CHƯƠNG II: XUẤT GIA TRỞ THÀNH TỲ KHƯU
Từ đó trở đi, trong lúc học tập kinh Vệ Đà cậu bé bà-la-môn đã học thuộc lòng sáu ngàn câu kinh Vệ Đà mỗi ngày. Vào một ngày nọ, vị đại trưởng lão đã đi đến gia đình người bạn là bà-la-môn Kesī để thọ dụng bữa ăn thường kỳ của bản thân và đã đứng ở giữa căn nhà. Khi ấy, một thanh niên bà-la-môn đã mang lại tấm lót ngồi của cậu bé bà-la-môn Ghosa trải ra rồi thỉnh vị đại trưởng lão ngồi. Vị đại trưởng lão vẫn tỏ vẻ thản nhiên và đã ngồi lên tấm lót ngồi của cậu bé bà-la-môn Ghosa. Sau đó, khi nhìn thấy vị đại trưởng lão ấy đang ngồi lên tấm lót ngồi của bản thân, cậu bé bà-la-môn Ghosa đã trở nên vô cùng giận dữ giống như là con rắn con bằng ngón tay cái đang bị đánh đập. Giận dỗi vì điều ấy, cậu bé đã tắt hẳn nụ cười và đã thóa mạ vị đại trưởng lão rằng: “Lão sa môn trọc đầu này vô liêm sĩ, không biết tự lượng bản thân! Tại sao cha của ta lại phải nuôi ăn? Người này có biết về kinh Vệ Đà không? Hay là có biết về loại chú thuật nào khác?” Tuy nhiên, sau khi mắng mỏ lại suy nghĩ như vầy: “ Ta sẽ hỏi lão sa môn trọc đầu về kinh Vệ Đà khi lão đã ăn xong và đã rời bàn tay khỏi bình bát.”
Sau đó, khi vị đại trưởng lão đã thọ thực xong, bàn tay đã rời khỏi bình bát và còn đang ngồi, cậu bé đã hỏi rằng: “Này ông trọc đầu, ông có biết về kinh Vệ Đà không? Hoặc có biết về loại chú thuật nào khác không?”
Nghe được điều ấy, vị đại trưởng lão đã kiềm lại nỗi vô cùng mừng rỡ và nói rằng: “Này con Ghosa, ta biết về kinh Vệ Đà của con, và ta còn biết loại chú thuật khác nữa.”
Cậu bé đã nói rằng: “Nếu ông biết về kinh Vệ Đà thì hãy đọc lên.”
Khi ấy, vị đại trưởng lão đã đọc tụng ba bộ Vệ Đà. Sau khi đã đề cập phần đầu, phần giữa, và phần cuối của ba bộ Vệ Đà, vị ấy đã khéo phân tích và đọc tụng kinh Vệ Đà được ví như là cuộn chỉ rối đã được bậc trí tuệ tháo gỡ. Khi hoàn tất việc đọc tụng, vị trưởng lão đã súc miệng với nước từ trong bình nước của mình rồi đã ngồi xuống.
Cậu bé đã nhìn vị trưởng lão tỏ vẻ hổ thẹn, rồi lại nói rằng: “Này ông trọc đầu, tôi muốn biết chú thuật của ông. Ông hãy đọc chú thuật của ông đi.”
Để làm hài lòng cậu bé, vị trưởng lão đã đọc các đầu đề của Vi Diệu Pháp: “Các pháp thiện, các pháp bất thiện, các pháp vô ký.”[4] Ngay từ ban đầu, trong lúc phân tích ý nghĩa của ba đầu đề trên, vị trưởng lão đã nói rằng: “Này con Ghosa, gọi là pháp thiện nghĩa là có đặc điểm đưa đến kết quả tốt và không có tội, có tính chất tiêu diệt điều xấu, là pháp đưa đến sự trong sạch, là nền tảng căn bản cho việc đạt đến kết quả tốt, và làm cho thành tựu cõi trời. Gọi là pháp bất thiện nghĩa là có đặc điểm đưa đến kết quả xấu và có tội, có tính chất là sự không trong sạch, là nền tảng căn bản của việc suy nghĩ không đúng đắn, và làm cho thành tựu cõi khổ. Gọi là pháp vô ký nghĩa là có đặc điểm không liên quan đến hai pháp trên, hoặc là không đưa đến nghiệp quả với sự nâng đỡ pháp thiện lẫn pháp bất thiện.
Đấng Mâu Ni, bậc đã chế ngự các giác quan, đã nói lời rằng: ‘Nhờ vào thiện pháp mà luôn luôn thành tựu bốn cảnh giới tốt đẹp;’[5] ta đã đạt được điều ấy. Kẻ ác đã nói rằng: ‘Tâm ý ác trong các ác pháp và phi ác pháp;’ ta đã vượt qua điều ấy nhờ vào sự đoạn tận các ác pháp và phi ác pháp.
Là vị giảng giải và phân tích về hành và vô hành, đấng Chiến Thắng đã nói về tâm hành và tâm vô hành. Trong vấn đề hành hoặc vô hành đối với các pháp tốt đẹp hoặc không tốt đẹp, ta đã vượt qua trạng thái hành và vô hành ấy.”
