BÀI GIẢNG VỀ NĂM SỰ ĐỐ KỴ
BÀI THUYẾT PHÁP TẠI THIỀN VIỆN PHƯỚC SƠN
(Buổi tối ngày 06/04/2023)
Thuyết giảng: Ngài Tam Tạng thứ 15 Bhaddanta Paññāvaṃsābhivaṃsa
Chuyển ngữ: Sư Thiện Đức – Kusalaguṇa Bhikkhu
Để bắt đầu bài pháp thoại tối hôm nay, trước hết Ngài Tam Tạng thứ 15 chúc phúc và rải tâm từ đến tất cả hành giả, cầu chúc cho tất cả quý vị thân tâm thường an lạc và tránh khỏi mọi điều rủi ro tai hại.
Hôm nay, Ngài Tam Tạng thứ 15 sẽ chia sẻ với chúng ta một bài pháp thoại tên là “Năm loại Macchariya” – “Năm sự đố kỵ”.
Những ai đã học Tạng Vi Diệu Pháp đều biết rằng trong Tạng Vi Diệu Pháp đề cập đến hai Pháp bất thiện, đó là Issā (ganh tỵ) và macchariya (đố kỵ). Issā (ganh tỵ) là tâm bất thiện không muốn thấy, không muốn nghe, không muốn biết sự thành công, sự hạnh phúc của người khác. Mặc dù người khác làm việc rất tốt, nhưng với tâm không thấy những điều tốt đó mà chỉ thấy các điều xấu, mặt trái của những điều tốt người khác làm. Tâm chỉ nhìn thấy mặt xấu, điều xấu, bất chấp sự tốt đẹp của người khác đó là bản chất của issā (tâm ganh tỵ).
Bản chất của macchariya (đố kỵ) là không muốn người khác hơn mình, không thích khi thấy một người thành công hơn, không muốn người khác có nhiều hơn những gì mình có: không muốn người khác có nhà hơn nhà mình, không muốn người khác có xe đẹp hơn xe mình, không muốn người khác có sức khoẻ hơn mình. Đó là tâm đố kỵ macchariya.
Khi trong tâm có hai Pháp bất thiện issā (ganh tỵ) và macchariya (đố kỵ) thì tâm không có sự bình an, và nếu thế gian có hai Pháp bất thiện này, thế gian cũng không có sự bình an. Nếu trong một gia đình, xã hội, quốc gia, thế giới có hai Pháp bất thiện này, thì gia đình, xã hội, quốc gia, thế giới đó sẽ không có sự bình an.
Một lần, Vua Trời Đế Thích xuống đảnh lễ Đức Phật và hỏi Đức Thế Tôn rằng: “Bạch Đức Thế Tôn, ở trên đời ai cũng mong muốn sự bình an, nhưng vì sao con thấy ở trên đời không có sự bình an?”
Khi đó Đức Phật trả lời: “Này Sakka mặc dù ở cõi Người, cõi Chư Thiên dường như ai cũng mong muốn sự bình an, nhưng không có sự bình an là do có hai Pháp bất thiện: issā – ganh tỵ và macchariya – đố kỵ”.
Khi có hai Pháp bất thiện, issā (ganh tỵ) không muốn nghe, không muốn biết, không muốn thấy sự thành công, hạnh phúc của người khác và macchariya (đố kỵ) sợ người khác hơn mình, có mặt ở trong tâm, sẽ thiêu đốt sự bình an ở trong tâm. Nếu bên ngoài thế giới có hai Pháp này cũng sẽ thiêu đốt sự bình an trên thế giới.
Có năm loại đố kỵ macchariya:
Thứ nhất, Āvāsavamacchariya: Sự đố kỵ về chỗ ở. Āvāsa nghĩa là chỗ ở, trú xứ, nơi có thể ở được, có thể ngồi được như Chùa, nhà ở hay thậm chí ở trong xe v.v… Sự đố kỵ về trú xứ nghĩa là sợ người khác đến ở chỗ của mình, khi thấy người khác đến chỗ của mình, không muốn người đó ở, ngồi kể cả những nơi như xe, chỗ trên xe, hay không muốn người khác đi xe của mình. Đó là tâm đố kỵ liên quan đến chỗ ở, trú xứ.
