Cấu Trúc và Vận Hành của Thế Giới 2

Bài Giảng Sư Toại Khanh Houston 2020

Bây giờ tôi ôn lại cái hồi sáng. Lớp này được cái là học trước rồi quên sau nên phải ôn lại. Ôn lại coi ai lộn.

Một là trong vô số kiếp luân hồi, n cái tiền kiếp và n cái hậu kiếp. Trong cái dòng chảy n đó thì mỗi kiếp mình sanh ra mình là con số 3. Như cái hình hài của mình, mỗi người là con số 3. Số 3 gì? Là tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý và môi trường sống. Do tiền nghiệp mà ta có mặt ở đâu. Do khuynh hướng tâm lý ta có cái hướng tư duy và hành động như thế nào. Và do có môi trường sống nên ta tiếp tục đầu tư tiền nghiệp cho kiếp sau. Và do cái môi trường sống ta tiếp tục giữ lại khuynh hướng tâm lý cũ hay là thay đổi nó.

Khuynh hướng tâm lý gồm có sáu. Dục tánh (1), thích tùm lum. Nộ tánh (2) là bất mãn đủ thứ. Độn tánh (3) là chậm hiểu, u mê. Đãng tánh (4) là buôn cái này bắt cái kia, không có chủ kiến, lập trường. Mộ tánh (5) là đụng đâu tin đó. Ngộ tánh (6) là có khả năng phân biệt sáng suốt. Trong kinh ghi rất rõ cả sau khả năng đó đều có ở mỗi con người, có một điều là cái nào nặng nhất. Ví dụ người dục tánh, họ vẫn có ngộ tánh nhưng ngộ tánh của họ là nhiều hay ít không nói được. Kể gọn là kể có sáu nhưng trong kinh kể là có người 1-3-4, 1-4-3, 1-2-4, 1-6-5. Có nghĩa là người dục mạnh nhất, si mạnh nhì, đãng mạnh thứ ba. Rồi có người dục mạnh nhất, mộ mạnh nhì, si mạnh ba. Cho nên cũng hai người nặng về dục, thích tùm lum hết nhưng mà anh này ảnh thích tùm lum mà ảnh thông minh, còn anh kia ảnh thích tùm lum mà ảnh chậm. rồi có anh cũng thích tùm lum mà tánh cũng nóng nữa, có anh thích tùm lum mà tánh nguội. Cái mạnh nhất vẫn là cái đầu tiên. Đó là cái số 1. Còn trường hợp khác là số 2. Có người số 2 mạnh nhất, có người số 3 mạnh nhất. Như vậy mỗi người sanh ra đã là một con số 3 và chính ba cái đó giúp qua lại lẫn nhau. Chính vì ba cái đó của mỗi người không giống nhau nên ta mới qua lại trong bốn hạng người.

Hạng người đầu tiên là chìm sâu trong số 3, nghĩa là tiền nghiệp đưa nó vô đâu là nó lún trong đó luôn, không có ngóc cái đầu lên được.

Hạng thứ hai nó cũng ở trong số 3 đó nhưng mà nó khá hơn hạng một vì nó biết chọn lọc. Nghĩa là nó biết chọn trong cái khổ một chút, chọn trong cái vui một chút, chọn trong cái thiện một chút, chọn trong cái ác một chút. Ở đây quý vị đồng ý với tôi là thiện, ác, buồn, vui ai cũng có đủ hết phải không? Nhưng mà có chọn trong đó không? Có. Ví dụ như cô Nga này tham, sân, si cổ không có mẻ miếng nào đâu nhưng mà có những cái ác bả né. Có những cái thiện cô Nga làm không nổi, có không? Có. Biết nó thiện nhưng mà thôi để kiếp khác đi đã. Cái vui cũng vậy, có những cái vui cổ thích cổ giữ lại nhưng có những cái vui cổ từ chối. Có những cái khổ, cái buồn cổ không có chọn nó. Thí dụ như có những người thương con cháu lắm nhưng mà dứt khoát không giữ cháu. Tôi có gặp một vài Phật tử tôi hoan nghênh hai tay, hai chân. Thương con cháu lắm, sẵn sàng thay mặt con gái, con trai đưa cháu đi bác sĩ nhưng mà khi nó qua cơn nguy kịch rồi thì “Má về nhà nghen”, quay lưng đi liền chứ còn không nó được nó gửi hoài nó quên lấy lại. Mấy tuổi trẻ bây giờ nó hay bị lẫn lắm. Tiền mượn má nó quên trả, mà nó gửi con thì nó quên lấy. Nó ác dữ lắm, nó ác lắm. Mà ngộ lắm má có mấy cái nhà cho thuê nó nhớ hết à tại vì má lật ngang là nó có tên ở trỏng. Cái hay của nó là nó biết lựa, nó Trạch Pháp Giác Chi mạnh lắm. Có gì khó là nhớ má. Nhiều bà bả cũng khôn lắm bả né. Thương thì thương nhưng có cái vụ làm mọi không công, làm oshin thì cho em xin. Em đã ru em, ru con hồi nhỏ rồi bây giờ đến ru cháu, cho em xin. Phải quật cường lên mới được chứ thấy thương con thương cháu mà nhào ra gánh tới hồi về già không có thời gian ngồi niệm Phật nữa. Thương lắm. Cái đó tôi gọi là u mê. Chính vì có chọn lọc nên cái hạng hai này có tu hành chút đỉnh, quẩn quanh trong các cõi nhân thiên, dục giới.

Cái hạng thứ ba khá hơn, chán, không có muốn cái gì thuộc về vật chất tầm thường nữa.

Hạng này là nhắm mắt làm ngơ. Nhắm mắt ở đây là tu tập thiền định. Chiều nay tôi giảng sâu về cái này. Tôi nhắc thiệt là chậm, hồi sáng tôi có nói đến hai khu vực cư trú. Khu vực một là nơi mà ánh sáng văn hóa, văn minh không tới được. Là những nơi nền văn minh vật chất hoặc nền văn minh tâm linh không tới được. Ở những nơi đó mình không được khai hóa, mà không được khai hóa có nghĩa là chưa được khai hoang, mà chưa được khai hoang nghĩa là mình tiếp tục bán khai, mọi rợ, dã man, rừng rú. Chẳng hạn như Việt Nam, mình nói mọi rợ thì tàn nhẫn nhưng mà về văn hóa tâm linh là mình vẫn mọi rợ là vì sao? Vì các vị thử tưởng tượng các vị lật ngược dòng lịch sử lại. Nếu không có sự ảnh hưởng từ hai nguồn văn hóa, văn minh lớn đó là Tàu và Ấn thì Việt Nam mình… Việt Nam tại sao gọi là biên địa vì mình vốn không có văn hóa riêng, phần đầu chịu ảnh hưởng văn hóa Tàu, khúc giữa là Chàm, Chàm thì lại là Ấn Độ, khúc dưới là văn hóa Chân Lạp, Chân Lạp thì lại là Ấn Độ. Ngôn ngữ Cham, Miên, Thái, Lào, Miến là tiếng Pali, tiếng Sankrit dày đặc. Có nghĩa nếu bỏ đi văn hóa, văn minh Ấn và Tàu thì Việt Nam không còn cái gì hết… Có những người do ly dục họ lập tức quay lại với cảnh giới thiền định. Đặc biệt có những dân tộc ở Châu Mỹ như nền văn minh Maya,…, rồi mình có nền văn minh Ai Cập, nền văn minh Chi Lê và Iraq, Iran, rồi có Ấn, có Hi Lạp chứ còn Việt Nam mình thì không. Việt Nam mình không có nền văn minh nào hết, hỗn tạp và rất là non trẻ. Non trẻ ở đây là giai đoạn có chính sử thì vào thế kỷ thứ X mình mới có, bắt đầu từ thời Ngô Quyền mình mới có, trước đó gọi là huyền sử. Cho tới bây giờ ông An Dương Vương ổng là người gì mình còn chưa biết mà trong khi mình qua Quảng Châu, Triệu Đà, Trọng Thủy họ nói về mấy nhân vật đó mình thấy giống như mình bị hố vậy… Gọi là biên địa bởi vì chúng ta không có cái gì hết. Mà vì tự ái dân tộc, vì sĩ diện nên chúng ta vơ đại.

