Phần 3
Hành Thiền
Khuyết Điểm Của Hạnh Phúc Thế Tục
Ích Lợi của Hành Thiền
Sức Mạnh Của Tâm
Hạnh Phúc Bảo Đảm
Hai Pháp Hành Thiền
Thiền Vắng Lặng
Thiền Minh Sát Niệm Xứ và Đạo, Quả
Tu Tập Theo Kinh Điển
HÀNH THIỀN
KHIẾM KHUYẾT CỦA HẠNH PHÚC THẾ TỤC
Với lòng đại từ đại bi, Đức Phật khuyến hóa chúng sinh năng bố thí, trì giới để có được cuộc sống an vui ở cõi người và chư thiên. Tuy nhiên, chúng sinh lại tham cầu danh lợi và đắm chìm trong hạnh phúc thế tục. Do đó, chúng sanh không dễ dàng từ bỏ loại hạnh phúc thế gian này để tìm cầu hạnh phúc tâm linh an bình cao thượng hơn.
Hạnh phúc thế tục mà con người theo đuổi là sự thỏa thích khi thấy vật đẹp, nghe âm thanh hay, ngửi mùi thơm, nếm món ăn ngon, cảm nhận sự xúc chạm êm ái. Hạnh phúc thế tục là kết quả của việc thiện lành đã làm được trong quá khứ. Hạnh phúc này còn được gọi là hạnh phúc ngũ dục (kāmasukha), hạnh phúc bất tịnh (mīlasukha) hay hạnh phúc thấp hèn (anariyasukha) bởi vì các khoái cảm giác quan tự bản chất không trong sạch. Những bậc thánh nhân không mơ tưởng loại hạnh phúc như thế, chỉ có người đời vì vô minh dày đặc nên ham thích hưởng thụ loại lạc thú này mà thôi.
Đức Phật dạy rằng hạnh phúc thế tục không bảo đảm và cần phải dứt bỏ vì nó rất nhỏ nhoi (appassāda). Nếu theo đuổi hạnh phúc ngũ dục, con người sẽ mệt mỏi, gặp rất nhiều đau khổ (bahudukkhā) và tai ương (bahupāyāsā). Khi chưa có khả năng từ bỏ những khoái cảm giác quan, khi mãi đắm say trong lạc thú ngũ trần, chúng sinh không hề hay biết tâm mình thường xuyên bị lửa phiền não tham, sân, si vô hình nung đốt cũng như không hiểu là mình cần phải dập tắt nó. Lửa phiền não không hình tướng nên khó thấy và khó loại trừ. Khi hành giả gặp những đối tượng ưa thích như vật đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc chạm êm ái… lửa tham ái rực cháy trong tâm. Càng ham muốn nhiều, lửa tham ái càng cháy lớn và khó dập tắt. Ngược lại, với những đối tượng không hài lòng như vật thô xấu, âm thanh chói tai, mùi hôi thối…, tâm hành giả bị lửa sân hận, lửa bất mãn, lửa cố chấp thiêu đốt. Và khi ngọn lửa này bùng cháy dữ dội thì sẽ không còn dập tắt được nữa. Kết quả là chúng sinh tạo nhiều bất thiện nghiệp qua thân, khẩu và trở thành kẻ thấp hèn.
Đức Phật chỉ rõ những khiếm khuyết của hạnh phúc thế tục. Khi nhận ra được chính mình là nạn nhân đang bị phiền não thiêu đốt, hành giả muốn gấp rút thoát khỏi những hiểm nguy của ngũ dục và tìm cầu sự bình yên. Hành giả từ khước những say mê giác quan, bỏ lại sau lưng hạnh phúc thế tục và đến thiền viện tu tập để dập tắt lửa tham, sân, si trong lòng với hy vọng tìm được loại hạnh phúc trong sạch, cao thượng, và bảo đảm hơn. Tuy nhiên, để thành đạt những gì mong muốn, hành giả phải tinh tấn hành thiền đúng theo lời Đức Phật dạy cũng như những chỉ dẫn của thiền sư phù hợp với giáo pháp của Ngài được ghi lại rõ ràng trong kinh điển.
