CHƯƠNG VII: HOÀN TẤT VIỆC PHIÊN DỊCH

Sau khi đã cư trú theo như ý thích, Buddhaghosa đã thỉnh cầu hội chúng trú xứ thích hợp cho bản thân nhằm mục đích ghi chép lời dạy của vị Đại Hiền Triết. Vị đại trưởng lão đã cho phép Buddhaghosa cư ngụ ở Lohapāsāda. Nghe rằng tòa lâu đài bằng đồng ấy có bảy tầng.[12] Sáu tầng trong số đó có sáu vị đại trưởng lão cư ngụ. Sáu tầng ấy thế nào? Một vị chuyên hành trì giới luật trong sạch sống ở tầng thứ nhì, một vị chuyên thọ trì các hạnh đầu đà sống ở tầng thứ ba, một vị thuộc lòng Tạng Kinh sống ở tầng thứ tư, một vị thuộc lòng Tạng Vi Diệu Pháp sống ở tầng thứ năm, một vị thuộc lòng Tạng Luật sống ở tầng thứ sáu, một vị gắn bó với thiền quán tu tập về ba tướng trạng[13] nhằm thành tựu đạo quả sống ở tầng thứ bảy. Ở tầng trệt bên dưới của tòa lâu đài thì vắng vẻ, không có bất cứ vị tỳ khưu nào.

Và Buddhaghosa đã sống trong sự thanh vắng ở tầng dưới của mình. Nghe rằng vị ấy là vị thọ trì các pháp đầu đà và rành rẽ tất cả Pháp Học. Hơn nữa, hàng ngày trong lúc cư ngụ Buddhaghosa đã phiên dịch Giáo Pháp của đức Thế Tôn từ ngôn ngữ ở trên hòn đảo rồi đã ghi lại bằng ngôn ngữ của xứ Magadha.

Trong ngày, khi đi khất thực vào lúc sáng sớm vị ấy cũng đã nhìn xem lá cây thốt-nốt bị rụng xuống rồi trên đường từ ngôi làng là nơi khất thực đi trở về đã nhặt lấy. Và điều này được biết đến như là “phận sự” của vị ấy.

Sau đó vào một ngày nọ, có người thợ trèo cây thốt-nốt khôn ngoan, kinh nghiệm, và chất phát sau khi nhìn thấy việc làm của Buddhaghosa đã rải lá thốt-nốt không bị lủng không bị rách ở chỗ đi khất thực của vị ấy rồi ẩn đi. Đến khi hoàn tất việc khất thực, vị trưởng lão đã nhặt lấy lá rồi ra đi.

Người ấy đã đi theo sau Buddhaghosa và khi nhìn thấy công việc ghi chép của vị trưởng lão đã sanh tâm hoan hỷ. Cho đến một ngày nọ, người ấy đã mang lại giỏ thức ăn và cúng dường đến vị trưởng lão. Buddhaghosa đã nói với người ấy rằng: “Này đạo hữu cư sĩ, vị ngụ ở tầng lầu bên trên của tôi là vị thâm niên hơn, đạo hữu hãy dâng phần vật thực của đạo hữu đến vị ấy.”

Người ấy nghe theo vị trưởng lão đã mang giỏ thức ăn dâng đến vị đại trưởng lão cư ngụ ở tầng lầu trên.

Theo đúng cách thức ấy, chỉ một giỏ thức ăn ấy đã được đưa đến vị trưởng lão ngụ ở tầng lầu thứ bảy. Và vị ngụ ở tầng trên hết đã nói với người ấy rằng: “Buddhaghosa ở tầng trệt có đức hạnh trội hẳn chúng tôi. Hàng ngày, vị ấy đang ghi chép lời dạy của đức Phật. Hãy dâng cho chính vị ấy.” Nghe được điều ấy, người ấy đã mang giỏ thức ăn từ tầng lầu thứ bảy đi trở xuống rồi lại dâng đến Buddhaghosa.

Buddhaghosa đã thọ nhận (nói rằng): “Lành thay! Lành thay!” Hơn nữa, sau khi thọ nhận, Buddhaghosa đã bảo phân chia thành bảy phần rồi bảo đem sáu phần dâng đến sáu vị trưởng lão. Đây chính là pháp thực hành của vị ấy.

Trong khi ghi chép Phật Pháp, Buddhaghosa đã đạt đến sự hoàn tất sau thời gian ba tháng.[14] Sau khi đã trải qua mùa an cư mưa và đã hành lễ Pavāraṇā, Buddhaghosa đã thông báo vị Tăng Thống rằng Giáo Pháp đã được bản thân phiên dịch xong.[15]

Vị Tăng Thống đã tùy hỷ rằng: “Lành thay! Lành thay!” Hơn nữa, trong lúc ca ngợi đức hạnh của Buddhaghosa vị ấy đã nói lên hai bài kệ rằng:

Giáo Pháp, tức là lời dạy của đức Phật tối thượng, khó mà lãnh hội. Do nhờ công đức phiên dịch, chúng ta sẽ hiểu được một cách dễ dàng.

