Nội Dung Chính
Lễ An Táng
Chư thiên-nam, thiên-nữ trên 6 tầng trời trời dục-giới, chư phạm-thiên trên 16 tầng trời sắc-giới phạm-thiên đến khi hết tuổi thọ chết đều tan mất, không còn thi thể, bởi vì những hạng chúng-sinh này đều thuộc về hạng chúng-sinh hóa-sinh, có sắc-uẩn vô cùng vi-tế.
Tất cả mọi người đến khi chết, đều còn lại thi thể, thi thể này được mọi người làm lễ an táng.
Lễ an táng có nhiều cách tùy theo phong tục tập quán của mỗi nước, mỗi dân tộc, mỗi tôn giáo, mỗi bộ lạc khác nhau đã có từ ngàn xưa được lưu truyền cho đến nay.
– Theo nước Ấn-Độ thời xưa, theo truyền thống lễ an táng có nhiều cách như hỏa-táng, thú-táng, điểu-táng, … tùy theo mỗi địa vị.
Đối với Đức-vua băng hà, thi thể của Đức-vua được triều đình, hoàng tộc làm lễ hỏa-táng. Các quan, các người trong hoàng tộc, giai cấp bà-la-môn, những người giàu có khá giả sau khi người nào chết, những người thân làm lễ hỏa-táng thi thể của người ấy.
Người nghèo nào sau khi chết, các người thân trong gia đình đem thi thể của người ấy ra bỏ ngoài nghĩa địa, để cho loài dạ-xoa, các loài thú, các loài chim kên kên ăn thịt, gọi là thú-táng, điểu-táng.
Theo truyền thống của Phật-giáo, khi Đức-Phật đang còn hiện hữu trên thế gian, mỗi khi có bậc Thánh A-ra-hán nào tịch diệt Niết-bàn, Đức-Phật truyền dạy chư tỳ-khưu làm lễ hỏa-táng thi thể của bậc Thánh A-ra-hán ấy xong, còn lại phần Xá-lợi (xương), làm ngôi tháp để tôn thờ Xá-lợi của bậc Thánh A-ra-hán ấy.
Khi Đức-Phật Gotama tịch diệt Niết-bàn tại Kusinārā, dòng vua Malla đứng ra tổ chức làm lễ hỏa-táng kim thân của Đức-Phật xong rồi, còn lại phần Xá-lợi của Đức-Phật, dòng vua Malla thỉnh phần Xá-lợi đặt vào trong hộp bằng vàng đem tôn thờ trên tòa nhà lớn trong kinh-thành, có lính trông nom nghiêm ngặt.
Các Đức-vua và Bà-la-môn tại 7 kinh-thành nghe tin Đức-Phật đã tịch diệt Niết-bàn tại xứ Kusinārā, và đã làm lễ hỏa-táng xong, nên gởi sứ giả đến xứ Kusinārā, yết kiến dòng vua Malla, xin chia một phần Xá-lợi của Đức-Phật, thỉnh về tạo ngôi Bảo tháp tôn thờ Xá-lợi của Đức-Phật tại kinh-thành của mình.
Sứ giả từ 7 kinh-thành đến yết kiến dòng vua Malla, xin chia một phần Xá-lợi của Đức-Phật. Khi ấy, vị Bà-la-môn Doṇa đứng ra phân chia Xá-lợi của Đức-Phật Gotama làm 8 phần cho 7 sứ giả từ kinh-thành và nước chủ nhà như sau:
1- Sứ giả của Đức-vua Ajātasattu từ kinh-thành Rājagaha, thỉnh phần Xá-lợi của Đức-Phật đem về, xây dựng ngôi Bảo tháp tôn thờ Xá-lợi của Đức-Phật Gotama tại trung tâm kinh-thành Rājagaha.
2- Sứ giả của Đức-vua Mahānāma dòng Vua Sakya từ kinh-thành Kapilavatthu, thỉnh phần Xá-lợi của Đức-Phật đem về, xây dựng ngôi Bảo tháp tôn thờ Xá-lợi của Đức-Phật Gotama tại trung tâm kinh-thành Kapilavatthu.
3- Sứ giả của Đức-vua Koliya từ kinh-thành Rāmagāma, thỉnh phần Xá-lợi đem về, xây dựng ngôi Bảo tháp tôn thờ Xá-lợi của Đức-Phật Gotama tại trung tâm kinh-thành Rāmagāma.
4- Sứ giả của Đức-vua Licchavī từ kinh-thành Vesāli, thỉnh phần Xá-lợi đem về, xây dựng ngôi Bảo tháp tôn thờ Xá-lợi của Đức-Phật Gotama tại trung tâm kinh-thành Vesāli.
5- Sứ giả của Đức-vua Thūliya từ kinh-thành Allakappa, thỉnh phần Xá-lợi đem về, xây dựng ngôi Bảo tháp tôn thờ Xá-lợi của Đức-Phật Gotama tại trung tâm kinh-thành Allakappa.