LỢI ÍCH CỦA HÀNH THIỀN
Theo sự chỉ dẫn của Đức Phật được ghi lại trong kinh Đại Niệm Xứ (mahāsatipatthāna), hành thiền Minh Sát Niệm Xứ là chánh niệm ghi nhận các hiện tượng danh sắc sanh khởi nổi bật qua sáu cửa giác quan ngay trong khoảnh khắc hiện tại để ngăn ngừa hay đoạn trừ phiền não. Sự ghi nhận phải tức thì, chính xác, khắn khít, song hành với sự diễn biến của đối tượng một cách liên tục. Hành thiền nhằm mục đích giữ cho tâm ý được trong sạch để tạo sức mạnh cho tâm hầu thành đạt hạnh phúc bảo đảm như được đề cập trong phần mở đầu Kinh Đại Niệm Xứ về bảy lợi ích của pháp hành Minh Sát Niệm Xứ: “Đây là con đường độc nhật đưa đến sự thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sự sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết Bàn”.
Sức Mạnh Của Tâm
Xuyên suốt đời người, luồng danh sắc (nāmarūpa) liên tục trôi chảy. Nơi luồng danh sắc này, thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng chạm, co, duỗi, xoay, suy nghĩ… xảy ra liên tục và sanh diệt không ngừng. Nhưng vì vô minh không biết bản chất của các hiện tượng danh sắc khiến sanh tâm bám níu đối tượng qua luyến ái hay tà kiến. Vì sự dính mắc như vậy nên mới làm những hành động thiện và bất thiện để chiếm hay đạt cho được đối tượng. Do có hành động hay nghiệp mà quả danh sắc liên tục sanh khởi. Hết kiếp này sang kiếp khác, luồng danh sắc liên tục vận hành, trổ những quả tốt, xấu tùy theo những nghiệp thiện hay bất thiện đã tạo ra từ các kiếp trước. Do đó, luồng danh sắc (nāmarūpa) trôi chảy không ngừng này còn gọi là vòng quả (vipākavatta). Bao lâu các trạng thái tâm vô minh và tham ái còn hiện hữu, bấy lâu còn có phiền não. Để làm suy yếu và tận diệt phiền não, cần phải làm những hành động phước thiện với tâm ý hướng đến mục đích giải thoát (puñña-kiriya-vatthu).
Puñña-kiriya-vatthu gồm ba loại phước thiện là bố thí, trì giới và hành thiền. “Puñña” nguyên nghĩa là làm trong sạch luồng danh sắc (nāmarūpa) đang liên tục trôi chảy (santāna). “Puñña”có hai định nghĩa là phước có khả năng làm cho tâm trong sạch (atta santānaṁ punāti sodetīti puññaṁ) và phước làm thành tựu điều mong ước (kārakassa manorathaṁ pūretīti puññaṁ).
Phước (puñña) hay thiện nghiệp (kusala kamma) là điều nên làm. Bố thí, trì giới và hành thiền đều là những việc phước thiện nên thực hiện. Tuy nhiên, bố thí và trì giới không làm sanh khởi trí tuệ, chỉ có hành thiền mới làm cho tâm trong sạch và trí tuệ phát triển. Do vậy, hành thiền được gọi là thiện nghiệp đặc biệt (adhikusala) và phước của sự hành thiền trội hơn phước của trì giới và bố thí.
