Phần 6
Chuẩn Bị Cho Việc Thực Tập
Tác Phong và Thái Độ Thực Tập
Các Yếu Tố Cần Thiết Cho Việc Thực Tập
Thành Công
Hãy Làm Chậm Lại
Không nên Hoài Nghi
Niệm Vào Đề Mục Nổi Bật Nhất
Ghi Nhận Đề Mục Cẩn Thận
Chuẩn Bị Cho Sự Thực Tập
Trước hết là chọn chỗ thích hợp cho việc hành thiền. Đức Phật dạy có ba nơi chốn thích hợp cho việc hành thiền là rừng, cội cây (hoặc gần cội cây) và nơi thanh vắng xa cách tiếng động ồn ào. Tuy nhiên, theo kinh điển, nơi chốn thích nghi có thể khác nhau tùy theo bản tính riêng của từng người. Thiền viện này có cây cối giống như rừng, khá yên tĩnh, ít xe cộ và người qua lại nên rất thích hợp cho việc hành thiền.
Kế đến là tư thế ngồi thiền. Đức Phật dạy ngồi xếp bằng và giữ lưng thẳng khi tọa thiền (pallaṅkaṁ ābhuzitvā ujuṁ kāyaṁ paṇidhāya). Hành giả hãy ngồi giống tượng Phật với lưng giữ thẳng chín mươi độ so với mặt đất. Giữ thẳng một cách thoải mái chứ không quá cứng nhắc. Có thể đặt chân này trước chân kia chứ không nhất thiết phải ngồi kiết già hay bán già. Trong khi ngồi thiền, hành giả hướng và đưa tâm đến đề mục (parimukhaṁ satiṁ upaṭṭhapetvā) để ghi nhận và theo dõi hay quan sát đề mục một cách chính xác. Ví như khi tiếp đón khách phải biết giờ giấc và nơi chốn khách sắp đến, để nắm bắt đề mục, hành giả cần đưa tâm đến nơi mà đề mục sinh khởi và sẵn sàng chào đón đề mục. Đề mục có thể là cửa mũi, nơi mà hơi thở chạm vào. Nếu là người có mũi nhỏ, có thể chú tâm vào nhân trung tức là vị trí giữa miệng và cửa mũi. Hay chú tâm vào chuyển động phồng xẹp của bụng. Chuyển động phồng xẹp của bụng là đề mục chính mà Sư chọn cho thiền sinh khi bắt đầu ngồi thiền trong khóa thiền.
Khi đi kinh hành, hành giả hãy chú tâm vào bước chân tức chuyển động của bàn chân trong lúc dở, bước, đạp. Hành giả sẽ cảm nhận sự đẩy, đưa, nặng, nhẹ, cứng, mềm… trong khi di chuyển. Đức Phật dạy hãy chú tâm vào nơi đối tượng phát sinh; cho nên, đừng chú tâm vào không khí vì sẽ không kinh nghiệm được gì cả.
Tác Phong Và Thái Độ Thực Tập Các Yếu Tố Cần Thiết Cho Sự Thực Tập Thành công
Năm yếu tố mà nếu hội đủ sẽ đem lại sự thành đạt mục đích giác ngộ khi hành thiền. Đó là lòng tự tin và niềm tin nơi pháp hành, sức khỏe tốt, chân thật, tinh tấn, và sự phát triển được tuệ giác sinh diệt. Hành giả phải có lòng tự tin và niềm tin nơi pháp hành Minh Sát Niệm Xứ. Qua kinh nghiệm thiền tập, hành giả hiểu mình đang thực hành đúng phương pháp và nhận ra giá trị của pháp hành thiền này. Do vậy, biết và tin vào pháp hành không phải là loại đức tin mù quáng.
Kế đến là có sức khỏe tốt để tu tập. Thời nay, không ai có được sức khỏe hoàn hảo; cho nên, nếu có sự tiêu hóa dễ dàng thì kể như có sức khỏe tốt.
Thứ ba là phải chân thật khi trình pháp với thiền sư. Hành giả chỉ trình bày kinh nghiệm thực tập của mình dù tốt hay xấu mà không che đậy hay dấu diếm gì cả. Đừng đề cập đến kiến thức kinh điển hay sách vở, sự tưởng tượng hay suy nghĩ của mình, hoặc kinh nghiệm của người khác mà mình biết được. Cũng đừng nói đến những gì mình chưa làm được hay không làm được. Chỉ khi hành giả trình pháp một cách thành thật, thiền sư mới có thể giúp hành giả vượt qua những trở ngại trong khi hành thiền.
