Phần 10
Giải Thoát
Giải Thoát Trong Khoảnh Khắc
Giải Thoát Tạm Thời
Giải Thoát Cao Thượng
Trình Pháp
GIẢI THOÁT
Tấn (vīriya), Niệm (sati), Định (samādhi) hay ba chi Chánh Tinh Tấn (sammā vāyāma), Chánh Niệm (sammā sati) và Chánh Định (sammā samādhi) của Bát Chánh Đạo hợp lại thành Nhóm Định (samādhikkhanda). Khi nhóm định vắng mặt, trạng thái tâm đối nghịch (paccanīka) sẽ chiếm cứ tâm làm phiền não phát sinh. Khi Nhóm Định có mặt, hành giả có khả năng ghi nhận kịp thời đề mục nên ngăn ngừa phiền não sinh khởi trong tâm. Và khi không có phiền não, tâm ở trạng thái giải thoát.
Theo Kinh điển, có tất cả năm loại giải thoát là giải thoát trong khoảnh khắc (tadaṅgavimutta), giải thoát tạm thời (vikkhambhanavimutta), giải thoát do đoạn trừ phiền não (samucchedavimutta), giải thoát an tịnh (paṭipassaddhi vimutta), và giải thoát hoàn toàn (nissaraṇavimutta). Hai loại giải thoát đầu thuộc Thiền Minh Sát Niệm Xứ và ba loại giải thoát sau cùng thuộc về sự giải thoát cao thượng của bậc thánh nhân.
Chánh Niệm và Giải Thoát Trong Khoảnh Khắc
Không chánh niệm, hành giả bị phiền não chi phối như khởi tâm tham khi gặp đối tượng ưa thích hay sanh tâm bực bội, sân giận khi đối diện với đối tượng không hài lòng. Nhờ liên tục chánh niệm ghi nhận đề mục trong từng khoảnh khắc, tâm được bảo vệ. Khoảnh khắc nào ghi nhận đề mục rõ ràng, khoảnh khắc đó tâm được trong sạch nên không tham, sân, phân tán, phóng dật hay hoài nghi về đề mục. Ngay lúc đó trạng thái tâm an tịnh, vắng bóng phiền não có mặt và tâm được giải thoát ngay trong khoảnh khắc đó (tadaṅgavimutta citta).
Trong chữ “tadaṅga”, “ta” là tâm có chánh niệm dẫn đầu và “anga” là “yếu tố”. Vậy “tadaṅga” là trạng thái tâm có yếu tố chánh niệm dẫn đầu. Vào sát na nào hành giả chánh niệm ghi nhận đề mục kịp thời, trong sát na đó tâm tạm thời giải thoát khỏi phiền não (tadaṅgavimutta). Nói cách khác, nhờ tinh tấn ghi nhận mọi đề mục đang sinh khởi một cách liên tục và nghiêm túc nên chánh niệm được duy trì khiến phiền não không sinh khởi. Có được tâm giải thoát khoảnh khắc, hành giả kinh nghiệm loại hạnh phúc an tịnh ngay trong khoảnh khắc đó.
Mỗi tâm giải thoát trong khoảnh khắc dường như không đáng kể, nhưng nếu sinh khởi nhiều lần, nó sẽ tạo nên sức mạnh của tâm thật mạnh mẽ. Do đó, hành giả nên gia công tu tập để tích lũy loại tâm giải thoát trong khoảnh khắc này càng nhiều càng tốt.