Vị đại trưởng lão đã nói rằng: “Hết thảy có hai mươi mốt tâm thiện, mười hai tâm bất thiện, ba mươi sáu tâm dị thục, hai mươi tâm duy tác,” rồi đã giảng giải về Chánh Pháp. Sau khi lắng nghe đầu đề về Vi Diệu Pháp, Ghosa đã bối rối nói rằng: “Này ông, chú thuật của ông có tên là gì vậy?” “Này con, điều này được gọi là chú thuật của đức Phật.” Ghosa đã hỏi rằng: “Vậy người tại gia như tôi có thể học tập chú thuật của đức Phật hay không?” Vị đại trưởng lão đã nói rằng: “Chỉ có người xuất gia như ta mới có thể học tập chú thuật của đức Phật bởi vì bản thể của người tại gia không được thanh tịnh và có nhiều điều chướng ngại.”
Vào một ngày nọ, trong lúc quán xét về các vấn đề trong ba bộ Vệ Đà, Ghosa đã nhìn ra phần đầu, phần giữa, và đã suy nghĩ: “Không có phần cuối!” rồi đã thốt lên lời cảm hứng rằng:
Phật Pháp là vô giá
khiến ta được hoan hỷ.
Nương tựa vào Pháp Phật
mọi khổ sầu tiêu tan.
Hơn nữa, Ghosa sau khi suy tính đã đi đến lạy cha mẹ và xin phép xuất gia. Bị song thân từ chối, Ghosa đã liên tục nài nỉ và còn nói rằng: “Thưa cha mẹ, sau khi xuất gia với vị đại trưởng lão và học tập chú thuật của đức Phật, khi đã ghi nhớ nằm lòng thì con sẽ hoàn tục rồi quay về lại.”
Sau đó, người cha và người mẹ đã mang theo vật cúng dường và đưa Ghosa đi đến chỗ trú ngụ của vị đại trưởng lão trình bày rằng: “Bạch ngài, đứa cháu trai này của ngài có ý muốn được xuất gia với ngài, xin ngài hãy xuất gia cho nó.”
Khi ấy, vị trưởng lão đã cạo sạch râu tóc cho cậu bé và đã tẩy uế mùi tại gia thế tục bằng các loại bột trầm hương tẩm nước, sau đó đã cho quấn vải trắng, trao cho đề mục thiền về thể trược, và đã cho xuất gia.
“Bạch ngài, đề mục thiền về thể trược là thế nào?” Vị trưởng lão đã nói rằng: “Tóc, lông, móng, răng, da.” Rồi đã nói thêm: “Hơn nữa, tất cả chư Phật đều không xao lãng đề mục thiền về thể trược. Chính tất cả chư Phật khi ngự trên bảo tọa giác ngộ đều nương tựa vào đề mục thiền về thể trược, sau đó đã dùng trí tuệ thể nhập ba tướng trạng[6] rồi chứng đắc quả vị A-la-hán. Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
‘Đấng Toàn Giác đã dạy
đề mục thiền thể trược.
Người hành thiền thể trược
thoát khỏi mọi khổ đau.
Bởi thế, nên tu tập,
triển khai thiền thể trược
cao quý và toàn thiện,
sẽ chứng đạt Niết Bàn.’”
Sau khi nghe được điều ấy và trong lúc tu tập thiền về đề mục thể trược, Ghosa đã vững tin vào Tam Bảo, đã thọ trì mười giới, đã làm sanh lên ba hiện tướng trong năm nghiệp xứ, và có được niềm tin bất động vào Giáo Pháp của đức Phật. Sau khi thành tựu được niềm tin, Ghosa đã nói với vị trưởng lão ấy rằng: “Bạch ngài, con đã hiểu rằng Giáo Pháp của đức Phật làm chấm dứt luân hồi và là nguyên nhân của sự tiêu diệt các khổ đau do sự tái sanh trong các cõi. Còn kinh Vệ Đà của con thì vô vị, rỗng tuếch, và không ổn định nên các thánh nhân như chư Phật, v.v… đã chối từ.”
Và Ghosa đã thành tựu việc xuất gia. Từ đó trở đi, mỗi một ngày Ghosa đã học thuộc lòng sáu mươi ngàn câu kệ ngôn, và đã học hỏi hoàn tất Tam Tạng chỉ trong một tháng. Sau khi đã học xong Tam Tạng và đến khi đủ tuổi đã được tu lên bậc trên và đạt được tứ tuệ phân tích. Và vị ấy được nổi tiếng ở toàn thể xứ Jambudīpa với danh hiệu là Buddhaghosa. Vị ấy đã được chư thiên và nhân loại thương yêu quý mến. Các tài liệu cổ có đề cập rằng:
Sanh lên trong dòng tộc bà-la-môn ở vùng lân cận cội Đại Bồ Đề, vị có tên là Buddhaghosa được ví như là vị Phật ở trên trái đất. Vị ấy được chư thiên và nhân loại tôn vinh, được các bà-la-môn tôn vinh, được hội chúng tỳ khưu tôn vinh. Vị ấy đã đạt được sự tôn vinh trường cửu.
Hoàn tất phần chuyện của chương thứ nhì
về việc trưởng lão tên Buddhaghosa
được thầy tế độ cho xuất gia và tu lên bậc trên.
-ooOoo-