2

ĐỨC PHẬT

Chúng ta đã tìm hiểu bối cảnh văn hóa và tôn giáo Ấn Độ từ thời kỳ đầu cho tới thời Đức Phật, vậy còn bản thân Đức Phật thì sao? Đức Phật sinh tại Lumbinī, một thành phố ở gần Kapilavastu, thủ phủ của một vùng mà ngày nay nằm giữa biên giới Ấn Độ và Nêpal, bản địa của bộ tộc Thích Ca (Sakya). Trước kia, dựa vào các tài liệu sử học Sri Lanka cổ xưa, các học giả phương Tây vẫn chấp nhận năm sinh của Đức Phật là 563 trước CN., một truyền thống thứ hai xuất phát từ Ấn Độ đã nhận năm sinh của Đức Phật là 450 trước CN. Các nghiên cứu mới nhất dựa vào Dīpavamsa gợi ý rất có thể Ngài sinh năm 485 trước CN (5).

Thời Đức Phật sinh ra, ở vùng chân núi Hi Mã Lạp Sơn vẫn còn có một số nước cộng hòa sống theo tổ chức bộ tộc chống lại sự bành trướng ngày càng gia tăng của các chế độ quân chủ mới ở vùng lưu vực trung phần sông Hằng. Trong số những nước này có nước của bộ tộc Thích ca (Sakya), và cha của Thích Ca Cồ Đàm là một người cai trị bộ tộc này. Cha của Ngài là một thành viên thuộc thiểu số cầm quyền của bộ tộc và đồng thời Ngài cũng là một chiến binh, và mặc dầu vào thời đó, có thể xã hội Bà La Môn truyền thống như đã mô tả ở chương trước chưa tạo được ảnh hưởng quan trọng nào trong vùng ven lưu vực sông Hằng, nhưng khi Đức Phật đã qua lại giữa xã hội Bà La Môn, Ngài cảm thấy có thể mô tả thích hợp nhất nguồn gốc xã hội của mình là thuộc giai cấp chiến binh ksatriya. Các truyền thống sau này, vì chỉ biết đến những chế độ quân chủ đã từng xâm chiếm các nước cộng hòa trước kia, nên đã ngộ nhận khi gọi Thích Ca Siddhartha là một “hoàng tử” và cha Ngài là một “ông vua”.

Ngay từ đầu, đời sống của vị sáng lập ra con đường giải thoát của Phật giáo đã được các môn đệ của Ngài hết sức quan tâm. Thế nhưng có điều nghịch lý là, mặc dù đã có khá nhiều sách viết về tiểu sử Đức Phật, nhưng chúng ta không thể chắc chắn điều nào là sự kiện lịch sử và điều nào có thể chỉ là kết quả của lòng sùng mộ và của sự thêu dệt do ý hướng tốt lành. Trong kinh điển của truyền thống Pali, có một số kinh cung cấp cho chúng ta từng mảnh lẻ tẻ những chi tiết chủ yếu về tiểu sử Đức Phật. Kinh Āriyapariyesana Sutta(6) mô tả thời kỳ đầu và cuộc Giác ngộ sau này của Đức Phật; giai đoạn này cũng được mô tả trong các kinh Bhayabherava, Dvedvittaka, và sách Mahsaccaka Suttas (7). Kinh Mahparinibbna Sutta (8) mô tả những ngày tháng cuối cùng cuộc đời Đấng Giác ngộ. Những năm giữa cuộc đời, từ sau cuộc Giác ngộ, Đức Phật đi chu du khắp vùng đồng quê ngày nay là các nước Bihar và Đông Uttar Pradesh, bao gồm một lượng lớn các bài thuyết pháp của Đức Phật, gọi là suttras, như được lưu lại trong Tam Tạng (Suttra Pitaka) của thánh điển. Những bài giảng này không được sắp xếp theo thứ tự thời gian của cuộc đời Ngài, nên người đọc phải sử dụng những bản văn khác nhau để có một hình ảnh chung về cuộc đời giảng thuyết của Đức Phật.

Hình như việc biên soạn một tiểu sử đúng nghĩa không phải mối quan tâm chủ yếu của thế hệ các môn đệ đầu tiên; hơn nữa khi được biên soạn, nó thường theo khuynh hướng khai triển một câu chuyện cơ bản, là một đặc điểm dễ nhận ra ngay cả ở những sách “tiểu sử” được biên soạn sớm nhất. Một khía cạnh quan trọng trong việc biên soạn này là việc kể lại rất nhiều những cuộc đời của Đức Phật khi chưa giác ngộ, được gọi là Bồ Tát, là thời kỳ Ngài làm vô vàn những hành động cao quý để chuẩn bị cho cuộc đời khi Ngài đã giác ngộ. Trong số những tiểu sử này, có thể kể đến Phật Bản Hạnh Trường Kinh (Mahvastu) của Trường Phái Mahasanghika (thế kỷ II trước CN.), Kinh Phật sở hành tán (Buddacarita) của thi sĩ Asvaghoṣa (thế kỷ I CN.), cuốn thần thông du hí Kinh (Lalitavistara) của Trường Sarvstivdin (thế kỷ I trước CN.), cuốn Nidnakath, chú giải Theravdin về Jtaka (thế kỷ IV CN.), và cuốn Abhiniṣkramaṇa Sūtra, có lẽ thuộc về bộ Dharmaguptaka.

