CHƯƠNG I: THỜI NIÊN THIẾU CỦA BUDDHAGHOSA

Như thế, vào khoảng năm thứ 236 kể từ khi bậc Chánh Đẳng Giác viên tịch Niết Bàn, đại đức trưởng lão Mahinda cùng với các vị có thần thông đã đi đến và trong lúc cư ngụ đã thiết lập Giáo Pháp ở trên hòn đảo Tích Lan này. Hơn nữa, sau khi đã thiết lập Giáo Pháp và trong lúc tồn tại cho đến hết tuổi thọ, trưởng lão Mahinda đã thuyết giảng cho nhiều người, đã gieo niềm tin cho nhiều người, rồi đã viên tịch Niết Bàn vào cảnh giới Niết Bàn không còn dư sót. Vị trưởng lão tên Buddhaghosa đã xuất hiện vào sau thời kỳ của vị ấy. Và việc xuất hiện của vị ấy được biết đến như thế nào?

Nghe rằng, vào một thời kỳ nọ, ở không xa cội Đại Bồ Đề có ngôi làng tên là Ghosa. Tại sao? Ngôi làng có tên là làng Ghosa vì đó là chỗ trú ngụ đông đúc của nhiều đứa trẻ chăn bò. Đức vua đã trị vì vương quốc ở tại nơi ấy. Vị bà-la-môn tên Kesī là quân sư của đức vua và còn là vị thầy giỏi giang, đáng quý, đáng mến. Vợ của vị ấy tên là Kesiṇī. Về việc ấy, người xưa đã nói rằng:

Vị bà-la-môn tên là Kesī được đức vua yêu quý, mến chuộng.
Và hàng ngày vị ấy dạy cho đức vua ba bộ Vệ Đà.
Vợ của vị ấy là nữ bà-la-môn khôn khéo tên Kesiṇī,
là người siêng năng, được vị bà-la-môn yêu thương, và còn quý trọng nữa.

Tuy nhiên, vào lúc bấy giờ, do việc học tập Phật Pháp được giảng dạy bằng ngôn ngữ Sīhaḷa[2] nên những người ở các xứ khác không biết đến việc học tập Phật Pháp. Khi ấy, có vị trưởng lão nọ có thần thông và hoàn toàn đoạn tận các lậu hoặc nhận thấy nguyên nhân ấy nên đã suy nghĩ rằng: “Có vị đại trưởng lão nào sẽ phiên dịch lời giảng dạy của đức Thế Tôn từ ngôn ngữ Sīhaḷa rồi giảng dạy bằng ngôn ngữ của xứ Magadha hay không?” Hơn nữa, sau khi suy nghĩ vị trưởng lão đã nhìn thấy thiên tử Ghosa đang ngụ tại cõi trời Đạo Lợi có khả năng phiên dịch lời giảng dạy của đức Thế Tôn từ ngôn ngữ Sīhaḷa và giảng dạy bằng ngôn ngữ của xứ Magadha. Rồi ngay trong lúc đang suy nghĩ, vị trưởng lão đã hiện ra trước mặt Chúa Trời Sakka ở cung trời Đạo Lợi.

Chúa Trời Sakka cũng đã đảnh lễ vị trưởng lão rồi hỏi rằng: “Bạch ngài, ngài đi đến đây vì lý do gì?” Vị ấy đã đáp rằng: “Tâu đại vương, hiện nay Giáo Pháp của đức Thế Tôn là khó hiểu đối với những người xứ khác vì được giảng dạy bằng ngôn ngữ Sīhaḷa. Vả lại, ở cung trời Đạo Lợi có một vị thiên nhân gọi là thiên tử Ghosa là vị có trí tuệ vì được tái sanh với ba nhân thiện và có được sự chuẩn bị trong thời chư Phật quá khứ; vị ấy có khả năng phiên dịch lời giảng dạy của đức Thế Tôn từ ngôn ngữ Sīhaḷa và giảng giải bằng ngôn ngữ của xứ Magadha.”

Chúa Trời Sakka cũng đã nói rằng: “Bạch ngài, nếu là vậy thì xin ngài hãy cùng đi,” rồi đã đến gặp thiên tử Ghosa, ôm vai, và nói rằng: “Thiên tử quý mến, có một vị đại trưởng lão hoan hỷ với ngài và muốn ngài hạ sanh vào thế giới loài người.”

Vị ấy đã đồng ý (nói rằng): “Tâu thiên vương, thần mong muốn sanh về cõi trời cao hơn. Tại sao cuộc sống ở thế giới loài người lại có nhiều khổ đau và có nhiều xáo trộn? Do đó, thần không muốn đi đến thế giới loài người. Tuy nhiên, nếu Giáo Pháp của đức Thế Tôn là khó hiểu đối với những người xứ khác thì thần sẽ đi đến thế giới loài người.

Sau khi nhận được sự đồng ý của vị ấy, Chúa Trời Sakka đã thông báo cho vị trưởng lão. Vị trưởng lão ấy đạt được sự đồng ý của vị thiên tử cũng đã trở về lại (trần gian).

Vào lúc bấy giờ, vị trưởng lão ấy là bạn bè thân thuộc của bà-la-môn Kesī. Vào lúc hừng sáng, vị ấy đã cầm lấy y và bình bát đi đến nhà của vị bà-la-môn để thọ thực. Sau bữa ăn, vị trưởng lão đã nói với vị bà-la-môn rằng: “Vào ngày thứ bảy kể từ ngày hôm nay, ông chớ có xao lãng. Ông sẽ có được người con trai đại phước đại trí.” Nói xong, vị trưởng lão đã ra đi.

