BÀI GIẢNG VỀ “XUẤT LY BA-LA- MẬT”
BÀI THUYẾT PHÁP TẠI THIỀN VIỆN PHƯỚC SƠN
(Bài giảng số 05 – Buổi chiều | Ngày 06/04/2023)
Thuyết giảng: Ngài Tam Tạng thứ 15 Bhaddanta Paññāvaṃsābhivaṃsa
Chuyển ngữ: Sư Thiện Đức – Kusalaguṇa Bhikkhu
Tiếp tục câu chuyện được kể vào buổi sáng về đôi bạn sinh ra cùng một ngày, một giờ, thân thiết từ nhỏ cho đến khi học đại học. Cuối cùng, hai người này đã xa lìa nhau. Một người sống độc cư ở trong rừng an hưởng sự hạnh phúc cao thượng xuất thế gian, một người tận hưởng những dục lạc thế gian tại hoàng cung của Quốc Độ Vārāṇasī. Sau bốn mươi năm xa cách, mỗi người đi một đường, có một hướng rẽ khác nhau trong cuộc đời.
Người làm vua vốn là một vị Hoàng tử có tên là Arindama, người xuất gia làm khất sĩ và trở thành một Đức Phật Độc Giác có tên là Sonaka (con của vị quan đại thần ở trong triều). Trong một thời gian dài (suốt bốn mươi năm), Vua Arindama đã tận hưởng các dục lạc ở trên thế gian và không còn nhớ đến người bạn cũ của mình. Điều đó nói lên rằng, những dục lạc trên thế gian có sức hút rất mãnh liệt. Bởi vì đam mê và thấm nhuần trong dục lạc nên tâm trí không còn đủ sáng suốt để nhớ về những gì tốt đẹp, kể cả những người bạn rất thân thiết của mình. Bản chất của dục lạc rất cám dỗ thu hút nên không chỉ đối với nhà Vua mà với tất cả những phàm nhân. Khi đã thụ hưởng các dục lạc thì tâm trí không còn biết những thứ tốt đẹp hơn, mà chỉ xuôi theo những dục lạc ở trên thế gian từ cái này đến cái khác.
Sau một thời gian dài làm Vua, đã sinh hạ rất nhiều hoàng tử và công chúa. Đến một lúc nhà Vua chợt nhớ đến người bạn của mình và suy nghĩ không biết bây giờ Sonaka – người bạn thân thiết từ nhỏ của mình đang ở nơi nào. Lúc đó nhà Vua giật mình, mới đó mà đã thấm thoát bốn mươi năm: sinh ra từ nhỏ, cùng chơi với nhau, cùng nhau đi học, cùng trở về và đến ở lại công viên tại thành Vārāṇasī. Nhà Vua nghĩ rằng: “Ta đã từng có suy nghĩ: khi ta lên làm Vua sẽ cân nhắc người bạn của mình lên làm đại tướng, nhưng nay không biết bạn ở nơi nào”. Khi suy nghĩ bâng quơ như vậy, nhà Vua không biết phải diễn tả như thế nào, tự nhiên rất kinh cảm đối với sự xa lìa đột ngột như vậy và đã thấm thoát bốn mươi năm.
Sau đó, nhà vua nghĩ đến việc đi tìm người bạn thân thiết của mình. Vua sai các vị quan trong triều, bằng nhiều cách khác nhau, nhiều phương tiện như xe ngựa, voi hoặc bất kỳ phương tiện nào, tìm kiếm bằng được người bạn thân nhất của mình. Nhà Vua đã cho các vị quan đi khắp nơi trong quốc độ Vārāṇasī để tìm kiếm người bạn. Tuy nhiên, Đức Phật Độc Giác Sonaka khi đó đã ở trong một khu rừng sâu, nơi không ai có thể dễ dàng đến được, nên dù sai nhiều người đi tìm kiếm khắp nơi trong quốc độ Vārāṇasī, nhà Vua vẫn không tìm được người bạn thân thiết thuở xưa.
