Nội Dung Chính
TƯƠNG ƯNG BỘ III
CHƯƠNG I: TƯƠNG ƯNG UẨN
Liên kết: Pāḷi | Việt | Anh | Video t.Việt | Video t.Anh | Audio | PDF | Chú Giải Pāḷi | Phụ Chú Giải Pāḷi | Tìm hiểu thêm | Bài giảng khác
PHẨM THUYẾT PHÁP
113. Vô Minh (Hay Vị Tỷ-kheo)
Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn …
Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
: “Vô minh, vô minh”, bạch Thế Tôn, như vậy được nói đến. Bạch Thế Tôn, thế nào là vô minh? Cho đến như thế nào, một người là vô minh?
—Ở đây, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu không biết rõ sắc, không biết rõ sắc tập khởi, không biết rõ sắc đoạn diệt, không biết rõ con đường đưa đến sắc đoạn diệt, không biết rõ thọ … không biết rõ tưởng … không biết rõ các hành … không biết rõ con đường đưa đến thức đoạn diệt.
Này Tỷ-kheo, đây gọi là vô minh. Và cho đến như vậy, một người là vô minh.
114. Minh (Hay Vị Tỷ-kheo)
Nhân duyên ở Sāvatthi … Ngồi xuống một bên, vị Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
: “Minh, minh”, bạch Thế Tôn, như vậy được nói đến. Bạch Thế Tôn, như thế nào là minh? Cho đến như thế nào, một người là minh?
—Ở đây, này Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử biết rõ sắc, biết rõ sắc tập khởi, biết rõ sắc đoạn diệt, biết rõ con đường đưa đến sắc đoạn diệt.
… biết rõ thọ … biết rõ tưởng … biết rõ các hành … biết rõ con đường đưa đến thức đoạn diệt.
Này Tỷ-kheo, đây gọi là minh. Và cho đến như vậy, một người là minh.
115. Vị Thuyết Pháp
Sau khi ngồi xuống, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
: “Vị thuyết pháp, vị thuyết pháp”, bạch Thế Tôn, như vậy được nói đến. Cho đến như thế nào, được gọi là vị thuyết pháp?
—Nếu Tỷ-kheo thuyết pháp về sự nhàm chán, ly tham, đoạn diệt đối với sắc; như vậy là vừa đủ để được gọi là Tỷ-kheo thuyết pháp. Nếu Tỷ-kheo đi vào thực hành sự nhàm chán, ly tham, đoạn diệt đối với sắc; như vậy là vừa đủ để được gọi là Tỷ-kheo thực hành pháp tùy pháp. Nếu Tỷ-kheo do nhàm chán, ly tham, đoạn diệt đối với sắc, được giải thoát, không có chấp thủ; như vậy là vừa đủ để được gọi là Tỷ-kheo đã đạt được Niết-bàn ngay trong hiện tại.
Nếu Tỷ-kheo đối với thọ … Nếu Tỷ-kheo đối với tưởng … Nếu Tỷ-kheo đối với các hành …
Nếu Tỷ-kheo thuyết pháp về sự nhàm chán, ly tham, đoạn diệt đối với thức; như vậy là vừa đủ để được gọi là Tỷ-kheo thuyết pháp. Nếu Tỷ-kheo đi vào thực hành sự nhàm chán, ly tham, đoạn diệt đối với thức; như vậy là vừa đủ để được gọi là Tỷ-kheo thực hành pháp tùy pháp. Nếu Tỷ-kheo do nhàm chán, ly tham, đoạn diệt đối với thức, được giải thoát không có chấp thủ; như vậy là vừa đủ để được gọi là Tỷ-kheo đã đạt được Niết-bàn ngay trong hiện tại.
116. Vị Thuyết Pháp
Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
: “Vị thuyết pháp, vị thuyết pháp”, bạch Thế Tôn, như vậy được nói đến. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, được gọi là vị thuyết pháp? Cho đến như thế nào, được gọi là vị thực hành pháp tùy pháp? Cho đến như thế nào, được gọi là vị đã đạt đến Niết-bàn ngay trong hiện tại?
—Nếu Tỷ-kheo thuyết pháp về sự nhàm chán, ly tham, đoạn diệt đối với sắc; như vậy là vừa đủ để được gọi là Tỷ-kheo thuyết pháp. Nếu Tỷ-kheo đi vào thực hành sự nhàm chán, ly tham, đoạn diệt đối với sắc; như vậy là vừa đủ để được gọi là Tỷ-kheo thực hành pháp tùy pháp. Nếu Tỷ-kheo do nhàm chán, ly tham, đoạn diệt đối với sắc, được giải thoát, không có chấp thủ; như vậy là vừa đủ để được gọi là Tỷ-kheo đã đạt được Niết-bàn ngay trong hiện tại.