Biên địa là không có nền văn hóa, văn minh đồng thời chúng ta cũng không có điều kiện tiếp nhận, cái đó được gọi là biên địa loại nặng còn loại nhẹ là không có mà phải đo cóp nhặt của người khác, mà thường cóp nhặt nó hay dễ bị tật nguyền lắm. Ngay cả Phật giáo Nhật, Phật giáo Đại Hàn cũng có vấn đề là bởi vì họ không có Phật giáo chính thống. Phật giáo Nhật, Đại Hàn không có được truyền trực tiếp từ Ấn Độ mà phải qua Trung Quốc. Phật giáo Trung Quốc ít nhiều cũng đi về từ Ấn nhưng Nhật và Đại Hàn thì không. Phật giáo Mông Cổ cũng vậy, chỉ có Tây Tạng, Phật giáo Tàu. Kể cả Phật giáo Việt Nam vậy mà còn được truyền tực tiếp vào bản quốc. Hai vị Nam Tông đầu tiên đem Đạo vào Việt Nam là ngài Sona và ngài Uttara, ngài đem vào cái ngã An Giang, Ba Thê. ‘Ba’ là hai, ‘thera’ tiếng Phạn là trưởng lão. Hai vị đến đó hoằng pháp rồi tịch ở đó, người dân ở đó họ gọi là núi Ba Thê.

Do cái não trạng của mình nó như thế nào mà nó đưa mình về đầu thai chỗ nào. Các vị có biết cho tới hôm nay mình nói dân Do Thái là dân điêu linh. 2000 năm qua dân Do Thái đi tìm đất hứa nhưng các vị có biết ngày hôm nay một bộ phận rất lớn nền kinh tế và chính trị ở Mỹ là do người Do Thái nắm không? Dân Do Thái họ có một nền giáo dục, nền văn minh, minh triết rất là cao. Đa phần những người được giải Nobel ở các lĩnh vực đều là người Do Thái. Đứng đầu về kinh tế và khoa học đều là người Do Thái. Và người Do Thái nào cũng phải biết một chuyện là dạy con làm sao cho nó giỏi. Người Việt Nam nhiều khi bắt chước Tàu, bắt chước Tây nói nhưng mà nói chứ làm không có được. Người Tàu, người Việt nói “Để lại cho con một rương vàng không bằng để lại cho con một cái nghề”. Người Do Thái họ cũng có câu giống vậy nhưng mà đặc biệt người Do Thái họ dạy con là “Con ăn mày cũng được nhưng mà con phải biết đọc sách. Thà là một người ăn mày biết đọc sách còn hơn là một phú ông không biết chữ”. Nói theo trong kinh thì người Do Thái là một giống dân thông minh. Và có một lý do rất sâu sắc là tại sao người Đức họ ghét người Do Thái? Bắt đầu ở cái chỗ là họ bị ảnh hưởng bởi tín ngưỡng Cơ Đốc, cho rằng Do Thái là dân phản Chúa. Nhưng một phần người Đức họ rất là ngại sự thông minh của người Do Thái do lúc đó đa phần những bộ óc trác biệt cầm chịch, nắm cán nền khoa học của Đức là người Do Thái. Ông Einstein là người Do Thái. Nhiều và rất nhiều cái thời đó.

13/08/2020 – 09:02 – hongha7711

Cho nên người Cơ Đốc họ coi người Do Thái là phản Chúa. Người Đức họ coi người Do Thái là một đối thủ về cái đầu.

Tùy vào cái não trạng của mình mà chúng ta sanh vào môi trường nào. Đôi khi do một cái nghiệp đặc biệt chúng ta phải sanh vào một chỗ không có thích hợp với mình thì sau đó tự cái nghiệp đó phải ‘búng’ cho mình văng trở ra. Các vị có biết chữ ‘dĩ vật’ không? Ở trong cơ thể mình nó chỉ chứa cái gì thích hợp với nó. Cái gì không thích hợp nó đẩy ra. Cũng vậy, một là chính cái nghiệp đó nó đưa ta về cái chỗ thích hợp nào đó. Hai, nếu vì một cái nghiệp đặc biệt ta phải có mặt trong chỗ đó, thì ta chỉ có mặt gá, gửi, tạm thời rồi sau đó ta phải trào, văng trở ra. Cho nên ngay bây giờ mình phải chuẩn bị để mình có một chốn về thật là tốt, thật là đẹp. Đẹp ở đây không phải về vật chất, mà là đẹp về tinh thần. Nếu lỡ sau này mình pahỉ sanh vào một gia đình Âu Mỹ hoặc Hồi Giáo thì chính cái chủng tử Bồ Đề của mình nó cũng có cách nào nó quay quay quay làm sao đó để mình trở thành một dị vật, để mình bị văng ra khỏi môi trường đó. Vua Milinda hỏi ngài Na Tiên “Thường con giống cha, thế mà Đức Thế Tôn ngài hơn hẳn cha và mẹ của Ngài. Thế Ngài giải thích trường hợp đó ra sao?”. Ngài Na Tiên ngài trả lời hơi nặng nhưng mà đúng, Ngài nói rằng “Sen đi ra từ bùn nhưng sen đâu có gì giống bùn”. Có nhiều khi ta lớn lên trong bùn mà giữa ta và bùn có điểm tương đồng. Nhưng có trường hợp ta lớn lên trong bùn nhưng mà bùn chỉ là chỗ ghé chân tạm thời thôi. Thí dụ như nếu ta là con lươn, con lịch, củ co, củ súng thì giữa ta và bùn có điểm tương đồng rất lớn. Nhưng nếu ta là hoa sen thì giữa ta và cái điểm xuất phát ngàn trùng vạn lý. Tôi nhắc lại, tùy vào cái chuẩn bị tâm lý của mình mà chúng ta sẽ sanh về cảnh giới nào. Còn lỡ như mà ta đi về vào một nơi chốn không đáng gì thì sớm muộn gì ta cũng ra đi và nơi đó trở thành cái bến ghé tạm thời thôi. Có nhiều cuộc hôn nhân rất là bất hạnh và một người rất là dễ thương mà lại lọt vào cuộc hôn nhân đó. Mình thấy tội lắm nhưng mà các vị yên tâm đi, chỉ cần nó có cái đầu và có công đức thì đến một lúc nào đó tự động nó văng ra. Một là chồng chết sớm, hai là vợ chết yểu, ba là phát hiện ngoại tình. Người ta nói thế này “Hôn nhân là Accomplish mà ly dị là Finish”. Tất cả mọi thành công trên thế gian này là accomplish, chỉ có giải thoát, chứng A La Hán là finish. Mua được cái nhà là accomplish, bán được cái nhà là finish. Thương nhau, lấy nhau là accomplish, ly dị nhau là finish. Đức Phật nói hễ accomplish là nó còn mệt lắm quý vị. Bản thân chữ ‘accomplish’ là hoàn thành nhưng hoàn thành mà đằng sau nó còn đầy bất trắc, nhưng mà ‘finish’ là xong, done, game over. Mục đích của Đạo Phật là game over, the ending, no beginning more. Cho nên người không biết Đạo nghĩ Đạo Phật là bi quan. Sai. Đạo Phật là vua lạc quan. Bởi vì những cái lạc quan của người đời nó đều đính kèm với một sự thơ ngây. Thơ ngây là gì? Vì lạc quan của người đời họ không lường trước cái sự bất trắc. Còn người theo Đạo Phật nếu có lạc quan là bởi vì tôi đã lường trước cái sự bất trắc cho nên tôi mới nhăng răng tôi cười. Một đứa nó lạc quan vì nó không thấy được bất trắc. Còn một đứa nó lường được cho nên nó tỉnh bơ. Cũng hai tên sống vui vẻ mà một tên vui vẻ kiểu trẻ con, rất là hồn nhiên, thơ ngây. Cái kiểu vui vẻ đó đạo Phật nói rất là nguy hiểm. Nhưng mà một tên vui vẻ vì nó biết chuyện. Còn một bên vui vẻ vì không có biết chuyện. Cho nên cái hạng thứ ba là sau khi thấy đời sống của loại 1, loại 2 thấy ghê quá, bất trắc quá nên mới tìm cách rút. Nhưng mà khi không biết Phật pháp, ảnh tìm cách rút duy nhất là tu tập thiền định. Ảnh rút bằng cách là nhắm mắt, bịt lỗ tai lại, ảnh không muốn biết chuyện gì nữa. Cảnh giới cao nhất của ảnh là gì? Tới cõi Phạm Thiên thôi.

