Nội Dung Chính
Phần 7
7- Pháp-Hạnh Chân-Thật Ba-La-Mật (Saccapāramī)
Pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật có 3 bậc: bậc hạ, bậc trung, bậc thượng.
7.1 – Pháp-Hạnh Chân-Thật ba-la-mật Bậc Hạ Saccapāramī
Tích Vaṭṭakajātaka (Wat-tá-ká-cha-tá-ká)
Trong tích Vaṭṭakajātaka, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm kiếp chim cút con (vaṭṭaka) tạo pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật bậc hạ (saccapāramī). Tích này được bắt nguồn như sau:
Đức-Thế-Tôn ngự đi khất thực cùng với số đông chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng trong xóm nhà dân Magadha. Sau khi độ vật thực xong, Đức-Thế-Tôn ngự trở về cùng với số đông chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng đến giữa khu rừng. Khi ấy, vào mùa nắng nóng, các cành cây khô cọ xát vào nhau phát ra lửa, trở thành đám cháy rừng lớn dữ dội cả phía trước lẫn phía sau, xung quanh, đám cháy rừng khói lửa bốc lên nghi ngút đang cháy lan đến chỗ đứng của chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng.
Trong số chư tỳ-khưu ấy, có vị còn là phàm nhân sợ bị chết thiêu nên bàn tính với nhau rằng:
– Này các pháp-hữu! Chúng ta nên châm lửa đốt cháy rừng ngược lại, để ngăn chặn ngọn lửa cháy lan đến chỗ đứng của chúng ta.
Họ đang cặm cụi lấy 2 viên đá đánh cho phát ra lửa.
Một nhóm tỳ khưu khác hỏi rằng:
– Này các pháp-hữu! Các pháp-hữu đang làm gì vậy?
Các vị tỳ-khưu ấy nói cho biết ý định đốt cháy rừng chặn đường lửa.
Nghe nói như vậy, vị tỳ-khưu nói rằng:
– Này các pháp-hữu! Các pháp-hữu không thấy Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác là bậc Tối-Thượng trong toàn thể chư-chiên, phạm-thiên, nhân loại, Ngài đang ngự đứng phía trước chúng ta hay sao!
Các pháp-hữu làm như người không nhìn thấy vầng trăng rằm đang chiếu sáng trên hư không, hoặc như người không nhìn thấy mặt trời đang chiếu sáng trong bầu trời, hoặc như người đứng bờ đại dương mà không nhìn thấy đại dương mênh mông bao la, hoặc người đứng gần núi Sineru to lớn và cao mà không nhìn thấy núi Sineru được hay sao!
Cho nên, các pháp-hữu mới có ý định đốt cháy rừng, chặn đường lửa cháy lan đến chỗ các pháp-hữu.
– Này các pháp-hữu! Các pháp-hữu hãy cùng nhau đến hầu đứng quanh Đức-Thế-Tôn.
Nghe lời khuyên bảo như vậy, tất cả chư tỳ-khưu đều đến hầu đứng quanh Đức-Thế-Tôn. Đám lửa rừng cháy lớn đến khoảng cách Đức-Thế-Tôn 16 karīsa ngọn lửa tự dập tắt, như gặp phải nước.
(Đức-Thế-Tôn đứng giữa, phía trước, phía sau, bên phải, bên trái, xung quanh 4 phía khoảng 32 karīsa ngọn lửa rừng tự dập tắt hẳn).
Nhìn thấy như vậy, chư tỳ-khưu vô cùng hoan hỷ tán dương ca tụng Đức-Thế-Tôn rằng:
Thật là phi thường! Do oai lực của Đức-Thế-Tôn, ngọn lửa rừng không có tâm mà tự dập tắt như gặp phải nước, không còn cháy lan đến chỗ đứng của Đức-Thế-Tôn.
