Ưng Đối Trị (pācittiya) – Luật Xuất Gia Tóm Tắt – Tỳ Khưu Hộ Tông

BIỆT BIỆT GIẢI THOÁT THU THÚC GIỚI (PĀṬIMOKKHA SAṂVARASĪLA) – Tiếp theo

V. Ưng đối trị (pācittiya)

Pācittiya nghĩa là tội làm cho thiện pháp phải sa sẩy. Tàu dịch là “Ưng đối trị”, nghĩa là không phải như tội cất chứa y, bình bát trái phép, cho nên không phải xả, chỉ nên sám hối trước mặt 1, 2, 3 tỳ khưu hoặc giữa tăng thì được khỏi tội.

Có 92 điều học chia làm 9 phần: nói dối phần thứ nhất (musāvādavagga) có 10 điều học; thảo mộc phần thứ nhì (bhūtagāmavagga) có 10 điều học; dạy pháp phần thứ ba (ovādavagga) có 10 điều học; vật thực phần thứ tư (bhojanavagga) có 10 điều học; đạo lõa thể phần thứ năm (accelokavagga) có 10 điều học; uống rượu phần thứ sáu (surā pānavagga) có 10 điều học; giết côn trùng phần thứ bảy (sappānakavagga) có 10 điều học; nói theo pháp phần thứ tám (saha dhammikavagga) có 12 điều học; trong đền vua phần thứ chín (rājavagga) có 10 điều học. Tổng cộng có 92 điều học.

  1. Nói dối – phần thứ nhất (musāvādavagga). Có 10 điều học
  • Nói dối (musāvādā). Tỳ khưu nói dối phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Jetavana gần thành Sāvatthī do tỳ khưu Hatthaka nói dối.

Chú giải: Tỳ khưu trước khi nói, trong khi nói biết là sự không sự thiệt, rồi ra dấu giả dối, như có hỏi hỏi “thấy hay không thấy” rồi dối, lúc lắc đầu cho người biết là không thấy, hoặc nói dối phạm ưng đối trị.

Tỳ khưu nói dối để khoe pháp bậc cao nhơn, phạm bất cộng trụ: nói dối vô cớ để cáo tỳ khưu khác phạm bất cộng trụ thì phạm tăng tàn, nói dối vô cớ để cáo gian tỳ khưu khác phạm tội tăng tàn thì phạm ưng đối trị, nói dối cáo gian tỳ khưu khác phạm tội làm quấy thì phạm tác ác, người nghe hiểu biết ý nghĩa thì phạm trọng tội, người nghe không rõ ý nghĩa thì phạm tác ác.

Tỳ khưu nói dối: thấy, nói không thấy; nghe nói không nghe; biết rằng mũi, lưỡi, thân, mà nói không biết; hoặc không thấy, không nghe, nói có thấy, có nghe; không biết, nói biết; tâm không biết, nói rằng biết, như thế phạm ưng đối trị.

Thể thức không phạm tội: Chưa suy nghĩ rồi nói gấp hoặc tính nói như vầy rồi nói lộn lời khác, sai lời thiệt và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác nói (anāṇattika), có 2 chi: tính nói lời không thiệt (visaṃvādanapurekkhāratā); ra dấu hoặc nói cho người nghe hiểu sự lý mà mình cố ý muốn nói sai lời thiệt (viññā pana payogo). Ðều đủ cả 2 chi ấy mới phạm tội ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna) như trong điều học trộm cắp (adinnādana sikkhāpada).

  • Chửi mắng (omasavāda). Tỳ khưu chửi rủa hoặc mắng nhiếc vị khác, phạm ưng đối trị.

Điều học này, Đức Phật cấm chế tại Vihāra Jetavana gần thành Xá Vệ, do phe lục sư chửi mắng tỳ khưu có giới trong sạch.

Chú giải: Tỳ khưu chửi mắng ngay trước mặt, phạm ưng đối trị, chửi mắng sau lưng thì phạm tác ác, kể theo mỗi tiếng chửi. Tỳ khưu cố ý chửi để giễu chơi thì phạm tác ác, kể theo mỗi tiếng chửi.

Thể thức không phạm tội: Tỳ khưu không cố ý chửi mắng, nói đạo, dạy đạo, và tỳ khưu điên, đều không phạm tội.

Điều học này không phạm tội vì dạy người khác chửi (anāpattika), có 4 chi: chửi tỳ khưu (tassa upasampannattā); chửi trước mặt (jāti ādihi akkosanaṃ); người bị chửi biết rằng mình bị chửi (mamakkosatitijānanatā); không phải nói đạo, thuyết pháp dạy người (atthadhamma purekkhāratādinābhāvo). Đều đủ cả 4 chi ấy thì mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học trộm cắp (adinnādana sikkhāpada). Chỉ khác nhau là trong điều học này thuộc về thọ khổ (dukkhavedanā).

  • Lời đâm thọc (pesuñña). Tỳ khưu nói lời đâm thọc vị khác, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Kỳ viên tịnh xá (Jetavana) gần thành Xá Vệ (Sāvatthī) do phe lục sư nói dối đâm thọc các vị tỳ khưu khác.

Chú giải: Tỳ khưu nghe vị khác chửi tỳ khưu với nhau, rồi cố ý muốn cho người chửi ấy thương mình hoặc muốn cho cả 2 người chia rẽ nhau rồi nói lời đâm thọc, đem lời chửi của vị này, đến nói với vị kia, phạm ưng đối trị, đều đủ mỗi tiếng. Nếu đem lời của tỳ khưu chửi không nói ngay đến tỳ khưu bị chửi, hoặc đem lời của sa di chửi đến cho tỳ khưu hay, hoặc đem lời chửi của sa di đến cho sa di hay, đều phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Tỳ khưu không cố ý muốn cho vị bị chửi thương mình, hoặc không muốn cho cả 2 vị chia rẽ nhau và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người đâm thọc (anāṇattika), có 3 chi: được nghe lời người chửi (không phải do người khác mà biết) rồi đem nói lại cho người bị chửi (jāti ādihi… bhikkhussa upasaṃharaṇaṃ); muốn cho người bị chửi thương yêu mình hoặc muốn cho 2 người chia rẽ nhau (piyakamyatā bhedādhippāyesu aññataratā); người bị chửi hiểu biết sự lý (tassa vijjānanaṃ). Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học trộm cắp (adinnādanā sikkhāpada).

  • Dạy kệ pháp (padasodhamma). Tỳ khưu dạy kệ pháp đến người chưa tu lên bực trên (upasampanna) đọc chung cùng nhau phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư dạy kệ đến người chưa tu lên bực tỳ khưu và đọc chung cùng nhau.

Chú giải: như “rūpaṃ aniccaṃ” gọi là 1 câu đầu, câu sau như “vedanā aniccā” gọi là câu nối (anupada), tỳ khưu khi dạy pháp làm bằng kệ rằng: asevanācabālānaṃ, đọc rồi sa di đọc theo, tỳ khưu đọc chung cùng nhau với sa di, rồi đọc tiếp nối thêm asevanā cabālānaṃ, đọc chung cùng nhau như thế phạm ưng đối trị, kể theo mỗi câu. Tỳ khưu dạy pháp 1 lần 2 câu như là “asevanācabālānaṃ pandiṭānañca sevanā” rồi trở lại đọc nữa với sa di, sa di đọc câu đầu không kịp, đọc theo kịp câu thứ nhì thì rằng “panditā nañca sevanā” chung cùng với tỳ khưu như thế gọi là trước đọc khác nhau, sau đọc chung cùng nhau, phạm ưng đối trị kể theo câu sau. Tỳ khưu dạy sa di đọc “rūpaṃ aniccaṃ vedanā aniccā”, rồi tỳ khưu chỉ đọc được rūpaṃ aniccaṃ, sa di lẹ miệng đọc đến vedanā aniccā là câu nối tiếp liền theo câu aniccaṃ như thế phạm ưng đối trị, kể theo mỗi câu.

Thể thức không phạm tội: Học Pāli chung với sa di hoặc học nơi sa di hoặc đọc chung nhau, tụng kinh đã đọc thuộc lòng rồi hoặc sa di tụng sai, tỳ khưu dạy rằng “đọc như vầy” rồi đọc chung cùng nhau, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika), có 3 chi: người chưa tu lên bậc tỳ khưu (anupassam pannatā); dạy học pháp bằng câu kệ (vuttalakkhanaṃ dhammaṃ padaso vācanatā); đọc dính chung cùng nhau (ekato osāpanaṃ). Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm tội ưng đối trị.

Chỗ sanh tội là dạy pháp bằng kệ (padasodhamma samuṭṭhāna), phạm vì làm (kiriyā), không khỏi phạm vì tưởng (nosaññāvimokkha), không cố ý cũng phạm, phạm tội vì Phật cấm (pannattika), khẩu nghiệp (vācikamma), có 3 tâm, 3 thọ.

  • Nằm chung trong chỗ có che lợp lần thứ nhất (pathamasahaseyya). Tỳ khưu nằm trong chỗ có dừng, lợp chung với người chưa tu lên bực trên[46] (upasaṃpanna) quá 3 đêm phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại tháp Aggālava gần thành Aggalavi, do tỳ khưu mới xuất gia ngủ quên trong phước xá chung cùng với cư sĩ.

Chú giải: Tỳ khưu ngủ trong nơi dừng kín, hoặc lợp kín, hoặc lợp nhiều, dừng nhiều chung với người chưa tu lên bực trên (trừ ra tỳ khưu với nhau), dầu ngủ chung với súc sanh có khiếu có thể sanh tội bất cộng trụ, quá 3 đêm, phạm ưng đối trị, kể từ đêm thứ 4. Chỗ ở có dừng vách không chí với nóc, cao 1 hắc, 1 gang chung quanh gọi là “chỗ ở dừng kín” hết, cho nên chỗ ở như thế dầu là lầu 7 tầng hoặc nhà 4 mặt, có 100 phòng, nếu có 1 cửa ra vào chung cùng nhau, cũng gọi là chỗ ở chung cùng nhau. Tỳ khưu ngủ chung cùng người chưa tu lên bực trên, trong chỗ ở như thế đến 3 đêm, rồi qua ngày thứ 4, khi mặt trời đã lặn, người ấy nằm trước tỳ khưu đóng cửa phòng hoặc không đóng rồi nằm, hoặc tỳ khưu nằm trước, người ấy nằm sau mà tỳ khưu không ngồi dậy thì phạm ưng đối trị, kể theo mỗi lần nằm xuống và ngồi dậy với người ấy và kể theo số người (sa di, cư sĩ) nằm trong nơi ấy. Tỳ khưu mà tưởng là sa di hay là cư sĩ hoặc nghi rồi nằm phạm tác ác. Chỗ ở lợp phân nửa dừng phân nửa, lợp kín dừng ít, lợp nhiều dừng ít, dừng kín lợp ít, dừng nhiều lợp ít, đều là vật cho phát sanh tội tác ác.

Thể thức không phạm tội: Chỗ ở lợp kín, không dừng hoặc không lợp mà dừng kín hoặc không lợp nhiều, không dừng nhiều đều là vật không cho phát sanh tội, ngủ đến 2 hay là 3 đêm hoặc trong đêm thứ 3, ra trước mặt trời mọc rồi ở thêm nữa đến đêm thứ 4, sa di, cư sĩ nằm, tỳ khưu ngồi hoặc tỳ khưu nằm, đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người nằm (anāṇattika) có 3 chi: chỗ ở cho sanh tội ưng đối trị (pācittiyavatthu senāsanaṃ); nằm cùng người chưa tu lên bực trên, trong nơi ấy (tattha anupasampanne sahanipajjanaṃ); mặt trời đã lặn trong ngày thứ 4 (catutthadi vasesuri yatthamgamanaṃ). Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học thọ lông cừu (elakaloma samuṭṭhāna).

Phạm tội do thân, do thân ý, phạm vì làm (kiriyā) không khỏi phạm vì tưởng (nosaññā vimokkha) vô ý cũng phạm (acittaka), tội vì Phật cấm (paṇṇattivajja) thân nghiệp (kāyakamma) có 3 tâm, 3 thọ.

  • Nằm chung trong chỗ kín lần thứ nhì (dutiyasahaseyya). Tỳ khưu nằm trong chỗ lợp, dừng chung cùng phụ nữ, dầu chỉ trong 1 đêm, cũng phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Jetavana gần thành Sāvatthī do đức Anuruddha vào ngụ chung trong nhà với phụ nữ.

Chú giải: Dầu nằm chung với phụ nữ mới sanh 1 ngày cũng phạm tội ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học trước, chỉ khác nhau là điều học này dầu nằm chung chỉ trong 1 đêm cũng phạm.

Tỳ khưu nằm chung với tinh nữ, ngạ quỉ nữ có thân hình rõ rệt, bộ nấp và thú cái là vật cho sanh sự hành dâm, phạm tác ác.

  • Thuyết pháp đến phụ nữ (dhamma desanā). Tỳ khưu nói pháp quá 6 tiếng đến phụ nữ, không có người nam, biết nghe chung với, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Jetavana gần thành Sāvatthī do tỳ khưu nói pháp đến phụ nữ.

Chú giải: Tỳ khưu nói pháp quá 6 tiếng như đã giải trong điều học “dạy kệ đến người chưa tu lên bực trên” (padasodhamma), đến phụ nữ biết nghe lời quấy phải và lời thô tục, phạm ưng đối trị, kể theo số phụ nữ, theo câu kệ, trừ ra có người nam biết nghe ở chung với, như đã có nói trong điều học “bất định thứ nhì” thì không phạm tội. Không phải phụ nữ, tưởng là phụ nữ hoặc nghi rồi mới nói pháp đến tinh nữ, ngạ quỉ nữ, bộ nấp và thú cái có thân hình như người thì phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Tỳ khưu chỉ nói pháp đến 6 tiếng, hoặc ít hơn 6 tiếng hoặc có người nam như đã có giải ở chung với hoặc tỳ khưu nói rồi ngồi xuống, rồi nói tiếp thêm, hoặc phụ nữ đứng dậy, rồi ngồi xuống, rồi tỳ khưu nói tiếp thêm, hoặc nói pháp đến phụ nữ khác, hoặc phụ nữ hỏi đạo, tỳ khưu đáp và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người nói pháp (anāṇattika) có 5 chi: nói pháp quá 6 tiếng (channaṃ vāpānaṃ uparidesanā); phụ nữ như đã có giải (vuttalahhkanomātugāmo); không thay đổi oai nghi (iriyā patha parivattanābhāvo); không có người nam biết nghe ở chung với (viññupurisābhāvo); không có sự luận đạo (apanhavisajjanā). Ðều đủ cả 5 chi ấy mới phạm tội ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học “dạy kệ pháp đến phụ nữ” (padasodhamma samuṭṭhāna) chỉ khác nhau là điều học này phạm vì làm và không làm (kiriya akiriyā) làm là: thuyết quá 6 tiếng, vì không làm là “không đổi oai nghi”.