Ở đây tôi nói hơi nhiều chút về định. Định ở đây là xưa nay hạng một, hạng hai chỉ

là buồn, vui, khóc, cười, sống, chết, thành, bại, vinh, nhục, thăng, trầm trong năm trần, trong những gì mình thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng. Hạng thứ ba thấy nó ớn quá. Hạng thứ ba thấy rằng cái loại một này quá tệ không nói tới, nhưng mà nó thấy cái hạng thứ hai cũng có vấn đề. Hạng thứ hai sống có chọn lựa, sống có cân nhắc. Đúng. Nhưng mà tưởng sao, nó sống có chọn lựa, có cân nhắc nhưng mà cũng quẩn quanh trong cái hạng một. Hai thằng đi nhậu, một thằng đi nhậu quắc cần câu đi lái xe thì một là nó gây tai nạn, hai là cảnh sát bắt nó. Thằng thứ hai khôn hơn, cũng đi nhậu, nhậu chung một bàn, chung một tiệm, chung một món luôn nhưng mà nó kêu Uber trước thì mình thấy cái đứa thứ hai nó ngon hơn đứa thứ nhất. Nhưng mà nó giống nhau một điểm là mai mốt hai đứa ung thư gan nằm chung một giường. Cái tên này nó ngon rồi, nó nhậu là nó kêu Uber hoặc là nhờ người nhà tới chở, đúng. Nhưng cứ một ngày anh một lít, tôi một lít thì cuối cùng hai đứa chung một phòng. Mà nói đến chung một phòng tôi ớn lắm. Hồi đó ở bên Đức tôi nằm ở phòng tiết niệu, lúc nó đưa tôi vô tôi gặp một cụ, sáng hôm sau dậy tôi còn có một mình, Chúa gọi, Chúa gọi cụ. Sẽ có một ngày mình nằm chung cái phòng với một người mà họ muốn đi thì đi, nó nản dữ lắm. Cái bệnh tôi không có nguy ngập đến mức phải nằm chung với người sắp chết nhưng mà ổng lớn rồi. Ổng vô thì cũng có liên hệ đến cái vụ “nước nôi” đó đó, ổng một bịch tôi cũng một bịch, ổng một ống tôi cũng một ống. Mà tôi nghe nói ổng đi rồi, tôi nản quá. Lần đầu tiên trong đời tôi bị xua đuổi mà tôi mừng quý vị biết không? Đó là lần thứ hai tôi cấp cứu cũng tạo bên Đức. Ba tháng đau quá tôi trở vô. Nó kêu tôi ngồi chờ, rồi nó bỏ lên xe, đẩy tôi đi chụp hình, chụp xong, tôi hỏi nó “tôi có cần qua đêm không?”, nó nói “You về đi”. Mà ở ngoài trời đang lạnh, mà nó đuổi tôi về, tôi đứng bơ vơ ngoài đường chờ Phật tử tới rước. Gió lạnh mà tôi vui quá vì tôi bị bệnh viện đuổi. Chứ còn nó ân cần xếp phòng là rồi! Tôi kể ở đây không phải cho các vị cười. Mà là có nhiều lúc chúng ta bị xua đuổi, bị tống khứ lại là cái hay. Có đôi lúc cái mất mát lại là cái đẹp quý vị biết không? Có những cái chuyện phụ bạc, phụ rẫy, phản bội trong tình cảm lại là cái cơ hội để mình tìm thằng khác. À không! Mình tìm mảnh đời khác. Còn nếu cái cũ không đi thì làm sao cái mới nó tới. Vấn đề là cái thái độ sống của anh ra sao trong cuộc đời này. Cái đó mới lớn chuyện. Chứ còn cái chuyện đắng cay, ngọt bùi… Chiều nay tôi nhờ người ta mua dùm tôi mười trái khổ qua đắng, tôi vẫn đi tìm cái đó vì nó có lợi cho tiểu đường. Người ta mới cho tôi hộp bánh Pía, tôi nhìn người ta như kẻ thù “Muốn giết tôi mà!”. Nó biết mình ăn không được mà nó ác nó mua bánh Pía, còn hỏi sen hay là môn, cái nào cũng chết hết trơn. Cái người mà hiểu Đạo người ta sẽ chọn con đường sống rất là thông minh. Có đôi lúc trong đời sống chúng ta phải chấp nhận cái đắng nếu nó là lối thoát. Chúng ta phải chấp nhận chia tay cái ngọt nếu nó là đường chết. Phải có cái gan đó. Chúng ta biết đi nha sỹ nó đau lắm nhưng mà không đi nó đau hơn, phải đi. Còn có nhiều người họ nhát họ ngậm muối hoài nó đau một tháng, đi nha sỹ nó đau có một tuần, thì thà đau một tuần còn hơn đau một tháng. Hạng thứ ba là hạng chấp nhận đau một tuần. Bởi vì sống ly dục rất là khổ các vị có biết không? Khi Đức Phật sắp tịch, ngài Ca Diếp mới đến lạy Phật “Bạch Thế Tôn! Muốn sống như lời Phật dạy không phải chuyện dễ, đầy những bất trắc”. Phật dạy “Này Ca Diếp! Ngươi nói rất đúng. Muốn sống như lời ta dạy, đầy bất trắc”. Bây giờ các vị không thấy hình ảnh một ông sư mỗi ngày ôm bình bát đi xin, thích thì họ cho, không thích thì họ chửi. Trời năng chan chan hoặc lạnh như cắt mà phải bưng bình bát đi chân không, ăn thì bữa có bữa không, nói chi là bệnh, làm gì có thuốc. Cho nên trăm sự phải tự mình chăm sóc. Mình đi thì lễ cái gì mình cũng nhận nhưng về mình phải lựa ra cái gì mình ăn mà mình khỏe, còn cái gì không khỏe mình phải biết bỏ. Tự lo không cha, không mẹ, sống một mình trong một cái chòi lá giữa rừng. Thấy chua lắm chứ không phải không. Rồi những đêm tối mùa đông, có một mình. Đời tu trong kinh nói có ba cái đáng ngại. Thứ nhất là vị ngọt, ngọt là những cám dỗ, nó tới lượn lờ, lượn lờ hoài mà dễ thương quá, cũng chết. Thứ hai là vị đắng, đói không có gì ăn, bệnh không có thuốc uống, đêm hôm mưa gió lạnh lẽo chỉ có một mình thôi. Nhất là trên núi cao đêm hôm nhìn về phố thấy đèn đóm sáng choang, có những tiếng nhạc xa xa nghe Vũ Thành An hát ở dưới “Ta lần mò leo mãi không qua được vách sầu”, chết. Mà qua được cái đó là vị đắng của đời tu. Đắng đáng sợ, ngọt đáng sợ nhưng có cái vị thứ ba, ‘thầy’, đó là vị lạt. Nó nhạt đó. Nó không phải là cám dỗ, không phải là sự thử thách mà là sự buồn tẻ, sự vô vị, sự nhạt nhẽo của đời tu. Có những ngày mình thức dậy không biết làm gì, mình đi đâu, không biết gặp ai. Ngày còn trẻ tôi sợ những buổi sáng như vậy lắm nhưng mà bây giờ tôi già rồi tôi lại khoái những buổi đó. Các vị nên xăm câu này lên người “Ngày vô vị có nghĩa là ngày vô sự”. Có hiểu chữ vô sự không? Là không có gì phải âu lo hết. Có những ngày cơ thể nó không có kiếm chuyện là mình mừng. Một ngày nào đó không có những cú phone kiếm chuyện, quấy rầy là mình mừng. Khi mà thấy vô vị là hôm nay mình phải mừng vì không có chuyện gì để lo. Có một ngày nào đó quý vị thấy không có chuyện để lo nó còn quý hơn có chuyện để vui, vì đằng sau cái vui luôn là vị đắng. Lão tử nói “Đằng sau hạnh phúc luôn là đau khổ”, mặc dù đằng sau cái khổ luôn là hạnh phúc. Hạnh phúc ở đây chưa chắc là cái đau khổ đem lại hạnh phúc, có điều là cái gì nó tận cùng thì nó thay đổi. Cái bà đó bốn mươi tám tuổi bả đi coi thầy bói, bả nói “Đời tôi khổ quá, chừng nào hết khổ?”. Thầy bấm bấm tay, ổng nói “Hai năm nữa hết khổ”. Bả hỏi “Thiệt không”. Ổng nói “Đúng rồi. Vì khổ riết nó quen rồi!”. Sẽ có một ngày quý vị thấy rằng không có chuyện gì là một cái may mắn. Dầu không có chuyện gì vui cũng là cái may mắn bởi vì không có gì vui mà cũng không có gì để lo, còn tốt hơn là có chuyện lo, tốt hơn là đằng sau cái vui đó mình phải trả một cái giá. Chính vì hiểu hết như vậy nó mới lòi ra hạng người thứ ba. Họ xoay lưng lại với hạnh phúc thế gian để làm chi? Để họ tránh cái đau khổ thế gian. Người hành thiền quay lưng lại với hạnh phúc thế gian để tránh đi những nỗi khổ, niềm đau do thế gian mang lại. Người không học Đạo không biết được công thức này. Khi ta không quay mặt với cái hạnh phúc thế gian, tôi phải nói bốn chữ ‘hạnh phúc thế gian, thì ta phải chấp nhận cái đau khổ của thế gian vì tụi nó là một cặp không rời nhau. Các vị có tin chuyện đó không? Hạnh phúc thế gian luôn luôn gắn liền với đau khổ của thế gian. Cho nên người tu thà phải chia tay hạnh phúc thế gian để không phải chịu cái đau khổ của thế gian. Thà là chịu cái đau khổ của người tu nó tốt hơn. Đau khổ của người tu là gì? Là thiếu cái này, thiếu cái kia, thấy nó vậy đó nhưng mà nó lại là ngọt, nó là cái vị đắng có hậu, hậu ngọt. Nhưng hạnh phúc thế gian là ngọt trước mắt nhưng mà nó đắng cái hậu. Mà tôi đã nói ba ngàn lần, tất cả hạnh phúc trên đời đều đến do một trong hai nguồn sau đây, là có cái gì đó và không có cái gì đó. Và tất cả đau khổ trên đời này cũng đến từ hai nguồn là có cái gì đó và không có cái gì đó. Đúng không? Tôi bảo đảm 1000% là không hề có cái nguồn thứ ba. Các vị về gác chân lên trán nghĩ coi có không, không hề có. Tất cả hạnh phúc trên đời đều chỉ đến từ hai nguồn đó thôi. Một là do có cái gì đó, hai là do không có cái gì đó. Đau khổ và hạnh phúc đều từ do hai cái nguồn đó. Và từ đó tham và sân nó cũng có hai thứ. Tham là thích, là vui. Một là mình ham thích có được cái gì đó. Hai là mình muốn đừng có cái gì đó. Cả hai đều là tham hết. Và sân, bất mãn nó cũng đến từ hai cái. Một là mình bất mãn là vì mình không có được cái mình thích. Hai là mình tránh không được cái mà mình ghét. Tôi muốn ôn tới ôn lui, chừng nào nó nhão nhừ quý vị chán luôn. Có bao nhiêu đó. Tất cả hạnh phúc đều đến từ hai nguồn, có hoặc không có cái gì đó. Và từ đó tâm tham của chúng ta nó cũng đến từ hai nguồn đó là do tránh được cái mình ghét và có được cái mình thích. Và bất mãn cũng đến từ hai nguồn đó là tránh không được cái mình ghét và không có được cái mình thích. Chỉ có bao nhiêu đó, chỉ có cái thích ghét mà nó tạo ra đau khổ và hạnh phúc. Mà cái thích ghét nó đi ra từ ba cái nãy tôi nói, đó là tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý và môi trường sống. Bây giờ các vị càng thấm dần dần thì ra Phật dạy mọi thứ ở đời do duyên là vậy đó. Tất cả đều là composition, là transition, là giả tạm, là lắp ghép, là lắp ráp, ghép nối. Không có cái gì mà nó thuần nhất, tất cả đều do duyên mà ra. Ngay bây giờ mình không phải là hành giả mình nói “Ồ, chuyện đó bình thường, tôi hiểu, có gì đâu hay”. Không. Khi nào bà con hành thiền, bà con sống chậm với chánh niệm, bà con mới nhớ lại những bài giảng này bà con mới hiểu cái sự gọi là buồn cười của cái mình vẫn gọi là hạnh phúc, nó rất là tạm bợ, rất là mong manh. Mình gọi nó là cái bàn bốn chân, nhưng chỉ cần nó mất đi một chân thì không đứng được. Cái bàn ba chân mất đi một chân là không đứng được. Còn mình mất hết chân cũng còn được cái xe lăn, đúng không?