Tuy nhiên, trong tất cả các nguồn tài liệu này, ta luôn luôn tìm thấy một hạt nhân chung cho mọi nguồn tài liệu, và chúng ta có thể tin rằng nó phản ánh những biến cố thực sự của cuộc đời Đức Phật, ít ra theo như cảm nghiệm của các đệ tử của Ngài. Tiểu sử “hạt nhân” này giữ vai trò mẫu mực cho các Phật tử qua nhiều thế kỷ, và chúng tôi có thể cống hiến một tóm lược các chi tiết ở đây.

Thích Ca Cồ Đàm xuất thân trong một gia đình quý tộc. Cha Ngài, ông Suddhodana, là một người giàu có và quyền thế, và mẹ Ngài, bà Mayadevi, là một phụ nữ phong lưu và tinh tế. Khi Ngài sinh ra, một nhà tiên tri tên Asita đã tiên báo cậu bé sẽ có mệnh nắm giữ một vương quốc chính trị hay một vương quốc tinh thần, và hẳn nhiên cha mẹ cậu cảm thấy lời tiên tri này thích hợp cho con của họ. Có lẽ vì vậy họ đã chọn cho con một tên gọi đúng với ý nghĩa này, là Sarvrthasiddha, “người thành đạt mọi mục tiêu”, hay Siddhrtha,”người thành đạt mục tiêu của mình”. Mẹ cậu chết không bao lâu sau khi sinh ra cậu, và cậu sớm được nuôi dưỡng và trông nom bởi bà cô tên là Mahprajpati. Tuy quan tâm chủ yếu là việc huấn luyện thích hợp cho một thiếu niên ở địa vị của mình, tuổi trẻ của cậu tràn đầy sự xa hoa, vì cha cậu muốn đứa con trai yêu quý của mình phải được gắn liền với những lợi thế từ của cải và quyền lực, nghĩa là ông muốn chọn cho cậu đời sống của một vương quốc chính trị. Khi cậu 16 tuổi, cha cậu đã cưới cho cậu một cô vợ trẻ tên là Yaśodhar.

Thế nhưng ông sẽ không thành đạt các dự tính của mình, vì vào khoảng thời gian này, cậu con trai của ông đã bắt đầu cuộc tìm hiểu môi trường sống vật chất và tinh thần của mình, và cuộc khám phá này sẽ dẫn đến những hậu quả to lớn khôn lường. Thời kỳ phát triển này được mô tả một cách biểu tượng bằng câu chuyện về “bốn thị kiến,” là bốn kinh nghiệm mà chàng trai này đã trải qua khi đi chu du trên cỗ xe của mình ra ngoài lãnh thổ. Vừa gặp một ông lão bên đường, chàng trai trẻ Thích Ca lần đầu tiên chứng nghiệm được sự tất yếu của tuổi già, tiếp theo là những lần đối diện với bệnh tật và cái chết, những “thị kiến” về thân phận con người này đã làm đảo lộn sự tự mãn vốn có của chàng trong đời sống xa hoa tiện nghi của mình và buộc chàng nhận ra rằng cuộc sống đau khổ và khốn nạn đó đang chờ đợi chàng và cô vợ trẻ đẹp của chàng, cũng như nó chắc chắn đang chờ đợi hết thảy chúng sinh. Thị kiến thứ bốn, khi Ngài gặp một người khất sĩ, gọi là parivrjaka, đã gieo vào tâm trí chàng một hạt giống để chàng ngẫm nghĩ trong những tháng tiếp theo về thân phận của mình, để rồi hạt giống ấy lớn lên thành niềm xác tín rằng người ta không tất yếu phải thụ động cam chịu sự đau khổ và sự huỷ diệt, nhưng có thể tìm kiếm con đường giải thoát, tuy rằng con đường này cũng đòi hỏi sự từ bỏ triệt để và hành động quyết liệt, thậm chí rất đau đớn.