Nghe chư tỳ-khưu tán dương ca tụng như vậy, Đức-Thế-Tôn dạy rằng:
– Này chư tỳ-khưu! Ngọn lửa rừng cháy lan đến khoảng cách xa chỗ đứng Như-Lai, rồi tự dập tắt ngay như gặp phải nước, do oai lực của Như-Lai không chỉ trong kiếp hiện-tại này, mà còn tiền-kiếp của Như-Lai sinh làm chim cút con đã phát nguyện bằng lời chân thật. Do oai lực phát nguyện bằng lời chân thật của chim cút con ấy, khiến cho đám cháy rừng, ngọn lửa tự dập tắt ngay như gặp phải nước, cách xa tổ chim cút con nằm khoảng 16 karīsa, xung quanh 4 phía.
Từ đó về sau, lửa rừng không xảy ra suốt kiếp trái đất. Đó mới thật là phi thường!
Khi ấy, Ngài Trưởng-lão Ānanda trải tấm y 4 lớp, rồi thỉnh Đức-Thế-Tôn ngự ngồi kiết già, còn chư tỳ-khưu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, rồi trải toạ cụ ngồi xung quanh. Chư tỳ-khưu kính thỉnh Đức-Thế-Tôn rằng:
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, do oai lực của Đức-Thế-Tôn, ngọn lửa rừng tự dập tắt ngay như gặp phải nước trong kiếp hiện-tại thì chúng con đã thấy rõ, còn ngọn lửa rừng tự dập tắt trong tiền-kiếp của Đức-Thế-Tôn như thế nào thì chúng con chưa biết.
Vậy, chúng con kính thỉnh Đức-Thế-Tôn thuyết về chim cút con, tiền-kiếp của Ngài.
Tích Vaṭṭakajātaka
Khi ấy, Đức-Thế-Tôn thuyết về tích Vaṭṭakajātaka được tóm lược như sau:
Trong thời quá-khứ, trong khu rừng vùng Magadha, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh vào loài chim cút. Đức-Bồ-tát tái-sinh trong trứng cút, đến khi phá vỡ vỏ trứng cút, Đức-Bồ-tát chim cút con nở ra nằm trong tổ. Mẹ cha cút tha mồi đem về nuôi Đức-Bồ-tát chim cút con, Bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ.
Khi Đức-Bồ-tát chim cút con có 2 cánh chưa đủ lông, nên chưa có thể bay lên hư không được, có 2 chân còn yếu, nên chưa có thể bước đi được.
Hằng năm, vào mùa nắng nóng, cây rừng khô cọ xát vào nhau phát sinh ra lửa, gây ra nạn cháy rừng tại khu rừng vùng Magadha ấy.
Khi ấy, đám cháy rừng dữ dội, những tiếng nổ lớn nghe kinh hồn, các con thú rừng, các loài chim sợ chết đều bay đi nơi khác lánh nạn. Mẹ cha của Đức-Bồ-tát cút con tuy thương cút con nhưng không thể tha cút con đi được, nên đành phải để Đức-Bồ-tát chim cút con nằm một mình trong tổ, còn mẹ cha cút sợ chết bay đi lánh nạn nơi khác.
Nghe những tiếng nổ kinh hồn, Đức-Bồ-tát chim cút con nằm một mình trong tổ ấy, đưa đầu ra nhìn thấy đám khói mù mịt, ngọn lửa rừng đang cháy lan đến tổ của chim cút con, nên nghĩ rằng:
“Nếu ta có sức lực vỗ 2 cánh thì ta bay lên hư không đến nơi khác lánh nạn, nếu ta có sức lực duỗi 2 chân thì ta chạy đi nơi khác lánh nạn.
Mẹ cha của ta sợ chết đã bay đi lánh nạn nơi khác rồi, bỏ lại một mình ta nằm trong tổ này.
Bây giờ, ta không có nơi nương nhờ, không có nơi ẩn náu. Vậy, ta nên làm cách nào để thoát khỏi chết thiêu.”
Tiếp theo, Đức-Bồ-tát chim cút con tư duy rằng:
“Trong đời này, giới đức đang hiện hữu, sự thật chân-lý đang hiện hữu.
Trong thời quá-khứ, chư Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác đã thực-hành đầy đủ 30 pháp-hạnh ba-la-mật xong, ngự đến ngồi tại cội Đại-Bồ-đề, chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế đầu tiên không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên trong toàn cõi-giới chúng-sinh, nên gọi là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác độc nhất vô nhị.
Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có đầy đủ giới-đức, định-đức, tuệ-đức, giải-thoát-đức, giải-thoát tri-kiến-đức, có đầy đủ tâm-từ, tâm-đại-bi, đức nhẫn-nại đối với tất cả chúng-sinh muôn loài, có ân-đức Phật-bảo, ân-đức Pháp-bảo và chính nơi ta cũng có các điều chân-thật nữa.
Vậy, ta nên niệm tưởng đến ân-đức Phật-bảo, ân-đức Pháp-bảo ấy và các điều chân-thật đang hiện hữu trong ta.
Ta nên phát nguyện bằng lời chân-thật, khiến cho ngọn lửa tự dập tắt, để cho ta thoát nạn chết thiêu và các loài chim, các sinh vật khác cũng được thoát nạn chết thiêu nữa.”
Suy xét xong, Đức-Bồ-tát chim cút con phát nguyện bằng lời chân-thật rằng:
“Santi pakkhā apatanā, santi pādā avañcanā.
Mātāpitā ca nikkhantā Jātaveda paṭikkama.”
– Này lửa! Tôi có 2 cánh mà không bay được,
Tôi có 2 chân mà không bước đi được,
Mẹ cha của tôi đã bay đi lánh nạn nơi khác rồi.
– Này lửa! Ngươi hãy nên tự dập tắt ngay!
Sau khi Đức-Bồ-tát cút con phát nguyện bằng lời chân-thật xong, ngọn lửa đang cháy dữ dội kia tự dập tắt ngay như gặp phải nước, cách xa tổ của Đức-Bồ-tát chim cút con xung quanh khoảng 16 karīsa.
Do oai lực lời chân-thật của Đức-Bồ-tát chim cút con ấy, từ đó về sau, suốt một kiếp trái đất không xảy ra nạn cháy rừng như hằng năm.
Trong khu rừng ấy, chúng-sinh muôn loài sống được an toàn, không còn kinh sợ nạn cháy rừng nữa.
Đức-Bồ-tát chim cút sống được an lành cho đến hết tuổi thọ.
Sau khi Đức-Bồ-tát chim cút chết, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau trong các cõi thiện-giới: cõi người, các cõi trời dục-giới an hưởng mọi sự an-lạc tại cõi ấy.
Khi ấy, Đức-Thế-Tôn thuyết dạy rằng:
– Này chư tỳ-khưu! Ngọn lửa cháy rừng tự dập tắt, không còn cháy lan đến chỗ đứng này do oai lực của Như-Lai không chỉ trong kiếp hiện-tại, mà còn tiền-kiếp của Như-Lai sinh làm kiếp chim cút con phát nguyện bằng lời chân-thật, khiến cho ngọn lửa cháy rừng tự dập tắt, không còn cháy lan đến tổ của Đức-Bồ-tát chim cút con cũng như vậy.
Sau khi thuyết tích Vaṭṭakajātaka xong, Đức-Thế-Tôn thuyết giảng về chân-lý tứ Thánh-đế, cho nên, chư tỳ-khưu chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, có số tỳ-khưu chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu; có số tỳ-khưu chứng đắc đến Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhất-lai; có số tỳ-khưu chứng đắc đến Bất-lai Thánh-đạo, Bất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Bất-lai; có số tỳ-khưu chứng đắc đến A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama, tuỳ theo năng lực của các pháp-hạnh ba-la-mật và 5 pháp-chủ (indriya): tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ của mỗi vị tỳ-khưu.
Tích Vaṭṭakajātaka Liên Quan Đến Kiếp Hiện-Tại
Trong tích Vaṭṭakajātaka, Đức-Bồ-tát chim cút con là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, tạo pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật bậc hạ trong kiếp quá-khứ. Đến khi Đức-Phật Gotama đã xuất hiện trên thế gian thì hậu kiếp của những nhân vật trong tích Vaṭṭakajātaka liên quan đến kiếp hiện-tại những nhân vật ấy như sau:
– Mẹ cha của Đức-Bồ-tát chim cút, nay kiếp hiện-tại là Đức-Phụ-vương Suddhodana và Mẫu-hậu Mahā-mayādevī.
