MỘT SỐ SỰ KIỆN TRONG CUỘC ÐỜI THIỀN SƯ U BA KHIN

S.N. Goenka kể lại

 

Con Người Chính Trực Trong Thời Loạn Cũng Như Thời Bình

Tháng 2, 1942, quân xâm lăng của đế quốc Nhật đã chiếm Yangon, và đang tiến về Mandalay, một thành phố ở miền trung Myanma. Không quân Nhật bắt đầu oanh kích thành phố, phá huỷ một nhà ga xe lửa tại đây. Lúc này Sayagyi đang ở Mandalay trong chức vụ Cán bộ Kế toán đường sắt, chịu trách nhiệm quản lí toàn bộ ngân quĩ đường sắt. Sau khi cuộc oanh kích chấm dứt, Ngài chạy ngay tới nhà ga vừa bị tàn phá, lùng sục trong đống đổ nát, và thấy két sắt vẫn còn y nguyên không hề hấn. Vì có chìa khóa của két sắt, Ngài mở két và lấy ra toàn bộ số tiền trong đó — một số tiền rất lớn.

Phải làm gì với số tiền này bây giờ? U Ba Khin cảm thấy rất hoang mang. Chính quyền Anh đã chạy trốn cuộc tấn công như vũ bão của quân Nhật. Mandalay lúc đó là một “đất vô chủ” giữa hai quân đội giao tranh — một thành phố vô chính phủ. Tất nhiên, U Ba Khin có thể giữ số tiền cho mình, vì ngoài Ngài không có người nào chịu trách nhiệm cao hơn. Dù sao, chính quyền thực dân Anh lúc này là kẻ thua trận đang chạy trốn nên họ không thể có quyền nào đối với số tiền này. Và giành lại số tiền này của họ có thể được coi là một hành động ái quốc.

Hơn nữa, lúc đó U Ba Khin rất cần tiền, vì cô con gái út của Ngài đang lâm bệnh nặng, và các chi tiêu của Ngài quá nặng nề Ngài không thể nào kham nổi. Thế nhưng U Ba Khin đã không hề có chút ý tưởng nào về việc giành giật tiền của nhà nước để bỏ vào túi riêng của mình. Ngài đã quyết định, bổn phận của Ngài là chuyển lại số tiền này cho các viên chức chính quyền mặc dù họ đang chạy trốn khỏi nước. Từ Mandalay quân Anh bỏ chạy tán loạn. Các cán bộ đường sắt lúc đầu chạy đến Maymyo, với hi vọng tìm đường qua Trung Hoa rồi từ đó đáp máy bay qua Ấn Ðộ.

Sayagyi U Ba Khin không chắc mình có thể bắt kịp họ trong cuộc chạy trốn của họ. Dù sao Ngài vẫn phải thử xem sao. Ngài thuê một chiếc Jeep taxi và đi mất ba giờ để đến Maymyo. Tới nơi, Ngài thấy người Anh vẫn còn ở thành phố này. Ngài đi tìm cấp trên của Ngài và trao lại số tiền nói trên, rồi thở phào nhẹ nhõm vì đã trút được gánh nặng của mình. Chỉ sau khi đã giao nộp tiền xong xuôi, Ngài mới nói, “Thưa Ngài, bây giờ tôi được lãnh lương của mình trong tháng này, và tiền xe cộ để đến đây chứ?” U Ba Khin là con người như thế đó, một con người công minh chính trực, một con người Đạo đức liêm khiết, một con người Giáo pháp.

Giáo Pháp Làm Biến Ðổi Một Bộ Trong Chính Quyền

Bằng cách đưa việc thực hành Thiền Quán đến với các cán bộ và nhân viên của văn phòng Kế toán trưởng Miến Ðiện, Sayagyi U Ba Khin đã mang lại một sự cải thiện to lớn trong văn phòng nhà nước này. Vị Thủ tướng lúc đó là U Nu, một con người liêm khiết và muốn toàn thể guồng máy chính phủ trong đất nước phải hoàn toàn loại trừ được nạn tham ô và vô hiệu quả. Một trong những bộ quan trọng nhất của chính phủ lúc bấy giờ là Bộ Thị trường Nông nghiệp nhà nước hoạt động rất kém cỏi. Bộ này có trách nhiệm thu mua lúa và các nông sản khác của nông dân rồi xay thành gạo để xuất khẩu với số lượng lớn.