Nói đến chân tôi nhớ một chuyện nữa. Ở trên đời nhiều khi mình càng có nhiều điều kiện mình càng lệ thuộc nhiều mà thôi. Như tôi kể chuyện một lần các loài vật nó có một buổi party. Tụi nó cử một con đi mua đồ, cử con rít đi vì nó chân nhiều. Tụi nó chờ hoài chưa thấy con rít đi. Đến hồi tụi nó ra thấy con rít đang mang vớ. Mình tưởng chân nhiều là nó đi nhanh. Đúng, nó sẽ đi nhanh nhưng mà trước mắt nó phải mang vớ nhiều quá. Mà nhất là hỏi “sao mày mang chậm quá?” – “Kiếm vớ cùng màu!”. Cho nên quý vị tưởng quý vị nhiều điều kiện, quý vị ngon, quý vị đẹp, quý vị giàu, các vị có vợ đẹp, con ngoan, nhà lầu, xe hơi, sức khỏe, nhan sắc. Sai. Coi chừng có càng nhiều cái nó không phải là phương tiện mà là những trở ngại. Xấu một chút là đã đi chùa được rồi! Đằng này ngó được quá sắp đi, cái nó gọi điện thoại tới nó dê nó rủ đi chỗ này chỗ kia, hiểu không? Có nhiều thằng mình không có gan từ chối. Có nhiều cô tội nghiệp lắm có cái lỗi là không từ chối được đại gia. Cho nên xấu một chút là đời nó yên rồi. Rồi nói tại sao mà hồng nhan bạc phận, mặc dù thường xuyên là bạc triệu. Tại sao hồng nhan bạc phận? Vì đời con gái đẹp nó quá nhiều chọn lựa, mà cái khuynh hướng tâm lý của mình thường chọn sai. Muốn thử không? Làm một chùm chìa khóa dùm tôi, giống nhau là luôn luôn mở cửa mình thường mình chọn chìa sai không à. Có để ý cái đó không? Con nít khi nó mang vớ luôn luôn nó mang trật. Nó lạ lắm. Cái khuynh hướng con người mình là luôn luôn lựa chọn sai. Người Mỹ họ định nghĩa chữ ‘Luxury’ là gì? Có nghĩa là đời sống có nhiều chọn lựa. Nhưng mà thường chúng ta chọn lựa sai. Hiểu hết mấy cái điều tôi nói nó mới lòi ra cái hạng thứ tư.