Tiếp theo là phải luôn luôn tinh tấn thiền tập nhất là phải ghi nhận ngay các hiện tượng danh sắc ngay khi chúng vừa mới sanh khởi nổi bật qua sáu cửa giác quan. Hành giả phải nỗ lực hướng tâm, đưa tâm đến ghi nhận đề mục một cách liên tục, chính xác và khắn khít. Nhờ vậy, chánh niệm được thiết lập vững vàng và định tâm được phát triển mạnh mẽ. Hành giả phải hạ quyết tâm hành thiền bất kể thân mạng cho đến khi thành đạt mục đích cuối cùng.
Ngoài ra, hành giả còn phải phát triển được tuệ sinh diệt. Thấy được pháp sinh diệt là nếm được hương vị pháp bảo. Một khi kinh nghiệm được pháp bảo, hành giả sẽ dốc lòng thiền tập và tiếp tục cho đến khi thành đạt mục tiêu cuối cùng. Đến giai đoạn này, thiền sư không còn phải khuyến khích hành giả nữa.
Hội đủ những yếu tố này, nếu hành giả tiếp tục nỗ lực hành thiền thì sẽ thành đạt mục đích tu tập ngay trong kiếp sống này.
Hãy Làm Chậm Lại
Để cho việc thiền tập có kết quả, cần phải có tác phong và thái độ thực tập thích nghi. Trước hết, là lắng nghe sự chỉ dẫn hành thiền của thiền sư một cách kính cẩn. Kế đến là nghiêm chỉnh tu tập đúng theo sự chỉ dẫn.
Dù hành giả có thể có kiến thức rộng rải về giáo pháp nhưng trong khóa thiền hãy làm theo sự hướng dẫn của thiền sư vốn là người đáng để cho ta đặt hết niềm tin vào. Thiền tập không có nghĩa là phô bày khả năng hiểu biết của mình nhưng mà thể hiện lòng tín thành đối với pháp hành Minh Sát Niệm Xứ của Đức Phật và hết lòng tin tưởng vào những lời chỉ dẫn của thiền sư bằng thái độ tu tập thành khẩn, không xao lãng
. Dựa trên những lời dạy của Đức Phật, thiền sư thường khuyên trong khi thiền tập nên hành động thật chậm chạp như một người khờ khạo, yếu ớt, bịnh hoạn, mù lòa và câm điếc.
Dù có là người thông minh nhưng hãy làm như người khờ khạo, không theo sự suy nghĩ của mình mà chỉ lắng nghe một cách cẩn trọng trong giờ giảng pháp cũng như trình pháp rồi hết lòng làm theo lời dạy bảo của thiền sư. Hành giả cố gắng hiểu rõ sự chỉ dẫn và ghi nhớ trong tâm để áp dụng vào việc thực hành.
Nơi thân hành giả các hiện tượng danh sắc không ngừng sinh khởi. Muốn theo dõi kịp, phải làm các động tác về thân một cách chậm rãi mới có thể ghi nhận kịp thời. Nếu không, sự ghi nhận chỉ là hời hợt, giả tạo. Do đó, dù là người mạnh khỏe nhưng hãy như người bệnh yếu ớt, làm chậm chạp các cử động đứng lên, ngồi xuống, co tay, duỗi tay v…v…
Trong kinh điển có đưa ra thí dụ đẩy xe chở đầy nước trên đường gồ ghề. Xe phải được đẩy chậm chậm vì nếu đẩy nhanh sẽ làm đổ hết nước. Cùng thế ấy, phải cẩn thận làm mọi chuyện một cách chậm rãi sao cho tâm kịp thời ghi nhận đề mục vừa mới sinh khởi. Đó là tại sao Sư nhắc nhở nhiều lần về việc phải nhìn xuống và làm chậm lại như một người bệnh trong lúc kinh hành.
Hãy thực hành theo tinh thần kệ ngôn “bhūtaṁ bhūtato passati” có nghĩa là phải kinh nghiệm được bản chất thật sự của đề mục. Muốn như vậy, cần phải ghi nhận ngay lúc đề mục sinh khởi. Hành giả có thể niệm thầm “đứng, đứng” ngay khi hành giả đang đứng, “xoay, xoay” khi đang xoay. Có vậy mới thấy được là vì có ý muốn nên chuyển động đứng hay xoay xảy ra tức là tương quan nhân quả giữa ý muốn và chuyển động của bàn chân trong khi đi kinh hành.
Sư thấy có hành giả trong khi kinh hành nhìn lên rồi nhìn ngang, nhìn dọc suốt khúc đường kinh hành. Hành giả sẽ thất niệm nếu nhìn như vậy. Sư nhắc nhở là khi kinh hành, dù có mắt tốt hãy như là mù vì người mù không nhìn đó đây. Khi đi, chỉ nên nhìn xuống phía trước khoảng chừng sáu bộ hay hai mét nhưng đừng cúi đầu, chỉ cần giữ đầu thẳng và mắt nhìn xuống phía trước mà thôi.
