Giáo Án Trường Bộ Kinh
Ấn Bản 2011
Đại Đức Giáo Thọ Sán Nhiên biên soạn (1990) và hiệu đính (2011)
Tâm Pháp Thiền Viện Saddhamma Meditation Society 574 Willow Brook Road Bumpass, VA 23024
Kỳ Viên Tự Jetavana Vihara
1400 Madison Street Northwest Washington, D.C. 20011
Phone: 202-882-6054
Giới Thiệu Tổng Quát Về Trường Bộ Kinh
Trường Bộ Kinh có 34 bài kinh, với mỗi bài kinh có nội dung rất dài, đề cập trọn đủ một vấn đề, và không lệ thuộc vào bộ kinh nào khác.
Tên gọi của mỗi một bài kinh:
- Kinh BRAHMAJÀLA – Kinh Phạm Võng
- Kinh SÀMAÑÑAPHALA – Kinh Sa Môn Quả
- Kinh AMBATTHA – Kinh A Ma Trú
- Kinh SONADANDA – Kinh Chủng Đức
- Kinh KÙTADANTA – Kinh Cửu La Đàn Đầu
- Kinh MAHÀLI – Kinh Ma Ha Lê
- Kinh JALIYA – Kinh Xá Lợi
- Kinh KASSAPA SÌHANÀDA – Kinh Ca Diếp Sư Tử Hống
- Kinh POTTHAPÀDA – Kinh Bố Thác Bà Lậu
- Kinh SUBHA – Kinh Tu Bà
- Kinh KEVADHA – Kinh Kiên Cố
- Kinh LOHICCA – Kinh Lô Giá
- Kinh TEVIJJA – Kinh Tam Minh
- Kinh MAHÀPADÀNA – Kinh Đại Bổn
- Kinh MAHÀNIDÀNA – Kinh Đại Duyên
- Kinh MAHÀPARINIBBÀNA – Kinh Đại Viên Tịch Níp Bàn
- Kinh MAHÀ SUDASSANA – Kinh Đại Thiện Kiến Vương
- Kinh JANAVASABHA – Kinh Xà Ni Sa
- Kinh MAHÀGOVINDA – Kinh Đại Diễn Tôn
- Kinh MAHÀSAMAYA – Kinh Đại Hội
- Kinh SAKKAPANHÀ – Kinh Đế Thích Sở Vấn
- Kinh MAHÀSATIPATTHÀNA – Kinh Đại Niệm Xứ
- Kinh PÀYÀSI – Kinh Tệ Túc
- Kinh PÀTIKA – Kinh Ba Lê
- Kinh UDAMBARIKÀ SÌHANÀDA – Kinh Ưu Đàm Bà La Sư Tử Hống
- Kinh CAKKAVATI SÌHANÀDA – Kinh Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống
- Kinh AGGAÑÑA – Kinh Khởi Thế Nhân Bổn
- Kinh SAMPASÀDANIYA – Kinh Tự Hoan Hỷ
- Kinh PÀSÀDIKA – Kinh Thanh Tịnh
- Kinh LAKKHANA – Kinh Tướng Trạng
- Kinh SIGÀLOVÀDA – Kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt
- Kinh ATÀNÀTIYA – Kinh A Sá Năng Chí
- Kinh SANGÌTI – Kinh Phúng Tụng
- Kinh DASUTTARA – Kinh Thập Thượng
Ba bài kinh đầu tiên, Kinh Phạm Võng, Kinh Sa Môn Quả, và Kinh A Ma Trú, là những bài kinh quan trọng bậc nhất trong Trường Bộ Kinh.
Bài kinh Phạm Võng giới thiệu 62 Tà Kiến của các ngoại đạo đương thời, gián tiếp đặt đạo Phật ra ngoài các tà thuyết trên, và xác minh lập trường của đức Phật đối với các vấn đề vũ trụ và nhân sinh. Kinh này cũng đề cập đến Giới của đức Phật, từ Tiểu Giới đến Đại Giới, gián tiếp so sánh đời sống xa hoa phù phiếm của các Sa Môn, Bà La Môn đương thời với đời sống giản dị giải thoát của đức Thế Tôn. Cũng chính trong bài kinh này, đức Phật nói, chỉ có kẻ vô văn phàm phu mới tán thán giới đức, còn bậc thiện trí thì tán thán trí đức của Ngài. Và chính nhờ vào trí đức, đức Phật đã tóm thâu hết thảy mọi tà thuyết hiện hữu trong đời và truy nguyên căn nhân cùng động lực của mọi tà thuyết.
Bài kinh Sa Môn Quả giới thiệu thứ bậc của một vị xuất gia theo đức Phật, từ khi mới bước chân vào Thiền Môn cho đến khi thành đạt Đạo Quả. Kinh này khéo hệ thống hóa sự tu hành của một vị Sa Môn một cách rõ ràng và mạch lạc, cũng như trình bày những kết quả tốt đẹp và thiết thực do hạnh Sa Môn mang đến.
