Thế Giới Qua Lục Căn

Bài Giảng Sư Toại Khanh Houston 2020

Do tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lí và môi trường sống mà chúng ta mỗi lúc một đi xa hơn. Tiền nghiệp là nghiệp quá khứ, nghiệp thiện ác nó mới đưa tôi kiếp này sanh ra kiếp tôi làm người Lào hay là người Việt. Khuynh hướng tâm lý là tôi thích ăn ngon, mặc đẹp, đi chùa hay thích ngồi thiền, thích học giáo lý. Còn môi trường sống là tuy tôi là người Lào, tôi thích học giáo lý nhưng xui ở chỗ tôi đang sống ở Pakistan cho nên cái cơ hội tôi tiếp xúc Phật pháp là không có nhiều. Đã vậy vì tôi là gái tôi phải đi lấy chồng mà lấy trúng chồng Hồi giáo, mỗi ngày nó bắt tôi cầu nguyện năm lần…, hồi đầu tôi cũng bị sốc lắm nhưng từ từ tôi cũng thấy quen. Trước hết là vì thương con, vì hạnh phúc gia đình. Thứ hai, chồng tôi quá thương tôi rồi từ từ mình theo đó. Như những người Phật tử lơ tơ mơ không học giáo lý, hồi đầu cũng có thương Phật, nhưng thương kiểu tưởng tượng nhiều hơn. Các vị có biết có hai kiểu thương mẹ, thương do tin và thương do hiểu. Thương do hiểu là từ nhỏ lớn lên mình sống chung với mẹ, mẹ đối xử mình ra sao mình biết rất rõ, mẹ để lại cho mình bao nhiêu ân tình và kỉ niệm. Mai này mẹ chết mình rất là thương mẹ, tiếp tục thương mẹ. Còn thương do tin là vì một cái điều kiện nào đó mình xa mẹ từ bé đến năm bốn mươi tuổi, một ngày kia có một người dắt một bà già tới nói đây là má của mình, có bằng chứng đầy đủ, bà ngoại xác nhận luôn “đây là má của con bị thất lạc”, mình tin, mình cũng thương, mà niềm thương đó là do tin vì mình quá thương ngoại, quá tin ngoại, nên ngoại nói mình tin. Ở đây cũng vậy, không học giáo lý thì cái tấm lòng của mình đối với Phật là hoàn toàn dựa vào Thầy chùa. Thầy chùa cho nhiêu nhận nhiêu. Mà nó ác ở chỗ vầy, ông thầy A khác ông thầy B, kiến thức ông A khác kiến thức ông B, cảm nhận ông A khác cảm nhận ông B, cách diễn đạt ông A khác cách diễn đạt ông B. Kiến thức, cảm nhận, diễn đạt của hai ông khác nhau. Rồi mình đụng ông A mình tin Phật theo ông A, mình tin ông B sẽ tin Phật theo ông B. Thấy rụng rời chưa. Tôi nhắc lại một lần nữa Đức Phật không cần mình tin Ngài mà Ngài muốn mình hiểu Ngài, để mình được tốt hơn. Mà vấn đề là trên con đường tìm Đạo, cái ông Thầy hoặc người bạn mình gặp, cái nhận thức, kiến thức, diễn đạt của ông này không giống ông kia. Chính vì vậy mỗi ông khi giảng, viết lách đều để lại một cái dấu ấn cá nhân trong đó. Mình không có vững nên mình mới đi theo cái lối mòn đó nên nó mới nảy sinh một cái tệ nạn sau đây trong thời Mạt Pháp, đó là thờ Tổ mà quên thờ Phật. Đó là một cái thảm họa, thảm trạng. Kinh điển bao la không thèm đọc mà cứ tin Sư phụ thôi, Sư phụ nói thế. Mà nói thật luôn Sư phụ làm sao bì bằng ngài Xá Lợi Phất, ngài Anan mà trong đó mình liếc mắt trong kinh những bài giảng của ngài Xá lợi Phất, ngài Anan mình làm lơ, mà đi tin Sư phụ của mình. Mà ngài Anan, ngài Xá Lợi Phất đã không bằng Đức Phật rồi, mình nghĩ sao mà mình chìm sâu trong Sư phụ của mình. Nói vậy