Mặc dù đã đi tìm kiếm khắp nơi nhưng không tìm được người bạn, cuối cùng nhà Vua nghĩ ra một cách: “Bây giờ ta sáng tác một bài hát để lưu truyền trong khắp nhân gian, đến tai người bạn mình thì mới có thể tìm được”. Nhà Vua đã sáng tác một khúc nhạc và bắt đầu hát ở trong cung. Khúc nhạc có nội dung là: “Người bạn thân nhất Sonaka của ta đâu? Nếu ai nghe được ở nơi đâu sẽ được thưởng một trăm đồng tiền vàng, nếu ai thấy được ở nơi đâu sẽ được thưởng một ngàn đồng tiền vàng. Này người bạn thân thiết Sonaka đang ở đâu?”.
Sau khi sáng tác khúc nhạc này, nhà Vua hát cả khi ăn cơm, trước khi đi tắm, khi hội họp với quần thần và sau khi hồi cung nhà Vua cũng hát bài hát này. Vì hát nhiều lần như vậy, nên ở trong cung từ quan đại thần đến các cung nữ dường như ai cũng thuộc bài hát này. Từ đó, khắp nơi trên đất nước Vārāṇasī có rất nhiều người thuộc bài hát này. Kể cả ở những vùng thôn quê, những người nông dân, người chăn trâu, trẻ em cũng thuộc và hát bài hát này mỗi ngày. Họ biết rằng, bài hát này bắt nguồn từ hoàng cung và nhà Vua rất thích, tâm đắc bài hát này. Trải qua mười năm, vẫn không thấy tăm tích của người bạn mình. Như vậy, hai người bạn thân thiết đã xa rời nhau suốt năm mươi năm chưa gặp lại.
Trong suốt thời gian xa cách, Đức Phật Độc Giác Sonaka vẫn biết người bạn của mình là Vua Arindama đang ở đâu. Đức Phật Độc Giác Sonaka cũng biết người bạn của mình đang nghĩ đến mình, nhưng vì thấy chưa thích hợp để gặp bạn và có thể giáo hoá, nên trong suốt mười năm, Đức Phật Độc Giác vẫn không đến gặp nhà Vua Arindama. Sau bốn mươi năm xa cách và mười năm tìm kiếm, tổng cộng năm mươi năm, Đức Phật Độc Giác Sonaka thấy đã đến lúc thích hợp để gặp người bạn thân nhất của mình. Nên Ngài từ rừng sâu ngự đến công viên tại kinh thành Vārāṇasī và nghỉ ngơi ở đó.
Khi đó, có một đứa trẻ vào công viên kiếm củi. Đứa trẻ này cũng thuộc bài hát mà nhà vua đã sáng tác và cứ hát như vậy trong khi kiếm củi. Khi nghe được tiếng hát của đứa trẻ, Đức Phật Độc Giác Sonaka gọi đứa trẻ và hỏi: “Con đang hát gì vậy, bài hát này ở đâu và vì sao con thuộc bài hát này?”. Mặc dù biết bài hát này và biết bài hát có xuất xứ từ đâu, Đức Phật vẫn hỏi để đứa trẻ trả lời. Đứa trẻ đã trả lời: “Thưa Tôn Giả, bài hát này rất nổi tiếng ở đất nước Vārāṇasī và con được nghe bài hát này từ bố mẹ. Không những bố mẹ con và con hát mà còn rất nhiều người trên đất nước Vārāṇasī đều thuộc và hát bài hát này”.
Sau đó Đức Phật Độc Giác Sonaka đã dạy cho đứa trẻ một bài nhạc đối khúc với bài nhạc mà nhà Vua đã sáng tác để báo cho nhà Vua biết đã tìm thấy bạn. Bài hát nói lên rằng đứa trẻ đã nghe và nhìn thấy người tên là Sonaka bạn của nhà Vua. Hãy trao cho đứa trẻ một trăm đồng tiền vàng vì đã nghe và một ngàn đồng tiền vàng vì đã thấy người bạn của nhà Vua.