– Đức-Bồ-tát chim cút, nay kiếp hiện-tại là Đức-Phật Gotama.
10 Pháp-Hạnh ba-la-mật
Tóm lược tích Đức-Bồ-tát chim cút con (Vaṭṭaka) tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama đã tạo pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật bậc hạ, ngoài ra, còn có các pháp-hạnh ba-la-mật khác cũng đồng thời thành tựu:
– Đức-Bồ-tát chim cút con có tâm-bi cứu sống các sinh vật trong rừng, đó là pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật.
– Đức-Bồ-tát chim cút con có trí-tuệ suy xét các pháp sâu sắc, đó là pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật.
– Đức-Bồ-tát chim cút con có tinh-tấn, đó là pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật.
– Đức-Bồ-tát chim cút con có đức nhẫn-nại, đó là pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật.
– Đức-Bồ-tát chim cút con phát nguyện bằng lời chân-thật, đó là pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật.
– Đức-Bồ-tát chim cút con có tâm-từ đối với tất cả chúng-sinh, đó là pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật.
– Đức-Bồ-tát chim cút con có tâm-xả đối với tất cả chúng-sinh, đó là pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật.
Đó là 7 pháp-hạnh ba-la-mật cũng đồng thời thành tựu cùng với pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật bậc hạ này.
Nhận Xét Tích Đức-Bồ-Tát Chim Cút Con
Trong tích Vaṭṭakajātaka này, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm kiếp chim cút con (Vaṭṭaka) còn nhỏ chưa bay được, chưa bước đi được, nằm trong tổ, mẹ cha cút tha mồi đem về nuôi Đức-Bồ-tát chim cút con.
Khi ấy, đám cháy rừng dữ dội, ngọn lửa đang cháy lan đến chỗ tổ của Đức-Bồ-tát chim cút con ấy, mẹ cha của Đức-Bồ-tát chim cút con không có khả năng tha Đức-Bồ-tát chim cút con lánh nạn nơi khác được, nên đành phải bỏ Đức-Bồ-tát chim cút con ấy ở lại nằm trong tổ một mình, còn mẹ cha Đức-Bồ-tát chim cút sợ bị chết thiêu, nên bay đi lánh nạn nơi khác.
Đức-Bồ-tát chim cút con ấy, tuy có 2 cánh, nhưng không thể bay được, tuy có 2 chân, nhưng không thể bước đi được, Đức-Bồ-tát chim cút con ấy không còn nơi nương nhờ, không có nơi ẩn náu nào cả. Đức-Bồ-tát chim cút con ấy tư duy rằng:
“Trong đời này, giới-đức đang hiện hữu, sự thật chân-lý đang hiện hữu…”
Sau khi tư duy xong, Đức-Bồ-tát chim cút con phát nguyện bằng lời chân thật rằng:
– Này lửa! Tôi có 2 cánh mà không bay được.
– Này lửa! Tôi có 2 chân mà không bước đi được.
– Này lửa! Mẹ cha của tôi đã lánh nạn nơi khác rồi.
– Này lửa! Ngươi hãy nên tự dập tắt ngay!
Sau khi Đức-Bồ-tát chim cút con phát nguyện bằng lời chân thật xong, ngọn lửa đang cháy dữ dội tự dập tắt ngay, như gặp phải nước, cách xa tổ của Đức-Bồ-tát chim cút con xung quanh 4 phía khoảng 32 karīsa.
Từ đó về sau, do oai lực lời phát nguyện chân thật của Đức-Bồ-tát chim cút con ấy, nạn cháy rừng hằng năm không còn xảy ra suốt kiếp trái đất ấy (kappaṭṭhāyiṃ mahātejaṃ).
Hậu-kiếp của Đức-Bồ-tát chim cút con trong kiếp quá-khứ ấy, nay kiếp hiện-tại là Đức-Phật Gotama ngự đi cùng chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng giữa khu rừng lớn trong vùng Magadha, gặp đám cháy rừng dữ dội, ngọn lửa đang cháy lan đến chỗ đứng của Đức-Phật, do oai lực lời phát nguyện chân-thật của Đức-Bồ-tát chim cút con tiền-kiếp của Đức-Phật, khiến ngọn lửa tự dập tắt ngay, như gặp phải nước, cách xa chỗ đứng của Đức-Phật xung quanh 4 phía khoảng 32 karīsa.
