Luân Hồi và Giải Thoát

Bài Giảng Sư Toại Khanh Houston 2020

Có một chuyện tôi rất muốn bà con biết đó là người Thái Lan họ có rất nhiều cơ hội để đi chùa và làm phước vì bên đó chư Tăng rất là đông. Và khoảng cách từ chùa này qua chùa kia rất là gần. Chùa thì gần nhau mà chư Tăng thì đông. Có một điều là do cái văn hóa, do tập tính của người Thái Lan cho nên họ có cơ hội gặp chư Tăng rất là thường, họ đi chùa gần như mỗi ngày, nhưng mà cái việc họ gặp gỡ chư Tăng chỉ để làm hai việc thôi, một là để bát cúng dường, hai là để mấy Sư tụng kinh rải nước. Người Thái họ thích cái đó lắm. Còn có mấy chùa đi xa hơn, chư Tăng chú nguyện vô mấy cái tượng Phật, để cả rổ, họ tới họ thỉnh về, họ treo lên xe, đeo lên người, để trong nhà đầy. Họ thích như vậy đó. Nhưng mà người Miến Điện lại khác, cũng chư Tăng đông và chùa này sang chùa kia rất là gần và người Miến Điện cũng có nhiều cơ hội gặp gỡ chư Tăng nhưng mà đặc biệt ở chỗ là họ dành nhiều thời giờ để học giáo lý. Cho nên quý vị đi sang Miến Điện gặp những người quần áo lam lũ, rách rưới đi ngoài đường rất có thể họ là những hành giả trong các thiền viện mới vừa đi ra. Và người Miến Điện cái chuyện mà nghe Phật pháp là chuyện thường và nhiều mà tôi nhận xét là hạng nhất thế giới. Tôi đi vào cái chợ (…) thì cái chuyện quý vị thấy họ treo mấy cái băng rôn hình chư Tăng, thông báo là tuần tới sẽ có Pháp hội ở đâu do vị nào thuyết giảng là họ treo cái băng rôn to đùng vậy đó. Bên đây mình thấy người ta quảng cáo ca sỹ, bên đó mình thấy họ quảng cáo mấy vị cao tăng. Còn chuyện này mới rùng rợn, mấy chỗ đông đông mình nghe họ mở nhạc như Tuấn Vũ, Thanh Tuyền, Tuấn Ngọc…bên đó họ mở Pháp. Trong chợ, mình vô mình nghe họ đọc kinh Pali ở trỏng, họ mở cho người dân nghe. Cho nên mình phải nói rằng Miến Điện là cái đất lành. Cho nên bà con qua bên đó sẽ có cơ hội nghe Pháp, nếu biết tiếng Miến Điện thì Phật pháp đầy hết à. Có lần tôi đi Kyaiktiyo là hòn đá thiêng, hòn đá có tháp thiên nhiên. Tôi tham quan cái tháp đó xong, trên đường trở về Yangon, tôi ghé vô một cái xóm núi ở lại hai hôm. Buổi sáng tôi đi bộ lên xóm núi, họ nghèo lắm quý vị, nhà của họ bằng tre và họ che lại bằng lá và bao nilon, bao ximăng, nghèo lắm. Và tôi thấy có nhiều người họ đi xuống núi, trê đầu họ đội một cái thúng, trong đó có một hai nãi chuối, đu đủ, ớt, tỏi, rau sống, họ đem xuống bán ở chợ phiên, chợ nhóm. Vậy mà, trên cái xóm núi đó tôi đi ngang nhiều nhà dân tôi nghe họ mở mấy cái băng giảng Pháp, mà nghe cứ là hai bốn duyên, nhân duyên, trưởng duyên, cảnh duyên bằng tiếng Pali giữa núi sâu mà nó nghèo xơ xác vậy đó, giữa núi sâu mình nghe cái đó mình mới thấy khiếp. Mà quý vị biết cái chuyện này mới thấy ghê, cái hai mươi bốn duyên nếu quý vị học tại Thái Lan, nếu học chương trình A Tỳ Đàm chuyên sâu, quý vị phải học năm thứ bảy mới học được cái đó, còn cái này họ nghe từ nhỏ nên họ có thể hiểu. Và khi chư Tăng thuyết giảng là chư Tăng tuyển chọn để nâng cấp trình độ Phật tử. Chứ không phải như mình là cứ sơ cơ, sơ cơ, cứ đè ba cái bố thí, niệm Phật giảng hoài, họ đi chùa mấy chục năm các Phật tử họ không được upgrade cái trình độ. Nhưng bên đó thì không, ở những ngôi chùa như vậy họ có những cái khóa giảng, thí dụ như họ giảng về hai mươi bốn duyên họ giảng ròng rã cả tháng trời luôn như vậy. Thì hồi đó mình đu chùa mình mới có tám tuổi mình không hiểu, nhưng lâu lâu mình làm lại một khóa như vậy nữa, làm riết năm chín tuổi mình không hiểu, mười hai tuổi mình không hiểu, nhưng mà mình thuộc lòng luôn, riết nó nhão như cháo vậy đó. Tới cái lúc nào đó tự nhiên nó hiểu, vì mình thuộc rồi mình hiểu từ từ, từ từ. Có thể mình lặp lại không có hay bằng chư Tăng nhưng mình không còn lạ nữa. Và tôi nói hoài, nói hoài nó kì. Nên học giáo lý, nên có những cái khóa như thế này, tôi nói “kì” vì sợ bà con nghĩ rằng tôi dụ quý vị tổ chức để mời tôi về, không phải. Cứ học giáo lý một lúc nào đó, nó thay đổi quý vị nhiều lắm. Sẽ có một ngày quý vị thấy rằng thà nghèo mà giỏi giáo lý còn hơn giàu mà cái đầu nó đất sét không à…

Ngày hôm qua tôi nói tút tùn tụt về khổ, lạc, buồn, vui còn nhớ không. Rồi sáng nay tôi giảng banh chành về hai chữ Thiện Ác, trước khi nói tôi còn nghi bà con hiểu hai chữ đó không tới, tôi thấy nhiều người mặt giận giận “Ý ổng chê mình”, mà chê thiệt. Là tại vì chữ Thiện Ác quý vị hiểu nó nghèo dữ lắm. Giờ tôi nhắc lại. Ác gồm có hai. Một là những gì bậy bạ, xấu xa, bất thiện mà mình phải bỏ đi, cái này là ác, cái này ai cũng hiểu đúng không? Nhưng mà có cái thứ hai nữa là cái sự giậm chân tại chỗ trong cái thiện, cũng bị Đức Phật gọi là ác. Nhớ nha! Nhưng mà dĩ nhiên, nhiều người khắp nơi đang nghe giảng thế nào họ cũng bực, họ nói “Tôi bố thí, trì giới hỏng lẽ tôi ác hay sao?” Thì mình phải nói thế này, trong cái so sánh thì cái đó là ác, so với cái người không tu hành thì bố thí, trì giới là thiện, còn so với cái người cầu giải thoát thì người cầu quả nhân thiên bị coi là ác. Giống như không uống rượu là tốt, không nhậu nhẹt, đi chơi đêm là tốt nhưng trong hai cái nhóm an nhậu hồi sáng tôi nói còn nhớ không? Nhóm một, nhậu xỉn rồi lái xe thì nó tệ hơn cái nhóm thứ hai. Nhóm thứ hai biết thân lắm, khi nhậu là kêu người đón trước rồi, nếu không ai đón thì taxi, uber. Nhóm hai tốt hơn nhóm một, rồi mình nghe tốt hơn mình nghĩ là chắc mình bắt chước được, nó tốt là so với cái thằng kia thôi, chứ so với cái người đêm về nhà nghe kinh, nghe Pháp, đọc sách rồi vui vẻ với gia đình, đi ngủ sớm mai đi làm thì dĩ nhiên là không bằng. Chữ Ác ở đây có nghĩa là vậy đó. Cho nên Ác có hai, một là những cái xấu xa, bất thiện mình phải bỏ gồm tham lam, trộm cắp, sát sanh, si mê, sân hận,… những cái đó là ác. Nhưng mà nó có cái thứ hai cũng gọi là ác là giậm chân tại chỗ trong cái thiện. Giậm chân là sao, là chỉ biết làm phước cầu quả tái sanh trong các cõi nhân thiên, cái đó so với lý tưởng giải thoát thì nó là ác. Cái thiện cũng có hai. Cái thiện thứ nhất là những cái hạnh lành mình cần có, cần tu tập, cần trau dồi, cần sở hữu. Nhưng mà nếu cái thiện đó còn dính líu trong lý tưởng sanh tử thì nó vẫn không bằng cái thiện thứ hai. Cái thiện thứ nhất mới lìa cái ác thôi. Cái thiện thứ hai là lìa bỏ thiện ác. “Khi chưa biết Đạo thì ta chỉ biết trốn khổ tìm vui, biết Đạo rồi thì ta làm lành lánh dữ nhưng mà tới liễu Đạo thì thiện ác buồn vui buông hết”. Mà tôi nhắc lại tại sao cả cái thiện mình cũng sợ? Bởi vì hễ còn cái thiện thì còn sanh tử. Nhưng mà bây giờ khi chưa thành Thánh mình vẫn tiếp tục hành thiện đúng không?