Nếu Tỷ-kheo đối với thọ … đối với tưởng … đối với các hành …
Nếu Tỷ-kheo thuyết pháp về sự nhàm chán, ly tham, đoạn diệt đối với thức; như vậy là vừa đủ để được gọi là Tỷ-kheo thuyết pháp. Nếu Tỷ-kheo đi vào thực hành sự nhàm chán, ly tham, đoạn diệt đối với thức; như vậy là vừa đủ để được gọi là Tỷ-kheo thực hành pháp tùy pháp. Nếu Tỷ-kheo do nhàm chán, ly tham, đoạn diệt đối với thức, được giải thoát, không có chấp thủ; như vậy là vừa đủ để được gọi là Tỷ-kheo đã đạt được Niết-bàn ngay trong hiện tại.
117. Trói Buộc
—Ở đây, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu không thấy rõ các bậc Thánh … không tu tập pháp các bậc Chân nhân, quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là kẻ vô văn phàm phu, bị trói buộc bởi các trói buộc của sắc, bị trói buộc bởi các trói buộc nội ngoại, kẻ không thấy bờ bên này, kẻ không thấy bờ bên kia, khi sanh bị trói buộc, khi chết bị trói buộc, khi đi từ đời này qua đời khác bị trói buộc.
… quán thọ … quán tưởng … quán các hành …
Ở đây, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu không thấy rõ các bậc Thánh … không tu tập pháp các bậc Chân nhân, quán thức như là tự ngã, tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là kẻ vô văn phàm phu, bị trói buộc bởi các trói buộc của thức, bị trói buộc bởi các trói buộc của nội ngoại, kẻ không thấy bờ bên này, kẻ không thấy bờ bên kia, khi sanh bị trói buộc, khi chết bị trói buộc, khi đi từ đời này qua đời khác bị trói buộc.
Còn vị Ða văn Thánh đệ tử, này các Tỷ-kheo, thấy rõ các bậc Thánh … tu tập pháp các bậc Chân nhân, không quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là vị Ða văn Thánh đệ tử, không bị trói buộc bởi các trói buộc của sắc, không bị trói buộc bởi các trói buộc nội ngoại, vị đã thấy bờ bên này, vị đã thấy bờ bên kia. Ta nói, vị ấy được giải thoát hoàn toàn khỏi đau khổ.
… Ðối với thọ … với tưởng … với các hành …
… không quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Vị như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là vị Ða văn Thánh đệ tử, không bị trói buộc bởi sự trói buộc của thức, không bị trói buộc bởi sự trói buộc nội ngoại; vị đã thấy bờ bên này, đã thấy bờ bên kia. Ta nói, vị ấy đã giải thoát hoàn toàn khỏi đau khổ.
118. Giải Thoát
—Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo? Các Ông có quán sắc: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?
—Thưa không, bạch Thế Tôn.
—Lành thay! Này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải như thật quán với chánh trí tuệ: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.
… các Ông có quán thức: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?
—Thưa không, bạch Thế Tôn.
—Lành thay! Này các Tỷ-kheo, các Ông phải như thật quán thức với chánh trí tuệ: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.
Do thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị ấy biết rõ: ” … không còn trở lui trạng thái này nữa”.
119. Giải Thoát
—Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, các Ông có quán sắc: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”?
—Thưa có, bạch Thế Tôn.
—Lành thay! Này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải như thật quán sắc với chánh trí tuệ: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.
… các Ông có quán thức: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”?
—Thưa có, bạch Thế Tôn.
—Lành thay! Này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải như thật quán thức với chánh trí tuệ: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.
Do thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị ấy biết rõ: ” … không còn trở lui trạng thái này nữa”.
120. Kiết Sử
—Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết cho các Ông về các pháp bị trói buộc và sự trói buộc. Hãy lắng nghe.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp bị trói buộc? Thế nào là sự trói buộc? Sắc, này các Tỷ-kheo, là pháp bị trói buộc. Dục và tham đối với sắc là sự trói buộc của sắc.
Thức, này các Tỷ-kheo, là pháp bị trói buộc. Dục và tham đối với thức là sự trói buộc của thức.
Này các Tỷ-kheo, các pháp này, này các Tỷ-kheo, được gọi là các pháp bị trói buộc. Ðây là sự trói buộc.
121. Chấp Thủ
—Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết giảng cho các Ông về các pháp bị chấp thủ và sự chấp thủ. Hãy lắng nghe.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp bị chấp thủ? Thế nào là sự chấp thủ? Sắc, này các Tỷ-kheo, là pháp bị chấp thủ. Dục và tham đối với sắc là sự chấp thủ đối với sắc.
Thức, này các Tỷ-kheo, là pháp bị chấp thủ. Dục và tham đối với thức là sự chấp thủ đối với thức.
Này các Tỷ-kheo, các pháp này, được gọi là các pháp bị chấp thủ. Ðây là sự chấp thủ.
122. Vị Giữ Giới
Một thời, Tôn giả Sāriputta (Xá-lợi-phất) và Tôn giả Mahà Kotthika trú ở Bārānasī (Ba-la-nại), tại Isipatana (Chư Tiên đọa xứ), vườn Lộc Uyển.
Rồi Tôn giả Mahà Kotthika, vào buổi chiều, từ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến Tôn giả Sāriputta … thưa như sau:
—Thưa Hiền giả Sāriputta, những pháp gì Tỷ-kheo giữ giới cần phải như lý tác ý?
