TÍCH TRUYỆN ĐỨC PHẬT ĐỘC GIÁC SONAKA VÀ BỐN HẠNG NGƯỜI
BÀI THUYẾT PHÁP TẠI THIỀN VIỆN PHƯỚC SƠN
(Bài giảng số 05 – Buổi Sáng | Ngày 06/04/2023)
Thuyết giảng: Ngài Tam Tạng thứ 15 Bhaddanta Paññāvaṃsābhivaṃsa
Chuyển ngữ: Sư Thiện Đức – Kusalaguṇa Bhikkhu
Để bắt đầu buổi Pháp thoại sáng hôm nay, trước hết Ngài Tam Tạng thứ 15 cầu chúc cho tất cả quý hành giả, chư Phật tử, thiện nam tín nữ được nhiều sức khỏe an vui, tránh khỏi mọi điều rủi ro tai hại, được thành tựu những hạnh phúc ở cõi người, cõi Trời và hạnh phúc cao thượng Niết-bàn.
Ngài muốn chia sẻ đến tất cả hành giả chúng ta một bài Pháp thoại liên quan đến sự xuất gia Ba-la-mật (Nekkhamma Pāramī). Đây là một trong mười Ba-la-mật khi còn là vị Bồ Tát, Đức Phật của chúng ta đã thực hành trong nhiều đại kiếp.
Trước hết, chúng ta cần ghi nhận rằng ở trên thế gian có ví dụ liên quan đến bốn loại chim.
Thứ nhất là loại chim bị người ta bắt và nhốt vào lồng (thậm chí từ khi mới sinh ra đã bị bắt vào lồng), lớn lên và chết đi ở trong lồng.
Thứ hai là loại chim bị người ta bắt khi còn nhỏ, nuôi ở trong lồng, nhưng ở giai đoạn cuối con chim đó được thoát ra khỏi lồng, sống và chết ở bên ngoài một cách tự do.
Thứ ba là loại chim bị người ta bắt từ khi còn nhỏ, sau đó thoát ra khỏi lồng, nhưng cuối cùng bị bắt lại nhốt vào trong lồng, và chết ở trong lồng.
Thứ tư là loại chim từ nhỏ không bị người ta bắt, nhốt vào lồng, được sống và lớn lên một cách tự do ở bên ngoài. Giai đoạn cuối cuộc đời, khi chết đi chim đó cũng được tự do chết ở bên ngoài.
Trên đây là bốn ví dụ liên quan đến loài chim. Cũng giống như ví dụ đó, ở trên đời loài người chúng ta cũng có 4 hạng người như vậy.
Hạng người thứ nhất là những người sinh ra và lớn lên ở trong gia đình, sống dính mắc, ràng buộc với bà con thân quyến, với con, với cháu, vv… Cuối cuộc đời, người đó cũng sống với sự ràng buộc, dính mắc với con, với cháu. Khi mất đi, cũng mất trong sự ràng buộc với con, với cháu, với bà con thân quyến.
Hạng người thứ hai là những người sinh ra và sống trong gia đình, bị sự ràng buộc, dính mắc bởi của cải, tài sản, con cái, quyến thuộc. Sau đó, người ấy xuất gia, sống không gia đình, thoát khỏi sự dính mắc, thoát khỏi sự ràng buộc của con cái, vật chất. Người đó cũng chết trong sự không ràng buộc với con cái. Đó là những hạng người xuất gia. Hay là các hành giả chúng ta, mặc dù không xuất gia, nhưng đến thiền viện để tu tập, hành thiền, nghe Pháp. Cuối cuộc đời cũng chết trong sự thực hành Giáo Pháp.