Nhưng mà tôi đã nói rất là nhiều lần ở tại Việt Nam có hai hạng người đi kiếm tiền. Hạng thứ nhất, kiếm tiền để mà sống sung sướng trong nước. Hạng thứ hai, kiếm tiền để định cư nước ngoài. Cái hạng kiếm tiền để sống trong nước giống như hạng người tiếp tục làm thiện để hưởng quả nhân thiên. Còn người kiếm tiền để định cư nước ngoài giống như người làm thiện để mà cầu giải thoát. Trên hình thức hai người đó kiếm tiền giống nhau không? Bà nào cũng mở quán cơm, bà nào cũng mở tiệm cà phê, bà nào cũng đi bán vé số giống nhau hết. Nhưng mà mục đích, lý tưởng của hai người khác nhau. Một người cái mộng họ làm giàu rồi sống ở Việt Nam để mà tiếp tục hái chùm khế ngọt. Còn một người thì ớn khế ngọt quá, muốn ăn apple, cho nên có bao nhiêu tiền họ ra đi để không còn ăn khế nữa. Cho nên, trên hình thức hai người đều kiếm tiền giống nhau hết. Một người kiếm tiền để tiếp tục ở lại với quê hương, còn một người kiếm tiền để đi định cư nước ngoài. Tôi nói điều này hoàn toàn không có ý niệm kích bác, bài xích quan niệm, chính trị, lập trường, chủ trương, chính sách. Không có. Mà tôi chỉ ví dụ thôi.

Hôm qua mình đã học về Sướng Khổ, Buồn Vui. Sáng nay mình đã học về Thiện Ác. Chiều nay mình học về Luân Hồi và Giải Thoát. Và dĩ nhiên quý vị sẽ nói “Tôi biết rồi nói làm chi?”. Y như hồi sáng vậy đó, hỏi Thiện Ác mặt ai cũng sáng rỡ “Tôi biết mà, tôi biết, cái đó có gì đâu mà hay?”. Không. Cái chữ Luân Hồi và Giải Thoát giờ kêu các vị nói mắc cười chết luôn. Tôi nhớ có hai thiên thần nói chuyện với nhau, nói rằng “Đức Chúa Trời không giống người bình thường. Như vậy thì có cách nào chọc cười Đức Chúa Trời không?” Anh chàng kia nói “Không. Chúa Trời khác mình. Chúa Trời không bao giờ biết cười”. Anh chàng này nói “Có. Có cách chọc cười Chúa Trời. Đó là mình nói cho ổng biết những cái toan tính của mình”. Hiểu không? Tại sao không cười? Tại vì theo trong kinh Thánh, Chúa Trời biết trước tất cả, cho nên ổng nghe mình kể cái dự tính của mình ổng sẽ biết cái nào được cái nào không được. Giống như mình là ông nội, mình nghe hai đứa cháu nội bốn tuổi nó bàn âm mưu, kế hoạch, mình không có nín cười được bởi vì cái chuyện nó bốn tuổi nó làm được cái gì. Nó muốn ra khỏi nhà là ba má nó phải chở, nó muốn mua cái gì là ba má, ông nội mua mà hai đứa nó ngồi nó âm mưu, mình nghe mình nín cười không có được. Giống như có cái thằng đó lúc mùa Noel nó đứng trước tượng Chúa khấn “Chúa trên cao năm nay cho con được đôi giày có kèn, có đèn, cho con thiệt là nhiều chocolate, cho con thiệt là nhiều búp bê, gấu bông, cho con thiệt nhiều xe cộ, đồ chơi”. Nó hét lớn lên. Bà má bả nói “Nói nhỏ nhỏ, Chúa nghe mà con” – ” Không, con nói cho bà ngoại nghe!”. Ở bên Thánh địa Mecca ở bên Hồi Giáo, mỗi năm có hàng triệu người về hành hương sẽ gặp nguyên hàng chữ Ả Rập để thế này “Thượng đế A La chí tôn toàn năng toàn tri, cái gì cũng biết cũng làm được. Cầu nguyện Ngài nhưng nhớ coi chừng móc túi”. Tức là tin Ngài toàn năng cứ tin, tin Ngài toàn tri thì cứ tin nhưng mà vẫn làm ơn coi chừng móc túi, vì một năm cả triệu đứa, hỏng đứa này móc đứa kia cũng móc à. Bạn cầu cứ cầu nhưng phải coi chừng cái túi của bạn vì cái khoản móc đó không nằm trong điều khoản của Thánh A La, không nằm trong điều khoản toàn năng đó. Họ không có take care cái túi nhỏ nhỏ.

Bây giờ mình định nghĩa với nhau về chữ Luân Hồi và Giải Thoát. Nếu mà tôi không nói gì hết để tự quý vị ngồi tưởng tượng thì quý vị nghĩ “chứ Luân Hồi có gì đâu lạ, tôi biết rồi!”. Biết rồi, khổ lắm, nói mãi. Thực ra nó như thế này. Chữ Luân Hồi nghĩa là gì? Nó có hai nghĩa. Cái nghĩa thứ nhất, luân hồi là cái sự sanh tử, lăn lóc từ kiếp này sang kiếp khác, từ chỗ cao xuống thấp, từ thấp lên cao, từ chỗ này sang chỗ kia. Đó gọi là luân hồi vĩ mô. Tức là đi từ kiếp này sang kiếp khác, từ thân phận này sang thân phận khác, từ thấp lên cao, từ cao xuống thấp, từ chỗ này qua chỗ kia, gọi là luân hồi vĩ mô. Còn luân hồi vi mô là sao? Là trong từng khoảnh khắc, có lúc ta vui ta sống như Chư Thiên, thanh thản, nhẹ nhàng, khỏe mạnh, không bệnh gì hết, không âu lo. Còn có lúc bệnh hoạn, sân si, bực bội như khổ, như ngạ quỷ, như A Tu La. Có không? Cho nên, mình cứ nghĩ đợi đến cái chuyện sanh làm A Tu La nó mới sân si như A Tu La. No way. Nghĩ vậy thì chết rồi! Thực ra ngay trong từng phút trong kiếp sống này mình đã sống đủ ngũ thú, lục đạo. Có lần đó một con ngạ quỷ nó tới thăm một vị tỳ kheo. Nó nói “Con khổ lắm. Con bị đọa. Con đói. Con khát dữ lắm!”. Ngài hỏi “Con ở đây bao lâu rồi?”. “Dạ, Ngài thấy mấy cây cổ thụ xung quanh đây không? Cây nào cây nấy cả ngàn tuổi mà con đói từ ngày con chứng kiến nó còn là cái hột. Mấy cái cây Ngài thấy ngàn tuổi đó là con chứng kiến chim ăn, tha rồi ị ra nó, rồi nó lớn lên, con chứng kiến từ đó tới bây giờ. Con khổ lắm! Con khổ lâu vậy đó. Ngài biết con nhìn nước, con khát, mà con vừa chạm vô là nó thành ra máu, có lúc nó thành ra lửa, có lúc nó thành ra dầu hắc, sền sệt sền sệt làm sao con uống. Rồi còn thức ăn, con thấy người ta cúng cho con, con ham dữ lắm. Có nhiều người họ đi ngang khu rừng này họ thấy con tóc xõa họ sựo lắm. Họ đem theo đồ họ cúng, mà con đụng tới nó thành ra phân người, con đụng tới nó thành đất thành đá, con đụng tới nó thành gai thành góc, làm sao con ăn. Con khổ lắm!”. Vị tỳ kheo trả lời thế này “Con không học Phật Pháp con không hề biết rằng con may mắn hơn rất là nhiều người mang thân nhân loại”. Thì con ngạ quỷ nó nói “Con không có hiểu”. Ngài nói “Con chỉ thèm ăn, thèm uống thôi đúng không?”. “Dạ phải”. “Còn con người thèm đủ thứ hết trơn. Nó thèm ăn, thèm uống, thèm danh, thèm lợi, thèm tình, thèm tiếng, thèm quyền”. Bây giờ quý vị hiểu chưa? Tức là có những người mang thân nhân loại mà sống như ngạ quỷ là vì thèm danh, thèm lợi, thèm tình, thèm quyền, thèm tiền mà cả đời sống trong sự khao khát. Cái chuyện đó sâu lắm. Cho nên, luân hồi vĩ mô là sự lăn trôi từ kiếp này sang kiếp khác, từ thân người qua thân chó, từ thân chó qua thân heo, từ thân heo lên thân Chư Thiên. Thì cái đó gọi là luân hồi vĩ mô. Còn luân hồi vi mô là sự thay đồi của mình trong từng phút, lúc buồn, lúc vui, lúc sướng, lúc khổ, lúc thiện, lúc ác, lúc thánh thiện, lúc thì bầy hầy, bê bối, thấp hèn. Cái đó gọi là luân hồi vi mô. Như vậy thì có cái gì hãnh diện khi nói mình là người trường chay, mình là người giỏi Phật Pháp, mình là người hành giả, mình là người Phật tử lâu năm, mình quen biết cao tăng? Tất cả cái đó có giá trị gì khi mà trong đời sống thường nhật mình sống đủ ngũ thú lục đạo trong từng giờ? Cứ học giáo lý ba mớ là thấy mình này nọ, rồi đi hành thiền vài khóa thấy mình ghê gớm. Thật ra cái quan trọng nhất là mình thường xuyên sống trong cảnh giới nào. Chứ còn ba cái vụ kia là ba cái nhãn hiệu, label thôi, label thì không có gì hết. Mà con người bị cái bệnh là khoái sống với nhãn hiệu. Mình đâu có là bánh, có là kẹo đâu mà sống bằng nhãn hiệu.

