Đại Cương Lịch Sử Phật Giáo Thế Giới – Phần I: Phật Giáo Ở Ấn Độ – Nguồn Gốc Đại Thừa

11

NGUỒN GỐC CỦA ĐẠI THỪA

Trong những thế kỷ trước và sau khởi đầu của công nguyên, đã bắt đầu xuất hiện những học thuyết phê bình các khía cạnh của Phật giáo của các trường phái Nguyên thủy, và đưa vào những quan tâm tôn giáo mới riêng của họ. Dưới góc nhìn thời nay, không thể nào biết được chính xác bối cảnh của những sự tiến triển này, ngoài sự kiện chúng được lồng vào những kinh mới không thuộc về Tam Tạng của các trường phái thời kỳ đầu. Dần dần, phong trào mới này tự gọi mình là Mahāyāna, có nghĩa là “Đại Đạo”, bằng cách đối lập với những trường phái không phải Mahāyāna mà họ gán cho cái tên gọi là Hīnayāna, nghĩa là “Tiểu Đạo hay Hạ Đạo”. (Từ yāna cũng thường được hiểu với nghĩa là “cỗ xe”. Nghĩa này cũng thích hợp, nhưng trong kinh Saddharma-puṇḍarīka Sūtra của Mahāyāna thời kỳ đầu, rõ ràng yāna được hiểu theo nghĩa rộng là “đường”, hay “đạo”. Có lẽ sự lẫn lộn này đã bắt nguồn từ những bản dịch tiếng Trung Hoa của Saddharma-puṇḍarīka Sūtra (104) – Kinh Diệu Pháp Liên Hoa) [*] Phái Đại Thừa cho rằng những mục tiêu và ước vọng của các trường phái ngoài Đại Thừa – đạt sự giải thoát cá nhân và bậc A La Hán – là ích kỷ và thiếu sót, và họ thay thế bằng sự nhấn mạnh triệt để vào sự vị tha và Giác ngộ hoàn toàn, trở thành Bồ tát, và trở thành một vị Phật toàn giác để có thể cứu độ chúng sinh.

[*] Ngoại trừ đoạn này của tác giả, tất cả các chỗ khác trong bản dịch này vẫn dùng tên gọi “Đại thừa” để dịch Mahàyàna, và “Tiểu thừa” để dịch Hìnayàna, theo lối nói thông dụng tại Việt Nam (người dịch).

Tuy nhiên, việc tự đặt tên cho phái của mình là “Đại Thừa” không phải đã xuất hiện ngay từ đầu. Những đoạn văn cổ xưa nhất của kinh Saddharma-puṇḍarīka Aṣṭasāhasrikā-Prajñāpāramitā Sūtra không có một số thuật ngữ Đại Thừa trọng yếu (105), và những kinh Vajracchedikā Kāśyapa-parivata không nhắc đến lý tưởng Bồ tát (106). Kinh Ajitasena Sūtra được xem là một kinh tiền – Đại Thừa (107), mô tả một śrāvaka và một bà già giặt quần áo cùng được tiên báo sẽ trở thành Phật toàn giác, và trong suốt kinh này không hề có chỗ nào phê bình các lí tưởng thiêng liêng của các trường phái ngoài Đại Thừa, cũng không hề nhắc tới từ Mahāyāna. Nhìn chung, các chứng cớ trong văn bản cũng như trên các bia khắc đều không cho thấy tên gọi Mahāyāna được thịnh hành trước thế kỷ IV. (108) Nhưng những bản văn cổ xưa này cho thấy ba lãnh vực đặc trưng cho những mối quan tâm riêng của phái Đại Thừa, đó là: lập trường giáo lý và những việc thực hành của các trường phái Abdhidharma, sự thay đổi thân phận của Đức Phật, và mối tương quan giữa thân phận của người xuất gia và người phàm trong việc đạt giác ngộ – từng điểm một đều là những câu trả lời cho những xu hướng phát triển được thấy rõ trong những trường phái ban đầu.

Trong số các kinh cổ xưa nhất của Đại Thừa, các kinh Bát-nhã Ba-la-mật (Perfection of Wisdom) đả kích quan điểm được gán cho những người theo Vi Diệu Pháp (và có lẽ là một ám chỉ trực tiếp tới thuyết sarvam asti của phái Sarvāstivādin (109)), vì quan điểm này cho rằng các dharmas của Vi Diệu Pháp có một loại hiện hữu tối hậu, theo nghĩa là chúng biểu trưng cho những yếu tố thường hằng và không thể giản lược, từ đó phát sinh các sự vật của thế giới kinh nghiệm. Trọng tâm của cuộc tranh luận này là khái niệm svabhāva, “tự tánh hay bản thể” mà Vi Diệu Pháp dùng để nói về đặc tính độc đáo xác định các dharmas. Kinh Bát-nhã mở rộng ý nghĩa “đặc tính xác định” của thuật ngữ svabhāva này để hiểu nó đồng nghĩa với “hiện hữu nội tại”, nghĩa là hiện hữu thường hằng, tối hậu. Hiểu như thế, svabhāva không chỉ trở thành một khái niệm chuyên môn của Vi Diệu Pháp, mà còn là một tóm lược các quan điểm thông thường về sự thường hằng và hữu ngã trong thế giới. Phê bình này lập luận rằng, mặc dù Vi Diệu Pháp cho rằng nó đã đạt tới chân lí tối thượng bằng việc phân tích mọi kinh nghiệm thành những yếu tố cấu thành nó là những dharmas, trong thực tế Vi Diệu Pháp đã rơi vào cùng một sai lầm giống như con người không giác ngộ, vì nó gán cho những dharmas này một sự hiện hữu thường hằng, tối hậu. Nếu như Vi Diệu Pháp dạy về pudgalanairātmya, “nhân không hay con người không có bản ngã” thế nào, thì Kinh Bát-nhã cũng dạy về dharmaśūnyatā, “sự trống rỗng của dharma” như thế.

