“BA HẠNH PHÚC CAO THƯỢNG”
BÀI THUYẾT PHÁP TẠI HÀ NỘI
(Ngày 15/04/2023)
Thuyết giảng: Ngài Tam Tạng thứ 15 Bhaddanta Paññāvaṃsābhivaṃsa
Chuyển ngữ: Sư Thiện Đức – Kusalaguṇa Bhikkhu
Hôm nay, tại thủ đô Hà Nội, Ngài Tam Tạng thứ 15 rất hoan hỷ vì được gặp các Phật tử trong Đạo, và Ngài cũng được biết có đông đảo các thiện nam, tín nữ trong Đạo tại Hà Nội có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo.
Để bắt đầu bài pháp thoại tối nay, Ngài Tam Tạng thứ 15 rải tâm từ và cầu chúc cho tất cả quý Phật tử, thiện nam, tín nữ hiện diện nơi đây được thân tâm an lạc, tránh khỏi tất cả mọi điều rủi ro tại hại và thành tựu những hạnh phúc cao thượng như ý nguyện!
Hôm nay Ngài đã đến được Thủ đô Hà Nội và đã là hơn mười ngày trong chuyến đi hoằng pháp Việt Nam lần này. Ngài đã đi rất nhiều nơi từ thành thị đến nông thôn, từ núi rừng xuống biển cả, đi đến đâu Ngài cũng gặp được đông đảo các thiện nam, tín nữ có đức tin và thực hành theo Giáo Pháp Phật Giáo Nguyên Thuỷ. Ngài tin rằng hiện tại cũng như trong tương lai, càng ngày sẽ càng có đông Phật tử học hỏi và tu tập theo Giáo Pháp Phật Giáo Nguyên Thuỷ để mang lại sự lợi ích an vui cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội.
Ngài cũng có lời cảm niệm công đức và tán thán sự chuẩn bị, sắp xếp chương trình tối hôm nay. Khi thấy các Phật tử ở Hà Nội đến tham dự buổi lễ để nghe Pháp cũng như đảnh lễ cúng dường đến Chư Tăng, Ngài rất hoan hỷ và tán thán công đức đến tất cả quý Phật tử hiện diện nơi đây. Hôm nay, trong hội chúng này, Ngài Tam Tạng thứ 15 muốn chia sẻ với chúng ta bài pháp thoại về ba Hạnh phúc cao thượng.
Ở Myanmar, mọi người gặp nhau thường chào hỏi bằng câu “Minglaba”. Từ “Minglaba” bắt nguồn từ chữ Pāḷi “Maṅgala” và thêm chữ “ba” trở thành một câu chào hỏi “Minglaba”
Trong bài Kinh Hạnh Phúc, Đức Phật dạy về ba mươi tám pháp Maṅgala (Hạnh phúc cao thượng). Từ Maṅgala (Hạnh phúc cao thượng) là hạnh phúc tránh xa những tội ác và làm những điều lành. Trong ba mươi tám điều hạnh phúc ở bài Kinh “Maṅgala Sutta” – Kinh Hạnh Phúc hay Kinh Công Đức, ba Hạnh phúc đầu tiên là:
“Asevanā ca bālānaṃ,
Paṇḍitanañca sevanā,
Pūjā ca Pūjanīyānaṃ
Etaṃ maṅgalam’uttamaṃ.”
Nghĩa là:
“Không gần gũi kẻ ác,
Thân cận bậc trí hiền,
Đảnh lễ người đáng lễ,
Là phúc lành cao thượng.”
“Bā” – Kẻ ác hay kẻ ngu, ở đây có nghĩa là người làm mười điều bất thiện như: sát sanh, trộm cắp, v.v… Có ba dấu hiệu để nhận biết một người là người ngu hay người ác (Bāla), đó là:
Thứ nhất, Thân làm ác.
Thứ hai, Khẩu nói những điều xấu.
Thứ ba, Ý nghĩ về những điều bất thiện.
