CHƯƠNG VIII: VỀ LẠI JAMBUDĪPA VÀ TỪ TRẦN
Sau khi đã chứng tỏ khả năng của bản thân về ngôi ngữ Saṅskrit, vị trưởng lão đã quay trở về Jambudīpa. Ngay trong cuộc hành trình ở giữa biển khơi, vị ấy trong lúc giáo huấn các thương buôn đã nói lên hai lời kệ này:
Giống như chúng ta nương vào con thuyền để vượt qua biển cả và con thuyền phụ thuộc vào chúng ta sẽ đến được bến tàu.
(Y như thế) chúng ta nương vào con thuyền trí tuệ sẽ đến được bến bờ cao thượng. Nương vào con thuyền phước báu, chúng ta sẽ hưởng được an lạc cõi trời.
Khi tàu cập bến, Buddhaghosa đã từ giã những người thương buôn đồng hành với mình rồi đã cầm lấy y và bình bát cá nhân đi đến gặp vị thầy tế độ và đã kể lại công việc phiên dịch của mình đối với Phật Pháp tức là Pháp Học. Và sau khi kể lại, Buddhaghosa đã giải tỏa được hình phạt của thầy tế độ và đã được tha thứ về lỗi lầm của bản thân, sau đó đã đảnh lễ thầy tế độ rồi xin phép đi về thăm cha mẹ.
Sau khi gặp lại, người cha và người mẹ đã đảnh lễ người con trai của mình rồi đã dâng đến vị ấy vật thực hảo hạng, sau đó đã sám hối tội lỗi với vị ấy. Họ đã biết được thời điểm từ trần của bản thân, và trong khi lâm chung đã tưởng niệm đến ân đức của Phật, rồi đã tái sanh vào cung trời Đẩu Suất và ngự ở cung điện bằng vàng. Ngay cả một số người bà-la-môn như các nô tỳ và những người làm công của họ cũng đã tin tưởng vào sự giáo huấn của vị trưởng lão, đến khi chết đi đã tái sanh vào cõi trời; một số đã đi theo nghiệp quả tương xứng.
Hơn nữa, sau khi bày tỏ lời tôn kính của mình đối với Tam Bảo nhằm mục đích khiến cho những người tốt được hoan hỷ với Tam Bảo, vị trưởng lão trong lúc khuyên bảo rằng: “Quả vậy, các người nên thực hiện sự tôn kính như thế ấy đối với Tam Bảo,” và trong lúc trình bày ý nghĩa của Tam Bảo đã nói rằng:
Đức Thế Tôn là dòng giõi thanh tịnh. Hiển nhiên, Ngài chính là đức Phật. Giáo Pháp đã được đức Thế Tôn thuyết giảng có chín thể loại và là Pháp tối thượng ở thế gian.
Về tạng (piṭaka) có ba tạng là Tạng Luật, Tạng Kinh, và Tạng Vi Diệu Pháp. Về bộ kinh (nikāya) có năm bộ kinh là Trường Bộ Kinh, Trung Bộ Kinh, Tương Ưng Bộ Kinh, Tăng Chi Bộ Kinh, và Tiểu Bộ Kinh. Về thể (aṅga) có chín thể là sutta, geyya, veyyākaraṇa, gāthā, udāna, itivuttaka, jātaka, abbhūtadhamma, vedalla.[16] Về Pháp uẩn có 84.000 Pháp uẩn: Có 42.000 Pháp uẩn ở Vi Diệu Pháp, 21.000 Pháp uẩn ở Luật, và 21.000 Pháp uẩn ở Kinh. Về hội chúng có bốn. Về Đạo có bốn, Quả có bốn; tổng cộng là tám hạng Thánh.
Sau khi trình bày ý nghĩa của Tam Bảo và trong lúc bày tỏ sự tôn kính của bản thân, vị ấy đã nói lên lời kệ này:
Dầu chỉ một lần chắp tay hướng về Phật Bảo, Pháp Bảo, và Tăng Bảo, tôi có thể dập tắt hoàn toàn ngọn lửa khổ đau của hiện hữu.
Khi hoàn tất việc tôn kính đến Tam Bảo, và trong lúc giải thích về nghiệp quả của những hành động được thực hiện nhằm mục đích bôi nhọ Giáo Pháp đức Thế Tôn của những kẻ có giới hạnh xấu xa có tâm lơi lỏng trong việc gìn giữ giới và những hành động dối trá vì mục đích mạng sống, vị ấy đã nói lên lời kệ này:
Bởi vì giống như việc loài dã can với bản chất của giống chó rừng không ăn thịt sư tử là vua chúa của các loài thú; chính loài giòi bọ thỏa thích với thịt sống được sanh lên ở trong cơ thể nghiến ngấu thịt của loài sư tử chứ không phải các loài thú săn mồi nào khác.