Cho nên, trong kinh nói: trường hợp một là vỏ ngoài hơn ruột trong, trường hợp hai là ruột trong tốt hơn vỏ ngoài, trường hợp ba là vỏ sao thì ruột vậy. Con người cũng vậy. Có người ở ngoài tốt hơn ở trong, nhìn họ quá trời đã luôn, cái nhãn hiệu họ nhiều lắm: học thức nè, Phật tử lâu năm nè, giỏi giáo lý nè, hành giả tinh tấn nè, đó là nhãn hiệu nhưng mà trong ruột nó trời ơi đất hỡi. Còn có người mình thấy họ xuề xòa như vậy nhưng khi họ lui về một mình họ có nội dung, có nội hàm, có hàm dưỡng. Như vậy, trường hợp một là vỏ ngoài tốt hơn cái ruột trong. Trường hợp hai là cái ruột trong tốt hơn cái vỏ ngoài. Có trường hợp là trong tốt ngoài cũng tốt. Có người thì trong xấu ngoài cũng xấu. Trong kinh khẳng định rằng, trong vô lượng thế giới, vô lượng chúng sanh không hề có hạng thứ năm. Không hề có hạng thứ năm, đúng chốc bốn hạng này thôi. Vậy Phật thuộc hạng nào? Trong ngoài đều tốt (Có bà mới nói trong ngoài đều bằng xi măng kìa. Khổ quá) Lên đến Phật rồi vẫn còn nằm trong bốn cái này, vậy mình có hơn Phật không? vậy mình đâu có nằm ngoài, mình là hạng ba, trong ngoài đều xấu phải không? Mình với Phật cách nhau đâu có xa, mình hạng ba, Phật là bốn, đâu có xa. Ngài là cho cái khó cho, làm cái khó làm, nhịn cái khó nhịn, đắc cái khó đắc. Còn mình cho cái khó xài, nói cái khó nghe, làm người khó ưa. Nói chung mình cách Ngài không có xa. Ngài có ba chữ khó, mình cũng có ba chữ khó mà phải không? Cho nên mình gặp tượng Phật mình không cần chào, chào làm gì, xem xem à, chào làm gì cho mệt. Nói cái này nghe nhục.

Luân hồi có hai, đó là vi mô và vĩ mô. Vĩ mô là đó giờ mình hiểu đó, từ thấp lên cao, từ cao xuống thấp, từ chỗ này qua chỗ kia. Nhưng mình quên cái luân hồi vi mô nó mới ghê. Có nghĩa là trong một giờ mình có sướng, khổ, buồn, vui, thiện, ác. Mà hễ cái nào nhiều thì mai mốt mình đi về chỗ giống với cái nhiều đó. Sống mà giống ngạ quỷ thì mai mốt về ngạ quỷ, sống mà giống A Tu La thì mốt về giống A Tu La. “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Thủy ngân nó chỉ ráp với thủy ngân thôi. Và tôi nói không biết là bao nhiêu lần, nước có ba dạng là thể đặc, thể lỏng và thể khí. Nước ở thể lỏng luôn luôn tìm về chỗ thấp, mình có quỳ mình lạy nó, nó cũng kiếm chỗ thấp nó chui xuống. Mà nước ở thể khí mình có chửi cha nó, nó vẫn bốc lên trời. Cho nên, có những người kêu tôi tới tụng kinh, tôi biết bà này bả đang kiếm chỗ thấp bả chui xuống, cả đời không có học Đạo, cả đời không có biết tu tập gì hết, cỡ này mình tụng cỡ nào, tụng rách miệng nó cũng đi xuống vì bả là nước thể lỏng. Có những người mình biết không cần tụng cũng đi lên, bởi vì họ tu tập, tâm tánh nhẹ nhàng lắm, họ từ bi, trí tuệ, chánh niệm thì loại đó mình không cần hộ niệm, tự động nó bốc lên trên.

Còn nhớ tôi nói mấy cách hộ niệm của Phật giáo không? Chúng sanh có nhiều hạng, ác nhiều hơn thiện, thiện nhiều hơn ác, thiện ác bằng nhau. Cái hạng thiện nhiều hơn ác không cần hộ niệm. Cái hạng thiện ác bằng nhau thì khi hộ niệm là 50-50, hên xui. Còn cái hạng ác nhiều hơn thiện thì xui nhiều hơn hên. Qúy vị làm cái chuyện mà hên xui quý vị có tin không? Thường khi mình nói hên xui thì cái xui nó nhiều rồi đó. Trong đời sống lẫn trong cuộc tu, hành giả tu tập tứ Niệm Xứ cứ luôn luôn nhớ lại bốn cái pháp tỉnh giác mà tôi nói. Một, làm chuyện gì phải xem nó có lợi ích gì hay không cho cái công phu tu tập của mình (Pali). Thứ hai, (Pali) là cách làm này nó có hỗ trợ, có thuận tiện cho việc tu học hay không. Thí dụ như mình thấy kinh hành, thiền hành, walking meditation, nó có lợi cho việc tu tập nhưng ban đêm mình đi ngoài mái hiên mưa gió nó không có thích hợp, như vậy mình cũng cần có cái thứ hai. Cái thứ nhất là mình thấy cái này có lợi hay không, nhưng không phải thấy có lợi là mình muốn làm kiểu gì mình làm. Đói bụng là mình vẫn phải nấu cơm nhưng mà mình phải lựa cách nào thông minh chứ. Một cái nồi gang dày, một cái nồi nhôm mỏng, nếu chọn nấu cơm quý vị chọn cái nồi nào? Nồi gang. Rõ ràng nấu cơm là cần nhưng mình phải lựa cái nồi nào để mình nấu chứ. Rồi nước, mỗi lần mình mua một bao gạo mới mình phải nhớ cái loại gạo nào cần phải nước nhiều một chút, loại nào ít nước một chút. Tôi ăn cơm nhão hoài tôi biết, có bữa nó khô khốc, có bửa nhão, cái nồi đầu tiên là nồi thí điểm. Ngay cả chuyện nấu cơm cũng phải thuận tiện.

Cái thứ ba (Pali), là luôn phải biết rõ cái việc mình sắp làm nó có đang đưa mình ra khỏi cảnh giới của chánh niệm không. Thí dụ như đang tu, người ta rủ đi nghe Pháp, đi chùa, làm từ thiện, thì mình phải coi cái này nó có đưa mình ra khỏi cảnh giới mà mình đang chánh niệm không. Cái chuyện đó có lợi thiệt, xe đưa đón tại chỗ luôn, thuận tiện đó nhưng nó bị kẹt cái thứ ba, nó đang đưa mình ra khỏi cảnh giới tu tập tỉnh giác.

Khi hành giả ngồi thiền hành giả phải để ý bốn cái tỉnh giác. Một là công phu này nó có lợi ích gì hay không. Thứ hai là cách làm việc của mình có thuận lợi không. Cái công việc này nó có đưa mình ra khỏi cảnh giới chánh niệm không. Hãy nhớ rằng từng giây phút tu tập là danh sắc tu tập chứ không phải ai đó đang tu tập. Và phải ghi câu này “Chỉ có sự khổ chứ không có người bị khổ. Chỉ có nguyên nhân sanh khổ chứ không có ai tạo khổ. Chỉ có cứu cánh thoát khổ chứ không có người thoát khổ. Chỉ có con đường hành trì thoát khổ chứ không có người nào hành trì con đường đó”. Có nghĩa là mỗi lần quý vị tu hành chỉ có chánh niệm và trí tuệ làm việc chứ không có “Tôi đang có chánh niệm”, sai, sai rồi. Không có “Tôi đang có chánh niệm” mà chỉ ghi nhận “Chánh niệm đang có mặt. Từ tâm đang có mặt. Tâm tham đang có mặt. Tâm sân đang có mặt. Cơn đau đang có mặt. Sự thoải mái đang có mặt”, chỉ vậy thôi. Bây giờ nghe rất là kì, mai này bị trọng bệnh mới cám ơn tôi. Ghi nhận “Sự sợ hãi đang có mặt” nó tốt hơn là “Tôi đang sợ hãi”. Nhớ cái này. Sống chết phải nhớ cái này. Đau quá, chỉ biết rằng “Cơn đau đang có mặt” thôi. Siêu hơn nữa là “Cơn đau vừa biến mất”. Chánh niệm mình mà nó dày dặn thì lúc đó mình sẽ thấy rằng mọi cái mình ghi nhận được nó “vừa biến mất” chứ không phải “đang có mặt” nữa. Tôi nhắc lại tất cả những gì thuộc về Tâm Pháp, khi ta ghi nhận được nó thì nó đã “vừa biến mất” chứ không phải là “đang có mặt”. Thí dụ, tôi đang bực mình, tôi biết rằng cái sự bực mình nó vừa biến mất. Vì sao? Vì cái tâm bực mình được ghi nhận thì lúc đó nó đã nhường chỗ cho chánh niệm rồi. Cái đó là nói rốt ráo, còn cách nói thế gian là mình nói rằng sống trong hiện tại, mình tâm sân mình biết mình tâm sân. Đó là cách nói phổ thông dành cho người không biết giáo lý. Những người biết giáo lý thì phải hiểu răng khi ta nhận diện được tâm tham, nhận diện được tâm sân thì ngay lúc đó nó vừa biến mất, bởi vì nó vừa biến mất nó mới nhường chỗ cho cái chánh niệm ghi nhận nó. Không bao giờ hai cái tâm thiện, ác nó cùng có mặt một lúc. Hai tâm thiện không cùng có mặt thì làm gì có hai tâm thiện, ác cùng có mặt. Hiểu không? Phải nhớ cái này. Một đoàn tàu chạy trên đường ray, trong từng khoảnh khác trên mỗi đường ray chỉ có một toa chứ không có hai toa. Hai đường ray thì được, chứ trên một đường ray thì phải có toa trước toa sau. Bây giờ hiểu chưa? Mình học về luân hồi phải học kỹ như vậy đó. Tức là đang trong cuộc sống, đang trong lúc tu tập thiền định, ngay trong cuộc sống này luôn luôn nhớ như vậy, nhớ răng “Ta đang có mặt trong một cuộc luân hồi vi mô”. Và cái này mới ghê “Luân hồi vi mô là mở đường, là nền tảng cho luân hồi vĩ mô”. Luân hồi vĩ mô là đầu thai kiếp này qua kiếp kia. Luân hồi vi mô là sự chuyển đổi từ buồn, vui, sướng, khổ, thiện, ác trong từng phút. Chính cái luân hồi vi mô nó mới tạo ra luân hồi vĩ mô. Và ai là người nhận ra cái đó? Người chánh niệm. Cứ đọc câu thần chú “Ta sống nhiều với cái gì thì ta sẽ đi với cái đó”. Và nói như vậy thì cái chuyện cầu an, cầu siêu có cần thiết hay không thì tự quý vị hiểu rồi. Cái vi mô của quý vị mà dỏm quá nó mới cần cầu siêu. Mà nói vậy thôi chứ cầu sao nổi mà cầu. Bởi vì nếu nói rằng nhờ cầu mà cứu được người cà chớn thì mình tha hồ cà chớn. Cứ ngáp ngáp rồi mời Tăng Ni tới quất cho một chầu rồi nó siêu tới đâu luôn, đúng không? Rất tiếc chuyện đó không được. Nói rằng nhờ Tăng Ni cầu mà siêu được thì cõi trời chắc dành cho mấy tay nhà giàu không, phải không? Ở xa thì xa, quý vị mua cho tôi vé first class với 10.000 trong bao thơ, tôi hứa tôi tới tụng. Như vậy thì rẻ quá, cái vé lê cõi trời có 12.000 đồng bạc à, cõi trời mà nó rẻ như cải bẹ xanh vậy. Nhưng mà rất tiếc, cõi lành không thể mua bằng tiền. Một bà cụ bán vé số vẫn có cơ hội sanh thiên nhiều hơn cái ông tỷ phú, nếu mà bả có tu tập. Nhớ nha!