Đức Phật Độc Giác Sonaka bảo đứa bé rằng: “Bây giờ con hãy học thuộc bài hát này và đi về nhà, sau đó hãy cùng cha mẹ đi đến hoàng cung và xin vào hoàng cung để hát bài hát này cho nhà Vua nghe thì bố mẹ của con và con sẽ được thưởng rất nhiều tiền”. Nghe lời như vậy đứa trẻ đã làm theo.
Đứa trẻ cùng cha mẹ đã đi vào hoàng cung và hát bài hát đối khúc mà Đức Phật Độc Giác Sonaka đã dạy. Sau đó gia đình đứa trẻ được thưởng một ngàn một trăm đồng tiền vàng từ nhà Vua.
Khi nghe đứa trẻ hát bài hát như vậy, nhà Vua rất cảm kích, vui mừng vì biết rằng mình sẽ được gặp người bạn thân thiết đã sau năm mươi năm xa cách. Nên không đợi thêm một giờ một phút nào nữa, ngay lập tức nhà Vua đã tìm gặp người bạn của mình ở công viên trong thành Vārāṇasī.
Nhà Vua đến công viên, nơi Phật Độc Giác Sonaka, người bạn thân thiết của mình đã xa cách năm mươi năm đang ngự. Do đã xa cách nhau năm mươi năm nên hình dáng của người bạn rất khác, vì vậy mặc dù người bạn thân thiết đang ở trước mặt nhưng nhà Vua Arindama vẫn chưa nhận ra. Đức Phật Độc Giác Sonaka có hình tướng hoàn toàn khác xưa: đầu đã cạo tóc và mặc y Saṅghāti nhìn qua rất tầm thường, khiến nhà Vua nghi ngờ liệu đây có phải người bạn thân thiết với mình hồi xưa không. Sau khi gặp nhau, nói chuyện, trao đổi, tìm hiểu, nhà Vua Vārāṇasī biết đây thực sự là người bạn thân thiết đã xa cách suốt năm mươi năm.
Khi gặp nhau, Đức Phật Độc Giác Sonaka thấy đã đến lúc thích hợp để giáo hóa người bạn thân xa cách năm mươi năm, nay là một vị Vua Arindama trị vì quốc độ Vārāṇasī. Đức Phật Độc Giác Sonaka nói với nhà Vua Arindama rằng: “Này Đại Vương, trong suốt năm mươi năm Đại Vương đã hưởng thụ bao nhiêu dục lạc, lợi dưỡng ở trên đời này rồi. Bây giờ đã đến lúc Đại Vương từ bỏ sự ràng buộc, dính mắc trong dục lạc thế gian. Vì những dục lạc này sẽ khiến cho Đại Vương đau khổ”.
Khi đến thăm người bạn đã xa cách năm mươi năm, trong thâm tâm nhà Vua nghĩ rằng, mình sẽ khuyến khích bạn trở về hoàng cung để cùng nhau cai trị đất nước và sẽ cân nhắc bạn lên làm đại tướng quân. Nhưng khi gặp lại, không những nhà Vua không thể thuyết phục được bạn, mà bạn lại khuyên nhà Vua từ bỏ hoàng cung, từ bỏ những thứ xa hoa đã thụ hưởng trong suốt năm mươi năm qua.
Đức Phật Độc Giác Sonaka tiếp tục khuyên nhà Vua Arindama bằng nhiều cách, nhiều ví dụ khác nhau. Trong đó, Đức Phật Độc Giác ví dụ những dục lạc trên thế gian kể cả ngai vàng điện ngọc của nhà Vua chỉ giống như giấc mơ, không tồn tại mãi mãi. Bằng nhiều phương tiện, nhiều ví dụ, Phật Độc Giác Sonaka đã khuyến khích người bạn của mình từ bỏ ngai vàng, danh lợi trên thế gian để xuất gia. Khi đó nhà Vua Arindama thưa với Đức Phật Độc Giác Sonaka người bạn của mình rằng: “Thưa Tôn Giả, con bây giờ còn nhiều hoàng tử, công chúa, biết bao nhiêu cung nữ đang đợi ở hoàng cung, rồi còn thần dân, quốc độ nếu không có ai cai trị, giúp đỡ thì sẽ như thế nào? Cho nên chưa đến lúc để con từ bỏ những thứ này”.