Đó là ba dấu hiệu để phân biệt người trí và người “Bāla” (người ngu hay người ác). Người ngu hay người ác thường có ba dấu hiệu này để nhận biết.
1. Thứ nhất: Không thân cận người ngu, người ác (Asevanā ca bālānaṃ): Đức Phật dạy chúng ta không nên gần gũi, thân cận với một người ngu, người ác. Và đó là một Hạnh phúc cao thượng. Vì sao?
Vì người ác hay người ngu giống một ngôi nhà đang tự bốc cháy, có thể lây lan qua những ngôi nhà khác. Cũng như vậy, người ngu hay người ác tự huỷ hoại chính mình và có thể huỷ hoại làm xấu đi những người bạn, người thân gần gũi với họ. Vì vậy, Đức Phật gọi người ngu hay người ác giống như ngôi nhà đang bốc cháy.
Vì người ngu hay người ác như con cá ươn thối. Khi lấy một tờ giấy hoặc một chiếc lá để gói con cá đó thì tờ giấy hoặc chiếc lá đó cũng có thể trở nên hôi thối. Cũng tương tự như vậy, một người ác hay người ngu giống một con cá đã bị ươn thối có thể làm hôi thối cho những người đến gần như bạn bè, người thân, người thân cận với họ.
Khi gần gũi với những người làm nhiều điều bất thiện cũng có thể bị ảnh hưởng theo. Những người đó có thể ác độc với những người tốt, làm cho những người tốt cũng trở thành những người xấu, làm những điều bất thiện. Chính vì vậy, Đức Phật khuyên nên tránh xa những người ác, người làm nhiều điều bất thiện. Đó là một Hạnh phúc cao thượng.
2. Thứ hai: Thân cận bậc trí hiền (Paṇḍitanañca sevanā): Khi thân cận, gần gũi với một bậc thiện trí thức cũng là một Hạnh phúc cao thượng. Người trí hoặc bậc thiện trí thức ở đây là người không sát sanh, không trộm cắp, v.v…, thường xuyên thực hành mười thiện nghiệp, tránh xa mười bất thiện nghiệp. Có ba dấu hiệu để nhận biết một người thiện trí, đó là:
– Thứ nhất: Thân hành thiện.
– Thứ hai: Khẩu nói thiện.
– Thứ ba: Ý nghĩ thiện.
Đó là ba dấu hiệu để nhận biết một người thiện trí và một người có ba dấu hiệu: Thân hành thiện, khẩu nói thiện, ý nghĩ thiện là người thiện trí, bậc thiện trí thức.
Một người thiện trí được so sánh như hoa của một loại cây thân gỗ ở Hy Mã Lạp Sơn hoặc như hoa Lài. Đây là những loài hoa có hương thơm rất đặc biệt. Khi sử dụng những chiếc lá để gói những đoá hoa này thì chiếc lá đó cũng có mùi thơm đặc biệt.
Người thiện trí cũng giống như những loài hoa này, có thể toả hương thơm của mình, ảnh hưởng đến người khác. Người gần gũi với bậc thiện trí cũng được ảnh hưởng những danh thơm, tiếng tốt từ bậc thiện trí đó. Vì vậy, Đức Phật kệ rằng: “Gần gũi với bậc thiện trí là một hạnh phúc cao thượng”.
3. Thứ ba: Cung kính, cúng dường các bậc đáng cung kính, cúng dường (Pūjā ca Pūjanīyānaṃ): Khi ta có tâm cung kính cúng dường, đảnh lễ đến các bậc đáng cúng dường đảnh lễ, đó là một Hạnh phúc cao thượng.
Ở trên thế gian, có nhiều người xứng đáng để được cúng dường, đảnh lễ, chiêm bái. Trong những người đó, Đức Phật là vị xứng đáng nhất thọ nhận sự cúng dường, sự đảnh lễ, sự chiêm bái. Vì sao? Vì ở trong Đức Phật không có những sự ô nhiễm như: phiền não, tham, sân, si, v.v…, cho dù một chút ít cũng không có. Ngài cũng có rất nhiều đức tính cao quý mà người bình thường không có được. Nên Ngài là vị xứng đáng nhất thọ nhận sự cúng dường, đảnh lễ ở trên thế gian.