Câu chuyện này tôi kể rồi. Có một ông hành giả hỏi vị thiền sư “Có cách nào thu gọn Phật pháp trong một câu nói không?”. Vị thiền sư mới lấy một cây que vạch một đường dưới đất, rồi hỏi “Đường vạch này dài hay ngắn?”. Ông hành giả nói “Thưa Ngài, nói không được, bởi vì muốn nói dài hay ngắn mình phải so với cái gì đó”. Thiền sư mới nói “Đó, Phật pháp là gom trong đó đó”. Tại sao Phật pháp gom trong câu đó? Là vì mình có so sánh nên mình mới ghét cái này thích cái kia. Vì mình có thích ghét mình mới làm các việc thiện ác. Quý vị có phân biệt được cái mịn với cái nhám không? Chính vì có phân biệt mịn nhám nên mình mới thích mịn, không thích nhám, đúng không? Chứ nếu từ nhỏ đến lớn quý vị chỉ có xài một thứ thôi thì quý vị đâu có phân biệt. Tôi biết có nhiều người họ xài áo ấm, poliester nó khác, đồ ấm bằng len nó khác, bằng cashmere nó khác, bằng angora nó khác. Mình có xài mình mới biết cashmere nó khác len. Rồi từ đó mình mới khoái cái cashmere. Tại sao mình có thích có ghét? Tại sao tôi ghét cái bà này? Một là bả đã làm những cái chuyện chống lại lợi ích của tôi, cách hành động của bả không giống với cách hành động của những người thương tôi. Tôi phải có “so sánh” trong đó. Có trường hợp còn vô duyên nữa, tôi ghét cái cô này vì cổ giống người tôi ghét. Rồi có trường hợp vợ chết rồi đi kiếm cái bà khác phải giống vợ mình. Chưa hết có người đi kiếm vợ vì cô đó có nét giống má người đó nữa. Có cái ông đó có thằng con trai, “Ba, con mới có nhỏ bạn gái dễ thương lắm, tính dẫn về cho ba coi”, ổng hỏi “Tính tình sao?” – “Dạ, từ mặt mũi đến tính tình y như má vậy đó” – “Trời ơi, một mình tao ngu đủ rồi, đừng có ngu double thế hệ con!”. Đời sống này nó là một sự so sánh, hiểu không? Tại sao thích ăn cay, là vì cái cay nó ngon hơn cái không cay. Tại sao sợ cay, là vì cái không cay nó ngon hơn cái cay. Tại sao có những món mình phải ăn nóng là vì ăn nóng nó ngon hơn không nóng. Có nhiều món là mình phải ăn lạnh nó ngon hơn không lạnh. Như trưa hè mình ăn chén chè đậu xanh ấm ấm nó không ngon bằng chén chè đậu xanh mà có đá. Cho nên có nhiều lúc lạnh nó ngon hơn không lạnh. Có nhiều lúc nóng nó ngon hơn không nóng. Có nghĩa là ghét và thích nó đều đi ra từ so sánh. Từ có so sánh mới có thích ghét. Từ có thích ghét nên người ta mới có trốn ghét tìm thích. Và có nhiều con đường trốn ghét tìm thích. Con đường thứ nhất là thiện ác bất chấp. Con đường thứ hai là làm lành lánh dữ, để chi, để kiếm được cái thích và né được cái ghét. Như vậy toàn bộ Phật pháp nằm trong đường vạch đó đúng không?

Tôi đang nói luân hồi mà sao tôi móc ra cái vụ đó? Luân hồi là thấp lên cao, từ cao xuống thấp. Thế nào là cao và thấp? Hiểu không? Hồi đó tôi không có giới, bây giờ tôi giữ ngũ giới, như vậy là tôi đang từ thấp lên cao. Nhưng mà tới đó đủ chưa? Chưa, còn phải một tháng tám ngày giới nữa. Nhưng mà đủ chưa? Chưa, làm sao mà một năm ba tháng an cư của chư Tăng là ba tháng mình Bát Quan luôn. Mà như vậy đủ chưa? Chưa, nếu mà Bát Quan luôn thì càng tốt. Như vậy cái cao và thấp ở đây là sao?

Bây giờ hiểu rồi, tức là ngũ giới chỉ hơn người không có giới nhưng nó vẫn thua bát giới. Bát giới một tháng tám kì nó thua một năm ngoài tám ngày một tháng, còn cộng thêm ba tháng an cư nữa. Nhưng như vậy cũng chưa đủ, một năm phải sáu tháng, chín tháng, một năm. Và tôi cũng nói luôn, dĩ nhiên so với ăn chay, cái bát quan khó hơn. Vì sao? Vì ăn chay có quen còn bát quan khó quen. Nếu ăn chay ròng rã ba năm là quý vị giống như mấy bà có bầu, nó tanh cơm tanh cá. Nếu đổi qua Đạo khác không cần ăn chay quý vị cũng ăn chay bởi vì nó tanh lắm. Nhưng mà giữ giới nó không có như vậy. Nhiều người họ giữ giới lâu ngày nó quen nhưng số người quen đó ít hơn là số người giữ giới mà phải gồng, phải ráng. Hồi đó giờ do mình giữ giới mình không có coi phim, nghe nhạc. Một lúc nào đó mình không còn giữ giới mình quay lại với phim nhạc rất là dễ. Có những bộ phim mình không thích nhưng có những bộ phim hay mình vẫn coi. Tôi nhắc lại, người giữ bát quan muốn xả bỏ bát quan nó dễ hơn là người ăn chay mà bỏ cái ăn chay. Ở đây tôi đang nói ăn chay mà ăn ròng rã đó, chứ còn một tháng cứ rằm mua chao về nấu vịt thì cái đó tôi không nói, tôi nói ăn chay miên mật, tinh ròng đó thì coi như là ăn chay riết nó quen. Mà khi nó quen rồi nó không còn ý nghĩa tâm linh nữa. Thấy thì hay lắm nhưng chính người ăn chay phải hiểu rằng ăn chay riết nó quen, lúc đó nó thuộc về vấn đề sinh lý rồi chứ không còn tâm lý nữa vì cơ thể mình nó quen, nó không quen nạp cái khác vô nữa. Nhưng giữ giới thì nó khác, giữ giới mình phải liên tục phấn đấu, đấu tranh với bản thân để mình giữ tròn tám giới. Và sẵn ở đây tôi nói luôn một chuyện vô cùng, vô cùng quan trọng đó là, tôi nói từng chữ từng chữ cho những cụ gần xuống lỗ “Không phạm giới chưa chắc là giữ giới”. Câu này đúng hay sai? Vì sao? Vì trong mộ cái cám dỗ, đứng trước một thử thách mà anh không phạm, cái đó mới gọi là giữ giới, giữ giới nó phải là intentionally, nó phải là một sự cố ý. Chứ tự nhiên cô này sáng giờ cổ ở nhà may vá cổ đâu có cơ hội sát sanh, trộm cấp, tà dâm, nói dối, uống rượu, ca vũ nhạc kịch, phấn son, nữ trang, mỹ phẩm, sáng giờ cổ ngồi ở nhà mặc áo lá ngồi may vá, đâu có điều kiện phạm giới đúng không? Như vậy nói cổ đang giữ giới được không? Rồi mấy người bị bại liệt, coma là giữ giới đúng không? Họ đâu có phạm nữa. Rồi mấy đứa nằm ngửa bú bình nó đâu có phạm đâu, vậy nó đang giữ giới đúng không? Why? Bây giờ mới hiểu là “Không phạm giới chưa chắc là giữ giới”. Cho nên cái kiểu cạo đầu rồi mặc áo tu nữ, cất cái am, thờ tượng Phật rồi tự nghĩ mình là tu nữ, mình là người bát giới. Sai.

Phải thường xuyên sống trong chánh niệm, biết đây là tham, là sân, là si, là ác, phải đấu tranh với mình, phải quán chiếu mình liên tục thì lúc đó mới gọi là người giữ giới. Mai chiều đứng trước một cái cám dỗ mà không có vượt rào mới gọi là giữ giới. Ví dụ, kiến nhiều quá, một phát một là chết sạch nhưng ta không giết. Ta tìm cách thương lượng, hòa giải dân tộc, chỉ bôi cái thuốc ngừa kiến, ngừa gián từ xa, còn em nào đang sống là cứ để cho nó sống. Đó mới là giữ giới. Đang nằm muỗi nó chích, quất một phát là nó đi rồi, nhưng tìm cách giải quyết nó, chịu khó chịu cực, không giết là không giết, đó mới là giữ giới. Chiều nghe chiên xào vẫn gồng chịu đựng, chừng nào không nổi thì mới order pizza. Còn đằng này, phe phe, tự nhiên ngồi chưng bông thêu thùa , may vá mà nói giữ giới thì không đúng. Tôi đã gặp trường hợp này nhiều lắm, cho phép tôi nói luôn, có rất nhièu vị tu sĩ họ hiểu lầm cái đó. Ngày hai buổi công phu, ra quét lá, vô mặc y mặc áo, kiếm chỗ nằm ngáp ngáp, mệt thì ngủ một chút, rồi trưa chiều dậy coi một hai trang sách vậy đó, đời tu nó cứ trôi qua vô vị, tẻ nhạt, nhàm chán, nghĩ vậy là tu. Con lạy bố, bố hiểu sai rồi. Nằm yên không làm bậy mà cái đầu nó vẫn tầm bậy, vẫn là wrong way. Mà cứ hiểu lầm mặc cái áo y vô, làm cái đầu cho bóng là tu. Sai. Cho nên, Phật pháp nằm ở chữ so sánh, làm sao không còn so sánh nữa, không còn thích không còn ghét mới là tu. Làm sao đứng trước cám dỗ, thử thách mà vẫn tu được, cái đó mới gọi là tu.