không có nghĩa là tôi kêu quý vị phủ nhận Sư phụ của quý vị, tôi chỉ nhắc chừng đừng có để mình rơi vào tình huống thờ Tổ mà quên Phật. Nó rất là nguy hiểm, nguy hiểm ở chỗ là mình chạy theo ông Thầy, Thầy trao gì mình nhận cái đó. Tây nó một câu rất là hay là “Đừng học đi với người cà thọt”… Ở Việt Nam có một số địa phương họ không đọc được chữ “r” mà họ đọc thành chữ “d”. “Tôi nói cho ông nghe, ông phải phát âm một cách dõ dàng, chính xác”. Cái chữ “dõ dàng” nó đã không chính xác rồi. Bây giờ mình lớn mình mới hiểu, thì ra mỗi ông thầy, mỗi tác giả sách đều để lại ít nhiều dấu ấn cá nhân của họ lên trên bài giảng, cuốn sách đó. Ta phải bình tĩnh gạn đục khơi trong, cái nào cần lấy thì lấy, cần nuốt thì nuốt, cần phun ra thì phun. Bà con mình bị cái bệnh thờ Thầy thờ chết bỏ, nhất là bị tiêm nhiễm cái tinh thần “nghi ngờ là trọng tội”. Cho nên cái ớn nhất trên đời này là chúng ta phải đón nhận cái gì đó mà qua lăng của người khác. Các vị có biết pha cà phê phin không, cà phê nó thơm bằng trời mà cái phin nó dính dầu xanh thì pha ra nó là cà phê dầu xanh. Cách đây mấy bửa người ta cho tôi một trái bưởi, cái vỏ nó mỏng lét mà nó ngon thiệt là ngon. Có một cô Phật tử cổ tới thăm thấy mấy Sư đang gọt, cổ nói “để con gọt dùm cho”, tôi nhìn thấy bộ móng tay sơn là tôi thấy ghét rồi, tại vì móng tay sơn mà bị dơ mình nhìn mình không có thấy, để nó trong suốt nó dơ mình mới thấy. Tôi ớn muốn chết luôn. Bả lột bưởi xong một hồi bả đem ra, mấy ông Sư ăn có một miếng rồi bỏ bởi miếng nào cũng có mùi nước hoa Witchy hết trơn. Tôi mời một ông ăn, ổng để xuống. Tôi mời ông thứ hai ổng cũng để xuống. Đến tôi tôi cũng để xuống luôn. Witchy nó thơm là thơm ở chỗ khác, chứ không thể thơm trong thức ăn. Cho nên, cà phê thơm bằng trời nhưng cái phin nó có mùi kì kì thì nó sẽ…, bưởi ngon mà pha với mùi nước hoa là xong… Phật pháp hay bao nhiêu mà thông qua mấy Thầy là coi như Phật pháp dính dầu xanh. Cho nên mình phải cẩn thận, học Đạo là mình phải biết gạn đục khơi trong. Có cái gia đình bên Cali, con trai con dâu đi làm về, bà má bả khóc “tao về xứ, ở đây muốn bồng cháu nội, cháu ngoại, tụi nó hỏng có cho”, đứa con gái nó nói “cháu của má nó phải thương má chứ má về xứ má ở với ai? để con vô hỏi tụi nó sao tụi nó không thích má. Không có đâu, chắc má hiểu lầm!”, cổ vô hỏi xong cổ đi ra cổ nói “con biết rồi, tụi nó nói tụi nó thương má lắm nhưng nó ghét cái mùi dầu xanh thôi à”. Bả xức nồng nặc, chưa hết con nít nó ra ngoài sân chơi, nó ho vài ba tiếng là bả đem nó vô bả cạo gió, rồi bả bôi dầu tùm lum hết, con nít nó không có thích cái đó. Mà bả cưng cháu, bả đem nhỏ vô trên thoa dưới bóp, mà dầu xanh, thằng nhỏ chịu đâu có nổi. Bà con thấy tôi giảng mà tôi giỡn. Không phải giỡn, tôi cho bà con thấy cái chấp của bà con là ruồi bu, ruồi đến mức mà tôi đem ra tôi đùa. Những cái bà con cho là quan trọng nó không là gì hết chỉ là ruồi thôi. Như vậy thế giới được định nghĩa qua tứ thực. Bây giừo thế giới được định nghĩa qua sáu căn trần.

