MỤC LỤC

Phần Giới Thiệu
Lời Mở Đầu

Chương 1: Thời niên thiếu của Buddhaghosa
Chương 2: Xuất gia trở thành tỳ khưu
Chương 3: Tiếp độ cha thoát ly tà kiến
Chương 4: Đi đến đảo Laṅkā (Tích Lan)
Chương 5: Trí tuệ nhạy bén của Buddhaghosa
Chương 6: Được phép phiên dịch Chú Giải
Chương 7: Hoàn tất việc phiên dịch
Chương 8: Về lại Jambudīpa và từ trần

-ooOoo-

PHẦN GIỚI THIỆU

Tác phẩm Buddhaghosuppatti là tài liệu dài nhất ghi lại cuộc đời của vị Chú Giải Sư vĩ đại Buddhaghosa. Ngài Buddhaghosa đã soạn nên bộ sách nổi tiếng Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo) được đánh giá là cẩm nang tu tập cho hàng Phật tử xuất gia cũng như tại gia vì đã cô đọng lại những gì tinh hoa của lời Phật dạy. Ngài là vị đầu tiên đã tổng hợp lại các bộ Chú Giải đã có từ trước, trong đó đa phần được ghi lại bằng ngôn ngữ Sīhaḷa của xứ Tích Lan. Ngài đã hoàn tất phần chú giải về Tạng Luật và Tạng Diệu Pháp. Về Tạng Kinh, ngài đã hoàn tất phần chú giải của Kinh Trường Bộ, Kinh Trung Bộ, Kinh Tương Ưng Bộ, Kinh Tăng Chi Bộ, và một số thuộc về Kinh Tiểu Bộ.

Văn bản Buddhaghosuppatti được thực hiện do công sao lục và hiệu đính của học giả James Gray dựa vào các tài liệu tìm thấy ở Miến Điện. Theo phần mở đầu và kết thúc của văn bản này, chúng ta chỉ biết được câu chuyện này được “vị trưởng lão tên Mahāmaṅgala thuật lại đúng theo sự học hỏi từ các vị giáo thọ sư tiền bối” và có thể xác định được tài liệu này được thực hiện ở Sri Lanka nhờ vào chi tiết ghi rằng ngài trưởng lão Mahinda “đã thiết lập Giáo Pháp ở trên hòn đảo Tích Lan này.” James Gray cũng cho biết đã không tìm được tư liệu gì về vị trưởng lão Mahāmaṅgala cũng như văn bản Buddhaghosuppatti ở Sri Lanka và tỏ vẻ ngạc nhiên về điểm này. James Gray phỏng định rằng đây là vị Maṅgala sống vào khoảng thế kỷ thứ 13 là thầy dạy học của Videha và là tác giả của các tác phẩm Sidatsaṅgarava, Rasavāhinī, và Samantakūṭavaṇṇanā; các tác phẩm này không còn được lưu truyền đến ngày nay. Theo Dr. Somapala Jayawardhana, ở tác phẩm Jinakālamālī được thực hiện vào năm 1417 có đề cập đến tài liệu này, do đó điều được ghi nhận là tác phẩm Buddhaghosuppatti đã được thực hiện vào trước thời điểm trên. [1]

Về nội dung, tác phẩm Buddhaghosuppatti giới thiệu cho chúng ta một số tư liệu về cuộc đời của ngài Buddhaghosa không tìm thấy hoặc được trình bày hơi khác trong các tài liệu như Mahāvaṃsa, Sāsanavaṃsa, Saddhammasaṅgaha, v.v… ví dụ như tên cha và mẹ của ngài Buddhaghosa, việc được thỉnh cầu và hạ sanh từ cõi trời Đạo Lợi, sự thông thạo về kinh Vệ Đà, câu chuyện cậu bé Ghosa và vị đại trưởng lão, sự xuất gia và học tập Tam Tạng lúc còn nhỏ tuổi, việc thọ tỳ khưu giới, ý nghĩ xúc phạm đến thầy tế độ và nguyên do của việc đi đến hòn đảo Laṅkā, việc tế độ người cha thoát khỏi tà kiến, cuộc trao đổi giữa hai vị trưởng lão Buddhaghosa và Buddhadatta ở giữa biển khơi, việc chứng kiến hai người nữ tỳ dòng bà-la-môn mắng nhiếc lẫn nhau, được đức vua biết đến, việc giải thích điểm khúc mắc cho vị Tăng Thống, chi tiết về việc thực hiện tác phẩm Visuddhimagga đến ba lần, việc cư ngụ ở Lohapāsāda (Lâu đài bằng đồng), câu chuyện cúng dường của người thợ trèo cây thốt-nốt, buổi thuyết giảng Giáo Pháp bằng ngôn ngữ Saṅkrit, bốn đặc điểm kỳ diệu ở Buddhaghosa, sự cúng dường Pháp bảo, trở về lại Jambudīpa thăm lại thầy tế độ và song thân, từ trần và tái sanh vào cõi trời Đẩu Suất, việc trở thành Tối Thượng Thinh Văn của đức Phật Metteyya (Di Lặc) trong ngày vị lai. Tuy nhiên, trong câu chuyện này một số chi tiết có tính cách huyền học đã được hư cấu thêm, đồng thời một số tư liệu xét rằng không được chính xác nếu so sánh với các dữ kiện đã được các nhà học giả đương thời xác định.