Hành thiền tạo ra hai sức mạnh nơi tâm là sức mạnh suy tư chân chánh (patisaṅkhāna bala) và sức mạnh vun bồi tâm linh (bhāvanā bala). Trước khi nói hay làm điều gì, cá nhân nên suy xét xem điều mình sắp nói hay sắp làm có lợi ích và thích hợp không. Sức mạnh suy tư chân chánh này còn gọi là trí tuệ thu thúc những gì cần thu thúc hay không làm những gì không nên làm (pārihāriyapaññā). Suy tư chân chánh là sự hiểu biết rõ ràng hay tỉnh giác (sampajañña) gồm ý thức sáng suốt về lợi lạc (sātthakasampajañña) và thích nghi (sappāyasampajañña) của hành động. Đó là trí tuệ trưởng thành (nepakkapaññā) làm cho tâm ươn yếu trở nên lớn mạnh, cứng cáp. Nhờ suy tư chân chánh mà ta hiểu được những gì lợi lạc và thích nghi đáng được làm trong đời. Các hành giả ở đây nên vui mừng vì có được sự suy tư chân chánh về giá trị và lợi lạc của pháp hành Minh Sát Niệm Xứ.
Do sức mạnh vun bồi tâm linh (bhāvanā bala) qua hành thiền, tâm trở nên an tịnh, trong sáng thấy được chân lý theo từng giai đoạn tu tập. Nhờ vậy hành giả càng lúc càng loại bỏ dần si mê. Ai cũng có thể tu luyện tâm, nhưng muốn có sức mạnh vun bồi tâm linh, cần phải tinh tấn. Khi không được rèn luyện, tâm sẽ mãi non nớt, ươn yếu. Do đó, dù cho thân thể trở nên cường tráng hay cho dù tuổi đời có cao chăng nữa tâm vẫn chưa trưởng thành. Ví như kẻ yếu thua người mạnh, cây non yếu không chịu đựng được nắng mưa, tâm nhạy cảm nhưng không thể đương đầu với những thăng trầm trong cuộc đời sẽ lập tức phản kháng bằng tham, sân, si. Tham ái trước đối tượng ưa thích và bực bội hay sân hận trước đối tượng không hài lòng là biểu hiện của một cái tâm chưa trưởng thành, không được rèn luyện bằng Thiền Minh Sát Niệm Xứ (satipaṭṭhāna). Tâm cần các loại sinh tố và khoáng chất tinh thần để có sức mạnh chống lại phiền não. Vì thế, tu luyện tâm bằng pháp hành Minh Sát Niệm Xứ thật vô cùng cần thiết.
Khi tâm thuần thục, trưởng thành và có trí tuệ, cho dù đối diện với ưa ghét, khen chê hoặc những thăng trầm trong cuộc đời, tâm vẫn quân bình. Bị ô nhiễm bởi ái dục và sân hận, con người luôn sầu bi khi gặp cảnh mất nhà, mất việc hay xa lìa người thân. Thiền Minh Sát Niệm Xứ khắc phục được loại phiền não này cũng như giúp chấm dứt khổ thân, khổ tâm và diệt tận gốc phiền não vốn đã theo chúng ta từ bao nhiêu kiếp. Đức Phật tuyên bố rằng Minh Sát Niệm Xứ là con đường duy nhất đem lại bình an cho tâm và bảo đảm rằng hành giả sẽ hưởng được bảy lợi lạc nói trên.
Trước khi Đức Phật ra đời, chẳng có một khoa học gia, chính trị gia hay y sĩ nào dám khẳng định một phương pháp hay cách thực tập đem lại được bảy điều lợi lạc như vậy. Hành giả ở đây đã có sẵn niềm tin nơi pháp hành vì đã kinh nghiệm phần nào lợi lạc trong thiền tập. Càng hành thiền, càng kinh nghiệm nhiều lợi lạc cho nên đức tin càng lớn mạnh hơn.
Hành giả cũng cần có quyết tâm và can đảm diệt trừ phiền não trong khi hành thiền để tạo nên sức mạnh nơi tâm và thành tựu trí tuệ. Một khi để dễ duôi, lười biếng chế ngự, hành giả không thể duy trì được chánh niệm và vì vậy phiền não lập tức dấy động lên trong tâm. Khi siêng năng duy trì và phát triển chánh niệm, tâm sẽ được bảo vệ khỏi phiền não nên hành giả tránh được những cư xử sai lầm hay bất thiện qua thân, khẩu, ý.