Tôi hỏi bà con, trong cái nhận thức, kiến thức và suy nghĩ của bà con, có cái gì ở trên đời này nó nằm ngoài sáu trần không? Ví dụ như mặt trời nó thuộc vào trần nào trong sáu trần? Nhãn trần, pháp trần. Tại sao có cái pháp trần? vì mình nghĩ đến nó được. Xa như mặt trời mà mình còn nghĩ được thì không có cái gì nằm ngoài sáu trần. Bây giờ tôi hỏi, một người đã chết nó có thuộc về trần nào không? Một người không mặc áo thuộc về trần nào? Ở trần. Cái bánh nếp mà không gói là thì gọi là ít trần. Nên cái thế giới này không gì nằm ngoài sáu trần kể cả “ít trần” và “ở trần”.

Không có cái gì trên trời đất này nằm ngoài sáu trần hết và tùy thuộc vào căn tánh của mỗi người mà ta sống nhiều với trần nào và sống kiểu nào, “what” và “how”. “What” là sống nhiều bằng trần nào, mà còn có cái ” How” nữa, sống nhiều với trần đó mà như thế nào. Trong kinh Nam Truyền có những cái nói rất là xúc động, thực tế: người cư sĩ họ tích lũy tài sản bằng cách nào? họ đi làm, mua nhà cửa, vàng bạc, đất đai, gia súc, vườn ruộng. Nhưng mà người xuất gia nếu có lòng tích lũy tài sản, họ tích lũy cái gì? Người đời ham vật chất họ thích tiền, vàng, ngọc, châu báu, nhà đất, bất động sản. Còn người tu không bỏ được tính ham tích lũy vật chất, họ tích lũy mấy cái lon sữa đặc, xà bông, kem đánh răng, bàn chải, giày dép, y áo…Tùy căn tánh của chúng sinh mà chúng ta thích cái gì và thích kiểu nào. Có người rất là thích khi có tiền gửi nhà băng rồi coi statement mỗi tháng, họ thấy có vô mà không có ra là họ thấy sung sướng. Có người thích có tiền để họ đi shopping. Có người tiền không bao nhiêu mà có khuynh hướng thích “kéo thẻ”. Có người thích ăn ngon mặc đẹp, có người thích du lịch, có người thích xài đồ đắc tiền. Du lịch không màng, ăn xì dù mì gói, mà đeo cái Rolex, có người không cần gì hết cần chiếc xe xịn thôi. Tôi không nói chuyện vô ích đâu, tôi muốn phanh phui cho bà con thấy cái thị dục của chúng sinh nó khác nhau nhiều lắm và chính cái khác đó nó dẫn chúng ta về những phương trời khác nhau. Cái cách tích lũy tài sản của người tu nó khác cái cách tích lũy tài sản của người đời. Rồi người đời khi họ hờn giận ai họ có nhiều cách bày tỏ, biểu lộ. Người tu cũng có nhiều cách bày tỏ, biểu lộ không giống người đời. Như vậy thì cái thương, cái ghét của người tu nó cũng không giống người đời. Trong đám người đời đó tiếp tục lại khác nữa. Thằng Tèo nó thương nó ghét bằng cách của nó, không giống với cách của thằng Tí. Tôi biết có người họ thương vợ thương con bằng cách họ giấu trong nhà không cho đi đâu hết trơn, có người họ thương họ đem đi khoe. Tôi thấy ngộ lắm có người họ thích họ đem đi giấu, có người họ thích họ đem đi khoe, còn nói đến lí do thì ông nào nói cũng có lí hết. Có người họ thương bằng cách họ chăm sóc, có người họ thương bằng cách họ đày đọa. Ra đường mà cười với người này người kia là chết mà lí do là vì họ quá thương. Có người họ thương họ làm cho người kia cười, có người họ thương họ làm cho người kia khóc họ mới chịu, bởi vì trong lúc người kia khóc họ mới biết người kia thuộc về họ. Thuộc loại bị bệnh mà quên uống thuốc.

