CHƯƠNG V: TRÍ TUỆ NHẠY BÉN CỦA BUDDHAGHOSA

Trong những ngày Buddhaghosa cư ngụ ở trên hòn đảo Laṅkā, có hai người nữ tỳ của dòng bà-la-môn đã mang hũ đi lấy nước. Trong hai cô, một cô nữ tỳ của dòng bà-la-môn đến trước đã lấy nước ở bến tàu rồi đi lên. Tuy nhiên, đúng vào lúc cô ta đang đi lên, có một cô nữ của dòng bà-la-môn đến sau đang đi xuống bến tàu ấy một cách vô cùng vội vã. Hũ nước của cô nữ tỳ của dòng bà-la-môn đang đi lên bị va chạm vào hũ của cô kia nên đã bị vỡ tan.

Cô nữ tỳ của dòng bà-la-môn có cái hũ bị vỡ đã tức giận mắng nhiếc cô kia rằng: “Đồ con nhà đầy tớ! Đồ con cái nhà thổ! Ngươi ngu như con bò không biết gì cả!” và đã chưởi mắng cô kia bằng nhiều cách thức chưởi mắng còn hơn thế nữa.

Cô kia ngay khi vừa nghe được lời mắng nhiếc đến mình cũng đã nổi giận rồi đã mắng nhiếc, đã chưởi rủa cô kia tương tợ như thế. Chỉ trong giây lát, thậm chí các lời mắng nhiếc chưởi rủa của hai cô nữ tỳ có số lượng còn nhiều hơn cả một tụng phẩm.

Sau khi nghe được việc ấy, Buddhaghosa đã suy nghĩ rằng: “Ở đây không có người nào khác. Hai người nữ tỳ này sau khi mắng nhiếc lẫn nhau sẽ buộc ta làm người chứng và sẽ kể lại cho các chủ nhân của họ. Khi ấy, họ sẽ hỏi ta. Và ta sẽ đưa ra vào lúc thẩm vấn,” rồi đã ghi chép và lưu lại lời mắng nhiếc của cả hai người vào cuốn tập của mình: “Trong hai cô, một cô nói lời mắng nhiếc như thế này, cô kia nói lời mắng nhiếc như thế này.”

Sau khi lộ vẻ mệt mỏi vì việc ra sức mắng nhiếc lẫn nhau quá lâu, hai cô đã đi về nhà và kể lại cho các chủ nhân của họ. Tuy nhiên, chủ nhân của cô nữ tỳ có cái hũ bị vỡ không được hài lòng nên đã gây gỗ với chủ nhân của cô kia, sau đó đã đi đến nơi xử án của đức vua và trình lên việc ấy.

Sau khi xét đoán, đức vua không thể giải quyết vụ kiện nên đã hỏi rằng: “Ai là người làm chứng cho các ngươi?” Trong hai cô, một cô đã phân trần với đức vua rằng: “Tâu bệ hạ, ở bến tàu có người khách lạ là vị tu sĩ bị hội chúng hành phạt; vị ấy là người chứng cho tiện nữ.” Cô kia cũng đã chỉ ra chính vị trưởng lão ấy và đã phân trần với đức vua y như thế.

Khi ấy, đức vua sau khi lắng nghe sự việc ấy đã phái sứ giả đi đến hỏi vị trưởng lão. Buddhaghosa cũng đã nói rằng: “Lời mắng nhiếc của hai người đàn bà dòng bà-la-môn đã được tôi nghe không thiếu sót. Tuy nhiên, chúng tôi là người xuất gia nên không có lưu tâm,” rồi đã trao tận tay người sứ giả cuốn tập ghi chép của mình có ghi lại lời mắng nhiếc và nói rằng: “Này đạo hữu, hãy trình đức vua xem chính cuốn tập ghi chép này.”

Người sứ giả đã nhận lấy cuốn tập rồi đã trình đức vua xem. Đức vua đã cho người đọc lên rồi hỏi hai người nữ tỳ rằng: “Này hai cô, hai ngươi đã nói lên những lời mắng nhiếc như thế, có đúng không vậy?” Cả hai người đã đáp rằng: “Tâu bệ hạ, đúng vậy.”

Đức vua đã nói rằng: “Người không mang vật nặng cần phải tránh đường cho người đang mang vật nặng,” nói xong đã ra lệnh hành phạt người nữ tỳ của dòng bà-la-môn có cái hũ không bị vỡ.

Sau đó, đức vua có ý muốn gặp vị trưởng lão nên đã hỏi những người bà-la-môn rằng: “Người có trí tuệ nhạy bén như thế trú ngụ ở nơi nào?” Những người bà-la-môn tà kiến đố kỵ với đức hạnh của vị trưởng lão nên đã tâu rằng: “Tâu bệ hạ, người bị hội chúng hành phạt này đi đến với mục đích thương mãi không xứng đáng để bệ hạ gặp.

Đức vua sau khi nghe được điều ấy đã trở nên hoan hỷ với đức hạnh của vị trưởng lão, và trong lúc ngợi khen đã thốt lên hai lời kệ này:

Vị sa-môn như thế này chưa được từng thấy trước đây ở tại nơi này, ngay cả trong toàn bộ số đông các sa-môn ở trên hòn đảo Laṅkā.

Người nào tôn kính cúng dường đến vị đầy đủ giới hạnh, có trí tuệ nhạy bén và kiên trì khổ hạnh như thế này sẽ được sanh về cõi trời.

Sau khi đã nói về đức hạnh của Buddhaghosa với hai lời kệ như thế, đức vua đã giữ im lặng.

Hoàn tất phần chuyện của chương thứ năm
về việc Buddhaghosa đã dùng trí tuệ của bản thân thuật lại
câu chuyện của hai nữ tỳ dòng bà-la-môn.

-ooOoo-

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app