Thứ hai, Kulamacchariya: Sự đố kỵ về gia đình, quyến thuộc. Sự đố kỵ gia đình hay quyến thuộc là sự đố kỵ liên quan đến những người thân. Đối với Chư Tăng, kula ở đây là những gia đình quen biết, các thí chủ. Với cư sỹ ngoài đời, kulamacchariya là sự đố kỵ liên quan đến những người bà con, thân quyến. Kulamacchariya sự đố kỵ liên quan đến thân quyến, người quen biết, là sự sợ hãi liên quan đến những lợi lộc do những người này mang lại, tâm trạng sợ những người quen biết mình đi nơi khác hay sợ những người quen biết, thân tín của mình thân tín hơn với người khác. Ví dụ, đối với những vị xuất gia, khi có các thí chủ cúng dường y phục, chỗ ở; có thí chủ cung kính, có tín tâm với mình thì không muốn những thí chủ đó cung kính, có tín tâm đối với những vị khác, không muốn các thí chủ đó cúng dường những vật dụng cho những vị khác. Đối với những cư sĩ ở ngoài đời, không muốn những người khác có nhiều người thân, người quen hơn mình. Đó là sự đố kỵ liên quan đến gia đình, người thân, thí chủ, v.v…
Thứ ba, Lābhamacchariya: Sự đố kỵ liên quan đến của cải, tài sản. Lābha ở đây nghĩa là những lợi dưỡng các tài sản của cải. Đối với những vị xuất gia, khi có những món vật dụng như y phục, vật thực, thuốc chữa bệnh, chỗ ở, không muốn những vị khác có những món vật dụng này, hoặc có nhiều hơn mình. Đối với người đời cũng vậy, không muốn người khác có của cải, tài sản như mình hoặc hơn mình. Đó là sự biểu hiện của tâm đố kỵ liên quan đến của cải, tài sản.
Thứ tư, Vaṇṇamacchariya: Sự đố kỵ liên quan đến sắc đẹp, danh thơm tiếng tốt. Vaṇṇa ở đây có nghĩa là sắc đẹp và cũng có nghĩa là danh thơm tiếng tốt. Khi mình có sắc đẹp thì không muốn người khác có sắc đẹp như mình hoặc hơn mình, khi mình có danh thơm tiếng tốt, nổi tiếng thì không muốn người khác nổi tiếng bằng hoặc hơn mình. Đó là sự biểu hiện của tâm Vaṇṇamacchariya đố kỵ liên quan đến sắc đẹp, danh tiếng.
Thứ năm, Dhammamacchariya: Sự đố kỵ liên quan đến Pháp. Khi mình hiểu Pháp, không muốn người khác hiểu Pháp bằng mình hoặc hơn mình. Khi mình biết một điều gì đó liên quan đến Pháp học hoặc Pháp hành, không muốn người khác biết bằng mình hoặc hơn mình. Nếu những người không hiểu biết đến hỏi cũng không muốn trả lời, chia sẻ vì sợ người khác bằng mình hoặc hơn mình. Đó là sự biểu hiện của tâm đố kỵ liên quan đến Pháp.
Tóm lại có năm loại đố kỵ:
Thứ nhất: Āvāsavamacchariya, sự đố kỵ liên quan đến trú xứ.
Thứ hai: Kulamacchariya, sự đố kỵ liên quan đến gia đình, người thân.
Thứ ba: Lābhamacchariya, sự đố kỵ liên quan đến của cải, tài sản.
Thứ tư: Vaṇṇamacchariya, sự đố kỵ liên quan đến sắc đẹp, danh tiếng.
Thứ năm: Dhammamacchariya, sự đố kỵ liên quan đến Pháp.
Khi trong tâm có năm sự đố kỵ này, một người không thể có được những kết quả tốt đẹp và cũng không hưởng được những kết quả tốt đẹp ở trong cuộc sống.
