Video (2) Cách Đoạn Trừ Sự Thô Tháo – Thiền Sư U Paṇḍitā – Khóa Thiền Mùa Xuân 2007

Video (2) Cách Đoạn Trừ Sự Thô Tháo – Thiền Sư U Paṇḍitā – Khóa Thiền Mùa Xuân 2007

 

 

Cách Đoạn Trừ Sự Thô Tháo – Thiền Sư U Paṇḍitā – Khóa Thiền Mùa Xuân 2007

(Bài giảng ngày 06/05/2007 tại Như Lai thiền viện California)

Hôm qua Sư cả giảng về câu nói: “văn hóa thật là tinh hoa của con người”. Có nhiều loại văn hóa khác nhau, tùy theo mỗi nước chúng ta cần phải hiểu đâu là văn hóa thật, và đâu là văn hóa giả. Văn hóa thật là biết tự kiểm soát, không cư xử sai trái, không làm hại người khác, không làm người khác bị tổn thương về tinh thần và vật chất. 

Hôm nay Sư sẽ giảng về vấn đề này trong cả 2 lĩnh vực: lý thuyết và thực hành. 

Đối nghịch với văn hóa là sự thô tháo, có văn hóa thì không thô tháo, có thô tháo thì không có văn hóa. Thô tháo có nghĩa có thân – khẩu – ý đáng chê trách, thân – khẩu – ý đáng chê trách vì không trong sạch. Nếu một người nuông chiều phiền não, người này sẽ trở nên thô tháo, bạo hành và làm hại người khác. Lửa phiền não là các lửa tham – sân – si, các loại lửa này làm hại cá nhân và làm hại những người xung quanh. Lửa phiền não không những đốt cháy tâm của cá nhân mà còn cháy lân lan đến người xung quanh. Người có thân – khẩu – ý không trong sạch trở nên không văn hóa, người này có sự cư xử thô tháo. Do đó, người có văn hóa là người có thân – khẩu – ý trong sạch không bị chê trách. Vì thân – khẩu – ý thuần thục, thanh tịnh làm cho người này trở nên dễ mến. Tham – sân – si quá độ sẽ làm mất văn hóa, trở nên thô tháo. Thô tháo vì bị phiền não ảnh hưởng đến thân – khẩu – ý.

3 loại phiền não: phiền não tác động – phiền não tư tưởng – phiền não ngủ ngầm. 

Loại phiền não tác động biểu hiện qua thân – khẩu; loại phiền não tư tưởng biểu hiện qua ý tưởng; và loại phiền não ngủ ngầm chỉ sinh khởi trong tâm khi có đầy đủ điều kiện thích nghi. Sự thô tháo phát xuất từ 3 loại phiền não này. 

Hành giả cần có sự hổ thẹn và ghê sợ phiền não. Nhờ sự hổ thẹn và ghê sợ phiền não làm cho phiền não càng ít đi, hành giả trở nên có thân – khẩu – ý trong sạch, dịu dàng. Hành giả không muốn có hành động, lời nói hay tư tưởng đáng nhờm gớm. Do đó khi cá nhân có sự hổ thẹn tội lỗi và ghê sợ tội lỗi, người này không muốn làm cho thân – khẩu – ý dơ bẩn vì ảnh hưởng bởi phiền não. Nhờ vậy thân – khẩu – ý trở nên trong sạch, dễ mến, dịu dàng, không bị chê trách. Cá nhân dứt bỏ sự thô tháo nơi bản thân, và như vậy cá nhân thay thế sự cư xử thô tháo thành sự cư xử văn hóa. 

3 pháp tu tạo nguyên nhân cho sự loại trừ thô tháo. Đó là bố thí, trì giới và tham thiền. Bố thí là cho ra những gì cá nhân hiện có để giúp đỡ người khác. Trì giới là sự giữ giới không làm điều sai trái. Và tham thiền làm cho tâm phát triển trong sạch không bị ảnh hưởng bởi phiền não. Hành thiền giúp chế ngự và diệt tận phiền não. Trong 3 pháp tu, bố thí là pháp tu dễ nhất. Đức Phật dạy chúng ta pháp bố thí trước. Hôm nay Sư Cả giảng về pháp bố thí.