Tóm lại, trong lúc thiền tập, hành giả hành động như là một người bệnh, đứng lên ngồi xuống một cách chậm chạp chứ không đột ngột mau lẹ như người bình thường. Đối với co, duỗi hay các động tác khác, hãy làm chậm lại sao cho có sự chú tâm theo dõi kịp thời diễn biến của các động tác. Hành giả đừng nghĩ nếu làm chậm và giữ chánh niệm liên tục trong các cử động sẽ không đủ thì giờ cho việc ngồi thiền. Cũng như đừng nghĩ làm chậm lại không đem lợi ích chi hết. Các hiện tượng xảy ra nơi thân rất vi tế và sâu sắc. Do đó, làm chậm lại để có thể kịp thời ghi nhận, theo dõi đề mục một cách khít khao, nhanh chóng, và chính xác. Vì thế, trong khi thiền tập, hãy làm như một người bệnh nhưng cần phải ghi nhận một cách tích cực, không chậm trễ.
Hành giả cũng phải làm như người điếc, đừng để tâm đến âm thanh hay tiếng động. Trong suốt khóa thiền, hành giả được khuyến khích nhanh chóng đưa tâm đến đề mục nhưng chậm rãi trong khi đi, đứng, cử động. Tuy nhiên, trong đời sống thường nhật cần phải uyển chuyển làm nhanh, vừa hay chậm tùy trường hợp. Ví dụ như ta không thể chậm rãi khi băng qua đường vì có thể bị tai nạn.
Thực hành đúng như đã được hướng dẫn, hành giả có thể phát triển Niệm, Định và Huệ chỉ trong vòng vài ngày.
Không Nên Hoài Nghi
Hành giả nên chăm chú lắng nghe thiền sư chỉ dẫn để hiểu tận tường phương pháp thiền tập. Khi đã nắm vững cách thức tu tập, hãy cẩn thận hành theo mà không nên phân vân, hoài nghi.
Khi làm bất cứ chuyện gì, cần biết lợi ích của việc mình làm. Có như vậy mới thấy hứng khởi và quyết tâm theo đuổi cho đến khi hoàn tất công việc như dự định. Tương tự như thế, khi biết được lợi ích của thiền tập như được nêu trên, hành giả sẽ phấn chấn và hết lòng tu tập. Ngược lại, sẽ không muốn hành thiền, hoặc nếu có, ý muốn tu tập cũng rất yếu ớt.
Điều quan trọng là cần có niềm tin nơi pháp hành. Khi được hướng dẫn cách hành thiền, nên lắng nghe một cách cẩn trọng rồi sau đó nỗ lực thực hành đúng theo chỉ dẫn bằng cách ghi nhận đề mục kip thời, chính xác và hiệu quả. Bằng không, hành giả sẽ phân vân và hoài nghi. Nếu chỉ chấp nhận pháp hành sau khi đã bỏ công suy tư, tìm tòi, phân tích thì chỉ phí thời giờ và trong trường hợp này thiền sư không thể giúp hành giả được gì cả.
Vào thời Đức Phật có một vị Bà La Môn luôn hoài nghi, không tin tưởng vào bất kỳ môn phái nào. Đức Phật nói rằng Ngài không thể giúp được loại người hoài nghi và hay phê phán như vậy. Vì lẽ đó, đừng đánh giá hay phê phán pháp thiền Minh Sát Niệm Xứ. Nhiệm vụ duy nhất của hành giả là ghi nhận đề mục ngay lúc vừa sinh khởi bằng tất cả sự hướng tâm và tinh tấn. Không ghi nhận kịp thời, hành giả sẽ bị si mê. Khi si mê chồng chất dày đặc trong tâm, hành giả sẽ bị rối rắm và không thể đạt được tiến bộ trong khi hành thiền.
Niệm Vào Đề Mục Nổi Bật Nhất
Có người nói họ tu theo pháp niệm tâm (cittānupassanā) nhưng lại không biết tâm nằm ở đâu vì tâm là đề mục không phải dễ thấy. Khi thiền tập, chúng ta nên so sánh, đối chiếu những điều đã được hướng dẫn với lời dạy của Đức Phật. Trong kinh Đại Niệm Xứ, có bốn nơi để ghi nhận là thân (kāya) hay sắc là đề mục nổi bật nhất, thọ (vedanā) gồm lạc thọ, khổ thọ và thọ trung tính, tâm (citta), và pháp (dhamma) là những đối tượng của tâm bao gồm cả danh và sắc. Theo sách Thanh Tịnh Đạo, hành thiền Minh Sát Niệm Xứ là chú tâm vào đối tượng nào nổi bật nhất (yathāpākataṁ vipassanābhiniveso) ngay trong khoảnh khắc hiện tại.