  • Khoe sự thiệt (bhūṭṭārocana). Tỳ khưu khoe pháp bậc cao nhơn mà tự mình đã đắc, đến người chưa tu lên bực trên, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Phước xá Kūtāgāra gần thành Sāvatthī do chư tỳ khưu khoe pháp cao nhơn cùng nhau.

Chú giải: Tỳ khưu khoe pháp bậc cao nhơn như là đắc thiền định mà chính mình đã được, đến người chưa tu lên bực trên, phạm ưng đối trị.

  • Khai tội nặng (duṭṭhullārocana). Tỳ khưu nói tội nặng (là tội tăng tàn) mà vị khác đã phạm, đến người chưa tu lên bực trên, phạm ưng đối trị, trừ ra tăng cho phép nói.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư nói tội tăng tàn của tỳ khưu Upananda đến người thế.

Chú giải: không phải tội nặng tỳ khưu tưởng là tội nặng, nghi rồi nói hoặc nói phạm 5 tội khác (trọng tội, ưng đối trị,…) đến người chưa tu lên bực trên, phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Nếu chỉ nói ngay điều học rằng: Tỳ khưu này cố ý cho tinh di hoặc đụng chạm phụ nữ hoặc chỉ tội rằng: Tỳ khưu này phạm tăng tàn, phạm trọng tội, hoặc tăng cho phép nói đến đâu thì nói đến đó và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác nói (anāṇattika), có 3 chi: nói tội tăng tàn của tỳ khưu cả và cách phạm tội (savatthukosaṅghādiseso); nói đến người chưa tu lên bực trên (anūpasampannassa ārocanaṃ); tăng không cho phép (bhikkhusammatiyābhāvo). Đều đủ cả 3 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học “trộm cắp”, chỉ khác nhau là điều học này thuộc về thọ khổ.

  • Đào đất (pathāvīkhanana). Tỳ khưu đào đất, hoặc dạy người khác đào đất bằng lời không nên, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Tháp Aggālava gần thành Ālavi do phe Tỳ khưu Alavi đào đất và dạy người khác đào đất.

Chú giải: Đất có 2 thứ: đất có đất nhiều hơn các vật khác (jātapathavi) và đất có đất ít hơn các vật khác. Đất thứ nhất toàn là đất phân, đất sét, đất có đá ít, có sỏi ít, có cát ít, có phần đất nhiều, có đất sét nhiều, hoặc đất mà họ chưa từng đốt, hoặc đống phân đất, đống đất sét mà chưa có mưa xuống nhằm trên 4 tháng gọi là đất phì (đất tốt). Đất thứ nhì: đất toàn là đá, toàn là sỏi, toàn là cát có đất phần ít, có đất sét ít có cát nhiều, đất đã có người đốt rồi gọi là đất chai (ajātapathavi); lại nữa, đống phân đất nào, đống đất sét nào mà mưa rớt nhằm ít hơn 4 tháng cũng gọi là đất chai. Đất toàn là sỏi, đá, cát thì không phạm tội. Tỳ khưu cố ý đào hoặc dạy người đào bằng lời không nên, làm cho đất nẻ, bể, lở, phạm ưng đối trị, kể theo mỗi lần làm. Tỳ khưu dạy nói “ngươi hãy đào, xô, xoi, bươi cuốc đất này” thì phạm tội, người chịu dạy, dầu đào suốt ngày, chỉ phạm 1 tội ưng đối trị thôi, người dạy nhiều lần phạm nhiều tội ưng đối trị. Đất tỳ khưu nghi, không phải đất tưởng là đất, hoặc nghi rồi làm cho cử động, phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Ðất cục không dính với đất liền, đất lở không phạm, hoặc nói “ngươi hãy biết cái lỗ cột này, ngươi hãy cho tôi đất này, ngươi hãy lầy đất này cho tôi, tôi cần dùng đất”, không cố ý làm cho cử động, hoặc dùng ngón chân, tay, xủi đất, hoặc tưởng không phải là đất đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người (anāṇattika) có 3 chi: chất đất phì (jītapathavitā); biết là đất (pathavisaññitā); tự mình đào hoặc dạy người khác đào (khananakhanāpanānaṃ aññataraṃ). Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm tội.

Chỗ sanh tội như trong điều học trộm cắp (adinnādāna samuṭṭhāna), chỉ khác nhau là trong điều học này phạm tội vì Phật cấm (pannattivajja) có 3 tâm, 3 thọ.

  1. 2. Thảo mộc – phần thứ nhì (bhūtagāmavagga). Có 10 điều học:
  • Phá hoại thảo mộc (bhūtagāma). Tỳ khưu phá hoại cây cỏ sanh, mọc trên đất hoặc trong 1 nơi nào, cho đứt lìa, gãy, tét, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Tháp Aggalava gần thành Aggāvi, do tỳ khưu đốn cây làm các công việc.

Chú giải: Các thứ cây cỏ, dầu nhỏ nhen đến đâu (rong rêu), mọc trong một nơi nào chẳng hạn, tỳ khưu đã biết mà tự mình hoặc dạy kẻ khác nhổ, chặt, bẻ làm cho lìa khỏi chỗ nó mọc, phạm ưng đối trị. Các thảo mộc mà người đã đào đã nhổ khỏi chỗ nó mọc dầu không có rể, mụt, củ, hột… mà còn giống (bījagāma), họ đem để trong đồ đựng hoặc cất trong một nơi nào (có thể còn gieo trồng nữa được) mà tỳ khưu làm hại thì phạm tác ác. Nghi trong thảo mộc, hoặc các thứ giống thảo mộc, không phải thảo mộc tưởng là thảo mộc hoặc giống của thảo mộc, phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Thảo mộc hoặc giống của thảo mộc tưởng là không phải rồi làm hại, tỳ khưu điên vô ý hoặc kéo cây, lăn đá mà thảo mộc chết đều không phạm tội. Không cố ý giết hại, không cố ý nhớ như tỳ khưu nói chuyện cùng nhau mà lấy ngón chân hoặc tay làm hại thảo mộc cũng không phạm tội, hoặc nói: người nên biết bông cây này, người nên biết trái cây này, người nên lấy bông cây này, trái cây này đem cho tôi, tôi cần dùng bông cây này, trái cây này, người nên làm bông cây này, trái cây này cho tôi dùng được; nói như thế không phạm tội. Khi ăn rau, cần phải nhờ sa di hoặc thiện tín làm cho có thể ăn được khỏi phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người (anāṇattika), có 3 chi: thảo mộc (bhūtagāmo); biết là thảo mộc (bhūtagamasaññitā); tự mình hoặc dạy kẻ khác phá hoại (vikopanaṃ vāvikapāpanamvā). Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna) như trong điều học đào đất (paṭhavīkhaṇanaṃ).

  • Lời nói tráo trở (aññavādaka). Tỳ khưu làm quấy, tăng đã gọi đến hỏi tra mà cố ý nói tráo trở, hoặc nín thinh không nói. Nếu tăng đã tụng lời khuyên răn, mà còn giữ thái độ như thế phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại tịnh xá Ghosita gần thành Kosambi do tỳ khưu Channa làm quấy, đến tăng hỏi mà nói lời tráo trở.

Chú giải: Tỳ khưu cố ý muốn giấu lỗi, nói tráo trở như nói “ai phạm, phạm tội gì, phạm chỗ nào”, nói như thế hoặc nín thinh làm khó cho tăng, phạm tác ác. Đến khi tăng đã tra hỏi mà còn tráo trở nữa, hoặc nín thinh phạm ưng đối trị. Tỳ khưu không làm khó cho tăng, không nói tráo trở như thế phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Tỳ khưu không biết tội hoặc không biết mình phạm tội hoặc hỏi “ngài hỏi thế nào”, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này có 3 chi: tụng để cáo tội (dhammakamme āropitā); tăng tra hỏi tội hoặc điều phạm tội (ānuyujjiyamānatā); nói tráo trở, hoặc nín thinh, vì muốn giấu lỗi (patticaranaṃvā tuṇhībhāvovā). Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm tội ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna) như trong điều học trộm cắp (adinnādāna samuṭṭhāna) chỉ khác nhau là điều học này không phạm tội vì dạy người (anāṇattika).

  • Tỳ khưu nói xấu vị khác (ujjhāpanaka). Tỳ khưu nói xấu vị khác mà tăng đã chỉ định để làm việc cho tăng như lót chỗ ngồi, hoặc chia tài vật, nếu vị ấy làm việc cho tăng được đúng đắn, tỳ khưu nói xấu phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Veluvāna gần thành Rājagaha do phe lục sư nói xấu đức A-la-hán Dabbamallaputta.

Chú giải: Nếu tỳ khưu mà tăng đã chỉ định hành đúng theo phép, thì vị nói xấu phạm ưng đối trị, hành không đúng theo phép vị nói xấu thì phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Tỳ khưu nói xấu vị khác hành theo 4 pháp tây vị (āgati) (như thương riêng) nghĩa là: không làm đúng phép và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác nói xấu (anāṇattika), có 6 chi: người mà tăng đã chỉ định hành đúng theo phép (dhamma kammena sammatāta); người mà tăng chỉ định ấy là tỳ khưu (upasampannatā); làm không tây vị (agatigamanābhāvo); cố ý cáo tội đến người ấy (tassa avaṇṇakāmatā); cáo tội hoặc nói xấu đến người nào, người ấy là tỳ khưu (tassa upasampannatā); cáo tội hoặc nói xấu (ujjhāpanaṃ vākhi yanaṃvā). Ðều đủ cả 6 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna) như trong điều học trộm cắp (adinnādāna samuṭṭhāna). Chỉ khác nhau là: điều học này thuộc về thọ khổ (dukkhavedanā).

  • Chỗ ngồi nằm thứ nhất (pathamasenāsana). Tỳ khưu lấy ngọa cụ của tăng đem trải nằm trong thất của tăng, khi đi khỏi nơi ấy, mà không dọn, hoặc không nhờ người khác dẹp cất, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Jetavana gần thành Sāvatthī do chư sư đem vật lót ngồi, nằm nơi trống mà không dọn cất.

Chú giải: Ngoài 4 tháng mưa, trong nơi mát, dưới cội cây mà thú không đại, tiểu tiện nhằm, tỳ khưu để ngọa cụ nơi ấy, đi ra khỏi không phạm tội. Tỳ khưu lót cho các vị khác mà các vị này không ngồi trong nơi ấy, hoặc không nói “Ông đi đi” thì còn về phận sự người lót trải. Tỳ khưu ngồi trên bàn ghế, giường mà tự mình dọn ra, hoặc nhờ người dọn ra cho mình, các vật ấy đều về phận sự mình. Tỳ khưu đứng trong nhà ăn, dạy rằng: người đem để trong giữa chùa rồi đi đi, tỳ khưu ấy ra khỏi nhà ăn, đi đến nơi khác như thế, nên cho luật sư phạt tội. Nếu chỗ ngồi nằm của tăng thì phạm ưng đối trị, vật riêng của tỳ khưu thì phạm tác ác. Vật để trải lót (chiếu, đệm) cho đến vật để chùi lau tay chân mà tỳ khưu bỏ ngoài mưa nắng… rồi đi thì phạm tác ác. Tỳ khưu ngụ trong rừng, nếu không có chỗ che mưa, đem các vật ấy để trên nhánh cây cho khỏi thú phá hại (như mối ăn) rồi đi khỏi nơi ấy cũng được.

Thể thức không phạm tội: Chỗ ngồi nằm của mình hoặc của tỳ khưu thân thiết nhau, không phạm tội. Tự mình cất hoặc nhờ người khác cất, hoặc gởi đem phơi rồi đi, tính sẽ trở lại dọn cất, hoặc có người lại ở hoặc có tỳ khưu trưởng lão[47] lại đuổi, hoặc cho sa di, người thế đến lấy, có thú dữ đến đứng nơi ấy, không được dọn dẹp rồi đi khỏi vì sợ có điều hại hoặc khó tu hành, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này phạm tội vì dạy người khác (sānattika) có 6 chi: nhất là giường, bàn thấp dài của tăng (mañcādinaṃ saṃghikatā); tự mình hoặc dạy người đem ra ngồi nằm trong chỗ đã nói (santhāranaṃ vā santhārāpanaṃ vā); không có người lại tranh giành (abalibuddhatā); không có điều hại (āpadāyābhāvo); không cố ý trở lại dẹp cất (nirapekkhatā); đi khỏi nơi ấy (lenducātātikkamo). Đều đủ 6 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học lễ dâng y lần thứ nhất (pathamakathinasamuṭṭhāna). Chỉ khác nhau là điều học này phạm vì làm là dọn ra, và không làm là không dọn cất, hoặc không gởi cho người khác (kiriyakiriyā).

  • Chỗ ngồi, nằm thứ nhì (dutiya senasana). Tỳ khưu đem ngọa cụ của tăng lót nằm trong thất của tăng, khi đi khỏi nơi ấy, không dọc cất, hoặc không nhờ người khác dọn, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do phe thập thất sư đến trải lót ngọa cụ rồi bỏ ra đi không dẹp nên bị mối ăn hư hết.

Chú giải: các thứ ngọa cụ của tăng, nệm, y lót lưng, y lót giường, y đắp, chiếu, đệm, da, tọa cụ có bìa… tỳ khưu lấy 1 thứ ngọa cụ nào đem lót nằm trong chùa, thất của tăng, rồi không đem cất, hoặc không nhờ kẻ khác cất, đi ra khỏi nơi ấy, 1 bước đầu phạm tác ác, khỏi bước thứ 2 phạm ưng đối trị. Trong nơi nào không có điều hại, dầu không gởi rồi cũng phạm, gởi là phận sự của tỳ khưu. Trong chỗ của tăng thì phạm ưng đối trị, trong chỗ của tỳ khưu thì phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Chỗ ở của mình hoặc của tỳ khưu thân thiết tự mình dọn cất hoặc nhờ người dọn cất, hoặc có người tranh dành (như đã có giải) rồi bỏ đi, hoặc tính sẽ lại dọn cất trong ngày ấy, hoặc đi rồi tính trở lại nhưng có tai hại không thể trở lại được và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này phạm tội vì dạy người (sānattika), có 7 chi: chỗ nằm như đã nói (vuttalakkhanāseyā); chỗ nằm ấy của tăng (tassāsamghikatā); mình lót trải hoặc dạy người khác lót trải trong nơi như đã nói (santharanaṃ vā saṇtharāpanaṃ vā); không có người tranh dành (apalibhudhatā); không có điều hại (āpadāyābhāvo); đi đến nơi khác, không cố ý trở về (anapekkhassadisā pakkamanaṃ); đi khỏi ranh chùa (upacāra simātikkamo). Ðều đủ cả 7 chi ấy mới phạm tội.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna) như trong điều học trên.

