viện trên cả nước, được trao cho bất kỳ vị sư nào được chọn làm quốc sư cho vị vua cầm quyền. Điều này trùng hợp với cuộc cải tổ việc nối dòng thụ giới. Từ trước đến nay luôn luôn có bốn truyền thống biệt lập gắn liền với các nguồn gốc Sri Lanka và Miến Điện. Bây giờ cả bốn truyền thống này được thống nhất thành một dòng thụ giới duy nhất do mười tám vị sư đã từng được gửi sang tu viện Mahāvihāra của Sri Lanka. Các mối quan hệ với Sri Lanka rất mạnh, các sư đi tới đó để hành hương. Tuy nhiên, không nên nghĩ rằng Phật giáo Miến Điện hoàn toàn thuộc tông phái Theravāda. Việc thờ cúng dân gian đối với vị A La Hán, Upagupta Sarvāstivādin vẫn còn tồn tại ở Miến Điện, cũng như ở một số miền ở Thái Lan và Lào. (171) Một nguồn chính quan trọng cho truyền thuyết thờ cúng dân gian này là cuốnLokapaññatti, một bản văn chủ yếu về vũ trụ luận được biên soạn ở Hạ Miến vào thế kỷ XI hay XII. Một tác phẩm Miến Điện quan trọng khác là Saddanīti, cuốn ngữ pháp chính thức của tiếng Pāli, được viết bởi nhà sư Aggavaỵsa vào thế kỷ XII.
Việc chuyên chăm học kinh điển Phật giáo là một nét đặc trưng của Phật giáo Miến Điện. Sự chuyên chăm này đã mang lại một kết quả đặc biệt là sự truyền đạt một cách đáng tin cậy toàn bộ Kinh điển Pāli tại đây, mặc dù người Miến hết sức quan tâm tới Vi diệu pháp (Abhidhamma). Biểu hiện rõ nét nhất cho trào lưu này được chứng tỏ trong các Đại hội thứ năm và sáu, được triệu tập lần lượt ở Mandalay vào năm 1871 và ở Rangōn vào năm 1954-56, trong cả hai Đại hội này, kinh điển đã được duyệt lại toàn bộ.
Căm Bốt
Giống như các miền đất khác tại vùng Đông Nam Á, Căm Bốt đã đón nhận những ảnh hưởng văn hóa sâu đậm từ Ấn Độ, và vì vậy nó được chứng kiến một sự pha trộn giữa thần giáo Siva và Phật giáo vào thời kỳ đầu. Các cộng đồng Phật giáo Đại Thừa đã được thiết lập từ thế kỷ II CN., và tới thế kỷ V đã được các vị vua theo thần giáo Siva bảo trợ mạnh mẽ. Sau một thời kỳ bị đàn áp ở thế kỷ VII, một loạt những vị vua kế tiếp nhau theo thần giáo Vishnu và Siva đã tự nhận mình là những vị Bồ tát, bảo trợ mạnh mẽ cho các cộng đồng Phật giáo. Vô số vàng bạc châu báu được đổ vào các đền thờ, trong đó có đền Angkor Wat, mặc dù việc bòn rút của cải đất nước để đổ vào các nơi này đã gây nên hai cuộc nổi dậy lớn ở thế kỷ XII. Bất chấp sự phục hưng phái Đại Thừa tại hoàng triều ở thế kỷ này, tông phái Phật giáo Theravāda đã bắt đầu dần dần lôi kéo được đông đảo dân chúng, có lẽ do ảnh hưởng của Thái Lan. Chứng cớ niên đại đầu tiên là một bi ký đề năm 1230. Đến thế kỷ XIV, vị vua đầu tiên theo Theravda tên là Jayavarman Parameśvara lên cầm quyền, và hoàng triều theo Đại Thừa cũ cũng biến mất với việc quân đội Thái xâm chiếm thủ đô năm 1431. Tông nhánh Dhammayutika được đưa vào Căm Bốt năm 1864.
Căm Bốt cũng bảo tồn được những chứng cớ chính yếu về một hình thức Phật giáo Nguyên thủy bí truyền, đôi khi gọi là Theravda “Tantra”. (172) Người ta không biết nguồn gốc đích xác của hiện tượng này, nhưng hình như không phải từ một nguồn Đại Thừa hay Siva vì nó hoàn toàn dựa vào Kinh điển Pāli để đối chiếu các kinh. Có lẽ đúng hơn nó là một biểu hiện tự nhiên của những phát triển Tantra xảy ra trên khắp Ấn Độ, khi được giới hạn vào một môi trường không Đại Thừa. Sản phẩm được biết đến nhiều nhất của truyền thống này là Cẩm Nang của Yogāvacara, một trong số những thủ bản thiền định ít nhiều có liên quan mật thiết với nhau.