Giữa danh và sắc thì sắc biểu hiện rõ ràng, nổi bật và dễ thấy nhất. Có thể vì vậy mà trong bốn phép quán, quán thân (kāyānupassanā) được đề cập đến đầu tiên. Vì lẽ đó, hành giả được dạy quan sát đề mục thuộc sắc hay vật chất tức là quán thân khi mới bắt đầu. Sắc pháp bao gồm tứ đại (mahābhūta) và những tính chất vật chất phụ tùy thuộc vào tứ đại (upādārūpa). Tứ đại nổi bật hơn và trong tứ đại thì phong đại (vāyodhātu) hay yếu tố gió nổi bật nhất biểu hiện qua sự căng, dãn, chuyển động. Do đó, hành giả khi bắt đầu hành thiền được dạy chọn đề mục nổi bật nhất thuộc yếu tố gió như chuyển động phồng xẹp của bụng khi ngồi thiền và dở, bước, đạp trong khi kinh hành.
Sư lấy thí dụ là trong việc dạy học cho trẻ em, chúng ta chỉ dạy những gì rõ ràng, đơn giản để các em dễ nhớ và dễ lãnh hội. Nhờ vậy các em ít bị khó khăn và có thể làm theo. Cùng thế ấy, đối với hành giả sơ cơ chỉ nên dạy ghi nhận những gì xuất hiện nổi bật và dễ thấy nhất. Ghi nhận những gì không hiển nhiên, khó nhận biết chỉ gây phân vân và những phân vân nhầm lẫn sẽ theo hành giả suốt đời.
Trong kinh Đại Niệm Xứ, Đức Phật dạy quán sát hơi thở ra vô (ānāpānassati). Tuy nhiên, theo phương pháp của Cố Hòa Thượng Mahasi, hành giả hướng tâm quan sát chuyển động phồng xẹp của bụng thay vì quan sát hơi thở. Do đó, có người hỏi rằng Đức Phật có dạy quan sát phồng xẹp nơi bụng không. Câu trả lời là tuy không được Đức Phật trực tiếp đề cập nhưng phù hợp với những gì Đức Phật dạy. Đức Phật dạy trong phép quán thân lấy sắc uẩn (rūpakkhandha) tức vật chất hay thân làm đề mục. Sự phồng xẹp ở bụng thuộc về sắc uẩn (rūpakkhandha), sắc căn (phoṭṭhabbāyatana) hay tứ đại (upādārūpa). Phồng xẹp không được trực tiếp ghi lại trong kinh điển nhưng phồng xẹp có liên hệ đến hơi thở. Khi thở vô bụng phồng, thở ra bụng xẹp.
Phong đại hay yếu tố gió gồm có sáu loại là gió hướng thượng (uddhaṅgama), gió hướng hạ (adhogama), gió nội tạng (kucchisaya), gió nội trường (koṭṭhāsaya), gió nội mạch luân chuyển trong toàn thân giúp tứ chi cử động (aṅgamaཅgānusāri), và hơi thở ra vào (assāsapassāsa, ānāpāna). Một trong sáu loại gió này là hơi thở ra vào tạo nên phồng xẹp. Do vậy, yếu tố gió trong chuyển động phồng xẹp thuộc sắc uẩn và chuyển động phồng xẹp có thể dùng làm đề mục hành thiền Minh Sát Niệm Xứ.
Phồng xẹp có đặc tính căng, dãn và chuyển động. Hành giả hãy theo dõi phồng xẹp một cách khít khao. Tuy nhiên, trong lúc theo dõi phồng xẹp, nên thở một cách tự nhiên, đừng cố gắng thở dài hay thở mạnh.
Kinh Đại Niệm Xứ dạy hành giả ghi nhận đề mục một cách trọn vẹn (sabbakāya patisamvedī). Hành giả cần hướng tâm đến đề mục (Tầm, vitakka) và tinh tấn (vīriya) đưa tâm đến và chà sát lên đề mục (Tứ, vicāra). Hành giả cố gắng làm sao cho tâm ghi nhận liên tục bám sát chuyển động phồng xẹp của bụng.
Để sự quán sát được trọn vẹn, phải nỗ lực ghi nhận đề mục từ lúc đầu cho đến lúc cuối của chuyển động phồng, cũng như ghi nhận từ lúc đầu cho đến lúc cuối của chuyển động xẹp. Quán sát từ đầu đến cuối (sabbakāya patisavedī) không có nghĩa là quán sát đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối như được một một số người giảng dạy. Đầu, giữa, cuối chỉ là khái niệm hay tục đế. Điều cần phải làm là chú tâm quán sát suốt chuyển động phồng xẹp của bụng để kinh nghiệm được đặc tính riêng là sự căng, cứng rồi đặc tính chung là vô thường, khổ, và vô ngã trong chuyển động phồng xẹp của bụng Nhờ quán sát trọn vẹn chuyển động phồng, xẹp từ lúc bắt đầu cho đến lúc kết thúc mà ta có thể hiểu rõ ràng về thân hay sắc uẩn. Hành giả sơ cơ khó mà có được ngay kinh nghiệm như vậy nếu chọn phép quán tâm.