Hành giả phải tinh tấn hướng tâm và chánh niệm ghi nhận bất cứ đề mục nào đang sinh khởi nổi bật qua sáu cửa giác quan ngay trong giây phút hiện tại để giữ tâm được trong sạch. Hành giả nên quyết tâm dồn hết nỗ lực vào thiền tập, đừng để ý bất kỳ chuyện gì làm mình phóng tâm, đừng nhìn dẫu muốn nhìn, đừng nghe dẫu muốn nghe. Nhờ tinh tấn đưa tâm đến đề mục, tâm sẽ gắn chặt vào đề mục nên có chánh niệm. Khi chánh niệm liên tục vào đề mục, tâm không còn phân tán, dao động bởi tham, sân mà trở nên ổn cố, định tĩnh (avikkhepo samādhi). Vì thế, khi chánh tinh tấn (vīriya) phát triển, chánh niệm (sati) và chánh định (samādhi) hình thành. Vun bồi và phát triển chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định như thế là hành giả hành thiền hay phát triển tâm (bhāvanā) một cách đúng đắn. Có như vậy mới có thể hy vọng thành đạt được loại hạnh phúc bảo đảm.
Hạnh Phúc Bảo Đảm
Sau khi chỉ rõ những hiểm nguy của hạnh phúc ngũ dục, Đức Phật thuyết giảng bài kinh Maggagata dạy cách thức thành tựu loại hạnh phúc bảo đảm. Để kinh nghiệm được những hạnh phúc cao thượng như hạnh phúc khước từ (nekkhammasukha), hạnh phúc độc cư (pavivekasukha), hạnh phúc tĩnh lặng (upasamasukha) và hạnh phúc giải thoát (sambodhasukha), cá nhân phải thực sự rời bỏ nếp sống thế tục và bước vào đời sống tu hành. Đức Phật khẳng định rằng nếu hành thiền tinh tấn và đúng đắn, hành giả sẽ từ bỏ hạnh phúc ngũ dục và hưởng được các loại hạnh phúc bảo đảm này.
Hạnh phúc khước từ (nekkhammasukha) là loại hạnh phúc có được do xa rời những khoái cảm qua năm giác quan tức dục lạc và loại bỏ ô nhiễm trong tâm. Trong tiếng Pāḷi, dục lạc là “vatthukāma” và ham muốn dục lạc hay ô nhiễm trong tâm là “kilesakāma”. Vậy từ khước có nghĩa là xa lìa ngũ dục, bỏ lại sau lưng bao người thân thương để đến đây hành thiền. “Từ bỏ người thân thương” còn có nghĩa là chấm dứt quan hệ mật thiết với các ô nhiễm không những đã gắn bó trong tâm từ vô lượng kiếp mà còn sẽ tiếp tục theo đuổi trong tương lai nếu không được đoạn trừ.
Nhờ hành thiền Minh Sát Niệm Xứ, hành giả phát triển được Tuệ Minh Sát, thành đạt Đạo, Quả và tận diệt được phiền não vốn đã theo đuổi mình qua nhiều kiếp sống trong vòng luân hồi. Qua kinh nghiệm tu tập, hành giả biết rằng hạnh phúc thế tục quả thật nhỏ nhoi so với hạnh phúc giáo pháp vì hạnh phúc giáo pháp vượt xa hạnh phúc thế tục không biết bao nhiêu lần. Thấy và biết như vậy, hành giả tự mình nhận ra sự vô giá của giáo pháp. Do đó, muốn hưởng được các loại hạnh phúc bảo đảm như hạnh phúc khước từ, hạnh phúc độc cư, hạnh phúc tĩnh lặng, hạnh phúc giải thoát, hành giả phải dứt khoát buông bỏ loại hạnh phúc không bảo đảm là hạnh phúc ngũ dục. Buông bỏ loại hạnh phúc thấp kém, bất tịnh, hành giả sẽ có được loại hạnh phúc cao thượng.