Thái Lan
Người Môn cũng chiếm giữ một phần của miền đất này là các nước Thái Lan và Lào, và họ chia sẻ ảnh hưởng của tông phái Theravāda nơi người Môn ở Miến Điện. Trong thời kỳ thống trị nước Căm Bốt ở thế kỷ XI và XII, Thái Lan đón nhận những ảnh hưởng của Đại Thừa và Ấn giáo, và cũng chịu những ảnh hưởng của các dân tộc Thái từ Nam Hoa vào trong vùng này. Cả Thái Lan và Lào đều là những vương quốc độc lập từ thế kỷ XIII, và cả hai đều đã đón nhận những đoàn truyền giáo Theravāda vào thế kỷ XIV – Thái Lan từ Miến Điện, Lào từ Căm Bốt – tuy cũng chắc rằng đã có một ảnh hưởng trước đó từ tông phái Theravda của dân tộc Môn mà họ tới định cư. Sự quan tâm của hoàng triều đối với Phật giáo ở Thái Lan được biểu trưng bằng việc vua Lu Thai hoàn toàn thụ giới năm 1384, và người ta cho rằng vua đã chấp nhận thành Phật để có thể giúp các thần dân của mình thoát vòng luân hồi – như thế cho thấy có một ảnh hưởng của Phật giáo Đại Thừa.
Năm 1350, một triều đại mới được thiết lập ở Ayudhya, nhờ đó Bà La Môn giáo phần nào có được một ảnh hưởng ngang tầm với Phật giáo tại hoàng triều, và mặc dù Phật giáo vẫn còn là quốc giáo, nhưng nó đã bị pha trộn với những việc thực hành của Bà La Môn giáo. Dưới thời vua Paramatrailokanāth (1441-81), những người Thái được gửi sang Sri Lanka thụ giới và trở về cùng với các sư Sri Lanka để thiết lập một dòng thụ giới mới ở Thái Lan, và vào đầu thế kỷ XVIII, các sư từ Thái Lan đi sang Sri Lanka truyền giới cho các Tỳ khưu và vì vậy đã thiết lập tông nhánh Xiêm tại đây, bằng cách phục hưng Tăng Già Sri Lanka.
Năm 1761, quân đội Miến xâm chiếm thủ đô và phá huỷ hầu hết các chùa chiền và cơ sở Phật giáo ở Ayudhya, khiến cho Thái Lan cảm thấy cần có một cuộc tái thiết sâu rộng khi đất nước giành lại được quyền cai trị vào năm 1767. Tak Sin, vị vua mới, từng được một vị sư Phật giáo dạy dỗ đã thanh tẩy Tăng Già (sa thải chính trưởng tăng saṅgharāja), giới hạn ảnh hưởng của Bà La Môn giáo ở triều đình, và truyền lệnh đưa về lại thủ đô một bản Tam Tạng đầy đủ. Một tông phái cải cách có tên là Thammayutika Nikāya, nghĩa là “dòng thụ giới theo Giáo pháp” đã được thiết lập với sự bảo trợ của nhà sư thái tử Mongkut (1824-51), một phần chịu ảnh hưởng của Sri Lanka. Dưới triều đại của Mongkut, bắt đầu từ năm 1851, các nhà sư có trình độ hơn của phong trào cải cách thiểu số đã giành được những địa vị cao hơn trong xã hội, tạo nên mối căng thẳng lớn giữa họ và những đại diện của phái Đại tông Mahānikāya không cải cách. Dưới ảnh hưởng của Thái Lan, các tông Mahānikāya và Thammayutika đã bành trướng sang cả Lào và Căm Bốt.
Những nước chúng ta đã bàn đến trên đây đều theo chung một kiểu mẫu được các quốc gia tân lập chấp nhận như một phương tiện để hợp thức hóa các chính quyền của họ, đó là có một Tăng Già với cơ cấu chuẩn mực và giáo lý nguyên thủy Theravāda dựa trên giáo lý nguyên thủy của tông phái Mahāvihāra ở Sri Lanka. Mối quan hệ gắn bó giữa nhà nước và tôn giáo rõ ràng cũng là rập theo khuôn mẫu của Sri Lanka, còn khuôn mẫu của Sri Lanka được gợi hứng từ gương của vua Aśoka và sự can thiệp của vua trong Tăng Già tại Đại hội thứ ba. Một phần nào đó, sự ảnh hưởng này là tích cực và ích lợi, nhiều vị vua cố gắng noi gương vị trưởng lão Phật pháp (dhammarāja) cai trị với tinh thần công minh chính trực. Chúng ta cũng không được quên rằng, giống như ở Tây Tạng và Nhật Bản, Phật giáo sẽ đóng một vai trò quyết định trong việc đưa nền văn hóa cao hơn vào những nước này.