14/08/2020 – 07:56 – hongha7711

Hạng thứ ba là nó thấy nhóm một, nhóm hai khổ quá. Nhóm một thì khỏi nói rồi, còn nhóm hai nó còn quẩn quanh trong cảnh giới của nhóm một. Thế là họ vùi đầu trong thiền định, họ tu tập thiền định. Họ sanh về cõi Phạm Thiên, hết thời gian ở đó họ sanh trở xuống, mọi sự như cũ. Cái cảnh giới Phạm Thiên, thời gian tu tập thiền đình giống như một viên sỏi ném xuống ao bèo cám vậy, bèo dạt ra rồi nó liền lại như cũ. Trong cái dòng chảy luân hồi miên viễn thiên thu đó, vài tỷ năm chỉ là một nháy mắt thôi, các vị có biết không một nháy mắt thôi. Thời gian có hai thứ, thời gian tâm lý và thời gian vật lý. Thời gian vật lý là thời gian mình có thể cân đong, đo đếm bằng đồng hồ. Có một thời gian thứ hai đó là thời gian tâm lý, mình muốn thấy nó lâu thì nó lâu, mình muốn thấy nó mau thì nó mau. Có quý Phật tử hỏi tôi “Con đi nghe Pháp con muốn nguyện thành Phật lắm. Một là con thỏa được cái trí tò mò muốn biết tất cả. Thứ hai là con cũng muốn có lòng giúp chúng sinh. Con muốn nguyện thành Phật mà con thấy thời gian nó lâu quá đi. Sư cho con một gợi ý để con đủ cái gan để con đi, đi trong thời gian dài như vậy để con đừng có sợ” – “Tôi nói tôi không phải là Phật, tôi không phải là Bồ Tát. Tôi không có tư cách để nhắc anh, nhưng nếu anh muốn tôi chỉ giúp anh một câu thôi”. Ổng nói “Con muốn trở thành Phật quá mà con thấy lâu quá Sư ơi! Gì mà mấy chục A Tăng Kỳ tùm lum hết”. Tôi hỏi “Giờ anh biết nó khó không?” – “Con biết, nhưng sao mà thấy nó đừng có lâu là được rồi”. Tôi hỏi ảnh thế này “Mấy chục A Tăng Kỳ nó lâu thiệt nhưng mà bây giờ tôi hỏi anh nha. Nếu bây giờ anh được sanh về một cảnh giới nó sướng như tiên, anh ở trên đó suốt hai chục A Tăng Kỳ rồi sau đó anh đời đời bị chìm vào hỏa ngục, thì hai chục A Tăng Kỳ nó lâu hay mau?”. Qúa mau. Cũng vậy, một người mà chịu khổ để mà thành Phật, đồng ý mấy chục A Tăng Kỳ nó lâu thiệt nhưng sau đó thì vĩnh viễn không còn luân hồi nữa. Một bên thì mất hai chục A Tăng Kỳ rồi cuối cùng vĩnh viễn không luân hồi nữa, lấy ha chục mà đổi lấy cái vĩnh viễn thì nó cũng đáng đúng không? Như có một lần tôi nói đừng bao giờ tự hào tự đắc với cái mình biết bởi vì cái mình biết so với cái mình không biết nó nhỏ hơn hạt cát trên sa mạc. Bởi vì cái hạt cát nó là limit, mà sa mạc cũng limit, sa mạc mình tính được diện tích của nó mà. Nhưng mà cái mình không biết thì unlimit. Cho nên dầu mình có tám cái bằng tiến sỹ đi nữa thì mình cũng không nên tự đắc. Thứ nhất, cái mình biết nó không bao nhiêu hết, nhiều lắm mình chỉ hơn mấy đứa dở hơn mình thôi. Cái thứ hai, cái này tôi nói các vị mới thấy khiếp. Bất cứ một lãnh vực nào dầu các vị có bằng tiến sỹ thì kiến thức của vị tiến sỹ đó chưa thấm vào đâu so với cái tận cùng của lãnh vự đó. Thí dụ, các vị biết đây là một cái dùi chuông bằng gỗ Mahogany hay là gỗ Teak. Các vị nghĩ đơn giản là một ông tiến sỹ ổng hiểu hết cái này. Sai. Nó có bao nhiêu chuyện liên hệ với cái này các vị biết không? Thí dụ, như là ảnh hưởng của nó với điện từ. Thứ hai, nó được sinh trưởng từ vùng đất nào? Tại sao vùng đất A không có mà vùng đất B có? Vùng đất A nó có cái gì mà mọc được cây này, vùng đất B không có cái gì mà không mọc được loại cây này? Và cái cây này nó thuộc về cái họ nào, cái family của nó có bao nhiêu cây khác? Cây nào có thể mọc ở nhiều nơi và cây nào cũng family đó mà mọc ít hơn, why? Rồi thời nào người ta biết xài chuông mà mới có cái dùi này? Mà nguyên ủy vì đâu mà có cái chuông? Các vị có biết bàn về cái chuông nó lớn chuyện lắm không? Nhiều người Phật tử không biết vì sao có cái chuông mà. Cái chuông hồi đầu nó có nghĩa là ‘announcement’, rồi sau nó có nghĩa là ‘remind’, tới phiên mình bây giờ thì nó là ‘…’, qua tới nghi thức rồi. Chứ cái chuông hồi đầu nó chỉ có nghĩa là ‘announcement’. Chư tăng ở trong khu rừng rộng mênh mông, hồi đó không có phone thì kêu bằng cách nào, gõ chuông. Nhưng mà dần dần cái chuông được nâng lên một chiều cao mới, nó cộng thêm một ý nghĩa mới đó là sự nhắc nhở. Một là người ta dùng chuông gió, từ chuông đánh chuyển qua chuông gió. Có nhiều chùa hoặc là tự viện người ta phải cử người đánh chuông mỗi một giờ, hoặc mỗi nữa giờ cũng phải đánh để tất cả chư tăng hoặc những người ở trong khu đất đó mỗi lần nghe chuông là nhớ đến chánh niệm. Mình là ngoài giờ hành thiền ra là mình ngồi mình mộng mơ, mình nhớ đến con Lan, con Lan nó nhớ thằng Điệp, Điệp nhớ đến con Lan. Còn đằng này cứ mỗi lần nghe ‘beng’ là mình niệm trở lại. Cứ lâu lâu mình thất niệm là nghe cái ‘beng’ vậy đó. Mà có nhiều chùa không tìm ra được người để giao phó nhiệm vụ đánh chuông nên họ đành dùng cái phong linh wind chime. Nhiều người không biết tưởng phong linh để trang trí. Sai. Phong linh từ chùa ra. Mỗi lần gió thổi hành giả nghe cái tiếng đó phải nhớ là “niệm nha! niệm nha!”. Còn mình bây giờ để treo phong thủy, để treo trang trí, là sai. Có nhiều cái trong chùa ra mà người đời xài không biết. Rồi bây giờ từ chỗ nhắc nhở chánh niệm nó chuyển qua phong thủy mới ghê chứ. Trớt quớt à. Sai bét. Hồi xưa họp chúng là nhờ cái chuông. Cái mõ cũng vậy, cái mõ bằng gỗ, cái chuông bằng kim loại. Cái mõ buổi đầu từ đâu nó ra? Vì có những địa phương người ta không có kim loại thì sao, muốn đúc một cái chuông quý vị phải có tiền, có thầy thợ đúc. Vừa có nguyên liệu, tháy thợ, muốn có nguyên liệu và thầy thợ thì phải có tiền. Thì có những người nghĩ rằng người tu mà kiếm tiền, thầy thợ, nguyên liệu thì quá khó. Họ để ý những gốc cây bọng trong rừng, gõ vào đó nó cũng có tiếng động vậy. Nguyên thủy nó đơn giản như vậy. Trước khi nhà chùa mượn cái đó thì chính dân bộ tộc, bộ lạc đã nghĩ ra cái đó, họ thấy mấy cái cây bọng gõ vào đó thấy nó kêu và tiếng kêu nó vang rất là xa. Và họ muốn liên lạc hoặc là báo cho nhau biết có kẻ thù xâm nhập hay là có thú để đi săn hoặc là liên lạc nhau để họp mặt giải quyết chuyện của bộ lạc vì ở trong rừng mà, thế là họ gõ vào những gốc cây bọng. Gốc cây bọng là nó ở đâu thì nó nằm yên đó. Còn mình phải có cai gì đó để xê dịch thì cái cây đó tiện hơn. Họ mới tìm những gốc cây nhỏ họ khoét. Từ đó mới truyền ra dân gian bên ngoài mới biết xài mỏ. Nhà chùa mới thấy cái đó hay quá mới đem về xài, những vị sư trong rừng họ không có tiền để kiếm chuông thì với con dao họ có thể có cái mõ. Nếu mà mình có lòng, còn nếu quý vị làm biếng thì thôi “alô”, nó đém năm chục cái mõ vô, cái đó thì nói làm chi. (Nói gì tôi đi xa quá vậy! Từ đâu tôi qua chuông mõ. Dễ sợ, một rừng người tôi quên, quý vị cũng quên)