Phải ghi nhận ngay tức khắc các hiện tượng danh sắc hay ngũ uẩn đang sanh khởi nổi bật qua sáu cửa giác quan ngay trong giây phút hiện tại. Đó là lý do tại sao Thiền Minh Sát Niệm Xứ được diễn tả cô đọng bằng câu Pāli ngắn gọn trong sách Itivutthaka: “Bhūta bhūtato passati” với ý nghĩa là các hiện tượng danh sắc sanh khởi ra sao thì quán sát đúng như vậy hay các hiện tượng như thế nào thì thấy biết chúng như thế ấy.
Nơi chúng sinh, các hiện tượng danh sắc liên tục sanh khởi và hoại diệt không ngừng nên cần chú tâm theo dõi và ghi nhận cặn kẽ, tận tường và liên tục các hiện tượng tâm-vật-lý đang sinh khởi. Nhờ kiên trì quán sát như vậy, hành giả sẽ tự mình kinh nghiệm được đặc tính riêng rồi đặc tính chung của chúng (bhūtato yathāsabhāvato sallakkhento sāmaññalakkhaṇā).
Đó là cốt tủy của pháp hành thiền Minh Sát Niệm Xứ theo kinh điển. Tuy nhiên, đối với thiền sinh sơ cơ hay mới hành thiền, sự ghi nhận tức thời các hiện tượng danh sắc hay tâm-vật-lý đang xảy ra qua sáu cửa giác quan gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý rất khó thực hiện vì chưa đủ nội lực. Do đó, trong các khoá thiền, hành giả được chỉ dẫn ngồi thiền bắt đầu bằng sự quán sát chuyển động phồng xẹp của bụng vì tương đối đơn giản dễ ghi nhận. Đề mục này liên hệ đến phong đại hay yếu tố gió thuộc sắc uẩn nên hoàn toàn phù hợp với phép “quán thân trên thân” (kāyānupassanā) của pháp hành thiền Minh Sát Niệm Xứ (vipassanā) được ghi lại trong Kinh Đại Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhana).
Hành giả thở một cách tự nhiên, chỉ cần bình thản chú tâm ghi nhận một cách chính xác và song hành với chuyển động mà thôi chứ không cần phải cố gắng thở mạnh để thấy rõ sự phồng xẹp của bụng. Đặc điểm của pháp hành Minh Sát Niệm Xứ là vun bồi chánh niệm qua sự hướng tâm và cố gắng ghi nhận để thấy rõ đặc tính đề mục chứ không phải cố ý can thiệp vào diễn trình bằng cách thở mạnh để thấy đề mục được dễ dàng. Hành giả nào không đề ý đến điểm này không những sẽ bị mệt mỏi một cách nhanh chóng mà còn không đạt được tiến bộ nào cả trong sự thực tập. Tệ hại hơn nữa là sẽ mất tự tin vì hành thiền mà không đạt được kết quả rồi nghĩ rằng pháp hành thiền lấy chuyển động phồng xẹp làm đề mục chính không hiệu nghiệm. Đây là điểm bắt đầu rất quan trọng trong sự thực tập cần để ý trước tiên khi hành thiền.
Để ghi nhận được kịp thời chuyển động phồng xẹp của bụng, trước hết cần phải hướng tâm và cố gắng đưa tâm đến đề mục. Một khi tâm hoàn toàn hướng đến đề mục hành giả không thể có tà tư duy tức là những suy nghĩ sai lầm như dục tầm, sân tầm, hại tầm không thể sanh khởi nơi tâm. Tinh tấn hướng và đưa tâm đến đề mục là nỗ lực loại trừ sự lười biếng trong khi hành thiền. Chi thiền Tầm (vitakka) có ảnh hưởng quyết định cho sự ghi nhận đề mục. Sau khi tâm đến được đề mục, hành giả nỗ lực giữ tâm trực diện với đề mục. Tâm ghi nhận trực diện và chà sát đề mục hình thành chi thiền Tứ (vicāra). Lúc mới bắt đầu quán sát đề mục, hành giả chưa phải thực sự hành thiền Minh Sát, chỉ đến khi thành tựu được hai chi thiền Tầm và Tứ thì mới xem là thực sự hành thiền Minh Sát Niệm Xứ. Nhờ hai chi thiền này, tâm ghi nhận gắn chặt nơi đề mục, không còn phóng chạy đây đó và liên tục ghi nhận đề mục để phát triển chánh niệm. Và khi tâm gom tụ trên đề mục, hành giả có sát na định hay sự định tâm trong khoảnh khắc.