Định và Giải Thoát Tạm Thời
Với Thiền Vắng Lặng (samatha), hành giả chú tâm vào một đề mục tục đế duy nhất để phát triển tâm định. Vì tâm định có khả năng áp chế và làm lắng dịu phiền não, cho nên bao lâu mà tâm định còn được duy trì, bấy lâu phiền não không thể phát sinh. Sự vắng bóng phiền não trong một thời gian dài là giải thoát tạm thời. Hành giả của pháp hành Thiền Vắng Lặng (samatha) có kinh nghiệm này có thể lầm tưởng rằng mình đã trở thành bậc A La Hán cao thượng. Ngược lại, hành giả Thiền Minh Sát Niệm Xứ (vipassanā) ghi nhận nhiều đề mục chân đế khác nhau thuộc thân, thọ, tâm và pháp. Khi hành giả nỗ lực liên tục ghi nhận khắn khít và chính xác các hiện tượng danh sắc sanh khởi nổi bật qua sáu cửa giác quan, chánh niệm sẽ được thiết lập vững vàng và sự định tâm trong từng khoảnh khắc hay sát na định trở nên mạnh mẽ. Kết quả là tâm trở nên tập trung và an trụ trên đề mục. Tinh tấn và định càng mạnh một cách quân bình, tâm càng trở nên gom tụ, nhu nhuyễn và vi tế. Tâm định mạnh mẽ có khả năng áp chế phiền não nên phiền não không thể phát sinh. Vào lúc này, tham, sân, si không thể sinh khởi trên đề mục đang được hành giả ghi nhận.
Một khi tâm giải thoát trong khoảnh khắc được tích lũy, hành giả sẽ có tâm giải thoát kéo dài một thời gian hay giải thoát tạm thời (vikkhambhanavimutta). Cho dù lúc đó hành giả có sơ sót hay quên ghi nhận đề mục một vài lần hay ngay cả khi hành giả không hành thiền, phiền não thuộc loại thô tháo như ái dục khi gặp đối tượng ưa thích hoặc sân hận khi gặp đối tượng không hài lòng cũng không hề sinh khởi. Ngay cả lúc hành giả cố ý hướng tâm về phiền não, tâm cũng không bị phiền não chi phối nhưng cứ tiếp tục ghi nhận đề mục đang diễn ra. Đến lúc này, hành giả ngỡ rằng phiền não không còn sinh khởi nơi tâm của mình nữa.
Không có giải thoát trong khoảnh khắc, không thể có giải thoát tạm thời. Tóm lại, nhờ chánh niệm ghi nhận đề mục kịp thời nên phiền não không sanh khởi hay bị loại trừ trong từng sát na và hành giả kinh nghiệm loại giải thoát phiền não trong khoảnh khắc (tadaṅgapahāna, tadaṅgavinaya, tadaṅgavimutta). Khi việc tu tập tiến triển, khi định tâm trở nên mạnh mẽ, phiền não bị chế ngự nên không sinh khởi trong một thời gian dài và hành giả sẽ kinh nghiệm loại giải thoát phiền não tạm thời (vikkhambhana pahāna, vikkhambhana vinaya, vikkhambhanavimutta).
Tuệ Giác và Giải Thoát Cao Thượng
Vắng bóng phiền não, tâm trở nên an tịnh, dễ dàng cho trí tuệ sinh khởi. Do đó, xa rời phiền não (kilesadūrībhāva) là nguyên nhân phát sinh tuệ giác như tuệ phân biện được danh sắc, tuệ tương quan nhân quả, và tuệ thấu hiểu các đặc tính chung vô thường, khổ và vô ngã nơi các hiện tượng danh sắc sanh khởi qua sáu cửa giác quan.
Trong kệ ngôn “yogā ve jāyatī būri ayogā būrisaṅkhayo” thuộc Kinh Pháp Cú, “yoga” là tinh tấn ghi nhận đề mục đang sinh khởi và “būri” là trái đất rộng mênh mông. Và kệ ngôn này có ý nghĩa là “nhờ tinh tấn niệm vào đề mục đang sinh khởi, hành giả sẽ có được trí tuệ mênh mông không thể nghĩ bàn (yogā ve jāyatī būri)”.