Ngoài ra, Vi Diệu Pháp có vẻ như khai triển một khái niệm tương đối tiêu cực về Niết bàn. Điều này được biểu hiện qua việc coi sự thực hành kinh nghiệm thiêng liêng một cách khá hẹp hòi và không phù hợp với cảm xúc, loại bỏ khả năng tiến bộ thiêng liêng qua sự tương tác cá nhân và sự mộ đạo (110) – mặc dù trong kinh điển Pāli có nhiều gợi ý rằng những việc này nguyên thủy rất quan trọng. Hơn nữa, Vi Diệu Pháp thời kỳ sau tạo ấn tượng rằng chỉ cần thấu triệt được con số các yếu tố cũng được coi là đạt được trí tuệ thiêng liêng (111). Vì thế Đại Thừa nhấn mạnh về sự “hoàn thiện” trí tuệ, sự thành đạt trí tuệ, là điều hoàn toàn siêu vượt trí tuệ của Vi Diệu Pháp.

Người ta thấy rõ rằng bản tính của Độc giác và của Phật Bảo là một vấn đề được quan tâm và tranh cãi trong các trường phái ngoài Đại Thừa. Nhiều kinh Đại Thừa làm chứng về những ước vọng sâu xa của nhiều Phật tử là được thấy các vị Phật, dù là Phật Thích Ca Mâu Ni hay những vị Phật khác sau này. Sự phát triển này rõ ràng có liên quan tới những trường phái thiền ở Kashmir và Trung Á, từ đó có thể đã phát sinh những ý tưởng về các vị Phật “Thiền” và Bồ tát. Các kinh Đại Thừa mới trình bày một số hình thức thực hành thiêng liêng xoay quanh việc tôn sùng những vị Phật và Bồ tát lý tưởng mới này (112). Bối cảnh lịch sử của thời kỳ phát sinh Đại Thừa này là một thời kỳ chính trị đầy rối loạn và nhiễu nhương ở miền Bắc Ấn Độ. Các cuộc ngược đãi Phật giáo của Puṣyamitra Śuṅga (183-147 trước CN.) được tiếp nối bằng những cuộc xâm lăng liên tục từ phía Tây Bắc, bắt đầu là cuộc xâm lăng của những người Śakas (khoảng 90 trước CN.). Vua Kaniṣka là một vị vua bảo trợ Phật giáo, đã giành được quyền kiểm soát vương quốc ở phía Tây Bắc từng được thiết lập bởi làn sóng xâm lăng thứ hai bắt đầu vào đầu thế kỷ I CN. Có thể chắc là tình trạng bất ổn định và thiếu an toàn của thời kỳ này đã góp phần làm phát sinh những hình thức tôn giáo mới được mô tả là phái Đại Thừa, và có thể là ở nhiều nơi, việc thực hành buddhānusmqti, niệm Phật, được khuyến khích như là một liều thuốc giải chống lại sự sợ hãi (113).

Các kinh Đại Thừa rõ ràng đánh giá lại những vai trò tương quan giữa người hành đạo xuất gia và những người thế tục, cho thấy rõ rằng phong trào mới này ít nhấn mạnh ở danh nghĩa là một người xuất gia như điều kiện tiên quyết để trở thành Bồ Tát. Điều này được gợi ý từ những dẫn chứng thường xuyên về những con người thế tục, đôi khi là phụ nữ, đã đạt tới những mức độ cao, và đạt tột đỉnh nơi nhân vật Duy-ma-cật (Vimalakīrti), một vị Bồ tát tại gia vượt lên trên tất cả những śrāvakas và cả những vị Bồ tát mẫu mực nữa. Nguyên tắc ở đây có lẽ là việc đạt bậc thánh không bị giới hạn hay xác định bởi địa vị hay vai trò chính thức mà người ta có trong Tăng Già.

Tuy nhiên, điều này không nhằm công nhận Đại Thừa là do các tục nhân khỏi xướng, như thường được khẳng định như vậy, đặc biệt nơi các học giả Nhật Bản. Điều như vậy không thể xẩy ra được vì những cải cách đổi mới xuất hiện nơi Phái Đại Thừa luôn luôn có liên đới với các nhà sư. Nhân vật đề xuất vĩ đại các Kinh Bát nhã Ba-la-mật-đa (Perfection of Wisdom) này chính là nhà sư tên là Long Thọ – ngrjuna , và ngay cả khi có người đặt vấn đề về tính chính xác nơi những bản kinh mới, thì việc buộc tội cũng không bao giờ nhắm vào những sáng tạo phàm tục. Có một bằng chứng khắc trên đá không thấy ám chỉ bất kỳ một bảo trợ đáng kể nào thuộc phần người đời có dụng ý tham gia vào phong trào Đại Thừa này, mãi cho đến thế kỷ thứ sáu sau CN, tức là sáu trăm năm sau ngày Các Kinh Đại Thừa được biên soạn, vào thời điểm, tính theo cách sắp xếp các nghiên cứu niên đại qui ước cho thấy, trường phái Kim Cương Thừa (Vajrayana) đã thế chỗ Trường Phái Đại Thừa. Không có bằng chứng nào cho thấy Trường Phái Đại Thừa đã toan tính phỉ báng hay loại bỏ cách sống tu trì (như một số người thường cho rằng việc này có liên quan đến một cuộc ‘chống đối’ của nhân tố người đời ở đây. Nếu như điều này ghi lại được bất kỳ điều gì thuộc quan điểm chánh đạo khổ hạnh hơn, thì đó cũng chỉ là những lời phê phán được lặp đi lặp lại về những nhà sư nào quay trở lại với đời sống ngoài đời. Như trong Tam Tạng Kinh thuộc các trường phái ngoài Đai Thừa, những Kinh gồm cả những người đối thoại phàm tục lẫn các vị ẩn sĩ. Và những giáo lý dành cho các cộng đoàn người cư sĩ lẫn người xuất gia (thí dụ: Kinh Ugradattapariprccha và Upalipaiprccha) Các Kinh Phật thuộc phái Đại Thừa rõ ràng là sản phẩm chỉ xuất hiện nơi bối cảnh tu trì mà thôi. Đặc biệt các kinh có liên quan đến hành thiền như đã nhắc đến ở trên, vì những cuộc hành thiền tập trung cao độ chắc chắn chỉ là đặc ân thấy nơi các vị chuyên viên đã thoát khỏi mọi ràng buộc trách nhiệm gia đình. Tuy nhiên, rõ ràng những vị sư này đã có tầm nhìn phát triển tâm linh, vượt lên hẳn những thói hình thức tu hành, và rất có thể điều này có liên quan đến với trào lưu rõ ràng nơi một số các trường phái thời ban đầu đã đặt vấn đề về thân phận một vị A-la-hán.

Cần nhớ lại rằng vào thời kì này (thế kỷ I trước CN. tới thế kỷ I CN.), Phật giáo đã trở thành một hiện tượng ít sôi động hơn là cộng đồng ban đầu vào thời Đức Phật. Phật giáo lúc này được thừa hưởng nhiều của cải đất đai do dâng cúng, và được các vị vua bảo trợ, đặc biệt các vị vua xâm lăng ngoại quốc muốn tìm sự ủng hộ của Phật giáo để chống lại học thuyết Bà La Môn giáo của Ấn Độ, vì Bà La Môn giáo luôn coi người nước ngoài như là thành phần ti tiện nhất trong xã hội và tôn giáo. Việc phát triển đời sống tu viện, sự tăng dần tính phức tạp của nó (biểu hiện nơi sự phát triển luật Vinaya) chắc hẳn đã làm phát sinh sự phân cách sâu xa hơn giữa đời sống tu và đời sống thế tục.

Có thể những nhân vật thế tục được trình bày một cách rất tích cực trong các kinh Đại Thừa, là một sự phê bình mặc nhiên mà những người thuộc trường phái Mahāsaṅgha dùng để chống lại những Tỳ khưu bảo thủ và tự phụ, những người tuyên bố rằng giác ngộ chỉ dành cho các Tỳ khưu, và vì thế chỉ Tỳ khưu là có được đặc quyền của bậc A La Hán. Trong khi vào thời Đức Phật, Giác ngộ được nhìn như là một sự thành đạt duy nhất, không phân biệt, theo nghĩa sự Giác ngộ mà người môn đệ đạt được thì cũng hoàn toàn giống sự Giác ngộ mà Đức Phật đã đạt được, thì người Đại Thừa lại nhấn mạnh sự khác biệt giữa hai sự thành đạt này để hạ thấp địa vị của những người được coi là A La Hán trong các tu viện, và để khẳng định lại những giá trị thiêng liêng nguyên thủy trong lời dạy của Đức Phật. Mặt khác, việc nhấn mạnh vào các năng lực kỳ diệu của các môn đệ thế tục có thể cũng được dùng như là những ẩn dụ để nói về năng lực của những lí tưởng thiêng liêng được đề cao trong các kinh điển mới. Dù thế nào, vì mục tiêu trở thành Phật toàn giác sẽ được coi là cao hơn bậc A La Hán, nên người thế tục với khả năng trở thành Bồ tát cũng có một tầm quan trọng lớn. Về phương diện này, ảnh hưởng của các câu chuyện trong tiền thân (Jātaka) có một ý nghĩa rất lớn, vì trong những câu chuyện này, người sẽ trở thành Phật được mô tả như những con người bình thường, thậm chí như những con vật, mà truyện Jātaka lại luôn luôn là một trong những phương tiện phổ biến nhất để giáo hóa người ta.

Nhưng động lực nằm trong sự phát triển này không phải là một sự li khai theo nghĩa chuyên môn. Trong khi lý thuyết Đại Thừa tiến triển nhất phê phán những thái độ của Tiểu Thừa, điều này phát xuất từ ý thức cá nhân, chứ không phải từ một cơ chế có tính chất kỳ thị. Không hề có cái gọi là luật Vinaya Đại Thừa. Mọi tỳ khưu Đại Thừa đều được thụ giới trong các Nikāyas của các trường phái ngoài Đại Thừa, và tuân giữ bất cứ loại luật Vinaya nào thuộc về Nikāya đó. Các tỳ khưu Đại Thừa sống trong cùng các tu viện với các huynh đệ “Tiểu Thừa” của mình, như ghi nhận của các người hành hương Trung Hoa thời trung cổ, tuy rằng họ cũng bổ sung luật Vinaya chung bằng những quan điểm đặc trưng của riêng họ về luân lý. Xét riêng, học thuyết mới về upāya, “phương tiện [hiệu quả]” đã tương đối hóa luật Vinaya bằng cách khẳng định lại tính thiết thực thiêng liêng trong việc thực hiện từ bi vượt qua tính hình thức của luật. Ngay cả ngày nay, các Phật tử Tây Tạng tất cả đều theo giáo lý Đại Thừa, nhưng họ đều giữ luật Vinaya của trường phái MūlaSarvāstivādin.

