Giáo Án Trường Bộ Kinh
Kinh Ca Diếp Sư Tử Hống (Kassapa Sìhanàda Sutta)
Xuất Xứ:
Đức Phật đã thuyết giảng Pháp Thoại này khi nói chuyện với một tu sĩ lõa thể, tên là KASSAPA SÌHANÀDA, tại UJUNNÀ, vườn nai KANNAKATTHALA.
Duyên Khởi:
Tu sĩ lõa thể KASSAPA muốn được xác minh và tránh sự chỉ trích sai lạc về lời bàn bạc đồn đãi rằng, đức Thế Tôn chỉ trích, công kích, và tuyệt đối phỉ báng mọi lối sống khổ hạnh khắc khổ.
Chánh Kinh:
Nhận định của đức Phật về vấn đề khổ hạnh
- Với Thiên Nhãn thuần tịnh và siêu nhân, đức Phật đã thấy sự thật về vị lai, quá khứ, sanh, diệt của những người tu khổ hạnh với lối sống nhiều khắc khổ và tương đối ít khắc khổ hơn, đều dẫn đến cả Ác Thú và Thiện Thú. Do vậy, Ngài không có chỉ trích mọi khổ hạnh và không có tuyệt đối phỉ báng mạt sát mọi khổ hạnh, mọi lối sống khắc khổ.
- Quan điểm của đức Phật có những điểm tương đồng và dị biệt với một số Bà La Môn và Sa Môn thông thái và giỏi biện tài về vấn đề khổ hạnh (công nhận và không công nhận). Với những quan điểm dị biệt và bất đồng, tạm để yên một bên.
- Với những quan điểm tương đồng, phần lớn các vị giáo sư hay chúng đệ tử tu tập khổ hạnh đều phải công nhận và tán thán về:
- Sự xả ly hoàn toàn, sự xa lìa hoàn toàn những pháp Bất Thiện, lỗi lầm, thì không nên thực hành, không xứng pháp bậc Thánh, ô nhiễm, của đức Phật và chúng đệ tử của Ngài. Còn đối với chúng tu tập khổ hạnh thì chỉ có xả ly một phần mà thôi.
- Sự thành tựu hoàn toàn những pháp Thiện, không lỗi lầm, nên tuân hành, xứng pháp bậc Thánh, thanh tịnh ở nơi đức Phật và chúng đệ tử của Ngài. Còn đối với chúng tu tập khổ hạnh thì chỉ có thành tựu một phần mà thôi.
- Xác chứng lời nói của đức Phật là chân thật, hợp pháp, đúng luật, và hợp thời với phương pháp thực hành Bát Chánh Đạo thì sẽ thấy và biết đúng thực.
Tu sĩ KASSAPA nêu lên những lối sống khổ hạnh đương thời trong xã hội Ấn Độ
Lối sống khổ hạnh luôn là một hạnh tu rất được nhiều người dân Ấn Độ tin tưởng, sùng bái, và cũng chính vì sự tin tưởng và sùng bái này khiến phát sanh những hạnh tu thật là kỳ dị mãi cho đến ngày nay vẫn còn. Với những lối sống khổ hạnh được nêu lên thì KASSAPA cho rằng, đó là những Sa Môn Quả và Bà La Môn Quả.
Đức Phật nêu lên một quan điểm sống khổ hạnh liên quan tới GIỚI–ĐỊNH– TUỆ
Theo thông lệ, trong khi đối thoại, đức Phật thường đứng trên lập trường của đối phương, rồi dần dần đưa đối phương đến lập trường của Ngài.
Trước tiên, Ngài không bác bỏ hẳn mọi sự khổ hạnh vì một sự khổ hạnh sáng suốt cũng có thể đưa đến một vài kết quả khả dĩ tốt đẹp, nhưng cũng không có một sự khổ hạnh nào có thể so sánh với hạnh tu GIỚI–ĐỊNH–TUỆ tối thượng và thù thắng.
Nói về khó khăn trong sự tu chứng, dù các pháp tu khổ hạnh trong thế gian này có khó khổ tu đắc đến bậc nào, thì một cư sĩ hoặc một nữ nô bộc cũng có thể tu hạnh ấy được.
Riêng về Sa Môn hạnh, tu cho thành tựu Giới Cụ Túc, Tâm Cụ Túc, và Tuệ Cụ Túc, thì chỉ có bậc thiện trí mới tu thành đạt kết quả. Còn đứng về Quả chứng thì chỉ có tu theo GIỚI–ĐỊNH–TUỆ, mới thật là một hạnh tu tối thượng, đưa đến sự giải thoát tuyệt đối.
Để gội sạch các tội lỗi, thì thực hành Sa Môn hạnh và Bà La Môn hạnh. Để nhận biết được một vị Sa Môn và Bà La Môn, một vị tỳ khưu tu tập hạnh từ bi, không hận thù, không ác hại, và với sự diệt tận các Lậu Hoặc, tự chứng giác, và an trú ngay hiện tại, tâm giải thoát, và huệ giải thoát Vô Lậu. Như thế, vị tỳ khưu ấy được gọi là một Sa Môn, một Bà La Môn.
Sự tán thành và quy ngưỡng của lõa thể KASSAPA
Cũng tương tự như tiếng rống của một con sư tử (sư tử hống) ở giữa đại chúng với tinh thần vô úy, đức Thế Tôn trả lời mọi vấn đề đã làm thỏa mãn, phát khởi niềm tin, đạt đến chỗ như thật và ứng dụng thực hành, khiến cho một vị Bà La Môn tu khổ hạnh tên gọi là NIGRODHA, tại thành Vương Xá, cũng như tu sĩ lõa thể KASSAPA, khởi phát lòng hoan hỷ với một tâm trạng hoan lạc tối thượng. Cuối cùng, tu sĩ ngoại đạo KASSAPA xin được xuất gia thọ Cụ Túc Giới, dù có phải trải qua một đời sống biệt trú bốn năm (vì trước kia là ngoại đạo) để được sự đồng ý cho xuất gia của chư tăng.
Kết Luận:
Không bao lâu, sau khi được xuất gia và thọ Cụ Túc Giới, đại đức KASSAPA sống nhiệt tâm, cần mẫn, tinh cần đã thành tựu quả vị A La Hán.