Sau cùng, một biến cố có vẻ như đã đẩy Ngài đi tới tột đỉnh của quyết định tìm kiếm tự do để khám phá ra “Chân đế,” và cuộc tìm kiếm này sẽ dẫn đưa Ngài tới vương quốc tinh thần mà nhà tiên tri Asita đã tiên báo. Đó là khi đứa con trai Yaśodhar sinh ra. Trong tâm trạng thất vọng, Ngài coi con trai mình sinh ra như là sự xuất hiện một gông cùm xiềng xích vậy.

Phản ứng của ngài trước biến cố này tỏ ra rất quyết liệt. Chẳng được sự chấp thuận của cha mẹ, hoặc giả ngay cả các ngài không hề hay biết, Ngài đã bỏ trốn khỏi nhà, để lại vợ và đứa con nhỏ, cùng với gia đình và địa vị xã hội, mọi thú vui và những đặc quyền đặc lợi. Ngài xuống tóc đi tu ở tuổi hai mươi chín, mặc bộ áo cà sa rách rưới của một người khất sĩ, và bắt đầu cuộc truy tìm chân đế và sự giải thoát.

Ý tưởng đầu tiên của Ngài là phải tìm một vị thiền sư. Ngài đi xuôi xuống miền Nam, và khi tới Rajagha, Ngài gặp nhà vua nước Magadha tên là Bimbisāra – một giai thoại được mô tả rất cảm động trong bản thi ca thời kỳ đầu, đó là bản Pabbajjā Sutta của Sutta Nipāta (9). Ngài đã gặp vị thiền sư đầu tiên của mình, tên là Ālāra Kālāma, vị thiền sư này đã dạy Ngài cách hành thiền có thể dẫn tới nhập định, được gọi bằng thuật ngữ chuyên môn là ākiỵcanyāyatana, nghĩa là “không vô biên xứ”. Thế nhưng, tuy Ngài đã luyện được một mức độ ngang với thầy mình, Thích Ca nhận ra rằng tình trạng nhập thiền này, nếu không kèm theo tính chất đạo đức và tri thức (10) thì cũng không thể tạo được sự khác biệt triệt để nào cho thân phận con người của mình: vẫn còn già, vẫn còn bệnh, vẫn còn chết, và vì thế Ngài chưa đạt được sự tìm kiếm của mình. Tuy thầy Ālāra Kālāma đề nghị Ngài phụ tá thầy trong việc trông coi các đệ tử, Thích Ca đã từ khước và bỏ đi để tiếp tục cuộc tìm kiếm của mình. Ngài gặp một vị thầy khác, Udraka Rāmaputra, ông này dạy Ngài đạt tới bậc thiền gọi là naivasaỵjñānāsaỵjñaàyatana, “phi tưởng, phi phi tưởng xứ” và cuối cùng vị thầy này cũng đề nghị Thích Ca một mình dạy dỗ các đệ tử của ông. Một lần nữa, đây cũng không phải mục tiêu tìm kiếm của Ngài, và bây giờ Ngài quyết tâm đi vào phương pháp khổ luyện với hi vọng phương pháp này có thể tỏ lộ một giải pháp cho cuộc tìm kiếm của mình. Ngài sống khoảng 5 tới 6 năm ở Uruvilvā, bên bờ sông Nairañjanā, cùng với năm bạn khổ tu, lúc đầu là những người bạn, sau trở thành đệ tử của Ngài. Ngài thực hiện những việc hành xác khắc khổ tột độ, nín hơi thở rất lâu, và thời kỳ sau còn nhịn ăn nhịn uống. Những câu chuyện về giai đoạn tìm kiếm này của Ngài được kể trong Mahāsaccaka Sutta (11).

Lối sống khổ luyện này suýt làm Ngài mất mạng, nhưng kết quả của nó đã không làm Thích Ca thỏa mãn. Ngài từ khước lối sống này và coi nó là nguy hiểm và phí thời giờ. Ngài bắt đầu ăn uống đều đặn trở lại, vì thế các đệ tử của Ngài ruồng bỏ Ngài và họ bỏ đi nơi khác, tới rừng nai ở Isipatana, gần nơi ngày nay gọi là Benares. Trong tâm trạng đầy quyết tâm thâm sâu, Ngài ngồi dưới gốc một cây bên bờ sông Nairañjanā, ở đây Ngài gợi nhớ lại một kinh nghiệm thiền tự nhiên và không gò bó là dhyāna, một loại thiền trầm tưởng, mà Ngài từng kinh nghiệm thời còn trẻ khi ngồi dưới gốc cây; Ngài coi đây như dấu chỉ của một phương pháp hài hòa và quân bình hơn để đi tìm chân lý, và ban đêm, khi suy niệm về điều huyền bí của sanh và tử, cuối cùng Ngài đã có được thiền quán mới mẻ và sâu xa về bản chất thân phận con người, và về bản chất thực nơi vạn vật. Đây là cuộc Giác ngộ của Ngài, sự “tỉnh thức” của Ngài để hiểu biết chân tính sự vật (yathaàbhūta), và vì lí do này Ngài bắt đầu có tên gọi là Phật, tức là “người đã tỉnh thức”. Sự kiện này xảy ra khi Ngài 35 tuổi.

