CHƯƠNG VI: ĐƯỢC PHÉP PHIÊN DỊCH CHÚ GIẢI
Sau sự việc đó, vị trưởng lão Buddhaghosa đã đi đến để đảnh lễ ngài đại trưởng lão là vị Tăng Thống[9] ở hòn đảo Laṅkā. Sau khi đảnh lễ vị ấy, Buddhaghosa đã ngồi ở một góc phía sau các vị tỳ khưu đang học về Luật và Vi Diệu Pháp với ngài đại trưởng lão Tăng Thống.
Vào một ngày nọ, vị Tăng Thống trong lúc dạy cho các tỳ khưu đã gặp một điểm khúc mắc thuộc về Vi Diệu Pháp. Vị ấy không nhận ra cũng không hiểu được ý nghĩa của điểm khúc mắc ấy nên đã trở nên bối rối rồi đã giải tán các vị tỳ khưu, sau đó đi vào phòng trong ngồi xuống suy nghĩ về điểm khúc mắc ấy.
Hơn nữa, ngay khi vị ấy vừa đi vào, Buddhaghosa biết được vị đại trưởng lão không hiểu được điểm khúc mắc thuộc về Vi Diệu Pháp nên đã rời chỗ ngồi đứng dậy, ghi xuống và lưu lại nội dung ý nghĩa của điểm khúc mắc ấy ở trên tấm ván kê đầu rồi đi về chiếc thuyền của mình.
Trái lại, vị đại trưởng lão Tăng Thống trong lúc loay hoay suy nghĩ về ý nghĩa của điểm khúc mắc ấy nhưng vẫn không hiểu được nội dung và ý nghĩa của điều ấy, đến khi từ phòng trong đi ra và ngay khi đang ngồi xuống thì dòng chữ ấy đã hiện ra. Sau khi nhìn thấy, liền hỏi các vị sư rằng: “Dòng chữ này do ai ghi lại?” Các vị sư đã nói rằng: “Bạch ngài, có lẽ do vị tỳ khưu vãng lai đã ghi lại.” Vị ấy đã hỏi rằng: “Vị ấy đâu rồi?” rồi đã ra lệnh cho các vị sư rằng: “Các ngươi hãy tìm kiếm rồi đưa vị ấy lại gặp ta.”
Các vị sư trong lúc tìm kiếm đã nhìn thấy và đã mời Buddhaghosa đi đến gặp vị Tăng Thống.
Vị Tăng Thống ấy cũng đã hỏi rằng: “Nghe nói dòng chữ này đã được đại đức ghi lại?” Khi được đáp rằng: “Bạch ngài, đúng vậy,” vị Tăng Thống ấy đã giới thiệu cho hội chúng tỳ khưu nói rằng: “Nếu vậy thì hội chúng tỳ khưu nên học hỏi về Tam Tạng với đại đức.”
Buddhaghosa cũng đã khước từ việc ấy và trình bày cho vị ấy biết nguyên nhân đi đến của bản thân rằng: “Bạch ngài, tôi đã từ Jambudīpa đi đến hòn đảo Laṅkā không nhằm mục đích giảng dạy cho hội chúng tỳ khưu. Tuy nhiên, tôi đi đến nhằm phiên dịch lời dạy của đức Phật từ ngôn ngữ Sīhaḷa và ghi lại bằng ngôn ngữ của xứ Magadha.”
Nghe được điều ấy, vị Tăng Thống đã vô cùng hoan hỷ nói rằng: “Nếu đại đức đã đi đến và nói rằng: ‘Tôi sẽ ghi lại lời dạy của đức Phật bằng ngôn ngữ của xứ Magadha.’ Vậy đại đức hãy đúc kết lại Tam Tạng với lời kệ đã được đức Phật nói lên rằng:
‘Ai đoạn ô nhiễm này?
– Người trí an trú giới,
tu tập định và tuệ,
vị tỳ khưu tinh cần,’[10]
rồi đưa cho chúng tôi xem.”
Buddhaghosa đã đồng ý đáp rằng: “Lành thay!” rồi đã trở về lại chỗ trú ngụ của mình.
Trong ngày hôm ấy, khi bóng đêm cùng với vòm tinh tú đang lan tỏa, Buddhaghosa đã khởi đầu bằng bài kệ: “Ai đoạn ô nhiễm này? – Người trí an trú giới, tu tập định và tuệ, vị tỳ khưu tinh cần” và đã viết nên tác phẩm Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo) một cách vô cùng nhanh chóng. Hơn nữa, sau khi hoàn tất Buddhaghosa (nghĩ rằng): “Ta sẽ cất đi,” rồi đi ngủ.