  • Chen lấn (anūpakhajja). Tỳ khưu biết là thất của tăng đã có vị khác vào ngụ trước rồi, cố ý lấy đồ trải lót ngồi, hoặc nằm chen lấn trong nơi ấy, làm cho vị đã vào ngụ trước phải chịu chật hẹp, khó khăn, rồi bỏ đi ra khỏi, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư dành chỗ ở tốt đẹp làm cho chư trưởng lão phải khó khăn.

Chú giải: tự mình hoặc dạy kẻ khác lót trải ngọa cụ trong chỗ ở của tăng, phạm tác ác; ngồi hoặc nằm phạm ưng đối trị. Trong chỗ ở của tỳ khưu phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Lót trải trong chỗ ở của mình hoặc trong chỗ ở của tỳ khưu thân thiết, trong chỗ tỳ khưu bịnh, hoặc vì có điều hại, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika), có 4 chi: chỗ ở của tăng (saṅghikahāratā); biết rằng đã có người vào ở trước không nên chen lấn (anumaṭṭhāpaniyabhāvajānanaṃ); cố ý làm cho tỳ khưu ấy chật hẹp (sambādhetukāmatā); đã ngồi hoặc nằm trong nơi ấy (upacārenisīdanaṃ vā nippajūnaṃ vā). Ðều đủ cả 4 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học bất cộng trụ thứ nhất (paṭhama pārājika), chỉ khác nhau là điều học này thuộc về thọ khổ (dukkhavedanā).

  • Lôi tỳ khưu ra khỏi thất (nikaḍḍhana). Tỳ khưu giận hờn vị khác rồi kéo lôi hoặc đuổi vị ấy ra khỏi thất của tăng, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư giành chỗ ở nên kéo lôi phe thập thất sư.

Chú giải: Tỳ khưu giận đuổi, dạy người khác kéo lôi, trong khi dạy phạm tác ác; đuổi hoặc lôi ra khỏi cửa thất, phạm ưng đối trị; đuổi, kéo hoặc lôi ra khỏi chỗ ở tỳ khưu phạm tác ác; đuổi sa di, liệng vật dụng ra khỏi chỗ ở của tăng, phạm tác ác, kể theo mỗi vật dụng.

Thể thức không phạm tội: Kéo lôi ra khỏi chỗ ở của mình, hoặc chỗ ở của tỳ khưu thân thiết, hoặc can gián người cãi cọ rồi liệng vật dụng của cải ra khỏi chỗ ở của tăng, hoặc kéo tỳ khưu phá giới, đệ tử của mình làm quấy, hoặc liệng vật dụng của người quấy và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này phạm tội vì dạy người khác (sāṇattika), có 3 chi: chỗ ở của tăng (saṅghikavihāratā); kéo lôi tỳ khưu vô tội không cãi cọ (bhaṇḍanakārakabhāvādivimuttatā); tự mình kéo hoặc dạy người khác kéo lôi tỳ khưu ấy vì giận hờn (kopenanikaḍḍhanaṃ vā nikaḍḍhāpanaṃ vā). Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm tội ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học trộm cắp (adinnādānā sikkhāpada). Chỉ khác nhau là điều học này thuộc về thọ khổ (dukkhavedanā).

  • Gác trong thất (vehāsakutī). Tỳ khưu ngồi hoặc nằm trên giường, ghế mà họ chỉ kê đỡ, chưa làm thiệt chắc, để trên gác trong thất, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Jetavana gần thành Sāvatthī do vị tỳ khưu ở trên gác, ngồi trên giường mà họ kê đỡ, rớt xuống nhằm đầu tỳ khưu ở tầng dưới.

  • Tịnh thất lớn (mahallaka). Tỳ khưu dùng đất và vôi tô tịnh thất chỉ được phép tô nhiều lắm là 3 lớp, nếu tô quá 3 lớp phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại tịnh xá Ghosita gần thành Kosambī do tỳ khưu Channa tô thất lớp nhiều lớp làm cho thất phải ngã sập.

Chú giải: Phải đứng tránh chỗ cây xanh (cây, cỏ) là đứng xa cho khỏi ruộng, vườn, mà người có trồng cây, gieo mạ, trồng đậu… Nếu đứng trong các nơi ấy mà tô, sơn, phết, phạm tác ác.

  • Nước có côn trùng (sappānaka). Tỳ khưu biết nước có côn trùng sống rồi đem tưới cây, cỏ, hoặc tưới đất phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại tháp Aggālava, gần thành Aggalavi, do các tỳ khưu xứ Aggalavi dùng nước tưới côn trùng đem tưới cỏ, đất.

Chú giải: Liệng cây, cỏ xuống chỗ nước ít làm cho côn trùng chết, liệng 1 lần phạm 1 tội. Trong nước không có côn trùng tưởng là có, hoặc nghi, rồi đem tưới cây cỏ, phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Tưới vì tưởng là nước không có côn trùng, không cố ý, quên không biết, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này phạm vì dạy người (anāṇattika), có 4 chi: nước có côn trùng sống (udakassasasappānakatā); biết rằng côn trùng sẽ chết vì sự tưới nước (marissantitijānanaṃ); nước sẽ rút hết (tabbāndakaṃtādisameva); như đem nước tưới cỏ vì 1 lẽ gì (tinādinaṃsibbānaṃ). Ðều đủ cả 4 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học trộm cắp (adinnādānā sikkhāpada). Chỉ khác nhau là điều học này phạm tội vì Phật cấm (paṇṇattivajja), có 3 tâm, 3 thọ.

3.  Dạy pháp – phần thứ ba (ovādavagga). Có 10 điều học:

  • Dạy pháp cho tỳ khưu ni (bhikkhunovāda). Tỳ khưu mà tăng không chỉ định, rồi đi dạy 8 điều trọng pháp cho tỳ khưu ni, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư thấy các đại đức dạy đạo cho tỳ khưu ni được nhiều vật dụng, bèn rủ nhau đi dạy tỳ khưu ni.

Chú giải: Tỳ khưu có đủ 8 chi: thu thúc theo giới bổn; học rộng; thông cả 2 giới bổn (tỳ khưu, tỳ khưu ni); tiếng thanh tao dễ nghe; đáng cho tỳ khưu ni kính mến; có sức vừa dạy bảo tỳ khưu ni được; tỳ khưu không quen phạm điều trọng pháp với tỳ khưu ni; xuất gia được 20 hạ hoặc nhiều hơn 20 hạ. Ðều đủ cả 8 chi ấy tăng mới nên chỉ định cho đi dạy tỳ khưu ni.

8 trọng pháp là: 1) tỳ khưu ni dầu tu được 100 hạ cũng phải làm lễ tỳ khưu mới xuất gia trong một ngày; 2) không nên nhập hạ trong chỗ không có tỳ khưu; 3) nên cố ý hỏi ngày lễ phát lộ, sám hối và đến thọ giáo nơi tỳ khưu tăng trong nửa tháng; 4) nhập hạ rồi nên hành phép tự tứ trong hai phái tăng; 5) phạm trọng pháp (là tăng tàn) rồi nên cho 2 phái tăng giao hiệp lại; 6) phải tu bậc thất xoa ma na (sikkhamānā) thọ trì 6 giới trong 2 năm nơi 2 phái tăng rồi mới được phép xuất gia lên tỳ khưu ni; 7) không được phép mắng nhiếc tỳ khưu; 8) cấm hẳn tỳ khưu ni không cho dạy tỳ khưu; cho phép tỳ khưu dạy tỳ khưu ni kể từ ngày đầu tiên mới xuất gia. Tỳ khưu ni phải nên tôn kính thọ trì 8 trọng pháp ấy cho đến trọn đời không được bỏ qua.

  • Mặt trời lặn (atthaṅgata). Dầu là tỳ khưu mà tăng chỉ định khi mặt trời đã lặn mà còn dạy đạo đến tỳ khưu ni, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Jetavana gần thành Sāvatthī do đại đức A-la-hán Culapanthaka dạy đạo cho tỳ khưu ni đến tối; tỳ khưu ni mến tài đức ngài, đưa ngài ra khỏi thành, bị thành đóng cửa vào không được, làm cho thiên hạ nói xấu.

  • Tại chỗ ở của tỳ khưu ni (upassaya). Tỳ khưu đi dạy tỳ khưu ni nơi chỗ ở của cô, phạm ưng đối trị, trừ ra dạy tỳ khưu ni có bịnh.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại tịnh xá Nigrodha gần thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavatthu), do phe lục sư đi dạy đạo cho phe 6 tỳ khưu ni tại chỗ ở của các cô.

  • Mong được tài vật (āmisa). Tỳ khưu nói xấu vị khác rằng đi dạy tỳ khưu ni vì mong được tài vật, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư nói các đại đức đi dạy tỳ khưu ni vì muốn được lợi.

  • Cho y đến tỳ khưu ni (civaradāna). Tỳ khưu cho y đến tỳ khưu ni không phải bà con, phạm ưng đối trị, trừ ra đổi y với nhau.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Jetavana gần thành Sāvatthī do 1 tỳ khưu cho cà sa đến tỳ khưu ni không phải bà con.

  • May y cho tỳ khưu ni (civarasibbana). Tỳ khưu tự mình may hoặc dạy kẻ khác may y cho tỳ khưu ni không phải bà con, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Jetavana gần thành Sāvatthī do tỳ khưu Udāyi may y cho tỳ khưu ni.

  • Rủ tỳ khưu ni đi chung đường (samvidhāna). Tỳ khưu rủ tỳ khưu ni đi chung đường, dầu chỉ đi xa 1 khoảng trong xóm cũng phạm ưng đối trị, trừ ra đường có sự nguy hiểm.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư rủ tỳ khưu ni đi chung đường.

  • Rủ tỳ khưu ni đi chung thuyền (nāvābhirūhana). Tỳ khưu rủ tỳ khưu ni đi chung thuyền, đi ngược hoặc đi xuôi nước cũng phạm ưng đối trị, trừ ra đi qua sông rạch.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư rủ tỳ khưu ni đi chung thuyền.

  • Dọn nấu ăn (paripācana). Tỳ khưu đã biết thọ thực (vật ngọt, hoặc mặn) mà tỳ khưu ni dọn, dạy thiện tín dâng cúng, phạm ưng đối trị, trừ ra thiện tín đã tính trước.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Veluvana gần thành Rājagaha do tỳ khưu Davadatta đã biết nhờ tỳ khưu ni nên được mời ăn mà còn đi dự.

  • Chỗ khuất mắt (rahonisajja). Tỳ khưu ngồi hoặc nằm trong chỗ khuất mắt với tỳ khưu ni phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Jetavana gần thành Sāvatthī do tỳ khưu Udāyi vào ngồi nơi kín với tỳ khưu ni (vợ trước).

            4. Vật thực – phần thứ tư (bhojanavagga). Có 10 điều học:

  • Nhà thí thực (āvasathapiṇḍa). Vật thực trong phước xá mà họ bố thí không phân hạng người, tỳ khưu không bịnh chỉ được phép thọ thực 1 ngày rồi phải nghỉ, bỏ qua 1 ngày nữa thọ mới được, nếu thọ thực liên tiếp đến ngày thứ nhì, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư đến thọ thực nhà thí thực ấy luôn khi, làm cho người chê trách.

Chú giải: Có bịnh tưởng là không bịnh hoặc nghi rồi thọ thực, phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Có bịnh biết là có bịnh, chỉ thọ thực 1 lần thọ thực cách 1, 2 ngày hoặc thọ rồi qua ngày sau đi khuất thực nơi khác mà có sự rủi ro, trở lại thọ nữa được, hoặc thí chủ thỉnh thọ luôn, hoặc họ để dành riêng cho tỳ khưu hoặc thọ ngoài 5 món ăn (cơm, bánh sốt, bánh nguội, thịt, cá) và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika), có 3 chi: cơm trong phước xá (āvasathapiṇḍatā); không có bịnh (agilānātā); ở chờ ăn (anuvasitvābhojanaṃ). Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội như trong điều học thọ lông cừu (elakalomasikkhāpada).

  • Thọ thực chung nhiều vị (gānabhojana). Nếu thí chủ họ thỉnh, cho biết tên vật thực 5 món là (cơm, bánh, sốt, bánh nguội, cá, thịt) một món nào, nếu tỳ khưu thọ vật thực ấy chung nhau từ 4 vị trở lên, rồi ăn chung hoặc ăn riêng, phạm ưng đối trị, trừ ra có 7 duyên cớ này: tỳ khưu bịnh (gilānasamayo); lễ dâng y (cīvaradānasamayo); kỳ làm y (cīvarakārasamayo); đi đường xa (addhānagamanasamayo); đi chung thuyền (nāvātirūhanasamayo); tỳ khưu hội hợp quá số, vật thực không đủ dùng (mahāsamayo); vật thực ấy của các hạng xuất gia thỉnh thọ thực (samanabhattasamayo). Có 1 trong 7 duyên cớ ấy thọ thực không phạm tội (trong điều học này chỉ lấy cớ đi thọ thực chung cùng nhau làm bằng).

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Veruvana gần thành Rājagaha do phe tỳ khưu Devadatta dẫn đi thọ thực chung cùng nhau thường thường tìm xin vật ngon.

Chú giải: Dầu tỳ khưu lên tiếng xin ngay tên của vật thực rằng: người cho tôi xin cơm… cá… thịt … xin chung chỗ, hoặc khác chỗ, nhưng thọ trong 1 chỗ cùng nhau cũng phạm tội. Thọ thực chung cùng nhau nhiều vị, trong khi thọ phạm tác ác, ăn vào phạm ưng đối trị, mỗi khi đã ăn vào khỏi cổ. Không phải thọ thực chung nhiều vị mà tưởng là thọ chung, hoặc nghi rồi ăn, phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Không phải thọ thực chung nhiều vị biết là không phải, hoặc 2, 3 tỳ khưu thọ thực chung cùng nhau, hoặc nhiều tỳ khưu đi khuất thực rồi về ăn chung, hoặc thọ thực chung ngoài 5 món ăn, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika), có 3 chi: thọ thực chung nhiều vị (ganabhojanatā); không có duyên cớ (samayābhāvo); đã ăn vào khỏi cổ (ajjhoharanaṃ). Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học thọ lông cừu (ekalakalomasikkhāpada).

  • Thọ thực nơi khác (paramparabhojana). Tỳ khưu đã chịu thỉnh đi thọ 1 trong 5 món ăn, trong 1 nơi nào, rồi không đi trong nơi ấy, trở lại đi thọ trong nơi khác phạm ưng đối trị, trừ ra đã có cho tỳ khưu đi thế cho mình hoặc có 1 trong 3 duyên cớ này: tỳ khưu bịnh, lễ dâng y, kỳ làm y.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Veluvana gần thành Rājagaha do chư tỳ khưu đã chịu thỉnh rồi mà còn đi thọ thực nơi khác làm cho thí chủ bất bình.