Nói đến luân hồi thì phải nói đến cái thấp cái cao. Cứ quẩn quanh trong định mức căn bản của cái thiện thì nó sẽ rơi vào cái ác, nó phải vượt lên trên. Thuyền đi trên sông là phải đi về phía trước chứ không có chiếc thuyền nào ở yên một chỗ. Mỹ có một câu “Thuyền nằm trong bến cảng thì an toàn hơn ra khơi nhưng sự an toàn ấy không phải là lý do để người ta đóng thuyền”, đóng xong để trong cạn cho nó an toàn… Luân hồi hiểu theo nghĩa rộng là từ trạng thái này sang trạng thái khác, từ tình trạng này sang tình trạng khác nhưng ta phải luôn luôn nhớ rằng ta có phải đang đi lên, đang đi về phía trước hay không, hay là ta đang thụt lùi hoặc là ta đang chìm xuống, đang đi ngược trở vô. Bởi vì cái nào cũng luân hồi hết. Luân hồi có nhiều cách. Luân hồi ở đây là sự lẩn quẩn của cao thấp và sự cao thấp ở đây là sao, là phải có một cái điểm tựa. Tu là vượt ngoài sự so sánh nhưng phải biết nhìn lại cái cũ để tìm lên cái mới. Mình không có phân biệt để mà bất thiện nhưng mà ta phải biết cao thấp để mà hành động tốt hơn. Bây giờ tôi hỏi thế này trong đời sống có những lúc mình phải phân biệt, có những lúc không cần phân biệt đúng không? Ví dụ trong chuyện ăn uống, mình đơn giản ăn cái gì cũng được, ngon dở mình cũng ăn được hết. Cái đó tốt hay xấu? Nhưng mà mình không phân biệt được đồ độc hay không độc là tốt hay xấu? Đối với mọi người ai mình cũng không phân biệt, già trẻ đẹp xấu, Mỹ đen, Mỹ trắng, da vang, ai mình cũng tốt hết. Cái đó nên không? Nhưng mà trong giao thiệp mình có nên biết người nào tốt người nào xấu để mình tránh không? Cần chứ. Thương thì ai mình cũng thương nhưng mà để thân cận, gần gũi thì mình phải chọn lọc. Cho nên, ăn uống ngon dở thì mình không cần phải phân biệt, nhưng mà đồ độc và đồ lành hình như phải phân biệt. Cho nên, tu là không cần phân biệt, nói mà không giải thích là sai. Trường hợp nào không cần phân biệt, trường hợp nào phải phân biệt. Bởi vì trong thiện pháp nó có một cái gọi là trí tuệ. Trí tuệ có tên gọi là Trạch pháp. Trạch pháp là gì? Trạch pháp là khả năng discrimination, tách bạch, rạch ròi nhưng mà tách bạch để chi? Để chọn cái nào rồi đi lên và đi ra, chứ không phải chọn để rồi thích và ghét. Ai tôi cũng thương, giúp được ai tôi giúp, lúc tôi thương, lúc tôi giúp tôi không có phân biệt là người tốt người xấu nhưng mà lúc chọn người làm thầy, làm bạn thì bắt buộc tôi có phân biệt chứ. Đối với tất cả mọi người đàn ông mình đều phải lịch sự hết nhưng chọn một thằng về làm chồng thì không phải thằng nào mình cũng vớt đúng không? Có đúng không? Một người con gái chưa chồng có nên lịch sự với tất cả đàn ông không? Hay là lịch sự lựa chọn đối tượng? Phải lịch sự chứ nhưng phải có sự lựa chọn cái thằng mà mình lấy. Cho nên, người tu thương yêu chúng sanh, ai mình cũng thương hết, ai mình cũng giúp đỡ hết nhưng để chọn bạn chọn thầy thì chuyện đó rất cần thiết. Nhớ nha. Mình nói về chữ luân hồi thì nhớ rằng thiện là cái phải làm nhưng thiện đó là cái thiện đi ra hay đi vào, thiện đi lên hay đi xuống, bởi trên cái thiện nó còn có cái chí thiện. Cái thiện nào nó còn ẩn dấu một cái lối mòn để quay về cái ác thì cái thiện đó là cái thiện phải bỏ. Thế nào là cái thiện còn ẩn dấu lối mòn? Làm thiện là vì cầu danh cầu lợi, cầu quả nhân thiên, thì cái thiện đó là cái thiện ẩn dấu lối mòn trở về cõi ác. Chỉ có cái thiện mà hướng đến chấm dứt sanh tử thì cái thiện đó mới được gọi là chí thiện.

Giờ nói qua chữ Giải Thoát. Tôi vẫn quay lại cái thí dụ hồi nãy, Phật giáo nằm trong cái đường vạch của vị thiền sư hồi nãy. Ngài hỏi “Đường vạch này dài hay ngắn?”. Ông kia nói “Dạ, đâu có nói được, phải có điểm dựa chứ”. Thiền sư nói “Đó, Phật pháp là như vậy đó”. Ổng nghe ổng ngộ liền. Giải thoát có nhiều cấp độ: Ra khỏi cái khổ là giải thoát; Ra khỏi cái ác là giải thoát. Hoặc là ghi chuyên môn hơn: Ra khỏi quả xấu là giải thoát và ra khỏi nhân xấu cũng là giải thoát. Ghi vậy cho nó rốt ráo. Ra khỏi quả xấu là sao? Bây giờ tôi bị bệnh tôi uống thuốc, tôi kiêng khem, để tôi hết bệnh thì đó là giải thoát. Tôi vào tù mà người thân của tôi không biết thế nào mà họ đem tôi ra được thì đó có phải giải thoát không? Tôi bị xiềng xích, giam nhốt mà giờ đem tôi ra ngoài thì cái đó có phải giải thoát không? Như vậy cái giải thoát đó được gọi là ra khỏi cái quả xấu. Tôi thoát nợ có phải giải thoát không? Hết bệnh? Ra tù?Hết tai tiếng? Hết nợ hoặc là thoát khỏi xiềng xích, ra khỏi được một cái tình trạng khó chịu, khó xử cũng gọi là giải thoát. Tất cả những điều đó được gọi chung là ra khỏi quả xấu. Còn ra khỏi nhân xấu là sao? Là tôi không còn bị sống trong cái tham, cái sân, cái si. Mấy nay tôi giận cái cô này lắm, mà hôm nay bằng cách nào đó tôi không còn giận cổ nữa, như vậy có gọi là giải thoát không? Như vậy cái giải thoát đó là giải thoát ra khỏi nhân xấu, vì tham sân nó là nhân, đau khổ là quả. Bậy giải thoát có hai trường hợp: ra khỏi nhân xấu và ra khỏi quả xấu. Nhưng không phải nó dừng lại ở đó. Giải thoát nhân xấu nó lại có nhiều trường hợp. Quả xấu là những cái được tạo từ nhân xấu quá khứ. Tất cả những gì làm mình khó chịu về thân về tâm kiếp này được gọi là quả xấu. Mà mình ra khỏi cái đó được gọi là giải thoát. Kiểu giải thoát thứ hai là mình đang đắm đuối, đê mê một cái gì đó mà giờ mình buông được nó. Các vị có thấy đó là giải tháot không? Các vị có từng yêu ai đắm đuối mà các vị buông được họ, quên được họ, các vị có thấy đó là giải thoát không? Quên được một cái người nào đó thì khó lắm. Oán giận cũng vậy. Đã quê thì khó quề, mà đã quề vẫn còn quê. Nhiều khi mình quên được một cái giận, quên được một người mình thương, quý vị phải lạy tạ trời đất. Tôi có nghe một câu nói rất buồn cười và phũ phàng thế này. Có ông đó khi ổng gặp lại người xưa, ổng nói tại sao ngày xưa ổng có thể khổ vì người đó, may mà ổng không lấy họ. Đối với tôi đó cũng là cái giải thoát. Cách đây ba năm tôi có dịp gặp lại một người Phật tử cũ mà hồi tôi mườu bốn, mười lăm tuổi tôi thương họ lắm, họ nhỏ hơn tôi một tuổi. Làm thầy chùa mà thương người ta. Cách đây ba năm tôi gặp lại, năm tôi bốn mươi bảy tuổi, cổ mập ú và xấu quắt. Tôi giật mình, tôi mới nghĩ trlng bụng, thì ra chữ “chung thủy” vốn dĩ không nên có trong đời. Hoa ở khắp nơi, tại sao mình chết dí trong một đóa hoa sớm nở tối tàn. Đối với người đời câu này nghe hơi dã man, nhưng đối với người tu điều đó phải luôn luôn tâm niệm. Cho nên, nhiều khi thoát ra khỏi cái gì đó là giải thoát. Như ông Napoleon ổng có nói một câu rất là hay “Trong chiến trường, thương trường, chính trường, kẻ bỏ chạy là người thất bại. Nhưng trong tình trường kẻ bỏ chạy là người chiến thắng. Có nhiều lúc bỏ chạy lại là cái hay. Như vậy giải khỏi quả xấu là ra khỏi cái đau khổ, khó chịu mà nó được tạo ra bởi nghiệp quá khứ. Còn giải thoát khỏi nhân xấu là tránh được cái phiền não nào đó, lìa bỏ được cái mà một thời mình yêu mê, lìa bỏ được cơn giận, lìa bỏ được sự hiểu lầm. Từ đó giờ nhiều năm mình khó chịu, mình hiểu lầm một người nào đó, mà giờ mình tháo gỡ được sự oan trái, sự hiểu lầm, tháo gỡ được sự ngộ nhận, có thấy đó là sự giải thoát không?