6- Sứ giả của dòng Vua Malla từ kinh-thành Pāvā thứ nhất, thỉnh phần Xá-lợi đem về, xây dựng ngôi Bảo tháp tôn thờ Xá-lợi của Đức-Phật Gotama tại trung tâm kinh-thành Pāvā.
7- Sứ giả của Vị Bà-la-môn từ kinh-thành Veṭṭhadīpaka, thỉnh phần Xá-lợi đem về, xây dựng ngôi Bảo tháp tôn thờ Xá-lợi của Đức-Phật Gotama tại trung tâm kinh-thành Veṭṭha-dīpaka.
8- Dòng Vua Malla trong kinh-thành Kusi-nārā thứ nhì, xây dựng ngôi Bảo tháp tôn thờ Xá-lợi của Đức-Phật Gotama tại trung tâm kinh-thành Kusinārā.
Nơi tôn thờ 4 Xá-lợi Răng nhọn của Đức-Phật
1- Xá-lợi Răng nhọn hàm trên bên phải được tôn thờ tại ngôi Bảo tháp Cūḷamaṇi trên cung trời Tam-thập-tam-thiên.
2- Xá-lợi Răng nhọn hàm trên bên trái được tôn thờ tại xứ Gandhara.
3- Xá-lợi Răng nhọn hàm dưới bên trái được tôn thờ tại cõi Long-cung.
4- Xá-lợi Răng nhọn hàm dưới bên phải được tôn thờ tại xứ Kaliṅga, về sau thỉnh đến tôn thờ tại đảo quốc Lankādīpa (Nay là thành phố Kandy nước Sri Lanka).
– Nước Tây-Tạng, theo phong tục tập quán, sau khi người nào chết, các người thân đem thi thể của người ấy đến nghĩa địa làm lễ điểu-táng, do một người có phận sự chặt thi thể ra từng phần nhỏ, rồi ném cho bầy chim kên kên ăn thịt.
– Các nước theo truyền thống Theravāda (Phật-giáo Nguyên-thủy) như nước Sri Lanka, nước Myanmar, nước Thái-lan, nước Lào, nước Cam-pu-chia, … sau khi người nào chết, các người thân trong gia đình làm lễ hỏa-táng thi thể của người thân ấy xong, phần cốt còn lại, phần đông người thân trong gia đình đem thả xuống biển hoặc con sông lớn, …
– Nước Trung-Quốc theo phong tục tập quán từ vua, quan trong triều, cho đến các thần dân trong thiên hạ, sau khi người thân nào chết, các người trong gia đình làm lễ địa-táng thi thể của người thân ấy, rồi đắp mồ cắm bia đá ghi tên của người chết ấy.
– Nước Việt-Nam theo phong tục tập quán xưa, từ vua, quan trong triều, cho đến các thần dân trong thiên hạ, sau khi người thân nào chết, các người thân trong gia đình làm lễ địa-táng thi thể của người thân ấy, rồi xây mồ mả, cắm bia đá ghi tên của người chết ấy, nhưng mà có số người thân gia đình lựa chọn cách làm lễ hỏa-táng thi thể của người thân ấy xong, phần cốt còn lại, các người trong gia đình đem thả xuống biển hoặc con sông lớn.
Tìm hiểu về người chết
Nếu người thân nào chết thì những người trong gia quyến mất phần nào của người thân ấy, còn lại phần nào của người thân ấy?
Nếu người thân nào chết thì những người trong gia quyến chỉ mất phần thân của người thân ấy mà thôi, còn lại nguyên vẹn phần tâm của người thân ấy không hề mất mát một mảy may nào cả.
Sự sống của mỗi người trong đời, thân và tâm luôn luôn nương nhờ lẫn nhau, đến khi nào tâm không thể nương nhờ nơi thân ấy nữa, khi ấy tâm rời khỏi thân cũ gọi là người chết, liền ngay khi ấy nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau không có khoảng cách thời gian chờ đợi, tâm nương nhờ nơi thân mới khác.
Đó là định luật tự nhiên tử và sinh đối với chúng-sinh phàm-nhân trong 11 cõi dục-giới và 15 tầng trời sắc-giới phạm-thiên.
* Phần thân đó là tứ-đại (đất, nước, lửa, gió) đến khi tâm không thể nương nhờ nơi thân ấy được nữa, nên gọi là thi thể, những người trong gia quyến làm lễ an táng theo phong tục tập quán như làm lễ hỏa-táng, lễ điểu-táng, lễ thú-táng, lễ địa-táng thi thể của người thân ấy.
* Phần tâm của người thân ấy có phận sự tích lũy tất cả mọi đại-thiện-nghiệp và mọi ác-nghiệp từ vô thuỷ trải qua vô số kiếp quá-khứ cho đến kiếp hiện-tại, cho nên, những tình cảm, tình thương yêu đối với những người trong gia quyến và đối với mọi người khác đều được lưu trữ ở trong tâm của người thân ấy một cách nguyên vẹn không hề mất mát một mảy may nào.