Tu sĩ hay cư sĩ chỉ là dáng vẻ bên ngoài. Dù là tu sĩ hay cư sĩ, khi từ bỏ hạnh phúc thế tục và dốc lòng thiền tập để đoạn trừ phiền não, hành giả được gọi là người xuất gia hay tỳ khưu (bhikkhu). Điều quan trọng là hành giả phải tu tập một cách khẩn thiết, nghiêm túc với mục đích giải thoát. Cho nên, hành giả cần phải nỗ lực hết mình khi hành thiền để xứng với công sức và thì giờ đã bỏ ra. Thiếu tinh cần, hành giả sẽ khó mà thành tựu được mục đích giải thoát của mình.
Trong tiến trình hành thiền Minh Sát Niệm Xứ, sau khi có được Tuệ Phân Biện Danh Sắc (nāmarūpaparicc hedañāna), hành giả sẽ tuần tự phát triển các tuệ giác cao hơn theo từng giai đoạn. Khi đến Tuệ Sinh Diệt (udayabbayañāna), hành giả hưởng được loại hạnh phúc đặc biệt nên khó mà từ bỏ hành thiền. Rồi ở Tuệ Xả Hành (sankhār’upekhāñāṇa), hành giả sẽ hưởng được hạnh phúc bình an tĩnh lặng (upasamasukha). Và cuối cùng, khi thành đạt Đạo, Quả, chứng ngộ Niết Bàn, hành giả hưởng được loại hạnh phúc giải thoát (sambodhasukha).
HAI PHƯƠNG PHÁP HÀNH THIỀN
Khi đến thiền viện tham dự khóa thiền hay xuất gia làm tỳ khưu, tu nữ, hành giả muốn thoát khỏi cám dỗ của dục lạc (vatthukāma). Nhưng để chế ngự ô nhiễm ái dục trong tâm (kilesakāma), hành giả cần phát triển sức định của các tầng thiền (jhāna) bằng cách hành Thiền Vắng Lặng (samatha) hoặc Thiền Minh Sát Niệm Xứ (vipassanā).
Trong cổ ngữ Pāḷi, thiền (jhāna) có nghĩa là quán sát một cách kỹ càng và trọn vẹn đối tượng (ārammanaṁ jhāyati upanijjhāyatīti jhānaṁ). Có hai loại jhāna: ārammanūpanijjhāna là quan sát đề mục hành thiền và lakkhanūpanijjhāna là quan sát đặc tính của danh sắc. Ārammanūpanijjhāna liên quan đến Thiền Vắng Lặng và lakkhanūpanijjhāna liên quan đến Thiền Minh Sát Niệm Xứ.
Thiền Vắng Lặng (Samatha)
Trong Thiền Vắng Lặng, hành giả chú tâm vào một đối tượng duy nhất nhằm giúp cho tâm an trụ trên đề mục. Đề mục của Thiền Vắng Lặng thuộc tục đế (lokiya) hay ý niệm (paññatti) là những gì không thật sự có thật như những thực tại tối hậu hay chân đế (paramattha). Có bốn mươi đề mục Thiền Vắng Lặng. Khi niệm rải tâm từ (mettā) hay tâm bi (karunā), đề mục hành thiền là ý niệm chúng sinh. Hành giả cũng có thể lấy dĩa đất kasina làm đề mục. Nhờ chuyên tâm tập trung vào đề mục duy nhất và cố định như vậy, hành giả phát triển cận định (upacāra samādhi) rồi tiến tới toàn định (appaṇā samādhi) tức chứng đắc các tầng thiền định vắng lặng tục thế (samathajhāna). Tâm hành giả không còn vọng động mà trở nên tịch tĩnh, vắng lặng.