Sau Đức Phật, người xứng đáng được thọ nhận sự cúng dường, đảnh lễ là Đức Phật Độc Giác và Chư bậc Thánh Thanh Văn, Đệ tử của Đức Phật. Khi đảnh lễ, cúng dường những bậc đáng đảnh lễ, cúng dường, chúng ta sẽ có được những hạnh phúc ở thế gian và hạnh phúc xuất thế gian, hạnh phúc ở đời này và hạnh phúc ở đời sau. Nên Đức Phật dạy đảnh lễ cúng dường những bậc đáng đảnh lễ cúng dường là Hạnh phúc cao thượng.
Vào thời Đức Phật có một người bán hoa tên là Sumana. Người này mỗi ngày đều mang hoa đến để dâng cúng cho vua Bimbisāra. Một ngày nọ, khi Đức Phật đi trì bình khất thực ở trong thành Rājagaha (Vương-xá), ngươi bán hoa Sumana đã gặp Đức Phật ở cổng thành. Người bán hoa Sumana đã nghĩ: “Nếu bây giờ ta mang những vòng hoa này vào trong thành dâng cúng cho vua Bimbisāra, ta chỉ được khoảng một trăm đồng tiền vàng và một trăm đồng tiền vàng này chỉ giúp cho ta ở trong ngày này, trong kiếp sống này. Nhưng nếu ta cúng dường hoa này đến Đức Phật thì trong nhiều kiếp luân hồi ta sẽ có được hạnh phúc”. Nghĩ như vậy, người bán hoa Sumana đã bốc một nắm hoa tung lên trên trời để cúng dường Đức Phật, những đoá hoa đó đã kết thành tràng hoa rất đẹp ở trên hư không để cúng dường Đức Phật.
Khi người bán hoa Sumana thấy những đoá hoa của mình tung lên trời kết thành những tràng hoa cúng dường Đức Phật, ông rất hoan hỷ. Ông bốc tiếp một nắm hoa khác tung lên trời để cúng dường Đức Phật, những bông hoa này lại kết thành một chiếc áo cúng dường Đức Phật. Khi người bán hoa Sumana thấy như vậy tâm càng hoan hỷ hơn, ông đã bốc liên tiếp tám nắm hoa tung lên trời, những bông hoa đó đã kết lại thành một Hương thất của Đức Phật.
Khi thấy người bán hoa Sumana tung hoa để cúng dường Đức Phật và thấy hiện tượng xảy ra như vậy, Đức Phật đã mỉm cười. Ngài Ānanda đi sau lưng Đức Phật, thấy Phật mỉm cười, nên Ngài Ānanda hỏi duyên sự vì sao Đức Thế Tôn cười? Đức Phật đã trả lời Ngài Ānanda rằng:“Này Ānanda, vì Như Lai biết sau kiếp sống này đến một trăm ngàn đại kiếp sau, người bán hoa Sumana sẽ không bị đoạ vào bốn cõi khổ: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh và A-tu-la, chỉ tái sinh và hưởng hạnh phúc ở cõi Người, cõi Trời. Sau một trăm ngàn đại kiếp đó, ông Sumana sẽ trở thành một vị Phật Độc Giác (Pacceka-buddha) có tên là Sumanissara”.
Người bán hoa Sumana đã cúng dường hoa đến bậc đáng cúng dường là Đức Phật, nhờ một nhân hữu duyên đó đã cho quả trở thành Trời và người trong suốt một trăm ngàn đại kiếp, cuối cùng trở thành một vị Phật Độc Giác. Đó là quả của sự cúng dường đến bậc đáng được cúng dường.