Ví dụ: * Người thiện nào biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi, biết giữ gìn các điều-giới của mình trong sạch trọn vẹn, tạo mọi phước-thiện như bố-thí, giữ-giới, …
Sau khi người thiện ấy chết, nếu đại-thiện-nghiệp có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau đầu thai trở lại làm người, khi đứa bé sinh ra đời lớn lên được 3-4 tuổi, thì đứa bé ấy có khả năng nhớ lại tiền-kiếp của nó, nhớ những người thân trong gia đình kiếp trước của nó, bởi vì kiếp hiện-tại ấy với kiếp quá-khứ có khoảng cách thời gian không lâu.
Hoặc sau khi người thiện ấy chết, nếu đại-thiện-nghiệp có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trên cõi trời dục-giới. Vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ ấy chắc chắn nhớ rõ đại-thiện-nghiệp nào đã tạo trong tiền-kiếp của mình khi sinh làm người, cho quả tái-sinh kiếp sau làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ như thế này, nhớ rõ những người thân trong gia đình, bởi vì kiếp hiện-tại vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ ấy với kiếp quá-khứ làm người có khoảng cách thời gian rất gần.
Những người thân trong gia đình làm lễ hỏa-táng hoặc địa-táng thi thể của người thân, thì người hoặc vị thiên nam, thiên-nữ cũng không quan tâm đến mồ mả tiền-kiếp của mình.
Ví dụ: * Người nào không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, phạm điều-giới nào tạo ác-nghiệp ấy.
Sau khi người ấy chết, nếu ác-nghiệp có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, súc-sinh), chịu quả khổ trong cõi ác-giới ấy.
Những người thân trong gia đình làm lễ địa-táng thi thể của người thân ấy, rồi xây mồ mả, cắm bia đá ghi tên của người chết ấy.
Dù mồ mả của chúng-sinh ấy có xảy ra sự cố như thế nào thì cũng hoàn toàn không có ảnh hưởng nào cả đến những người thân trong gia đình bởi vì loài chúng-sinh ấy không hề biết đến mồ mả tiền-kiếp của mình.
Ví dụ: * Người nào trong kiếp hiện-tại hằng ngày thích trang điểm thân thể, nếu có cơ hội tạo phước-thiện bố-thí thì cũng tạo phước-thiện ấy, nhưng không có đức-tin trong sạch nơi phước-thiện ấy, nên thuộc về đại-thiện-nghiệp bậc thấp.
Sau khi người ấy chết, nếu đại-thiện-nghiệp bậc thấp có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau thì hóa-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ bậc thấp thuộc về bhummaṭṭhadevatā trên mặt đất gần gũi với những người thân quyến.
Hoặc nếu ác-nghiệp của người ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau thì hóa-sinh làm loài ngạ-quỷ. Cũng như vậy, đối với người nào vốn có tham tâm quý trọng thân thể, đến lúc lâm chung, có tham-tâm luyến tiếc thân thể, sau khi người ấy chết, nghiệp nào cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm loài ngạ-quỷ, sống gần gũi với gia đình bà con thân quyến, trông chờ bà con thân quyến tạo phước-thiện bố-thí, … rồi hồi hướng đến người thân đã quá vãng, hoặc hóa-sinh làm vị thiên-nam, vị thiên-nữ bậc thấp trên mặt đất, gần gũi với bà con thân quyến.
* Những người thân trong gia đình làm lễ địa-táng thi thể của người thân ấy, rồi xây mộ, cắm bia đá ghi tên của người chết ấy.
Trong tiền-kiếp của hạng thiên-nam hoặc thiên nữ hoặc loài ngạ-quỷ ấy vốn có tính coi trọng về thân thể, nên kiếp hiện-tại này hay quan tâm đến mồ mả tiền-kiếp của mình.
Nếu có người nào đến xúc phạm ngôi mộ, hoặc nếu có rễ cây nào chui vào mộ đụng thi thể phần bụng, thì hạng phi-nhân ấy khiến cho người trong gia đình mắc chứng bệnh đau bụng, mà uống thuốc loại nào chữa trị cũng không bớt được; hoặc nếu có rễ cây chui vào mộ đụng thi thể trên phần đầu, thì khiến cho người trong gia đình mắc chứng bệnh đau đầu, mà uống thuốc loại nào chữa trị cũng không bớt được.
Ban đêm, phi nhân ấy hiện về báo mộng cho người trong gia đình hoặc nhập vào người nào nói rõ về rễ cây chui vào mộ đụng phải thi thể phần bụng hoặc trên phần đầu.
Khi người trong gia đình đến ngôi mộ ấy, đào chặt rễ cây lôi ra, từ đó số người trong gia đình không còn mắc chứng bệnh đau bụng hoặc đau đầu nữa.
(Những chuyện nhân gian như thế này thường truyền khẩu với nhau.)
Nếu như vậy, thì lễ địa-táng không chỉ làm liên luỵ đến người thân đã chết, mà còn liên luỵ đến những người thân trong gia đình còn sống nữa.