Muốn có loại trí tuệ rộng lớn này, hành giả nên ghi nhận một cách cẩn thận, tỉ mỉ, xuyên thấu vào bất kỳ đề mục danh sắc nào đang sinh khởi nổi bật để tâm bám sát vào đề mục. Nếu không vận dụng tinh tấn, hành giả sẽ lười biếng nên không ghi nhận hay ghi nhận lơ là khiến tâm không tập trung trên đề mục. Một khi tình trạng lười biếng kéo dài, hành giả không còn quan sát đề mục mà chỉ phí thời giờ suy tưởng mông lung. Hay khi không đủ tinh tấn ghi nhận đề mục, hành giả giỏi lắm chỉ thấy hình tướng hay tư thế của bụng khi ngồi thiền và của bàn chân khi kinh hành, đừng nói chi đến đặc tính. Kết quả là trí tuệ không sinh khởi (ayogā būrisaཅkkhayo).
Để có được sự giải thoát trong khoảnh khắc và giải thoát tạm thời, hành giả nên tinh cần hành thiền Minh Sát Niệm Xứ bằng cách ghi nhận liên tục các hiện tượng danh sắc sanh khởi nổi bật qua thân, thọ, tâm hay pháp trong từng khoảnh khắc. Mỗi khoảnh khắc giải thoát khỏi phiền não có vẻ nhỏ nhoi nhưng nếu trạng thái tâm này được lập đi lập lại, nó sẽ tạo nên một sức mạnh không ngờ. Khi Nhóm Định của Bát Chánh Đạo liên tục có mặt, tâm có sức mạnh kỳ diệu có thể ghi nhận bất kỳ đề mục nào đang sinh khởi ngay trong khoảnh khắc hiện tại. Nhờ đó, hành giả tự mình kinh nghiệm các đặc tính riêng, đặc tính điều kiện và đặc tính chung như vô thường, khổ và vô ngã của các đối tượng danh sắc sanh khởi nổi bật qua sáu cửa giác quan. Ở giai đoạn này, tâm không còn thô tháo mà trở nên thuần thục, nhu nhuyễn, tập trung và an tịnh. Và hành giả nên tiếp tục hành trì để phát triển các tuệ giác cao hơn và kinh nghiệm các loại giải thoát cao thượng của bậc thánh nhân như giải thoát do đoạn trừ phiền não (samucchedapahāna), giải thoát an tịnh (paṭipassaddhipahāna) và giải thoát hoàn toàn khỏi mọi ô nhiễm (nissaraṇapahāna).
Giải thoát do đoạn trừ phiền não có được khi phàm nhân trở thành Thánh nhân. Vào lúc đó, phiền não bị chặt đứt nên không bao giờ phát sinh nữa. Chẳng hạn vị Thánh Nhập Lưu hoàn toàn đoạn trừ ba thằng thúc tức ba sợi dây trói buộc như tà kiến về linh hồn hay linh kiến, hoài nghi, và tập hành thủ nên được giải thoát vĩnh viễn khỏi ba thằng thúc này. Giải thoát an tịnh có được khi vị thánh nhân lấy Niết Bàn làm đối tượng an hưởng quả vị giải thoát của mình. Giải thoát hoàn toàn khỏi mọi ô nhiễm chỉ có được ở quả vị A La Hán.
TRÌNH PHÁP
Trình pháp không phải là phô bày kiến thức, suy nghĩ, hay phân tích về Giáo Pháp nhưng là tường trình sự hành thiền một cách thành thật và rõ ràng để được hướng dẫn thực tập cho đúng đắn và hiệu quả trong suốt thời gian tham dự khóa thiền. Khi trình pháp, hành giả cho Thiền Sư biết ba điều về sự hành thiền của mình bao gồm đề mục thiền, cách thức ghi nhận đề mục, và kinh nghiệm về đề mục.