Chú giải: Khi thọ vật thực nơi thí chủ thỉnh sau phạm tác ác, khi ăn vào phạm ưng đối trị (mỗi miếng ăn mỗi tội) trừ ra có 1 trong 3 duyên cớ đã nói. Không phải thọ thực nơi khác mà tưởng là phải, hoặc nghi, phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Biết không phải thọ thực nơi khác, đã cho người đi thọ thế cho mình, hoặc ăn chung 1 lượt, hoặc ăn theo vật thực đã thọ (thọ trước, ăn trước, thọ sau ăn sau), (ngoài 5 vật thực đã nói thì không kể) và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika), có 3 chi: vật thực của người khác (paramparabhojanatā); không có duyên cớ (samayābhāvo); đã ăn vào (ajjhoharanaṃ).

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học lễ dâng y lần thứ nhất (pathamakathina sikkhāpada). Chỉ khác nhau là điều học này phạm vì làm và không làm (kiriya akiriyā).

  • Thọ bánh (kānamātā). Tỳ khưu vào xóm khuất thực, nếu có thí chủ họ đem bánh nhiều đến dâng, được phép thọ nhiều lắm đến 3 bát, nếu thọ quá hạn định, phạm ưng đối trị. Bánh mà tỳ khưu đã thọ được 2 hay 3 bát ấy, phải chia sớt cho tỳ khưu khác, mới nên.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Jetavana gần thành Sāvatthī do chư tỳ khưu thọ bánh của mẹ nàng Kānā.

Chú giải: Tỳ khưu đã thọ 2 bát, khi ra khỏi gặp, tỳ khưu nơi phía ngoài nên nói “trong chỗ ấy tôi đã thọ 2 bát rồi, ngài chỉ nên thọ thêm 1 bát nữa”. Tỳ khưu này thấy vị khác nên cho hay “Tỳ khưu đến trước đã thọ 2 bát rồi, tôi cũng đã thọ 1 bát rồi, ngài không nên thọ nữa”. Tỳ khưu đã thọ trước 1 bát rồi, cũng phải nói lại với tỳ khưu khác như thế. Tỳ khưu đã thọ 3 bát rồi, thấy vị khác nên ngăn cản không cho đến thọ nữa, nếu không ngăn cản, phạm tác ác. Tỳ khưu đã nghe vị khác ngăn cản mà còn đi đến thọ nữa, phạm tác ác. Tỳ khưu ấy về đến nhà ăn, hoặc đến nơi thường thọ thực, để cho mình 1 bát còn dư lại phải dâng đến tăng, cho theo ý muốn mình không được (không nên cho đến người thân thiết). Tỳ khưu thọ được 1 bát, không muốn cho ai cũng được tùy sở thích.

  • Ngăn vật thực lần thứ nhất (pathamapavāraṇā).Tỳ khưu đương ăn, nếu có thí chủ đem trong 5 vật thực đến dâng, ở trong khoảng 2 hắc 1 gang mà không thọ gọi là “ngăn vật thực”. Tỳ khưu đã ngăn vật thực không phải của tỳ khưu bịnh hoặc vật chưa làm theo luật (vinaya kamma) phạm ưng đối trị.

Chú giải: ngăn vật thực[48] có 5 chi: đương khi ăn (āsanaṃpaññāyati); vật ăn và vật ăn (5 thứ vật thực) (bhojanampaññāyati); người dâng ở trong khoảng 2 hắc 1 gang (hatthapāsethito); họ dâng vật thực vào (abhiharati); ngăn ra (patikkhepopaññāyati). Đều đủ cả 5 chi ấy mới gọi là ngăn. 7 thứ mễ hoặc bánh làm bằng 7 thứ mễ là vật sanh “ngăn vật thực”. Thịt và cá mà tỳ khưu đương ăn mà họ dâng thịt cá, dầu nhỏ bằng hột cải để trong đồ đựng, nếu tỳ khưu chưa ăn mà ngăn các vật thực khác, có thể làm cho sanh “ngăn vật thực” cũng không gọi là ngăn. Nhưng thịt và cá mà tỳ khưu đương ăn, 1 miếng còn trong tay, và trong bát, nếu tỳ khưu ngăn thịt, cá khác, gọi là ngăn cả 2 miếng. Cơm dầu 1 hột, vật thực trong bát, trong miệng và trong tay mà tỳ khưu còn tiếc rồi ngăn vật thực khác, gọi là ngăn. Nếu tỳ khưu không tiếc vật thực còn dư lại, vật thực ấy tỳ khưu không cố ý để ăn, hoặc muốn cho đến người khác, hoặc muốn đi ăn trong nơi khác, tỳ khưu ấy dầu ngăn cũng không gọi là ngăn.

Giải về hắc (hatthapāsa): Nếu tỳ khưu ngồi thì kể từ chỗ cuối cùng phía sau, nếu đứng kể từ gót chân, nằm nghiên bên nào, kể từ lưng bên ấy đến chỗ cuối cùng tay, chân của người dâng, ngồi hoặc đứng, hoặc nằm (trừ ra tay đưa ra dâng, được 2 hắc, 1 gang gọi là hắc). Họ đứng ở trong hắc rồi cúi dâng đến mà tỳ khưu ngăn ra mới gọi là “ngăn”. Nếu quá hắc mà ngăn thì không gọi là “ngăn”.

Giải về vật thực đến: Nếu tỳ khưu ngồi theo hàng ngũ, không đưa bát trong tay hoặc trên chân ra, chỉ nói “ngươi hãy lấy cơm” như thế, nếu tỳ khưu ngăn cũng không gọi là “ngăn”, dầu vật trong thúng đem để trước mặt rồi bạch như thế cũng vậy. Chỉ đến khi xúc cơm lên rồi tỳ khưu ngăn mới gọi là ngăn, dầu 2 người đồng nhau đở lên cũng gọi là ngăn. Khi họ dâng đến tỳ khưu ngồi theo hàng ngũ rồi tỳ khưu ở ngoài tiếp đập bát, gọi là ngăn vật mà họ dâng đến người khác, vì lẽ ấy, không gọi là ngăn.

Giải về cách ngăn: Trong vật mà họ dâng đến bằng lời, thì ngăn không được. Vật mà họ dâng bằng thân, cũng phải ngăn bằng thân, như đưa tay ra chận ngăn hoặc nói “vừa rồi, đừng dâng nữa, như thế mới gọi là ngăn”.

Một người dâng canh thịt rằng “Bạch ngài, xin ngài thọ canh”. Tỳ khưu nghe, ngăn người ấy ra, như thế không gọi là ngăn. Khi nào họ nói: “Bạch ngài, xin ngài thọ canh thịt” mà tỳ khưu ngăn mới gọi là ngăn. Nếu họ nói “xin ngài thọ vật này” mà tỳ khưu ngăn cũng gọi là ngăn. Dầu họ làm thịt cho ra món khác rồi họ nói “xin thọ thịt”, nếu còn chút ít thịt bằng hột cải mà ngăn thì cũng gọi là ngăn. Họ nấu canh cá, thịt chung với mít và canh măng, rồi đem đến dâng rằng: “Bạch ngài, xin ngài thọ canh mít, canh măng”, nếu ngăn cũng không gọi là ngăn, vì họ nói tên của vật nên dùng, không sanh sự ngăn. Nếu họ nói “xin ngài thọ canh cá, canh thịt” hoặc nói “hãy thọ vật này” mới gọi là ngăn.

Ngăn vật thực có 5 chi: tỳ khưu đương ăn, họ đem vật thức đến dâng nữa, họ ở trong hắc, họ dâng vật thực vào, tỳ khưu ngăn vật thực. Như thế mới gọi là ngăn.

Trong 4 oai nghi (nằm, đi, đứng, ngồi), tỳ khưu ngăn trong oai nghi nào, đừng thay đổi oai nghi ấy, ăn không có tội.

Vật dùng mà không làm theo luật (vinaya kamma) và không phải là vật dư của tỳ khưu bịnh gọi là “không phải vật dư” (anatiritta) dùng không được, vật thực đã làm theo luật và vật dư của tỳ khưu bịnh gọi là “vật dư” (atiritta) nên dùng được.

Bảy cách làm theo luật (vinaya kamma): 1) các vật thực như trái cây hoặc củ mà người không được làm thành vật cho tỳ khưu dùng được (samanakappa)[49] và thịt không nên dùng, tỳ khưu người làm theo luật (vinaya kamma) lấy các vật không nên dùng ấy đem làm theo luật rằng “tất cả vật này nên rồi” (alametaṃ sabbaṃ); 2) vật mà tỳ khưu, người làm theo luật chưa thọ, rồi làm theo luật rằng “tất cả vật này nên rồi”; 3) vật mà tỳ khưu đem đến cho tỳ khưu, người làm theo luật, làm cho thành vật nên dùng, nhưng chưa dở lên hoặc chưa dâng vào, rồi làm theo luật rằng “tất cả vật này nên rồi”; 4) tỳ khưu đem vật đến cho tỳ khưu trong bọn làm theo luật ấy ở ngoài hắc, rồi làm theo luật rằng “tất cả vật này nên rồi”; 5) một tỳ khưu nào làm theo luật rằng “tất cả vật này nên rồi” nhưng tỳ khưu, người làm theo luật ấy, chưa ăn rồi làm theo luật rằng “tất cả vật nên rồi”; 6) tỳ khưu, người làm theo luật được ăn rồi, đã ngăn vật thực rồi, đứng dậy khỏi chỗ ngồi rồi, đi làm theo luật cho vị khác rằng “tất cả vật này nên rồi”; 7) tỳ khưu người làm theo luật nói rằng “tất cả vật này nên rồi” (alamataṃ sabbaṃ). Một trong 5 thứ vật thực nào, mà không phải là vật dư của tỳ khưu bịnh, vật không nên làm theo luật (7 cách trên) hoặc vật thực không phải là của dư của tỳ khưu bịnh, cả 2 phần vật thực ấy gọi là không phải của dư (anatiribhojana).

Không phải vật dư (anatiritta) là nói về vật không được làm theo luật là: 1) vật mà không được làm cho thành vật nên; 2) vật mà tỳ khưu không được thọ, rồi làm cho ra vật nên; 3) vật mà tỳ khưu không được dở lên hoặc không được dâng vào gần cho tỳ khưu làm ra vật nên; 4) tỳ khưu ở trong hắc rồi làm; 5) tỳ khưu chưa được ăn rồi làm; 6) tỳ khưu đã ăn rồi, được ngăn vật thực rồi đứng dậy, khỏi làm; 7) vật mà tỳ khưu không nói “tất cả vật này nên rồi”, và vật không phải của dư của tỳ khưu bịnh. Cả 2 vật thực ấy gọi là “không phải vật dư” (anatiritta).

Vật dư (atiritta) là nói về vật đã được làm theo luật (vinaya kamma) là: 1) vật mà họ làm cho ra vật nên; 2) vật mà tỳ khưu được thọ lãnh rồi làm cho ra vật nên; 3) vật mà tỳ khưu dở lên hoặc dâng vào gần cho làm ra vật nên; 4) tỳ khưu ở trong hắc rồi làm; 5) tỳ khưu đã ăn rồi mới làm; 6) vật mà tỳ khưu đã ăn, ngăn vật thực rồi chưa đứng dậy khỏi chỗ ngồi, rồi làm; 7) vật mà tỳ khưu nói “tất cả vật này nên rồi” và vật dư của tỳ khưu bịnh. Cả 2 thứ vật thực ấy gọi là vật dư (atiritta).

Tỳ khưu ngăn cơm như có giải trên, nếu đã thay đổi oai nghi rồi thọ vật không phải của tỳ khưu bịnh, để dùng phạm tác ác, vì thọ; ăn vào phạm ưng đối trị, mỗi miếng ăn. Nhất là thọ yāmakālika để làm vật thực, ăn ngoài bữa ăn, thế cho vật thực. Vật dư của tỳ khưu bịnh mà tưởng là không phải của tỳ khưu bịnh, hoặc nghi, phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Thọ vật thực không phải của tỳ khưu bịnh vì nghĩ sẽ đem cho tỳ khưu khác làm kappiya cho, rồi mới dùng, thọ cho người khác, thọ yāmakālika[50] sattāhakālika[51], yāvajīvika[52] ngoài vật thực, dùng theo luật là đức Phật đã cho phép, và tỳ khưu bịnh không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người (anāṇattika), có 3 chi: người ngăn cơm và đã ra khỏi chỗ ngồi (pavāritabhāvo); vật thực chưa làm kappiya không phải vật dư của tỳ khưu bịnh (amisassa anarittatā); ăn trong giờ (kāle ajjhoharaṇaṃ). Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học lễ dâng y lần thứ nhất. Chỉ khác nhau là điều học này phạm vì làm là ngăn cản, phạm vì không làm là không được làm theo (kiriyakiriyā) trước rồi mới nên ăn.

  • Ngăn vật thực – lần thứ nhì (dutiya pavāraṇā). Tỳ khưu biết rằng vị khác đã ngăn vật thực như thế, tính cáo tội vị ấy, rồi cố ý lấy vật thực không phải của tỳ khưu bịnh, hoặc không được làm theo luật (vinayakamma), đem nài nỉ hoặc ép, nếu vị ấy ăn, tỳ khưu nài nỉ hoặc ép ấy phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do tỳ khưu đem vật không phải của dư đến nài ép tỳ khưu mà mình cố oán đó ăn.

Chú giải: Khi tỳ khưu nài nỉ hoặc ép dâng vật thực đến tỳ khưu khác phạm tác ác, ăn vào phạm ưng đối trị.

Thể thức không phạm tội: Cho vật thực dư của tỳ khưu bịnh, hoặc cho vì có lời rằng “ngài dạy họ làm thành vật thực dư của tỳ khưu bịnh rồi sẽ dùng” hoặc đem cho người khác, hoặc như cho yāmakālika rồi nói “khi có duyên cớ sẽ dùng”, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người (anāṇattika), có 5 chi: tỳ khưu đã ngăn cơm (pavārittatā); đã biết tỳ khưu ấy ngăn cơm (pavārittasaññittā); cố ý để cáo tội (asādanāpekkhatā); lấy vật không phải của dư của tỳ khưu bịnh đem cho (abhihatthumpavāranatā); tỳ khưu ấy đã ăn rồi (bhojanapariyosānaṃ). Ðều đủ cả 5 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học trộm cắp (adinnādānā sikkhāpada). Chỉ khác nhau là điều học này thuộc về thọ khổ (dukkhavedanā).

  • Ăn vật thực sái giờ (vikālabhojana). Tỳ khưu ăn vật thực trong khi sái giờ là từ chinh xế đến mặt trời mọc, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Veluvana gần thành Rājagaha do phe thập thất sư thọ thực sái giờ.

