PHÁP THOẠI KHÓA THIỀN TẠI THIỀN VIỆN PHƯỚC SƠN
(Bài giảng số 02 – Buổi sáng|Ngay 05/04/2023)
Thuyết giảng: Ngài Tam Tạng thứ 15 Bhaddanta Paññāvaṃsābhivaṃsa
Chuyển ngữ: Sư Thiện Đức – Kusalaguṇa Bhikkhu
Sáng hôm nay, Ngài Tam Tạng thứ 15 sẽ chia sẻ với đại chúng, thiền sinh là những hành giả về một bài Pháp thoại liên quan đến tâm. Vì thời gian có hạn, Ngài sẽ tóm tắt cốt lõi bài Pháp thoại này.
Ở Myanmar cách đây 150 năm, có một quốc vương trị vì xứ Myanmar tên là Mindon. Vua Mindon này là người kính tín Tam Bảo, hộ độ Tam Bảo rất nhiều và đặc biệt nhà Vua rất kính trọng đối với Chư Tăng. Theo cách nhìn đơn giản của nhà Vua có hai điểm khiến cho nhà Vua rất kính trọng chư Tăng: thứ nhất là không ăn sau 12 giờ, không ăn tối, không ăn chiều; thứ hai là không lập gia đình.
Trong những Ngài mà nhà vua kính trọng thời bấy giờ, có một Ngài Trưởng Lão tên là Bamaw Sayadaw. Một ngày nọ, nhà vua mời Ngài Bamaw Sayadaw đến Hoàng Cung để cúng dường. Khi Ngài Bamaw Sayadaw đến, nhà vua thưa với Ngài rằng: “Bạch Ngài, con là một cư sĩ có rất nhiều công việc bận rộn, xin Ngài hãy ban cho con một thời Pháp ngắn nhưng đầy đủ và thích hợp đối với đời sống cư sĩ của con”.
Vì Ngài Trưởng Lão Bamaw Sayadaw là một vị rất đơn giản, mộc mạc, khi nghe nhà vua trình bày như vậy Ngài đã chỉ cho một bài Pháp rất ngắn, ngắn đến nỗi nhà vua cũng rất bất ngờ. Bài Pháp của Ngài Trưởng Lão Bamaw Sayadaw chỉ có một từ thôi, đó là “TÂM”, sau đó Ngài đứng dậy và đi về. Trong bài Pháp vô cùng ngắn này, Ngài Trưởng Lão muốn nhắn nhủ nhà vua rằng chỉ cần thu thúc được Tâm, thì mọi ác pháp sẽ được thu thúc, và sẽ không có lời nói, hành vi và suy nghĩ bất thiện.
Cho nên là những hành giả, chúng ta chỉ cần thu thúc tâm, kiểm soát được tâm thì có thể kiểm soát, thu thúc được những bất thiện pháp, sẽ không phạm những ác pháp, những lời nói, hành vi và suy nghĩ bất thiện. Vì vậy, một hành giả nói riêng hay một người nói chung, nếu có thể thu thúc, kiểm soát được tâm thì xem như đã làm xong công việc của mình.
Vào thời Đức Phật có một thiện nam sinh ra trong gia đình giàu có, đã gặp Đức Phật, nghe Đức Phật thuyết Pháp. Vì nghe Đức Phật thuyết Pháp nên người cận sự nam này đã khởi tín tâm đối với Tam Bảo và đã có xu hướng muốn xuất gia trở thành đệ tử của Đức Phật. Có một vị Tỳ-khưu trẻ mỗi ngày đến nhà của vị cư sĩ này để khất thực. Sau khi đặt bát cho vị Tỳ-khưu trẻ xong, người thiện nam cư sĩ thưa với vị Tỳ-khưu trẻ rằng: “Kính bạch Đại Đức, con vốn nhàm chán đối với cuộc sống này, bây giờ con muốn giải thoát khỏi những nỗi khổ ở trên cuộc đời này. Vậy thì con nên làm gì để có thể giải thoát những nỗi khổ ở trên cuộc đời này”. Vị Tỳ-khưu trẻ đã thuyết Pháp cho người cư sĩ một cách tuần tự, vị Tỳ-khưu trẻ đã dạy rằng để giải thoát khỏi mọi cảnh khổ ở trên đời, trước hết hãy thực hành bố thí, cúng dường như là đặt bát cho chư Tăng hay cúng dường y nhập Hạ, … Đó là Pháp thứ nhất có thể giúp cho một người thoát khỏi mọi cảnh khổ ở trên đời.