Tương tợ như thế, các ngoại đạo dù thành tựu thần thông cũng không làm nhơ Chánh Pháp của đấng sư tử dòng Sākya đã thành tựu Niết Bàn; chính những tỳ khưu xấu xa trong Giáo Pháp có đầu cạo trọc và khoác y hai lớp mới là những kẻ bôi nhọ Chánh Pháp đã được thuyết giảng bởi đức Phật Chánh Đẳng Giác.
Khi hoàn tất việc giải thích về nghiệp quả của những tỳ khưu xấu xa có các hành động đã được thực hiện nhằm mục đích bôi nhọ Giáo Pháp của đức Thế Tôn, thêm vào đó trong lúc trình bày về việc vận hành ngày đêm của các hơi thở ra hơi thở vào của tất cả chúng sanh, Buddhaghosa đã nói lên lời kệ này:
Hơi thở ra và hơi thở vào vận hành hơn một trăm ngàn tám trăm lần vào ban ngày, ngay cả ban đêm cũng giống y như thế.
Hơn nữa, sau khi trình bày xong và trong lúc đang ngồi trên chiếc giường tử biệt của bản thân xem xét lại thọ hành, Buddhaghosa biết rằng tuổi thọ còn rất ngắn ngủi nên đã đảnh lễ vị thầy tế độ rồi xin phép vị ấy đi đến cội Đại Bồ Đề, sau đó đã thực hiện các nghi thức cúng dường gồm tất cả các phận sự, v.v… ở tại cội Đại Bồ Đề. Trong lúc tán dương về cội Đại Bồ Đề, vị ấy đã nói lên hai lời kệ này:
Đấng Toàn Giác là vị có hai bàn chân tuyệt vời. Nương tựa vào cội Bồ Đề, đấng Toàn Giác đã tiêu diệt đội binh của Ma vương và đạt đến Giác Ngộ.
Cũng giống người như cúng dường đến đức Phật, người nào thể hiện sự quý trọng và thành kính cúng dường đến cội Bồ Đề người ấy sẽ được thoát khỏi mọi khổ đau.
Sau khi đã tán dương như thế và biết được cái chết của bản thân đã gần kề, vị ấy đã suy nghiệm rằng: “Cái chết có ba loại: sự tịch diệt hoàn toàn, sự diệt trong sát na, và sự chết thông thường. Trong đó, sự tịch diệt hoàn toàn tức là sự chết của vị đã đoạn tận các lậu hoặc, sự diệt trong sát na nghĩa là sự diệt trong các lộ trình tâm như là tâm hộ kiếp, v.v… có sự sanh lên và diệt đi không ngừng nghỉ, và sự chết thông thường nghĩa là sự chết của tất cả chúng sanh,” và đã nghĩ rằng: “Trong ba cách ấy, đối với ta sẽ là sự chết thông thường.” Hơn nữa, vào ngày tử biệt trong lúc tưởng niệm đến đức hạnh của đức Phật và giới hạnh của bản thân, Buddhaghosa đã từ trần rồi tái sanh vào cõi trời Đẩu Suất ngự ở cung điện rộng mười hai do tuần cùng với một ngàn tiên nữ tùy tùng.
Đến khi Bồ Tát Metteyya thành tựu quả Toàn Giác ở cõi nhân loại này, Buddhaghosa sẽ là vị Thinh Văn nổi bật và đứng đầu về phương diện trí tuệ cá nhân, không bị vướng mắc trong tất cả các Pháp của đức Thế Tôn Metteyya ấy. Và vị ấy sẽ được đức Thế Tôn Metteyya xác định vị trí hàng đầu đến bảy lần rằng: “Buddhaghosa chính là vị rành rẽ về Pháp và Luật, có sự hiểu biết rộng, toàn hảo về trí tuệ, và thiện xảo về trí tuệ trong số các đệ tử của ta.”
Hơn nữa, khi vị trưởng lão Buddhaghosa từ trần, nhằm mục đích thiêu đốt thi thể của vị ấy tất cả chư thiên và nhân loại gồm có sa-môn, bà-la-môn, v.v… đã cho thực hiện giàn hỏa thiêu bằng gỗ trầm hương và kiến tạo nên giàn hỏa thiêu bằng châu ngọc quý giá rồi đã đặt thi thể của vị ấy cùng với chiếc giường bằng vàng lên trên giàn hỏa thiêu bằng gỗ trầm hương rồi đã phát hỏa với lòng tôn kính. Đến khi hoàn tất việc hỏa thiêu thi hài của vị ấy, dân chúng gồm có các bà-la-môn, v.v… đã nhận lấy các xá-lợi rồi an vị ở những địa điểm thiêng liêng ở khu vực lân cận cội Đại Bồ Đề và đã xây dựng bảo tháp. Do kết quả của việc hoan hỷ với đức hạnh của vị trưởng lão và sự cúng dường đến vị ấy, tất cả những người ấy sau khi từ trần cũng đã sanh về các cõi trời và thọ hưởng các thành tựu thiên đường tương xứng với nghiệp đã làm. Hơn nữa, sau khi vị trưởng lão ấy đã từ trần và ngự ở cõi trời Đẩu Suất, trong khi chỉ trích những kẻ trí tồi tự tán dương chính mình nghĩ rằng: “Chúng ta có trí tuệ,” các vị giáo thọ sư tiền bối đã nói lên các lời kệ này:
Khi Buddhaghosa đã từ trần, thậm chí vô số kẻ trí tồi và dốt nát đã mải mê suy tưởng rằng: “Chúng ta có trí tuệ.”