Chú giải: Thọ nhất là yāmakālika để dùng làm vật thực trong khi sai giờ hoặc trong giờ, là từ sớm mai đến đúng ngọ, hoặc tưởng là sai giờ, phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: trong giờ biết là trong giờ, ăn không phạm, có duyên cớ ăn yāmakālika trong khi sai giờ cũng được, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người (anāṇattika), có 3 chi: trong lúc sái giờ (vikālatā); vật thực là yāvakalika[53] (yāvakālikatā); đã ăn vào (ajjhoharaṇaṃ). Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học thọ lông cừu (elakalomāsikkhāpada).

  • Vật thực để dành (sannidhikāraka). Tỳ khưu dùng vật thực đã thọ, rồi để dành cách đêm, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do tỳ khưu Velatthasīsa ẩn tu trong rừng (thầy của đại đức Ananda) phơi cơm khô để ăn nhiều ngày.

Chú giải: Nếu rửa bát không sạch, lấy tay chùi thấy rõ dấu tay, đem phơi trong chỗ có nắng, hoặc thọ cháo nóng, mồ hôi bát chảy ra, tỳ khưu dầu ăn trong bát như thế, trong buổi mai ngày sau, phạm ưng đối trị.

Vật nào mà tỳ khưu đã cho dứt đến sa di không còn tiếc rồi sa di cất giữ, tỳ khưu được vật ấy dùng cũng nên. Trong vật để cách đêm phạm ưng đối trị. Thọ yāmakalika, sattāhakalika và yāvajivika để cách đêm làm vật thực, hoặc như vật thực, hoặc trong vật thực không phải để cách đêm, tưởng là vật để cách đêm, hoặc nghi đều phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Biết là không phải vật để cách đêm, cất yāvajivika, yāmakalika và sattāhakalika, không quá hạn định, rồi dùng theo hạn định, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người (anāṇattika), có 3 chi: vật thực dùng buổi sáng (anisaṃ); đã thọ vật thực ấy rồi để cách đêm (sannidhibhāvo); đã ăn vật ấy vào (tassa ajjhoharaṇaṃ). Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học thọ lông cừu (ekalomāsikkhāpada).

  • Vật thực quí (panībhojana). Tỳ khưu không bịnh xin cơm chung với 9 vật thực quí là: mỡ lỏng, sữa lỏng, sữa đặc, dầu, mật ong, nước mía (đường), cá, thịt, sữa tươi, sữa chua, 1 vật quí nào nơi thiện tín không phải bà con, không phải người có yêu cầu đem ăn, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Jetavana gần thành Sāvatthī, do nhóm Lục sư xin 9 vật thực quí để ăn.

Chú giải: xin vật quí không chung với cơm phạm tác ác. Xin cơm với cá, họ cho cơm với thịt không phạm tội. Có bịnh tưởng là không bịnh, nghi, phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Biết mình có bịnh xin trong khi có bịnh, hết bịnh rồi ăn, hoặc ăn vật dư của tỳ khưu bịnh, xin nơi bà con, nơi người có yêu cầu, xin cho người khác hoặc đổi, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người xin (anāṇattika), có 4 chi: cơm với vật thực quí (panītabhojanatā); không có bịnh (agilānatā); xin được (kataviññattiyāpatilābho); đã ăn vào (ajjhoharaṇaṃ). Ðều đủ cả 4 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Ðiều học này tội sanh do thân, thân khẩu, thân ý, thân khẩu ý, phạm vì làm (kiriyā), không khỏi phạm vì tưởng (nosaññavimokkha), không cố ý cũng phạm (acitaka), phạm vì Phật cấm (pannattikavajja), thân nghiệp, khẩu nghiệp, có 3 tâm, 3 thọ.

  • Trừ ra tăm và nước trắng (dantapona). Tỳ khưu dùng vật thực mà người không dâng phạm ưng đối trị, trừ ra nước trắng và tăm xỉa răng.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại phước xá trong rừng Tuyết sơn gần thành Tỳ-sa-ly (Vesālī), do tỳ khưu ẩn tu nơi mồ mả ăn vật thực của họ đem cúng mồ rồi bỏ nơi ấy, làm cho người chê trách.

Chú giải: Tỳ khưu dầu thọ vật nhỏ nhem bằng cát bụi mà họ không dâng, thì phạm tác ác, đã ăn vào khỏi cổ, phạm ưng đối trị, trừ ra nước trắng và tăm. Nước không cần dâng, được phép dùng tuỳ thích; tăm không cần dâng vì không phải là vật ăn vào khỏi cổ, nếu ăn vật qua khỏi cổ mà không hay biết cũng phạm ưng đối trị; trong vật thọ mà người không dâng, phạm ưng đối trị; trong vật thọ mà người đã dâng, tưởng là chưa dâng hoặc nghi, phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Biết là vật mà họ đã dâng, ăn vào khỏi cổ không phạm tội: 4 thứ thuốc: nước tiểu, phẩn, tro, đất, khi hữu sự là bị rắn mổ mà không có người hộ thì mình lấy dùng, và tỳ khưu điên đều không phạm tội hoặc có người hộ mà khó dạy hoặc không thể làm được. Khi không có tro, tỳ khưu được phép đốt củi khô, củi khô không có, bẻ cây tươi đốt làm tro cũng nên.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người thọ (anāṇattika), có 4 chi: vật không có người dâng (apatiggahitakatā); vật ấy đức Phật không cho phép (ananuññātāta); vật ấy không phải là abbohārika như khói, lửa (dhumādi abboharikabhāvo); đã ăn vào khỏi cổ (ajjhoharanaṃ). Ðều đủ cả 4 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học thọ lông cừu (elakalomāsikkhāpada).

5. Đạo Lõa thể – phần thứ năm (accelakavagga). Có 10 điều học

  • Kẻ tu đạo Lõa thể (Accelaka). Tỳ khưu tự tay mình cho hoặc dạy kẻ khác cho vật thực đến kẻ tu đạo lõa thể, tu ngoại đạo, phạm ưng đối trị (mỗi lần cho mỗi tội).

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại phước xá Kutāgāra trong rừng Tuyết sơn, gần thành Vesālī, do đại đức Ānanda cho bánh đến phụ nữ tu đạo lõa thể.

  • Rủ đi khất thực (uyyojana). Tỳ khưu rủ vị khác đi khất thực cùng nhau tính làm quấy, rồi đuổi vị ấy trở về, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Jetavana gần thành Sāvatthī do tỳ khưu Upananda rủ đệ tử người bạn đi khuất thực rồi đuổi về.

Chú giải: đuổi sa di, phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Ðuổi có duyên cớ như 2 vị ở chung chỗ cùng nhau, vật thực không vừa đủ nuôi mạng sống, hoặc thấy vật tốt cao giá, hoặc thấy phụ nữ rồi sanh lòng tham, khó chịu hoặc dạy đem vật chi đến tỳ khưu bịnh hoặc không tính làm quấy rồi đưa đi về, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này phạm tội vì dạy người đuổi (anāṇattika), có 3 chi: tính làm việc quấy (anācāramācaritukamatā); đuổi tỳ khưu vì sự lợi ích ấy (tadatthameva upasaṃ pannassanyojanata); người bị đuổi đi khỏi chỗ (evaṃ uyyojetassa upacārātikkamo). Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học trộm cắp (adinnādānā sikkhāpada).

  • Chỉ có 2 vợ chồng (sabhojana). Tỳ khưu vào ngồi trong nhà không có người khác ngồi với, chỉ có 2 vợ chồng chủ nhà, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Jetavana gần thành Sāvatthī do tỳ khưu Upananda vào ngồi trong buồng của vợ người bạn.

  • Chỗ khuất mắt (rahopaticchanna). Tỳ khưu ngồi hoặc nằm trong chỗ khuất mắt với một người nữ không có người nam ngồi chung với, phạm ưng đối trị. Ðiều học này gọi là (pathama rahonisajja) cũng được.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Jetavana gần thành Sāvatthī, do tỳ khưu Upanada vào ngồi nơi khuất mắt với vợ người bạn.

Chú giải: dầu ngồi chung với phụ nữ mới đẻ trong ngày cũng phạm ưng đối trị.

  • Chỗ khuất tai (rahonisajja). Tỳ khưu ngồi hoặc nằm chỗ khuất tai với một người nữ, phạm ưng đối trị. Ðiều học này gọi là “dutiya rahonisajja” cũng được.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Jetavana gần thành Sāvatthī, do tỳ khưu Upananda vào ngồi trong nhà với vợ của người bạn.

Chỗ sanh tội (samutthāna vidhī) của 2 điều học này như trong điều học bất cộng trụ thứ nhất (pathama parajikasikkhāpada); ngoài ra, nên xem thêm điều học “bất định”.

  • Đi nơi khác (cāritta). Tỳ khưu được thỉnh đi thọ 1 trong 5 món ăn, rồi đi nơi khác, trước giờ ăn hoặc ăn rồi đi từ sớm mai đến đứng bóng phải cho tỳ khưu trong nơi ấy hay với, mới nên đi, nếu không cho hay mà đi, phạm ưng đối trị, trừ ra có 1 trong 2 duyên cớ, là: kỳ lễ dâng y, làm y.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Veluvana gần thành Rājagaha, do tỳ khưu Upananda đã chịu thỉnh ăn mà còn đi đến các nhà thiện tín khác, làm cho chư sư phải chờ gần đến giờ, nên thọ thực không được vừa lòng.

Chú giải: Dầu tỳ khưu đã chịu thỉnh để ăn của thí chủ rồi, hoặc chưa ăn, không từ giã tỳ khưu trong bọn rồi đi đến nơi khác từ sớm mai đến đứng bóng, khi đi bước thứ nhất phạm tác ác, đi đến bước thứ nhì phạm ưng đối trị.

Thể thức không phạm tội: Biết là họ không mời, hoặc có một trong hai duyên cớ, từ giã tỳ khưu trong bọn, không từ giã đi về chùa, đi đến chỗ ở tỳ khưu ni, đi đến nơi ngoại đạo, đi đến nhà ăn, đi vì có tai hại, và tỳ khưu điên, đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika), có 5 chi: vui thích trong sự thỉnh đi ăn 1 trong 5 thứ vật thực (aññatarenanimantana sādiyanaṃ); không cho tỳ khưu trong bọn hay (santaṃbhikkhumanānucchatā); đi đến nơi khác, khỏi nhà họ mời (aññassagharassapavesanaṃ); chưa quá đứng bóng (majjhantikānatikkamo); không có duyên cớ hoặc tai hại (samayassavā āpadānaṃ vā abhāvo). Ðều đủ cả 5 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học “lễ dâng y lần thứ nhất” (pathamakathina sikkhāpada). Chỉ khác nhau là điều học này, phạm vì làm là chịu thỉnh đi thọ thực, vì không làm là không từ giã tỳ khưu trong bọn (kiriyā kiriyā).

  • Chỉ được phép xin vật dụng theo hạn định (mahānāma).[54] Nếu thí chủ họ yêu cầu dâng 4 vật dụng có hạn 4 tháng hoặc định vật dụng, tỳ khưu không bịnh, nên xin trong hạn kỳ hoặc trong vật đã định thôi, xin quá hạn định ấy, phạm ưng đối trị, trừ ra họ đã yêu cầu thêm hoặc họ yêu cầu luôn.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại tịnh xá Nigrodha gần thành Kapilavatthu xứ Sakya do phe lục sư xin thuốc quá hạn.

Chú giải: Xin không quá hạn định tưởng là quá, hoặc nghi rồi xin, phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Biết là không quá hạn định, xin không phạm tội, khi cần dùng cho họ biết thiệt, rồi xin trong hạn định hoặc xin nơi trong bà con và người đã yêu cầu vô hạn, hoặc xin cho kẻ khác, hoặc đổi, và tỳ khưu điên, đều không phạm tội.

Ðiều học này phạm tội vì dạy người xin (sāṇattika), có 4 chi: họ yêu cầu đến tăng (saṅghapavāraṇatā); xin thuốc cho quá số định (tato uttaribhesajjaviññātti); không có bịnh (agilānatā); xin quá hạn kỳ (pariyantātikkamo). Ðều đủ cả 4 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna) như trong điều học làm mai dong (sañcarittasikkhāpada).

  • Xem động binh (uyyutta). Tỳ khưu đi xem động binh ra trận, phạm ưng đối trị, trừ ra khi có duyên cớ nên đi, là có bà con mang bịnh trong nơi ấy.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư xem động binh.

Chú giải: Voi vừa cho 12 người cưỡi, ngựa vừa cho 3 người cưỡi, xe vừa cho 4 người có cầm khí giới ngồi, gọi là động binh. Tỳ khưu đứng trong nơi nào rồi thấy trong nơi ấy, ngó xem thường thường, phạm ưng đối trị. Động binh tưởng là đội binh thường, phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Biết là không phải động binh rồi đi xem không phạm, ở nơi chùa rồi xem, hoặc gặp giữa đường rồi xem, hoặc có tai hại, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika), có 4 chi: động binh ra đi (uyyuttasenaṃ); đi để xem (dassanatthāyagamanaṃ); và xem trong các chỗ khác, ngoài khoảng trống mà đức Phật đã cho phép (aññatradassanaṃ); không có duyên cớ hoặc tai hại (āpadāyavā abhāvo). Ðều đủ cả 4 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học thọ lông cừu (elakalomāsikkhāpada). Chỉ khác nhau là điều học này phạm tội vì đời (lokavajja), phạm vì ác tâm, có 3 thọ.

  • Ngụ trong cơ binh (senavāsa). Nếu có duyên cớ, có thể đi được, tỳ khưu ngụ trong binh cơ ấy lâu lắm là trong 3 ngày, nếu ở quá hạn, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại tịnh xá Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư đi xem cơ binh.

  • Đi đến chiến trường (uyyodhika). Trong khi ngụ trong cơ binh theo hạn định ấy, tỳ khưu đi đến chiến trường, hoặc nơi động binh hoặc xem cơ binh, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại tịnh xá Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư đi đến chiến trường.

6. Uống rượu – phần thứ sáu (surāpānavagga). Có 10 điều học:

  • Uống rượu (surāpāna). Tỳ khưu uống nước có chất say, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại xứ Bhaddavatikā, do tỳ khưu Sāgata uống rượu.

Chú giải: nước say làm bằng chất say nhất là làm bằng bột gọi là rượu (sura), nước mà người ngâm nhất là ngâm bông cây gọi là “meraya”. Cả 2 thứ nước ấy, dầu tỳ khưu uống 1 nhỏ, cũng phạm ưng đối trị. Không phải nước say tưởng là nước say, hoặc nghi rồi uống, phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Biết là không phải nước say, uống không phạm tội, uống thuốc không có chất say, mà có màu, mùi và vị như nước say, hoặc canh, thịt, dầu, tầm ruột rừng và đường mà người để chút ít nước say vào cho bán mùi hôi, và tỳ khưu bịnh đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika), có 2 chi: nước có chất say (majjabhāvoca); uống nước có chất say ấy (tassapānaṃ). Đều đủ cả 2 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học thọ lông cừu (elakalomāsikkhāpada). Chỉ khác nhau là điều học này phạm tội vì đời (lokavajja), phạm vì ác tâm (akusalacitta), có 3 thọ.

