Video (16) Đặc Tính Chung Và Đặc Tính Riêng – Thiền Sư U Paṇḍitā – Khóa Thiền Mùa Xuân 2007

Video (16) Đặc Tính Chung và Đặc Tính Riêng – Thiền Sư U Paṇḍitā – Khóa Thiền Mùa Xuân 2007

 

 

Đặc Tính Chung và Đặc Tính Riêng – Thiền Sư U Paṇḍitā – Khóa Thiền Mùa Xuân 2007

Bài giảng ngày 20/05/2007 tại Như Lai Thiền Viện, California.

Hôm qua Sư Cả giảng về việc niệm vào đề mục, hành giả cần phải niệm ngay khi đề mục xuất hiện. Hành giả hãy niệm vào đề mục rõ nhất và thuộc chân đế. Các đề mục thuộc chân đế có đặc tính riêng giống như mỗi thức ăn có vị riêng biệt. 

Thực hành theo tinh thần của kệ ngôn: bhūtaṁ bhūtato passati – có nghĩa hãy quán sát và ghi nhận sự vật như thật sự nó là vậy. Bhūtato có nghĩa theo cách sự vật là, hay sự vật thật sự hiện hữu. Cái gì thật sự hiện hữu? Đó là đặc tướng riêng sabhāvalakkhanā và đặc tướng chung sāmaññalakkhanā của sự vật. Mỗi hiện tượng danh, sắc đều có đặc tướng riêng, tất cả các hiện tượng danh, sắc đều có đặc tướng chung giống nhau. Khi niệm đề mục kịp thời, sát na định trở nên mạnh mẽ, hành giả sẽ thấy đặc tướng riêng và đặc tướng chung của các hiện tượng danh, sắc.