Chúng ta còn phải kể lại phần sau của cuộc đời Ngài, về sự nghiệp kéo dài thêm bốn mươi năm nữa của cuộc đời Ngài, thời kỳ Ngài giong ruổi khắp các xứ ở miền Bắc Ấn Độ, cho tới các thành phố và các quận ở lưu vực Trung bộ sông Hằng. Ngay sau khi được Giác ngộ, Ngài ở lại một ít tuần ở gần khu vực cây Bồ Đề (sau này được gọi là vùng Bodh Gay), trầm tư mặc tưởng và hấp thụ ảnh hưởng của trực giác biến đổi cuộc đời của Ngài (12). Ngài hoài nghi về giá trị của việc chia sẻ kinh nghiệm này cho người khác, nhưng được phạm thiên brahm tên là Sahaỵpati kêu nài, Ngài đã đi chia sẻ cho những ai có thể hưởng nhận lợi ích khi hiểu được thông điệp của Ngài. Ngài nghĩ trước hết tới các vị thầy dạy trước kia của Ngài, Alra Klma và Udraka Rmaputra, nhưng khi biết rằng lúc này các vị đó đã chết cả rồi, thì Ngài bắt đầu nhớ tới các bạn tu khổ luyện đã từng rời bỏ Ngài với sự khinh bỉ, nên giờ đây Ngài tìm đến với họ ở Isipatana (nay là Sarnath). Tại đây Ngài giảng dạy trong công viên nai, cách thành phố chính khoảng sáu dặm về phía Bắc, và do lúc ban đầu họ còn rất miễn cưỡng nghe Ngài giảng, nên thời gian đã phải kéo dài khá lâu, nhưng rốt cuộc Ngài cũng đã mang đến được cho năm vị này sự giác ngộ mà bản thân Ngài đã chứng nghiệm được ở Bodh Gay.

Sau cuộc thành công đầy vất vả này, việc hoằng pháp của Ngài được tưởng thưởng bằng một thành công lớn trong việc giảng dạy cho thêm 55 thanh niên nữa, từ đó Ngài đã có được một nhóm đồ đệ tiên khởi là 60 người, mỗi người phân tán đi một ngả, nhưng tất cả cùng chung sức loan truyền sự giác ngộ này về chân chất của sự vật, vì lợi ích của nhiều người (bāhujanahitya). Phần Đức Phật, Ngài còn tiếp tục giảng dạy thêm một thời gian 45 năm nữa. Đoàn đệ tử của Ngài cứ ngày một gia tăng, và tuy rõ ràng Ngài ưa thích sự cô tịch (13), nhưng các kinh đều ghi nhận rằng Ngài sống phần lớn thời gian ở các trung tâm đô thị, như Rjagqha, Vaiślỵ, và Śrvastỵ, vì tại những nơi này Ngài thường có cơ hội tiếp xúc với một số đông đảo quần chúng hơn. Trong thực tế, hình như Ngài đã sống 20 hay 25 năm cuối cuộc đời của mình ở Śrvastỵ (14), thủ phủ của Kośala, một thành phố lớn và phồn thịnh ở giao lộ của hai con đường thương mại lớn, tại đây một môn đệ quan trọng sống tại gia tên là Anthapiṇḍada đã dâng cúng một công viên rất đẹp để cho Đức Phật và các môn đệ của Ngài sử dụng.

Khi 80 tuổi, Đức Phật ngã bệnh nặng tại Vaiślỵ, và Ngài biết rằng chỉ còn ba tháng nữa mình sẽ chết, hay vào cõi Niết bàn. Nguyên nhân trực tiếp của cái chết của Ngài là một bữa ăn (món thịt heo hay món nấm, chúng ta không thể chắc) do một người thợ sắt tên là Cunda dâng cho Ngài, khiến Ngài bị kiết lỵ. Ngài qua đời tại một khu rừng cây nhỏ ở Kuśinagara. Những lời sau cùng của Ngài là vayadhamm saṃkhr, appamdena sampdetha, “Mọi loài mang xác thể đều sẽ phải hoại diệt; hãy cố ghi nhớ điều này” (15).

Bảy ngày sau, xác Ngài được hoả táng, và tro cốt của Ngài được phân phối cho các vị vương công địa phương để đặt trong mười đài kỷ niệm gọi là các Bảo Tháp stpa.

—–*—–

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app