Đó là định nghĩa tổng quát. Giải thoát có hai là giải thoát nhân và giải thoát quả. Mà cái câu này mới quan trọng “Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”. Cho nên, đối với bậc thiện trí, giải thoát khỏi cái đau khổ bởi quả xấu nó không quan trọng bằng giải thoát khỏi nhân xấu. Có những người tu hành, hết bệnh không đáng mừng bằng thấy mình giảm được tâm tham, tâm sân. Hồi trước đây mình không có khả năng ngồi thiền, mình không có khả năng sống chánh niệm trong một ngày, không có khả năng ngồi thiền trong một giờ, hai giờ. Nhưng bây giờ mình có khả năng đó. Cái đó nó đáng mừng hơn là mình giàu hơn xưa, đẹp hơn xưa, sống sung sướng hơn xưa. Cái đáng mừng là mình có những thành tựu về thiện pháp. Cái đó mới đáng mừng. Nhớ nha. Đối với Bồ Tát, Bồ Tát sợ nhân chứ không sợ quả. Trong hai cách giải thoát, cái giải thoát khỏi quả xấu không có đáng trọng bằng cái giải thoát khỏi nhân xấu. Giải thoát khỏi quả xấu là tránh được những cái đau khổ, nó không có đáng mừng bằng mình tránh được cái bất thiện. Như vậy thì cái giải thoát thứ nhất là cái giải thoát ra khỏi đau khổ trước mắt nó không bằng giải thoát ra khỏi nguyên nhân đau khổ. Giống như một ông vua bên Tàu, hồi xưa bị bệnh, có thầy thuốc vô ổng chữa, ổng nói “Có nhiều cách chữa bệnh cho Ngài. Chữa bằng cách Đế Đạo, Bá Đạo và Vương Đạo. Ngài muốn chữa bằng cách nào?”. Mà trước khi có cái chuyện đó là ông vua này ổng tính đem quân xâm chiếm nước láng giềng kế bên. Vì muốn đem quân xâm chiếm người ta nên ông vua này ổng tính riết mà ổng ngac bệnh luôn. Lúc đó ổng mời tất cả những vị danh y trên toàn quốc tới chữa, ông này đến ông khác, tới tay ông này ổng bắt mạch cho vua cho vui, xong rồi ổng nói “Bây giờ có ba cách chữa bệnh cho Ngài, Đế Đạo, Bá Đạo, Vương Đạo, Ngài dùng cách nào?” Cách Bá Đạo là đau đâu chữ đó nhưng mà không dứt gốc, nghĩa là cho uống thuốc giảm đau. Còn Vương Đạo có nghĩa là cho nó dứt cái bệnh đó luôn nhưng mà không chắc lá nó có tái phát hay không. Chữa bằng Đế Đạo là chữa cái bệnh trước mắt cũng ngừa luôn cái sau này. “Ngài chọn cái nào?” – “Hỏi gì kì, dĩ nhiên ta chọn cái Đế Đạo rồi” – “Thần thì không biết gì hết. Thần chỉ biết chữa bệnh thôi, cho nên thần chỉ xin nói với Bệ Hạ chuyện chữa bệnh thôi. Chữa bệnh cũng giống như chuyện chính trị vậy. Có nhiều chuyện mình muốn giải quyết tức thời, mình không nghĩ đến hậu quả về sau, cái dó gọi là Bá Đạo” – “Ta hiểu rồi, ngươi đến đây không phải để chữa bệnh mà kêu ta đừng có đi đánh người ta đúng không?” – “Dạ, tùy hiểu!”. Thực ra ổng đến chữa bệnh vui vui mà ổng chữa ngay gốc luôn. Đây là lý do vì đâu Bồ Tát sợ nhân mà chúng sanh sợ quả. Chúng sanh nó sống cà chớn như vậy đó mà nó lại sợ bệnh mới ghê chứ. Sợ bệnh, sợ sanh ly tử biệt, sợ tai tiếng, sợ chết yểu, sợ nghèo, sợ xấu … mà nó toàn tạo mấy cái nhân để bị cái đó không. Còn Bồ Tát lại khác. Bồ Tát dầu có đẹp, có giàu, dầu có được tình cảm, quyền lực, tiếng tăm Bồ Tát không màng. Nhưng trong đời sống Bồ Tát tạo toàn cái nhân lành để được mấy cái đó không à. Tức là Bồ Tát chỉ quan tâm đến nhân lành mà không màng đến quả lành. Còn kẻ tào lao khoái quả lành mà tạo toàn nhân xấu không à. Chon nên rất nhiều người muốn đẹp mà họ toàn tạo nhân xấu không. Là sao? Sân hận nhiều quá, ganh tỵ nhiều quá, tỵ hiềm nhiều quá, toan tính, nhỏ mọn nhiều quá, đời sau sinh ra khó đẹp. (Đừng nhìn tôi, lúc đó tôi không có nguyện đẹp thôi!). Cho nên, nhớ giải thoát có hai, giải thoát thứ nhất là tránh được cái gì làm cho mình đau khổ nhưng nó không có bằng tránh được con đường dẫn đến đau khổ. Và trong cái giải thoát nhân xấu có nhiều cấp. Cấp một, giải thoát nhân xấu bằng cách lìa Thập Ác, tu Thập Thiện. Đó là cách giải thoát thứ nhất. Cách giải thoát này giúp ta lìa bốn đường đọa. Trường hợp thứ hai, tu tập Thiền Sắc Giới để lìa khỏi nhân thiên dục giới. Cái thứ ba, tu tập Thiền Vô Sắc để lìa bỏ Thiền Sắc Giới. Ba cái này nó thuộc về cái thiện thứ nhất. Thiện có hai, một chỉ là sự lìa ác thôi, thứ hai là lìa cả thiện ác. Ba cái này nó thuộc về thiện một. Cách thứ tư là tu tập Tuệ Quán để lìa bỏ tham ái trong ba cõi, đây mới là chánh giải thoát. Cái cách giải thoát đầu được gọi là Tà Giải Thoát. Con đường dẫn đến Tà Giải Thoát là Bát Tà Đạo: tà kiến, tà tư duy, từ ngữ, nói gọn đi là “tà tà”. Nói chung những người tu “tà tà” là nó dính vô tà đạo hết.

Tà kiến là “tà” gì? Tà kiến gồm ba thường kiến và ba đoạn kiến. Ba thường kiến là tin có một “cái tôi” vĩnh cửu, tin có một Đấng Chí Tôn sáng tạo muôn loài, tin có một cảnh giới vĩnh hằng, ba cái này gọi là thường kiến. Tin có một “cái tôi” vĩnh cửu là có một thằng Tèo, má nó đẻ ra, rồi thôi nôi, có thằng Tèo tám tuổi, có thằng Tèo mười lăm, có thằng Tèo hai mươi, bốn mươi, chín chục tuổi, rồi đám ma thằng Tèo. Là sai, không hề có một thằng Tèo nào sống lâu dữ thần như vậy. Trong kinh Đức Phật dạy rằng mội người chỉ tồn tại trong từng phút, cái sau cái trước tiếp nối nhau như mình thấy một ngọn lửa. Các vị không học vật lý, các vị tưởng có một ngọn lửa, nhưng thật ra ngọn lửa chính là một cái process tiêu thụ năng lượng, chứ không có gì là một hết. Cho nên, hồi mình chưa biết Đạo mình thấy cuộc đời mình là “line”, biết Đạo rồi mình thấy nó là từng cái “spot”, khi hành Đạo rồi mình chỉ thấy nó là từng cái “dot”, chấm chấm chấm. Mà khi bạn thấy mình là mấy cái chấm thì người ta có chửi cha mình, mình không giận. Còn thấy mình là “spot” thì cũng còn giận chút đỉnh. Còn thấy mình là đường thẳng năm chục tuổi, ba chục tuổi là mình chém cả họ luôn. Tin có một “cái tôi”, tin có một cảnh giới vĩnh hằng, tin có một Đấng Chí Tôn bất tử, thí dụ Chúa Trời, Thánh Ala, bla, bla, bla, đó là ba cái thường kiến. Nếu mình không biết Đạo mình có mắc vào ba cái này không? Đừng có lắc. Có chứ. Mình cứ tưởng có một bà tên là Liên, hồi đó là sáu tuổi, tám tuổi, mười lăm tuổi, hai mươi tuổi, có chồng, đẻ con, đi Mỹ, con tốt nghiệp Đại học và quay lại lo cho má. Mà thực ra không hề có bà nào sống lâu dữ thần như vậy, bả chết trong từng phút. Đó là ba thường kiến. Còn ba đoạn kiến là gì? Là Vô hành kiến: phủ nhận thiện ác. Vô nhân kiến: cho rằng mọi thứ ngẫu nhiên mà có. Vô hữu kiến: phủ nhận toàn bộ những gì mình không chứng minh, không thấy được. Ba cái này là ba cái đoạn kiến. Vô hành kiến là thích gì làm nấy chứ không có vụ thiện ác báo ứng. Tiếng Phạn gọi là (Pali). Vo nhân kiến là (Pali), tức là cho rằng mọi thứ ngẫu nhiên mà có, thay vì mình phải hiều rằng mọi thứ do các duyên mà có. Còn đằng này mình nói “Tự ông trời ổng sanh nó vậy đó!”, là không được, đó là tà kiến. Cái thứ ba là Vô hữu kiến (Pali), cái gì mình không chứng minh được, không thấy được, cái đó là không có. Thí dụ, mình không thấy thiên đường, địa ngục, các loài khuất mặt, khuất mày, mình không thấy được Đức Phật, không thấy được các vị Hiền Thánh thì cái đó không có. Không có kiếp trước, không có kiếp sau bởi vì cái đó tôi đâu có thấy được đâu, tôi đâu chứng mình được, cái đó không có. Đó là tà kiến.