Các hiện tượng danh, sắc có đặc tướng riêng giống như thức ăn có từng vị riêng biệt khác nhau, như mặn, ngọt, chua, chát, cay, đắng. Trong thức ăn có món có 3 vị, có món vừa chua vừa ngọt, các vị trong thức ăn được con người ưa thích nên có nghĩa là (2:13) rasā. Ưa thích không có nghĩa là tham ái, nhưng có nghĩa khi người ta thấy thức ăn có vị đúng theo ý thích sẽ làm cho con người vui vẻ. Tương tự như từng loại thức ăn có vị riêng biệt, tâm và vật chất cũng có đặc tướng riêng biệt. Đặc tướng riêng biệt của sắc thay đổi tùy theo nhân quả. Đặc tướng riêng của danh là sự nhận biết. Trong vật chất, tứ đại Đất, Nước, Gió, Lửa. Thì đặc tướng riêng của Đất là sự nặng, nhẹ; đặc tướng riêng của Nước là ẩm ướt, dính hút và nặng; đặc tướng riêng của lửa là ấm, nóng, lạnh, mát, nhẹ; đặc tướng riêng của gió là căng, dãn và chuyển động; đặc tướng của tâm là sự nhận biết, đó là sự tiếp xúc và thọ. Đặc tướng riêng của tâm và vật chất là sự thật, có thể nhận biết được, vì chúng là chân đế. Đặc tướng riêng của các hiện tượng tâm và vật chất cũng tương tự như vị riêng của từng loại thức ăn. Vì ai cũng biết vị của thức ăn, do đó khi so sánh vị riêng của thức ăn với đặc tướng riêng của các hiện tượng tâm và vật chất, thì mọi người ai cũng hiểu được dễ dàng. Nếu ăn đường sẽ biết vị ngọt, nếu ăn chanh sẽ biết vị chua, nếu ăn ớt sẽ biết vị cay, nếu ăn ổ qua sẽ biết vị đắng. Và tất cả sự biết các vị này là do tâm. Trong thân có nhiều đặc tướng khác nhau, hành giả hành thiền minh sát ghi nhận các đặc tướng riêng này giống như khi ăn, ghi nhận các vị khác nhau trong từng loại thức ăn. Khi niệm “phồng”, phồng chỉ là tên, nhưng nếu có sự chú tâm cẩn thận trong sự phồng, hành giả sẽ thấy được đặc tướng căng, dãn và chuyển động phồng. Cũng như khi niệm “xẹp”, sẽ thấy đặc tướng co, dãn, và chuyển động xẹp. Biểu hiện của yếu tố gió trong sự phồng xẹp là căng, dãn và chuyển động. Nhưng nếu hành giả niệm phồng xẹp một cách lơ là, không cẩn thận, hành giả sẽ không biết được đặc tướng thật sự của yếu tố gió, do đó, hành giả phải niệm bằng các chi thiền tầm tứ. Hành giả hướng tâm đến đề mục, đưa tâm đến đề mục bằng nỗ lực tinh cần. Nếu hướng tâm đến đề mục một cách dễ dãi, không cố sức, không tinh cần, thiếu năng động, thiếu tỉnh giác, hành giả sẽ không thế  thấy bản chất thật sự của đề mục. Vì lẽ đó, hành giả phải có sự chú tâm cẩn thận, ghi nhận đề mục bằng nỗ lực tinh cần, đưa tâm đến đề mục, và chà sát đề mục một cách hữu hiệu. Khi sát na định còn yếu, lúc đầu hành giả chỉ thấy dáng vẻ của sự phồng xẹp, cũng như cách thức chuyển động. Nếu tiếp tục niệm vào đề mục bằng sự chú tâm cẩn thận, với nỗ lực tinh cần, thì hành giả sẽ vượt khỏi dáng vẻ, cách thức để thấy các sự căng, cứng dãn và chuyển động trong sự phồng, xẹp. Hành giả hiểu được bản chất thật sự của đề mục. Khi tâm thấy sự cứng, ghi nhận cứng, khi tâm thấy sự căng ghi nhận căng. Qua cách này, hành giả biết được bản chất thật sự của đề mục. Lúc mới ban đầu hành giả chỉ thấy hình tướng, dáng vẻ của đề mục santāna, hoặc có thể thấy tư thế, cách thức của sự chuyển động ākāra. Nhưng khi niệm được thuần thục sẽ thấy đặc tướng riêng sabhāva. Có khi hành giả chỉ thấy đề mục biểu hiện qua hình tướng, khi khác thấy đề mục biểu hiện qua tư thế, khi thuần thục hành giả thấy bản chất thật sự của đề mục qua sự căng dãn, nóng, lạnh, cứng, mềm, ướt, trơn… Do đó, mới ban đầu, hành giả có thể không biết được liền bản chất thật sự của đề mục. Giống như khi mới đưa thức ăn vào miệng, hành giả chưa nhận ra ngay vị của thức ăn, cho đến khi nhai cẩn thận với sự chú tâm mới thấy được vị riêng của thức ăn. Khi mới niệm phồng xẹp, hành giả có thể chỉ thấy hình dáng của sự phồng qua sự phình lên của bụng. Có khi chỉ thấy tư thế chuyển động của bụng như đột ngột, từ từ, chậm, mau… Sau đó khi khả năng ghi nhận thuần thục, hành giả ghi nhận các đặc tướng như nóng, lạnh, cứng, mềm, căng, dãn… Những đặc tướng riêng nóng, lạnh, cứng, mềm, căng, dãn…trong khi quán sát phồng xẹp được xem như các vị mặn, ngọt, chua, chát, cay, đắng trong khi nhai thức ăn. Do vậy, nếu hành giả niệm đúng, hành giả sẽ thấy được các đặc tướng cứng, mềm, căng, dãn, nóng, lạnh… Thiền sư thường hỏi hành giả: “hành giả có niệm được ngay khi thấy phồng xẹp vừa sinh khởi không? Hành giả có niệm được kịp thời với tất cả sự chú tâm không? Nếu làm được như vậy, thì hành giả biết được gì nơi sự phồng xẹp?” Nếu hành giả biết