Ở trong quá khứ, vào thời Đức Phật Kassapa – Đức Phật Ca Diếp, ở một ngôi làng nọ có một vị trụ trì trong một ngôi chùa. Vị trụ trì này thực hành và hướng dẫn một số Phật tử trong làng tu tập theo phương pháp thiền Vipassanā, nên nhận được sự cung kính, lợi dưỡng từ một số người giàu có trong làng, được một số đại gia hộ độ. Một ngày nọ, có một vị Thánh A-ra-hán ngự đến ngôi làng này. Vì là một bậc Thánh A-ra-hán, mỗi cử chỉ, hành động đều có sự thu thúc, nên những thí chủ hộ độ cho vị trụ trì cũng phát tâm, có tín tâm trong sạch đối với Ngài A-ra-hán đó.
Khi Ngài A-ra-hán đến ngôi chùa của vị trụ trì xin ở lại, những thí chủ hộ độ ở trong chùa đã đến thỉnh mời các vị trụ trì và Ngài Thánh A-ra-hán sáng hôm sau đến nhà để thọ trai. Khi thấy các thí chủ có sự cung kính đối với vị tăng khách, một bậc Thánh A-ra-hán như vậy, vị trụ trì đã khởi sinh tâm lo sợ các thí chủ của mình sẽ cung kính hộ độ vị tăng khách này. Nên sau khi đêm đã mãn trời vừa rạng sáng, vị trụ trì một mình đi đến nhà của thí chủ mà không mời vị tăng khách đi cùng. Khi đến nhà thí chủ, các thí chủ hỏi vị trụ trì: “Kính Bạch Ngài, còn vị tăng khách ở đâu mà không thấy đến?”. Vị trụ trì trả lời rằng: “Vị tăng khách của các ông rất ham ngủ, đến sáng mà vẫn chưa thức, mặc dù được đánh thức dậy nhiều lần nhưng không thấy hồi đáp, nên Sư để cho vị đó ngủ ở chùa”.
Các thí chủ tin lời của vị trụ trì nên đã cúng dường vật thực cho vị trụ trì thọ dụng. Sau đó, các thí chủ xin bình bát, đi rửa, và bỏ những vật thực vào bình bát, cúng dường đến vị trụ trì, thưa rằng: “Kính Bạch Ngài, xin Ngài hoan hỷ mang những vật thực này về để cúng dường cho vị tăng khách”. Sau khi nhận bình bát có chứa các loại vật thực từ các thí chủ, vị trụ trì mang về chùa nhưng trên đường đi, vị trụ trì khởi sinh tâm, nghĩ rằng:“Nếu mang những món ăn thượng vị như vậy cúng dường cho vị tăng khách thì vị này ăn xong sẽ không chịu đi những nơi khác mà sẽ ở lại chùa mình”. Với tâm sợ hãi, ganh tỵ liên quan đến của cải tài sản là vật thực, sự ganh tỵ liên quan đến thí chủ, thay vì mang về chùa để cúng dường cho vị tăng khách, vị trụ trì đã đổ bỏ các vật thực xuống cống rãnh rồi về chùa.
Ở chùa, vị tăng khách là một bậc Thánh A-ra-hán có thần thông nên biết được tâm và các hành động bất thiện của vị trụ trì, vị Thánh A-ra-hán nghĩ rằng: “Do tâm đố kỵ lābhamacchariya, kulamacchariya nên nếu ta vẫn tiếp tục ở chùa này thì vị trụ trì sẽ tiếp tục làm những điều bất thiện khác”, nên ngài A-ra-hán đã rời khỏi ngôi chùa đó bằng thần thông của mình. Khi trở về chùa, không thấy vị tăng khách, biết rằng vị tăng khách đã rời khỏi chùa bằng thần thông, lúc này vị trụ trì mới biết vị tăng khách đó là một bậc A-ra-hán và khởi tâm lo sợ về hành động bất thiện của mình.