Khi ấy, Chúa Trời Sakka đã lấy trộm và đem đi tác phẩm Visuddhimagga đã được vị trưởng lão ghi lại và cất giữ. Đến khi thức giấc, vị trưởng lão không nhìn thấy tác phẩm của mình nên đã viết lại tác phẩm Visuddhimagga khác một cách thật vô cùng nhanh chóng với ánh sáng của cây đèn. Rồi vị ấy cũng đã hoàn tất và đặt cuốn sách ở trên đầu của mình rồi đi ngủ lại. Và Chúa Trời Sakka lại lấy trộm cuốn sách và đem đi. Vị trưởng lão ngủ được chốc lát lại thức dậy và đã không nhìn thấy cuốn sách. Nghe rằng trong lần thứ nhì Chúa Trời Sakka đã lấy trộm cuốn sách thứ nhì và đem đi vào canh giữa của đêm.
Vị trưởng lão sau khi thức giấc đã không nhìn thấy cuốn sách ấy nên đã viết lại tác phẩm Visuddhimaggakhác một cách thật vô cùng nhanh chóng với ánh sáng của cây đèn. Đến khi viết xong đã buộc chặt vào y rồi đi ngủ. Chúa Trời Sakka đã đặt ở cạnh đầu của vị trưởng lão hai cuốn sách đã lấy trước đây rồi ra đi. Vào lúc hừng sáng của đêm, Buddhaghosa sau khi thức dậy đã nhìn thấy các tác phẩm do chính bản thân viết ra được vị Thiên Vương đặt ở cạnh đầu của mình nên đã mừng rỡ, và sau khi làm công việc vệ sinh cơ thể đã cầm lấy hai cuốn sách cùng với cuốn sách đã được buộc vào mình đem trình lên cho vị trưởng lão Tăng Thống ở hòn đảo Laṅkā xem.[11]
Nghe rằng trong ba cuốn sách đó, mỗi một cuốn chứa đựng một triệu chín trăm hai mươi ba ngàn mẫu tự. Vị Tăng Thống sau khi nhìn thấy ba cuốn sách cũng đã sửng sốt hỏi rằng: “Tại sao lại là ba cuốn sách?” Sau khi nghe được lý do, vị ấy trong nỗi ngạc nhiên đã cho đọc lên ba cuốn sách ấy. Ở bất cứ đoạn nào trong ba cuốn sách, các âm như là a, vi, v.v… của các giới từ hoặc các tiếp đầu ngữ đã được vị trưởng lão viết xuống thì chúng cùng lúc được đọc ra y như là đã được sao chép lại. Sau khi nhìn thấy sự giống nhau như thế của các từ a, vi, v.v…, vị Tăng Thống đã vô cùng hoan hỷ và đã cho phép Buddhaghosa rằng: “Đại đức hãy phiên dịch lời dạy của đức Phật sang ngôn ngữ của xứ Magadha đi.” Hơn nữa, sau khi cho phép và trong lúc ngợi khen trí tuệ và đức hạnh của Buddhaghosa vị ấy đã thốt lên hai lời kệ rằng:
Vị nào được nhận biết là có trí tuệ như thế này, tức là tứ tuệ phân tích, và rành rẽ tất cả các pháp; vị ấy được xem như là đức Phật.
Chính đại đức đã thành tựu trí tuệ và là vị đứng đầu tất cả chúng tôi. Chính đại đức là vị luôn hiểu rõ Giáo Pháp của đấng Mâu Ni ấy.
Từ đó trở đi, ở trên hòn đảo ấy vị ấy đã được dân chúng trên hòn đảo Laṅkā biết tiếng với tên là Buddhaghosa. Vì thế, các tài liệu cổ đã nói rằng:
Được biết tiếng với tên là Buddhaghosa ở trên toàn bộ hòn đảo, vị ấy luôn vượt trội mọi người, tương tợ như đức Phật ở trên trái đất vậy.
Hoàn tất phần chuyện của chương thứ sáu
về việc vị đại trưởng lão ở trên hòn đảo Laṅkā đã cho phép
Buddhaghosa phiên dịch Chú Giải.
-ooOoo-