Người nhóm thứ ba họ thấy loại một, loại hai họ quá phức tạp. Cho nên họ gom hết thế giới vào mười thứ thôi. Nhờ họ gom như vậy cho nên cái đầu họ nó gọn lại. Khi họ gọn lại họ mới có khả năng tập trung tư tưởng. và khi họ gom tất cả vũ trụ vào mười cái đó thì họ không còn cái gì để thích, để ghét hết. Cho nên việc đầu tiên của người đắc sơ thiền-tầng thiền thấp nhất thì việc đầu tiên là không còn năm triền cái. Đó là ly dục, vô sân, không còn buồn ngủ, không còn ray rứt chuyện cũ và không còn hoang mang, nghi hoặc. Tất cả là năm. Một là không còn thích gì, hai là không còn ghét gì, không còn buồn ngủ lười biếng, bốn là không còn hoang mang nghi hoặc, và cũng không còn ray rứt chuyện cũ. Cái này rất là sâu. Tại sao có cái vụ ray rứt chuyện cũ? Trong kinh nói ray rứt chuyện cũ nó gồm có hai. Một là ray rứt tại sao ta đã nói, đã làm cái chuyện đó. Thứ hai ta ray rứt là tại sao ta không chịu làm, không chịu nói cái chuyện đó ra. Các vị đừng coi thường cái này. Hồi tôi còn trẻ tôi đọc trong các thứ phiền não thì cái ray rứt chuyện cũ nó đâu có cái gì ghê gớm. Mà bây giờ tôi mới hiểu. Tôi hỏi thiệt bà con, khi bà con ngồi nhớ lại chuyện cũ bà con có tiếc nuối không? Tiếc nuối rằng tại sao mình làm như vậy và tại sao mình không chịu làm như vậy, có không? “Dạ có Sư”. Ở trong mấy sách thiền họ có dạy kinh nghiệm này hay lắm. Những khi hành giả đang tu thiền ngon lành tự nhiên xếp cái chân vô nó không có tập trung, đi kinh hành mọi bửa bước ba bước là chánh niệm nó vô rồi, bửa nay bước cả buổi nó không có vô, ngồi cả buổi chánh niệm nó không có vô, nó cứ phân tán thì hành giả nên xét cái này. Nó có nhiều nguyên nhân. Một là ta đi xa mới về, chánh niệm nó bị mất. Thứ hai là ta phải xét đến những lý do sau đây. Một, ta có hứa ai cái gì mà mình chưa làm. Khi mình hứa mình không làm thì trong tiềm thức nó cứ treo toòng teng cái đó hoài. Thứ hai, mình có xúc phạm ai mình chưa xin lỗi. Lúc mình không có tu cái chuyện đó nó không có để lại dấu ấn tâm lý. Nhưng mà đối với một người có tu tập mấy cái đó nó lớn chuyện lắm. Vì sao? Vì trong kinh nói cái tâm người tu tập nó như một cái tấm vải trắng vậy, nó bị một chút xíu là nó ố liền. Trong khi đó, xin lỗi mình không có tu cái tâm mình như cái nùi giẻ vậy. Có chuyện gì xảy ra mình không biết bởi vì nó là cái nùi giẻ, nó tận cùng rồi. Nhưng vì mình là một tấm lụa trắng nên nó chỉ cần tí ti là để lại một dấu ấn, ấn tượng, một vết hằn trên đó. Cho nên bây giờ mới thấy cái tâm của người tu nó ghê gớm hơn người không tu cỡ nào. Tại sao mình ngồi tu thiền mình nghe đau tùm lum? Không nên buồn mà phải nên mừng. Là vì trước đây mình sống lăng xăng như con khỉ vậy, mình không có biết được cái gì đang xảy ra hết rồi mình tưởng mình không có đau. Sai, sai rồi. Khi mà nó lăng xăng thì chuyện gì xảy ra mình không có biết. Bởi vậy bà con ngồi yên lại dùm tôi, thấy nó kiếm chuyện tùm lum hết.

Mọi khi nó vẫn kiếm chuyện mà tại cái đầu mình nó “phiêu lãng cuối trời” mà, nên không biết, mình thường xuyên “vắng nhà”, luôn luôn “vắng nhà”. “Vắng nhà” là không có chánh niệm. Cho nên “nhà” cháy, trộm khoét tường mình không có biết. Nhưng khi mình sống trong chánh niệm là phát hiện ra đủ thứ chuyện hết. Vừa mới xếp chân vô một phát là nó rêm, nó nhức, nó mỏi, nó giựt, có kiến bò trên mặt, có thằn lằn nó bò lên cột sống. Có cha đó chả lên trình sư phụ “Sư phụ ơi sao lúc này ghê quá, mỗi lần nhắm mắt là thấy nguyên con nhện bự bằng cái chén phóng tới người con. Con khổ tâm quá!”. Sư phụ nói “Cái đó phải trị. Con nhện này độc lắm. Cái này phải xài pháp của thầy mới được”. Sư phụ mới lấy cây bút lông, nhúng vô mực “Con giữ nguyên vầy, con cầm như vầy. Con ngồi thiền con cầm chắc trong tay như vậy nè. Nó mà nhảy tới, con vẽ vô cái rốn của nó là nó mất”. Anh này ảnh cầm ảnh đi về ngồi thiền như tiểu tử cầm đao vậy “Chết cha mày rồi. Vô đi con!”. Ảnh ngồi nhắm mắt thì lát sau con nhện bự bằng cái chén nó phóng tới, ảnh vẽ vô cái bụng nó. Ảnh trình sư phụ “Sư phụ, xong rồi!”. Sư phụ kêu “Vạch áo ra coi”. Ở dưới rốn của ảnh có nguyên một vết mực. Là bình thường mình phóng tâm mình không có biết cái gì hết trơn nhưng khi mình bắt đầu vô ngồi thiền nó đủ thứ ma chướng. Không có ma nào hết do “trong đây” nó chướng nhiều hơn. Chính cái chướng của mình mà nó thành ma. Rồi ở bên Mật Tông mỗi lần ra khóa, khi mà thi tốt nghiệp họ tìm cách họ thử. Có khóa đó, sáng mai là thi tốt nghiệp thì đêm nay ông sư phụ ổng phát cho mỗi đứa đệ tử một cục than. Đêm đó, mỗi ông cầm cục than về. Chuyện dài lắm tôi kể vắng tắt. Ông nào về đến phòng mở cửa ra thì cũng nằm ngủ được tới khuya là nghe thơm thơm, xong nhìn qua là nguyên một cô đẹp lộng lẫy luôn. Thì hồi đầu cũng ‘ngộ ái nị, nị ái ngại, nị không cho ngộ làm đại’. Cuối cùng thì cũng có ngại, ‘ngộ ái ngại nị’ nhưng riết nó không ngại nữa. Thì coi như ông nào cũng có “vấn đề” hết. Mấy ổng nghĩ chắc chuyện của mình không có ai biết. Tới sáng bốn giờ Đại Hồng Chung đánh ‘boong, boong, boong…’ các thí sinh lên chánh điện thi, thi tới khuya. Thì trời ơi! nhìn ông nào ông nấy mặt mũi than không. Tại vì hồi khuya mấy ổng ôm cái cục than mà. Bởi vậy trước khi lên chánh điện mình hay soi gương là ở chỗ đó đó. Tức là cái vọng của mình mà mình không ngờ cái vọng đó nó đến từ những cái rất là thường. Khi mà các vị phóng dật, không định, không niệm thì các vị không có ngờ được thân này vốn là một cái nhà máy, nó hoạt động hết công suất. Mà đã là nhà máy thì nó đủ thứ chuyện trong đó hết, trục trặc lung tung. Ở đây có ai nghe … cái tiếng nó chịu không nổi, cái volume mà mình chỉnh lớn là mình nghe chịu không nổi ‘buỳnh, buỳnh, buỳnh…’ đó là cái “nhà máy” ở trỏng đó. Tôi có nghe được một lần, người quen cho tôi nghe, tôi không ngờ ở trong nó hoạt động dễ sợ như vậy, nguyên cái nhà máy ‘Xi măng Hà Tiên’ nằm ở trỏng. Cho nên thứ nhất xét xem mình có hứa với ai àm mình chưa làm. Thứ hai, có xúc phạm ai mà chưa xin lỗi. Tiếp theo, có dự tính nào mà chưa thực hiện. Tức là sáng nay mình tính đóng cây đinh giăng cái sào đồ. Chuyện vậy thôi đó mà chưa làm nó không có yên. Không biết các vị có bị cái này không, đi ra đi vô tức lắm “lúc nãy tính đi vô nhà bếp làm cái gì ta?” Tức lắm. “Cái gì ta? Tại sao từ trên lầu đi xuống bếp lúc hai giờ sáng?”. Tức lắm. Mình không tu mình không có thấy nó lớn chuyện nhưng lúc mình tu rồi thì cái đó nó lớn chuyện lắm. Lúc đó mình mới thấy cái giá trị của đời sống tỉnh thức. Nó làm cho mình trở thành một miếng gương sáng, một miếng vải trắng. Tôi nói không biết bao nhiêu lần, người tu phải biết cùng lúc huấn luyện nội tâm mình thành hai thứ đối lập sau đây. Một, có lúc phải biến cái tâm mình thành cái nền đất, để bao nhiêu thứ bụi trần rớt trên đó lòng vẫn dửng dưng, vì bụi và đất là cùng một thể. Bao nhiêu chuyện buồn vui rớt trong lòng mình, mình vẫn tỉnh bơ. Thứ hai, đôi lúc phải giữ lòng mình như một nền gach để một tí bụi rớt trên đó phát hiện liền