Hạng người thứ ba là những người khi còn trẻ xuất gia hoặc đến thiền viện, đến chùa để tu tập, không bị ràng buộc, dính mắc bởi tài sản, của cải, con cái, quyến thuộc. Nhưng sau đó hoàn tục, hoặc trở về nhà sống với con cháu, quyến thuộc, bị ràng buộc bởi vật chất, của cải, bởi thân bằng quyến thuộc. Người đó cũng chết đi trong sự ràng buộc, dính mắc đối với của cải, tài sản, con cái, vv…
Hạng người thứ tư là những người xuất gia, tu tập khi còn trẻ, khi lớn tuổi tiếp tục xuất gia, tu tập, sống một cuộc đời không bị ràng buộc, dính mắc bởi tài sản, của cải, bởi con cái, thân bằng quyến thuộc. Người đó cũng chết đi trong sự không ràng buộc bởi những của cải, tài sản và con cháu.
Đối với loài chim có loại, và trên thế gian ở cõi Người cũng có bốn hạng người như vậy. Sau khi nghe bốn hạng người này, mỗi chúng ta có thể hiểu và biết rằng mình thuộc hạng người nào trong bốn hạng người.
Khi biết rằng mình thuộc hạng người nào trong bốn hạng người này, mỗi người, mỗi hành giả sẽ xác định được phương hướng. Một hành giả cần biết rằng sống trong sự ràng buộc, dính mắc là một đời sống không có sự tự do, giải thoát. Khi biết sống một cuộc sống không dính mắc, không ràng buộc là một cuộc sống tự do, an lạc, tự tại, thì mỗi người khi biết mình bị ràng buộc, dính mắc, phải cố gắng tinh tấn để thoát khỏi sự ràng buộc, dính mắc đó.
Ngài Tam Tạng thứ 15 chia sẻ với chúng ta một câu chuyện liên quan đến Đức Bồ Tát khi Ngài còn thực hành mười pháp hạnh Ba-la-mật trước khi Ngài trở thành vị Phật Toàn giác.
Vào thời Đức Phật, ở xứ Magadha (Ma Kiệt Đà), có một vị hoàng tử con của nhà vua xứ Magadha tên là Arindama, và con của một vị Quốc sư tên là Sonaka. Hai cậu bé này, Hoàng tử Arindama và Công tử Sonaka sinh ra cùng một ngày, một giờ và từ nhỏ sống với nhau rất gần gũi, trở thành những người bạn rất thân thiết từ khi còn trẻ.
Khi đến tuổi trưởng thành, lúc 16 tuổi, hai cậu bé này được gửi đến một xứ nổi tiếng về học thuật để học hỏi những môn liên quan đến trị vì đất nước cũng như những môn nghệ thuật khác. Sau khi học hỏi, tinh thông các môn khoa học, các môn học cần thiết để trị vì đất nước, hai người đã trở về xứ sở của mình để phục vụ. Trên đường trở về, cả hai người đã ghé vào xứ Vārāṇasī để tìm hiểu, nghỉ ngơi. Hai người đã vào nghỉ trong một công viên. Sau đó, hai chàng thanh niên đi vào thành Vārāṇasī và gặp một lễ hội, ở đó các vị Bà-la-môn tập các bài chú thuật. Trong lễ hội này, có một vị Bà-la-môn biết hai chàng thanh niên từ nơi xa đến đã mời hai chàng thanh niên tham dự lễ hội và hai chàng thanh niên đã nhận lời.
Khi đến tham dự lễ hội, Hoàng tử Arindama mặc một bộ đồ trắng và Công tử Sonaka mặc một bộ màu đỏ. Vị công tử vốn rất giỏi về môn tướng số, nên khi nhìn thấy vị Hoàng tử Arindama mặc bộ đồ trắng đã đoán biết rằng hôm nay Hoàng tử Arindama sẽ lên làm vua. Bản thân Công tử Sonaka biết rằng hôm nay mình cũng sẽ trở thành một vị tướng quân. Sau khi tham dự lễ hội, hai chàng thanh niên trở lại công viên ở thành Vārāṇasī, Hoàng tử Arindama nằm trên một phiến đá và ngủ thiếp đi. Công tử Sonaka đứng gác một bên để bảo vệ Hoàng tử Arindama.
Khi đó, ở kinh thành Vārāṇasī có một vị vua không có con trai, không có người tiếp nối ngai vàng. Sau khi vị vua băng hà, quốc độ Vārāṇasī chưa có người lên ngai vàng của nhà vua. Theo Di huấn của nhà vua, có một lá thư vua viết để tìm người nối dõi, tiếp tục cai trị quốc độ Vārāṇasī. Khi có được lá thư đó, các vị quan trong triều bắt đầu tìm người tiếp nối ngai vàng và sai người mang lá thư này đi tìm người xứng đáng tiếp nối ngai vàng tại kinh thành Vārāṇasī. Người mang lá thư này đi đến công viên mà Hoàng tử Arindama đang nghỉ ngơi. Khi người mang thư đang đi vào công viên, công tử Sonaka biết rằng: “Hôm nay chắc chắn Hoàng tử Arindama sẽ lên ngai vàng tại kinh thành Vārāṇasī. Nếu ta đứng gác để bảo vệ Hoàng tử Arindama tại nơi đây thì ta sẽ trở thành một vị đại tướng. Nhưng ta không muốn trở thành một vị tướng quân, nên thay vì đứng đây, ta hãy đi một nơi khác để lánh mặt”.
Khi vị quan mang thư đến công viên thì chỉ nhìn thấy Hoàng tử Arindama đang nằm trên phiến đá và họ biết rằng đây là người xứng đáng để tiếp nối ngai vàng tại quốc độ Vārāṇasī. Họ đã thỉnh mời hoàng tử Arindama trở về hoàng cung tại xứ Vārāṇasī để lên ngai vàng tiếp nối vị vua đã băng hà. Công tử Sonaka vì đi lánh mặt ở một nơi khác nên vẫn còn ở trong công viên. Kể từ đó, hai người bạn thân từ nhỏ cùng nhau chơi đùa, cùng nhau đi học cuối cùng đã xa lìa nhau.
Hoàng tử Arindama lên làm vua tại xứ Vārāṇasī có đầy đủ những thứ ở trên đời bao gồm các vị quan đại thần, cung phi mỹ nữ, những tài sản, báu vật, nên nhà Vua Arindama đã không còn nhớ đến người bạn thân của mình. Trong suốt 40 năm, Vua Arindama đã trị vì quốc độ Vārāṇasī, thụ hưởng những thứ quý giá nhất ở trên đời tại hoàng cung và không nghĩ, không nhớ về người bạn thân từ nhỏ cũng như khi đi học.
Công tử Sonaka sau khi nhìn thấy Hoàng tử Arindama được rước đi để lên ngôi vương, đã đi lại và ngồi xếp bằng trên phiến đá mà Hoàng tử Arindama đã nằm. Công tử Sonaka vốn là một người từ nhỏ không có tâm hưởng thụ các dục lạc mà thường có xu hướng xuất ly và tâm hướng đến việc thực hành Chánh Pháp. Sau khi Hoàng tử Arindama được rước đi, Công tử Sonaka đã ở lại công viên và đi đến một gốc cây, ngồi để suy tư. Khi đó vào khoảng giữa tháng Một và tháng Hai tính theo dương lịch, là thời gian có những cây trong công viên rụng lá. Trong lúc Công tử Sonaka đang ngồi suy tư dưới gốc cây, có một cây gần đó đang rụng lá. Công tử Sonaka quan sát lá cây cứ rụng xuống từ từ hình thành nên một đống lá trên mặt đất. Khi nhìn thấy những chiếc lá rơi xuống đất, trong tâm tưởng của Công tử Sonaka khởi lên một ý niệm: Những chiếc lá này khi mới bắt đầu hình thành rất xanh và đẹp, khi lớn lên những lá cây từ màu xanh nhạt trở nên màu xanh đậm, rồi trở nên vàng úa và rơi rụng xuống mặt đất.
Với sự suy tư như vậy, Công tử Sonaka đã hiểu rõ được tiến trình sinh, già và chết của sự vật. Cảnh tượng lá cây khi mới bắt đâm chồi nảy lộc, rồi đến khi lớn lên và chuyển màu từ màu xanh nhạt đến màu xanh đậm, chuyển qua màu vàng úa và rụng xuống. Những lá cây rụng xuống cho đến chiếc lá cuối cùng khi trên cây không còn chiếc lá nào. Công tử Sonaka đã suy tư về sự sinh, sự diệt của lá cây và của vạn vật ở xung quanh mình. Từ sự suy tư đó Công tử Sonaka đã hướng tâm mình suy tư về các chúng sinh. Các chúng sinh cũng như vậy, sinh ra, lớn lên, rồi chết đi, không khác gì vạn vật ở xung quanh mình.