  • Dùng tay chọc léc (aṅgulipatodaka). Tỳ khưu dùng tay chọc léc vị khác, phạm ưng đối trị.

Điều học này do đức Phật cấm chế tại Kỳ Viên tịnh xá, gần thành Xá Vệ, do phe lục sư chọc léc vị khác.

Chú giải: Chọc léc sa di, phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Không cố ý chọc léc chơi rồi đụng nhằm, có việc rồi đụng nhằm, và tỳ khưu điên, đều không phạm tội .

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika), có 2 chi: cố ý chọc léc chơi (hassādhippāyatā); tay mình đụng nhằm tỳ khưu khác (upasampannassakāye nakāyamasanaṃ). Ðều đủ cả 2 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học bất cộng trụ thứ nhất (pathama pārājika sikkhāpada).

  • Giỡn nước (hassadhamma). Tỳ khưu giỡn nước phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do phe tỳ khưu Vagga giỡn nước.

Chú giải: Giỡn trong nước sâu từ cườm chân trở xuống phạm tác ác. Mỗi lần lặn xuống ngước lên phạm ưng đối trị, lội phạm ưng đối trị, mỗi lần tay bơi chân quậy. Nếu lội nổi trên nước, phạm ưng đối trị, mỗi lần tay chân bơi quậy; xuống chơi trong nước cạn dưới cườm chân, hoặc chơi ghe, hoặc lấy tay, chân, cây… chận nước hoặc giỡn nước trong đồ đựng, giỡn bùn, hoặc khoát nước chơi, đều phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Viết chữ giải nghĩa không cố ý chơi, xuống tắm như thường, lội ngang rạch, sông hoặc có tai hại, và tỳ khưu điên, đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika), có 2 chi: nước sâu ngập cườm chân (uparigoppahatā); xuống cố ý giỡn chơi cho vui (hassādhippāyenakilanaṃ). Ðều đủ cả 2 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học bất cộng trụ thứ nhất (pathama pārājikasikkhāpada).

  • Không kiên luật (anādariya). Tỳ khưu tỏ dạng không kiên luật hoặc không kiên người giảng luật, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại tịnh xá Ghosita, gần thành Kosambi, do tỳ khưu Channa không kiên pháp luật.

Chú giải: Tỳ khưu nhờ vị khác thức tỉnh, khuyên dạy dìu dắt, cấm răn theo điều học của đức Phật đã cấm chế mà không kiên vị ấy, hoặc không kiên luật pháp, phạm ưng đối trị. Nghĩ rằng “Vị này kiếm điều bắt tội chê trách, nói xấu, lời vị này, ta không hành theo” rồi không kiên nể, như thế gọi là không kiên; với tỳ khưu, phạm ưng đối trị, với sa di, phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Tỳ khưu có học Phạn, đáp: “sự học đọc Pāli và chú giải của thầy giáo thọ của tôi như vầy”, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika), có 2 chi: tỳ khưu thức tỉnh theo luật mà Phật cấm chế (upasampannassa paññattena vacanaṃ); dể duôi không kiêng nể (anādariya karanaṃ). Ðều đủ cả 2 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học trộm cắp (adinnādānā sikkhāpada). Chỉ khác nhau là điều học này thuộc về thọ khổ (dukkhavedanā).

  • Nhát tỳ khưu khác (bhiṃsāpana). Tỳ khưu nhát hoặc làm cho vị khác kinh sợ, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư nhát phe thập thất sư.

Chú giải: Làm cho tỳ khưu khác sợ là nói: chỗ nầy có kẻ cướp độc ác, hoặc đem vật gì làm cho sợ, nói lời chi cho tỳ khưu khác sợ, tỳ khưu này dầu sợ hay không, tỳ khưu nhát cũng phạm ưng đối trị; tỳ khưu nhát người tu lên bậc trên phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Không tính làm cho người sợ, nói lời thiệt, như nói “đường này xa, có bọn cướp”, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika), có 2 chi: người ấy là tỳ khưu (upasampannatā); cố ý ráng làm cho tỳ khưu kinh sợ, trong khi vị này nghe và thấy (bhiṃsāpetukāmatāya vāyamanaṃ). Ðều đủ cả 2 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như điều học trên.

  • Nhúm lửa lên ngọn (jotisamā dahana). Tỳ khưu vô bịnh tự mình hoặc dạy người khác nhúm lửa cho lên ngọn đặng hơ, phạm ưng đối trị. Nếu đốt vì hữu sự như đốt bát, không phạm tội.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại rừng Bhesaka do các tỳ khưu nhúm lửa để hơ trong tháng lạnh.

Chú giải: Nhúm lửa chưa cháy phạm tác ác, cháy lên ngọn phạm ưng đối trị. Tỳ khưu có bịnh, không có lửa chịu không được gọi là: “có bịnh”. Tỳ khưu có bịnh tưởng là không bịnh, nghi rồi nhúm lửa để hơ, phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Biết là có bịnh rồi nhúm lửa hơ không phạm tội, hơ lửa của người khác nhúm, nhúm lửa vì hữu sự hoặc có tai nạn, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika), có 4 chi: vô bịnh (agilānatā); không có duyên cớ mà đức Phật cho phép (anuññātakaranābhāvo); cố ý để hơ (visibbhetukāmata); tự mình hoặc dạy kẻ khác nhúm lửa cháy lên ngọn (samādahanaṃ). Ðều đủ cả 4 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học làm mai dong (sancaritta sikkhāpada).

  • Tắm (nhāna). Tỳ khưu ở xứ Trung Ấn Độ, 15 ngày tắm một kỳ được, nếu chưa đủ 15 ngày rồi tắm, phạm ưng đối trị, trừ ra có dịp mới tắm được. (Điều học này chỉ cấm ở xứ Trung Ấn Độ, xứ ngoài như xứ ta nên tắm thường thường, không phạm tội).

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Veluvana gần thành Rājagaha. Do chư tỳ khưu tắm lâu, làm cho đức vua Tần Bà Sa chờ đợi.

  • Làm dấu (dubhaṇṇakarana). Tỳ khưu được y mới, nếu muốn mặc, cần phải dùng 1 trong 3 màu là: màu xanh chàm, đen xậm, xám tro (bùn), để làm dấu tròn (bandukappa) mới nên mặc, nếu chưa làm dấu tròn mà dùng, phạm phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Jetavana gần thành Sāvatthī do chư tỳ khưu không biết nhìn y đã bị bọn cướp đoạt.

Chú giải: Tỳ khưu đã mặc y làm dấu mà tưởng là chưa làm, hoặc nghi mà mặc, phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Ðã làm dấu tròn, biết đã làm rồi mặc, hoặc đã làm mà dấu tròn đã bay tan, hoặc chỗ làm dấu tròn ấy đứt rách mất, hoặc y làm không được, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika), có 3 chi: y chưa làm dấu tròn (civarassa akatakappatā); không phải tỳ khưu có y mất (nanaṭṭhācivaraditā); đã mặc hoặc đắp y ấy (nivāsanaṃ vā pārupanaṃ vā). Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học thọ lông cừu (elakaloma sikkhāpada). Chỉ khác nhau là điều học này phạm vì làm, là mặc, đắp, vì không làm là không làm dấu (kiriyā kiriyā).

  • Gởi y (vikappana). Tỳ khưu gởi y cho 1 trong 5 hạng người xuất gia, tỳ khưu, tỳ khưu ni, thất xoa ma na (sikkhamānā), sa di, sa di ni, mà không cho người lãnh gởi xả phép gởi cho, rồi đem y về mặc, đắp, phạm ưng đối trị. Ðiều học này gọi là “paccudhāra” như thế cũng được.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Jetavana gần thành Sāvatthī do tỳ khưu Upananda gởi y khi lấy y đem vể mặc không nhờ người lãnh gởi xả phép gởi.

Chú giải: Tỳ khưu đã gởi y rồi đem về mặc mà chưa xả phép gởi ấy phạm ưng đối trị. Nguyện đặt tên hoặc lìa xa y chưa xả phép gởi, phạm tác ác; đã xả phép gởi tưởng là chưa xả hoặc nghi rồi mặc, đắp, phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Biết đã xả phép gởi rồi mặc, đắp, người chịu gởi đã xả phép gởi cho, hoặc dùng y vì thân thiết với người chịu gởi, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika), có 3 chi: không xả y mà mình đã gởi (sāmaṃvikappi tassa apaccudhāro); y ấy đủ thước tấc (bề ngang, bề dài) nên gởi (vikappanūpaga civaratā); đã mặc, đắp (paribhogo). Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học lễ dâng y lần thứ nhất (pathamakathina sikkhāpada).

  • Giấu vật dụng (ananidhāna). Tỳ khưu giấu 1 trong 5 món, bát, ca sa, tọa cụ, ống kim, dây thịt lưng của vị khác, để giễu chơi, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư giấu các vật dụng (bát, cà sa…) của phe thập thất sư.

Chú giải: Người lãnh đem giấu phạm tác ác; tỳ khưu giấu hoặc dạy người đem giấu, phạm ưng đối trị; giấu của người chưa tu lên bực trên phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Vật dụng của người khác cất không kỹ lượm giùm cất cho, hoặc lượm cố ý để thức tỉnh, rồi mới cho lại, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này phạm tội vì dạy người khác (sānattika), có 2 chi: nhất là giấu bát của tỳ khưu (pattādinaṃ apanidhānaṃ); cố ý làm cho chủ khó lòng, hoặc giễu chơi (hassadhippāyatā). Ðều đủ cả 2 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học trộm cắp (adinnādānā sikkhāpada).

7. Giết côn trùng – phần thứ bảy (sappānakavagga). Có 10 điều học

  • Giết súc sanh (sañcicapāna). Tỳ khưu cố ý giết súc sanh phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do tỳ khưu Udāyi bắn thác điểu thú (quạ).

Chú giải: Tỳ khưu cố ý giết súc sanh dầu nhỏ bằng trứng chí, trứng rệp cũng phạm ưng đối trị. Thú lớn thì nghiệp ác lớn, nghi con thú còn sống, hoặc không phải thú còn sống mà tưởng là còn sống, rồi giết phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Biết rằng không phải thú, không cố ý, quên, không biết, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

  • Giết côn trùng (sappānaka). Tỳ khưu biết trong nước có côn trùng sống rồi dùng nước ấy để: uống, tắm hoặc rửa tay, chơn, hoặc rửa đồ đựng, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư dùng nước có côn trùng sống.

  • Nhắc vụ cũ lại (ukkotana). Tỳ khưu biết tăng đã giải sự tranh biện theo 1 trong 7 pháp diệt tránh nào đúng theo pháp rồi mà còn nhắc việc ấy lại nữa, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư nhắc lại việc cũ mà tăng đã xử xong đúng theo phép.

Chú giải: Tỳ khưu nào biết tăng đã diệt tránh rồi mà còn đến nói với tỳ khưu ấy rằng “Tăng xử việc ấy không đúng đâu, phải xử lại nữa” nói như thế thì phạm ưng đối trị. Tăng sự đúng theo pháp nghi, tưởng là không dùng theo pháp, phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Tưởng là tăng sự không đúng theo pháp, biết tăng sự không đúng, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika), có 3 chi: tranh biện mà tăng đã diệt theo pháp (yathādhammaṃ nihatabhāvo); đã biết (jānanatā); nhắc lại (ukkotanaṃ). Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học trộm cắp (adinnādānā sikkhāpada). Chỉ khác nhau là điều học này thuộc về thọ khổ (dukkha vedanā).

  • Giấu tội nặng (duṭṭhullapaticchādana). Tỳ khưu biết tỳ khưu khác phạm tội nặng là tội tăng tàn, mà lại giùm giấu tội ấy, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do tỳ khưu Upananda nhờ tỳ khưu khác giấu tội tăng tàn làm mai dong mà ngài đã phạm.

Chú giải: Trong tội nặng, nghi, tưởng là không phạm tội nặng, phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Tính sợ có sự cãi lẻ đến tăng hoặc nghi rằng: người ấy hung ác sẽ có tai hại đến sinh mạng hoặc đến phạm hạnh, rồi nín thinh, chưa gặp tỳ khưu đáng nói nên chưa nói hoặc không muốn giấu rồi nín thinh, không nói vì nghi, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika), có 2 chi: biết là tỳ khưu phạm tội nặng (upasam pannassa dutthullāpattijānanaṃ); định không nói với người khác vì muốn giấu tội nặng ấy (dhūranikkhapo). Ðều đủ cả 2 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) tội sanh vì thân khẩu ý, phạm vì làm (kiriyā), khỏi phạm vì tưởng (saññāvimokkha), vô ý cũng phạm (acittaka), phạm tội vì đời (lokavajja), thân nghiệp, khẩu nghiệp, ác tâm (akusalacitta), thọ khổ (dukkhavedanā).

  • Người chưa đủ 20 tuổi (onavisativassa). Tỳ khưu biết là người chưa đủ 20 tuổi rồi làm thầy tế độ cho tu lên bực trên (upasaṃpadā), phạm ưng đối trị. Người ấy vẫn còn là sa di, chưa được lên bậc tỳ khưu đâu.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Veluvana gần thành Rājagaha do chư tỳ khưu truyền tỳ khưu giới cho những người trẻ tuổi.

Chú giải: Tỳ khưu làm hoà thượng tế độ, phạm ưng đối trị. Ngoài ra, các tỳ khưu khác chứng minh đều phạm tác ác. Về phần người tu lên bậc trên ấy, dầu hoà thượng biết, hay không làm phép cho lên bậc trên cũng không được lên. Người ấy khi đã tu được 10 hạ rồi, được làm hoà thượng cho kẻ khác tu lên bậc trên, trừ hoà thượng ấy ra, nếu các tỳ khưu chứng minh đủ số, người mới tu ấy được gọi là lên bực trên đúng đắn. Dầu người chưa được lên bực trên kia, chưa biết mình đến đâu thì đường trời và Niết-bàn cũng không hư hại đến đó. Nếu biết thì nên làm lễ tu lên bực trên lại.

  • Trốn quan thuế (theyyasattha). Tỳ khưu biết bọn buôn tính trốn thuế nhà nước, trốn quan thuế, rồi còn rủ đi chung đường cùng nhau, dầu đi khỏi một khoảng xóm cũng phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do 1 vị tỳ khưu đi chung với bọn buôn lậu bị bắt rồi được thả ra.

Chú giải: đi đường rừng không có xóm, qua khỏi nửa do tuần cũng phạm ưng đối trị.