Trước hết hành giả tường trình về đề mục chính là chuyển động phồng xẹp của bụng rồi sau đó mới đến đề mục phụ trong khi ngồi thiền; kế tiếp là kinh hành dở, bước, đạp; và cuối cùng là những hoạt động khác trong ngày. Đối với mỗi đề mục, hành giả cần phải cho thiền sư biết đã theo dõi đề mục ra sao, có ghi nhận kịp thời và khắn khít hay không? Hành giả có hướng tâm về đề mục và nỗ lực đưa tâm đến đề mục được không? Và nếu có, hành giả đã kinh nghiệm đề mục như thế nào? Nếu hành giả không theo thứ tự như vậy hoặc hành giả không nói đến chuyển động phồng xẹp của bụng mà nói những chuyện gì khác, thiền sư sẽ không chấp nhận.
Chẳng hạn, “khi có sự phồng, tôi ghi nhận ngay từ lúc bắt đầu cho đến cuối cùng của sự phồng và niệm thầm “phồng, phồng” một cách song hành với sự diễn biến của chuyển động phồng. Tôi kinh nghiệm sự phồng như thế này, thế này …” “Khi có sự xẹp, tôi ghi nhận ngay từ lúc bắt đầu cho đến cuối cùng của sự xẹp và niệm thầm “xẹp, xẹp” một cách song hành với sự diễn biến của chuyển động xẹp. Tôi kinh nghiệm sự xẹp như thế này, thế này …” Hay “trong lúc kinh hành, khi dở chân, tôi ghi nhận và niệm thầm “dở, dở” và kinh nghiệm sự dở như thế này, thế này …” Khi hành giả có khả năng ghi nhận đề mục một cách chặt chẽ không đứt đoạn, chính xác và đồng thời với sự diễn biến của đề mục, chánh niệm sẽ liên tục có nghĩa là chánh niệm sau theo chánh niệm trước mà không có khoảng hở nào cả.
Nếu ghi nhận đề mục một cách khắn khít như vậy, hành giả sẽ diễn tả chính xác được những gì hành giả kinh nghiệm về đề mục. Hành giả có thể cho thiền sư biết đã thấy hình dáng phồng, xẹp hay tư thế đang phồng, đang xẹp, đứng yên hay bản chất căng, cứng, nóng, lạnh, chuyển động… của bụng. Nếu hành giả không thấy được phồng xẹp thì lúc đó tâm đang ở đâu, đang phóng chạy theo suy nghĩ hay đang ở với cơn đau và hành giả đã ghi nhận như thế nào. Hành giả có theo dõi cơn đau hay sự suy nghĩ liền không và nếu ghi nhận được tức khắc thì chuyện gì xảy ra.
Hành giả nên mô tả kỹ càng đề mục chứ đừng nói huyên thuyên những chuyện gì khác. Thiền sư muốn biết hành giả có kịp thời ghi nhận đề mục không, có tinh tấn hướng tâm đến đề mục không; có theo dõi đề mục được liên tục, chặt chẽ và hiệu quả hay không; có kinh nghiệm hình tướng, cách thức chuyển động của đề mục, hay bản chất của đề mục như căng, cứng, chuyển động, nóng, lạnh…không. Nếu hành giả trình pháp được một cách rõ ràng như thế, dù thời gian trình pháp ngắn ngủi nhưng cũng đủ cho thiền sư hiểu được cách thực hành của hành giả và những gì hành giả đã kinh nghiệm.
Ghi nhận đề mục cẩn thận và có phương pháp, hành giả sẽ thấy được sự thật và sẽ có khả năng trình pháp rành mạch, rõ ràng. Nếu không, sẽ không hiểu được sự thật nên hoài nghi, phân vân. Nếu chỉ ngồi suy nghĩ hay tưởng tượng về đề mục, sẽ không thể trình pháp ngắn gọn, đầy đủ và rành mạch. Lắng nghe hành giả trình pháp, thiền sư biết ngay là hành giả đã thật sự kinh nghiệm được đề mục hay chỉ suy tư về đề mục. Khi trình pháp, hành giả hãy trình bày một cách rõ ràng, chân thật cho thiền sư biết để được hướng dẫn thích nghi.