Thực tập Thiền Vắng Lặng, hành giả sớm đạt được định tâm nên có phỉ lạc, bình an, hạnh phúc (pītisukha). Tuy nhiên, hành giả sẽ không kinh nghiệm được đặc tính của danh sắc giống như người chỉ ở trong nhà tuy bình yên hạnh phúc nhưng vì không tiếp xúc nên ít có hiểu biết về thực tại bên ngoài. Do đó, các tầng thiền Vắng Lặng dù chế ngự phiền não được trong một thời gian nhưng không có khả năng phát triển trí tuệ đoạn trừ phiền não ngủ ngầm nên không đưa đến giải thoát.
Để tiến tới giải thoát, hành giả Thiền Vắng Lặng phải đi thêm một bước nữa là phát triển tuệ giác về đặc tính của các thiền chi trong các tầng thiền Vắng Lặng. Để được như vậy, hành giả lấy các thiền chi hay trạng thái tâm thiền là những thực tại tối hậu hay chân đế làm đề mục để hành thiền Minh Sát Niệm Xứ. Hành giả sẽ kinh nghiệm ba đặc tính chung vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anatta) của các thiền chi và nhờ vậy sẽ tiến đến phát triển trí tuệ giải thoát. Hành giả thực hành Thiền Vắng Lặng trước rồi mới chuyển qua Thiền Minh Sát Niệm Xứ để chứng đạt Niết Bàn được gọi là samathayānika.
Các hành giả ở đây là người thực hành Thiền Minh Sát Niệm Xứ trực tiếp không qua Thiền Vắng Lặng được gọi là suddhavipassanāyānika. Các hành giả không cần phải học Thiền Vắng Lặng nên Sư sẽ không giảng chi tiết về Thiền Vắng Lặng cũng như các tầng thiền của loại thiền này.
Thiền Minh Sát và Đạo, Quả
Loại thiền thứ hai bao gồm Thiền Minh Sát Niệm Xứ và Đạo, Quả. Thiền Minh Sát Niệm Xứ (vipassanā) quán sát đặc tính riêng (sabhāvalakkhanā) và đặc tính chung (sāmaññalakkhanā) của các hiện tượng danh sắc hay tâm-vật-lý. Thiền Minh Sát Niệm Xứ phát triển các Tuệ Minh Sát (vipassanāñāna). Đạo (magga) và Quả (phala) là Thánh Đạo Tuệ (Ariya maggañāna) và Thánh Quả Tuệ (Ariyaphalañāna) theo sau các tuệ giác minh sát khi hành giả chứng ngộ Niết Bàn (Nibbāna). Hành giả từ phàm nhân trở thành bậc thánh nhân quán sát chân tính (tathalakkhaṇā) và tịch tịnh tính (santilakkhaṇā) của Niết Bàn.
Thực hành Thiền Minh Sát Niệm Xứ, hành giả quán sát các hiện tượng danh sắc thuộc về chân đế (paramattha) là những thực tại tối hậu có thật. Trong thực tế, các hiện tượng danh sắc luôn luôn thay đổi trong từng khoảnh khắc. Hết hiện tượng danh sắc này đến hiện tượng danh sắc khác liên tục sanh khởi và hoại diệt không ngừng. Do đó, cần phải quán sát mọi hiện tượng danh sắc ngay lúc chúng vừa mới sanh khởi qua sáu cửa giác quan để thấy và hiểu rõ những đặc tính riêng và đặc tính chung của chúng. Hành thiền Minh Sát Niệm Xứ giúp mở mang trí tuệ giống như người thường hay đi đó đây, dù có mệt, nhưng đạt được sự hiểu biết rộng rãi trên nhiều lãnh vực. Không ghi nhận, quán sát được mọi hiện tượng danh sắc đang sinh diệt là hành giả không thực sự hành thiền Minh Sát Niệm Xứ một cách đúng đắn.