Vào thời thực dân, toàn bộ việc Kinh doanh xuất khẩu nằm trong tay các thương gia Anh và Ấn Ðộ. Sau khi Myanmar giành độc lập, Bộ Thị trường Nông nghiệp đã đảm nhận trách nhiệm này. Ða số cán bộ và nhân viên của Bộ đều ít kinh nghiệm. Mặc dù tổng lợi tức của ngành thương mại này rất lớn, nhưng Bộ gần như lúc nào cũng trong tình trạng thâm thủng ngân sách. Không có một hệ thống kế toán thích đáng; tính vô hiệu quả và tham nhũng lan rộng. Các viên chức của Bộ cấu kết với những nhà máy xay lúa và những thương gia nước ngoài để chiếm đoạt những món tiền khổng lồ của nhà nước.

Thêm vào đó, phương pháp trữ kho và vận chuyển kém cỏi đã tạo ra những thất thoát và thiệt hại lớn. Thủ tướng thiết lập một uỷ ban đều do U Ba Khin đứng đầu để lo việc điều tra những vụ việc của Bộ này. Báo cáo của uỷ ban này đã phơi bày một cách không sợ hãi toàn bộ mạng lưới tham ô và kém hiệu quả của Bộ. Cương quyết có hành động dứt khoát, Thủ tướng yêu cầu U Ba Khin đảm nhận chức vụ Phó chủ tịch của Bộ. Nhưng U Ba Khin do dự đảm nhận trách nhiệm cải tổ bộ này, trừ khi Ngài có quyền hành rõ ràng để có những biện pháp cần thiết. Hiểu được vấn đề, thủ tướng đã bổ nhiệm Ngài làm Chủ tịch Bộ Thị trường, một chức vụ thường do Bộ trưởng Thương mại nắm giữ. Người ta thường cho rằng chức vụ này có một lực bẩy chính trị rất lớn, thế mà giờ đây nó lại được trao cho một công chức liêm khiết.

Khi thủ tướng loan báo ý định bổ nhiệm này, các viên chức của bộ rất lo ngại con người đã từng phanh phui những hành động sai trái của họ giờ đây sẽ trở thành cấp trên của họ. Họ tuyên bố sẽ đình công nếu thủ tướng xác nhận việc bổ nhiệm này. Thủ tướng trả lời Ngài sẽ không xét lại quyết định bổ nhiệm, vì Ngài biết chỉ có U Ba Khin là người có thể đảm đương công việc. Và toàn thể các viên chức cán bộ đã đình công. Thế là U Ba Khin phải đảm nhận trách nhiệm trong một bộ mà toàn thể các viên chức cán bộ đều đình công, chỉ có những nhân viên thư lại và những công chức xoàng là tiếp tục làm việc như bình thường.

Sayagyi U Ba Khin vẫn cương quyết trước những đòi hỏi vô lí của những người đình công. Ngài tiếp tục công việc điều hành với vỏn vẹn chỉ có ban nhân viên thư lại. Sau nhiều tuần lễ, nhóm cán bộ đình công nhận thấy Sayagyi không chịu sức ép của họ, nên họ đành đầu hàng vô điều kiện và trở về với chức vụ của mình. Sau khi thiết lập được uy tín của mình, bây giờ Sayagyi bắt đầu không thay đổi toàn thể bầu khí và lề lối làm việc của Bộ, với một lòng yêu thương và thông cảm tột độ.

Giờ đây, nhiều cán bộ đã theo dự các lớp thiền định dưới sự hướng dẫn của ông. Trong hai năm Ngài giữ chức Chủ tịch, Bộ đã đạt tới những mức kỉ lục về xuất khẩu và lợi nhuận; và đã đạt tới mức hiệu quả cao nhất chưa từng thấy trong việc giảm thiểu những thất thoát và thiệt hại. Thời đó, người ta đã quá quen với chuyện các cán bộ và thậm chí Chủ tịch của Bộ Thị trường tích lũy tài sản bằng những cách bất hợp pháp trong nhiệm kì của họ. Nhưng U Ba Khin không bao giờ dung túng cho thói quen này. Ðể ngăn ngừa bị mua chuộc, Ngài từ chối tiếp xúc với các nhà buôn và các chủ nhà máy xay, ngoại trừ khi có công tác chính thức, và chỉ tiếp xúc tại văn phòng chứ không ở nhà riêng của ông.