Đức-Phật dạy thân thể ví như một chiếc xe, còn tâm ví như người lái xe. Chiếc xe chạy tới trước, hoặc lùi lại sau, quẹo phải, quẹo trái, chở hàng hóa là do người lái xe điều khiển. Cũng như vậy, thân này đi tới trước, hoặc lùi lại sau, quay bên phải, quay bên trái, làm công việc gì, suy nghĩ điều gì là đều do tâm điều khiển.
– Trường hợp khi chiếc xe cũ bị hư không sử dụng được nữa, nên người lái xe cần phải tìm mua chiếc xe mới khác tốt hơn. Người lái xe vốn có tâm quý trọng chiếc xe cũ ấy, bởi vì nhờ chiếc xe cũ ấy, nên công việc làm ăn được giàu có như ngày nay. Cho nên, dù người lái xe đã có chiếc xe mới rồi, nhưng vẫn cất giữ cẩn thận chiếc xe cũ ấy ở một nơi. Nếu có người nào nghịch ngợm đến đập phá chiếc xe cũ ấy, thì người lái xe ấy phát sinh sân-tâm không hài lòng người ấy.
Cũng như vậy, đối với người nào vốn có tham tâm quý trọng thân thể, đến lúc lâm chung, có tham-tâm luyến tiếc thân thể, sau khi người ấy chết, ác nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm loài ngạ-quỷ sống gần gũi với gia đình bà con thân quyến.
Người thân trong gia đình làm lễ địa-táng thi thể của người thân ấy, rồi đắp mộ, cắm tấm bia khắc tên của người thân ấy, thì hàng phi nhân ấy biết rõ nên thường đến giữ gìn ngôi mộ của mình.
Nếu có người nào đến xúc phạm ngôi mộ, hoặc nếu có rễ cây nào chui vào mộ đụng thi thể phần bụng, thì hạng phi-nhân ấy khiến cho người trong gia đình mắc chứng bệnh đau bụng, mà uống thuốc loại nào chữa trị cũng không bớt được.
Ban đêm, phi nhân ấy về báo mộng cho người trong gia đình hoặc nhập vào người nào nói rõ về rễ cây chui vào mộ đụng phải thi thể phần bụng.
Khi người trong gia đình đến ngôi mộ ấy, đào chặt rễ cây lôi ra, từ đó số người trong gia đình không còn mắc chứng bệnh đau bụng nữa.
(Những chuyện nhân gian như thế này thường truyền khẩu với nhau.)
Nếu như vậy, thì lễ địa-táng không chỉ làm liên luỵ đến người thân đã chết, mà còn liên luỵ đến những người thân trong gia đình còn sống nữa.
– Trường hợp khi chiếc xe cũ bị hư không sử dụng được nữa, nên người lái xe cần phải tìm mua chiếc xe mới khác tốt hơn. Người lái xe đem bán chiếc xe cũ ấy cho chỗ mua đồ phế liệu, người ta tháo rời ra từng bộ phận nhỏ, để bán từng bộ phận đến những người tiêu dùng cần để thay thế trong chiếc xe của họ. Như vậy, chiếc xe cũ ấy không còn nữa.
Cũng như vậy, đối với người nào sau khi đã chết, nếu ác-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm loài ngạ-quỷ sống gần gũi với gia đình bà con thân quyến. Những người thân trong gia đình làm lễ hỏa-táng thi thể của người thân ấy xong, phần cốt còn lại, phần đông người thân trong gia đình đem thả xuống biển hoặc con sông lớn, …
Nếu như vậy, thì lễ hỏa-táng không làm liên luỵ đến người thân đã chết và những người thân trong gia đình còn sống.
Lễ hỏa-táng theo truyền thống của Phật-giáo
Khi Bậc Thánh A-ra-hán nào tịch diệt Niết-bàn, Đức-Phật truyền dạy chư tỳ-khưu làm lễ hỏa-táng thi thể của bậc Thánh A-ra-hán ấy, còn lại phần Xá-lợi, Đức-Phật truyền dạy làm ngôi Bảo tháp để tôn thờ phần Xá-lợi của bậc Thánh A-ra-hán ấy, để cho mọi người đến lễ bái cúng dường Xá-lợi của bậc Thánh A-ra-hán để được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài.
Đến khi Đức-Phật Gotama tịch diệt Niết-bàn tại xứ Kusinārā, dòng Vua Malla đứng ra tổ chức làm lễ hỏa-táng kim thân của Đức-Phật, còn lại phần Xá-lợi của Đức-Phật được phân chia ra làm 8 phần cho sứ giả của 8 Đức-vua thỉnh về, rồi xây dựng ngôi Bảo tháp tại trung tâm kinh-thành tôn thờ Xá-lợi của Đức-Phật Gotama, để các hàng thanh-văn đệ-tử đến lễ bái cúng dường để được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài.
Khi vị tỳ-khưu nào tịch, các vị tỳ-khưu khác đều làm lễ hỏa-táng thi thể của vị tỳ-khưu ấy.