Với nhiều cách, nhiều phương tiện khác nhau, Đức Phật Độc Giác Sonaka đã khuyến khích, sách tấn nhà Vua Arindama, nhưng nhà Vua vẫn tìm nhiều lý do để từ chối. Cuối cùng, Đức Phật Độc Giác Sonaka đã lấy một ví dụ để giải thích với nhà Vua:
Trước kia, có một con quạ trong khi đi tìm thức ăn, thấy xác chết của một con voi đang từ từ di chuyển trên dòng sông Ganga (sông Hằng ở Ấn Độ). Con quạ rất vui mừng vì đã thấy được thức ăn đang trôi trên dòng sông, nó vươn mình và đậu xuống xác con voi để ăn thịt. Con quạ nghĩ rằng thật may mắn cho ta trong lúc đi tìm thức ăn, lại được một món ăn to lớn như thế này. Ta có thể sống trọn đời với đống thức ăn to lớn này, và khi khát nước ta có thể uống nước dòng sông Hằng. Ta có thể vùi mình trên đống thức ăn này! Con quạ lấy làm mãn nguyện vì nghĩ có thể hưởng đống thức ăn này trọn cuộc đời mà không cần đi tìm thức ăn ở nơi khác.
Cho nên, cứ đói bụng con quạ lấy thức ăn và ăn, mỗi lần khát nước, chỉ việc lấy nước ở dòng sông Hằng uống và khi buồn ngủ, có thể ngủ luôn trên xác chết của con voi. Mỗi ngày, mỗi ngày, con quạ đều tận hưởng xác chết của con voi ở trên dòng sông Hằng như vậy mà không biết những gì đang xảy ra xung quanh.
Vì vậy, khi xác chết con voi đã từ từ trôi ra khỏi cửa biển, con quạ vẫn không biết chuyện gì đang xảy ra. Cứ thế xác con voi trôi theo dòng nước biển, dần dần càng ngày càng xa bờ mà con quạ vẫn hoàn toàn không biết, vì đang tận hưởng những gì nó đang có. Mặc dù con quạ nghĩ nó sẽ sống suốt cuộc đời với đống thức ăn như nó đang có. Trải qua thời gian, xác con voi cũng từ từ thối rữa. Khi ra đến biển xác chết con voi dường như đã tan rã chỉ còn lại bộ xương và sẽ chìm sâu dưới biển.
Khi đó con quạ mới chợt nhận ra mình đang từ từ tiếp xúc với mặt nước biển, nó đã cố gắng bay lên nhưng vì đang ở rất xa bờ biển, với sức lực của mình, con quạ không thể bay trở lại bờ. Mặc dù tìm kiếm nhiều phương hướng khác nhau nhưng cuối cùng cũng không thấy được bờ biển. Sức cùng lực cạn, con quạ không thể bay được, đã rơi xuống và chết ở trên mặt biển.
Sau khi đã dùng nhiều phương tiện giáo hóa nhà vua Arindama, cuối cùng Đức Phật Độc Giác Sonaka lấy ví dụ của con quạ để giải thích cho nhà Vua về sự tham đắm dục lạc ở thế gian nguy hiểm như thế nào. Với ví dụ này, Đức Phật Độc Giác Sonaka đã giáo hóa, giúp nhà Vua Arindama tỉnh ngộ.