Sư lấy một ví dụ về làm toán. Sau khi được dạy cách giải toán, thầy ra bài cho học sinh về nhà làm. Khi giải toán, học sinh phải viết đầy đủ trình tự làm bài sử dụng các pháp tính cộng, trừ, nhân, chia trước khi viết đáp số. Sau đó kiểm tra lại phương pháp làm, coi lại đáp số cẩn thận. Có như thế bài làm mới rõ ràng, chính xác và đúng đắn. Có học sinh giải đúng phương pháp nhưng đáp số chỉ gần đúng thôi nhưng vị thầy chấm bài cũng khá hài lòng vì dù sao người này cũng theo sát phương pháp. Tuy nhiên, có những học sinh tính toán theo lề lối của họ. Tuy đáp số có thể đúng nhưng không phải là kết quả thật sự từ sự giải đúng cách thức. Do đó, vị thầy không chấp nhận vì không chắc là học sinh này có hiểu cách làm và kết quả đạt được có thật sự do chính khả năng của học sinh đó hay không. Khi học sinh làm xong bài và được hưởng trọn điểm thì cả thầy và trò đều vui. Cùng thế ấy, khi tu tập cẩn thận đúng như đã được chỉ dẫn, hành giả sẽ có khả năng trình pháp rõ ràng nên cả thiền sư lẫn hành giả đều hoan hỷ.
Trong trường học, học sinh phải nộp bài tập đem về nhà làm; còn đối với hành thiền, hành giả trình pháp để thiền sư theo dõi. Khi trình pháp, hành giả hãy nói cụ thể. Chẳng hạn, khi phóng tâm hành giả ghi nhận và niệm “phóng tâm, phóng tâm”… và hành giả thấy sự phóng tâm ấy ra sao, sự phóng tâm ấy biến mất ngay lập tức hay biến mất sau nhiều lần niệm hay vẫn tiếp tục sinh khởi. Khi niệm” đau, đau”… hành giả thấy cơn đau ra sao, cơn đau biến mất ngay lập tức hay trở nên đau hơn nữa hay thấy cơn đau hết tăng rồi giảm hay cơn đau yếu dần và biến mất v..v…Hành giả hãy trình bày một cách cụ thể, chính xác, và rõ ràng.
Điều quan trọng là hành giả phải thực hành một cách tỉ mỉ, cẩn trọng để hiểu được đề mục một cách rõ ràng. Hành giả phải chân thật trong khi trình pháp có nghĩa là thành thật trình bày kinh nghiệm thực tập của mình. Nếu chỉ trình những gì suy nghĩ mà không phải là kinh nghiệm thật sự, hành giả sẽ hoang mang trong lòng vì sẽ tự hỏi không biết như vậy đúng hay sai? Ngoài ra, nếu không theo đúng phương pháp, không hành thiền một cách nghiêm chỉnh, hành giả sẽ không thật sự kinh nghiệm nên sẽ rất hoài nghi, phân vân.
Thiền sư sẽ biết được hành giả trình pháp từ suy nghĩ hay bằng kinh nghiệm thật sự vì khi tâm ghi nhận bắt được đề mục thì hành giả sẽ không hoài nghi hay phân vân. Nếu thực hành cẩn thận, ghi nhận đề mục đồng thời và chính xác đúng theo sự chỉ dẫn, hành giả sẽ trình pháp rõ ràng và tốt đẹp. Vì hiểu rõ đề mục nên hành giả không mơ hồ khi trình pháp nhưng có thể giải thích rành mạch kinh nghiệm thực tập của mình. Thiền sư thích loại hành giả như vậy và cũng mong cho tất cả thiền sinh đều có được khả năng trình pháp như thế. Đó là lý do tại sao Sư giải thích cặn kẽ ý nghĩa của chữ satipaṭṭhana về cả hai phương diện lý thuyết lẫn thực hành nhằm giúp hành giả tu tập kết quả và trình pháp tốt đẹp.