Trong bản dịch tiếng Việt, các câu kệ thơ Pāli được ghi lại bằng văn xuôi và trình bày chữ nghiêng; mỗi câu kệ Pāli tương đương với hai hoặc ba dòng văn Việt được trình bày thành từng đoạn tách biệt. Các câu đối thoại cũng được trình bày chữ nghiêng trong ngoặc kép và không xuống hàng sau mỗi lời nói của từng nhân vật.

Mục đích của chúng tôi trong khi nghiên cứu tài liệu này nhằm tìm hiểu về văn phong Pāli qua các thời kỳ khác nhau nên thời gian đầu tư cho công việc ghi lại tiếng Việt của tài liệu này rất hạn chế, vì thế không tránh khỏi nhiều điều sai sót. Ngưỡng mong quý độc giả niệm tình hỷ xả. Mọi sự góp ý phê bình xin email về: [email protected]

Nhân đây, chúng tôi cũng xin chân thành tán dương sự sách tấn và ủng hộ của các vị: Ven. Khánh Hỷ, Ven. Chánh Kiến, Sư Cô Diệu Linh, Sư Cô Hạnh Bửu, Dr. Bình Anson, Chú Nguyễn Hữu Danh, Anh Phạm Trọng Độ, Bà Nguyễn văn Chuân, Bà Ba Diệu Đài, Bà Diệu Giới, gia đình Cô Sáu Dép, Cô Tư Khánh Huy, Cô Lê Thị Huế, gia đình Trương Tuyết Anh, Phật tử Ngọc Ngân, v.v… Thành tâm cầu chúc quý vị luôn đạt được nhiều hạnh phúc trong cuộc sống thế gian và thể nhập niềm an lạc vô biên trên bước đường tu tập giải thoát.

Công đức này xin dâng đến Hòa Thượng trụ trì và chư Tăng chùa Sri Jayawardhanaramaya, Colombo, Tích Lan, đã bảo bọc và tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi trong công việc tu học và nghiên cứu Phật Pháp trong thời gian qua.

Mong sao hết thảy chúng sanh đều được tiến hóa trong ánh hào quang của Chánh Pháp.

Colombo, ngày 24 tháng 02 năm 2005
Bhikkhu Indacanda
(Trương đình Dũng)

-ooOoo-

 Kính lễ đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, đấng Chánh Biến Tri!

LỜI MỞ ĐẦU

Tôi xin đảnh lễ Tam Bảo là nguồn thanh lọc mọi điều ác xấu rồi sẽ trình bày cuộc đời của ngài Buddhaghosa đúng theo sự thật.

Hỡi các bậc hiền nhân đạo đức, các vị là những người thiện tri thức đã bỏ qua công chuyện khác và tụ hội lại. Xin các vị hãy chú tâm lắng nghe câu chuyện ấy.

Và những ai lắng nghe Chánh Pháp rồi giảng giải lại và thực hành theo sẽ được ngợi khen trong đời hiện tại và sẽ chứng đạt Niết Bàn trong ngày vị lai.

Vì thế, các vị hãy chăm chú lắng nghe cuộc đời ngài Buddhaghosa. Cuộc đời của ngài đã được tiên đoán bởi bậc Chánh Đẳng Giác và là nguồn đem lại niềm an lạc cõi trời và giải thoát.

-ooOoo-

 

—————————–

Bài viết được trích từ cuốn Cuộc Đời Ngài Buddhaghosa, tác giả Indacanda Tỳ Khưu    

* Link  cuốn Cuộc Đời Ngài Buddhaghosa

* Link  tải sách ebook Cuộc Đời Ngài Buddhaghosa

* Link  video cuốn Cuộc Đời Ngài Buddhaghosa

* Link  audio cuốn Cuộc Đời Ngài Buddhaghosa

* Link  thư mục tác giả Indacanda Tỳ Khưu 

* Link  thư mục ebook Indacanda Tỳ Khưu

* Link  giới thiệu tác giả Indacanda Tỳ Khưu  

* Link  tải app mobile Phật Giáo Theravāda 

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app