Bố thí có nghĩa là không giữ riêng cho mình mà chia sẻ với người khác. Chia sẻ với người khác sẽ giúp loại bỏ sự dính mắc những gì mình có, nhờ vậy loại bỏ được tham lam. Nếu ích kỷ cá nhân sẽ không cho ra, không giúp đỡ người khác. Vì không ích kỷ, khi bố thí không mong cầu danh lợi riêng tư. Bố thí giúp cho cá nhân loại trừ sự tham lam quá độ, nhờ không tham lam quá độ nên tâm được trong sạch, nhưng chỉ trong sạch ở mức độ giới hạn nào đó, tâm người bố thí tự do không còn dính mắc, tâm trở nên dễ mến. Đây là cách cá nhân phát triển được văn hóa qua bố thí. 

Bố thí với tâm không mong cầu danh lợi riêng tư, nên ngay lúc bố thí tâm thí chủ được trong sạch. Tâm trong sạch nên làm cho thân – khẩu – ý trong sạch. Do đó trong lúc bố thí, cá nhân có được thân – khẩu – ý trong sạch. Đó là tại sao Đức Phật dạy, có nghĩa bố thí là phước làm cho đời cá nhân. Nếu có ai hỏi có nên bố thí không? Thì câu trả lời sẽ là “nên”. Phạn ngữ kāriya có nghĩa điều nên làm với tác ý thiện tâm làm nhân dẫn đến bố thí. Và bố thì làm cho quả an vui, hạnh phúc. Với tác ý thiện tâm muốn giúp đỡ người đang cần làm nhân, cho quả phước là người bố thí hưởng được đời sống đầy đủ vật chất bhogasampatti. Bố thí được gọi là phước báu thiện puññakriyā-vatthu vì nó làm cho thân khẩu ý trong sạch. Tuy vậy quả của phước báu bố thí đem lại cũng không cao bằng các pháp khác như trì giới và hành thiền. Vì 2 pháp trì giới và hành thiền đem lại thân – khẩu – ý  tốt đẹp hơn nữa. 

Bố thí với tâm không mong cầu danh lợi sẽ giúp thí chủ thành tựu được những gì mong ước. Khi bố thí với mục đích tốt đẹp, thí chủ không cần phải mong cầu, tự động phước bố thí sẽ làm viên thành những gì thí chủ mong ước. Trong nhóm chữ dhammavinaya Dhamma giáo pháp có nghĩa là sự chỉ dạy chính xác và cụ thể đem lại lợi lạc cho mọi người vinaya có nghĩa là những quy tắc đặt ra để làm cho con người có thân – khẩu đúng đắn. Do đó chữ giáo pháp và giới luật còn gọi là sampaññā có nghĩa văn hóa, hay Pháp tạo nên văn hóa. 

Văn hóa ấy là gì? Là văn hóa Phật giáo. Vì văn hóa này đến từ kết quả tu tập theo giáo pháp của Đức Phật. Do đó, bố thí là văn hóa căn bản của Phật Giáo. 

Bố thí chưa có ảnh hưởng gì đến giới đức nhưng giúp cá nhân hiểu được căn bản lời Phật dạy. Với tác ý muốn bố thí, tạo nên hành động muốn giúp đỡ người khác. Quả bố thí giúp thành tựu điều thí chủ mong ước, cũng như cho thí chủ có cuộc sống đầy đủ vật chất, địa vị cao sang. Do đó từ tác ý thiện tâm muốn bố thí là nhân, đưa đến quả là thí chủ có cuộc sống đầy đủ vật chất, địa vị cao sang, và tự động thành tựu được những gì thí chủ mong ước, mà không cần phải mong cầu nơi một đấng nào. Người bố thí hiểu rằng, chả có đấng nào giúp người này thành tựu sự mong ước mà tất cả do tác ý thiện tâm tạo nên. 