Gom gọn lại. Tà kiến gồm có hai phần là không thấy mọi sự do duyên mà có và có rồi phải mất đi. Tà kiến còn được định nghĩa một cách khác nữa, đó là sự không hiểu được Bốn Đế. Bốn Đế tôi nói riết mà tôi quê tôi không dám nhắc lại luôn. Người nào học với tôi thường phải nhớ cái đó. Nhiều người không biết tại sao acis đó quan trọng. Quý vị thấy không, cứ đi đi lát hồi trở lại xài cái đó nữa, xài hoài vậy đó. Nó khổ lắm. Tránh không được. Cứ đi đi vòng vòng lát gặp nó nữa, nó rãi rác đầy trên đường mình học Đạo.

Qua tới Tà Tư Duy. Gồm có ba: Dục tư duy là đam mê, thích thú trong năm dục. Năm dục là thích nhìn, thích nghe, thích ngửi, thích nếm, thích sờ. Sân tư duy là sự bất mãn trong năm dục. Bất mãn là nóng quá, lạnh quá, cay quá, chua quá, hôi quá, mặn quá, cứng quá, ẩm ướt quá, nhìn thấy ghê quá… Có nghĩa là năm trần, bất mãn trong đó gọi là Sân tư duy. Còn Hại tư duy là cái ý niệm đập đổ, hủy diệt, tàn phá, thiêu hủy người hay vật. Như tôi giận quá tôi đập đồ là Hại tư duy. Các vị có biết không, cái thế giới này thiên hình vạn trạng, nó có đủ hết trơn. Núi, sông, cây cỏ, đất đá, kênh rạch, sông ngòi, chim muông, người thú, đủ thứ hết. Nhưng nói theo kinh Phật thì nói là sáu trần với sáu căn thôi phải không? Chúng ta có sáu căn là sáu cánh cửa để chúng ta nhìn ra cả thế giới.

Toàn bộ thế giới này kể cả mặt trăng, mặt trời cũng chỉ là cái object của sáu căn thôi đúng không. Khi mình mất đi một căn thôi mình sống khó lắm. Như bà đó bả nói với bác sĩ “Tôi bị bệnh gì mà tôi đánh rấm hoài à?. May là nó không có mùi”. Bác sĩ nói “Trời ơi, nãy giờ tôi muốn chết luôn nè”. Có nghĩa là bả bị bệnh đường ruột, bả còn bị bệnh mũi luôn. Tà tư duy gồm Dục tư duy, Sân tư duy, Hại tư duy.

Tà ngữ là trạng thái tâm lí. Nhớ nha, chứ có nhiều người nói tà ngữ là nói lời bậy bạ, không có nói, có người nói “nói lời”, có người nói “lời nói”, cái nào cũng sai hết. Tà ngữ là trạng thái tâm lí nào khiến cho ta nói cái điều bậy bạ, hại mình hại người, gồm có nói dối, nói đâm thọc, nói ác độc và nói vô ích. Cái này là trạng thái tâm lí. Tại vì mấy cái này nó trong đầu của mình, làm sao mà nói được, nói phải có cái lưỡi, cái môi, cái răng, có cái miệng. Tôi nhắc lại hồi nhỏ tôi thấy nói dối cũng có tội, mình hiểu vì gạt người ta. Nói độc ác làm cho người ta chảy máu tim thì cũng hiểu. Nói đâm thọc thì làm cho người ta tan nhà nát cửa thì tôi hiểu. Chứ còn nói vô ích tôi thấy đâu có ghê, bất quá nó chỉ là tào lao thôi, nhưng mà không, tới hồi tôi già rồi tôi thấy “cái thằng” đó độc thiệt. Bởi vì khi mà mình gặp nhau mình không có gì để nói bắt đầu mình nói chuyện tào lao. Mà nói chuyện tào lao nó ra đủ thứ chuyện hết. Nói xấu người này, người kia, rồi bươi móc, thêu dệt là nó do cái “tám” mà ra. Là coi như khi không còn chuyện để nói là mình nói bậy. Giống như khi không còn gì để ăn là hay ăn bậy. Mà không có gì đáng sợ cho bằng gặp nhau không có gì để nói là nó nói bậy. Nó lôi hết người này người kia ra nói. Chưa hết, cái này mới rùng rợn, khi mà nói vô ích nó quá lâu đâm ra nghiện thì cái đầu của mình toàn là chuyện tào lao không. Cái người có đề tài nghiêm túc họ không có thích nói chuyện tào lao. Họ quý thời gian lắm. Còn cái người quỡn đến mức mà nói chuyện tào lao, mình thấy nó hiền, đâu có gì đâu, nhưng mà sai, cái đầu nó rác không nên mới phun rác ra. Mình thấy cái cống, mình tưởng cống riêng, rác riêng. Sai, chỉ có ống cống mới ra được nước cống, chứ rumine làm sao nó ra được nước cống. Nước mắt nó chảy ở dưới hay ở trên? chảy ở dưới kêu là nước tiểu, chảy ở mắt mới kêu là nước mắt. Tôi biết tôi nói rất là thô, nhưng phải nói huỵch toẹt vậy. Thì cái lời vô ích nó cũng vậy, chỉ có chỗ chứa nó tệ lắm thì mới phun ra được cái lời vô ích. Chỉ có tuyến lệ nó mới ra lệ. Chỉ có đường tiết niệu nó mới ra nước “kia” thôi. Thì chỉ có cái đầu vô ích nó mới ra lời vô ích. Có đúng vậy không? Nó lớn chuyện lắm. Khi nào cái đầu anh rác không thì mới trào rác ra. Cho nên sắp nói chuyện tào lao thì tự hỏi lòng mình “mình đang tu cái gì đây?. Mà quý vị nào có thực tập Tứ Niệm Xứ, có đam mê nghiên cứu Phật pháp, có đam mê những cái gì lành mạnh, quý vị mới thấy những cái vô ích nó bậy dữ lắm, mất thời gian mà nó tàn phá cái não bộ của mình. Tôi phải xài cái chữ “tàn phá” mới đúng. Nói chuyện tào lao, gặp nhau mắc cái chứng gì nói chuyện cháy rừng, Trung Quốc bán đồ độc hại, nói chung là thời sự có cái gì thì gặp nhau đem ra nói. Có một người Phật tử nói với tôi trong nước có nhiều cái làm cho họ chán. Họ qua Mỹ, qua khu Bolsa, Little Sài Gòn, họ gặp mấy ông Việt Nam mình nè, đàn ông gì đâu toàn ra uống cà phê, nói dốc không à, họ nói họ muốn mửa luôn. Tôi nghe tôi hiểu liền. Lần nào tôi về Cali tôi cũng ghé nhà sách tự lực ở Bolsa, mà lần nào như lần nấy, thấy nguyên đám ngồi đằng trước để mấy tờ báo trước mặt, phanh phui mấy cái chuyện tào lao, cứ ngồi bàn, thấy oải. Một đất nước như vậy nó lớn không nổi. Bởi cả một hệ thống, gồm thanh niên, đàn ông là sức mạnh, tiềm lực của đất nước mà ăn rồi ngồi tám như mấy bà vậy đó. Chứ còn Âu Mỹ, trừ người già thôi, còn người trẻ, dưới 60 đó là cái nguồn năng lượng cực lớn để xây dựng đất nước, xây dựng xã hội. Còn dân tộc của mình khoái la cà, đình đám, cà phê ngồi nói dốc. Độc lắm. Cho nên tôi cố tình nói nhiều về cái chuyện nói vô ích để cho bà con thấy tại sao đất nước mình lớn không nổi, 4000 năm văn hiến mà vẫn tiếp tục trẻ thơ, nằm ngửa bú bình, là tạo vì mình khoái nói dốc. Tôi biết tôi đang nói cái này nó xúc phạm đến nhiều người trên toàn cầu. Việt Nam mình phải bớt cái vụ ngồi tán nhãm, khổ lắm. Mà mấy bà bớt tám thì thế giới này khá hơn. Như vậy đó gọi là tà ngữ. Nhưng tà ngữ còn một định nghĩa khác. Tà ngữ là trạng thái tâm lý nào khiến ta nói nói những điều đi ngược lại với Bát Chánh Đạo. Cái đó do ngài Xá Lợi Phất định nghĩa. Bởi vì nội dung của chánh ngữ là khích lệ, thúc đẩy tu tập Bát Chánh Đạo. Còn tà ngữ là cái gì mà nó đi ngược lại nội dung Bát Chánh Đạo.

Tà nghiệp là trạng thái tâm lí nào mà khiến ta có thân nghiệp bất thiện, hại mình hại người. Trong kinh có cho mấy ví dụ, hại mình hại người là sao? Là xâm phạm tánh mạng, sức khỏe, tài sản, hạnh phúc của người khác thì gọi là tà nghiệp. Trong kinh nói rất rõ, như sát sanh, trộm cắp, vi phạm năm giới. Cái bừa bãi, sống thiếu ý thức, coi nhẹ của công, xả rác gây ô nhiễm cũng gọi là tà nghiệp. Mình sống cố ý coi thường quyền lợi của người khác thì gọi là tà nghiệp.