Ngoài Đức Phật, có nhiều đối tượng xứng đáng thọ nhận sự cung kính, đảnh lễ, cúng dường như hàng Chư Tăng trong Giáo Pháp của Đức Phật. Một người có nhiều đức tính cao quý hơn mình trên phương diện: Giới, Định và Tuệ thì người đó xứng đáng thọ nhận sự cúng dường. Ngoài ra, ở trong gia đình, những người con cũng cần có sự tôn trọng, cung kính đối với cha mẹ, những người em cũng cần cung kính, cần tôn trọng anh/chị lớn hơn mình, nên các bậc cha mẹ là đối tượng đáng cung kính, cúng dường của những người làm con, những người anh, người chị là đối tượng xứng đáng thọ nhận sự tôn trọng, cúng dường của những người em. Ngoài xã hội, những người lớn tuổi hơn mình, những người niên cao lạp trưởng cũng là đối tượng để được cúng dường, tôn trọng.
Cung kính, tôn trọng, cúng dường đến những người đáng cung kính, tôn trọng, cúng dường là một Hạnh phúc cao thượng. Những kết quả mang lại từ sự cung kính, cúng dường đó là gì? Chính là bốn Pháp cao quý: āyu – trường thọ; vaṇṇa – sắc đẹp; sukha – an lạc và bala – sức mạnh. Đức Phật dạy cung kính, cúng dường đến những bậc đáng cung kính, cúng dường là Hạnh phúc cao thượng vì có được những kết quả cao thượng trong kiếp hiện tại và kiếp tương lai trong suốt quá trình sinh tử luân hồi, cho đến khi chứng ngộ Niết-bàn. Vì điều đó, nên Đức Phật dạy cung kính, cúng dường đến các bậc đáng cung kính, cúng dường là một Hạnh phúc cao thượng.
Trong chuyến hoằng pháp Việt Nam lần này, ban tổ chức, các thiện nam tín nữ đã mời Ngài Tam Tạng thứ 15, bậc thông thuộc thấu suốt Tam Tạng, đến Việt Nam để gieo duyên cho các Phật tử, để các Phật tử cung kính, đảnh lễ, cúng dường. Như buổi tối hôm nay, ban tổ chức cũng đã tạo những duyên lành để các Phật tử có cơ hội tạo phước cung kính, đón rước, cúng dường đến bậc đáng cung kính, đáng cúng dường và đây cũng là một Hạnh phúc cao thượng như Đức Phật đã dạy ở trong bài Kinh Hạnh Phúc.
Tóm lại, có ba điều Hạnh phúc cao thượng như Ngài đã trình bày: Không gần gũi kẻ ác; thân cận bậc trí hiền; đảnh lễ, cúng dường đến các bậc đáng đảnh lễ, cúng dường.
Hôm nay, đông đảo Phật tử đã tập trung ở đây, như vậy là đã không gần gũi với những kẻ ác, đó là hạnh phúc đầu tiên. Khi đến đây, nghĩa là chúng ta thân cận với các bậc thiện trí, đó là hạnh phúc thứ hai. Trong buổi tối nay, Ban tổ chức đã tổ chức buổi lễ tri ân, đảnh lễ cúng dường đến những bậc đáng đảnh lễ, cúng dường, đây cũng là hạnh phúc cao thượng thứ ba. Trong hội chúng này, tất cả chúng ta đã thành tựu ba loại hạnh phúc: hạnh phúc không gần gũi kẻ ác, hạnh phúc thân cận bậc trí hiền và hạnh phúc được đảnh lễ, cúng dường đến các bậc đáng đảnh lễ, cúng dường.
Như chúng ta đã biết, ngoài ba Hạnh phúc này, còn có những hạnh phúc khác như: Hạnh phúc được lắng nghe Diệu Pháp, Hạnh phúc được nghe Kinh, v.v… nhưng Ngài chú trọng Ba hạnh phúc trong bài Kinh Maṅgala Sutta. Vì vậy, trong đêm tri ân này, Ngài sách tấn và cầu chúc cho tất cả quý Phật tử luôn tinh tấn tu tập để thành tựu ba loại hạnh phúc như Ngài đã đề cập. Đó là lời kết của bài pháp thoại tối hôm nay./.