Một lần kia, có một thương gia đã xin Bộ chấp thuận đề nghị để họ cung cấp một lượng bao bì rất lớn. Theo thông lệ, thương gia này đã chuẩn bị kèm theo đơn xin của mình một “khoản đóng góp” tư cho một cán bộ quan trọng của Bộ. Ðể chắc ăn, thương gia này quyết định đến gặp chính vị Chủ tịch. Ngài đến nhà của Sayagyi, mang theo một khoản tiền rất lớn để làm quà. Trong lúc trò chuyện, khi bắt đầu thấy có gợi ý về sự mua chuộc, Sayagyi sửng sốt rõ ràng và không thể che giấu sự khinh bỉ của mình trước việc làm đó. Bị bắt tại trận, người thương gia kia đã phải chữa lỗi bằng cách nói rằng món tiền không phải có ý biếu Sayagyi mà là muốn dành cho trung tâm thiền của ông. Nhưng Ngài nói rõ cho người thương gia này biết trung tâm của Ngài không bao giờ đón nhận quà tặng từ những người không phải là thiền sinh, Ngài đuổi người thương gia này ra khỏi nhà, và bảo người này phải biết ơn Ngài vì Ngài chưa gọi cảnh sát.

Trong thực tế, để ngăn ngừa mọi hành vi mua chuộc, Sayagyi đã cho mọi người biết Ngài không bao giờ chấp nhận một món quà nào dù lớn hay nhỏ. Một lần kia vào dịp lễ sinh nhật ông, một nhân viên cấp dưới đã mang đến nhà Ngài một gói  quà  trong  lúc  Sayagyi  vắng  nhà:  một  chiếc longyi lụa, là một loại áo sa-rông đắt tiền mà người ta rất thích mặc. Vào cuối ngày làm việc, Ngài cho họp ban nhân viên. Ngài khiển trách nặng lời người nhân viên kia đã coi thường lệnh của ông. Sau đó, Ngài mang chiếc sa-rông bán đấu giá rồi bỏ số tiền ấy vào quĩ phúc lợi chung của nhân viên.

Một lần khác, Ngài cũng có một biện pháp tương tự khi được biếu một giỏ trái cây. Ngài luôn luôn ý tứ không cho phép ai mua chuộc mình bằng những món quà dù lớn hay nhỏ. Con người U Ba Khin là như thế — một con người nguyên tắc rất mạnh không gì có thể làm Ngài chao đảo. Quyết tâm của Ngài nhằm nêu một tấm gương về người cán bộ liêm khiết đã khiến Ngài phải đi ngược lại rất nhiều thói lệ phổ biến vào thời đó trong công việc hành chánh. Thế nhưng đối với ông, sự toàn vẹn Đạo đức và quyết tâm phục vụ Giáo pháp luôn là trên hết.

Dịu Dàng Như Cánh Hoa Hồng, Cứng Rắn Như Kim Cương

Một vị thánh đầy tình thương và lòng trắc ẩn, Ngài có một quả tim mềm mỏng như cánh hoa hồng. Nhưng khi đụng tới bổn phận, Ngài trở nên cứng rắn như đá kim cương. Cả hai nhân đức này được thể hiện tùy mỗi hoàn cảnh khác nhau trong đời sống của Sayagyi. Sau đây là một ít sự kiện minh chứng điều đó.

Khi Myanmar giành độc lập từ tay nước Anh năm 1948, chính phủ quốc gia vừa mới thành lập đã phải đối diện ngay với một cơn khủng hoảng. Trên khắp đất nước, những người theo những ý thức hệ khác nhau đều chống đối chính phủ: một số thuộc phe cộng sản, một số thuộc phe xã hội, một số thuộc những nhóm địa phương chủ trương li khai. Nhóm người nổi loạn không thiếu gì vũ khí đạn dược, vì trong Thế chiến II cả quân Nhật lẫn quân Ðồng minh đều phân phát không các vũ khí và đạn dược để thu hút thanh niên Miến về phe họ.