Đối với người tại gia trong các nước Phật-giáo Nguyên-thủy (Theravāda), sau khi người thân chết, người thân trong gia đình làm phước bố-thí đến chư tỳ-khưu-Tăng để hồi hướng đến người thân đã quá vãng sau đó đem thi thể của người thân làm lễ hỏa-táng, rồi đem phần cốt còn lại đem bỏ xuống sông, biển, …
Cho nên, lễ hoả-táng thi thể của người chết đó là theo truyền thống của Phật-giáo Nguyên-thủy Theravāda từ thời xưa cho đến nay.
* Đối với người con hiếu thảo biết ơn và biết đền đáp công ơn mẹ cha, khi mẹ cha còn sống, người con hiếu thảo biết lo phụng dưỡng mẹ cha như sau:
– Về phần thân, người con cung phụng đầy đủ những nhu cầu cần thiết, để cho mẹ cha trong cuộc sống hằng ngày có thân được an-lạc.
– Về phần tâm, người con biết hỗ trợ cho mẹ cha là người có đầy đủ 5 pháp như sau:
– Nếu mẹ cha là người không có đức-tin nơi Tam-bảo, thì người con hiếu thảo cố gắng hết sức mình hỗ trợ cho mẹ cha là người có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, hướng dẫn mẹ cha quy y Tam-bảo, thọ trì ngũ-giới.
– Nếu mẹ cha là người không có giới, thì người con hiếu thảo cố gắng hết sức mình hỗ trợ cho mẹ cha là người biết giữ gìn ngũ-giới trong sạch trọn vẹn, thọ trì bát-giới uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng.
– Nếu mẹ cha là người không hiểu biết giáo-pháp căn bản của Đức-Phật, thì người con hiếu thảo cố gắng hết sức mình hỗ trợ cho mẹ cha là người có sự hiểu biết giáo-pháp căn bản của Đức-Phật để có chánh-kiến.
– Nếu mẹ cha là người không hoan hỷ trong phước-thiện bố-thí, thì người con hiếu thảo cố gắng hết sức mình hỗ trợ cho mẹ cha là người biết hoan hỷ trong phước-thiện bố-thí cúng dường đến chư tỳ-khưu-Tăng, cứu trợ những người nghèo khổ.
– Nếu mẹ cha là người không có trí-tuệ hiểu biết về Phật-giáo, thì người con hiếu thảo cố gắng hết sức mình hỗ trợ cho mẹ cha là người có trí-tuệ hiểu biết về Phật-giáo, có chánh-kiến về nghiệp là của riêng mình, hằng ngày đêm thường thực-hành niệm 9 ân-Đức-Phật.
Mẹ cha có đầy đủ 5 pháp này thì trong đời sống hằng ngày của mẹ cha có tâm được an-lạc.
Đó là người con hiếu thảo biết ơn và biết đền đáp công ơn mẹ cha một cách xứng đáng.
Khi mẹ cha bệnh hoạn ốm đau, người con cần phải đi tìm thầy giỏi chữa trị cho mẹ cha khỏi bệnh, nếu mẹ cha lâm bệnh thân trầm trọng không thể chữa trị khỏi được, thì người con nhắc nhở mẹ cha niệm ân-Đức-Phật, thỉnh chư tỳ-khưu-Tăng đến hướng dẫn mẹ cha thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới, thỉnh chư tỳ-khưu tụng kinh, kính thỉnh Ngài Trưởng-lão thuyết pháp tế độ mẹ cha, để cho mẹ cha phát sinh đại-thiện-tâm trong sạch, dù có khổ thân nhưng mà tâm vẫn được tỉnh táo lúc lâm chung. Sau khi mẹ cha chết, đại-thiện-nghiệp có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện dục-giới là cõi người hoặc cõi trời dục-giới, hưởng mọi sự an-lạc cho đến khi hết tuổi thọ trong cõi thiện dục-giới ấy.
Như vậy gọi là người con hiếu thảo biết ơn và biết đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha một cách xứng đáng.
Còn phần thi thể của mẹ cha, những người trong gia quyến nên làm lễ hỏa-táng theo truyền thống của Phật-giáo, rồi đem cốt đi thả xuống biển hoặc con sông lớn, … Đó là phận sự cuối cùng của người con hiếu thảo đối với mẹ cha.
Làm lễ hỏa-táng phần thân (thi thể) của mẹ cha là phận sự cuối cùng đối với những người con, từ kiếp này về sau thân của mẹ cha với thân của những người con vĩnh viễn không bao giờ gặp nhau được nữa, bởi vì thân của kiếp vị-lai không liên quan với thân kiếp quá-khứ, thân tứ-đại chết rồi là tan rã, nhưng mà tâm của mẹ cha với tâm của những người con trong vòng tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài, có cơ hội gặp lại nhau, có khả năng nhận biết nhau được qua cách đối xử với nhau, bởi vì trong tâm ấy có lưu trữ tình mẫu-tử, tình phụ tử trong tiền-kiếp.