Vì tâm lo sợ, nên vị Sư trụ trì lâm bệnh và trong một thời gian không lâu đã qua đời. Sau khi qua đời, vì tâm đố kỵ và những điều bất thiện cùng với sự lo lắng, sự hối lỗi vị trụ trì đã đọa vào địa ngục A-tỳ. Sau khi chịu hết những quả khổ ở địa ngục A-tỳ, vị ấy đã tái sinh làm năm trăm kiếp Dạ xoa. Trong suốt năm trăm kiếp làm Dạ xoa như vậy, không có một ngày nào có một bữa ăn no bụng. Sau khi trải qua năm trăm kiếp làm Dạ xoa không một bữa no bụng, tái sinh làm năm trăm kiếp chó cũng không có một bữa no bụng. Tất cả những quả xấu, những nỗi khổ trải qua nhiều kiếp như vậy là do tâm đố kỵ.
Sau khi trải qua năm trăm kiếp làm chó không một bữa no bụng, vào thời Đức Phật Gotama của chúng ta, vị này đã tái sinh làm người có tên là Losaka Tissa ở trong một ngôi làng thuộc xứ Kosala, đây là ngôi làng có khoảng một ngàn gia đình sống bằng nghề đánh cá. Kể từ khi Losaka Tissa tái sinh đầu thai vào trong lòng người mẹ ở tại ngôi làng này, ngôi làng gặp rất nhiều biến cố, như những người ra khơi đánh cá gặp rất nhiều khó khăn, không được nhiều cá như trước kia, không những thế Losaka Tissa đã khiến ngôi làng này bị lửa thiêu rụi bảy lần. Khi thấy có nhiều biến cố xảy ra trong ngôi làng đánh cá như vậy, dân làng đã tìm hiểu nguyên và phát hiện do Losaka Tissa đã sinh ra trong ngôi làng này. Vì vậy, dân làng đã tìm cách đuổi gia đình của Losaka Tissa, không cho ở trong ngôi làng này.
Đối với gia đình Tissa đầu thai vào cũng vậy, kể từ khi Losaka Tissa đầu thai vào người mẹ, trong gia đình cũng xảy ra nhiều biến cố, không có một bữa no bụng. Cũng bởi vì Losaka Tissa sinh ra trong gia đình, nên gia đình cũng không có một ngày nào yên ổn phải chạy loạn từ chỗ này qua chỗ khác. Vì có nhiều biến cố xảy ra với gia đình, với người mẹ của Losaka Tissa như vậy, người mẹ đã không chịu được, không còn kiên nhẫn được với những biến cố đó nữa. Khi Losaka Tissa được ba tuổi, người mẹ lấy một cái bát cho Losaka Tissa cầm đi đến một nơi không có người và đặt Losaka Tissa ở đó. Người mẹ chạy đi một nơi khác để Losaka Tissa một mình và tự đi xin ăn với cái bát ở trong tay.
Như vậy, mới lên ba tuổi Losaka Tissa đã không còn cha, không còn mẹ, không còn bất kỳ một người thân nào, chỉ có một chiếc bát ở trong tay đi xin ăn từ chỗ này qua chỗ khác. Mặc dù đi xin ăn nhiều nơi nhưng trong suốt một thời gian dài Losaka Tissa vẫn không có một bữa ăn no, cứ như vậy ngày qua ngày, đến lúc Losaka Tissa được bảy tuổi, khi đó vẫn với chiếc bát ở trong tay không có một mảnh áo lành lặn che thân và không tắm rửa, tóc tai bù xù.
Một ngày nọ, Ngài Sāriputta (Xá-lợi-phất) thấy Losaka Tissa đang bốc những hạt cơm rơi trên mặt đất, do người khác đổ đi, để ăn cho no bụng. Khi thấy hoàn cảnh của Losaka Tissa như vậy, Ngài Sāriputta đã thương cảm và hỏi Losaka Tissa về cha mẹ, người thân và biết rằng Losaka Tissa không còn một người thân vì đã bị bỏ rơi lúc ba tuổi. Với sự thương cảm, Ngài Sāriputta đã đưa về chùa và làm lễ xuất gia Sa-di cho Losaka Tissa. Khi làm một Sa-di sống trong chùa, mỗi ngày đi khất thực nhưng Losaka Tissa không được một thí chủ nào cúng dường vật thực, y phục, chỗ ở, thuốc chữa bệnh và Sa-di Losaka Tissa không có một bữa ăn no bụng. Cứ như vậy ngày qua ngày, Losaka Tissa đã được hai mươi tuổi, và được Ngài Sāriputta cho thọ giới Tỳ-khưu. Sau khi thọ giới Tỳ-khưu, Tỳ-khưu Losaka Tissa cũng không được một thí chủ nào cúng dường bốn món vật dụng y phục, thuốc chữa bệnh, chỗ ở và vật thực và cũng không có một lần ăn no bụng.
