Tương Ưng Bộ Iii – Chương I: Tương Ưng Uẩn – Phẩm Gánh Nặng

TƯƠNG ƯNG BỘ III

CHƯƠNG I: TƯƠNG ƯNG UẨN

Liên kết: Pāḷi | Việt | Anh | Video t.Việt | Video t.Anh | Audio | PDF | Chú Giải Pāḷi | Phụ Chú Giải Pāḷi | Tìm hiểu thêm | Bài giảng khác

PHẨM GÁNH NẶNG

22. Gánh Nặng

Sāvatthi

—Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông về gánh nặng, mang gánh nặng lên, đặt gánh nặng xuống. Hãy nghe và khéo suy nghiệm, Ta sẽ giảng.

Này các Tỷ-kheo, thế nào là gánh nặng? Năm thủ uẩn là câu trả lời. Thế nào là năm? Sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là gánh nặng.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là kẻ mang gánh nặng? Người là câu trả lời. Vị Tôn giả này có tên như thế này, dòng họ như thế này. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là kẻ mang gánh nặng!

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là mang gánh nặng lên? Chính là tham ái này đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, đi tìm hỷ lạc chỗ này, chỗ kia. Tức là dục ái, hữu ái, phi hữu ái. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là mang gánh nặng lên.

Này các Tỷ-kheo, thế nào là đặt gánh nặng xuống? Ðây là sự ly tham, đoạn diệt ái ấy một cách hoàn toàn, sự từ bỏ, sự xả ly, sự giải thoát, sự không chấp thủ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đặt gánh nặng xuống.

Thế Tôn thuyết như vậy, Thiện Thệ nói như vậy xong, bậc Ðạo Sư lại nói thêm:

Năm uẩn là gánh nặng,
Kẻ gánh nặng là người;
Mang lấy gánh nặng lên,
Chính là khổ ở đời.
Còn đặt gánh nặng xuống,
Tức là lạc, không khổ,
Ðặt gánh nặng xuống xong,
Không mang thêm gánh khác.
Nếu nhổ khát ái lên,
Tận cùng đến gốc rễ,
Không còn đói và khát,
Ðược giải thoát tịnh lạc!

23. Liễu Tri (Parinna)

(Tạp 3.22 Trì Pháp. Ðại 2,19a)

Nhân duyên ở Sāvatthi

—Và này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết những pháp cần phải liễu tri, phải được liễu tri. Hãy nghe và khéo suy nghiệm, Ta sẽ nói …

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp cần phải liễu tri? Sắc, này các Tỷ-kheo, là pháp cần phải liễu tri, thọ là pháp cần phải liễu tri, tưởng là pháp cần phải liễu tri, các hành là pháp cần phải liễu tri, thức là pháp cần phải liễu tri. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là những pháp cần phải liễu tri.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là liễu tri? Này các Tỷ-kheo, sự đoạn tận tham, sự đoạn tận sân, sự đoạn tận si, này các Tỷ-kheo, được gọi là liễu tri.

24. Thắng Tri

Nhân duyên tại Sāvatthi

—Này các Tỷ-kheo, do không thắng tri sắc, không liễu tri, không ly tham, không từ bỏ, nên không có thể đoạn tận khổ.

Này các Tỷ-kheo, do không thắng tri thọ …

Này các Tỷ-kheo, do không thắng tri tưởng … không thắng tri các hành …

Này các Tỷ-kheo, do không thắng tri thức, không liễu tri, không ly tham, không từ bỏ, nên không có thể đoạn tận khổ.

Này các Tỷ-kheo, do thắng tri sắc, liễu tri, ly tham, từ bỏ, nên có thể đoạn tận khổ.

Này các Tỷ-kheo, do thắng tri thọ … thắng tri tưởng … thắng tri các hành …

Này các Tỷ-kheo, do thắng tri thức, liễu tri, ly tham, từ bỏ, nên có thể đoạn tận khổ.

25. Dục Tham

Nhân duyên ở Sāvatthi

—Dục và tham (chandaràga) đối với sắc, này các Tỷ-kheo, hãy từ bỏ nó. Như vậy, sắc ấy sẽ được đoạn trừ, nhổ tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai.

Dục và tham đối với thọ, này các Tỷ-kheo, hãy từ bỏ nó. Như vậy, thọ ấy sẽ được đoạn trừ, nhổ tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai.