Thế giới qua sáu căn là sao? Có một lần Đức Thế Tôn ngồi giữa một đại chúng, có Long Vương, Phạm Thiên…đông lắm, lúc đó có vô số Chư Thiên các cõi kéo về chầu hầu Thế Tôn. Lạ lắm, trong đời của Chư Phật có ít nhất là vài lần đại hội thiên chúng như vậy. Có những cái nhóm từ xa đến là mình nghe một cái loại âm thanh rất là lạ. Có những cái nhóm đến bằng hào quang, cái màu không giống ai hết. Có nhóm thân tướng nguyên màu xanh lè, nhóm đỏ rực, nhóm đen thui, nhóm vàng chói. Có nghĩa là tùy thuộc vào khuynh hướng tâm lí mà chúng ta sanh ra trong cái chủng loại nào. Các vị có thấy dưới biển cá rất là nhiều mà mỗi loại cá có hình dáng khác nhau. Rồi bướm cũng vậy. Cho nên trong Kinh nói: thích ăn ngon mà không tu hành, không làm công đức, không làm phước thì đời sau sanh ra làm loài ăn tạp. Thích mặc đẹp mà không tu hành đời sau sanh ra làm loài sặc sỡ. Có mấy con bướm, con sâu, con cá nó quá trời màu luôn. Chim, sâu, bướm, cá, côn trùng. Thích sức mạnh, thích cơ bắp mà không có tu thì đời sau sanh ra làm mấy cái loài ùng ục như trâu rừng… Tánh nóng mà không tu tập thì đời sau sanh ra làm loài hung dữ. Tánh nóng mà có tu tập thì sanh ra làm loài atula thiên hoặc làm dạ xoa. Tánh tham mà có tu tập thì đời sau sanh ra làm những vị dục thiên hưởng thụ. Còn tánh tham mà không có tu tập thì đời sau sanh ra làm loài đa dục như dê, chim sẻ, gà…

Tôi nhắc lại là do cái khuynh hướng tâm lí của mình mà chúng ta sống nhiều với trần nào trong sáu trần và kiểu nào. Sống nhiều với cái gì và sống kiểu nào. Chính cái đó nó mới đưa mình về với những cảnh giới khác nhau, với hình hài khác nhau, chi tiết, khía cạnh sinh hoạt không giống nhau. Đều là hoa hậu, hoa hậu năm trước với hoa hậu năm sau mặt đâu có giống nhau. Song sinh mình nói nó giống nhau như hai giọt nước nhưng nhìn kĩ nó trớt quớt. Giống nhau như hai giọt nước tôi nghĩ trên đời này chỉ có một trường hợp là hai giọt nước nó giống nhau thôi. Đến nối hai vị Chánh Đẳng Giác có ba mươi hai tướng tốt giống nhau, ba la mật giống nhau, trí tuệ giống nhau, từ bi giống nhau, hạnh lành giống nhau, khi hai vị ngồi gần nhau cũng không giống nhau. Vì sao, vì cái tâm tánh trước khi thành Phật khác nhau, cái sở hành khác nhau. Ví dụ, vị nào cũng có ba la mật giống nhau, có vị rất là thích chuyện phục vụ bên cạnh việc học Đạo, ngồi thiền, chưa kể có những vị họ thích khi họ thành Phật họ có những cái nét đặc biệt nào đó. Nhưng Đức Phật Thích Ca thì không, Ngài tu hạnh trí, Ngài muốn đi nhanh và không muốn có cái gì đặc biệt hết. Đức Phật Thích Ca ngài tu hạnh trí tuệ, tất cả Ngài đều coi thường hết, cho nên Ngài chỉ muốn đi nhanh nhất, thời gian ngắn nhất như có thể và Ngài không cần nguyện gì thêm. Còn mấy vị Phật khác lúc còn Bồ Tát nguyện thành Phật trong lúc chúng sanh sống lâu. Có nhiều vị thích đi đâu trên đầu có một cái lộng để che. Có vị muốn thành Phật là đi đâu ở dưới chân cũng có bông sen. Có vị muốn thành Phật thì coi như hào quang sáng một góc trời. Có vị nguyện chỉ thành Phật khi nào Trái đất này phồn vinh, cây cối sum xuê, chúng sanh giàu có thì Ngài mới chịu ra. Từ cái bài kinh của Nam Truyền nó mới dẫn đến bốn mươi tám lời nguyện của Phật A Di Đà của Bắc Truyền. Có vị chỉ thành Phật khi nào chúng sanh có phước.