Một ngày khác, vị Tỳ-khưu cũng đến nhà người thiện nam khất thực, người thiện nam thưa với vị Tỳ-khưu trẻ rằng: “Bạch Đại Đức, con đã làm theo lời Đại Đức chỉ dạy, con đã cúng dường, bố thí, đặt bát, dâng y, … nhưng con vẫn muốn giải thoát khỏi mọi cái khổ ở trên đời. Vậy bước tiếp theo con phải làm gì để thoát những cái khổ mà con đang gặp?”. Vị Tỳ-khưu khi đó dạy rằng: “Ông hãy giữ giới cho trong sạch, đối với một cư sĩ thì hãy thọ trì Ngũ giới không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu và các chất say. Nếu có điều kiện hơn, hãy giữ Bát Quan Trai giới, làm được như vậy thì có thể giải thoát được những khổ đau ở trên đời”. Người thiện nam đã thưa với vị Tỳ-khưu trẻ rằng: “Bạch Đại Đức, con cũng làm theo lời Đại Đức đã nói, nhưng để giải thoát những khổ đau ở trên đời thì con phải làm gì thêm nữa?”. Vị Tỳ-khưu trẻ mới dạy rằng: “Vậy thì ông hãy giữ mười giới”. Đối với những vị xuất gia Sa di, thọ trì và giữ gìn mười giới, nhưng đối với một cư sĩ mặc dù không xuất gia trở thành những Sa di cũng có thể giữ gìn năm giới, tám giới hoặc cũng có thể thọ trì và gìn giữ mười giới tại nhà. Tùy theo sự hiểu biết và phát nguyện của mình, một cư sĩ có thể thọ trì và giữ gìn một trong ba giới này (Ngũ Giới hoặc Bát Quan Trai giới hoặc Mười Giới).
Vào một ngày khác, vị Tỳ-khưu đến nhà của người cư sĩ khất thực, người cư sĩ thưa với vị Tỳ-khưu trẻ rằng: “Bạch Đại Đức, con đã làm giống như lời Đại Đức chỉ dạy, con đã thực hành thiện pháp bố thí cúng dường, thiện pháp giữ giới (năm giới, tám giới, mười giới) nhưng con vẫn còn nỗi khổ ở trên đời. Bây giờ con muốn thoát khỏi hoàn toàn những cái khổ này, bước tiếp theo con phải làm việc gì?”. Vị Tỳ-khưu trẻ trả lời rằng: “Vậy ông hãy xuất gia trở thành một vị Tỳ-khưu đi”. Vị cư sĩ đã làm theo lời của vị Tỳ-khưu trẻ, đã xuất gia trở thành một vị Tỳ-khưu ở trong giáo pháp của Đức Phật. Người cư sĩ đó sau khi xuất gia phải gìn giữ 227 điều giới căn bản của một vị Tỳ-khưu. Nói một cách chi tiết hơn, đối với một vị Tỳ-khưu phải giữ hơn 9 tỷ điều giới.