Đức Phật Độc Giác Sonaka nói với nhà Vua rằng: “Này Đại Vương, Đại Vương thấy đó, tất cả dục lạc ở trên đời cũng giống xác chết của con voi. Đại Vương đã hưởng thụ những dục lạc trên thế gian thì cũng giống như con quạ cho rằng xác chết của con voi là cứu cánh, là những gì có thể nương tựa suốt đời nhưng cuối cùng thì thế nào, chuyện gì đã xảy ra? Nên Đại Vương hãy từ bỏ cung vàng, điện ngọc, từ bỏ dục lạc trên thế gian mà Đại Vương từng cho là cứu cánh. Nếu Đại Vương bám víu vào những dục lạc đó, Đại Vương hãy xem kết cục của con quạ như thế nào”.
Với những lời giáo hóa sách tấn như vậy, nhà Vua đã tỉnh ngộ, sau đó từ bỏ cung vàng, điện ngọc và xuất gia. Nhà Vua thưa với Đức Phật Độc Giác Sonaka rằng: “Thưa Tôn giả, nay con đã hiểu ví dụ mà Tôn giả giải thích cho con, con đã tỉnh thức và không thể chờ đợi nữa cho nên từ nay về sau con sẽ xin xuất gia và thực hành Chánh Pháp”.
Bằng một bài kệ, nhà Vua Arindama thưa với Đức Phật Độc Giác Sonaka rằng: “Thưa Tôn giả, từ nay về sau con không thể nào chịu được cảnh giống như con quạ ở trên xác chết của con voi, cho nên con sẽ từ bỏ tất cả những người thân, kể cả người thân yêu nhất và những gì mà con trân quý nhất bởi vì tất cả những thứ này như Tôn giả đã dạy bảo thì chỉ giống như xác chết của con voi. Từ nay về sau, con sẽ không có hứng thú đối với xác chết của con voi này nữa và xin Tôn giả chứng minh cho con, con sẽ xuất gia từ bỏ tất cả dục lạc ở trên thế gian này”. Ngay tại lúc đó, nhà Vua đã truyền ngôi lại cho vị hoàng tử và ngay ngày hôm đó đi vào rừng xuất gia, sống độc cư ở trong rừng và thực hành những Pháp cao thượng.
Sau khi vào rừng để tu tập Pháp cao thượng, nhà Vua Arindama đã chứng đắc được các tầng thiền định, chứng đắc được các loại thần thông và sau khi thân hoại mạng chung, nhà Vua – đạo sĩ Arindama đã tái sinh vào cõi Trời Phạm Thiên.
Sau khi kể câu chuyện tiền thân, Đức Phật nói rằng: “Phật Độc Giác Sonaka lúc bấy giờ đã tịch diệt Niết-bàn, còn nhà Vua Arindama sau đó trở thành đạo sĩ tu tập trong rừng, chứng đắc các tầng thiền định và các loại thần thông chính là Như Lai bây giờ”.
Đó là một kiếp của Đức Phật Gotama trong quá khứ, khi còn là một vị Bồ Tát thực hành phẩm hạnh xuất ly Ba-la-mật, một trong mười phẩm hạnh Ba-la-mật được thực hành bởi vị Bồ Tát để trở thành một Đức Phật Toàn Giác.
Trong bài pháp thoại buổi sáng, Ngài Tam Tạng thứ 15 đề cập đến bốn hạng người:
– Hạng người thứ nhất, là hạng người sinh ra và lớn lên hưởng thụ dục lạc, sau đó chết đi trong sự ràng buộc và dính mắc của dục lạc thế gian.
– Hạng người thứ hai, là người khi sinh ra lớn lên sống trong ràng buộc và dính mắc của dục lạc thế gian nhưng sau đó từ bỏ những dục lạc đó xuất ly trở thành một vị xuất gia, hành giả tu tập và chết trong sự giải thoát khỏi những ràng buộc của các dục lạc thế gian.
– Hạng người thứ ba, là hạng người mà khi sinh ra lớn lên không bị ràng buộc bởi những dục lạc của thế gian nhưng sau đó bị ràng buộc, dính mắc trong các dục lạc của thế gian và cũng chết trong sự dính mắc của dục lạc thế gian.
– Hạng người thứ tư, là hạng người sinh ra lớn lên và khi chết cũng không bị ràng buộc bởi các dục lạc của thế gian.