Thiên nhiên có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thì chúng sanh cũng có tới mấy mùa, ba mùa, mấy mùa này nó luân phiên với nhau. Mùa thứ nhất gọi là giai đoạn hắc ám, ác nhiều hơn thiện. Giai đoạn này sẽ qua đi đến giai đoạn thứ hai là thiện ác bằng nhau. Đến giai đoạn thứ ba là thiện nhiều hơn ác. Mà cứ mỗi thời kì như vậy nó kéo dài được ít lâu, ít lâu có nghĩa là vài ngàn năm, nó mất đi rồi nó thế bằng chu kỳ thứ hai. Tức là ban đầu ác cho đã, ác nhiều hơn thiện, rồi nó lên thiện ác bằng nhau, rồi lên cái thiện nhiều hơn ác, rồi nó xuống thiện ác bằng nhau, rồi ác nhiều hơn thiện, rồi xuống tới đáy ác không, sau đó nó lên thiện ác bằng nhau… Cứ mỗi lần nó ở trong giai đoạn thiện nhiều hơn ác thì dĩ nhiên lúc đó chúng sanh trên Trái Đất này sống sung sướng. Lúc đó có nhiều vị Phật họ muốn ra là ra lúc đó. Còn Phật Thích Ca, Ngài không, Ngài chỉ nguyện đủ duyên thì “bùm” một phát, tụi nó cỡ nào Ngài cũng ra hết. Bởi vậy mới có truyền thuyết Bắc Truyền nói rằng bởi vì Ngài thị hiện trong cõi Ta Bà chịu khổ… trong kinh Nam Tông nói không phải, mà vì Ngài muốn nhanh nhất như có thể, cái duyên nó chín lúc nào thì Ngài thành lúc đó. Phật Tổ bên Nam Truyền có ba hạng. Một là, hạng đức tin, tức là lúc hoàn tất ba la mật lấy niềm tin làm chủ lực. Hai là hạng tinh tấn, tức là “lấy công làm lời”, lấy siêng làm chánh. Hạng thứ ba là hạnh trí tuệ là lấy trí tuệ làm chánh. Thì hạng trí tuệ là hạng nhanh nhất, thời gian là chỉ hai chục a tăng kì thôi. Hạng thứ hai, hạng đức tin là bốn chục a tăng kì mới thành Phật. Hạng thứ nhất, như Phật Di Lặc là tám chục a tăng kì mới thành Phật. Mà một a tăng kì là mười lũy thừa một trăm bốn mươi. Cho nên Đức Phật Di Lặc khi Ngài ra đời là cái phước của Ngài không sao kể xiết, quá lâu. Còn thời gian của Phật Thích Ca mau đến mức mà nếu ngày xưa Phật Thích Ca và Phật Di Lặc cùng phát nguyện một lần thì Phật Thích Ca thành Phật ba lần rồi đến lần thứ tư cũng thành trước nữa.

Tâm thức càng thô tháo thì ta càng sống lệ thuộc nhiều vào sáu trần, vào vật chất. Người còn lệ thuộc vào cái nhìn, cái nghe, cái ngửi, cái nếm … càng nhiều thì tâm thức người đó càng thô tháo. Bởi vì với người tu lâu họ chỉ cần ngồi yên nhắm mắt lại là đủ rồi. Cái người huệ căn ngon lành chỉ cần nhắm mắt lại là đủ rồi. Một ngày người đó chỉ cần sáng có điểm tâm, trưa có bữa cơm chánh là xong, cứ xếp bằng mà ngồi thiền tới, khi nào mỏi quá thì bước ra ngoài đi kinh hành walking meditation, xong trở vô ngồi nữa, tối đuối quá thì lăn vô ngủ, mà trước khi ngủ vẫn tiếp tục mindfulness, even mindfulness, be mindfulness even your mind is full, cứ luôn luôn như vậy. Cái đời sống của họ không có màng cái chuyện nhìn cái này, nghe cái kia, ngửi cái nọ. Còn cái người có đời sống thô tháo họ phải xài sáu căn suốt ngày. Tại vì nghe nhạc, ăn xàm xạp xàm xạp, nói chuyện, tắm phải có mì này mùi kia mới chịu, tùm lum hết. Còn cái ông kia chỉ cần trời lạnh có nước âm ấm, mùa hè cái đầu gàu quá thì ổng có bôi miếng shampoo chống gàu là xong, không có cần mùi màng gì hết… Tin tôi đi, khi mà anh bớt nhu cầu anh giảm khổ nhiều lắm. Vì sao? khổ nó có ba. Một, là khổ khổ, là gần cái mình ghét. Hai, là hoại khổ, nghĩa là xa cái mình thương thích. Ba, là hành khổ, tức là sự lệ thuộc các điều kiện. Anh càng ít lệ thuộc điều kiện anh càng bớt khổ, cái này không cần giải thích cũng hiểu. Bây giờ tôi uống trà, tôi chỉ lấy miếng trà tôi bỏ vô cái ly, chế nước sôi rồi tôi uống, nó quá gọn. Còn ông chủ nhà khi ổng uống, ổng khiêng ra cái mâm, ổng lấy nước sôi tráng từng cái từng cái, cho trà vào ấm, châm nước rửa trà, rồi đổ nước đó để riêng, rồi cho nước vào hãm trà nước một, rồi cho ra chén tấm, lấy chén tấm ổng chia đều ra, rồi mới uống, uống xong có cái khăn ổng lau. Một lần tôi nhìn ổng uống tôi buồn ngủ quá đi, nó quá phức tạp. Tôi nhớ có câu chuyện, có ba con ruồi, một con thiệt là mập, một con mập vừa vừa, một con ốm nhách. Ba con nó gặp nhau hỏi “anh em đều là ruồi hết sao mập ốm khác nhau?”. Con mập nhất nó nói “Tao là ruồi Mỹ, tao bu lên chén súp là nó đổ nguyên một chén cho tao húp luôn”. Còn con ruồi mập vừa nói “tao là ruồi Nga, tao đậu lên chén súp thì nó lấy muỗng nó múc ngay chỗ tao đậu bỏ ra, tao sống nhờ cái muỗng đó tao cũng mập”. Con ruồi thứ ba nó ốm nhách nó nói “Tao là ruồi Trung Quốc, tạo đậu lên chén súp nó đem ra nó nút từng ngón chân một”. Tôi nhắc bà con là từng ngón đó, tính lệ thuộc rất là cao. Uống trà kiểu tôi rất là gọn…