Vị Tỳ-khưu mới xuất gia này là một người rất chú trọng vào giới luật, nên trong đời sống hàng ngày vị tân Tỳ-khưu cảm thấy rất khó chịu và sợ hãi khi thấy làm điều gì cũng phạm tội, làm điều gì cũng sợ phạm tội. Vị Tỳ-khưu trẻ này có 2 vị thầy, một vị là thầy tế độ và một vị là thầy giáo thọ. Thầy tế độ là một vị rất tinh thông giới luật, kính trọng giới luật. Còn thầy giáo thọ là người rất tinh thông về Tạng Vi Diệu Pháp. Vị thầy tế độ và vị thầy giáo thọ là hai người mà vị tân Tỳ-khưu luôn thân cận để học hỏi. Vị thầy tế độ vốn là một người tinh thông về giới luật, coi trọng về giới luật nên mỗi cử chỉ, mỗi hành động đều dạy cho vị tân Tỳ-khưu: Ông hãy ăn như thế này, ông phải ngồi như thế này, ông phải đi như thế này, v.v… Còn vị thầy giáo thọ vốn là người tinh thông về Vi Diệu Pháp đã dạy vị tân Tỳ-khưu rằng: ông hãy kiểm soát tâm như thế này, trong tâm của ông có cái này, trong tâm của ông là như thế này. Khi vị tân Tỳ-khưu theo học thầy tế độ tinh thông về giới luật và vị thầy giáo thọ tinh thông về Vi Diệu Pháp, vị tân Tỳ-khưu cảm thấy đời sống xuất gia thật gò bó. Thầy tế độ thì bảo ông phải làm như thế này, ông phải làm như thế kia, còn thầy giáo thọ thì bảo tâm của ông phải như thế này, tâm của ông phải như thế kia, nên vị tân Tỳ-khưu cảm thấy rất gò bó trong đời sống xuất gia, không cảm thấy dễ chịu thoải mái.
Vì cảm thấy rất gò bó trong đời sống phạm hạnh do hai vị thầy tế độ và thầy giáo thọ chỉ dẫn, vị tân Tỳ-khưu không cảm thấy dễ chịu, sống ở trong giáo pháp với tâm bất an, không hoan hỉ. Vì tâm không hoan hỉ, vị Tỳ-khưu đã cảm thấy rất chán nản đến nỗi cơm không muốn ăn, y không muốn giặt và mọi cử chỉ hành động có sự biểu hiện chán nản đến nỗi vị tân Tỳ-khưu đã sinh bệnh, thân thể rất ốm yếu. Trong trú xứ, có một vị đồng tu biết được vị tân Tỳ-khưu này, trước khi xuất gia cũng như khi mới xuất gia, có thân thể khỏe mạnh, hình dáng rất khả ái nhưng bây giờ nhìn rất gầy còm ốm yếu, không còn sinh lực. Vị đồng tu hỏi: “Thưa Tôn giả, khi Tôn giả mới xuất gia thì rất khỏe mạnh, nhìn vóc dáng rất khả ái nhưng tại sao bây giờ thân thể của Tôn giả gầy còm ốm yếu như vậy?” Vị tân Tỳ-khưu kể lại câu chuyện của mình vì sao mà cơ thể ra nông nỗi như vậy. Vị tân Tỳ-khưu đã bộc bạch hoàn cảnh của mình với vị đồng phạm hạnh và nói thêm: “Thưa Tôn giả, tôi muốn hoàn tục”. Khi đó vị đồng phạm hạnh đã nói với vị tân Tỳ-khưu: “Tôn giả hãy khoan xả y hoàn tục, hãy đến gặp Đức Thế Tôn, hy vọng Đức Thế Tôn sẽ giúp được Tôn giả thoát ra khỏi những nỗi khổ mà Tôn giả đang gặp phải”.