Ngoài việc thờ những vị Phật và Bồ tát mới, hình như Đại Thừa thời kỳ đầu cũng thờ các kinh Sūtra mới. Nhiều kinh Sūtra xưa có những đoạn trong đó người nghe được khuyến khích thờ kinh, dùng hương, cờ, và chuông, giống như đối với việc thờ tháp stūpa (115).. Trên bình diện tổ chức, hình như từ đầu, Đại Thừa là một hình thức liên minh không chính thức giữa những người tôn thờ những kinh mà họ yêu mến, trong những cuộc hội họp họ đọc, học, và thờ các kinh riêng của họ.

Các kinh Đại Thừa vẽ lên một bức tranh cho thấy họ đã được phổ biến rộng rãi, để nói rằng phong trào này đã thành công lớn và mau chóng giành được sự ủng hộ của mọi người, trừ những người có tinh thần cố chấp và thiển cận nhất. Nhưng sự thực có thể không hoàn toàn như thế. Như đã nhắc tới ở trên, không có chứng cớ cho thấy nó được giới thế tục ủng hộ trước thế kỷ VI, hay đã có người tự nhận mình là Đại Thừa trước thế kỷ IV. Những người Trung Hoa hành hương tới Ấn Độ từ thế kỷ V tới giữa thế kỷ VII đã nhận xét rằng đa số các Tỳ khưu tại đây đều thuộc trường phái Tiểu Thừa. Nhà sử học Tây Tạng ở thế kỷ XIV, Tārānātha, ghi nhận rằng phần lớn Phật tử Ấn Độ bác bỏ giá trị kinh điển của các kinh Đại Thừa, với lý do những kinh này không có trong Tam Tạng, và vì thế không thể là lời dạy của Phật (116).

Có thể là dần dần chúng ta sẽ phải thấy Đại Thừa ở chính Ấn Độ như một mối quan tâm chủ yếu trong giới Tỳ khưu, giới hạn vào một thiểu số Tỳ khưu nào đó mà thôi. Nhưng Đại Thừa đã đạt những thành công lớn nhất ở ngoài Ấn Độ, khi nó bành trướng qua ngả Trung Á đến Tây Tạng, Trung Hoa, Triều Tiên, và Nhật Bản, là những nơi nó có khả năng hoàn toàn thay thế vị trí của các trường phái ngoài Đại Thừa.

—–*—–

12

CÁC KINH ĐẠI THỪA – KINH ĐIỂN MỚI

Nét đặc trưng phổ biến nhất về sự xuất hiện và phát triển về sau của phái Đại Thừa là việc biên soạn rất nhiều kinh Sūtra để dạy những học thuyết Đại Thừa, và đề cao lý tưởng tôn giáo mới của Đại Thừa, vị Bồ tát. Khác với các kinh trong Tam Tạng mà phần lớn có tính chất lịch sử, các kinh Đại Thừa có khuynh hướng hoặc dài dòng và trừu tượng, hoặc vẽ lại một thế giới thần thông của các nhân vật mẫu mực lí tưởng tách rời với thời gian và không gian lịch sử, và khêu gợi mạnh trí tưởng tượng thiêng liêng, mà các kinh này khai triển và biến đổi bằng những câu chuyện thị kiến (117). Kinh điển mới không tạo thành một tập hợp học thuyết thuần nhất và hệ thống; nhưng trình bày những học thuyết khác nhau và thậm chí có vẻ mâu thuẫn nhau. Hơn nữa, nhiều kinh rõ ràng là những tác phẩm kết hợp, được soạn tác qua nhiều thế kỷ, và bản văn cuối cùng được hình thành bởi những tầng chất liệu của những thời đại khác nhau, và đôi khi có những quan điểm khác nhau, khiến cho mỗi kinh không nhất thiết trình bày một học thuyết nhất quán, thống nhất. Hậu quả của tình trạng này là sự phát sinh những truyền thống diễn giải khác nhau để cắt nghĩa học thuyết của các bản văn mới, và những truyền thống nào nhất quán hơn sẽ tạo thành những trường phái riêng biệt (118).

Các kinh mới đã xuất hiện qua nhiều thế kỷ, từ thế kỷ I trước CN. tới ít là giữa thiên niên kỷ thứ nhất của công nguyên. Tất cả những kinh Đại Thừa cổ xưa nhất được soạn bằng ngôn ngữ Ấn-Āryan Trung (Middle Indo-Aryan – MIA), về sau được Phạn hóa, có thể là dưới ảnh hưởng của triều đại Gupta (khoảng 320-540 CN.), là triều đại chọn tiếng Phạn làm ngôn ngữ chính thức. Những phần cổ xưa hơn bằng văn vần của các kinh này còn tồn tại bằng ngôn ngữ kết hợp MIA/Phạn. Những bản văn muộn nhất được viết hoàn toàn bằng tiếng Phạn bình thường. Không có kinh điển riêng của Đại Thừa để đối chiếu với Tam Tạng của các trường phái ngoài Đại Thừa, vì bản chất giáo huấn của Đại Thừa là đại đồng chứ không độc quyền. Vì vậy ngoài các kinh của mình, Đại Thừa cũng chấp nhận và kính trọng tất cả các kinh của bộ Tam Tạng. Trong một số kinh của Đại Thừa có nhắc đến mười hai thể loại Kinh (aṅgas), mà có thể dựa theo đó Tam Tạng đã được tổ chức trong hình thức nguyên thủy của nó.

Nhiều kinh của Đại Thừa được mô tả là Kinh Phương Quảng (vaipulya), nghĩa là “mở rộng”, theo nghĩa là chúng thường dài hơn rất nhiều so với những kinh dài nhất của Tam Tạng, và cũng theo nghĩa chúng hàm chứa một viễn tượng toàn diện về Giáo pháp. Chúng ta không biết rõ những bản văn này nguyên thủy đã được truyền miệng hay được soạn tác thành văn. Có thể là, do những bản văn này rất dài, mỗi Tỳ khưu chỉ có thể nhớ được một hay hai trong số những sưu tập này, khác với những sưu tập đầy đủ của Tam Tạng mà các bhāṇakas của các trường phái ngoài Đại Thừa có thể đọc thuộc lòng. Giống như các Tam Tạng, các kinh Đại Thừa đã tạo ra những tác phẩm bình luận được viết cả ở Ấn Độ lẫn những nước khác (119).

Nguồn Gốc

Truyền thống Đại Thừa luôn luôn nhất trí rằng, tuy có những khác biệt về sự nhấn mạnh giữa các kinh Đại Thừa và Tiểu Thừa, nhưng tất cả đều được chính Đức Thích Ca Mâu Ni của lịch sử giảng dạy. Trong khi các kinh của Tam Tạng được chấp nhận như là giảng theo lối hiểu của những con người bình thường, thì các kinh Đại Thừa được cho là giảng trên một bình diện hiện hữu tinh tế, cao quý hơn, cho một thành phần thính giả gồm những thần thánh, những môn đệ tiến bộ nhất của Đức Phật, và những vị Bồ tát ở các hành tinh khác như Văn Thù Sư Lợi (Mañjuśri), Quán Thế Âm (Avalokiteśvara) và Đại Thế Chí (Mahāsthāmaprāpta). Thậm chí cũng có một truyền thống về một Đại hội “lần thứ nhất” khác trong đó người ta đọc tất cả các kinh Đại Thừa, do Bồ tát Mañjuśri chủ trì, và Đại hội này đã diễn ra trên cùng bình diện thực tại giống như chính các kinh lần đầu tiên được Thích Ca Mâu Ni mạc khải. Tuy nhiên, những chứng cớ về ngôn ngữ, văn bản, xã hội, và đôi khi về học thuyết do chính những kinh cung cấp cho thấy việc soạn tác ở một thời muộn hơn, và điều có tính quyết định nhất, là những kinh này minh nhiên phê bình một số giáo lý và thực hành của Tiểu Thừa mà rõ ràng chúng thấy là đã có trước chúng.

Có thể suy diễn ra nhiều yếu tố để giải thích sự xuất hiện của những “kinh” mới này. Trước hết, có khả năng các kinh Đại Thừa ghi lại thực sự những lời dạy của Đức Phật lịch sử mà Tam Tạng không ghi lại, và chỉ bắt đầu thấy rõ nhiều thế kỷ sau khi Đức Phật qua đời. Câu chuyện về Purāṇa ở Đại hội lần thứ nhất gợi ý cho thấy một cách mà điều này có thể đã xảy ra. Khả năng còn lại là việc viết thành văn bản như một phương tiện để bảo tồn lời dạy của Phật vào khoảng thời kỳ này (vḍ., Tam Tạng Pāli được viết năm 17 trước CN.) đã đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phổ biến những bài giảng xa lạ đối với Tam Tạng, dù chúng có thực sự phát xuất từ chính Đức Phật hay không. Thứ hai, nhiều kinh Đại Thừa liên quan tới những kinh nghiệm thiền định sâu xa, và ít là có một kinh, kinh Pratyutpanna Sūtra, dạy một kiểu thiền định samādhi có thể làm cho người ta thấy một hay nhiều vị Phật, nghe họ giảng dạy, và sau đó người ta sẽ có thể truyền đạt lời giảng dạy ấy cho người khác (120). Thứ ba, trong Đại Thừa, nguyên tắc để một điều gì đó có thể được coi là một lời nói của Giáo pháp thì rộng rãi hơn nhiều. Śāntideva trích dẫn kinh Adhyāśayasaỵcodana Sūtra về bốn tính chất của một lời giảng dạy chứng minh nó là lời của Phật:

a) Nó phải liên quan tới chân lý;
b) Nó phải liên quan tới Giáo pháp;
c) Nó phải giúp người ta từ bỏ những thói hư tật xấu;
d) Nó phải phản ánh những tính chất của Niết bàn, chứ không phải của luân hồi (121).

Thay vì coi kinh điển như đã kết thúc không còn gì để thêm vào nữa, giống như Tam Tạng được coi như kết thúc ở Đại hội lần thứ nhất, Đại Thừa rõ ràng chấp nhận một thái độ rộng mở, sẵn sàng đón nhận mọi lời giảng dạy nào hiệu quả – tự nó là phản ánh học thuyết mới về upāya, “phương tiện [hiệu quả]” (xem dưới đây).

Khoảng 600 kinh Đại Thừa còn tồn tại tới ngày nay, bằng tiếng Phạn hay bằng những bản dịch Tây Tạng và Trung Hoa. Sau đây là khái quát những nhóm kinh khác nhau được tập hợp thành nhóm dựa theo bản chất những lời giảng dạy của các kinh, nhưng cũng cần nhớ rằng, những lối phân nhóm này không phải tự nhiên, và nhiều kinh không thể xếp riêng vào một nhóm nào, mà thích hợp hơn nên kể nó vào loại chung “Đại Thừa”.

Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa (Prajñāpāramitā Sūtra)

Các kinh Prajñāpāramitā, Bát nhã ba la mật, nghĩa là sự toàn thiện của trí tuệ, là một tập hợp các tác phẩm bàn về đề tài prajñā, hay trí tuệ mới, do Đại Thừa giảng dạy. Được dùng như là phương tiện giảng dạy trong chính Đại Thừa thời kỳ đầu, một số bản văn thuộc loại này là những kinh Đại Thừa cổ xưa nhất, có lẽ đã có từ thế kỷ I trước CN. . Có bốn giai đoạn được công nhận trong sự phát triển những bản kinh chính(122).

a) 100-100 trước và sau công nguyên: kinh Ratnagunasamcayagāthā và kinh Astasāhasrikā (8.000 dong)

b) 100-300 công nguyên: giai đoạn phát thảo bản dịch, khoảng 18.000, 25.000 và 100.000 dòng (có khả năng là kinh Vajracchedika).

c) 300-500 công nguyên: giai đoạn hoàn thành kinh trái tim (mặc dù có một số điển hình chứng minh cho thấy những bản kinh đặc biệt đó được viết bằng chữ Trung Quốc và sau đó dịch sang tiếng Sanskrit (123)

d) 500-1000 công nguyên: giai đoạn phát triển và ảnh hưởng kinh văn.

Các kinh tự nó không khai triển một lý luận triết học nào, mà chỉ là khẳng định cách thức thực sự của sự vật, đó là không có gì là hiện hữu tối hậu, cho dù là các dharmas mà phân tích của Vi Diệu Pháp cho là thực hữu. Các kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa, và lập trường của chúng về dharmaśūnyatā (pháp không) không được mọi người thuộc trường phái Đạo Bồ tát chấp nhận (124).

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Kinh (Saddharma-Pundarika Sūtra)

Niên đại sớm nhất có thể chắc chắn về kinh này là từ khoảng 100 trước CN. tới 100 CN. Đây là một tập hợp văn bản, được chia thành hai phần lớn, phần thứ nhất bàn về học thuyết phương tiện upāya và nhất thừa ekayāna, và phần thứ hai bàn về tuổi thọ của Đức Phật. Upāya, nghĩa là “phương tiện hiệu quả”, là học thuyết trung tâm của kinh, và mô tả cách thức mà Đức Phật thích nghi lời giảng dạy của mình với tâm trạng và trình độ của người nghe, nghĩa là giá trị của một lời giảng dạy tuỳ thuộc vào hiệu quả của nó. Học thuyết này đã trở thành phương tiện hàng đầu để giải thích sự đa dạng của lời giảng dạy của các kinh, vì những kinh được nghĩ là không giảng dạy chân lý tuyệt đối, paramārtha-satya, đều được coi là những upāya của Đức Phật. Lời dạy về ekayāna, một con đường, dạy rằng cả ba yānas śrāvaka-yāna (Thanh Văn thừa), pratyekabuddha-yāna (Độc Giác thừa, tức con đường của những vị Phật đã tự mình đạt Giác ngộ, và không giáo hóa chúng sinh), và bodhisattva-yāna (con đường của Bồ tát) không phải là ba phương pháp biệt lập dẫn tới những mục tiêu khác nhau, mà chỉ là một yāna, được đồng hóa với boddhisattva-yāna con đường của việc thực hành Đại Thừa bao gồm Lục độ và dẫn tới bậc Phật hoàn hảo sung mãn. Những yāna trước chỉ là những upāya, là những sự thích nghi mà Phật đã sử dụng cho phù hợp với khả năng và mức độ phát triển thiêng liêng của những cá nhân khác nhau. Trong số những lí do khiến cho kinh này trở thành phổ biến, phải kể đến việc sử dụng rất dồi dào và mạnh mẽ các dụ ngôn để minh hoạ upāyaekayāna. Người ta cho rằng những người ca ngợi và phổ biến kinh này nhận được nhiều lợi ích to lớn, và ở Trung Hoa và Nhật Bản, người ta cho rằng kinh này có quyền lực thần thông.

Khi vị Phật Prabhūtaratna xưa xuất hiện, ở chương 11, Ngài tỏ lộ rằng kinh này không phải mới, nhưng đã thường xuyên được giảng dạy trong các thế đại trước. Sự xuất hiện của Ngài cũng chứng tỏ rằng nhiều vị Phật có thể cùng hiện hữu trong một thời và tại một nơi, ngược với quan điểm trước kia rằng chỉ có một vị Phật có thể xuất hiện tại một nơi trong cùng một lúc. Nó cũng khẳng định rằng một vị Phật sau khi nhập Niết bàn thì vẫn có thể gặp được, vì Phật Prabhūtaratna đã chết từ nhiều thế đại trước. Điều này chứng minh rằng ngay cả sự viên tịch của Phật Thích Ca Mâu Ni cũng là một upāya. Trong thực tế, tuổi thọ của Ngài dài không thể tưởng tượng nổi, vì Ngài đã thu tích được vô vàn công đức qua vô số những kiếp sống đã qua của Ngài.