Người mà muốn đạt đến một cái chiều cao và chiều sâu của tâm linh, chuyện đầu tiên hạn chế những nhu cầu, hạn chế những lệ thuộc thì anh mới có đủ thời gian và điều kiện tâm lí, tâm tình để mà anh dồn cho mấy cái trận địa khác. Anh đi hành quân mà anh cứ sợ giày bị dính sình là thế nào anh cũng bị bắn chết.

Bài học về sáu căn nó quan trọng lắm, trong đó Ngài dạy rất rõ thế giới này được kiến tạo bởi sáu căn, sáu trần và tùy vào trình độ càng cao thì sự lệ thuộc nó thấp dần. Anh sống lệ thuộc quá nhiều vào sáu căn, sáu trần thì anh đừng có nói với tôi là vì sao anh khổ. Qúy vị biết tôi không có lòng đại bi nhưng tôi rất là thương phụ nữ vì họ là một phần của nhân loại, nhưng có một điều ở họ mà tôi chịu không nổi đó là họ quan tâm quá nhiều chuyện ruồi bu. Cho nên thời gian mà người nữ để nghiên cứu, phát minh, sáng tạo nó không bằng người nam. Tin tôi đi. Họ bận tâm nhiều chuyện ruồi bu lắm, ví dụ như việc đầu tiên là thích đẹp, làm cái gì ngó coi phải được. Nhưng còn đàn ông thì không miễn là nó được việc thì thôi, không nhất thiết phải đẹp, phải hay, lấp lánh, lung linh, lộng lẫy là không cần. Đàn ông là phải được việc trước cái đã. Cho nên cũng phải cám ơn người nữ họ chịu khó, họ làm một dĩa rau đẹp, đúng. Nhưng đàn ông tụi tôi không cần, chỉ cần rửa sạch cho vô một cái rổ to đùng, trực tiếp bóc vô đó nhai. Thấy nó có vẻ nó mọi rợ nhưng ít mất thời gian. Còn mình đói le lưỡi, mấy cô “chờ lặt rau Sư”, cổ lặt từng lá, cổ làm như Quan Âm rải nước Cam Lộ mà mình đói le lưỡi. Tôi chịu không nổi. Đàn ông tụi tôi thì không, tụi tôi “ăn thùng, uống thúng” cho nó xong để còn dành thời gian tụi tôi nghiên cứu vá cái lỗ thủng Ozon. Cho nên có người hỏi ông Socrate “tại sao phụ nữ thích trang điểm?”, ổng nói “nó không có nội dung nó phải xoay qua hình thức”. Cho nên sống đơn giản với sáu trần mới có thời gian, mới khá. Chứ còn bận tâm quá nhiều cái chuyện ruồi bu, họ chậm. Có những người lanh tay lẹ chân lắm nhưng họ vẫn chậm là vì sao, vì họ mất quá nhiều thời gian cho cái chuyện ruồi bu. Nên nhiều người họ nói mang thân nữ khổ, muốn kiếp sau thành người nam, phải làm sao? Thì tôi nói nó có ba nhân, có ba cái điều kiện để mang thân nam. Một, là đừng phạm giới tà dâm. Hai, là phải hạng chế mấy cái thích nữ tính, thích làm đẹp, thích lắc nhắc. Cái thứ ba là làm ơn nhanh nhanh dùm một chút. Chứ cà rờ cà rờ, cũng làm nam đó mà là rùa đực, bởi nó chậm quá. Tôi thích chuyện rùa lắm, nguyên đám trong rừng ăn tiệc, cần mua đồ kêu nó đi mua, nó đi lúc chín giờ “tao đi rồi tụi bây ở nhà tụi bây ăn, tao hỏng có chịu”, tụi kia nó nói “không, tụi tao chờ mày về mới ăn”. Từ chín giờ mà chờ đến hai giờ chiều mà không thấy rùa về, cả khu rừng đói quá mới đem ra ăn hết, thì con rùa trong bụi nó chui ra “tao biết mà, tao đi thế nào tụi bây cũng ăn nên từ sáng giờ tao ở đây”. Chuyện đó là chuyện tếu mà nó nói về người nữ đó quý vị, chậm lắm. Tôi là ông sư tôi ở một mình nhưng tôi là nạn nhân của mấy cái chậm. Khi mình biết mình chậm mình phải hạn chế công việc. Thường có chuyện rất là nghịch lý, người chậm thường là người hay kiếm việc. Họ là người lái xe, cả rừng người chờ họ ngoài xe, còn họ trong đây động tác đã chậm rồi mà còn kiếm việc, đang trên đường đi ra họ thấy một nhánh bông quẹo xuống họ cũng dừng lại lấy nó ra đem vô nhà bếp liệng, xong trở lên lấy tay vuốt vuốt xem coi tàn nhan nó rớt không, mà một tỉ rưỡi dân Trung Quốc nó đang chờ đằng trước.

Những cái tôi kể không phải là chuyện cười, mà tôi đúc kết cho cái tinh thần tu học. Một là, chỉ tập trung cho cái cần thiết. Thứ hai, khi anh tập trung cho cái cần thiết thì anh không có thời gian cho cái không cần thiết. Đời chúng ta không có nhiều cho cái không cần thiết. Nhớ câu đó. Đời chúng ta quá ngắn để làm những cái không cần thiết. Sẽ có một ngày mình nằm liệt giường mình không làm được gì hết, lúc đó mình mới thấy mình đã phí thời gian cỡ nào. Tôi nói cho qúy vị nghe chuyện này bắt buộc phải đồng ý: sẽ có một ngày mà nếu phải trả mười ngàn đô la để sống được một ngày quý vị vẫn phải trả. Thế thì hôm nay tại sao mình chưa đến giai đoạn đó lại coi thường giá trị của một ngày. Ai cũng nói mười ngàn là số tiền lớn. Tôi nói chưa chắc! Tùy trường hợp. Bây giờ quý vị còn ngon lành thì mười ngàn nó lớn thiệt nhưng sẽ có một ngày quý vị sẵn sàng bỏ ra mười ngàn đô la để đổi lấy mười hai tiếng đồng hồ. Tôi có biết một bà cụ chín mươi sáu tuổi bên Florida, bà là một trường hợp đặc biệt mà tôi ước gì tôi không quen bà. Bởi vì hồi đó giờ tôi có một cái hiểu lầm đó là người già khi mình sống lâu thì mình sẽ không sợ chết nữa vì cảm thấy mệt mỏi (với cuộc sống). Nhưng bà là một trường hợp đặc biệt, bà thương con cháu đến mức không kiểm soát được. Chín mươi sáu tuổi mà bà minh mẫn, tỉnh táo như một người bốn mươi tuổi, bà có một sự dính mắc, quyến luyến, ràng buộc rất sâu đậm đối với con cháu vì con cháu của bà là bác sĩ không à và mấy đứa cháu của bà nó học giỏi bằng trời và nó đẹp như tiên. Cái thời cơ cực của bà, bà không có gì hết, khi bà có tất cả bà không muốn ra đi. Xác chín mươi sáu mà hồn bốn mươi. Bây giờ bà rơi vào tình trạng không dám ngủ vì ngủ sợ đi luôn, bà không dám vô giường nằm, bà cứ ngồi trên ghế cầm quạt phe phẩy, ngủ gục không, ngủ ngồi cho bớt sợ. Giờ bà mất rồi.

Cho nên nhớ, tôi nói hoài niệm Phật có ba câu niệm rất là hay:

Cái lạy Phật thứ nhất là con lạy Thế Tôn không cho cái con thích như Thế Tôn đã dạy con không thích cái gì.