Do đó bố thí đúng cách giúp loại bỏ si mê. Bố thí giúp loại bỏ tham, thay thế bằng vô tham, ngoài ra bố thí còn giúp loại bỏ được sân hận, thay thế bằng vô sân. Khi bố thí, thí chủ mong muốn người nhận có được những gì người này cần. Với ý tưởng như vậy là thí chủ có tâm từ ái. Khi bố thí người cho, hãy làm với tâm từ hướng đến người nhận. Nhờ có tâm từ hướng đến người nhận nên loại trừ được sân hận. Vì sân hận đối nghịch với từ ái. Do đó bố thí loại bỏ sân hận, thay thế bằng vô sân, tức từ ái. Với tâm từ, người bố thí mong cho người nhận được an vui, hạnh phúc. Vì muốn cho người nhận được an vui, hạnh phúc nên có sự nhẫn nại, khoan dung và hy sinh trong khi giao tiếp với mọi người. 

Bố thí là hy sinh cho người khác, vì vậy bằng sự tu tập bố thí, cá nhân trở nên người có văn hóa, văn hóa phát triển nhờ sự tu tập bố thí. Do bố thí với sự không mong cầu danh lợi riêng tư, và bố thí bằng tâm từ bi, bố thí như thế là loại bố thí được làm bởi sự có trí. Chia sẻ với người khác bằng tâm từ bi, người cho ra loại bỏ được ích kỷ. Hiểu rằng với sự bố trí trong sạch bằng tâm từ bi sẽ đem lại quả tốt, hiểu như vậy nên không còn si mê và như vậy bố thí loại trừ si mê.

Qua sự bố thí giúp cho cá nhân không còn ích kỷ, không bị ai chê trách là người thiếu tâm từ bi. Cá nhân cũng không bị trách là si mê. Do đó qua bố thí, cá nhân phát triển được văn hóa cho chính bản thân, và qua bố thí, cá nhân thoát khỏi tham – sân – si. Nhờ bố thí tham – sân – si quá độ bị loại trừ, giúp loại trừ các phiền não khác. Do không dính mắc vào những gì mình có, người bố thí với tâm từ bi mong muốn cho người nhận được an vui, hạnh phúc, có được những gì họ cần. Do vậy phát triển được tâm hoan hỉ, khi thấy người nhận được hạnh phúc, tâm người cho loại trừ ác ý. Do chia sẻ với người khác, nên cá nhân loại bỏ sự ganh tị, cũng như tự hào hay kiêu hãnh. 

Vì bố thí với đức tin nơi nhân quả là làm tốt gặp tốt, làm xấu gặp xấu, người bố thí không còn phân vân hoài nghi, nên có chánh kiến.

Như vậy qua bố thí, cá nhân loại bỏ tham sân si quá độ, cùng với các bất thiện tâm khác như ích kỷ, ganh tị, ác ý, bủn xỉn, tự hào, kiêu hãnh. Đồng thời cũng làm cho các tâm khác như từ – bi – hỷ phát sinh, cũng như tạo được các đức tính tốt khác như khoan dung, nhẫn nại, độ lượng. Tuy nhiên bố thí chỉ mới giúp loại bỏ tham – sân – si quá độ, nhưng chưa có ảnh hưởng gì đến giới đức.

Tu tập bố thí hỗ trợ cho sự tu giới. Bố thí là quả phước nhỏ, nhưng bố thí tạo điều kiện mở đường cho sự tu giới. Tu tập giới sẽ giúp cá nhân phát triển các văn hóa khác.

Thời pháp đến đây đã mãn, Sư Cả sẽ giảng tiếp vào ngày mai.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

BỘ VIDEOS 39 BÀI GIẢNG | THIỀN SƯ U PAṆḌITĀ | KHÓA THIỀN MÙA XUÂN 2007

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app