Kinh Sukhāvatī-vyūha Sūtra

Tiểu Kinh Tịnh Độ (Sukhāvatī-vyūha Sūtra) mô tả và cắt nghĩa về nguồn gốc của Tịnh Độ (Pure Land) của Phật A Di Đà vô lượng quang, “sự Rực rỡ vô biên”, Ngài cũng được nhắc tới trong kinh LotusPratyutpaññā Sūtras. Trong Đại Kinh Tịnh Độ (Sukhāvatī Sūtra), vị Bồ tát Dharmākara tuyên bốn mươi sáu lời thề, trong đó Ngài cam kết xây dựng một miền đất thanh tịnh để cho chúng sinh có thể thực hành Phật pháp một cách hết sức dễ dàng. Đất này được gọi là Sukhāvatī, “cực lạc”, được mô tả hết sức chi tiết, có vẻ như kinh này được soạn để dùng làm cẩm nang suy niệm thị kiến, và cũng gây một ấn tượng về một thế giới thần thông với sự hoan lạc về âm thanh và hình ảnh. Dharmākara, lúc này đã trở thành Phật A Di Đà, chủ trì đất này, trong đó chúng sinh chỉ cần tôn sùng Ngài là có thể được sinh ra trên đời này. Điều này có thể được, bởi vì bây giờ Ngài chuyển sang cho họ những công đức bao la mà Ngài đã thu tích được qua việc thực hiện các lời thề của Ngài. Những ai muốn tái sinh trên đất này phải sống một đời sống thanh tịnh, phải luôn tưởng nhớ đến A Di Đà, ca ngợi Ngài, kể lại những nhân đức của Ngài, và lặp đi lặp lại tên của Ngài. Họ phải tin vững vào hiệu quả lời thề của Ngài, và phải hình dung ra Ngài trong Đất Thanh Tịnh của Ngài. Shukhāvatī cung cấp cho họ những điều kiện tốt nhất cho việc thực hành siêu nhiên, nhờ đó bảo đảm được Giác ngộ.

Các kinh Tịnh Độ rất phổ biến ở Kashmir và Trung Á, có lẽ là nơi những kinh này đã phát xuất. Các kinh này được truyền sang Trung Hoa từ rất sớm (kinh dài nhất được dịch sang tiếng Trung Hoa năm 223 CN.), tại đây nó đã có một ảnh hưởng lớn, và tạo thành cơ sở cho trường phái Thanh Tú. Phật A Di Đà được nhắc đến ở thế kỷ II CN. (125) bởi Nāgārjuna, người được coi là ông tổ đầu tiên của truyền thống Tịnh Độ tại Trung Hoa.

Kinh Vimalakīrti-nirdeśa

Kinh Vimalakīrti-nirdeśa Sūtra, hay “Kinh Duy-ma-cật Sở Thuyết“, kể lại việc hoằng pháp của một người thế tục là Vimalakīrti cho một thành phần thính giả gồm các vị Bồ tát và Tỳ khưu. Sách này là một khẳng định triệt để về giá trị của việc hành đạo trong giới người thế tục ngoài giới tăng lữ, và mối nguy hiểm của việc đánh giá người khác một cách hời hợt dựa vào dáng vẻ bề ngoài. Về giáo lý, kinh này trình bày lời giảng về Trí tuệ rất giống với lời giảng trong các kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa. Nó cũng tranh luận về việc thanh luyện buddha-kṣetra, Phật độ, hay môi trường ảnh hưởng của một vị Phật, và vì thế có tương quan phần nào với những lời dạy của Tịnh Độ. Có lẽ sách được soạn một thời gian ngắn trước 150 CN., và đã rất phổ biến ở Trung Hoa và Nhật Bản, là những nước mà người ta nghĩ nó phù hợp hơn với đạo đức gia đình và xã hội.

Các Kinh Samādhi

Một số kinh Đại Thừa dạy về những trạng thái sâu xa của samādhi, thiền định, hay những thành đạt cao của thiền. Những kinh này gồm Samādhirāja Sūtra, Pratyutpaññā Sūtra, và Śūraṅgama-samādhi Sūtra, hai sách sau này nằm trong số những kinh có sớm nhất của Đại Thừa. Điều này chứng tỏ kinh nghiệm thiền định đã đóng một vai trò chính ngay trong thời kì đầu của phong trào Đại Thừa. Kinh đầu tiên trong số này, Samādhirāja Sūtra, rất dài, và dựa trên một đối thoại giữa Đức Phật và một thanh niên tên là Candraprabha, và bao gồm một số câu chuyện có giá trị văn chương về những kiếp sống trước của Đức Phật. Kinh thứ hai trong nhóm này mô tả một loại samādhi cho người ta có thể nhìn thấy các vị Phật, nghe các Ngài hoằng pháp, và rồi đem truyền bá những lời giảng ấy. Śūraṅgama-samādhi Sūtra trình bày lối thiền Śūraṅgama, “bước tiến anh hùng”, nhờ đó vị Bồ tát đạt được Toàn giác, nhưng cũng có thể làm nhiều hành vi minh chứng Phật pháp ngay trong vòng luân hồi.

Các Kinh Sám Hối

Hai kinh nói về tầm quan trọng của việc xưng sám hối trong Đại Thừa, có lẽ là một cách để phê bình lối thực hành thú tội quá hình thức của các tỳ khưu khi thực hành nghi thức Upavasatha. Triskandha Sūtra, có khi được coi là một chương của Upāliparipqcchā cổ xưa, là một bản văn ngắn để đọc lời thú tội với 35 vị Phật “Thú tội”, và sẽ đóng một vai trò quan trọng về nghi tiết trong Phật giáo Đại Thừa được Śāntidevakhuyên đọc hằng ngày. (126) Trọng tâm nguyên thủy của Suvarṇaprabhāsa Sūtra là chương ba đề cập tới việc thú tội với các vị Phật, tuy qua những thế kỷ sau đã được thêm vào nhiều chương linh tinh khác, trong số đó có nhiều chương nói về việc kinh này được các thần thánh giữ gìn.

