Câu hỏi của thiền sinh: Hai người nam nữ có thể tinh tấn trên con đường đạo mà vẫn duy trì được đời sống vợ chồng viên mãn hay không?
Nếu như mà chúng ta có khả năng thực hành việc quan trọng nhất là chánh niệm và xả ly thì lúc đó không có cái điều gì khác là quan trọng nữa. Ở thời điểm hiện tại, ở cuộc sống hiện tại, chúng ta có thể đang làm việc, có thể là một doanh nhân, có thể là đã kết hôn, có thể là một sinh viên, có thể là người già, người trẻ, người khỏe hay người bệnh, bất kể là thứ gì, điều quan trọng hơn hết là chánh niệm và xả ly. Miễn là chúng ta vẫn có điều kiện thực hành chánh niệm và xả ly thì là được.
Chỉ khi nào chúng ta nhận thấy không thể nào luyện tập chánh niệm và xả ly, khi mà chúng ta sống ở trong gia đình của mình, khi chúng ta đóng vai trò là một người vợ hay là một người chồng. Và vì những vai trò đó trong gia đình mà chúng ta lại không có được sự lựa chọn là thực hành chánh niệm và xả ly thì lúc đó chúng ta cần phải thay đổi cuộc sống của mình, để chúng ta ưu tiên việc thực hành chánh niệm và xả ly.
Nếu như cần thiết thì hãy trở thành một tu sĩ hoặc là trở thành một sư cô, chúng ta cần phải thay đổi cuộc sống của mình, tại vì chánh niệm và xả ly là việc ta ưu tiên nhất. Đây là sự thật về việc thực hành chánh niệm và xả ly.
Câu chuyện của tôi là khi tôi thực hành chánh niệm và xả ly một cách liên tục, một cách miên mật, một cách tinh tấn và rất là nghiêm túc, thì khi tôi càng thực hành, khi tôi càng làm các công việc phước thiện, tôi càng chánh niệm và xả ly, thì tôi càng giảm các công việc kinh doanh của mình, tôi càng ngày ít kinh doanh hơn. Điều đó thì tốt cho tôi. Tức là tôi hiểu sự thật theo cách đó, cho nên tôi làm như vậy.
Nhưng mà lúc đó thì gia đình của tôi, dòng họ của tôi thì nghĩ là tôi đang sai lầm, tôi đang có những lựa chọn sai lầm. Bởi vì là càng ngày thì tôi càng giảm công việc kinh doanh của mình lại, thì gia đình và dòng họ của tôi nghĩ là tôi đã sai rồi, cho nên họ nghĩ là họ đang cố gắng giúp tôi, bằng cách là họ cảnh báo tôi, họ dẫn dắt tôi, để mà tôi ngừng cái việc luyện tập mà tôi đang thực hành và ngừng làm những công việc phước thiện lại.
Và vào cái thời điểm đó thì tôi phải chọn, nhưng mà lúc đó tôi đã chọn là tôi không lắng nghe họ và tôi vẫn tiếp tục thực hành chánh niệm và xả ly. Khi mà tôi càng thực hành nhiều thì họ càng muốn ngăn tôi nhiều hơn.
Đó là khi mà tôi phải ra quyết định, tôi phải chọn 1 trong 2. Hoặc là tôi phải chọn Phật, Pháp, Tăng; hoặc là tôi phải chọn bố mẹ của mình và dòng họ của mình. Và lúc đó là thời điểm mà tôi phải lựa chọn, nếu như mà tôi lựa chọn Phật, Pháp, Tăng thì rất nhiều khả năng là tôi phải đánh mất bố mẹ và gia đình của mình. Hoặc là nếu như tôi chọn bố mẹ và gia đình của mình, tôi phải đánh mất cái cơ hội đi theo Phật, Pháp, Tăng và làm phước thiện. Và rồi, nếu như mà tôi lắng nghe dòng họ của tôi, bố mẹ của tôi thì lúc đó có thể là tôi phải ngưng công việc thực hành của mình lại, và tôi phải tiếp tục làm công việc kinh doanh theo ý của họ.