Loài người cũng vậy, sinh ra, lớn lên rồi chết đi. Mặc dù, theo từng giai đoạn, mỗi giai đoạn có những sự tốt đẹp như sắc đẹp, sức mạnh. Vào độ tuổi 20-30 thường là giai đoạn mà sắc đẹp, sức mạnh đều có mặt, nhưng sau đó sẽ không còn nữa. Công tử Sonaka đã suy tư từ vạn vật xung quanh đến các loài chúng sinh hữu tình theo hướng sinh, già, chết như vậy. Khi đến tuổi 40-50-60 là giai đoạn mà sắc đẹp, sức khoẻ bắt đầu giảm sút, đến tuổi 70 khi đó lưng còng, chân yếu, tóc bạc, da nhăn, cũng giống như lá cây ban đầu xanh nhạt, đến xanh đậm, sau đó vàng úa. Đến tuổi 75-80 là giai đoạn mà các loại bệnh bắt đầu xuất hiện rất nhiều, khi đó có người chết do bệnh, có người chết do già yếu, cũng giống như lá cây sau khi vàng úa đã rơi rụng, lìa cành và rơi xuống đất.
Sau khi suy tư như vậy, Công tử Sonaka đã thấy rằng vạn vật ở trên đời, dù là vô tình hay là các chúng sinh hữu tình, tất cả cuối cùng rồi cũng đi đến sự chết, sự hoại diệt. Từ việc quán tưởng sự sinh, già và chết, từ lá cây, vạn vật xung quanh cho đến các loài hữu tình, Công tử Sonaka sau đó đã hướng tâm quay vào bên trong và quan sát thân tâm của mình. Vị công tử đã thấy rõ sự sinh diệt của danh pháp, sắc pháp ở trong thân, tâm, và đã phát triển những loại trí tuệ của thiền tuệ, hiểu rõ bản chất thực của thân, tâm. Khi quan sát ở bên ngoài cũng như quan sát ở bên trong mình, công tử đã hiểu rằng không những các loài vô tình hay hữu tình ở bên ngoài mà chính bản thân ta đây, thân, tâm này cũng sinh, già rồi chết. Nay mặc dù ta mới 20 tuổi, một cái tuổi rất đẹp, có đầy đủ sắc đẹp, sức khoẻ nhưng rồi sau này sẽ thế nào? Cũng sẽ giống như các loài vật vô tình như lá cây và vạn vật xung quanh ta, cũng giống như các loài chúng sinh khác, cuối cùng rồi cũng sẽ đi đến sự chết, sự hoại diệt.
Khi Công tử Sonaka có sự suy tư như vậy, sự hiểu biết trở nên chín muồi và đã hướng tâm vào thấy rõ các Pháp vi tế ở trong thân và tâm, thấy rõ bản chất thực của thân, tâm là luôn thay đổi, biến hoại, vô thường. Vì thay đổi, biến hoại, vô thường, nên không có gì để dính mắc, để tham đắm, và hiểu rõ bản chất thực của thân, tâm là do điều kiện làm khởi sinh lên không có sai bảo hay không thể nào thay đổi được. Vì vậy mà Công tử Sonaka đã hiểu được Tam tướng (vô thường, khổ, vô ngã) của danh pháp và sắc pháp ở trong thân, tâm của mình. Ngay tại chỗ ngồi này, Công tử Sonaka đã phát triển trí tuệ của thiền tuệ và trở thành một vị Phật Độc Giác (Paccekabuddha).