Quân nổi loạn dấy lên khắp nơi khiến cho chính phủ mới thành lập không thể nào đối phó với cơn khủng hoảng. Chẳng bao lâu sau, quân nổi loạn thắng thế, nhưng mỗi nhóm theo một cương lĩnh và khẩu hiệu riêng của mình, tạo nên một tình trạng hỗn loạn vô chính phủ trên khắp đất nước. Mỗi phe nhóm với cương lĩnh riêng của mình đều chiếm đóng và cai trị một phần lãnh thổ của đất nước. Thế là đến thời kì chính phủ liên bang Miến Ðiện trên thực tế chỉ còn là chính quyền của riêng thành phố Yangon. Không bao lâu sau, thậm chí vùng lãnh thổ nhỏ nhoi này cũng gặp nguy hiểm khi một nhóm nổi loạn bắt đầu tiến vào cửa thành phố và chiếm đóng một ngôi làng cách xa thành phố chỉ chừng mươi dặm.

Cả đất nước không còn nơi nào có luật pháp; sự tồn tại của chính quyền liên bang lúc này như sợi chỉ treo ngàn cân. Nếu chính quyền ở Yangon sụp đổ, Liên Bang Myanmar sẽ bị phân chia thành những phe nhóm tranh giành nhau. Chính quyền đã bị suy yếu, quân đội cũng suy yếu — nhưng biết làm thế nào? Xem ra không có lối thoát nào cả. Sayagyi hết lòng tận tụy với đất nước, và khao khát sự hòa hợp và thịnh vượng cho Myanma, nhưng Ngài có thể làm được gì? Ngài chỉ có một sức mạnh duy nhất là Giáo pháp. Vì vậy, có khi Ngài đi đến dinh Thủ tướng và thực hành Tâm từ (Mettā) phương pháp thiền để cầu xin cho tất cả mọi người được lòng từ ái và thiện chí). Có khi Ngài ở tại nhà và luyện tập tâm từ cho sự ổn định của đất nước. Trong những hoàn cảnh như thế này, tâm hồn của Sayagyi dịu dàng như một cánh hoa hồng.

Nhưng tâm hồn Ngài cũng có thể cứng rắn như kim cương. Trong thời kì khủng hoảng này, xảy ra sự kiện chính quyền phải cầu viện một nước lân bang. Nước này rất thân thiện và đồng ý trợ giúp Myanma, nhưng những vũ khí viện trợ cho Myanmar phải chuyên chở bằng đường hàng không, mà chính quyền Myanmar lại không đủ phương tiện chuyên chở hàng không. Các máy bay cần dùng cho mục đích này phải được cung cấp từ bên ngoài. Ðể đạt được mục tiêu, chính quyền đã có một quyết định vội vàng không phù hợp với luật pháp của quốc gia.

Lúc bấy giờ, U Ba Khin đang là Kế toán trưởng, và Ngài phản đối quyết định này vì nó bất hợp pháp. Chính phủ rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Thủ tướng biết rõ Sayagyi sẽ không khoan nhượng khi đụng đến vấn đề nguyên tắc. (Ông luôn luôn khẳng định, “Tôi được nhà nước trả lương vì một mục đích duy nhất — trông coi để không một đồng xu trong ngân quĩ nhà nước bị sử dụng ngược với luật pháp quốc gia. Tôi được trả lương để làm điều này!”) Thủ tướng rất kính trọng sự ngay thẳng và tinh thần bổn phận của Sayagyi. Nhưng hoàn cảnh bấy giờ quá tế nhị.

Vì vậy, Ngài cho mời Sayagyi đến thảo luận riêng với ông, và Ngài nói: “Chúng ta đang rất cần đưa số khí giới này về, và cần phải chi tiêu vào việc chuyên chở bằng máy bay. Vậy Ngài thử cho chúng tôi biết phải làm việc này thế nào cho hợp pháp.” Sayagyi đã đề nghị một giải pháp, và chính phủ đã theo lời khuyên của Ngài để không sử dụng một phương tiện sai trái cho một hành động đúng đắn. Cuộc khủng hoảng còn tiếp tục một thời gian, nhưng sau cùng các phe phái nổi loạn đã bị lực lượng chính phủ đánh bại dần dần trên khắp đất nước, trừ một vài nhóm ở những vùng đồi núi xa xôi.

 

 

 

* Bài viết được tổng hợp từ cuốn Cốt Lõi Thiền Vipassana - Thiền Sư U Ba Khin, S.N. Goenka và nhiều tác giả
Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app