Cái lạy thứ hai, là Thế Tôn không thể làm cho con không chết nhưng mà Thế Tôn có thể dạy con không sợ chết.

Cái thứ ba, con lạy Thế Tôn một lạy nữa là vì Thế Tôn tuy không có nắm tay dắt con đi tất cả vũ trụ nhưng Thế Tôn có thể dạy cho con thấy là đi đâu cũng vậy thôi.

Đó là ba cái ơn lớn kinh khủng của Đức Phật.

Cái ơn thứ nhất, tuy Ngài không có cho mình tất cả những gì mình muốn nhưng mà thiệt ra Ngài đã dạy cho mình không muốn cái gì. Tôi nói thiệt nha, tôi không muốn cái gì thì tôi thích hơn là có những cái tôi muốn. Vì sao? vì hôm nay tôi thích một tỉ món, rồi ngày mai tôi thích tám tỉ thì sao, chỗ đâu tôi chứa. Cho nên cái hạnh phúc lớn nhất là không phải có cái mình thích mà là không thích gì hết. Nhớ cái này!

Cái hạnh phúc thứ hai, làm gì trên đời này có chuyện sanh ra mà không chết. Cho nên cái hạnh phúc ở đây không phải là sống lâu mà là chết trong sự thanh thản, chết mà nhăn răng cười rách lỗ tai luôn. Và chết nó có ba kiểu chết. Kiểu chết của người vô Đạo, hiểu Đạo và liễu Đạo. Người vô Đạo là chết trong sợ hãi và tiếc nuối. Cái chết của người hiểu Đạo là chết trong sự chán chường, mệt mỏi. Còn cái chết của người liễu Đạo là sự thanh thản, nhẹ nhàng, “không hái trái chỉ ngồi yên chờ trái rụng”.

Trong một cái bệnh viện điên, thời gian gần đây mấy mùa hè này có mấy người khùng, người điên cứ leo lên giữa nhà “tao là trái xoài, tao chín rồi” rồi nó gieo xuống, chết. Bệnh viện chết nhiều quá đi nên họ phải cử người tới giữ họ, không cho họ leo. Bữa đó ông viện trưởng ổng xuống thăm cái phòng mà chết nhiều, ổng gặp một cái thằng kia nó ngồi cười cười lắc đầu “đúng là mấy thằng khùng!”, ông viện trưởng ổng hỏi “ông có chứng kiến mấy người bị bệnh ‘xoài rụng’ đó không?” – “có, tôi chứng kiến” – “anh có sợ không?” – “Ôi! tụi nó khùng mình phải thông cảm!” – “Còn anh, tại sao giờ anh vẫn còn ở đây?” – “Tại tui chưa có chín mà!”. Trong Kinh nói là trên đời này có hai hạng người mà suy nghĩ không giống ai. Một là hiền thánh, hai là mấy người ba trợn, giống nhau ở chỗ là luôn luôn coi chuyện gì cũng là chuyện nhỏ hết… Hiền thánh suy nghĩ không giống ai là vì hiền thánh suy nghĩ ngược lại với cách suy nghĩ của phàm phu. Thứ hai là mấy người ba trợn mới nghĩ không giống mấy người tỉnh. Như người ta nói, về kinh tế, trên đời này có hai hạng người suy nghĩ khác người ta. Một, cái anh vua kinh tế ảnh biết tìm ra cơ hội để làm giàu trong những cái hoàn cảnh mà người ta không thấy cơ hội. Đó là cách nghĩ của người làm giàu. Còn cách nghĩ của người nghèo quanh năm thì cũng khác người mà nó lật ngược lại. Người kia thấy ra cơ hội trong những hoàn cảnh rõ ràng không có cơ hội. Còn cái người có số nghèo, thì không thể nào thấy ra cơ hội trong những hoàn cảnh rõ ràng có cơ hội, thấy không ra, đốt đèn, rọi kính, mang đuốc, cũng nhìn không ra. Cái số nghèo là không tài nào thấy được cơ hội mặc dù cái cơ hội nó to đùng như cái núi cũng không thấy. Cho nên đó cũng là trường hợp bất thường. Cơ hội ai cũng thấy mà người đó không thấy. Còn người có khả năng làm giàu có thể thấy được cơ hội trong những trường hợp rõ ràng không có cơ hội, thậm chí họ biến cái bất lợi thành ra là cái thuận lợi.

* Các bài Sư Toại Khanh (Tỳ Kheo Giác Nguyên) giảng tại Houson Hoa Kỳ năm 2020. Nguồn Vietheravada
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app