Trong khi hành thiền, nếu có tiếng động hay bất cứ trạng thái tâm ô nhiễm hay bất thiện nào sanh lên một cách nổi bật, chằng hạn như suy nghĩ, tưởng tượng, sân hận, tham ái…, phải chánh niệm ghi nhận ngay lập tức những hiện tượng này khi chúng vừa sanh khởi. Nhờ liên tục ghi nhận như vậy, hành giả thiết lập chánh niệm vững vàng và phát triển sự định tâm mạnh mẽ trên đề mục. Nhờ định tâm, phiền não tham, sân, si trong tư tưởng tạm thời được chế ngự. Do đó, nhóm định của con đường Giới, Định, Huệ hay Bát Chánh Đạo gồm Chánh Tinh Tấn (sammā vāyama), Chánh Niệm (sammā sati) và Chánh Định (sammā samādhi) có khả năng ngăn ngừa loại phiền não tư tưởng.
Khi ngồi thiền, hành giả theo dõi chuyển động phồng xẹp, còn khi đi kinh hành thì theo dõi chuyển động của bước chân. Trước khi bắt đầu kinh hành, hãy ghi nhận ý muốn đi của mình rồi chánh niệm ghi nhận thân thể chuyển từ vị thế ngồi lên vị thế đứng. Nên chọn một khoảng đường ngắn để đi tới đi lui trong khi kinh hành, không nên đi lung tung đó đây vì như vậy dễ phóng tâm. Trong khi đi, nhìn xuống phía trước khoảng hai mét để tâm dễ tập trung theo dõi bước đi và không nên nhắm mắt để tránh bị té vì mất thăng bằng.
Nên chia giờ kinh hành thành ba giai đoạn tương đối ngang nhau. Hai mươi phút đầu, hành giả theo dõi và ghi nhận chuyển động đơn giản nhất của bước chân là phải bước rồi trái bước hay ngược lại. Hai mươi phút giữa, theo dõi và ghi nhận dở và đạp của mỗi bước chân. Hai mươi phút cuối là dở, bước, đạp. Trong khi đi, nên đi thật chậm để sự chú tâm theo dõi bước chân được chính xác và sự ghi nhận được song hành với chuyển động nơi bước chân. Đến cuối đoạn đường kinh hành, trước khi đứng ghi nhận ý muốn đứng rồi đứng lại khoảng 10 giây trước khi xoay trở lại. Trong khi đứng, ghi nhận toàn thân đang đứng hay chuyển động phồng xẹp của bụng. Trước khi xoay, ghi nhận ý muốn xoay rồi mới xoay. Trong khi xoay, theo dõi chuyển động của bàn chân đang xoay. Xoay xong, nên đứng khoảng 10 giây trước khi đi trở lại. Trong khi đứng, hành giả theo dõi toàn thân hay chuyển động phồng xẹp của bụng như vừa đề cập ở trên. Trước khi đi trở lại, hành giả ghi nhận ý muốn đi rồi mới đi. Trong khi đi, tiếp tục ghi nhận chuyển động của bàn chân tùy theo giai đoạn của giờ kinh hành được chọn như phải bước, trái bước hay dở, đạp hay dở, bước, đạp như vừa được đề cập ở trên. Khi chuyển từ chân phải qua chân trái hay ngược lại, hành giả chú tâm ghi nhận thân hình đang chuyển.
Trong lúc theo dõi bước chân, nếu thấy, nghe hay cảm thấy ngứa ngáy nơi thân cũng đừng để tâm mà hãy tiếp tục chú tâm theo dõi chuyển động của bàn chân. Tuy nhiên, khi suy nghĩ hay ngứa ngáy trở nên quá đổi, hãy đứng lại và ghi nhận ngay sự suy nghĩ hay cảm giác ngứa ngáy ấy. Sau đó trở lại tiếp tục ghi nhận bước chân. Nếu ghi nhận dở, bước, đạp và cảm giác ngứa ngáy cùng lúc thì sự ghi nhận rất hời hợt. Trong lúc đang kinh hành chỉ nên ghi nhận bước chân. Nếu muốn ghi nhận cảm giác ngứa ngáy hay suy nghĩ, phải đứng lại rồi mới chú tâm ghi nhận đề mục phụ nổi bật này.