Dục và tham đối với tưởng …

Dục và tham đối với các hành …

Dục và tham đối với thức, này các Tỷ-kheo, hãy từ bỏ nó. Như vậy, thức ấy sẽ được đoạn trừ, nhổ tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai.

26. Vị Ngọt

Nhân duyên ở Sāvatthi

—Này các Tỷ-kheo, trước khi Ta giác ngộ, chưa chứng Chánh Ðẳng Giác, còn là Bồ-tát, Ta suy nghĩ như sau:

“Cái gì là vị ngọt, cái gì là sự nguy hiểm, cái gì là sự xuất ly của sắc? Cái gì là vị ngọt, cái gì là sự nguy hiểm, cái gì là sự xuất ly của thọ? Cái gì là vị ngọt, cái gì là sự nguy hiểm, cái gì là sự xuất ly của tưởng? Cái gì là vị ngọt, cái gì là sự nguy hiểm, cái gì là sự xuất ly của các hành? Cái gì là vị ngọt, cái gì là sự nguy hiểm, cái gì là sự xuất ly của thức?”

Rồi này các Tỷ-kheo, Ta suy nghĩ như sau:

“Do duyên sắc, lạc hỷ sanh; cái ấy gọi là vị ngọt của sắc. Sự vô thường, đau khổ, chịu sự biến hoại của sắc; cái ấy gọi là sự nguy hiểm của sắc. Sự nhiếp phục dục và tham đối với sắc, sự đoạn tận dục và tham; cái ấy là xuất ly của sắc”.

“Do duyên thọ, lạc hỷ sanh.”.

“Do duyên tưởng, lạc hỷ sanh.”.

“Do duyên các hành, lạc hỷ sanh; cái ấy gọi là vị ngọt của các hành. Sự vô thường, đau khổ, chịu sự biến hoại của các hành; cái ấy gọi là sự nguy hiểm của các hành. Sự nhiếp phục dục và tham đối với hành, sự đoạn tận dục và tham; cái ấy là sự xuất ly của các hành”.

“Do duyên thức, lạc hỷ sanh; cái ấy gọi là vị ngọt của thức. Sự vô thường, đau khổ, chịu sự biến hoại của thức; cái ấy gọi là sự nguy hiểm của thức. Sự nhiếp phục dục và tham đối với thức, sự đoạn tận dục và tham; cái ấy là sự xuấy ly của thức”.

Này các Tỷ-kheo, cho đến khi nào đối với năm thủ uẩn này, Ta chưa như thật thắng tri vị ngọt là vị ngọt, nguy hiểm là nguy hiểm, xuất ly là xuất ly, thời này các Tỷ-kheo, Ta không tuyên bố rằng Ta đã giác ngộ vô thượng Chánh Ðẳng Giác đối với thế giới gồm có Thiên, Ma, Phạm thiên, đối với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người.

Nhưng này các Tỷ-kheo, khi nào đối với năm thủ uẩn này, Ta như thật thắng tri vị ngọt là vị ngọt, nguy hiểm là nguy hiểm, xuất ly là xuất ly, thời này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng Ta đã giác ngộ vô thượng Chánh Ðẳng Giác đối với thế giới gồm có Thiên, Ma, Phạm thiên, đối với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người.

Và tri kiến như sau khởi lên nơi Ta:

“Tâm Ta giải thoát, bất động. Ðây là đời sống cuối cùng, nay không còn tái sanh nữa”.

27. Vị Ngọt

Nhân duyên ở Sāvatthi

—Này các Tỷ-kheo, Ta đã đi tìm cầu vị ngọt của sắc. Vị ngọt của sắc là gì, Ta đã chứng đắc. Vị ngọt của sắc như thế nào, Ta đã khéo thấy với trí tuệ.

Này các Tỷ-kheo, Ta đã đi tìm cầu sự nguy hiểm của sắc. Sự nguy hiểm của sắc là gì, Ta đã chứng đắc. Sự nguy hiểm của sắc như thế nào, Ta đã khéo thấy với trí tuệ.

Này các Tỷ-kheo, Ta đã đi tìm cầu sự xuất ly của sắc. Sự xuất ly của sắc là gì, Ta đã chứng đắc. Sự xuất ly của sắc như thế nào, Ta đã khéo thấy với trí tuệ.