Tỳ-khưu Losaka Tissa không có phước đến nỗi khi đến những buổi lễ cúng dường bởi vua Kosala, những buổi cúng dường rất lớn mời rất nhiều vị chư tăng đến để đặt bát cúng dường, Tỳ-khưu Losaka Tissa cũng không được nhận thứ gì, không nhận được những vật thực. Vì khi những thí chủ nhìn vào bình bát của Tỳ-khưu Losaka Tissa nghĩ rằng bình bát đầy rồi nên họ không cúng dường nữa. Hoặc khi xếp hàng đi bát, mỗi lần Tỳ-khưu Losaka Tissa đến các thí chủ để các thí chủ đặt bát cúng dường, các thí chủ lại quên không cúng dường. Vì vậy trong suốt thời gian làm Tỳ-khưu, Losaka Tissa cũng không có một bữa ăn no bụng.
Tất cả những kết quả xấu, bất thiện, đau khổ như vậy đều do nhân là tâm đố kỵ. Mặc dù Tỳ-khưu Losaka Tissa có một đời sống rất khó khăn, không một ngày no bụng nhưng vẫn tinh tấn tu tập, thực hành thiền tuệ nên sau một thời gian Tỳ-khưu Losaka Tissa đã chứng đắc Thánh đạo Thánh Quả A-ra-hán. Trở thành một vị Thánh A-ra-hán nhưng Tỳ-khưu Losaka Tissa vẫn không có một bữa ăn no bụng cho đến ngày tịch diệt Niết-bàn.
Vì Ngài Sāriputta là thầy tế độ của Trưởng Lão Losaka Tissa, nên Ngài biết rằng Trưởng Lão Losaka Tissa đã trải qua một thời gian dài rất khó khăn, không một ngày có một bữa cơm no bụng và hôm nay Losaka Tissa sẽ tịch diệt Niết-bàn. Ngài Sāriputta khởi lên ý: “Hôm nay ta sẽ đi trì bình khất thực để giúp cho Losaka Tissa có một bữa ăn đầy đủ trước khi tịch diệt Niết-bàn”.
Ngài Sāriputta đã đi khất thực và sau khi có được những món ăn thượng vị, Ngài Sāriputta đã nhờ một người cư sĩ mang về cho Trưởng Lão Losaka Tissa. Trên đường đi, người cư sĩ ấy đã quên và không mang về cho Trưởng Lão Losaka Tissa mà ăn luôn những thức ăn đó. Nên ngày hôm đó Losaka Tissa vẫn không có một bữa ăn no bụng.
Khi Ngài Sāriputta trở về chùa hỏi đệ tử Losaka Tissa: “Hôm nay con có ăn được những vật thực mà Thầy gửi về hay không?”. Losaka Tissa thành thật trả lời: “Thưa Thầy, hôm nay con không ăn gì cả”. Khi nghe như vậy, Ngài Sāriputta đã khởi lên một sự động tâm mãnh liệt và thấy rất kinh cảm đối với nghiệp lực mà Losaka Tissa đã tạo. Khi biết đệ tử Losaka Tissa không ăn gì và khi đó đã quá giờ ngọ nên Ngài Sāriputta ôm bình bát đi đến Vua Kosala để nhà Vua cúng dường bốn món có thế sử dụng sau mười hai giờ, đó là dầu, mật ong, đường và bơ. Vua Kosala đã cúng dường đầy bình bát cho Ngài Sāriputta bốn món vật dụng này.