Đối với các hoạt động thường nhật khác trong khóa thiền, hành giả cũng phải chánh niệm ghi nhận. Khi thức dậy vào buổi sáng, hành giả chánh niệm ghi nhận ngay giây phút thức dậy đầu tiên ấy rồi sau đó ghi nhận ý muốn ngồi dậy và chuyển động ngồi lên của cơ thể. Động tác xỏ giày dép cũng phải được ghi nhận. Khi đi rửa mặt, bước đi cũng phải được ghi nhận như phải bước, trái bước. Các động tác súc miệng, đánh răng, rửa mặt…cũng phải được làm trong chánh niệm. Tới bửa ăn, khi xếp hàng, khi lấy thức ăn, rồi khi ngồi xuống đưa thức ăn vào miêng, nhai, nuốt… cũng phải chánh niệm ghi nhận hết mọi động tác. Nói chung, không có một động tác, việc làm nào kể cả ý muốn làm mà không được chánh niệm theo dõi hết trong suốt khóa thiền ngoại trừ lúc ngủ. Ngay trước khi ngủ, trong khi đang nằm, hành giả cũng phải theo dõi chuyển động phồng xẹp của bụng cho đến khi rơi vào giấc ngủ.
Ngoài ra, để cho dễ theo dõi, hành giả còn được chỉ dẫn niệm thầm song song với sự diễn biến của đề mục. Khi ngồi thiền, bụng phồng niệm “phồng, phồng”, bụng xẹp niệm “xẹp, xẹp”. Khi có cảm giác cứng trong thân niệm “cứng, cứng”, mềm niệm “mềm, mềm”, dính niệm “dính, dính”, ướt niệm “ướt, ướt”, nặng niệm “ nặng, nặng”, nhẹ niệm “nhẹ, nhẹ”, nóng niệm “nóng, nóng”, lạnh niệm “lạnh, lạnh, chuyển động niệm “chuyển động, chuyển động”. Khi đi kinh hành, niệm ý muốn đi “muốn, muốn”, rồi “phải bước, trái bước” hay “dở, đạp” hay “dở, bước, đạp” hay “chuyển, chuyển” . Điều này có nghĩa là thấy sao niệm vậy (bhūtaཁ bhūtato passati) và niệm một cách chính xác và song hành với sự diễn biến của đề mục, không trước không sau.
Niệm thầm là gọi tên cho sự ghi nhận mặc dầu tên gọi chỉ là khái niệm. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu rất khó theo dõi khắn khít đề mục nên sự niệm thầm như vậy giúp hành giả chú tâm vào đề mục dễ dàng hơn. Nhờ đó, sát na định (khaṇika samādhi) hay sự định tâm trong khoảnh khắc sớm được hình thành. Và theo thời gian, sát na định sẽ phát triển để càng lúc càng liên tục tạo thành sự định tâm trên đề mục. Khi có sự định tâm mạnh mẽ, tâm hành giả bắt đầu cảm thấy thanh tịnh. Tâm tịnh là kết quả của tâm không bị phiền não chi phối.
Ngũ uẩn hay thân tâm sinh khởi theo tương quan nhân quả. Không có nhân sẽ không có quả. Sắc hay thân sinh ra từ bốn yếu tố: nghiệp trong quá khứ (kamma), tâm (citta), thời tiết (utu) và thực phẩm (āhāra). Cơ thể gồm tứ chi, tay, mắt, mũi… là sắc hình thành từ bốn nhân này. Hành giả còn nhận thấy chuyển động phồng xẹp của bụng có liên hệ với hơi thở ra vào. Vì thở vào nên có phồng, thở ra nên có xẹp. Do có ý muốn thở vô, thở ra nên mới có thở vô, thở ra, và do vậy có phồng, xẹp. Nín thở chỉ được một lúc ta sẽ cảm thấy khó chịu nên có ý muốn thở trở lại. Vì thế, khi chú tâm quan sát chuyển động phồng xẹp, hành giả nhận thấy phồng xẹp sinh khởi do nhiều nguyên nhân.
Trong mỗi cá nhân, tâm và thân luôn hiện hữu hay sinh diệt liên tục như dòng nước không ngừng trôi chảy. Trong từng khoảnh khắc, dòng nước cũ qua đi và dòng nước mới chảy đến thay thế. Cùng thế ấy, luồng hiện tượng tâm-vật-lý không ngừng sanh diệt, hiện tượng mới thay thế hiện tượng cũ. Do đó, muốn phân biện được tâm và thân, hành giả phải ghi nhận đề mục ngay lúc nó mới vừa sinh khởi.