Sự thật, tử sinh luân-hồi của chúng-sinh, phần thân bị tan rã theo mỗi kiếp, còn phần tâm sinh rồi diệt liên tục từ kiếp này sang kiếp kia, từ vô thuỷ cho đến kiếp hiện-tại trải qua vô số kiếp không sao kể được. Tâm có chức năng tích luỹ tất cả mọi thiện-nghiệp và mọi ác-nghiệp.
* Nếu đại-thiện-nghiệp nào có cơ hội gặp thuận-duyên (sampatti) thì đại-thiện-nghiệp ấy có khả năng cho quả tốt, quả an-lạc ngay trong kiếp hiện-tại, kiếp kế tiếp (tái-sinh kiếp sau) và kiếp thứ 3 cho đến kiếp chót của bậc Thánh A-ra-hán, trước khi tịch diệt Niết-bàn.
* Nếu ác-nghiệp nào có cơ hội, gặp nghịch-duyên (vipatti) thì ác-nghiệp ấy có khả năng cho quả xấu, quả khổ ngay trong kiếp hiện-tại, kiếp kế tiếp (tái-sinh kiếp sau) và kiếp thứ 3 cho đến kiếp chót của bậc Thánh A-ra-hán, trước khi tịch diệt Niết-bàn.
Sự thật, lời phát-nguyện chân-thật của Đức-Bồ-tát chim cút con (tiền-kiếp) trong thời quá-khứ vẫn còn có oai lực trong kiếp hiện-tại của Đức-Phật Gotama, làm cho ngọn lửa tự dập tắt ngay, cách xa chỗ đứng của Đức-Phật Gotama xung quanh khoảng 32 karīsa. Cho nên, lời phát nguyện chân thật có oai lực rất phi thường.
Ví như trong tích Kaṇhadīpāyanajātaka, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama là vị đạo-sĩ Kaṇhadīpāyana (trích một đoạn ngắn) ở tại cốc lá.
Một hôm, một người bạn cũ tên Mandabya dẫn vợ và đứa con trai nhỏ tên Yaññadatta đến thăm, cúng dường các thức vật dụng đến Đạo-sĩ Kaṇhadīpāyana tại cốc lá.
Trong khi Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kaṇhadīpāyana tiếp chuyện với 2 vợ chồng người bạn, còn đứa bé trai Yaññadatta chạy ra ngoài vườn chơi đánh con quay, con quay xoay chạy rơi xuống miệng hang đụng đầu con rắn hổ mang, cậu bé Yaññadatta đưa tay xuống hang lấy con quay thì bị con rắn hổ mang cắn nơi tay của cậu bé, nọc độc rắn hổ mang xâm nhập vào thân mình làm cho cậu bé Yaññadatta đau đớn hét lớn lên, rồi nằm xuống đất chết giấc.
Nhìn thấy con như vậy, mẹ cha cậu bé chạy đến bồng con vào đặt dưới chân của ngài Đạo-sĩ Kaṇhadīpāyana, bạch rằng:
– Kính bạch Ngài Đạo-sĩ, cầu xin Ngài chữa trị, cứu mạng con của chúng tôi.
Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kaṇhadīpāyana bảo rằng:
– Này 2 bạn! Bần đạo không có thuốc chữa trị nọc rắn độc hổ mang.
– Kính bạch Ngài Đạo-sĩ, nếu Ngài không có thuốc chữa trị nọc rắn độc hổ mang, thì kính xin Ngài phát nguyện bằng lời chân-thật vậy!
Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kaṇhadīpāyana nhận lời:
– Lành thay! Bần đạo sẽ phát nguyện bằng lời chân-thật.
Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kaṇhadīpāyana đưa bàn tay phải đặt trên đầu của bé Yaññadatta phát nguyện bằng lời chân-thật rằng:
“Bần đạo mong tạo nhiều phước-thiện, nên từ bỏ nhà đi xuất gia trở thành đạo-sĩ với đức-tin trong sạch.