Như vậy, Công tử Sonaka đã quán tưởng suy tư về bản chất vô thường của những lá cây rơi rụng trên mặt đất, rồi đến vạn vật xung quanh – các loài vô tình, sau đó Công tử Sonaka đã hướng tâm suy tư về các loài chúng sinh hữu tình, thấy rõ bản chất thực của các loài chúng sinh hữu tình cũng trải qua sinh, già, bệnh, chết. Cuối cùng công tử hướng tâm đến thân và tâm của mình, thấy rõ quá trình sinh, già, bệnh và chết. Đó là tiến trình mà công tử đã suy tư từ những Pháp thế gian bên ngoài, từ các loài vô tình đến các loài hữu tình và cuối cùng là đến thân, tâm của mình.
Trí tuệ của thiền tuệ được phát sinh thông qua 2 cách:
Cách 1: Khi một hành giả nghe Pháp và sau đó thấy rõ được bản chất vô thường, khổ và vô ngã của danh pháp sắc pháp, của thân và tâm.
Cách 2: Trí tuệ của thiền tuệ được phát sinh thông qua sự suy tư (cintāmayañāna).
Như hành giả của chúng ta đang thực hành tại đây, những trí tuệ của thiền tuệ mà hành giả có được đều nhờ nghe Pháp, nhờ trình Pháp và nhờ sự hướng dẫn của các vị Thầy, các vị Thiền sư. Sau khi nghe Pháp, được hướng dẫn từ các vị Thiền sư, hành giả thực hành và phát triển các loại trí tuệ của thiền tuệ, hiểu biết về danh pháp, sắc pháp, hiểu biết các Pháp chân đế đúng như thật, và hiểu biết về Tam tướng – những đặc tính chung của danh pháp, sắc pháp là vô thường, khổ và vô ngã. Sự hiểu biết thiền Tuệ này đều phát sinh thông qua việc nghe Pháp, rồi sau đó thực hành. Nên những trí tuệ thiền Tuệ mà hành giả có được là thông qua việc nghe Pháp (sutamaya).
Loại trí tuệ thiền tuệ thứ hai được phát sinh lên sau khi nhờ sự suy tư như trường hợp Công tử Sonaka. Từ sự suy tư về sự rơi rụng của các chiếc lá trên cành rơi xuống mặt đất, sự suy tư tiến trình sinh, già và chết từ vạn vật xung quanh, sự suy tư sự sinh, già, bệnh, chết của các loài chúng sinh hữu tình, Công tử Sonaka chưa từng nghe Pháp với vị Thầy nào nhưng thông qua sự suy tư công tử đã phát triển trí tuệ của thiền tuệ và đạt được Đạo quả của một vị Phật Độc Giác (Paccekabuddha). Trí tuệ của vị Phật Độc Giác Sonaka là trí tuệ thiền tuệ được phát sinh và phát triển từ sự suy tư (cintāmaya).
Sau khi trở thành một vị Phật Độc Giác, Ngài Sonaka đi đến một khu rừng sâu thẳm và cư ngụ ở đó. Mỗi ngày nhập vào Quả vị của một vị Phật Độc Giác và an hưởng sự an lạc của Quả vị đó ở trong khu rừng mà Ngài cư ngụ.
Hai người mặc dù sinh ra cùng một ngày, cùng một giờ, là bạn thân từ bé cho đến khi đi học, cuối cùng mỗi người đi một con đường riêng của mình. Một người trở thành một vị vua trị vì quốc độ, còn một người thành vị Phật Độc Giác sống độc cư trong một khu rừng. Từ khi xa lìa, mỗi người sống một con đường riêng biệt. Nhà vua Arindama đang trị vì kinh đô Vārāṇasī vẫn hưởng thụ các món dục lạc của những vị vua, sống trong sự ràng buộc, dính mắc của cải tài sản, các vị quan, cung phi mỹ nữ, còn một người sống một cách tự do, tư tại, an hưởng Quả vị của một vị Phật Độc Giác. 40 năm sau hai người mới gặp lại. Cuộc gặp gỡ này như thế nào, nhân duyên nào đưa đến cuộc gặp gỡ này? Ngài Tam Tạng thứ 15 hẹn với chúng ta bài pháp thoại chiều hôm nay, Ngài tiếp tục nói về cuộc gặp gỡ sau 40 năm xa cách của hai người bạn thân./.