Nhờ thiền tập, hành giả có được loại hạnh phúc khước từ (nekkhammasukha). Nekkhamma có nghĩa là từ khước. Đây là trạng thái tâm thiện (kusala cetasika) có gốc vô tham (alobha). Nekkhamma cũng có nghĩa là thiện nghiệp (kusala kamma). Mọi thiện nghiệp đều giúp loại trừ trạng thái tâm thấp kém. Nói về thiện nghiệp, chữ “kusala” gồm “ku” và “sala”. “Ku” có nghĩa là đáng ghê tởm và “sala” là làm suy yếu (kampa) hay tiêu diệt (viddhaṁsana). Kusala là loại thiện nghiệp làm suy yếu hay triệt tiêu những trạng thái tâm thấp hèn, đáng ghê tởm.
Khi các trạng thái tâm bất thiện như tham lam, bất mãn, sân hận, oán thù, si mê, ngã mạn… sinh khởi, tâm bị ô nhiễm nên không trong sạch. Trong vòng luân hồi, chấp thủ (upādāna) vì tham ái (tanhā) và tà kiến (diṭṭhi) luôn tiềm tàng trong tâm mỗi chúng sinh; cho nên, chúng sanh luôn vướng mắc vào những đối tượng ái dục và hiểu biết sai lầm về danh sắc. Suốt cả cuộc đời, con người luôn tìm kiếm, hưởng thụ ngũ dục vì lầm tưởng chúng là hạnh phúc thật sự và thêm vào đó còn mong cầu được tái sinh ở cõi hữu phúc. Ngoài ra, con người còn có tà kiến về tiểu hồn (jīva atta) và đại hồn (parama atta), tin rằng đại hồn là đấng tối cao kiểm soát tất cả chúng sinh. Sự chấp thủ này đã bám rễ lâu đời, không dễ dàng dứt bỏ cũng giống như trụ đá được chôn chặt trong lòng đất. Để bứng trụ đá lên, cần phải làm chân trụ lung lay trước. Cùng thế ấy, để bứng gốc tham ái và tà kiến của chấp thủ, cần phải làm cho chúng suy yếu bằng cách vun bồi thiện nghiệp. Một khi đã suy yếu, chúng có thể được nhổ tận gốc rễ một cách dễ dàng.
Các tầng Thiền Vắng Lặng tục thế (lokiyasamathajhāna) có khả năng tạm thời chế ngự tham ái và tà kiến trong khi các Minh Sát Tuệ (vipassanāñāna) từ Thiền Minh Sát Niệm Xứ có thể làm suy yếu chúng và Đạo Tuệ (ariyamagga ñāna) theo sau các Tuệ Minh Sát hoàn toàn bứng tận gốc rễ những trạng thái tâm bất thiện này.
Dầu hành Thiền Vắng Lặng (samatha) hay Thiền Minh Sát Niệm Xứ (vipassanā), điều cần thiết là phát triển trạng thái tâm định. Có ba loại định là cận định (upacara samādhi), toàn định (appanā samādhi) và chập định hay sát na định (khaṇika samādhi). Thiền Vắng Lặng phát triển cận định và toàn định. Thiền Minh Sát phát triển chập định hay sát na định, một loại định có sức mạnh tương đương với toàn định trong Thiền Vắng Lặng.
TU TẬP THEO KINH ĐIỂN
Khi làm bất cứ việc gì, cần có nguyên tắc rõ ràng và đúng đắn. Hành thiền sai phương pháp sẽ dấn thân vào tà pháp và suốt đời không sửa được. Do vậy, hành giả cần nương theo chánh pháp, tu tập Thiền Minh Sát Niệm Xứ đúng như kinh điển chỉ dẫn.
Kinh điển (sutta) ghi lại lời dạy của Đức Phật cùng với chú giải và phụ chú giải (suttānuloma) là những tài liệu đáng tin cậy. Trong kinh, Đức Phật dạy ta bốn điều tham chiếu lớn (mahāpadesa) để xem lời giảng có phù hợp với kinh điển hay không. Theo chú giải, nên đem cái mà người khác cho là “Phật ngôn” đối chiếu với kinh điển, chú giải và phụ chú giải để thẩm định sự xác tín của nó. Cũng cần xem bài giảng từ các vị thầy (ācariyavāda) có phù hợp với kinh điển, chú giải và phụ chú giải không. Nếu những lý giải này chỉ dựa trên suy tưởng cá nhân (attanomati), cần phải cẩn thận vì những suy đoán này có thể sai lầm.