Bài kinh A Ma Trú bênh vực cho sự bình đẳng giai cấp và bác bỏ nền thống trị giai cấp của Bà La Môn. Qua bài kinh này, đức Phật nhấn mạnh địa vị con người, không thể bằng cứ vào giai cấp, mà phải dựa trên nền tảng giới đức và trí đức của con người.
Với mười bài kinh tiếp theo (từ bài thứ 4 đến 13), thì bài kinh Tu Bà với đại đức Ànanda, nói đến phương pháp tu hành của Sa Môn Gotama sau khi đức Phật vừa mới viên tịch Níp Bàn, tương tự như nội dung của bài kinh Sa Môn Quả, và phân loại theo ba pháp Vô Lậu Học, Giới – Định – Tuệ. Chín bài kinh nối tiếp nêu lên những quan điểm và thái độ của đức Phật đối với những vấn đề xã hội Ấn Độ đương thời, sùng tín nhiệt thành, bất khả thuyết, khổ hạnh, linh hồn, thần thông biến hóa, Phạm Thiên cùng con đường đưa đến Phạm Thiên, và thái độ ích kỷ không thuyết giáo.
Mười bài kinh tiếp theo (từ bài thứ 14 đến 23) đề cập đến giáo lý thuần túy, với Liên Quan Tương Sinh trình bày về 12 lý duyên khởi. Bài kinh Đại Niệm Xứ đề cập đến phương pháp tu hành và nêu lên nét đặc trưng độc nhất đưa đến giải thoát. Bài kinh Viên Tịch Níp Bàn diễn tả lại những ngày cuối cùng của đức Phật và cuộc hành trình tối hậu suốt ba tháng trường, từ thành Vương Xá đi qua các thành phố lớn nhỏ, cuối cùng đến Kusinarà và viên tịch Níp Bàn, mang một tầm vóc lịch sử rất có giá trị trên con đường truyền giáo của Ngài, v.v…
Tiếp theo là những bài kinh khuyến khích đời sống tu tập của các vị tỳ khưu, hãy tự sống với chính mình, là ngọn đuốc cho chính mình, và giữ gìn oai nghi chánh hạnh. Phủ nhận giá trị tối thượng của giai cấp Bà La Môn và xác nhận sự bình đẳng của bốn giai cấp theo hành vi Thiện Ác của mình. Lấy Chánh Pháp là vị tối thượng, dù là thuộc giai cấp nào đi nữa, vì Pháp là tối thượng.
Bài kinh Tự Hoan Hỷ nói lên lòng tin tưởng vô biên của đại đức Xá Lợi Phất đối với đức Phật bởi vì đại đức Xá Lợi Phất biết đến truyền thống Chánh Pháp, tất cả bậc Chánh Đẳng Giác đã diệt trừ Ngũ Triền Cái, an trú trong Tứ Niệm Xứ, tu hạnh Thất Giác Chi, và chứng đắc Vô Thượng Giác.
Với bài kinh Thanh Tịnh, đức Phật khuyên chư tỳ khưu nên sống hòa hợp, dung hòa, tương thân tương kính, không nên tranh chấp cãi cọ với nhau.
Với bài kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt, đức Phật giải thích ý nghĩa và giá trị trong việc lễ bái Lục Phương, là diệt trừ bốn nghiệp phiền não, không làm điều ác theo bốn lý do, không theo sáu nguyên nhân phung phí tài sản. Đức Phật giải thích rõ ràng từng phương một trong Lục Phương. Phương Đông chỉ cho Cha Mẹ – Con Cái, phương Nam chỉ cho Thầy – Trò, phương Tây chỉ cho Vợ – Chồng, phương Bắc chỉ cho Bạn Hữu, phương Dưới chỉ cho Chủ – Tớ, và phương Trên chỉ cho Sa Môn – Bà La Môn. Chính những sự đối xử tương xứng tạo ra sự an lạc, hoan hỷ cho cả Lục Phương.
Với bài kinh A Sá Năng Chí, được đức Phật thuận ý, vua Tỳ Sa Môn giới thiệu học chú (kàthà) để khởi lòng tin cho hàng Dạ Xoa và cũng để che chở hộ trì Tứ Chúng.
Hai bài kinh cuối cùng, Kinh Phúng Tụng và Kinh Thập Thượng, do đại đức Xá Lợi Phất thuyết giảng với các Pháp Số từ một đến mười, tóm lược và giải thích các Pháp mà đức Phật đã khéo thuyết giảng, phân loại từ một chi Pháp đến mười chi Pháp, với mục đích ôn lại những lời giảng dạy của đức Phật cho được tròn đủ, không thiếu sót, và tránh khỏi sự tranh luận. Hai bài kinh cuối này rất quan trọng vì mở đầu cho các học giả được thuận duyên tu học Tạng Vô Tỷ Pháp (Abhidhamma) sau này.
Xuyên qua 34 bài kinh thuộc Trường Bô Kinh, học giả hội túc duyên sẽ lãnh hội nhiều lợi lạc trong việc tu học và trau giồi trí tuệ, ngõ hầu tiến tới Đạo Quả giải thoát Níp Bàn.