Tóm lại, để giúp cho Thiền Sư hướng dẫn hành giả một cách hữu hiệu, khi trình pháp hành giả cần phải cho thiền sư biết ba điều: thứ nhất đề mục gì xuất hiện, thứ hai hành giả ghi nhận như thế nào, thứ ba hành giả biết được gì nơi đề mục. Trình pháp được như vậy, hành giả thuộc loại hành giả có phẩm chất cao.
Do đó, muốn được xếp vào loại có phẩm chất cao, hành giả phải tu tập một cách cẩn thận, tỉ mỉ, chính xác theo những gì được chỉ dẫn giống như trong ví dụ về làm toán. Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa học sinh và thiền sinh. Học sinh sau khi nộp bài cho thầy là làm xong bổn phận nhưng hành giả thì khác. Đối với hành giả, không có chuyện làm xong bổn phận tu tập vì đã hành thiền suốt ngày. Hành giả không ngừng tu tập, phải luôn nỗ lực ghi nhận tức thì các hiện tượng danh sắc sanh khởi nổi bật qua sáu cửa giác quan ngay trong giây phút hiện tại chỉ ngoại trừ lúc ngủ mà thôi. Hành giả phải tiếp tục theo dõi mọi đề mục như phồng, xẹp, dở, bước, đạp, nhắm mắt, mở mắt, nháy mắt…Bất kỳ chuyện gì xảy ra, hành giả đều phải chánh niệm ghi nhận.
Ghi nhận đề mục cẩn thận và có phương pháp, hành giả sẽ thấy được sự thật và sẽ có khả năng trình pháp rành mạch, rõ ràng. Nhờ đó, thiền sư có thể hướng dẫn hành giả thiền tập một cách hiệu quả hơn. Người giữ vườn luôn chăm sóc, bảo vệ, tưới nước, bón phân và bắt sâu để cây vươn lên mạnh mẽ và ra hoa, trổ trái. Tương tự như thế, thiền sư theo dõi tiến trình tu tập có thể khuyến khích hành giả tiếp tục tu tập như vậy hay chỉ dẫn phải làm gì thêm để có tiến bộ.
Giống như khi học sinh sau khi làm đúng bài tập và nộp cho thầy cảm thấy rất vui vẻ vì có được điểm cao, hành giả thực hành siêng năng đúng cách, phát triển được tuệ giác và trình pháp chính xác rõ ràng cảm thấy hoan hỉ, thỏa thích với sự thực tập của mình. Lúc đó, hành giả cảm thấy hạnh phúc có được từ thiền tập vượt trội hẳn loại hạnh phúc thế tục đến từ giác quan như thấy cảnh đẹp, nghe âm thanh hay, ngửi mùi thơm, nếm vị ngon, xúc chạm êm ái, khoái cảm…
Cho học trò làm toán, thầy giáo chỉ hướng dẫn cách giải chứ không cho biết trước đáp số. Nếu giải đúng cách, học trò sẽ có đáp số đúng. Cùng thế ấy, thiền sư chỉ hướng dẫn cách thức hành thiền và hành giả sẽ tự mình tìm được câu giải đáp nếu thực hành đúng như được chỉ dẫn. Nếu thiền sư giải thích tuần tự các Tuệ Minh Sát thì hành giả đôi khi lầm tưởng rằng mình đã đạt đến tuệ giác này, tuệ giác nọ nên không có ý muốn tiếp tục tu tập để thành đạt mục tiêu cuối cùng. Ngoài Đức Phật, không một ai có thể khẳng định tuệ giác của hành giả kể cả ngài Trưởng Lão Xá Lợi Phất.
Hành giả có phẩm chất cao, tiếp tục thiền tập với tất cả nỗ lực để ghi nhận đề mục kịp thời, khắn khít, chính xác sẽ tuần tự phát triển Tuệ Giác Minh Sát theo từng giai đoạn từ thấp đến cao. Để rồi khi Tuệ Minh Sát chín muồi, hành giả kinh nghiệm Đạo, Quả và chứng ngộ Niết Bàn, an hưởng hạnh phúc giải thoát cao thượng.