CHƯƠNG III: TIẾP ĐỘ CHA THOÁT LY TÀ KIẾN

Vào một ngày nọ, trong lúc đang thiền tịnh ở nơi thanh vắng, ý nghĩ suy tầm đã khởi đến Buddhaghosa rằng: “Về phương diện Phật Pháp trí tuệ của ta là trội hơn, hay của thầy ta là trội hơn?” Khi ấy, vị thầy tế độ ấy là bậc đã hoàn toàn diệt tận các lậu hoặc đã dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm ấy nên đã nói rằng: “Này Buddhaghosa, tâm tư của con lúc này khiến ta không được hoan hỷ. Nếu con suy xét tận tường thì điều suy tư ấy là không phù hợp với sa-môn, con cần phải bày tỏ sự hối lỗi đối với ta.”

Sau khi nghe được lời nói của thầy tế độ, Buddhaghosa đã sanh tâm sợ hãi và trở nên hoảng hốt nên đã khẩn cầu thầy tế độ rằng: “Bạch ngài, đó là tội lỗi của con, xin ngài hãy tha thứ cho con.

Vị thầy tế độ đã nói rằng: “Nếu con muốn ta thứ lỗi thì con hãy đi đến hòn đảo Laṅkā rồi phiên dịch lời dạy của đức Phật từ ngôn ngữ Sīhaḷa sang ngôn ngữ của xứ Magadha, được vậy thì ta sẽ thứ lỗi cho con,” rồi đã im lặng.

Buddhaghosa đã nói rằng: “Bạch ngài, nếu ngài muốn con đi đến hòn đảo Laṅkā thì con cũng mong muốn như vậy, chỉ xin ngài vui lòng đợi đến khi con tế độ cho cha con thoát khỏi tà kiến.” Nói rồi đã xin phép thầy tế độ đi trở về nhà của mình.

Bà-la-môn Kesī khi nhìn thấy người con trai của mình đã suy nghĩ rằng: “Hôm nay con trai của ta sẽ trở thành người tại gia, khuôn mặt con trai ta có vẻ hoan hỷ,” nên đã vui mừng hỏi Buddhaghosa rằng: “Có phải hôm nay con sẽ hoàn tục và trở thành người tại gia?

Nghe được điều ấy, Buddhaghosa đã im lặng. Vị ấy đã đi đến chỗ ngụ của mình rồi cho dựng lên hai liêu cốc lợp ngói phía bên trên, tô vữa đất sét, lót ván sàn. Và ở một liêu cốc, vị ấy đã cho gắn hai chốt gài phía bên trong lẫn bên ngoài, sau đó đã xếp đặt củi lửa, son quánh, gạo, nước, sữa, bơ lỏng, bơ đặc, v.v… rồi đã thiết kế hệ thống, sau đó đã đưa người cha của mình vào bên trong căn phòng và đã khiến hệ thống ấy đóng cánh cửa lại.

Bà-la-môn Kesī đã hỏi rằng: “Này con, ta là cha của con. Tại sao con lại làm như vậy?

Buddhaghosa đã nói rằng: “Đương nhiên cha là cha của con. Tuy nhiên, cha là người tà kiến, không mộ đạo và không đặt niềm tin vào Giáo Pháp của đức Phật; vì thế con phải trách phạt cha như thế này.

Người cha đã nói rằng: “Cha không hành động theo tà kiến; hãy mở cửa cho cha.” Vị ấy lại nói rằng: ““Nếu cha không hành động theo tà kiến thì cha hãy tán dương ân đức của đức Phật như vầy: ‘Đức Thế Tôn ấy là bậc A-la-hán, v.v…’[7] Cha nói rồi thì con sẽ mở cửa cho cha.”

Nói xong, Buddhaghosa còn răn đe người cha bằng nỗi kinh sợ ở địa ngục nữa: “Thưa cha, cha mà không từ bỏ hành động tà kiến thì khi chết đi cha sẽ bị sanh vào địa ngục avīci.”

Hơn nữa, trong khi quở trách người cha về hành động tà kiến, vị ấy còn lên các lời kệ này:

Khi không thấy chim công với mào lông ở đầu và giọng hót du dương, khi ấy người ta đã hiến dâng thịt và trái cây đến loài quạ.