Vào ngày thứ bảy, thiên tử Ghosa đã chú nguyện, rồi mệnh chung, và đã tái sanh vào trong bụng của nữ bà-la-môn Kesiṇī. Vị ấy đã lọt lòng mẹ sau mười tháng. Vào lúc sanh ra, gia nhân của vị bà-la-môn gồm có các đầy tớ và những người làm công, v.v… đã mời mọc lẫn nhau bằng những âm thanh và lời nói như là: “Hãy ăn đi, hãy uống đi, v.v…”; vì thế, họ đã đặt tên cho đứa bé là “Bé trai Ghosa.”[3]

Tuy mới được bảy tuổi, đứa bé trai ấy đã học các bộ Vệ Đà và chỉ trong vòng bảy năm đã đạt được sự thông thạo cả ba bộ Vệ Đà. Vào một ngày nọ, cậu bé bà-la-môn Ghosa đã ngồi ở bệ tượng thần Visnu và ăn đậu. Khi ấy, các vị bà-la-môn khác nhìn thấy cậu bé Ghosa ấy ngồi ở bệ tượng thần Visnu đang ăn đậu khiến họ trở nên vô cùng giận dữ nói rằng: “Này, thằng bé Ghosa, tại sao mày lại ngồi ăn đậu ở bệ tượng thần giáo thọ Visnu của bọn ta vậy? Hơn nữa, nếu không biết gì đến sự tự trọng thì làm sao ngươi hiểu được ba bộ Vệ Đà?” Ghosa vẫn ngồi ở bệ tượng thần Visnu vừa ăn đậu vừa hỏi về sự việc có liên quan đến Visnu và đã nói lên lời kệ này:

Hạt đậu cũng có tên là Visnu; vậy vật được gọi là Visnu là vật nào?
Trong cả hai vật này, làm thế nào tôi biết vật nào là Visnu?

Nghe được điều ấy, các vị bà-la-môn đã nhìn mặt lẫn nhau không thể thốt lên câu trả lời nên đành im lặng. Sau đó, các vị bà-la-môn khác đã kể lại sự việc ấy cho bà-la-môn Kesī. Bà-la-môn Kesī đã hỏi con trai của mình rằng: “Này con, có phải con đã làm như thế?” “Thưa cha, đúng vậy.” Bà-la-môn Kesī đã xoa dịu các vị bà-la-môn rằng: “Hãy nhìn tôi đây, xin chớ có giận. Nó còn nhỏ dại đâu có biết gì,” rồi đã dàn hòa.

Vào một ngày nọ, khi đi đến để giảng dạy bộ Vệ Đà cho đức vua, bà-la-môn Kesī đã dẫn theo đứa con trai của mình để cho nó học hỏi thêm. Cậu bé bà-la-môn Ghosa đã cầm lấy tấm da dê lót ngồi rồi cùng đi với người cha. Ngay trong lúc đang giảng giải cho đức vua, vị bà-la-môn đã gặp phải điểm khúc mắc trong một chương của bộ Vệ Đà. Vị bà-la-môn đã không hiểu được ý nghĩa hay nội dung và có điều nghi ngờ nên đã xin phép đức vua rồi quay trở về nhà của mình.

Ghosa nhận biết cha mình không hiểu được điểm khúc mắc nên đã dùng trí tuệ bản thân phân tích điểm khúc mắc ấy rồi ghi vào cuốn sách và để đó. Ngay khi vừa nhìn thấy dòng chữ ấy, bà-la-môn Kesī đã hiểu được ý nghĩa và nội dung của các bộ Vệ Đà nên đã mừng rỡ. Điểm khúc mắc ấy đã trở nên minh bạch ở trong trí của vị bà-la-môn ấy. Khi ấy, bà-la-môn Kesī ấy đã hỏi các người hầu rằng: “Dòng chữ này đã do ai viết?” Các người hầu đã đáp rằng: “Thưa chủ nhân, còn ai viết dòng chữ ấy ngoài người con trai của chủ nhân.” Bà-la-môn Kesī đã hỏi con trai của mình rằng: “Này con, có phải con đã viết dòng chữ ấy?” Ghosa đã đáp rằng: “Thưa cha, đúng vậy.”

Vô cùng mừng rỡ, vị bà-la-môn trong lúc ca ngợi người con trai của mình đã thốt lên hai câu kệ rằng:

Dầu con còn trẻ tuổi nhưng đã nổi tiếng là ‘người có trí tuệ.’
Người nào có được con trai giống như con, người ấy là người xuất sắc và đứng đầu thiên hạ.
Giờ đây, con thật hạnh phúc khi đã đạt được địa vị như là bất tử.
Chính con mới là cha của ta, và ta giống như là con trai của con vậy.

Sau khi ca ngợi người con trai của mình như vậy, vị ấy đã trình lên đức vua. Đức vua sau khi nghe được điều ấy đã trở nên vô cùng mừng rỡ, ôm choàng lấy Ghosa, siết chặt, rồi hôn ở đầu, và nói rằng: “Này khanh yêu quý, khanh hãy là con trai của trẫm; trẫm sẽ là cha của khanh.” Nói xong, đã thốt lên lời kệ này:

Này khanh, khanh có trí tuệ cao quý và là hạng nhất trong số các bà-la-môn. Trẫm hoan hỷ với trí tuệ của khanh và ban cho khanh ngôi làng thượng hạng.

Hoàn tất phần chuyện của chương thứ nhất
về thời niên thiếu của Buddhaghosa.

-ooOoo-

 

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app