Nghe lời vị đồng phạm hạnh, vị tân Tỳ-khưu đến gặp và đảnh lễ Đức Phật. Khi đến đảnh lễ Đức Phật, Đức Phật hỏi rằng: “Này Tỳ-khưu, ông vì sao mà gầy ốm như vậy?”. Vị tân Tỳ-khưu thưa với Đức Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn, đời sống xuất gia của con là một Tỳ-khưu phải gìn giữ hơn 9 tỷ điều giới, nhiều quá con không kham nổi, và mỗi ngày thầy tế độ của con dạy con hãy làm như thế này, hãy đi như thế này, hãy ngồi như thế này và ăn như thế này, làm cho con cảm thấy rất bất an, khó chịu, không kham nổi đời sống xuất gia phạm hạnh. Cho nên bạch Đức Thế Tôn, con muốn hoàn tục, xin Đức Thế Tôn cho phép con hoàn tục”. Khi đó Đức Phật bảo rằng: “Này Tỳ-khưu, do ông nghĩ rằng mình phải giữ hơn 9 tỷ điều giới và có sự bất an, lo lắng đối với việc giữ giới đó phải không?”. Vị tân Tỳ-khưu thưa rằng: “Bạch Đức Thế Tôn, đúng vậy, vì con thấy quá nhiều điều giới đối với con, con nghĩ con không kham nổi và luôn bất an, lo sợ mình sẽ phạm giới. Cho nên con muốn hoàn tục, không cảm thấy sự bình an trong đời sống phạm hạnh xuất gia”. Đức Phật dạy rằng: “Vậy ông có thể giữ một điều giới thôi, ông có thể giữ được hay không? Nếu ông giữ được chỉ một điều giới này là giữ được tâm của mình, thì ông không cần phải quan tâm giữ hơn 9 tỷ điều giới đó nữa.”
Khi nghe Đức Phật dạy như vậy, vị tân Tỳ-khưu thấy rất vui bởi nghĩ rằng mình chắc chắn có khả năng giữ được một điều, chứ giữ hơn 9 tỷ điều giới thì mình không thể giữ hết được. Đức Phật đã dạy rằng: “Này con trai thân yêu, hãy quên đi hơn 9 tỷ điều giới của một vị Tỳ-khưu, bây giờ ông hãy chỉ giữ một điều thôi, hãy kiểm soát và giữ tâm của mình, ông có làm được hay không?”. Vị tân Tỳ-khưu thưa với Đức Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn, con nghĩ là con sẽ làm được và con sẽ sống an vui vì chỉ giữ một điều này thôi, đó là giữ được cái tâm của mình”. Khi vị tân Tỳ-khưu nghe Đức Phật nói rằng bây giờ ông hãy giữ một điều là giữ tâm của mình, vị tân Tỳ-khưu cảm thấy rất vui và không muốn hoàn tục nữa.
Sau đó Đức Phật đã thuyết một bài kệ liên quan đến sự thu thúc tâm cho hội chúng, đặc biệt là cho vị tân Tỳ-khưu này. Đức Phật dạy rằng tâm là một vật không thể nhìn thấy bằng mắt, rất vi tế. Đối với một người bình thường không có sự thu thúc tâm, tâm thường chạy theo các đối tượng, chạy theo các dục lạc ở bên ngoài. Một vị Vua cũng có thể suy nghĩ về những điều mà một người đi ăn xin suy nghĩ và một người đi ăn xin cũng có thể suy nghĩ những điều mà một vị Vua có thể suy nghĩ. Một người không có sự thu thúc của tâm, tâm thường chạy theo các dục lạc ở bên ngoài. Hễ có một đối tượng khởi sinh lên và thu hút thì tâm sẽ hướng đến và hễ có một đối tượng khác khởi sinh lên và thu hút thì tâm lại hướng qua đối tượng đó. Nên một người không có sự tu tập, không có sự thu thúc đối với tâm thì thường tâm sẽ xuôi theo các đối tượng dục lạc ở bên ngoài. Đức Phật dạy rằng tâm thật khó thu thúc, thật khó kiểm soát, một người mặc dù ở trong phòng nhưng tâm có thể đi du lịch khắp nơi trên thế giới. Một hành giả mặc dù đang ngồi thiền nhưng tâm cũng có thể đi vòng quanh Trái Đất, khắp mọi nơi. Vì vậy, Đức Phật dạy rằng thật khó để thu thúc tâm, thật khó để kiểm soát tâm. Thật khó để cho một người bình thường không có sự tu tập mà có thể thu thúc, kiểm soát được tâm. Nhưng đối với một người trí thì có thể thu thúc được tâm của mình, và khi tâm được thu thúc, kiểm soát thì người đó có thể đạt đến hạnh phúc ở cõi người, hạnh phúc ở cõi Chư Thiên và hạnh phúc ở cõi Phạm Thiên. Không những thế, khi tâm được thu thúc, được kiểm soát thì người đó có thể đạt đến hạnh phúc tuyệt đối đó là hạnh phúc Niết Bàn, giải thoát khỏi mọi cảnh khổ trầm luân ở trong tam giới.