Việt Nam
Việt Nam phần nào đứng tách riêng ra khỏi khuôn mẫu chung của các nước Đông Nam Á khác, vì nó chịu ảnh hưởng chủ yếu của nền văn hóa Trung Hoa, đặc biệt ở miền Bắc, cả sau khi giành được nền độc lập ở thế kỷ X. Những người Phật giáo đầu tiên đến Việt Nam là những người tị nạn của thời Tam Quốc đầy nhiễu nhương bên Trung Hoa (khoảng 189 CN.), nhưng về sau còn có những đoàn truyền giáo khác thuộc cả phái Đại Thừa và ngoài Đại Thừa ở thế kỷ III. Nhờ vị trí địa dư thuận lợi, Việt Nam được hưởng sự qua lại của các thương gia và các nhà truyền giáo dọc theo đường biển giữa Trung Hoa và Ấn Độ. Các nhà truyền giáo Phật giáo, khi đến Trung Hoa bằng đường biển từ Ấn Độ và các nước Nam Á khác, chắc hẳn đã dừng chân ở Việt Nam. Cũng vậy, các nhà sư Ấn Độ, Tây Tạng, và Trung Hoa từ Trung Hoa đi đường biển cũng dừng chân tại Việt Nam. Phật giáo cũng được truyền sang Việt Nam từ những nguồn gần hơn, gồm vương quốc Chămpa (trên bờ biển Đông Việt Nam), vương quốc này một phần đã được các nhà thuộc địa Ấn Độ thiết lập vào thế kỷ II CN. (cho tới khi bị Việt Nam sát nhập vào thế kỷ XV), và từ Căm Bốt. Cả hai nước này đều theo cả tông phái Phật giáo hỗn hợp Siva-Đại Thừa và tông phái Theravda, tuy có lẽ Chămpa đã có sự hiện diện của tông phái Theravda ngay từ thế kỷ III, trong khi Cam Bốt thì mãi tới thế kỷ XII mới đón nhận Theravda.
Phật giáo tại Việt Nam mang ba hình thức đặc trưng chịu ảnh hưởng chủ yếu của Trung Hoa: truyền thống A-Hàm (āgama), có lẽ có từ thế kỷ II; truyền thống Thiền, có từ thế kỷ VI, và trường phái Tịnh Độ, gồm việc thờ cúng A Di Đà, phổ biến trong dân gian, còn hai hình thức kia giới hạn vào các tu viện. Tiểu Thừa đạt được một số thành công trong thời kỳ đầu, nhưng về sau phải nhường chỗ cho ảnh hưởng của Đại Thừa. Sau thế kỷ XII, hai truyền thống Thiên Thai và Tịnh Độ sát nhập vào làm một và từ đó trở thành nét đặc trưng của Phật giáo Việt Nam cho tới thế kỷ XX. Phản ánh những điểm khác biệt trong việc Phật giáo du nhập vào Việt Nam, Phật giáo miền Bắc chủ yếu theo kinh điển Trung Hoa, còn miền Nam dựa trên kinh điển Pāli trong văn bản Căm Bốt.
Inđônêxia
Inđônêxia cũng ở ngoài khuôn mẫu Đông Nam Á. Theo ông Hoa Sanh, một du khách Trung Hoa đến thăm Sumatra năm 414 CN., không có dấu vết nào về Phật giáo tại đây, nhưng đến thế kỷ VI thì triều đại Śailendra đã trở thành Đại Thừa, và Nhị Tịnh đã gặp các Phật tử Đại Thừa tại đây khi ông đến thăm vào năm 690, và các sư tuân giữ luật Vinaya của phái Mūla-Sarvāsitvādin, với một ít sư thuộc tông nhánh Sammitīya. Trong số những đền đài bằng đá được xây dựng dưới triều Śailendra, ngôi đền ở Borobudur cho thấy dấu vết hiển nhiên về sự hưng thịnh của Phật giáo vào thời kỳ này. Ngôi đền tạo thành một thành phố lớn biểu tượng bằng hình tròn, với bảy mươi tháp chứa các tượng của Vairocana và Phật và vô số các hình chạm nổi vẽ những cảnh được mô tả trong các kinh Gaṇḍavyūha Sūtra, Lalitavistara, và Divyāvadāna. Một tập hợp pha trộn các kinh điển thần bí gồm các yếu tố Phật giáo và Siva giáo và được sự bảo trợ của vua, đã phát triển trong các thế kỷ XII và XIII, nhưng đã bị quét sạch cùng với các nhà cai trị sau cuộc nổi dậy của Hồi giáo vào thế kỷ XV.
—–*—–