15/08/2020 – 10:51 – hongha7711

Mà thường ta hay tu ngược. Có người đối với phiền não thì họ giữ cái tâm như nền đất, rớt xuống không hay mà có chút thị phi tới họ làm như miếng gạch vậy, biết liền, tu lộn. Hỏi họ sao kì vậy? “Trứng vịt còn lộn mà!”- họ nói vậy. Trước thị phi cuộc đời phải giữ lòng mình như cái nền đất nhưng mà trước sự tấn công của phiền não mình phải giữ lòng mình như một miếng gương, cái gì rớt lên một tí là biết liền. Cho nên mình phải xét coi mình có mắc cái đó không.

Cuối cùng, thiền sư khuyên có nhiều trường hợp nếu không mắc phải cái chuyện hứa ai cái gì, xúc phạm ai mà chưa xin lỗi, dự tính gì mà chưa hoàn tất thì có giải pháp cuối đó là hành giả thử buông công phu một ngày. Buông ở đây có nghĩa là không tiếp tục ở trong thiền viện nữa, không tiếp tục lên thiền đường nữa mà chạy đi quét sân chùa, dọn tháp, xuống rửa chén, chùi cầu. Mà nếu có điều kiện thì bỏ tiền ra làm trai tăng một ngày cho đại chúng bửa ăn. Tự nhiên mình làm xong một cái phước tự nhiên cái nó quay trở lại liền. Chính cái niềm vui trong lúc làm phước nó kéo mình trở lại. Đó là những kinh nghiệm. Cho nên đi tu thiền cũng phải giữ chút tiền để ngừa trường hợp đó, có gì cho tôi mượn. Có hiểu không? Rất là quan trọng.

Hạng thứ ba trốn khổ bằng cách không nhìn đến nó nữa, người Trung Đông họ gọi cái đó là “Đà điễu vùi đầu trong cát”. Giải quyết phiền não bằng cách vùi đầu trong cát thì cũng được nhưng mà không có bền. Mình nghe ồn quá mình giải quyết bằng cách mình bịt lỗ tai nhưng mình không giải quyết tiếng ồn đó từ đâu ra. Như tôi nhớ hồi xưa nhiều vị họ kể chuyện cũ ở trong bưng hồi trước 75, đang nghe đài Mặt trận giải phóng miền Nam, đài đó của Việt Cộng phát. Có nhiều gia đình đang nghe cái đài đó thấy lính bên trong này đi vô nó sợ. Mà xui một chỗ là trong nhà chỉ có ông chồng biết tắt thôi, ông chồng lúc đó đi đâu mất tiêu rồi. Bây giờ lính nó vô rồi, bà giờ loay hoay không biết làm sao, bả lấy cái mền bả đậy lại. Lấy cái mền, lấy cái gối đậy lại, kêu mấy đứa nhỏ leo lên đè, lính nó thấy lạ, lại vạch ra nghe hết. Có nghĩa là đôi khi mình đối phó với phiền não bằng cách rất là trẻ con. Như cái ông đó, người ta bị sốc cây dầm vô tay chở lại cho ổng. Ổng mới ra trường, ổng nhìn nhìn một hồi ổng vô lấy cây cưa, cưa sát (với phần da) “Tôi là ngoại khoa tôi chỉ giải quyết tới đây thôi, phần còn lại là của nội khoa”. Cho nên thiền định là chỉ giải quyết tạm thời thôi. Trong tất cả chúng ta ở đây, trong vô số kiếp chúng ta đã từng là những vị Phạm Thiên thứ dữ. Thần thông đối với chúng ta là coi như bình thường, cõi Phạm Thiên chúng ta vào ra như hoàng tử vào cung. Cuối cùng chúng ta vẫn ở đây một lũ! Trong khi thánh nhân thì không. Thiền định có rồi vẫn bị mất, thánh trí từ Tu Đà Hoàn trở lên là chỉ chờ đi lên chứ không có quay lui. Đó là điểm đặc biệt. Vì sao? Là vì phàm phu khi đắc thiền họ chỉ dàn xếp tạm thời phiền não để mà họ đắc thiền thôi. Còn các vị thánh Tu Đà Hoàn trở lên, tại sao người ta chứng thánh, là vì người ta phải hiểu rõ được bốn Đế. Hiểu rõ bốn đế là gì? Chuyện đầu tiên họ hiểu rằng mọi thứ ở đời là khổ. Đi đâu, sống đâu cũng là quẩn quanh trong khổ. Và chữ ‘khổ’ ở đây tôi nhắc lại lần nữa, nếu chữ ‘khổ’ không định nghĩa tới nơi tới chốn thì nhiều người họ tức lắm. Họ nói “Rõ ràng là tôi đang vui cười sằng sặc mà tại sao đạo Phật nói rằng mọi thứ là khổ? Tôi vui quá mà, tôi thấy tôi đẹp, tôi giàu mà, chồng con tôi Ok. Mà giờ Sư bắt tôi thấy đời là khổ. Khổ là khổ ở chỗ nào?”. Đó là lỗi của người nói Pháp. Cứ đè nó ra nói ‘khổ’ mà không giải thích khổ là cái gì. Dạ thưa má, khổ có hai. Khổ cảm giác và khổ bản chất. Khổ cảm giác là gì? Là cái gì làm cho thân này, tâm này, hồn này, xác này nó khó chịu thì các đó gọi là khổ cảm giác. Còn khổ bản chất là sao? Là tính bất trắc, bất toàn của nó, cái bản chất mong manh, sớm muộn gì cũng có chuyện. Thí dụ bây giờ tôi thấy cái thằng đó nó vì mê gái mà trời lạnh vậy nó đứng ở ngoài Bellaire nó đứng chờ con nhỏ đó tới. Mà nhỏ đó đang hát karaoke với thằng khác. Thì tôi đi ngang tôi nhìn “Trời ơi! sao mà khổ quá vậy trời!”. Các vị nói “Không, nó đâu có khổ, nó đang cười hí hửng kìa!”. Bây giờ các vị có hiểu chữ khổ đó chưa. Con nhỏ kia đi hát với thằng khác mà thằng này đứng ngoài này chờ mà mặt vui trên tay cầm bó hoa hồng. Thì nó là em ruột của tôi “Trời ơi, sao em khổ quá vậy. Anh mới thấy nó hát với thằng kia ở trỏng kìa” – “Em đâu có khổ, em đang vui mà”. Nhưng mà theo qusy vị tôi nói chữ khổ đúng hay sai? Đúng ở chỗ nào, em tôi nó đang cười mà? Sớm muộn gì cái sự thơ ngây này của nó cũng phải trả giá. Sẽ có một ngày con nhỏ kia về đẻ một đứa không giống nó. Như cái ông đó ổng tám chục tuổi mà ổng lấy cô vợ trẻ hai chục tuổi. Sáu tháng sau cổ có mang. Ổng mừng lắm. Ổng nói với mấy đứa bạn, ổng mời đến làm tiệc. Ổng nói “Thấy không. Xe cũ mà cũng còn xài được”. Một năm sau cổ đẻ ra một đứa nữa mà đen thui. Mấy đứa bạn nói “Xe chạy được nhưng mà phải thay nhớt!”. Khổ lắm. Chưa, còn vụ nữa. Ông đó chín chục tuổi lấy một cô có hai chục tuổi. Cổ có mang, ảnh mừng lắm. Bửa đó ảnh đi bác sĩ khám định kỳ, ảnh khoe. Ảnh nói “Trời ơi, tôi chín chục mà… Được ha!”. Cái bác sĩ nói “Cái chuyện đó có gì đâu mà lạ. Cháu mới tuần rồi đi săn nè. Đi săn mà quên đem theo súng, chỉ đem theo dù thôi. Con cọp nhảy ra, cái cháu cầm cây dù bóp cò, con cọp chết ngắt”. Cái ổng nói “Chắc thằng nào bắn dùm” – “Ừ, thì ở đây cũng vậy đó!”. Quên đem súng, chỉ đem cây dù thôi, mà còn cọp nhảy ra nó bóp cò, cò ở đâu? Thứ nhất là cây dù làm gì có cò mà con cọp chết. Ông già ổng mới nói chắc có ai bắn dùm, ông bác sĩ nói thì ở đây cũng vậy. Mà ổng không hiểu, tối ổng về phone hỏi tôi, tôi mới giải thích cho ổng nghe đó.