Vị tân Tỳ-khưu sau khi nghe Đức Phật dạy nếu giữ được một điều là giữ được tâm của mình, thì có thể giữ được hơn 9 tỷ điều giới, vị tân Tỳ-khưu đã cảm thấy rất hoan hỷ, cảm thấy rất nhẹ nhàng. Sau đó Đức Phật đã thuyết một bài kệ liên quan đến tâm có nội dung như trên. Sau khi nghe bài kệ đó xong, vị tân Tỳ-khưu đã chứng đắc thánh đạo, thánh quả Nhập lưu, trở thành một bậc Thánh Tu đà hoàn trong giáo pháp của Đức Phật, thay vì trước đó là một người vốn rất lo lắng bất an đối với việc giữ giới của mình và muốn hoàn tục. Với sự cố gắng tinh tấn thực hành, vị tân Tỳ-khưu đã đạt đến những tầng thánh cao hơn theo tuần tự đó là tầng Thánh Tu đà hoàn, tầng Thánh A-ra-hán.
Đó là câu chuyện về vị tân Tỳ-khưu có thật đã xảy ra vào thời Đức Phật. Trước khi xuất gia là một cư sĩ có tâm kính tín Tam Bảo, muốn thoát khỏi mọi cảnh khổ ở trên đời nên đã xuất gia và trải qua những hoàn cảnh khó khăn, cuối cùng gặp được Đức Phật, nhờ Đức Phật chuyển hóa đã trở thành một bậc Thánh ở trong giáo Pháp, nhờ vào việc chỉ giữ một điều thôi là giữ tâm của mình. Cũng vậy, ở trong hội chúng của chúng ta có những vị xuất gia là Tỳ-khưu, Sa di hãy đừng băn khoăn là chúng ta giữ quá nhiều điều giới mà Đức Phật đã chế định. Hãy giống như vị tân Tỳ-khưu vào thời Đức Phật chỉ cần thu thúc, kiểm soát được một điều, một thứ thôi, đó là thu thúc và kiểm soát tâm của mình, thì vị Tỳ-khưu, vị Sa di có thể thu thúc, gìn giữ được rất nhiều điều giới mà mình đã thọ trì.
Đối với những hành giả là cư sỹ tại gia cũng vậy, cũng không nên băn khoăn là chúng ta giữ 5 giới, 8 giới hay 10 giới nhiều quá, rồi dẫn đến sự bất an, lo lắng là mình không giữ giới được, mà chỉ cần cố gắng giữ gìn, thu thúc, kiểm soát được tâm của mình thì những điều giới mà mỗi người đã phát nguyện thọ trì tự động sẽ được gìn giữ, sẽ được thanh tịnh. Giống như vị tân Tỳ-khưu vào đời Đức Phật, điều quan trọng ở đây là chỉ cần tu tập và thu thúc, kiểm soát được một thứ thôi, đó là tâm mình.
Cho nên, đối với một hành giả dù là vị xuất gia Tỳ-khưu, Sa di hay Tu nữ, cư sĩ thiện nam, tín nữ chỉ cần giữ, kiểm soát được tâm của mình thì sẽ có được những hạnh phúc an lạc ở cõi Người, cõi Trời và cuối cùng là đạt đến sự an lạc Niết-bàn.
Ngài Tam Tạng thứ 15 sách tấn và khuyến khích tất cả chúng ta mỗi người hãy cố gắng kiểm soát tâm của mình. Ngài cầu chúc cho tất cả các hành giả có mặt hôm nay luôn tinh tấn thực hành để có sự thu thúc, kiểm soát được tâm của mình trong từng phút, từng giây. Làm được như vậy thì chúng ta mới có được sự an lạc và thoát khỏi mọi cảnh khổ ở trên đời, mọi cảnh khổ tái sinh luân hồi ở trong Tam giới. Và đó cũng là lời đúc kết và kết thúc bài pháp thoại sáng hôm nay./.