niệm đúng cách, và là người chân thật, hành giả sẽ có khả năng trả lời được các câu hỏi trên. Phải chăng hành giả thấy dáng vẻ của bụng khi phồng, chẳng hạn như phồng to, phồng nhỏ. Hay hành giả thấy tư thế của sự phồng, chả hạn phồng từ từ, phồng đột ngột, phồng từng chặp… Hay hành giả thấy sự căng, dãn, cứng, mềm, nóng, lạnh… trong khi quán sát sự phồng hay xẹp. Nếu hành giả trả lời lơ mơ, nói điều này điều kia bằng suy nghĩ cho thấy hành giả không có sự chú tâm cẩn thận nơi đề mục chính. Để niệm được kịp thời khi đề mục sinh khởi, hành giả cần phải vận dụng sức mạnh của sự hướng tâm, và sự tinh cần nỗ lực, thì hành giả sẽ biết bản chất thật sự của đề mục biểu hiện qua đặc tướng riêng của đề mục. Mỗi sự vật có đặc tướng riêng biệt của sự vật, chả hạn căng, dãn, đưa, đẩy là đặc tướng riêng, biểu hiện của yếu tố gió, không thể có được ở các yếu tố đất, nước và lửa. Ngoài ra, khi niệm vào đề mục, hành giả còn biết được đặc tướng chung của đề mục. Chẳng hạn khi ăn vật ngọt, hành giả nhận ra vị ngọt được một lúc rồi vị ngọt tan biến đi. Cũng như khi nếm được vị chua, được một lúc sau vị chua cũng tan biến đi. Hành giả thấy vị ngọt sinh rồi diệt mất, và sự ghi nhận được vị ngọt cũng sinh rồi diệt mất. Hành giả thấy sự sinh diệt không chỉ xảy ra nơi vị ngọt, mà còn xảy ra nơi tâm ghi nhận được vị ngọt. Kệ ngôn: “bản chất sinh diệt là dấu hiệu chung cho mọi sự vật”, hay có nghĩa đặc tướng chung của các hiện tượng tâm và vật chất là sự sinh diệt. Do vậy, nếu hành giả niệm đúng lúc, vận dụng đúng yếu tố tầm và tấn, hành giả sẽ biết được đặc tướng chung và đặc tướng riêng của sự vật. Sự căng, dãn, cứng, mềm, hay chuyển động được kết hợp bằng nhiều phần tử nhỏ li ti. Trong sự căng, hành giả thấy sự căng này là tập hợp nhiều sự căng nhỏ li ti, cũng như hành giả thấy trong sự dãn hay chuyển động, các phần tử nhỏ li ti này là biểu hiện của yếu tố gió. Hành giả cảm nhận được cụ thể các phần tử nhỏ li ti này. Hành giả hiểu được trọn vẹn ý nghĩa của tên gọi yếu tố gió. Và như vậy, hành giả cũng hiểu được ý nghĩa của Diệu Đế Thứ Nhất – hay Khổ Đế của vật chất. Do đó, nếu ghi nhận được đề mục bằng sự hướng tâm và tinh tấn, hành giả sẽ biết được căng, dãn, chuyển động. Hành giả biết được bản chất thật sự của đề mục. Nếu không ghi nhận kịp thời, lúc đề mục sinh khởi, hành giả sẽ không biết được bản chất thật sự của đề mục, hành giả mất cơ hội phát triển trí tuệ. Do đó, mất cơ hội phát triển trí tuệ tức vô minh. Vô minh, không những có nghĩa là không biết, mà còn có nghĩa là biết sai. So sánh với người bị bệnh mắt kéo mây, người mắc bệnh này có khi không thấy gì hết, có khi không thấy rõ, hoặc có khi thấy sai. Cùng thế ấy, nếu không niệm đúng theo phương pháp tứ niệm xứ, hành giả sẽ không hiểu được đặc tướng căng, dãn, chuyển động, không hiểu được các đặc tướng này, hành giả không thể hiểu được bản chất khổ của vật chất. Khi trí tuệ hình thành, vô minh tự động bị loại trừ, giống như khi ánh sáng xuất hiện thì bóng tối tự động biến mất. Do vậy, các hành giả phải giữ chánh niệm, đừng để thất niệm, thất niệm 5 phút, hành giả mất cơ hội phát triển trí tuệ 300 lần. Thất niệm 1 giờ, hành giả mất cơ hội phát triển trí tuệ 3600 lần. Nếu niệm đúng, hành giả phát triển được trí tuệ, hành giả có lợi lạc, nếu không niệm đúng, hành giả không phát triển được trí tuệ, hành giả không có lợi lạc. Do đó, hành giả hãy tự thẩm định xem, trong suốt ngày thiền, hành giả có lời hay bị lỗ. Hành giả giữ chánh niệm được nhiều, hay hành giả thất niệm nhiều? Nếu niệm 1 cách tỉ mỉ, sâu sắc và đúng đắn, đúng phương pháp, hành giả sẽ hưởng được lợi lạc từ sự tu tập. Hành giả sẽ hưởng được loại hạnh phúc từ khước phiền não. Chỉ khi hành giả biết được loại hạnh phúc từ khước phiền não thuộc loại hạnh phúc phi thế tục, thì hành giả mới bỏ được hạnh phúc thế tục. Hành giả đến đây tu tập, hành giả bỏ hạnh phúc thế tục sau lưng. Nếu hành giả tu tập dễ duôi, hành giả không nhận được hạnh phúc phi thế tục, và như vậy, hành giả mất cả 2 loại hạnh phúc thế tục và hạnh phúc phi thế tục. Tu tập Thiền Minh Sát làm cho con người hành giả được thăng tiến, phẩm giá hành giả được sáng ngời. Một lần nữa Sư Cả kêu gọi các hành giả hãy tu tập một cách cẩn trọng và nghiêm túc.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

 

BỘ VIDEOS 39 BÀI GIẢNG | THIỀN SƯ U PAṆḌITĀ | KHÓA THIỀN MÙA XUÂN 2007

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app