Người không rủ, tỳ khưu không rủ, hoặc bọn buôn mà tỳ khưu nghi, hoặc không phải bọn buôn, tỳ khưu nghi là bọn buôn, đều phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Tỳ khưu tưởng là không phải là bọn buôn lậu, không rủ mà đi chung đường cùng nhau hoặc người rủ mà tỳ khưu không rủ, hoặc rủ nhau đi vì có tai hại, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika), có 4 chi: bọn buôn lậu (theyyasatthabhāro); đã biết (jānanaṃ); cả 2 bên đồng rủ nhau đi (saṃvidhānaṃ); đi khỏi xóm hoặc đã quá nửa do tuần (avisanketenagamanaṃ). Ðều đủ cả 4 chi ấy mới phạm tội ưng đối trị.

Tội phát sanh do thân ý, thân khẩu ý, phạm vì làm (kiriyā), khỏi phạm vì tưởng (saññāvimokkha), phạm vì cố ý (sacittaka), phạm vì Phật cấm (pannattivajja), thân nghiệp, khẩu nghiệp, 3 tâm, 3 thọ.

  • Rủ phụ nữ đi chung (saṃvidhāra). Tỳ khưu rủ phụ nữ đi chung đường cùng nhau, dầu chỉ đi qua khỏi xóm cũng phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do 1 vị tỳ khưu rủ 1 người phụ nữ đi chung đường.

Chú giải: Trong tinh nữ, ngạ quỉ nữ, bộ nấp và thú cái có thân hình như người, tỳ khưu phạm tác ác. Tỳ khưu rủ, phụ nữ không rủ, hoặc không phải phụ nữ tưởng là phụ nữ, hoặc nghi đều phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Biết là không phải phụ nữ, không phạm tội, ngoài ra như điều học trên, trừ ra có sự nguy hiểm.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika), có 3 chi: cả hai bên đồng rủ nhau đi chung đường (dvinaṃpisaṃ vidahitvā maggapati pannatā); không sai ý muốn (avisanketatā); đã đi qua khỏi xóm hoặc đi khỏi nữa do tuần (gāmantārogamanaṃ vā adhayojanātikkamovā). Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Tội phát sanh do thân khẩu, thân ý, thân khẩu ý, phạm vì làm (kiriyā), không khỏi phạm vì tưởng (nosaññāvimokha), vô ý cũng phạm tội (acittaka), phạm vì Phật cấm (pannattivajja), thân nghiệp, khẩu nghiệp, có 3 tâm, có 3 thọ.

  • Tỳ khưu tà kiến (ariṭṭha). Tỳ khưu chấp tà kiến, hiểu thấy sai lầm pháp luật mà đức Phật đã giảng giải, các tỳ khưu khác ngăn cản cũng chẳng nghe, nếu tăng đã tụng lời khuyên răn đến 3 lần (samanubhāsanakamma) mà còn chưa dứt bỏ tà kiến, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do tỳ khưu Ariṭṭha tà kiến.

Chú giải: Tỳ khưu tà kiến là nói “tiếp xúc phụ nữ không có tội, ví như đụng nhằm vật lót, trải, mềm dịu, không thấy tội, trong sự dâm dục như thế, vị khác nghe biết nên giảng tội ngũ trần, răn cấm tỳ khưu ấy đến 2, 3 lần mà không nghe, tỳ khưu tà kiến ấy phạm tác ác. Vị khác thấy mà không khuyên răn cũng phạm tác ác. Nếu tỳ khưu tà kiến không chịu bỏ kiến thức xấu xa nên dẫn đến cho tăng khuyên răn. Nếu đã khuyên mà không nghe, tăng tụng samanubhāsana đến 2 lần mà tỳ khưu ấy cũng chưa bỏ tánh cũ thì phạm tác ác, khi tụng dứt lần thứ 3 rồi, phạm ưng đối trị.

  • Thân cận cùng tỳ khưu si mê (ukkhitasambhoga). Tỳ khưu biết rõ vị ấy chưa bỏ kiến thức lầm lạc như thế rồi thân cận cùng vị ấy, là ăn chung hoặc hành tăng sự chung (saṅghakamma), ngủ trong nơi dừng che cùng nhau, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư hành tăng sự chung với tỳ khưu Ariṭṭha.

Chú giải: Tỳ khưu nào đã phạm tội, tăng không cho ở chung cùng tăng, vì không thấy tội hoặc không chịu sám hối, hoặc không bỏ tà kiến mà vị nào được biết như thế rồi cho vật thực, hoặc ăn chung cùng nhau, hoặc học hay dạy pháp, hoặc cho tỳ khưu ấy làm tăng sự chung cùng nhau … phạm ưng đối trị. Nghi trong tỳ khưu mà tăng đã cáo tội ấy thì phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Tưởng là tỳ khưu mà tăng không cáo tội, biết là tỳ khưu đã bỏ tà kiến, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika), có 3 chi: tăng không hành theo pháp (akatānudhammatā); biết rõ (jānanaṃ); có làm việc nhất là thân cận cùng tỳ khưu ấy (sambhogādikaranaṃ). Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học trộm cắp (adinnādānā sikkhāpada), chỉ khác nhau là điều học này phạm tội vì đời (lokavajja) có 4 tâm, 3 thọ.

  • Dỗ dành sa di (kanthaka). Tỳ khưu biết sa di mà tỳ khưu đã hủy bỏ rồi vì tội thấy quấy ngoài pháp luật mà đức Phật đã giải, dỗ dành sa di ấy về cho hầu hạ mình, hoặc ăn chung ngủ chung trong chỗ che lợp, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī, do phe lục sư dỗ dành sa di Kanthaka tà kiến cho hầu hạ mình.

Chú giải: Tỳ khưu nghe thấy biết sa di tà kiến như thế rồi khuyên răn đến 2, 3 lần mà không nghe nên tụng lời hủy thương[55] (nāsana) đến sa di ấy rằng: “Ajjatagge te āvuso samanuddesa nacevaso bhagavā satthā apadisitabboyampicaññe samanudde sālabhanti bhikhūhisaddhim dirattatirattaṃ sahaseyyaṃ sāpite natthi caraparevinassāti”.

Nghĩa là: Này sa di! Kể từ ngày nay ngươi chẳng nên ỷ lại nơi đức Thế Tôn là tôn sư của ngươi nữa. Các sa di khác được phép ngủ chung với tỳ khưu đến 2, 3 đêm là hạn định, dầu như thế ngươi cũng không được phép ngủ chung, ngươi lánh xa ra đi, ngươi là người xấu xa, hãy hư hại đi”, như thế nếu tỳ khưu nào đã biết sa di mà tăng đã phá hoại như vậy rồi lại dỗ dành cho vật dụng hay dạy đạo, cho hầu hạ mình, vui thích thân cận hoặc ở chung cùng sa di ấy, phạm ưng đối trị.

8. Nói theo pháp – phần thứ tám (dhammika vagga). Có 12 điều học

  • Nói theo pháp (sahadhammika). Tỳ khưu làm quấy, khi vị khác thức tỉnh mà còn cãi lẽ rằng “Tôi chưa học hỏi điều học ấy, chờ tôi học hỏi các ngài bác học, luật sư đã”, nói lời như thế, phạm ưng đối trị.

Lẽ thường, tỳ khưu học hỏi, nếu chưa được biết rõ điều nào cần phải học tập cho thấu đáo điều ấy nơi bậc minh sư, cầu ngài giảng giải cho thấy rõ rệt.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Ghositārāma gần thành Kosambī, do tỳ khưu Channa làm quấy.

Chú giải: cãi lẽ với người chưa tu lên bậc trên, phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Tỳ khưu nói “Tôi biết tôi sẽ học hỏi”, và tỳ khưu điên, điều này không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika), có 2 chi: tỳ khưu đã có vị khác khuyên răn theo điều luật cấm chế (upasampannassapaññattena vacaṇaṃ); cãi lẽ như thế (asikkhitukāmatāya evamvacanaṃ). Ðều đủ cả 2 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học trộm cắp (adinnādānā sikkhāpada). Chỉ khác nhau là điều học này thuộc về thọ khổ (dukkhavedanā).

  • Nói cho người giải đãi (vilekhana). Tỳ khưu đương học luật, vị khác cố ý nói xấu điều học làm cho tỳ khưu ấy giải đãi, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư nói cho tỳ khưu giải đãi.

Chú giải: Nói xấu rằng “học tập điều học có ích chi, người nào học như thế chỉ làm khó khăn, nóng nảy bực bội trong tâm thôi”, nói như thế phạm ưng đối trị. Nói cho sa di phạm tác ác, nói xấu kinh và luận trong tỳ khưu và sa di phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Không cố ý nói xấu, nói rằng “hãy đọc kinh hoặc luận, hoặc kệ ngôn đi, sau sẽ học luật”, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika), có 2 chi: cố ý nói xấu (garahitukāmatāca); nói xấu điều học trong tỳ khưu (upasampannassa santi kesikkhāpadavivaṇṇa naṃca). Ðều đủ cả 2 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học trộm cắp (adinnādānā sikkhāpada). Chỉ khác nhau là điều học này thuộc về thọ khổ (dukkhavedanā).

  • Làm như không biết (mohana). Tỳ khưu phạm tội, cố ý nói “tôi chỉ mới biết đây rằng: điều ấy có trong giới bổn (pātimokkha). Nếu vị khác nói: tỳ khưu ấy đã từng biết trước rồi mà nói như thế ấy là cố ý làm như không biết. Tăng nên tuyên bố bài moharo panakamma[56] đến tỳ khưu ấy khi tăng đã tụng rồi mà vẫn còn “làm như không biết” nữa, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư làm như tuồng không biết.

  • Đánh tỳ khưu khác (pahāradāna). Tỳ khưu giận vị khác rồi đánh vị ấy như bợp tai, đá, cú …, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư đánh phe thập thất sư.

Chú giải: Dầu vị ấy bị đánh như thế mà rủi có chết cũng phạm ưng đối trị, vì chỉ cố ý đánh cho đau khổ thôi. Đánh sa di thì phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Nếu có người muốn làm hại đánh mình, mình có thể cự lại cho khỏi bị hại, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika), có 3 chi: giận hờn (kupikatā); không cố ý, muốn cho mình khỏi bị hại (namokkhādhippāyatā); đánh người tu lên bậc trên (upasaṃ pannassapahāradānaṃ). Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học bất cộng trụ thứ nhất (pathamapārājika sikkhāpada). Chỉ khác nhau là điều học này thuộc về thọ khổ (dukkhavedanā).

  • Dá tay muốn đánh (talasattika). Tỳ khưu giận hờn vị khác rồi dưa tay lên muốn đánh, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư dá tay muốn đánh phe thập thất sư.

Chú giải: Nếu tỳ khưu dá tay muốn đánh rồi quên đánh nhằm phạm tác ác, vì không cố ý đánh. Nếu trúng nhằm mình bị bịnh thế nào, cũng phạm tác ác. Ngoài ra cũng như trong điều học trên.

  • Cáo vô cớ (amūlaka). Tỳ khưu vô cớ, là không được thấy, không được nghe, không nghi mà cáo vị khác vì tội tăng tàn, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư vô cớ cáo các tỳ khưu trong phe.

Chú giải: Tỳ khưu tự mình cáo vô cớ hoặc dạy kẻ khác cáo phạm 1 trong 13 tội tăng tàn, nếu vị bị cáo được biết rằng mình bị cáo thì tỳ khưu tiên cáo phạm ưng đối trị; cáo sa di phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Tưởng là tỳ khưu phạm rồi cáo theo ý tưởng, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này phạm tội vì dạy người khác (sāṇattika), có 4 chi: bị cáo là người tu lên bậc trên (upasampannatā); cáo tội tăng tàn không có cớ (saṅghādisesassa amūlakata); tự mình cáo hoặc dạy kẻ khác cáo (anuddhasanatā); trong khi bị cáo biết rằng mình bị cáo (tamdhaṇaṃvijānanaṃ). Ðều đủ cả 4 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học trộm cắp (adinnādānā sikkhāpada). Chỉ khác nhau là điều học này thuộc về thọ khổ (dukkhavedanā.

  • Cố ý làm cho tỳ khưu nghi ngờ (sañcicca). Tỳ khưu cố ý làm cho sự nghi ngờ lo buồn phát sanh đến các vị khác, dầu là trong một chốc lát cũng phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư cố ý làm cho phe thập thất sư nghi ngờ.

Chú giải: Làm cho phát sanh sự nghi ngờ là nói “có lẽ ngài chưa đúng 20 tuổi chăng? Tu không lên bậc trên được, có lẽ ngài ăn vật thực sái giờ, có lẽ ngài uống nước có chất say, có lẽ ngài ngồi trong chỗ kín với phụ nữ”, làm cho người lo buồn, như thế phạm ưng đối trị; làm cho sa di nghi, phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Không cố ý làm cho tỳ khưu buồn lo, là nói vì muốn cho sự lợi ích đến tỳ khưu ấy, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika), có 3 chi: người đã tu lên bậc trên (upasaṃpannatā); cố ý làm cho tỳ khưu ấy lo buồn (adhāsukāmatā); làm cho sự lo buồn phát sanh như đã giải (kukucca upādanaṃ). Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna) như trong điều học trên.

  • Rình nghe lén (upassuti). Khi các tỳ khưu đương tranh biện nhau, tỳ khưu đi rình nghe lén, tính rằng các tỳ khưu này nói lời chi, ta nghe lời ấy rồi cố ý để cáo, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư cãi lẽ với tỳ khưu khác trong sạch, rồi đi rình nghe lén.

Chú giải: Tỳ khưu khi đến nơi nghe các tỳ khưu khác đương tranh biện rồi ra dấu “tằng hắn” hoặc nói “tôi ở đây”, nếu không làm như thế, nín thinh để nghe cũng phạm ưng đối trị; rình nghe sa di thì phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Ði rình nghe, tính rằng được nghe các ngài nói, ta trở về, ta lánh đi, ta chịu nhịn, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika), có 3 chi: người đã tu lên bậc trên (upasampannatā); cố ý cáo (codanā dhippāyo); rình nghe lén được (savanaṃ).

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học trốn qua thuế (theyyasattha sikkhāpada), phạm vì làm là mình nghe lén (siya kiriyā), phạm vì không làm là không “tằng hắn” cho người biết (siyā akiriyā), khỏi phạm vì tưởng (saññāvimokkha), phạm vì cố ý (sacittaka), phạm tội vì đời (lokavajja), thân nghiệp, khẩu nghiệp (kāyakamma vacīkamma), phạm ác tâm (akusalacitta), thuộc về thọ khổ (dukkha vedanā).

  • Phỉ báng tăng làm việc phải (kammapaṭibāhana). Tỳ khưu nhận chịu cho tăng, làm việc phải, đến sau trở lại nói xấu tăng làm việc ấy, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư nói xấu tăng làm việc phải.

Chú giải: Tỳ khưu nghi trong tăng sự đúng theo pháp, hoặc trong tăng sự đúng theo pháp mà nói là không đúng, phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Tỳ khưu tưởng trong tăng sự không đúng theo pháp, rồi nói xấu, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika), có 3 chi: tăng sự đúng theo phép (dhammakammatā); tưởng là tăng sự đúng theo phép (dhammakammamtisaññā); đã nhận chịu rồi nói xấu (chandaṃ datvākhiyanaṃ). Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học trộm cắp (adinnādānā sikkhāpada), chỉ khác là điều học này thuộc về thọ khổ (dukkha vadanā).