Trong bốn hạng người này, Đức Bồ Tát trong câu chuyện tiền thân Đức Phật đã kể là hạng người thứ hai. Đó là: khi sinh ra và lớn lên trong sự ràng buộc, dính mắc với các dục lạc ở trên đời, nhưng sau đó đã xuất gia trở thành một vị khất sĩ tu tập trong rừng, thực hành Pháp cao thượng, đã chứng đắc các tầng thiền định và các thắng trí thần thông.
Mỗi hành giả chúng ta có thể xác định được mình thuộc hạng người nào trong bốn hạng người này. Khi sinh ra và lớn lên ở trên thế gian, chúng ta thường bị ràng buộc bởi con cái, thân bằng quyến thuộc, bởi tài sản mà chúng ta đã tìm kiếm, có được và đã sở hữu. Nhưng khi hiểu được tất cả những sự ràng buộc dục lạc này giống như giấc mơ, giống như xác chết của con voi đang trôi lềnh bềnh trên dòng sông, mỗi hành giả chúng ta mới có sự cảnh tỉnh, từ đó mới có thể tìm cách để thoát khỏi sự nguy hiểm của sự ràng buộc, dính mắc đối với các món dục lạc trên đời.
Mặc dù chúng ta là những hành giả chưa thể cắt đứt những sự ràng buộc đối với gia đình, đối với con cháu, đối với của cải tài sản, nhưng với tâm niệm mỗi ngày như vậy, ta sẽ cố gắng từ bỏ bằng cách thực hành Pháp như: đến chùa, đến thiền viện để tu tập. Mỗi sự cố gắng như vậy cũng là một sự cố gắng xuất ly. Làm được như vậy (đến chùa, đến thiền viện để tu tập) chỉ trong một giờ hay một ngày, cũng có thể tạo được một duyên xuất ly Ba-la-mật giống như nội dung của tích truyện tiền thân Đức Phật. Mỗi khi khởi lên một tâm xuất ly, mỗi tâm đó cũng đã gieo duyên xuất ly Ba-la-mật ở trong kiếp sống hiện tại.
Khi mỗi hành giả đến chùa, đến thiền viện để tu tập hành thiền, nghe Pháp là đang thực hành pháp hạnh Nekkhamma Pāramī (xuất ly Ba-la-mật). Vì vậy, nếu chúng ta huân tập mỗi ngày, mỗi tháng thì mỗi lần tu tập như vậy, chúng ta đã gieo được một duyên xuất ly Ba-la-mật. Nếu huân tu từ từ, mỗi ngày ta làm được một lần, hai lần hay một giờ, hai giờ, đến một lúc phẩm hạnh xuất ly Ba-la-mật của mỗi hành giả sẽ được lớn hơn. Nhờ những duyên xuất ly Ba-la-mật mà chúng ta đã huân tu trong một thời gian, sự tu tập của chúng ta dần dần sẽ đến gần với Đạo Quả, Niết-bàn. Đây là sự huân tu rất quan trọng, gieo một nhân, một duyên xuất ly Ba-la-mật ở trong hiện tại, để trong tương lai tiến gần đến Đạo Quả Niết-bàn và sau cùng có thể đạt đến Đạo Quả Niết-bàn, giải thoát khỏi mọi cảnh khổ tử sinh, luân hồi trong Tam giới.
Đó là bài pháp thoại của Ngài Tam Tạng thứ 15 về đề tài “Xuất ly Ba-la-mật” mà Ngài đã thuyết giảng trong buổi sáng và buổi chiều hôm nay. Ngài cầu chúc cho tất cả quý hành giả được thân tâm an lạc và luôn tinh tấn tu tập phẩm hạnh xuất ly Ba-la-mật mỗi tháng, mỗi ngày. Mỗi lần rất ít nhưng nhiều lần sẽ trở nên to lớn và có những sự trợ duyên rất lớn cho sự tu tập của mỗi hành giả.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!