Cho nên là, tôi đã chọn như cái cách mà tôi vẫn chọn bây giờ, đó là tôi chọn Phật, Pháp, Tăng. Tôi có thể là phải đánh mất gia đình của mình và tôi đã chọn đánh mất gia đình trong tâm trí. Tôi đã lựa chọn là lờ đi những điều họ nói và tôi cứ tiếp tục thực hành. Và khi mà tôi liên tục lờ đi những điều mà họ nói, thì tương tự đến một lúc nào đó, họ cũng chán, họ không muốn nói nữa và họ cũng lờ tôi đi, họ cũng không có quan tâm, không có muốn nói gì với tôi nữa. Bởi vì họ nghĩ là tôi sai rồi, mà tôi không có nghe, tôi cứng đầu cho nên là họ không quan tâm nữa và lúc đó thì tôi được ở một mình. Việc này thì hoàn toàn bình thường, bởi vì những người quan tâm đến tôi, biết tôi thì trên quan điểm của họ, họ nghĩ tôi sai thì tất nhiên là họ sẽ cố gắng giúp đỡ. Và đó là quan điểm của họ, góc nhìn của họ, nên họ nghĩ là họ đúng.
Nhưng với góc nhìn của tôi là một thiền sinh, thì tôi biết là tôi đúng. Cho nên tôi đã có cái can đảm là tôi bước một bước nữa để tiếp tục thực hành và nếu phải đánh mất gia đình mình thì tôi chấp nhận. Và đó là một trong những cái quyết định lớn nhất của tôi.
Và sau đó thì lại có thời điểm mà tôi phải tiếp tục ra những quyết định lớn nữa. Đó là khi mà tôi bị bệnh, khi mà sức khỏe của tôi đi xuống. Bởi vì tôi thực hành rất là miên mật và rất là tinh tấn, cho nên là tôi cảm thấy rất là yếu, tôi cảm thấy rất là mệt và lúc đó tôi đang bị bệnh nữa, cho nên là tôi mất sức. Và lúc đó thì lại một lần nữa tôi phải lựa chọn, là tôi tiếp tục thực hành việc chánh niệm và xả ly hoặc là tôi tiếp tục ngưng viêc thực hành lại để đi đến bệnh viện và chấp nhận những phương pháp điều trị tại bệnh viện.
Thậm chí ngay cả trong tình huống đó, tôi vẫn có cái can đảm là sẵn sàng ra đi, sẵn sàng đánh mất mạng sống của mình. Bởi vì, với việc thực hành làm phước thiện, chánh niệm và xả ly, thì tôi thà chọn việc đó. Tôi đã chọn không ngừng việc thực hành thay vì vào bệnh viện chữa trị. Thay vào đó, chính cái việc thực hành sẽ chữa trị cho chứng bệnh của tôi. Đó là cái hiểu của tôi tại thời điểm đó. Bởi vì tôi hiểu rằng nếu như tôi thật sự làm việc tốt thì tôi không thể nào nhận những quả xấu. Tôi hiểu như vậy. Và đồng thời tôi rất là tin vào sự thực hành này dựa trên chính những cái trực nghiệm của chính mình. Vì tôi trực nghiệm nên tôi rất tin vào sự thực hành, cho nên tôi đã ra quyết định là không đến bệnh viện và nhận những phương pháp điều trị của bệnh viện.
Có được những quyết định như vậy thì chúng ta vẫn sẽ phải sống trong các nỗi sợ. Có khi là chúng ta sợ rằng chính trị sẽ làm hại đến mình, có khi thì chúng ta sợ kẻ thù sẽ làm hại đến mình và chúng ta sẽ sống trong nỗi sợ chết như vậy. Và khi chúng ta thực hành chánh niệm và xả ly, thì từ từ chúng ta sẽ thoát khỏi những nỗi sợ đó. Tôi đã rất rõ ràng với tâm trí của mình như vậy, là tôi sẽ tiếp tục thực hành.
Nhưng mà vào thời điểm đó, cha của tôi vẫn đang ở gần tôi, ông rất là giận dữ bởi vì ông không thể hiểu được những quyết định của tôi. Ông không hiểu được, cho nên là ông không muốn mất những thành viên trong gia đình của mình, ông không muốn mất tôi, cho nên là xảy ra những hiềm khích với tôi. Ông rất là mạnh mẽ chống lại sự thực hành của tôi và muốn tôi là phải chữa trị.