Có người hành nhiều pháp môn khác nhau với các vị thầy khác nhau và sau đó đem những hiểu biết tạp lục qua các pháp hành này pha trộn với kiến thức cá nhân thành cách thức hành thiền riêng. Họ cho những chỉ dẫn của họ là đúng mặc dầu thật sự hoàn toàn sai lạc. Có người còn ghi lại những chỉ dẫn từ các vị thầy mỗi thứ một ít và sau dạy lại người khác dựa theo những gì họ ghi chép. Đây là loại “thiền sư sổ tay”. Một số những người này dạy rằng chỉ cần niệm tâm trong khi hành thiền mặc dầu trong kinh điển không có bài kinh nào dạy nên niệm tâm không mà thôi. Họ còn lên tiếng chê bai những phương pháp khác mặc dù các phương pháp này hoàn toàn phù hợp với pháp hành thiền Minh Sát Niệm Xứ được ghi lại trong kinh điển. Một số không hiểu biết kinh điển còn cho rằng quán sát dở, bước, đạp trong khi thiền hành chỉ phí thì giờ và chánh niệm trong lúc ăn là chuyện buồn cười. Phê phán như vậy là nhục mạ Đức Phật và chánh pháp mà Ngài tuyên giảng.
Đức Phật dạy khi hành thiền Minh Sát Niệm Xứ, hành giả chánh niệm ghi nhận bất cứ đề mục nào nổi bật nhất ngay trong khoảnh khắc hiện tại (yathā pākataṁ vipassanā bhiniveso). Khi hành Thiền Minh Sát Niệm Xứ, nếu chỉ chánh niệm ghi nhận tâm mà không quán thân, thọ, và pháp khi những đối tượng thuộc các lãnh vực này trở nên nổi bật thì hành giả sẽ không quán sát đúng những gì cần phải quán sát. Kết quả là hành giả không thể thấy được chân lý khổ, không có hiểu biết đúng đắn về đề mục nên không loại trừ được vô minh, tham ái và chấp thủ. Một khi ba trạng thái tâm bất thiện này của vòng ô nhiễm (kilesavaṭṭa) không được loại trừ, vòng nghiệp (kammavaṭṭa) gồm thiện nghiệp và bất thiện nghiệp sẽ xảy ra và tiếp tục vận hành làm phát sinh vòng quả (vipākavaṭṭa) hay tái sinh. Và như thế, đau khổ sẽ còn kéo dài triền miên, kiếp này sang kiếp khác, không bao giờ chấm dứt.
Hành giả cần thực hành đúng theo những hướng dẫn từ kinh điển, chú giải và phụ chú giải. Không nên hành thiền theo suy nghĩ riêng tư của mình hay theo chỉ dẫn của bất cứ một người nào khác mà không phù hợp với kinh điển. Hiện nay có nhiều pháp hành giống như một món tạp lục pha trộn đủ thứ pháp môn. Nồi thập cẩm nấu từ nhiều loại thực phẩm có thể bổ dưỡng, nhưng nếu hành giả tu theo nhiều pháp môn mỗi thứ một ít thì rất tai hại. Sư cảm thấy có bổn phận giúp những hành giả tu theo cách tạp lục này quay trở về với chánh pháp hầu hành thiền cho đúng với những chỉ dẫn của kinh điển, chú giải và phụ chú giải. Để gặt hái những lợi lạc trong thiền tập, hành giả ngoài đức tin nơi pháp hành Minh Sát Niệm Xứ, còn phải tự tin vào khả năng của mình, có ý muốn tu tập để giải thoát, và cần có người bạn đạo lý tưởng hướng dẫn mình thiền tập.