Khi chim công có đầy đủ phẩm chất đã đi đến núi Meru thì lợi lộc và vinh quang của loài quạ bị tiêu hoại.

Khi nào đức Phật là vị Pháp Vương là đấng Quang Minh không xuất hiện, tại nơi ấy người ta đã dâng cúng đến các sa-môn và bà-la-môn phàm nhân khác.

Khi đức Phật là bậc đầy đủ phẩm hạnh đã thuyết giảng Giáo Pháp, khi ấy lợi lộc và vinh quang của các ngoại đạo bị tiêu hoại.

Cũng tương tợ như những con đôm đốm trong đêm hạ huyền, sự rạng rỡ của các ngoại đạo giống như là ánh sáng của loài đôm đốm vậy.

Và khi mặt trời có đầy đủ hào quang xuất hiện thì ánh sáng của các loài đôm đốm biến mất.

Ở nơi này, các ngoại đạo dầu có đông đảo cũng chỉ giống như bầy đôm đốm; đức hạnh của họ làm rạng rỡ thế gian tương tợ như ánh sáng của các con đôm đốm nhấp nháy trong đêm hạ huyền.

Và khi đức Phật với hào quang vô lượng xuất hiện ở trên đời, các ngoại đạo bị mất đi vẻ rạng rỡ giống như loài đôm đốm khi mặt trời mọc lên.

Vị bà-la-môn Kesī ấy đã trải qua ba ngày và đến ngày thứ tư đã hồi tưởng lại lời của người con trai mình nói về ân đức Phật và đã thốt lên rằng: “Đức Thế Tôn ấy là bậc A-la-hán, v.v…” Vi ấy đã có được niềm tin trong sạch đối với Tam Bảo và đã tuyên bố: “Kể từ hôm nay, tôi xin quy y Tam Bảo cho đến trọn đời,” sau đó đã nói rằng: “Này con, đức Thế Tôn ấy là bậc Đạo Sư của cha, và cha là cận sự nam.” Vị bà-la-môn Kesī ấy, sau khi nương tựa vào ân đức Phật và trong khi đoạn tuyệt với tà kiến của mình, đã đạt đến quả vị Tu Đà Hườn.

Buddhaghosa đã làm cánh cửa mở ra rồi đã tắm rửa cho người cha của mình bằng nước thơm, sau đó đã cúng dường với các vật thơm và tràng hoa, v.v…, rồi đã xin người cha tha thứ sự sai trái của mình.

Và bà-la-môn Kesī sau khi thành tựu quả vị Tu Đà Hườn và trong lúc tán dương bậc Chánh Đẳng Giác đã nói lên những lời kệ này:

Đấng Đạo Sư của tôi là vị có những đức tính cao quý, là vị xứng đáng sự hướng vai phải đi nhiễu xung quanh (để tỏ lòng tôn kính), là bậc đã hoàn toàn giác ngộ tất cả các pháp, và là vị đứng đầu các bà-la-môn.

Đấng Đạo Sư của tôi là vị có đầy đủ trí tuệ và đức hạnh (Minh Hạnh Túc), là vị đã khéo đạt đến tất cả các pháp (Thiện Thệ), là vị hiểu biết khắp cả thế gian, và là vị đứng đầu các bà-la-môn.

Đấng Đạo Sư của tôi là vị cao quý hơn tất cả (Vô Thượng Sĩ), là đức Thế Tôn, là bậc nhiếp phục các đấng nam nhân tương tợ ví như người đánh xe thuần hoá các con ngựa (Điều Ngự Trượng Phu), và là vị đứng đầu các bà-la-môn.

Hơn nữa, sau khi lắng nghe lời nói của người cha mình, Buddhaghosa đã sanh tâm hoan hỷ và đã thốt lên lời tùy hỷ với người cha rằng: “Lành thay! Lành thay!

Hoàn tất phần chuyện của chương thứ ba
về phương thức tiếp độ người cha thoát ly tà kiến
đã được thực hiện bởi Buddhaghosa.

-ooOoo-

 

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app