Bần đạo rất hoan hỷ thực-hành phạm-hạnh hoàn toàn trong sạch chỉ có được 7 ngày đầu mà thôi.
Từ đó về sau, dù không hài lòng đời sống đạo-sĩ, bần đạo vẫn ráng chịu đựng thực-hành phạm-hạnh trải qua suốt hơn 50 năm, mà không một ai biết được. 3
Do oai lực của lời chân-thật này của bần đạo, nọc rắn độc hổ mang trong thân thể của bé Yaññadatta hãy được tan biến.
Cầu mong sự an lành đến với bé Yaññadatta. Xin bé Yaññadatta được hồi sinh.”
Sau khi Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kaṇhadīpāyana phát nguyện bằng lời chân-thật vừa chấm dứt, thì nọc rắn độc hổ mang trong thân thể của bé Yaññadatta được tan biến dần xuống đến ngực.
Bé Yaññadatta mở mắt gọi “Mẹ kính yêu của con!” rồi nằm yên.
Khi ấy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Kaṇhadīpāyana động viên khuyến khích người cha của bé Yaññadatta rằng:
– Này bạn Maṇḍabya! Oai lực của bần đạo chỉ có bấy nhiêu. Vậy, bạn hãy nên phát nguyện bằng lời chân-thật của bạn thêm nữa, để cho nọc độc rắn được tan biến.
Tiếp theo người cha của bé Yaññadatta đưa bàn tay đặt trên ngực của con, rồi phát nguyện bằng lời chân-thật của mình rằng:
“Khi tôi thấy người khách đến xin nghỉ lại, dù đôi khi tôi không hài lòng với người khách ấy, mà tôi vẫn để cho người khách ấy nghỉ lại nhà.
Đó là điều mà các Sa-môn, Bà-la-môn không biết tôi không hài lòng và chính tôi cũng không muốn cho ai biết điều ấy.
Do oai lực lời chân-thật này của tôi, nọc rắn độc hổ mang trong thân thể của Yaññadatta con tôi hãy được tan biến.
Cầu mong sự an lành đến với con của tôi. Xin Yaññadatta con của tôi được hồi sinh.”
Sau khi người cha của bé Yaññadatta phát nguyện bằng lời chân-thật trên vừa chấm dứt, thì nọc rắn độc hổ mang trong thân thể của bé Yaññadatta được tan biến xuống phía dưới, bé Yaññadatta có thể ngồi dậy được, nhưng chưa có thể đi được.
Ông Maṇḍabya cha của bé Yaññadatta bảo người vợ của ông rằng:
– Này em yêu quý! Anh chỉ có oai lực bấy nhiêu. Vậy, em hãy phát nguyện bằng lời chân-thật của em thêm nữa, để cho con của chúng ta được hoàn toàn bình phục.
Vâng lời chồng, với tình thương yêu của người mẹ đối với con, nên bà can đảm phát nguyện bằng lời chân-thật của bà rằng:
– Này Yaññadatta con yêu quý của mẹ! Con rắn hổ mang có nọc độc kinh khủng cắn con như vậy. Con rắn hổ mang ấy không phải là nơi yêu thương của mẹ trong ngày hôm nay. Cũng giống như cha của con không phải là người chồng yêu thương của mẹ đã từ lâu. Đó là điều mà không một ai biết được.
Do oai lực của lời chân-thật này của mẹ, nọc rắn độc hổ mang trong thân thể của Yaññadatta con của tôi hãy được tan biến hết thảy.
Cầu mong sự an lành đến với Yaññadatta con của tôi, Yaññadatta con của tôi được hoàn toàn bình phục.
Sau khi người mẹ của Yaññadatta phát nguyện bằng lời chân-thật trên vừa chấm dứt, thì nọc rắn độc hổ mang trong thân thể của bé Yaññadatta con của bà được tan biến hết thảy, Yaññadatta con của bà hoàn toàn bình phục, đứng dậy nói năng chạy đi chơi như trước.
Như vậy, lời phát nguyện chân-thật có oai lực làm tan biến được nọc rắn độc hổ mang. Thật là điều phi thường!