Cũng giống như người bị mù không nhìn thấy sự bằng phằng hay lồi lõm, tương tợ như thế chúng ta không hiểu được Giáo Pháp đã được đức Phật thuyết giảng.

Sau đó, vị Tăng Thống cũng đã cho chất các cuốn sách đã được trưởng lão Mahinda cho ghi chép lại thành đống ở khu vực lân cận ngôi đại bảo tháp là khu vực thiêng liêng rồi cho châm lửa đốt. “Nghe rằng tất cả các cuốn sách đã được trưởng lão Mahinda cho ghi chép lại bằng ngôn ngữ Sīhaḷa khi đã được chất thành đống có khối lượng bằng chiều cao của bảy con voi hạng trung.” Các vị giáo thọ sư tiền bối đã nói như thế và chúng tôi đã nghe được như thế.

Sau khi tất cả các cuốn sách thực hiện bằng ngôn ngữ Sīhaḷa đã được thiêu đốt, Buddhaghosa đã xin phép hội chúng về thăm viếng song thân: “Bạch các ngài, tôi muốn đi Jambudīpa.” Nói xong đã chuẩn bị để lên thuyền với những người thương buôn. Vào đúng thời điểm bản thân vị ấy bước lên thuyền, các vị tỳ khưu cư trú ở đảo Sīhaḷa đã chê bai về khả năng thành thạo trong lãnh vực ngôn ngữ Saṅkrit rằng: “Phải chăng vị trưởng lão này chỉ biết Tam Tạng Phật Pháp mà không biết về ngôn ngữ Saṅkrit?

Nghe được lời nói chê bai của các vị ấy, những người thương buôn đồng hành với vị trưởng lão đã kể lại cho vị ấy.

Vị trưởng lão nghe được điều ấy đã nói rằng: “Tốt lắm! Tốt lắm!” rồi đã thông báo cho vị đại trưởng lão Tăng Thống cư ngụ ở hòn đảo Laṅkā rằng: “Bạch ngài, ngày mai ngày rằm là ngày lễ Uposatha, tôi sẽ thuyết giảng bằng ngôn ngữ Saṅkrit. Xin hãy cho tứ chúng tụ hội lại ở khuôn viên ngôi đại bảo tháp.”

Rồi vào sáng sớm, trong lúc chứng tỏ khả năng về ngôn ngữ Saṅkrit trước tứ chúng, Buddhaghosa đã bước lên Pháp tọa rồi đứng và nói lên những lời kệ bằng ngôn ngữ này.

Nghe rằng có bốn đặc điểm kỳ diệu ở Buddhaghosa. Là bốn điều gì? Nếu tập thể các tỳ khưu đi đến để gặp Buddhaghosa, do sự gặp gỡ họ trở nên hoan hỷ với vị ấy. Nếu Buddhaghosa thuyết giảng Giáo Pháp ở nơi nào, tập thể các tỳ khưu do được thuyết giảng cũng trở nên hoan hỷ với vị ấy. Khi nào Buddhaghosa không thuyết giảng thì tập thể các tỳ khưu không được hài lòng. Nếu tập thể các tỳ khưu ni, tập thể các nam cư sĩ, tập thể các nữ cư sĩ đi đến để gặp Buddhaghosa, do sự gặp gỡ họ trở nên hoan hỷ với vị ấy. Nếu Buddhaghosa thuyết giảng Giáo Pháp ở nơi nào, do được thuyết giảng họ cũng trở nên hoan hỷ với vị ấy. Khi nào Buddhaghosa không thuyết giảng thì họ không được hài lòng. Như thế là bốn đặc điểm kỳ diệu ở Buddhaghosa tương tợ như trường hợp đại đức Ānanda vậy. Do đó, vào thời thuyết giảng của Buddhaghosa, tứ chúng đã cởi ra các tấm vải, y phục, ngọc ngà, châu báu, đồ trang sức, v.v… của mỗi một người rồi đặt ở dưới bàn chân của vị trưởng lão để cúng dường Pháp Bảo. Hơn nữa, nghe nói các vật cúng dường như các tấm vải, v.v… có khối lượng chất ở trên lưng của con voi khổ trung bình cao đến bảy cánh tay.

Tuy nhiên, Buddhaghosa đã không màng đến các vật ấy và đã từ Pháp tọa bước xuống đảnh lễ hội chúng, xin phép vị đại trưởng lão thâm niên, rồi cùng với các thương buôn lên thuyền khởi hành về hướng Jambudīpa. Đến khi Buddhaghosa đã ra đi, mọi người gồm có hành khất, du sĩ, sa-môn, bà-la-môn, v.v… đã tùy theo ý thích nhặt lấy các vật cúng dường Pháp bảo của vị trưởng lão rồi ra đi.

Hoàn tất phần chuyện của chương thứ bảy
về việc thuyết giảng Giáo Pháp
được thực hiện bằng ngôn ngữ Saṅkrit với sự thành thạo
bởi bản thân vị trưởng lão tên Buddhaghosa.

-ooOoo-

 

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app