Kinh BuddhAvatamsaka (hay Avatamsaka)

Kinh Avatamsaka Sūtra hay Hoa Nghiêm là một tác phẩm dài kết hợp. Hình như các bản dịch Trung Hoa đã đưa vào tác phẩm này một lượng lớn chất liệu vốn được lưu hành riêng biệt, một số đã được dịch sang tiếng Trung Hoa bởi Lokakṣema vào nửa sau của thế kỷ II CN. Người ta nghĩ nó đã được kết hợp vào khoảng giữa thế kỷ IV (127) để trở thành hình thức mà chúng ta có ngày nay. Kinh này cũng bao gồm hai kinh khác được lưu hành riêng biệt, và còn tồn tại bằng tiếng Phạn. Đó là Daśabhūmika Sūtra, dạy về mười bhūmis, nghĩa là mười giai đoạn của đời sống vị Bồ tát, và kinh Gaṇḍavyūha Sūtra, mô tả cuộc tìm kiếm bạn thiêng liêng đích thực, thiện hữu tri thức – kalyāṇa-mitra của chàng thanh niên có tên là Sudhana. Phật vào khoảng giữa thế kỷ Vairocana xuất hiện trong kinh Buddhāvatamsaka Sūtra, rõ nhất trong chương “Gaṇḍavyūha“, là nguồn gốc của việc thờ vị Phật này về sau được đưa vào Mahāvairocanābhisaỵbodhi Tantra của giai cấp caryā. Về tổng thể, kinh Avataỵsaka dạy giáo lý về sự tương nhập (và về Tathāgatagarbha), và có ảnh hưởng lớn trong Phật giáo Trung Hoa, tạo cơ sở cho Trường phái Hòa Yên, và từ đó cũng truyền sang Nhật Bản và Triều Tiên.

Các Kinh Duy Thức

Các kinh duy tâm, một thuật ngữ không có trong truyền thống, là một nhóm sách tuyệt đối quan trọng dạy về giáo lý cittamātra, “duy tâm”. Các kinh này được trình bày như là lời giảng dạy về chân lý tối thượng bởi trường phái Yogācārin, và sẽ được quảng diễn trong chương nói về trường phái này.

Các Kinh Tathagatagarbha

Gồm một số các kinh dạy về sự hiện diện của Tathāgatagarbha, “Tathāgata phôi thai” trong hết thảy chúng sinh. Sẽ được trình bày trong chương nói về học thuyết Tathāgatagarbha.

Các Tuyển Tập Kinh

Có hai bộ kinh lớn gồm những sưu tập các kinh ngắn hơn. Mahāratnakūṭa Sūtra gồm 49 tác phẩm, tuy nòng cốt nguyên thủy là tác phẩm số 43, tên là Kāśyapa-parivarta. Số lớn các kinh phụ thuộc được soạn dưới dạng paripqcchās, những hỏi đáp của Đức Phật bởi một người đối thoại, nhưng không có một chủ đề tổng thể cho các lời giảng dạy trong các kinh. Gồm có các kinh về sự Bát Nhã Ba La Mật Đa, Tịnh Độ, luật Vinaya, Tathāgatagarbha, và những học thuyết khác, kể cả những học thuyết xuất hiện độc lập ở những kinh khác. Một số kinh đã có từ rất xưa, nhưng có lẽ bộ sưu tập đã được tổ chức vào một thời kỳ nào đó sau thế kỷ V, và ở Trung Á. (128) Mahāsaỵnipāta gồm 17 kinh ngắn hơn, một kinh trong số này đã lưu hành từ trước 150 CN., trong khi toàn thể sưu tập chắc hẳn đã được tổ chức vào thế kỷ V hay sau đó.

Các Kinh Về Luân Hồi

Bao gồm một số kinh mô tả những hành vi dẫn tới các môi trường hiện hữu khác nhau, vḍ, Saddharma-smqtyupasthāna Sūtra, và những kinh như Śālistamba Sūtra, phân tích mười hai nidānas, tức là mười hai mắt xích của pratītya-samutpāda, “hiện hữu lệ thuộc”.

Các Kinh Về “Giới Luật”

Nhiều kinh Đại Thừa nêu lên một cách hệ thống những nguyên tắc phải hướng dẫn hành vi cư xử của vị Bồ tát. Các kinh này gồm Kāśyapa-parivarta Sūtra, Bodhisattva-prātimokṣa Sūtra, còn gọi là Upāliparipqcchā Sūtra, và kinh Brahmajāla Sūtra.

Các Kinh Về Các Nhân Vật

Nhiều kinh diễn tả sự sùng mộ và ca ngợi bản tính và nhân đức của các vị Phật và Bồ tát. Lòng từ bi của Avalokiteśvara được ca tụng trong Kāraṇḍa-vyūha Sūtra, trong khi vị Phật Dược Sư, Bhaiṣajyaguru, xuất hiện trong ít là bốn kinh có tên của Ngài trong tựa đề. Vị Bồ tát Địa Tạng Kṣitigarbha, người đã đi xuống địa ngục để cứu chúng sinh tại đó, là chủ đề của nhiều kinh có nguồn gốc từ Trung Á, cũng như vị Phật tương lai Di Lặc Maitreya, và Tịnh Độ của vị Phật Akṣobhya được mô tả trong kinh Akṣobhya-vyūha Sūtra.

-ooOoo-

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app