Cứ mỗi lần tôi về nhà ăn trưa, lúc nào cũng có những cuộc cãi vã xảy ra, lúc nào ông cũng giận dữ. Tôi biết rằng ông giận dữ là bởi vì ông chưa có thực hành thiền, cho nên ông không kiểm soát được cái tâm của mình. Là một người thiền sinh, tôi hiểu là ông đang phải chịu đựng những nỗi khổ, bởi vì ông đang không có thực hành việc chánh niệm và xả ly vào cái thời điểm đó. Đối với tôi thì tôi tin tôi có thể chữa lành bệnh của mình bằng việc thực hành chánh niệm và xả ly. Nhưng mà bố của tôi, ông không hiểu những điều đó, cho nên ông rơi vào tình huống cái tâm không được thoải mái, tâm sân rất dễ nổi lên và ông rất dễ bị rơi vào rắc rối bởi vì ông không biết về sự thật.
Cho nên lúc này, tôi lại phải một lần nữa nghĩ về các quyết định của mình, nghĩ về gia đình của mình. Nếu như chuyện gì xảy ra với cha của tôi, thì điều đó không hề tốt cho ông ấy. Lúc đó tôi vẫn chưa là tu sĩ, tôi vẫn là người cư sĩ. Tôi không muốn việc gì xấu xảy ra cho cha của mình, nên tôi đã quyết định ngừng cái việc thực hành lại và tôi chấp nhận điều trị tại bệnh viện từ 6 – 10 tháng, rồi sau khi điều trị xong, tôi lại sẽ tiếp tục thực hành.
Nhờ vậy, nên cha của tôi đã không giận dữ, nên sức khỏe của ông không có bị tổn hại. Và sau đó một vài tháng, tôi lại tiếp tục thực hành. Bởi vì đối với một người thiền sinh, thì việc trễ một vài tháng không có quan trọng. Đối với người thiền sinh, thời gian cũng không có quan trọng, giờ hay ngày hay tháng hay năm, thì cũng không quan trọng đối với người thiền sinh.
Trước đó, tôi đã ra một quyết định đúng đắn đối với chứng bệnh của mình là tôi tiếp tục thực hành. Nhưng mà sau đó, khi mà tình huống thay đổi, ba của tôi thì ngày càng giận dữ, thì tôi phải suy nghĩ lại lần nữa, lúc đó tôi lại phải ra một quyết định mới, một quyết định đúng đắn cho cha của mình. Khi mà tôi chữa trị, tôi rất là yếu bởi vì thuốc rất là mạnh, cho nên tôi phải ăn nhiều, tôi phải ngủ nhiều, tôi phải nghỉ ngơi nhiều. Do tác dụng phụ của thuốc, cho nên trong suốt khoảng thời gian đó tôi không có thực hành.
Cũng tương tự như vậy, trong cuộc sống, chúng ta phải học cách ra quyết định đúng trong những tình huống khác nhau. Mà tình huống thì liên tục thay đổi, nên chúng ta phải ra quyết định dựa trên tình huống hiện tại. Cái gì, tình huống gì đang xảy ra thì mình dựa trên đó để mà ra quyết định đúng đắn nhất tại thời điểm đó. Chứ chúng ta không dính mắc vào phải như thế này, phải như thế kia, mà không dựa trên tình huống. Khi mà tình huống thay đổi thì chúng ta phải thay đổi quyết định dựa trên tình huống. Và cứ thế chúng ta sẽ học được cách ra quyết định đúng một lần nữa, một lần nữa và một lần nữa.
Và tôi kể cho bạn nghe về Thabarwa của tôi, tôi cũng phải liên tục ra quyết định đúng như vậy. Trong vòng 10 năm mà tôi xây dựng Tharbawa, thì đất nước của tôi có tình hình chính trị không được tốt vào năm 2005, cho nên là tôi đã phải ra rất nhiều quyết định đúng vào những tình huống, những tình huống xảy ra cho những người trong trung tâm, cũng như là cho trung tâm của tôi. Bạn thấy đó, nếu như tôi chỉ bám vào một phương pháp duy nhất, thì trung tâm Thabarwa không thể tồn tại cho đến thời điểm này.