Lời phát nguyện có oai lực là lời phát nguyện chân-thật, phải là điều có thật của mình hoặc của người khác. Điều có thật ấy dù là điều tốt, dù là điều xấu cũng vẫn là điều thật, khi phát nguyện bằng lời chân thật thì lời phát nguyện ấy chắc chắn có được oai lực phi thường.
Vaṭṭasuttapāḷi
Bài kinh Vaṭṭasuttapāḷi (Kinh Chim cút) là 1 trong 11 bài kinh Parittapāḷi (kinh hộ trì), nếu người nào thường tụng niệm Parittapāḷi hằng ngày đêm thì người ấy có thể tránh khỏi mọi điều rủi ro tai hại, đem lại sự an lành hạnh phúc, do oai lực bài kinh Parittapāḷi.
Bài kinh Vaṭṭasutta Parittapāfḷi này có oai lực ngăn được nạn cháy do lửa gây ra cho chính mình, cho nhà cửa của mình, thậm chí cho cả vùng xung quanh mình cũng được tránh khỏi nạn lửa cháy nữa.
Vaṭṭasuttaparittapāḷi
Pūrentaṃ bodhisambhāre, nibbattaṃ vaṭṭajātiyaṃ.
Yassa tejena dāvaggi, mahāsattaṃ vivajjayi.
Therassa Sāriputtassa, lokanāthena bhāsitaṃ.
Kappaṭṭhāyiṃ mahātejam, parittaṃ taṃ bhaṇāma he!
Atthi loke sīlaguṇo, saccaṃ soceyya’ nuddayā.
Tena saccena kāhāmi, saccakiriyamuttamaṃ.
Āajjetvā dhammabalaṃ, saritvā pubbake jine.
Saccabalam’avassāya, saccakiriyam’akāsa’haṃ.
Santi pakkhā apatanā, santi pādā avañcanā.
Mātā pitā ca nikkhantā, Jātaveda paṭikkama.
Saha sacce kate mayhaṃ, mahāpajjalito sikhī.
Vajjesi soḷasa karīsāni, udakaṃ patvā yathā sikhī.
Saccena me samo natthi, esa me saccapāramī.
(Vaṭṭasuttaṃ niṭṭhitaṃ)
Bài Kệ Khai Kinh Chim Cút
– Này chư thiện-trí! Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm chim cút bồi bổ các pháp-hạnh ba-la-mật cho được đầy đủ.
Đám cháy rừng tự dập tắt không đến tới tổ Đức-Bồ-tát chim cút con, do oai lực của bài kinh Chim cút con.
Đức-Thế-Tôn thuyết bài kinh Vaṭṭasutta cho Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta.
Bài kinh Chim cút con này có nhiều oai lực tồn tại suốt kiếp trái đất ấy.
– Này chư thiện-trí! Chúng tôi tụng bài kinh Chim cút con này.
Bài Kinh Chim Cút
Trong đời này, có giới-đức cao quý, pháp chân-thật cao thượng, thân khẩu ý thanh-tịnh, tâm-từ, tâm-bi đối với chúng-sinh.
Tôi phát nguyện bằng lời chân-thật cao thượng bằng các pháp ấy.
Tôi đã suy xét oai lực của chánh-pháp, đã niệm tưởng đến chư Phật trong thời quá-khứ.
Nương nhờ oai lực của pháp chân-thật, tôi phát nguyện bằng lời chân-thật.
– Này lửa! Tôi có 2 cánh mà không thể bay được.
Tôi có 2 chân mà không thể bước đi được.
Mẹ cha của tôi đã bay đi lánh nạn nơi khác rồi!
– Này lửa! Ngươi hãy lùi ra xa, tự dập tắt ngay!
Khi tôi phát nguyện bằng lời chân-thật, đồng thời ngọn lửa tự dập tắt như gặp phải nước.
Ngọn lửa rừng to lớn cháy dữ dội tự dập tắt, cách xa tổ của Đức-Bồ-tát chim cút con xung quanh khoảng 32 karīsa.
Pháp chân-thật của tôi không có ai sánh bằng.
Pháp chân-thật này là pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật của tôi.
(Xong bài kinh chim cút con)
(Xong pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật bậc hạ)