Vị Tu Đà Hoàn thấy rằng sanh ở đâu cũng vậy thôi. Sướng bằng trời thì cũng khổ. Vì sao? Khổ có hai, khổ cảm giác và khổ bản chất. Khổ cảm giác là cái gì là máu và lệ, rên xiết, than thở. Còn khổ bản chất là cái tình trạng sớm muộn gì cũng có chuyện. Nếu mà nói như vậy thì cái tên mà mới đắc cử tổng thống cũng là đang chuốc khổ phải không? Quá khổ. Thậm chí ông Voltaire ổng nói cái này “Xưa nay mình khóc khi thấy một ông già qua đời mà lẽ ra ta phải khóc khi thấy một đứa bé chào đời”. Mà có những người họ sợ đời đến mức họ thấy cái đám ma họ không có teo bằng việc thấy cái đám cưới. Bởi vì cái đám ma nó là finish nhưng mà đám cưới mới điểm bắt đầu. Tôi nói cái này các vị có hiểu không? Cái đám ma nhìn thấy ghê thiệt nhưng mà nó là finish, hết rồi, đám ma là hết. Nhưng mà đám cưới là không, nó mới là điểm bắt đầu thôi. Tôi dự đám ma xong tôi nghĩ tôi sẽ không nghe chuyện gì nữa về người chết đúng không? Trừ khi ổng đi về ổng kéo dò thôi. Nhưng mà cái đám cưới thì không, rất là nhiều chuyện. Cho nên việc đầu tiên vị Tu Đà Hoàn thấy rằng mọi thứ ở đời đều là khổ. Chính vì mọi thứ đều là khổ nên thích cái gì cũng là thích trong khổ. Chính vì cái chỗ thấy mọi thứ đều là khổ nên vị ấy thấy rằng thiền định chỉ là phương tiện để tu hành. Phước báu chỉ là phương tiện để tu hành. Những cái điều kiện tiện nghi vật chất chỉ là điều kiện để tu hành. Nhan sắc, sức khỏe, uy tín, tiền bạc, tất cả đều là phương tiện để mình làm cái gì đó. Còn nếu coi nó là cứu cánh là chết rồi! Mọi thứ ở đời chỉ là phương tiện thì Ok nhưng nếu anh coi nó là cứu cánh thì anh sai rồi. Không có cái gì ở trên đời này đáng gọi là cứu cánh hết. Dầu đó là tình yêu, là tiền bạc, là quyền lực, là tiếng tăm, không có cái nào đáng được gọi là cứu cánh hết, theo tinh thần nhà Phật là như vậy đó. Tôi đã nói không biết là bao nhiêu lần tôi cho các vị một cuộc đời sung sướng cực kì, đẻ bọc điều, sanh ra trong một gia đình phải nói là trâm anh thế phiệt, quyền quý giàu sang, lớn lên coi như là mười sáu tuổi lấy bằng tú tài, hai mươi lăm tuổi là có bằng tiến sỹ, nếu mà học dược, học y thì ba chục tuổi có bằng bác sỹ, làm trong bệnh viện lớn hoặc là có phòng mạch nổi tiếng, làm chủ nguyên một cái khu văn phòng. Rồi thì sao? Có được vợ đẹp là hoa hậu đẻ ra được năm thằng con, thằng nào cũng bác sỹ hết, các vị sống đến chín chục tuổi. Rồi gì nữa? Không chết phải không? Chín lăm. Không chết nữa. Lẫn, sẽ có một ngày nó lẫn. Nó không chết nó phải lẫn chứ, chứ lẽ bây giờ quý vị cấm không cho lẫn à. Mà chín lăm nó không lẫn thì một trăm nó phải lẫn. Sẽ có một ngày dòm cái (mặt) đó hỏi “Cái gì vậy?”. Tôi nhớ bên Thiên Chúa có một câu chuyện thế này. Cái thuở khai thiên lập địa Chúa cho muôn loài sống bằng nhau. Thì mấy cái loài kia có một số con nó phản ứng nó nói “Không, sống có gì đâu mà vui”. Chắc nó có học Đạo hay sao nó nói vậy đó. Con khỉ nó nói “nhảy lăng quăng mỏi chân lắm sống ít thôi”. Con bò nó nói “Cày bừa mệt lắm thôi sống ít thôi”. Con heo “Ăn hoài, ngủ, cũng không đi vào đâu hết, thôi sống ít thôi”. Con người đứng kế bên “Chúa, tụi nó chê, thôi cho con xin đi”. Chúa nói “Ok, tụi nó không lấy thì mày lấy đi”. Cho nên trong đời, ngoài thời gian mình sống như con người, có lúc mình sống như heo, có lúc sống như khỉ, có lúc sống như chó, có lúc sống như bò. Có lúc thì cày như bò vậy đó, có lúc nhỏ ăn ngủ như heo vậy đó. Và cuối đời ngồi như con khỉ vậy. Chín chục tuổi ngồi ngó ra đường vậy đó. Là do mình lấy tuổi của tụi nó. Hồi đó có nhiêu sống nhiêu mình đâu có khờ dữ thần vậy.

Vị Tu Đà Hoàn khi hiểu rằng mọi thứ đều là đồ giả, họ không còn thiết tha cái trước mắt mà họ cũng không có thiết tha cái chuyện sẽ sanh đi về đâu và họ cũng không có tiếc nuối cái chuyện cũ nữa. Vị Tu Đà Hoàn có cái điểm đó. Họ không khổ vì những chuyện quá khứ, họ không khổ vì những toan tính tương lai. Còn chuyện trước mắt thì tới đâu hay tới đó. Họ chỉ hết lòng sống thiện như có thể ‘Be good, be nice as possible’. Vị Tu Đà Hoàn, bậc Thánh họ tốt không phải vì họ cầu công đức, mà bậc thánh họ tốt là vì họ không thể xấu. Có người họ tốt vì họ cầu danh, trục lợi. có người họ tốt là vì họ cầu cái quả báo nhân thiên. Có người họ tốt là vì họ không thể sống tệ. Có người ăn nói lịch sự là vì sợ người khác đánh giá. Có người ăn nói lịch sự là vì họ được giáo dục từ bé, họ không thể nói khác được. Cho nên những người lịch sự mà bằng trí nhớ, có bữa họ quên. Có loại lịch sự bằng trí nhớ không? Có bữa trí nhớ đi vắng cái nó hết lịch sự, nó lòi ra. Rồi có loại lịch sự từ trong máu, nó đang ngủ dựng nó dậy là nó vẫn lịch sự. Thánh nhân khác mình chỗ đó. Một là mình ‘Be good, be nice’ để cầu danh trục lợi. Hai ‘Be good, be nice’ vì muốn được người ta khen, vì sợ người ta chê. Nhưng đối với bậc Thánh ‘Be good, be nice’ bởi vì họ không thể sống tệ. Khác nhau nhiều lắm. Có nhiều chuyện mình tưởng mình biết rồi nhưng mà chưa có cái nào hết.

* Các bài Sư Toại Khanh (Tỳ Kheo Giác Nguyên) giảng tại Houson Hoa Kỳ năm 2020. Nguồn Vietheravada
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app