Sự-thật, thân kiếp hiện-tại với thân kiếp quá-khứ hoàn toàn không có mối quan hệ nào, nhưng mà trong tâm kiếp hiện-tại chắc chắn còn lưu trữ tình mẫu-tử, tình phụ tử trong tiền-kiếp.
Trong vòng tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài, nếu khi 2 người có cơ hội gặp lại nhau, thì tình cảm giữa 2 người được biểu lộ ra bằng thân, bằng khẩu rất thân thiết với nhau.
Thật vậy, trong vòng tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài trải qua vô số kiếp, có khi gặp lại nhau, đó là điều bình thường.
Đức-Phật dạy rằng:
– “Này chư tỳ-khưu! Trong vòng tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài từ vô thủy không sao biết được, người mà chưa từng là mẹ của ta, chưa từng là cha, chưa từng là anh, chưa từng là chị, chưa từng là con trai, chưa từng là con gái của ta, v.v … không sao có được.
Điều ấy tại sao? Bởi vì trong vòng tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài của mỗi chúng-sinh từ vô thủy rải qua vô số kiếp cho đến kiếp hiện-tại này không sao biết được…”
Tìm hiểu trong bộ sách Jātakaṭṭhakathā, Đức-Phật thuyết thuật lại những tích Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama gồm có 547 tích. Những nhân vật trong mỗi tích chuyện đã xảy ra trong kiếp quá-khứ xa xưa trải qua vô số kiếp tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài, liên quan đến kiếp hiện-tại của mỗi nhân vật.
Cho nên, người con hiếu thảo biết ơn và biết đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha, nên biết trân trọng tình mẫu-tử, tình phụ tử thiêng liêng ở trong tâm bằng cách mỗi khi tạo phước-thiện nào dù ít dù nhiều, người con cũng nên hồi-hướng, cúng dường đến mẹ cha trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp quá-khứ.
Trong vòng tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài, nếu hậu-kiếp của 2 chúng-sinh có cơ hội gặp lại nhau, bất luận dưới hình thức nào tâm của chúng-sinh này với tâm của chúng-sinh kia biểu lộ tình cảm đặc biệt bằng thân, bằng khẩu với nhau giữa 2 chúng-sinh ấy, mà người khác không thể biết được, bởi vì tâm của 2 chúng-sinh ấy liên quan với nhau trong tiền-kiếp quá-khứ.
(Xong phần nội dung quyển Vòng tử sinh luân-hồi)
Đoạn-Kết
Sở dĩ mỗi chúng-sinh còn phải tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài, sinh rồi tử, tử rồi lại sinh cứ tiếp tục như vậy là vì có vô-minh (avijjā) bao trùm phủ kín chân-lý tứ Thánh-đế, nên khiến tạo mọi ác-nghiệp, mọi tam-giới thiện-nghiệp (avijjāpaccayā saṅkhārā sambhavanti); là vì có tham-ái (taṇhā) là nhân sinh khổ dắt dẫn nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau (ponobbhavikā), hoàn toàn tuỳ thuộc vào nghiệp và quả của nghiệp của mỗi chúng-sinh.
Đức-Phật dạy nghiệp và quả của nghiệp rằng:
“Kammassako’mhi kammadāyādo kammayoni kammabandhu kammappaṭisaraṇo, yaṃ kammaṃ karissāmi kalyāṇaṃ vā pāpakaṃ vā tassa dāyādo bhavissāmi”.
“Ta có nghiệp là của riêng ta, ta là người thừa hưởng quả của nghiệp, nghiệp là nhân sinh ra ta, nghiệp là thân quyến của ta, nghiệp là nơi nương nhờ của ta. Ta tạo nghiệp nào thiện-nghiệp hoặc ác-nghiệp, ta sẽ là người thừa hưởng quả an-lạc của thiện-nghiệp ấy hoặc chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy.”
Như vậy, kiếp hiện-tại của chúng-sinh nào là quả của các nghiệp mà tiền-kiếp của chúng-sinh ấy đã tạo trong vô số kiếp quá-khứ.
Và kiếp vị-lai của chúng-sinh nào sẽ là quả của các nghiệp mà kiếp hiện-tại và vô số tiền-kiếp quá-khứ của chúng-sinh ấy đã tạo.
Tất cả mọi chúng-sinh nói chung, mỗi người nói riêng đều có quyền chủ động tự mình lựa chọn tạo thiện-nghiệp nào hoặc ác-nghiệp nào, khi đã tạo nghiệp nào rồi thì thiện-nghiệp ấy hoặc ác-nghiệp ấy chỉ thuộc về của riêng mình mà thôi, không liên quan đến người khác.
– Nếu khi đại-thiện-nghiệp nào của mình có cơ hội cho quả an-lạc thì không chỉ có riêng mình hoàn toàn bị động hưởng quả-báu an-lạc của đại-thiện-nghiệp ấy như người thừa hưởng quả của nghiệp ấy, mà còn những người gần gũi liên quan với mình cũng được hưởng quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp ấy nữa.