Này các Tỷ-kheo, Ta đi tìm cầu vị ngọt của thọ …

Này các Tỷ-kheo, Ta đã đi tìm cầu vị ngọt của tưởng …

Này các Tỷ-kheo, Ta đã đi tìm cầu vị ngọt của các hành …

Này các Tỷ-kheo, Ta đã đi tìm cầu vị ngọt của thức. Vị ngọt của thức là gì, Ta đã chứng đắc. Vị ngọt của thức như thế nào, Ta đã khéo thấy với trí tuệ.

Này các Tỷ-kheo, Ta đã đi tìm cầu sự nguy hiểm của thức. Nguy hiểm của thức là gì, Ta đã chứng đắc. Nguy hiểm của thức như thế nào, Ta đã khéo thấy với trí tuệ.

Này các Tỷ-kheo, Ta đã đi tìm cầu sự xuất ly của thức. Xuất ly của thức là gì, Ta đã chứng đắc. Xuất ly của thức như thế nào, Ta đã khéo thấy với trí tuệ.

Này các Tỷ-kheo, cho đến khi nào đối với năm thủ uẩn này, Ta chưa như thật biết vị ngọt là vị ngọt, nguy hiểm là sự nguy hiểm, xuất ly là xuất ly, thời này các Tỷ-kheo, Ta không tuyên bố rằng … Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người.

Và tri kiến như sau khởi lên nơi Ta: “Tâm Ta giải thoát, bất động. Ðây là đời sống cuối cùng, nay không còn tái sanh nữa”.

28. Vị Ngọt

Nhân duyên tại Sāvatthi

—Này các Tỷ-kheo, nếu không có vị ngọt của sắc, thời các loài hữu tình không có tham đắm đối với sắc. Và vì rằng, này các Tỷ-kheo, có vị ngọt của sắc cho nên các loài hữu tình có tham đắm đối với sắc.

—Này Tỷ-kheo, nếu không có sự nguy hiểm của sắc, thời các loài hữu tình không có yếm ly đối với sắc. Và vì rằng, này các Tỷ-kheo, có sự nguy hiểm của sắc cho nên các loài hữu tình có yếm ly đối với sắc.

Này các Tỷ-kheo, nếu không có sự xuất ly đối với sắc, thời các loài hữu tình không có xuất ly đối với sắc. Và vì rằng, này các Tỷ-kheo, có sự xuất ly của sắc cho nên các loài hữu tình có sự xuất ly đối với sắc.

Này các Tỷ-kheo, nếu không có vị ngọt của thọ …

Này các Tỷ-kheo, nếu không có vị ngọt của tưởng …

Này các Tỷ-kheo, nếu không có vị ngọt của các hành …

Này các Tỷ-kheo, nếu không có vị ngọt của thức, thời các loài hữu tình không có tham đắm đối với thức. Và vì rằng, này các Tỷ-kheo, có vị ngọt của thức cho nên các loài hữu tình có tham đắm đối với thức.

Này các Tỷ-kheo, nếu không có sự nguy hiểm của thức, thời các loài hữu tình không có xuất ly đối với thức. Và vì rằng, này các Tỷ-kheo, có sự nguy hiểm đối với thức cho nên các loài hữu tình có yếm ly đối với thức.

Này các Tỷ-kheo, nếu không có sự xuất ly đối với thức, thời các loài hữu tình không có xuất ly đối với thức. Và vì rằng, này các Tỷ-kheo, có sự xuất ly đối với thức cho nên các loài hữu tình có xuất ly đối với thức.

Này các Tỷ-kheo, khi nào các loài hữu tình đối với năm thủ uẩn này không như thật thắng tri vị ngọt là vị ngọt, nguy hiểm là nguy hiểm, xuất ly là xuất ly, thời các loài hữu tình ấy, này các Tỷ-kheo, với thế giới chư Thiên, Ma, Phạm thiên, với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, với chư Thiên và loài Người, không thể sống xuất ly, thoát sự liên hệ, giải thoát, với tâm tự tại.

Và này các Tỷ-kheo, khi nào các loài hữu tình đối với năm thủ uẩn này, như thật thắng tri vị ngọt là vị ngọt, nguy hiểm là nguy hiểm, xuất ly là xuất ly, thời các loài hữu tình ấy, này các Tỷ-kheo, với thế giới chư Thiên, Ma, Phạm thiên, với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, với chư Thiên và loài Người, có thể sống xuất ly, thoát sự liên hệ, giải thoát, với tâm tự tại.