Hiện tượng vừa mới xảy ra lập tức trôi ngay vào quá khứ. Nếu không ghi nhận kịp thời, hành giả không thấy được trọn vẹn hiện tượng mà chỉ còn hình dung và hình dung có thể sai lầm. Đối với các sự việc chưa đến cũng vậy, hành giả chỉ có thể tưởng tượng mà thôi nên cũng không thể kinh nghiệm được sự thật. Do đó, cần ghi nhận đề mục kịp thời mà không suy nghĩ, không phân tích. Quá khứ đã qua và tương lai chưa đến, chỉ có hiện tượng đang xảy ra ngay trong hiện tại là cụ thể, rõ ràng nhất. Trong trường hợp ánh chớp của luồng sét, nếu không quán sát ngay lúc nó mới vừa sanh khởi thì sẽ không thấy vì nó qua ngay. Muốn ánh chớp như thế nào thấy như thế ấy, cần phải theo dõi và ghi nhận kịp thời ngay lúc nó vừa xuất hiện. Thấy kịp thời, ta kinh nghiệm ánh chớp sáng lòa xóa tan đi bầu trời đang tối đen, thấy được cường độ sáng, hình dáng của lằn chớp trọn vẹn từ đầu đến cuối. Do đó, theo lời Đức Phật dạy, hành giả phải chánh niệm ghi nhận đề mục kịp thời ngay khi nó vừa xuất hiện để hiểu biết đề mục đúng như nó là vậy (bhūtaṁ bhūtato passati).
Liên tục chánh niệm ghi nhận các hiện tượng danh sắc sanh khởi nổi bật trong giây phút hiện tại qua sáu cửa giác quan gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý ngay khi chúng vừa sanh khởi, hành giả phát triển được trạng thái tâm định khoảnh khắc hay sát na định (khaṇika samādhi). Sát na định sanh khởi liên tục sẽ giúp hành giả lần lượt phát triển tuệ giác từ thấp đến cao cùng các tầng thiền Minh Sát.
Ghi Nhận Đề Mục Cẩn thận
Thiền sư thường hỏi: “Hành giả có ghi nhận được phồng, xẹp ngay khi chúng vừa sinh khởi không?” “Hành giả có niệm phồng, xẹp với tất cả sự chú tâm không?” “Hành giả kinh nghiệm điều gì nơi phồng, xẹp?” Ghi nhận đề mục đúng cách, hành giả sẽ trả lời được các câu hỏi trên không mấy khó khăn. Trả lời lơ mơ hay suy diễn là hành giả đã không chú tâm quan sát đề mục một cách cẩn thận.
Ghi nhận đề mục bằng sự hướng tâm và tinh tấn, hành giả sẽ biết được bản chất thật sự của đề mục. Không ghi nhận đề mục kịp thời và đúng cách là hành giả đánh mất cơ hội phát triển trí tuệ. Không có trí tuệ có nghĩa là vô minh (avijjā). Vô minh không những là không hiểu biết, mà còn là hiểu biết sai. Người bị bệnh mắt kéo mây sẽ không thấy gì hết hoặc không thấy rõ hay thấy sai. Cùng thế ấy, nếu không hành thiền Minh Sát Niệm Xứ nghiêm chỉnh, không ghi nhận đề mục đúng cách, hành giả sẽ không hiểu được các đặc tính riêng như căng, cứng… trong chuyển động phồng, xẹp. Một khi không hiểu được các đặc tính này, hành giả không thể kinh nghiệm được đặc tính chung như vô thường, khổ và vô ngã của các hiện tượng danh sắc hay thân tâm. Kết quả là dính mắc vào đối tượng nên phiền não sanh khởi.
Khi trí tuệ sanh khởi, vô minh tự động bị loại trừ, ví như khi ánh sáng xuất hiện thì bóng tối tức khắc biến mất. Do vậy, hành giả đừng để bị thất niệm. Thất niệm năm phút, hành giả mất cơ hội phát triển trí tuệ ba trăm lần. Thất niệm một giờ, hành giả mất cơ hội phát triển trí tuệ ba ngàn sáu trăm lần. Một khi ghi nhận hay niệm đề mục đúng cách, hành giả sẽ phát triển trí tuệ và hưởng được lợi lạc của thiền tập. Nếu không, hành giả sẽ không có trí tuệ và do đó sẽ không có được lợi lạc nào từ sự hành thiền cả. Cho nên, trong khi dành thời gian và công sức tu tập cả ngày, hãy xét xem mình có chánh niệm hay thất niệm nhiều, được lợi lạc hay bị mất mát. Nếu ghi nhận đề mục một cách tỉ mỉ, cẩn thận và đúng phương pháp, hành giả sẽ hưởng được loại hạnh phúc từ khước phiền não. Chỉ khi hành giả nếm được loại hạnh phúc này, một loại hạnh phúc phi thế tục, hành giả mới có thể buông bỏ dần hạnh phúc thế tục.
Hành giả đã để lại hạnh phúc thế tục sau lưng đến đây thiền tập. Nhưng nếu tu tập dễ duôi sẽ không hưởng được loại hạnh phúc phi thế tục và như vậy, hành giả đánh mất hạnh phúc thế tục lẫn hạnh phúc phi thế tục. Vì lẽ đó, hành giả nên tu tập một cách cẩn trọng và nghiêm túc để có được lợi lạc.