Khi Buddhaghosa còn tại tiền, những người có trí tuệ cũng không có được hào quang trí tuệ, tương tợ như mặt trăng vào lúc nguyệt thực.
Vì thế, người trí nên buông bỏ sự khen ngợi là “bậc trí;” sau khi tự chế bản thân vị ấy sẽ không đánh mất niềm an lạc.
Hoàn tất phần chuyện của chương thứ tám
giới thiệu về vị đại trưởng lão tên Buddhaghosa
có sự thông minh sắc sảo và trí tuệ nhạy bén
do vị trưởng lão tên Mahāmaṅgala thuật lại
đúng theo sự học hỏi từ các vị giáo thọ sư tiền bối.
-ooOoo-
[1] Jayawardhana, Somapala. Handbook of Pali Literature. Colombo: Karunatratne and Sons Ltd. 1994, p.32.
[2] Ngôn ngữ sử dụng ở Sri Lanka (Tích Lan) vào thời cổ xưa.
[3] Ghosa có nghĩa là âm thanh, tiếng động, giọng nói, v.v…
[4] Kusalā dhammā, akusalā dhammā, abyākatā dhammā.
[5] Là: dục giới, sắc giới, vô sắc giới, và Niết Bàn.
[6] Tilakkhaṇa: ba pháp tướng là vô thường, khổ não, và vô ngã.
[7] Tức là tán dương rằng: “Itipi so Bhagavā Arahaṃ Sammāsambuddho …”
[8] Chi tiết này không chính xác vì ngài Buddhadatta đã sống một thời gian dài hơn và đã thực hiện bản tóm tắt các bản Chú Giải Luật và Chú Giải Abhidhamma của ngài Buddhaghosa (B. C. Law, The Life and Work of Buddhaghosa, New Delhi: Asian Educational Services, 1997, p. 43; G. P. Malalasekera, The Pāli Literature of Ceylon, Kandy: Buddhist Publication Society, 1994, p. 107).
[9] Saṅgharāja: Vua Sãi, Sãi Vương.
[10] Kinh Tương Ưng, Thiên Có Kệ, Tương Ưng chư thiên
[11] Việc tác phẩm Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo) được ghi chép thành ba lần trong một đêm là điều khó có thể chấp nhận.
[12] Lohapāsāda ban đầu là chín tầng, nhưng sau bị hoả hoạn rồi được thực hiện lại chỉ năm tầng rồi nâng cấp thành bảy tầng (John Still, Index to the Mahāvaṃsa, New Delhi: Asian Educational Services, 1996, p. 29.
[13] Ba hiện tướng (tilakkhaṇa) là vô thường, khổ não, vô ngã.
[14] Về thời gian Buddhaghosa đã đầu tư để thực hiện các Chú Giải cần được xét lại; Saddhammasaṅghaha(Diệu Pháp Yếu Lược) ghi là 1 năm cũng khó tin. Học giả Somapala Jayawardhana ước lượng ít nhất là 10 năm (Sđd., tr. 30).
[15] Tam Tạng Pāli được do ngài Mahinda du nhập từ Ấn Độ vẫn được bảo quản bằng phương thức truyền khẩu sau đó được ghi xuống lá thốt-nốt thành sách vào thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch. Còn ngài Buddhaghosa chỉ tổng hợp các Chú Giải đã có sẵn gồm có một số chú giải do ngài Mahinda được truyền thừa ở Ấn Độ rồi giảng dạy lại và một số chú giải đã được thực hiện ở Tích Lan bằng ngôn ngữ Sīhaḷa. Các bản chú giải đã được ngài Buddhaghosa ghi lại bằng ngôn ngữ của xứ Magadha, ngày nay gọi là Pāli.
[16] Phần phân tích câu kệ 28 chương 1 của bản dịch Saddhammasaṅgaha – Diệu Pháp Yếu Lược có giải thích chi tiết về chín thể loại này.
-ooOoo-