Tà mạng là trạng thái tâm lý nào mà xui ta chọn cách sinh kế hại mình hại người. Nói gọn lại, chính vì chánh ngữ nó làm mình cẩn trọng trong ngôn từ. Còn chánh nghiệp nó giúp mình có chọn lọc trong hành động. Còn chánh mạng nó giúp mình biết chọn lọc trong sinh kế, có trách nhiệm trong sinh kế. Cẩn thận, có trách nhiệm, chứ không phải mình vì kiếp sống của mình mà làm hại đến người khác. Có điểm độc đáo của ba cái này đó là nó phân biệt phàm với Thánh. Vì phàm mới có tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, chứ Thánh thì không. Thứ hai, nó phân biệt người và thú. Con thú vì nó kiếm sống nó không có màng gì hết đúng không? Con cọp khi nó ăn con mồi nó có nghĩ cái gì không? Cho nên cái người tà mạng rất gần thú như lừa đảo, lật lộng, làm đồ giả, độc hại như luộc bắp bằng cách bỏ pin, cho ăn đồ chay giả như làm đùi gà, lẩu mắm (cho nên gặp đồ chay đó tôi ngán quá, tôi ăn đồ mặn chắc ăn hơn. Đồ mặn cũng độc nhưng mà trước khi chết nó còn ngon miệng hơn đồ chay nó cũng độc mà nó dở ẹc à. Chết tức! Cả thế giới đang nghe tôi nói). Tà mạng là vậy đó, vì kiếm sống, vì sinh kế mà mình bất kể người khác thì như vậy cái ranh giới giữa mình và con thú đã bị xóa nhòa. Còn mèo nó vồ con chuột nó không ngồi suy tính thiệt hơn, không cân đong đo đếm, thích làm là quặm thôi. Con cọp, con beo, con rắn nuốt con nhái nó cũng không cân đong đo đếm thiện ác gì hết, nó gặp là nó quất thôi. Cho nên mấy người làm cái nghề mà kiểu gian thương, hại người là họ không có khác gì loài động vật cấp thấp. Phải tin điều đó, phải hiểu điều đó. Cho nên, chiều nay tôi chọn “Luân hồi và Giải thoát” bà con thấy mình hiểu hai cái chữ đó nó nghèo lắm. Hiểu chữ Giải thoát cho tới nơi thì rất là sâu

Giải thoát có nhiều cấp. Ở Việt Nam ai có đọc báo chí trong nước, có nghe chữ “thoát nghèo” không? Rồi “thoát lũ” nữa. Nghĩa là ra khỏi một tình trạng tệ hại gọi là thoát. Trong đạo Phật nói rất rõ, có nhiều kiểu giải thoát, gom gọn lại là chánh giải thoát và tà giải thoát. Cái thoát nào còn quẩn quanh trong phiền não, trong sinh tử, cái đó gọi là tà giải thoát. Cái giải thoát nào ra khỏi phiền não, sinh tử, cái đó gọi là chánh giải thoát. Trong kinh dạy rất rõ, có kẻ phàm phu trốn khổ tìm vui, làm các nghiệp ác, ngay trước mắt họ được cái họ thích và họ nghĩ họ đã được giải thoát khỏi cái khổ, cái đó gọi là tà giải thoát. Có kẻ tu tập thiền định vượt thoát khỏi cõi dục giới tưởng đó là giải thoát nhưng mà họ không biết rằng sau tuổi thọ đó họ quay lại chỗ thấp nhất, đó cũng gọi là tà giải thoát. Chỉ có tu tập Bát Chánh Đạo với lý tưởng (cái vụ này mới mệt), với lý tưởng chấm dứt sanh tử, cái đó mới gọi là chánh giải thoát. Đời này có sướng, khổ, buồn, vui, nhưng khi mình học kỹ mình mới biết sướng gì là nên, sướng gì là không nên. Đã vậy qua tới cái Thiện Ác mình phân tích rất rõ có cái thiện mà nó là bạn của cái ác, có cái thiện gọi là chí thiện thì mới ra khỏi cái ác. Còn cái thiện kia vẫn là bạn của cái ác, cái thiện còn có lối mòn ở đằng sau hè để đi trở lại cái ác, mà thường người ta thích đi sau hè.

Tà tinh tấn là sao? Tại sao tinh tấn có cái “tà”? Có nghĩa là cũng con dao đó mình gọi nó là đồ làm bếp, mà sao có lúc mình gọi nó là hung khí? Cũng con dao đó có lúc người ta gọi là hung khí, có lúc gọi là tang vật, có lúc gọi nó là đồ làm bếp, dụng cụ làm việc. Tinh tấn nó y chang vậy đó. Khi mình tinh tấn, siêng năng, nổ lực làm cái chuyện hướng tới sanh tử, phiền não thì cái đó được gọi là tà tinh tấn. Có nhiều người họ siêng lắm mà cái siêng đó mình thấy tào lao. Bên Florida, trời mưa, tôi đi xe tôi gặp có những ông ngâm mình tới bụng đứng câu cá. Nó có loại áo liền quần, đứng ngâm mình trong nước, trên thì mưa, dưới là nước, mà trì triết, kiên nhẫn đứng câu cá, đó là tinh tấn đó. Hoặc ở Việt Nam, mưa gió bão bùng, một tay cầm bao, một tay cầm cái móc đi móc mấy cái bao. Thì dĩ nhiên tôi nói cái này nhiều người giận, họ nói “Sư coi thường người nghèo”, nhưng tôi phải nhìn nhận nếu họ móc bằng tâm thiện thì khác, còn đằng này đa phần họ móc bằng tâm tham không, hoặc tâm sân, thì cái đó gọi là tà tinh tấn. Có nghĩa sự nỗ lực nào mà nó không có hướng đến cứu cánh giải thoát thì được gọi là tà tinh tấn. Thức khuya thức hôm để mà đánh bài, mắt nhướng không lên, như có cái bà nào bên Miên, bả đánh tứ sắc đến khuya bả buồn ngủ quá phải về, bả kêu xe kéo tới, người ta hỏi “đi đâu?”, bả nói “đi con pháo”. Có nghĩa là bả không còn phân biệt được. “Tinh tấn” quá nó chuyển qua thất niệm mới ghê chứ! Tôi sợ quý vị nghe quá, tôi hỏi “đi đâu?”, nói “đi niết bàn” là khỏi chở luôn. Tại cả ngày cứ nghe niết bàn, niết bàn đó.

Tà niệm nó cũng y chang như vậy. Chánh niệm là sự ghi nhớ biết mình để mà tu tập con đường giải thoát, gọi là chánh niệm. Còn tà niệm là sử dụng cái ghi nhớ cẩn cẩn đó trong cái chuyện tào lao. Tào lao là cái gì? Gom gọn, tào lao là chánh niệm trong bất cứ hoàn cảnh nào mà không hướng tới cái cứu cánh giải thoát, cái đó được gọi là tà niệm hết. Và quý vị nghe quý vị mới thấy rằng “Ồ, trong vô số kiếp luân hồi mình không có tu hành gì hết” là đúng rồi. Không có tu gì hết. Bởi chỉ có một con đường duy nhất gọi là chánh niệm đó là khi nào anh dùng chánh niệm để tu tập Niệm Xứ thì đó mới gọi là chánh niệm, ngoài ra là tà niệm hết. Tà niệm ở đây bản thân nó không phải là tà mà nó là công cụ để người ta theo đuổi một lý tưởng tà thì cái đó được gọi là tà niệm. Chứ bản thân chánh niệm nó không có “tà”. Giống như con dao, bản thân nó không có lỗi gì hết mà nó bị người ta sử dụng vào mục đích hại người, lúc bấy giờ nó trở thành tang vật, hung khí. Cũng một con người hiền lành như vậy, có một lúc bị gọi là hung thủ, mà trước khi họ là hung thủ họ là con người rất bình thường. Có nghe chuyện đó không? Có nhiều người họ hiền lắm, mà trong tích tắc họ trở thành hung thủ, con dao hồi sáng gọt bưởi bây giờ trở thành hung khí, và gia đình chỉ còn ngồi chờ hung tin thôi.

Tà định y chang vậy. Mình làm việc gì cần chuyên chú mình đều phải xài tới sự tập trung tư tưởng. Ăn trộm cạy ổ khóa cũng cần có sự tập trung tư tưởng, cần có concentration đúng không? Rồi nam nữ hẹn hò nhau ở bờ ao, bụi chuối, đống rơm cũng cần có định đúng không? Có bà hỏi tại sao tôi biết, vì tôi thấy nên tôi biết. Con cò nó đứng canh con cá, nó đứng yên không nhúc nhích, đó là định đó. Có những giây phút mình gắn bó với cái gì đó quá thì cũng là định đó chứ. Nhưng mục đích , cứu cánh, lý tưởng của nó là tào lao, đi ngược lại với cứu cánh giải thoát thì đó là tà định.

Chính tám cái này nó dẫn đến cái gọi là tà đạo, tà giải thoát. Nó có mối liên kết. Như vậy giải thoát có hai là chánh giải thoát và tà giải thoát. Chánh giải thoát có được từ chánh đạo. Chánh đạo là ngược lại với tà đạo. Vì nó ngược lại với tà đạo nên con đường dẫn đến cái cứu cánh là chánh giải thoát. Như vậy nói gọn lại, giải thoát gồm có hai là giải thoát khỏi quả xấu và giải thoát khỏi nhân xấu. Mà đa phần chúng sanh chú ý đến giải thoát khỏi quả xấu, chứ không ai chú ý đến cái chuyện giải thoát khỏi nhân xấu hết, đó là một. Thứ hai, trong cái đám chú ý đến giải thoát khỏi nhân xấu, nó có nhiều cấp. Cấp một là tu Thập Thiện để tránh Thập Ác. Cấp hai, tu Sắc bỏ Dục. Cấp ba, tu Vô Sắc bỏ Sắc. Tới cấp bốn, mới là giải thoát thiệt, đó là tu Tuệ Quán để mà nhàm chán ba cõi. Cái đó mới giải thoát, mới gọi là chánh giải thoát.

* Các bài Sư Toại Khanh (Tỳ Kheo Giác Nguyên) giảng tại Houson Hoa Kỳ năm 2020. Nguồn Vietheravada
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app