– Nếu khi ác-nghiệp nào của mình có cơ hội cho quả khổ thì không chỉ có riêng mình hoàn toàn bị động chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy như người thừa hưởng quả của nghiệp ấy, mà còn những người gần gũi liên quan với mình cũng phải chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy nữa.
Khổ tử sinh luân-hồi
– Vô-minh đó là si-tâm-sở đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm (ác-tâm).
– Tham-ái đó là tham-tâm-sở đồng sinh với 8 tham-tâm.
Tham-ái (taṇhā) là nhân sinh khổ dắt dẫn nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau.
Nghiệp đó là tác-ý tâm-sở có 2 loại:
1- Ác-nghiệp đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 11 bất-thiện-tâm (ác-tâm) (trừ si-tâm đồng sinh với phóng-tâm cho quả tái-sinh kiếp sau trong 4 cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh).
2- Thiện-nghiệp có 4 loại:
2.1- Dục-giới thiện-nghiệp đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 8 đại-thiện-tâm cho quả tái-sinh kiếp sau trong 7 cõi thiện dục-giới là cõi người hoặc 6 cõi trời dục-giới.
2.2- Sắc-giới thiện-nghiệp đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên 16 tầng trời sắc-giới phạm-thiên.
2.3- Vô-sắc-giới thiện-nghiệp đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên 4 tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên.
Chúng-sinh nào còn là hạng phàm-nhân sinh trong cõi-giới nào đến khi hết tuổi thọ trong cõi-giới ấy đều phải chuyển kiếp (chết) rồi nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi-giới khác tuỳ theo nghiệp và quả của nghiệp của chúng-sinh ấy.
Giải thoát khổ tử sinh luân-hồi
2.4- Siêu-tam-giới thiện-nghiệp đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 4 siêu-tam-giới thiện-tâm đó là 4 Thánh-đạo-tâm không cho quả tái-sinh kiếp sau, trái lại có khả năng làm giảm kiếp tái-sinh kiếp sau theo mỗi bậc Thánh-nhân như sau:
* Bậc thiện-trí phàm-nhân thuộc về hạng người tam-nhân có đầy đủ 10 pháp-hạnh ba-la-mật đã được tích lũy từ vô số kiếp quá-khứ.
Kiếp hiện-tại là hành-giả có giới-hạnh trong sạch thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được 5 bất-thiện-tâm đó là 4 tham-tâm hợp với tà-kiến và 1 si-tâm hợp với hoài-nghi không còn dư sót, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu đã diệt tận được vô-minh trong 5 bất-thiện-tâm và tham-ái trong 4 tham-tâm hợp với tà-kiến không còn dư sót.
Sau khi bậc Thánh Nhập-lưu chết, chắc chắn không còn tái-sinh kiếp sau trong 4 cõi ác-giới, chỉ có đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau trong 7 cõi thiện dục-giới (cõi người và 6 cõi trời dục-giới) nhiều nhất 7 kiếp nữa mà thôi.
Đến kiếp thứ 7, chắc chắn bậc Thánh Nhập-lưu sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
* Bậc Thánh Nhập-lưu tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến loại thô, 2 sân-tâm loại thô và 1 si-tâm hợp với phóng-tâm loại thô, trở thành bậc Thánh Nhất-lai đã diệt tận được vô-minh trong 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến loại thô, trong 2 sân-tâm loại thô, trong si-tâm hợp với phóng-tâm loại thô và diệt tận được tham-ái trong 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến loại thô. .
Sau khi bậc Thánh Nhất-lai chết, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện dục-giới chỉ có 1 kiếp nữa mà thôi. Trong kiếp ấy chắc chắn bậc Thánh Nhất-lai sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
* Bậc Thánh Nhất-lai tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Bất-lai Thánh-đạo, Bất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được 2 sân-tâm loại vi-tế không còn dư sót, diệt tận được 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến loại vi-tế cõi dục-giới, và 1 si-tâm hợp với phóng-tâm loại vi-tế trong cõi dục-giới, trở thành bậc Thánh Bất-lai, đã diệt tận được vô-minh trong 2 sân-tâm loại vi-tế không còn dư sót, trong 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến loại vi-tế cõi dục-giới, trong si-tâm hợp với phóng-tâm loại vi-tế cõi dục-giới và diệt tận được tham-ái trong 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến loại vi-tế cõi dục-giới. .
Sau khi bậc Thánh Bất-lai chết, chắc chắn không còn tái-sinh trở lại cõi dục-giới, chỉ có sắc-giới thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên tương xứng với bậc thiền sắc-giới quả-tâm. Bậc Thánh Bất-lai sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn tại tầng trời sắc-giới phạm-thiên, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
* Bậc Thánh Bất-lai tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến và 1 si-tâm hợp với phóng-tâm không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán đã diệt tận được vô-minh trong 5 bất-thiện-tâm còn lại đó là 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến, 1 si-tâm hợp với phóng-tâm và diệt tận được tham-ái trong 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến không còn dư sót.