29. Hoan Hỷ

Nhân duyên ở Sāvatthi

—Này các Tỷ-kheo, ai hoan hỷ sắc, người ấy hoan hỷ khổ. Ai hoan hỷ khổ, Ta nói, người ấy không giải thoát khỏi khổ.

Này các Tỷ-kheo, ai hoan hỷ thọ …

Này các Tỷ-kheo, ai hoan hỷ tưởng …

Này các Tỷ-kheo, ai hoan hỷ các hành …

Này các Tỷ-kheo, ai hoan hỷ thức, người ấy hoan hỷ khổ. Ai hoan hỷ khổ, Ta nói, người ấy không giải thoát khỏi khổ.

Và này các Tỷ-kheo, ai không hoan hỷ sắc, người ấy không hoan hỷ khổ. Ai không hoan hỷ khổ, Ta nói, người ấy giải thoát khỏi khổ.

Và này các Tỷ-kheo, ai không hoan hỷ thọ …

Và này các Tỷ-kheo, ai không hoan hỷ tưởng …

Và này các Tỷ-kheo, ai không hoan hỷ các hành …

Và này các Tỷ-kheo, ai không hoan hỷ thức, người ấy không hoan hỷ khổ. Ai không hoan hỷ khổ, Ta nói, người ấy giải thoát khỏi khổ.

30. Sanh Khởi

Nhân duyên ở Sāvatthi

—Này các Tỷ-kheo, cái gọi là sắc sanh, trú, khởi, hiện hữu; cái ấy là khổ sanh, bệnh tật trú, già chết hiện hữu.

Này các Tỷ-kheo, cái gọi là thọ sanh, trú, khởi, hiện hữu … tưởng sanh, trú, khởi, hiện hữu … các hành sanh, trú, khởi, hiện, hữu …

Này các Tỷ-kheo, cái gọi là thức sanh, trú, khởi, hiện hữu; cái ấy gọi là khổ sanh, bệnh tật trú, già chết hiện hữu.

Này các Tỷ-kheo, cái gọi là sắc đoạn diệt, an chỉ, biến mất; cái ấy gọi là khổ đoạn diệt, bệnh tật an chỉ, già chết biến mất.

Này các Tỷ-kheo, cái gọi là thọ đoạn diệt … tưởng đoạn diệt … các hành đoạn diệt …

Này các Tỷ-kheo, cái gọi là thức đoạn diệt, an chỉ, biến mất; cái ấy là khổ đoạn diệt, bệnh tật an chỉ, già chết biến mất.

31. Cội Gốc Của Ðau Khổ

Nhân duyên ở Sāvatthi

—Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết về đau khổ và cội gốc của đau khổ. Hãy lắng nghe …

Này các Tỷ-kheo, thế nào là đau khổ? Sắc, này các Tỷ-kheo, là đau khổ; thọ là đau khổ; tưởng là đau khổ; các hành là đau khổ; thức là đau khổ. Ðây, này các Tỷ-kheo, gọi là đau khổ.

Này các Tỷ-kheo, thế nào là cội gốc của đau khổ? Chính là khát ái này hướng tới tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này, chỗ kia; tức là dục ái, hữu ái, phi hữu ái.

32. Hoại Pháp

Nhân duyên ở Sāvatthi

—Và này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết về hoại pháp và bất hoại pháp. Hãy lắng nghe …

Và này các Tỷ-kheo, cái gì là hoại pháp? Cái gì là bất hoại pháp?

Sắc, này các Tỷ-kheo, là hoại pháp. Sự đoạn diệt của sắc ấy, sự an chỉ, biến mất là bất hoại pháp.

Thọ, này các Tỷ-kheo, là hoại pháp …

Tưởng, này các Tỷ-kheo, là hoại pháp …

Hành, này các Tỷ-kheo, là hoại pháp …

Thức, này các Tỷ-kheo, là hoại pháp. Sự đoạn diệt của thức ấy, sự an chỉ, biến mất là bất hoại pháp.

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Tương Ưng Bộ III“, Ngài Thích Minh Châu Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Tương Ưng Bộ III” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Ngài Thích Minh Châu
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

* Thuộc TƯƠNG ƯNG BỘ III - TẠNG KINH - TAM TẠNG TIPITAKA | Dịch Việt: Ngài Thích Minh Châu
Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app