Khi mang về chùa cho Trưởng Lão Losaka Tissa bốn món vật dụng có thể sử dụng sau giờ ngọ, nhưng vì sợ bốn món thuốc chữa bệnh này có thể biến mất nếu Ngài Sāriputta không tự tay mình cầm bưng lên để cho đệ tử Losaka Tissa thọ dụng, với tâm từ của một vị Thầy, Ngài Sāriputta đã tự tay mình bưng bình bát và bảo Trưởng Lão Losaka Tissa hãy thọ dụng. Nhờ vậy mà Losaka Tissa đã thọ dụng bốn loại thuốc có thể sử dụng vào buổi chiều một cách thõa mãn và no bụng. Trong suốt cuộc đời của Losaka Tissa, đây là một bữa ăn no bụng cuối cùng với bốn món thuốc được Đức Phật cho phép dùng vào buổi chiều. Sau khi thọ dụng những vật thực, bốn loại thuốc mà Ngài Sāriputta đã mang về, không lâu Trưởng Lão Losaka Tissa đã tịch diệt Niết-bàn.
Vì sao sau khi xuất gia làm Sa-di, làm Tỳ-khưu cho đến khi trở thành một bậc Thánh A-ra-hán nhưng Losaka Tissa không có một bữa ăn nào no bụng? Đó là do một sát-na tâm bất thiện, tâm đố kỵ ở trong quá khứ để lại một kết quả vô cùng xấu như vậy. Vì một tâm bất thiện, tâm đố kỵ macchariya ở trong quá khứ mà sau đó Losaka Tissa đã bị hành hạ trải qua những khổ đau cùng cực ở địa ngục A-tỳ, phải chịu làm Dạ-xoa năm trăm kiếp không có một bữa no bụng, năm trăm kiếp chó cũng không có một bữa no bụng, đến khi làm người, làm Sa-di, Tỳ-khưu, làm bậc Thánh A-ra-hán cũng không có một bữa no bụng và chỉ có một bữa ăn no bụng vào ngày tịch diệt Niết-bàn.
Tất cả quả xấu, quả bất thiện là do tâm ganh tỵ, tâm đố kỵ ở trong quá khứ. Cho nên mỗi người chúng ta phải luôn cảnh giác và tinh tấn để những tâm đố kỵ về trú xứ, đố kỵ về gia đình, người thân, đố kỵ về tài sản của cải, đố kỵ liên quan đến sắc đẹp danh tiếng, đố kỵ liên quan đến pháp không có cơ hội sinh khởi. Để cho những tâm đố kỵ này không sinh khởi, mỗi hành giả chúng ta cần phải phát triển tâm hoan hỷ muditā là một trong Tứ vô lượng tâm mà mỗi hành giả của chúng ta cần phát triển, cần tu tập. Khi biết quả xấu của các tâm đố kỵ như vậy, mỗi chúng ta cần phải tu tập muditā tâm hỷ. Khi thấy sự thành công, hạnh phúc, của cải tài sản giàu có của người khác, thay vì ganh tỵ, đố kỵ, chúng ta cần phải phát triển tâm hoan hỷ, phải vui mừng, hoan hỷ với sự hạnh phúc, sự bình an, với tài sản của cải của người khác thì khi đó những tâm ganh tỵ, đố kỵ không có cơ hội khởi sinh và mới có thể tránh được những quả xấu ở trong hiện tại cũng như trong tương lai.
Ngài Tam Tạng thứ 15 khuyên và sách tấn mỗi chúng ta dù ở trong hoàn cảnh nào thì nên có sự hoan hỷ, vui mừng đối với thành công, tài sản, thân quyến, của cải, trú xứ và cho đến sự hiểu biết về Giáo Pháp. khi có tâm hoan hỷ đối với những người khác liên quan đến những thứ như vậy thì tâm mới được sự bình an ở trong hiện tại và mới tránh khỏi những quả xấu ở trong tương lai. Ngài cầu chúc cho tất cả những quý hành giả luôn có tâm hỷ, luôn phát tâm hỷ để có được sự bình an hiện tại và tránh khỏi những quả xấu trong tương lai./.