Bậc Thánh A-ra-hán trong kiếp hiện-tại đến khi hết tuổi thọ đồng thời tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
Phật-Lịch 2562/ 2019
Rừng Núi Viên-Không,
xã Tóc-Tiên, huyện Tân-Thành,
tỉnh Bà-Rịa Vũng-Tàu.
Tỳ-Khưu Hộ-Pháp
(Dhammarakkhita Bhikkhu)
(Aggamahāpaṇḍita)
Patthanā
Iminā puññakammena,
sukhī bhavāma sabbadā.
Ciraṃ tiṭṭhatu saddhammo,
loke sattā sumaṅgalā.
Vietnamraṭṭhikā hi sabbe,
janā pappontu sāsane.
Vuḍḍhiṃ viruḷhivepullaṃ,
patthayāmi nirantaraṃ.
Lời nguyện cầu
Do nhờ phước-thiện thanh cao này,
Cho chúng con thường được an-lạc.
Cầu mong chánh-pháp được trường tồn,
Tất cả chúng-sinh được hạnh phúc.
Dân tộc Việt Nam được phát triển,
Tiến hóa hưng thịnh trong Phật-giáo.
Bần sư cầu nguyện với tâm thành,
Hằng mong được thành tựu như nguyện.
Ciraṃ tiṭṭhatu saddhammo lokasmiṃ
Ciraṃ tiṭṭhatu saddhammo Vietnamraṭṭhasmiṃ.
Nguyện cầu chánh-pháp được trường tồn trên thế gian.
Nguyện cầu chánh-pháp được trường tồn trên Tổ-quốc Việt Nam thân yêu.
SÁCH THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN
– Bộ Abhidhammatthasaṅgaha của Ngài Đại-Trưởng-lão Anuruddha.
– Toàn bộ Mahābuddhavaṃsa của Ngài Đại-Trưởng-lão Vicittasārābhivaṃsa (Visiṭṭha-tipiṭakadhara, Mahātipiṭakakovida, Dhamma-bhaṇdāgārika).
– Toàn bộ sách giáo khoa “Paramatthajotika” của Ngài Đại-Trưởng-lão Saddhammajotika. – Toàn Bộ Sách Ledi của Ngài Đại-Trưởng-lão Ledi Sayadaw, v.v.v… .
Thông Báo Tin Vui
Bộ sách Nền-Tảng-Phật-Giáo của soạn-giả Tỳ-Khưu Hộ-Pháp (Dhammarakkhita Bhikkhu) (Aggamahāpaṇḍita) là bộ sách gồm có 9 chương, chia ra làm 10 quyển được sắp xếp theo thứ tự từ quyển I đến quyển X. Quyển I: Tam-Bảo làm nền tảng cho quyển II: Quy-Y Tam-Bảo, v.v. … cho đến quyển IX: Pháp-Hành Thiền-Định làm nền tảng cho quyển X: Pháp-Hành Thiền-Tuệ.
Bộ sách Nền-Tảng-Phật-Giáo này đã được tái bản có sửa và bổ sung, đã chuyển sang ebook, được đưa vào trang web “trungtamhotong.org”. Nếu quý độc-giả nào có nhu cầu tìm hiểu thì vào trang web “trungtamhotong.org”, vào mục “thư viện”, tìm đến soạn giả: Tỳ-Khưu Hộ-Pháp, sẽ thấy tên các file sách bằng pdf.
Quý độc-giả nào dùng hệ điều hành IOS thì click vào tên sách và chọn “Mở trong iBooks”, sách sẽ tự động tải về máy. Còn với hệ điều hành android thì quý độc-giả có thể tải phần mềm đọc file pdf như Adobe Acrobat Reader, sau khi tải về sách sẽ nằm trong phần mềm đó, chỉ cần mở phần mềm lên sẽ thấy file sách.
Trong mỗi file sách, ở trang thứ 3 (Món quà pháp), dưới góc bên phải có ô “Mục lục”, chỉ cần click vào đó sẽ nhảy đến trang “Mục lục”. Còn nếu muốn đọc sách theo thứ tự thì quý độc-giả chỉ cần lật từng trang sách như bình thường.
Mỗi quyển sách file ebook được trình bày có số trang hoàn toàn giống hệt như số trang quyển sách bên ngoài, cho nên, rất thuận lợi cho độc-giả đã từng đọc quyển sách nào rồi, mà quên tích nào hoặc pháp nào, v.v. … không biết ở trong trang sách nào, thì độc-giả chỉ cần đánh tên tích ấy hoặc tên pháp ấy trong ô tìm kiếm, sẽ tìm được một cách mau chóng ngay tức thì.
Cho nên, xin hân hạnh thông báo tin vui này đến quý vị độc-giả, rất mong được quý độc-giả quan tâm, chân thành biết ơn quý độc-giả.