  • Chưa ưng chịu mà bỏ ra đi (pakkamana). Khi tăng đương hội họp để diệt tránh hoặc làm tăng sự. Tăng chưa làm xong việc ấy, tỳ khưu ở trong hội chưa ưng chịu mà bỏ ra đi, phạm ưng đối trị. Điều học này gọi là “chandamadatvā gamana” như thế cũng được.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do tăng hội họp làm tăng sự có tỳ khưu chưa ưng chịu rồi bỏ ra đi.

Chú giải: Tỳ khưu bỏ ra đi, bước chưa khỏi hắc “tăng” (haṭṭhapāsa saṅghaṃ) phạm tác ác, ra khỏi hắc tăng phạm ưng đối trị, nghi trong tăng sự đúng theo phép hoặc trong tăng sự không đúng theo phép, tưởng là không đúng đều phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Biết là tăng sự không đúng theo phép, bỏ ra đi không phạm tội, biết rằng sẽ có tiếng chẳng lành đến tăng, hoặc tăng làm không đúng theo phép rồi bỏ ra đi, hoặc có bịnh, hoặc đi tiểu, đại tiện, hoặc đi ra tính sẽ trở lại, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika), có 6 chi: trong khi phân xử (vinicchayaka thāyavaggamānatā); tăng sự đúng theo pháp (dhamma kammatā); biết rằng tăng sự đúng theo pháp (dhammakammasannitā); ở trong giới hạn tăng (samānasīmāyathitatā); mình có sự đồng đẳng với tăng (samānasaṃvāsakatā); cố ý làm cho hư tăng sự, rồi bỏ ra đi khỏi tăng hội (kotitukāma tāyahatthapāsavijahanaṃ). Ðều đủ cả 6 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội samanubhāsana, tội sanh do thân, khẩu, ý, phạm vì làm là bỏ ra đi và không làm là không hữu sự (kiriyā kiriyā), khỏi phạm vì tưởng (saññāvimokkha), phạm vì cố ý (sacittaka), phạm vì tội đời (lokavajja), thân nghiệp, khẩu nghiệp, ác tâm (akusalacitta), thọ khổ (dukkha vedanā).

  • Phỉ báng các tỳ khưu (khiyyadhamma). Tỳ khưu đồng ý với tăng đã thưởng y đến 1 tỳ khưu nào, đến sau trở lại nói xấu rằng “các tỳ khưu ấy đem lợi của tăng đến tỳ khưu vì ý riêng”, như thế phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Veluvana gần thành Rājagaha, do phe lục sư nói xấu vị A-la-hán Dabbamalla.

  • Đoạt về cho người khác (parināmana). Tỳ khưu biết rằng lợi mà thí chủ đã sẵn lòng dâng đến tăng rồi thành lợi đến tăng ấy về cho người khác, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư đoạt của tăng về cho tỳ khưu khác.

Chú giải: như trong điều học đoạt về cho mình (parihatta sikkhāpada) trong ưng xả đối trị. Chỉ khác là trong điều học đoạt về cho mình phạm tội ưng xả đối trị vì đoạt về cho mình, trong điều học này chỉ phạm ưng đối trị, vì đoạt về cho người khác.

9. Trong đền vua – phần thứ chín (rājavagga). Có 10 điều học:

  • Trong cung cấm (antepura). Đức vua được thọ lễ tôn vương làm chúa trong nước, ngài còn ngự trong cung cấm với hoàng hậu, tỳ khưu chưa được lịnh đòi vào cung cấm ấy, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do đức Ānanda vào trong cung cấm trong khi đức vua Pasenadikosala cùng hoàng hậu còn ngự trên long sàn.

  • Lượm vật báu (ratana). Tỳ khưu thấy vật dụng của người thế rơi hoặc bỏ quên trong nơi nào, cho là vật làm rớt rồi tự mình hoặc bảo kẻ khác lượm lấy, phạm ưng đối trị, trừ ra vật ấy rơi hoặc bỏ quên trong chùa hoặc chỗ ở của mình, phải lượm cất cho chủ, nếu không lượm cất, phạm tác ác.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do một tỳ khưu đi tắm lượm được túi bạc đựng 500 lượng của người bà-la-môn. Bà-la-môn đã nhờ tỳ khưu cho túi bạc lại, rồi tính cáo gian rằng của tôi có đến 1000 lượng không phải chỉ 500 lượng đâu, bèn bắt tỳ khưu ấy rồi thả ra.

Chú giải: Tự mình lượm lấy hoặc bảo kẻ khác lượm lấy bạc vàng cho mình, phạm ưng đối trị. Cho tăng, cho tháp và cho vị khác, phạm tác ác. Dầu của cha mẹ rồi lượm cất như người giữ kho, phạm ưng đối trị. Nếu người thế nói: “xin ngài cất giùm vật này”, thì nên ngăn “không nên”. Nếu họ bất bình liệng vật ấy rồi bỏ đi, gọi là việc bận của tỳ khưu, tỳ khưu nên lượm cất.

Thợ mộc, hoặc người của nhà nước làm việc trong chùa, họ gởi vật chi hoặc gởi chỗ ở, xin cất giữ giùm cho, cũng chẳng nên vị mặt, sợ sệt, nên chỉ chỗ cất để cũng được. Dầu phía trong chùa hoặc phía trong chỗ ở hoặc trong nơi mà họ nghi, có lẽ tỳ khưu hay sa di lượm lấy vật rơi rớt trong chỗ như thế, nên tự mình hoặc bảo kẻ khác lượm lấy rồi làm dấu cất và nên nói: “Vật của người nào người ấy hãy vào lấy đi”. Nếu người vào đến, nên hỏi người ấy rằng “vật của ngươi làm mất ấy như thế nào”, nếu họ nói trúng thì nên cho họ, nói không trúng nên đáp “Ngươi hãy vào kiếm đi”. Nếu tỳ khưu đi khỏi nơi ấy, nên gởi cho vị khác đáng gởi, nếu không có vị như thế, nên gởi cho người cư sĩ đáng tin cậy, rồi ra đi được.

Tỳ khưu không đi khỏi chùa và không thấy chủ lại kiếm, nên lấy vật ấy dùng làm chỗ ở hoặc tháp, hoặc ao sen, là vật bền chắc. Nếu đã quá lâu ngày mà chủ lại đến, nên chỉ rõ vật bền chắc ấy, rồi nói “Ngươi nên hoan hỉ đi”. Nếu chủ không vui lòng, muốn đòi lại nên cho người khác lấy vật bền chắc ấy làm của họ, rồi huờn vật mà họ làm rơi trong chùa hoặc trong chỗ ở của mình ấy lại cho họ. Nếu không lượm cất, phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Vật rơi trong chỗ mà đức Phật cho phép lượm, tỳ khưu lượm cất vật có thể cất được, lượm vật ấy vì sự cần thiết, hoặc là vật mượn, hoặc lượm lấy cho là vật đã bỏ, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này phạm tội vì dạy người khác (sānattika), có 4 chi: không có cớ mà đức Phật cho phép (anuññātakāranaṃ); vật của người khác (parasantakatā); không phải lượm lấy vì cho là vật bỏ và mượn (vissāsagānakapālukulasaññānaṃ abhāvo); tự mình lượm hoặc bảo kẻ khác lượm (uggahanaṃ vā uggahāpanaṃ vā). Ðều đủ cả 4 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học làm mai dong (sañcaritta sikkhāpada).

  • Đi vào xóm sái giờ (vikālegāmappavesana).

Tỳ khưu không cho vị khác trong bọn hay mà đi vào xóm sái giờ phạm ưng đối trị, trừ ra có việc gấp, nhất là có rắn mổ tỳ khưu trong bọn.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư đi vào xóm sái giờ để nói chuyện vô ích làm cho thiên hạ chê trách.

Chú giải: Ra đi vào xóm bước đầu, phạm tác ác. Qua bước thứ nhì phạm ưng đối trị. Ăn trong nhà thiện tín hoặc trong nhà ăn rồi muốn đi vào xóm, nếu có tỳ khưu ngồi bên trái hoặc bên mặt cũng phải từ giã, bằng không có nên nghĩ rằng “không có” rồi đi. Khi đi ra đến đường dầu thấy tỳ khưu khác cũng phải từ giã bằng lời này “Tôi xin từ giã đi vào xóm trong lúc sái giờ” (vikalegāmappavesanam āpucchāmi), trong lúc sái giờ phạm ưng đối trị; trong giờ tưởng là sái giờ phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Biết là buổi sớm có việc gấp, hoặc có từ giã vị khác rồi đi, không có vị nào khác rồi đi, hoặc đi đến chùa mà phải qua xóm, hoặc đi đến chỗ ngụ của tỳ khưu ni, đi đến chỗ người tu ngoại đạo hoặc có tai hại, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika), có 3 chi: không từ giã tỳ khưu trong bọn (santambhikkhunī anāpucchā); không có cớ mà đức phật cho phép (anuññātakaraṇabhāvo); đi vào xóm sái giờ (vikālegāmappanesanaṃ). Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học lễ dâng y lần thứ nhất (pathamakathina), chỉ khác nhau là điều học này phạm tội vì làm và không làm (kiriyā kiriyā).

  • Làm ống đựng kim (sūcighana). Tỳ khưu làm ống đựng kim bằng xương, hoặc bằng ngà, bằng sừng, phạm ưng đối trị. Phải phá bỏ ống đựng kim ấy rồi sám hối rồi mới hết tội.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại tịnh xá Nigrodha gần thành Kapilavatthu, xứ “Thích Ca”, do chư sư xin rất nhiều ống đựng kim bằng ngà, thí chủ không rảnh làm việc để nuôi sanh mạng và vợ con, làm cho thiên hạ chê trách.

Thể thức không phạm tội: Làm ống đựng thuốc nhỏ mắt, cán dao, ống lược nước và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này phạm tội vì dạy người khác (sānattika) có 3 chi: ống đựng kim (sūcigharatā); làm, nhứt là bằng xương (atthima yāditā); tự mình làm hoặc bảo kẻ khác làm cho mình làm được (attano atthāya karanaṃ vā kārāpetvā vā paṭilābho). Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm tội ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna) như trong điều học làm mai dong (sancaritta sikkhāpada).

  • Làm giường (mañca). Tỳ khưu làm giường hoặc bàn nhỏ thấp dài, nên làm chân cao hơn hết là chừng 8 ngón tay[57] của đức Phật (kể từ dạ dưới giường trở xuống), nếu làm quá mực thước, phạm ưng đối trị. Phải cắt bỏ cho bằng hạn định rồi sám hối, mới hết tội (điều học này gọi là “chedanaka” như thế cũng được).

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī, do tỳ khưu Upananda làm giường cao quá hạn định.

Thể thức không phạm tội: Bảo họ làm cho vừa hạn định hoặc cao quá giới hạn rồi dạy họ cắt bỏ cho vừa và tỳ khưu điên đều không phạm tội. Có hai chi: giường hoặc bàn nhỏ dài cao quá giới hạn (pamānātikkantani añcapithatā); tự mình làm hoặc bảo kẻ khác làm cho mình, làm được (attano attāyakaranaṃ vā kārāpetvā vā paṭilābho). Ðều đủ cả 2 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna) ngoài ra, như trong điều học làm ống đựng kim (sūcighara sikkhāpada).

  • Làm giường có dồn gòn (tulonaddha). Tỳ khưu làm giường hoặc bàn nhỏ thấp dài có dồn gòn hoặc dồn bông, phạm ưng đối trị. Phải phá bỏ rồi sám hối mới hết tội.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī, do phe lục sư làm giường có dồn bông làm cho thiên hạ chê trách.

Thể thức không phạm tội: Trong các đồ trang sức, dây nịch lưng, áo bát, vải lược nước, gối có dồn bông không tội.

Ðiều học này phạm tội vì dạy người khác (sānattika), có 2 chi: giường hoặc bàn nhỏ thấp dài có dồn gòn (tulonaddhamañcapithatā); tự mình làm hoặc bảo kẻ khác làm cho mình, làm được (attano atthāyakaranaṃ vā kārādetvā vā paṭilābho). Ðều đủ cả 2 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

  • Làm tọa cụ (nisīdana).

Tỳ khưu làm tọa cụ để ngồi, nên làm theo hạn định là bề dài 2 gang, bề ngang một gang rưỡi, bìa 1 gang của đức Phật, nếu làm quá hạn định phạm ưng đối trị. Phải cắt bỏ cho bằng mực thước rồi sám hối mới hết tội.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư làm toạ cụ quá hạn định.

Thể thức không phạm tội: Làm cho vừa theo hạn định hoặc nhỏ hơn người khác làm cho, quá hạn định rồi cắt bỏ ra cho bằng và tỳ khưu điên đều không phạm tội. Có 2 chi: toạ cụ quá hạn định (nisīdanassapamānātikknatatā); tự mình làm hoặc bảo kẻ khác làm, làm được (attano atthāya karanaṃ vā karāpetvā patilābho). Ðều đủ cả 2 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna) như trong điều học trên.

  • Vải rịt ghẻ (gandappaticchādi). Tỳ khưu làm vải rịt ghẻ, nên làm cho đúng theo hạn định là bề dài 4 gang, bề ngang 2 gang của đức Phật. Nếu làm quá hạn định phạm ưng đối trị. Phải cắt bỏ cho bằng hạn định rồi sám hối mới hết tội.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī, do phe lục sư làm vải rịt ghẻ quá giới.

  • Làm y tắm mưa (vassikasātikā). Tỳ khưu làm y để tắm mưa, nên làm theo hạn định là: bề dài 6 gang, bề ngang 2 gang của đức Phật, nếu làm quá giới phạm ưng đối trị. Phải cắt bỏ cho đúng theo luật định, rồi sám hối mới hết tội.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư làm y tắm mưa quá giới.

  • Làm cà sa lớn (nanda). Tỳ khưu làm ca sa dài, lớn bằng cà sa của Phật phạm ưng đối trị. Ca sa của Phật có bề dài 9 gang, bề ngang 6 gang của đức Thế Tôn. Phải làm theo luật định là cắt cho vắn, cho nhỏ hơn ca sa của Phật, rồi sám hối mới hết tội. Ðiều học này gọi là Nandatthera cũng được.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do tỳ khưu Nanda (em của Phật) có tướng mạo rất đẹp (bề cao thấp hơn đức Phật 4 ngón), mặc ca sa lớn bằng ca sa của Phật, ở xa đi lại, chư tỳ khưu tưởng là đức Thiên Nhơn Sư, bèn sửa soạn đứng dậy tiếp nghinh, rõ lại không phải là đức Vô Thượng Sĩ, nên chê trách.

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app