—Này Hiền giả Kotthika, Tỷ-kheo giữ giới cần phải như lý tác ý năm thủ uẩn là vô thường, khổ, bệnh hoạn, ung nhọt, mũi tên, bất hạnh, ốm đau, người lạ, hủy hoại, rỗng không, vô ngã.
Thế nào là năm? Tức là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn. Này Hiền giả Kotthika, vị Tỷ-kheo giữ giới cần phải như lý tác ý năm thủ uẩn là vô thường, khổ, bệnh hoạn, ung nhọt, mũi tên, bất hạnh, ốm đau, người lạ, hủy hoại, rỗng không, vô ngã.
Này Hiền giả, sự kiện này xảy ra: Tỷ-kheo giữ giới do như tác ý năm thủ uẩn này là vô thường … vô ngã, có thể chứng được quả Dự lưu.
—Với Tỷ-kheo đã chứng quả Dự lưu, này Hiền giả Sāriputta, những pháp gì cần phải như lý tác ý?
—Với Tỷ-kheo đã chứng quả Dự lưu, này Hiền giả Kotthika, cần phải như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường … vô ngã. Sự kiện này có thể xảy ra, này Hiền giả, Tỷ-kheo Dự lưu, do như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường … vô ngã, có thể chứng được quả Nhứt lai.
—Nhưng Tỷ-kheo Nhứt lai, này Hiền giả Sāriputta, phải như lý tác ý các pháp gì?
—Tỷ-kheo Nhứt lai, này Hiền giả Kotthika, phải như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường … vô ngã. Sự kiện này có thể xảy ra, này Hiền giả, Tỷ-kheo Nhứt lai, do như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường … vô ngã, có thể chứng được quả Bất lai.
—Nhưng Tỷ-kheo Bất lai, này Hiền giả Sāriputta, cần phải như lý tác ý những pháp gì?
—Tỷ-kheo Bất lai, này Hiền giả Kotthika, cần phải như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường … vô ngã. Sự kiện này có thể xảy ra, này Hiền giả, Tỷ-kheo Bất lai, do như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường … vô ngã, có thể chứng được quả A-la-hán.
—Nhưng vị A-la-hán, này Hiền giả Sāriputta, cần phải như lý tác ý các pháp gì?
—Vị A-la-hán, này Hiền giả Kotthika, cần phải như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường, khổ, bệnh hoạn, ung nhọt, mũi tên, bất hạnh, ốm đau, người lạ, hủy hoại, rỗng không, vô ngã.
Với vị A-la-hán, này Hiền giả, không có gì phải làm nữa, hay không có phải thêm gì nữa trong công việc làm. Nhưng sự tu tập, làm cho sung mãn những pháp này sẽ đưa đến hiện tại lạc trú và chánh niệm tỉnh giác.
123. Vị Có Nghe
(Hoàn toàn như kinh trước, chỉ thay thế vị có nghe cho vị giữ giới ).
124. Kappa
Rồi Tôn giả Kappa đi đến Thế Tôn …
Ngồi xuống một bên, Tôn giả Kappa bạch Thế Tôn:
—Do biết như thế nào, do thấy như thế nào, bạch Thế Tôn, đối với thân có thức này và đối với tất cả tướng ở ngoài, lại không có (tư tưởng) ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn?
—Phàm có sắc gì, này Kappa, thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc thắng hay liệt, hoặc xa hay gần; tất cả sắc ấy cần phải như thật quán với chánh trí tuệ là: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.
Phàm có thọ gì … tưởng gì … các hành gì …
Phàm có thức gì, này Kappa, thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; tất cả thức cần phải như quán với chánh trí tuệ là: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.
Do biết như vậy, do thấy như vậy, này Kappa, đối với thân có thức này, và đối với tất cả tướng ở ngoài, không có (tư tưởng) ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn.
125. Kappa
Ngồi xuống một bên, Tôn giả Kappa bạch Thế Tôn:
—Do biết như thế nào, thấy như thế nào, bạch Thế Tôn, đối với thân có thức này và đối với tất cả tướng ở ngoài, tâm ý không còn các tư tưởng ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn, vượt qua kiêu mạn, tịch tịnh, khéo giải thoát?
—Phàm có sắc gì, này Kappa, thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại … tất cả sắc, sau khi như thật quán với chánh trí tuệ là: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”, được giải thoát, không có chấp thủ.
Phàm có thọ gì … tưởng … các hành …
Phàm có thức gì, này Kappa, thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; tất cả thức, sau khi như thật quán với chánh trí tuệ là: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”, được giải thoát, không có chấp thủ.
Do biết như vậy, thấy như vậy, này Kappa, đối với thân có thức này, và trong tất cả tướng ở ngoài, tâm ý không có các tư tưởng ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn, vượt qua kiêu mạn, tịch tịnh, khéo giải thoát.
—-
Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Tương Ưng Bộ III“, Ngài Thích Minh Châu Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Tương Ưng Bộ III” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Ngài Thích Minh Châu
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda