Tương Ưng Bộ Iii – Chương I: Tương Ưng Uẩn – Phẩm Không Phải Của Các Ông

TƯƠNG ƯNG BỘ III

CHƯƠNG I: TƯƠNG ƯNG UẨN

Liên kết: Pāḷi | Việt | Anh | Video t.Việt | Video t.Anh | Audio | PDF | Chú Giải Pāḷi | Phụ Chú Giải Pāḷi | Tìm hiểu thêm | Bài giảng khác

PHẨM KHÔNG PHẢI CỦA CÁC ÔNG

33. Không Phải Của Các Ông

Nhân duyên ở Sāvatthi

—Này các Tỷ-kheo, cái gì không phải của các Ông, hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông.

Này các Tỷ-kheo, cái gì không phải của các Ông?

Sắc, này các Tỷ-kheo, không phải của các Ông, hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông.

Thọ, này các Tỷ-kheo, không phải của các Ông, hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông.

Tưởng, này các Tỷ-kheo …

Các hành, này các Tỷ-kheo …

Thức, này các Tỷ-kheo, không phải của các Ông, hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông.

Ví như, này các Tỷ-kheo, có người mang lại cỏ, củi, cành cây, lá của Jetavana này, và đốt chúng hay tùy theo duyên sử dụng chúng. Các Ông có nghĩ rằng: “Người ấy mang chúng tôi, hay đốt, hay tùy theo duyên sử dụng chúng tôi”?

—Thưa không, bạch Thế Tôn. Vì sao như vậy? Vì cái ấy không phải chúng con. Bạch Thế Tôn, cái ấy không phải thuộc tự ngã của chúng con.

—Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, sắc không phải của các Ông, hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông. Thọ không phải của các Ông … Tưởng không phải của các Ông. Các hành không phải của các Ông … Thức không phải của các Ông, hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông.

34. Không Phải Của Các Ông

Nhân duyên ở Sàavatthi …

—Cái gì không phải của các Ông, này các Tỷ-kheo, hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông.

Này các Tỷ-kheo, cái gì không phải của các Ông?

Sắc, này các Tỷ-kheo, không phải của các Ông, hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông.

Thọ, này các Tỷ-kheo, không phải của các Ông … Tưởng, này các Tỷ-kheo … Các hành, này các Tỷ-kheo …

Thức, này các Tỷ-kheo, không phải của Ông, hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông.

35. Tỷ Kheo

Nhân duyên ở Sāvatthi.

[I]

Rồi một vị Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

—Lành thay, bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp vắn tắt cho con! Sau khi nghe Thế Tôn thuyết pháp, con sẽ sống một mình, tịnh cư, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.

—Này Tỷ-kheo, cái gì người ta thiên chấp tùy miên, người ta sẽ được xưng danh tùy theo thiên chấp tùy miên ấy. Cái gì người ta không thiên chấp tùy miên, người ta sẽ không được xưng danh tùy theo thiên chấp tùy miên ấy.

—Bạch Thế Tôn, con đã hiểu. Bạch Thiện Thệ, con đã hiểu.

—Như thế nào, này Tỷ-kheo, Ông hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi điều Ta nói một cách vắn tắt?

—Bạch Thế Tôn, nếu thiên chấp sắc, do thiên chấp ấy được xưng danh. Nếu thiên chấp thọ, do thiên chấp ấy được xưng danh. Nếu thiên chấp tưởng, do thiên chấp ấy được xưng danh. Nếu thiên chấp các hành, do thiên chấp ấy được xưng danh. Nếu thiên chấp thức, do thiên chấp ấy được xưng danh.

Bạch Thế Tôn, nếu không thiên chấp sắc, không do thiên chấp ấy được xưng danh. Nếu không thiên chấp thọ … Nếu không thiên chấp tưởng … Nếu không thiên chấp hành … Nếu không thiên chấp thức, không do thiên chấp ấy được xưng danh. Bạch Thế Tôn, với lời nói vắn tắt này của Thế Tôn, con hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy.

—Lành thay, lành thay, Tỷ-kheo! Lành thay, với lời nói vắn tắt này của Ta, Ông đã hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy. Nếu thiên chấp sắc, do thiên chấp ấy được xưng danh. Nếu thiên chấp thọ … Nếu thiên chấp tưởng … Nếu thiên chấp các hành … Nếu thiên chấp thức, do thiên chấp ấy được xưng danh. Này Tỷ-kheo, nếu không thiên chấp sắc, không do thiên chấp ấy được xưng danh … Nếu không thiên chấp thọ … Nếu không thiên chấp tưởng … Nếu không thiên chấp các hành … Nếu không thiên chấp thức, không do thiên chấp ấy được xưng danh. Với lời nói vắn tắt này của Ta, này Tỷ-kheo, Ông cần phải hiểu một cách rộng rãi như vậy.

Rồi Tỷ-kheo ấy, sau khi hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn thuyết, từ chỗ ngồi đứng dậy, thân phía hữu hướng về Ngài rồi ra đi.

[II]

Rồi Tỷ-kheo ấy sống một mình, tịnh cư, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, không bao lâu chứng được mục đích mà con nhà lương gia chân chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình hướng đến: Ðó là vô thượng cứu cánh Phạm hạnh. Vị ấy ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú. Vị ấy biết: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”.

Và vị Tỷ-kheo ấy trở thành một vị A-la-hán nữa.

36. Vị Tỷ Kheo

Nhân duyên ở Sāvatthi

Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn … ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

—Bạch Thế Tôn, lành thay, nếu Thế Tôn thuyết pháp một cách vắn tắt cho con. Sau khi nghe Thế Tôn thuyết pháp, con sẽ sống một mình, tịnh cư, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.

—Này Tỷ-kheo, cái gì người ta thiên chấp (anuseti), cái ấy người ta được đo lường (anopuyti). Cái gì người ta được đo lường, cái ấy người ta được xưng danh (sankham gacchati). Cái gì người ta không thiên chấp, cái ấy người ta không được đo lường. Cái gì người ta không được đo lường, cái ấy người ta không được xưng danh.

—Con đã hiểu, bạch Thế Tôn. Con đã hiểu, bạch Thiện Thệ.

—Lời nói vắn tắt này của Ta, này Tỷ-kheo, Ông đã hiểu một cách rộng rãi như thế nào?

—Nếu thiên chấp sắc, bạch Thế Tôn, với sắc, người ta được đo lường. Với cái gì người ta được đo lường, với cái ấy, người ta được xưng danh. Nếu thiên chấp thọ … Nếu thiên chấp tưởng … Nếu thiên chấp các hành … Nếu thiên chấp thức, với thức, người ta được đo lường. Với cái gì người ta được đo lường, với cái ấy, người ta được xưng danh.

Nếu không thiên chấp sắc, bạch Thế Tôn, với sắc, người ta không được đo lường. Với cái gì người ta không được đo lường, với cái ấy, người ta không được xưng danh. Nếu không thiên chấp thọ … Nếu không thiên chấp tưởng … Nếu không thiên chấp các hành … Nếu không thiên chấp thức, với thức, người ta không được đo lường. Với cái gì người ta không được đo lường, với cái ấy, người ta không được xưng danh. Với lời nói vắn tắt này của Thế Tôn, bạch Thế Tôn, con hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy.

—Lành thay, lành thay, này Tỷ-kheo! Lành thay, này Tỷ-kheo! Lời nói vắn tắt này của Ta, Ông đã hiểu một cách rộng rãi như vậy. Nếu thiên chấp sắc, này Tỷ-kheo, với sắc, người ta được đo lường. Với cái gì được đo lường, với cái ấy, người ta được xưng danh. Nếu thiên chấp thọ … Nếu thiên chấp tưởng … Nếu thiên chấp các hành … Nếu thiên chấp thức, với thức, người ta được đo lường. Với cái gì người ta được đo lường, với cái ấy, người ta được xưng danh. Nếu không thiên chấp sắc, này Tỷ-kheo, với sắc, người ta không được đo lường. Với cái gì người ta không được đo lường, với cái ấy, người ta không được xưng danh. Nếu không thiên chấp thọ … Nếu không thiên chấp tưởng … Nếu không thiên chấp các hành … Nếu không thiên chấp thức, với thức, người ta không được đo lường. Với cái gì người ta không được đo lường, với cái ấy, người ta không được xưng danh. Với lời nói vắn tắt này của Ta, này Tỷ-kheo, Ông đã hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy.

Rồi vị Tỷ-kheo ấy, sau khi hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi.

Rồi vị Tỷ-kheo ấy sống một mình, tịnh cư …

Vị Tỷ-kheo ấy trở thành một vị A-la-hán.

37. Ānanda

Nhân duyên ở Sāvatthi

Thế Tôn nói với Tôn giả Ānanda đang ngồi một bên:

—Này Ānanda, nếu có người hỏi Ông: “Này Hiền giả Ānanda, những pháp nào sự sanh khởi đã được thấy rõ, sự diệt mất được thấy rõ, trong khi tồn tại, sự biến đổi được thấy rõ?” Nếu được hỏi vậy, này Ānanda, Ông trả lời như thế nào?

—Bạch Thế Tôn, nếu có người hỏi con: “Này Hiền giả Ānanda, những pháp nào sự sanh khởi được thấy rõ, sự diệt mất được thấy rõ, trong khi tồn tại, sự biến đổi được thấy rõ?” Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con sẽ trả lời như sau:

“Trong sắc, này Hiền giả, sự sanh khởi được thấy rõ, sự diệt mất được thấy rõ, trong khi tồn tại, sự biến đổi được thấy rõ. Trong thọ … Trong tưởng … Trong các hành … Trong thức, này Hiền giả, sự sanh khởi được thấy rõ, sự diệt mất được thấy rõ, trong khi tồn tại, sự biến đổi được thấy rõ”. Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con sẽ trả lời như vậy.

—Lành thay, lành thay, này Ānanda! Này Ānanda, trong sắc sự sanh khởi được thấy rõ, sự diệt mất được thấy rõ, trong khi tồn tại, sự biến đổi được thấy rõ. Trong thọ … Trong tưởng … Trong các hành … Trong thức, sự sanh khởi được thấy rõ, sự diệt mất được thấy rõ, trong khi tồn tại, sự biến đổi được thấy rõ. Này Ānanda, trong những pháp này, sự sanh khởi được thấy rõ, sự diệt mất được thấy rõ, trong khi tồn tại, sự biến đổi được thấy rõ. Ðược hỏi vậy, này Ānanda, Ông phải trả lời như vậy.

38. Ānanda

Nhân duyên ở Sāvatthi

—Này Ānanda, nếu Ông được hỏi như sau: “Trong những pháp nào, này Hiền giả Ānanda, sự sanh khởi đã được thấy rõ, sự diệt mất đã được thấy rõ, trong khi tồn tại, sự biến đổi đã được thấy rõ? Trong những pháp nào sự sanh khởi sẽ được thấy rõ, sự diệt mất sẽ được thấy rõ, trong khi tồn tại, sự biến đổi sẽ được thấy rõ? Trong những pháp nào, sự sanh khởi được thấy rõ, sự diệt mất được thấy rõ, trong khi tồn tại, sự biến đổi được thấy rõ?” Ðược hỏi như vậy, này Ānanda, Ông trả lời như thế nào?

—Bạch Thế Tôn, nếu con được hỏi như sau: “Trong những pháp nào, này Hiền giả Ānanda, sự sanh khởi đã được thấy rõ, sự diệt mất đã được thấy rõ, trong khi tồn tại, sự biến đổi đã được thấy rõ? Trong những pháp nào, sự sanh khởi sẽ được thấy rõ, sự diệt mất sẽ được thấy rõ, trong khi tồn tại, sự biến đổi sẽ được thấy rõ? Trong những pháp nào, sự sanh khởi được thấy rõ, sự diệt mất được thấy rõ, trong khi tồn tại, sự biến đổi được thấy rõ?” Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như sau:

“Ðối với sắc quá khứ, này Hiền giả, đã đoạn diệt, đã biến hoại, đối với sắc ấy, sự sanh khởi đã được thấy rõ, sự diệt mất đã được thấy rõ, trong khi tồn tại, sự biến đổi đã được thấy rõ. Ðối với thọ quá khứ, đã đoạn diệt, đã biến hoại, sự sanh khởi của thọ ấy được thấy rõ, sự diệt mất đã được thấy rõ, trong khi tồn tại, sự biến đổi đã được thấy rõ. Ðối với tưởng … Ðối với các hành … Ðối với thức quá khứ, đã đoạn diệt, đã biến hoại, sự sanh khởi của thức ấy đã được thấy rõ, sự diệt mất đã được thấy rõ, trong khi tồn tại, sự biến đổi đã được thấy rõ. Trong những pháp này, này Hiền giả, sự sanh khởi đã được thấy rõ, sự diệt mất đã được thấy rõ, trong khi tồn tại, sự biến đổi đã được thấy rõ.

Ðối với sắc chưa sanh, này Hiền giả, chưa hiện hữu, trong sắc ấy, sự sanh khởi sẽ được thấy rõ, sự diệt mất sẽ được thấy rõ, trong khi tồn tại, sự biến đổi sẽ được thấy rõ. Ðối với thọ chưa sanh, chưa hiện hữu, trong thọ ấy, sự sanh khởi sẽ được thấy rõ, sự diệt mất sẽ được thấy rõ, trong khi tồn tại, sự biến đổi sẽ được thấy rõ. Ðối với tưởng … Ðối với các hành … Ðối với thức chưa sanh, chưa hiện hữu, sự sanh khởi sẽ được thấy rõ, sự diệt mất sẽ được thấy rõ, trong khi tồn tại, sự biến đổi sẽ được thấy rõ. Trong những pháp này, này Hiền giả, sự sanh khởi sẽ được thấy rõ, sự diệt mất sẽ được thấy rõ, trong khi tồn tại, sự biến đổi sẽ được thấy rõ.

Ðối với sắc đã sanh, này Hiền giả, đã hiện hữu, trong sắc ấy, sự sanh khởi được thấy rõ, sự diệt mất được thấy rõ, trong khi tồn tại, sự biến đổi được thấy rõ. Ðối với thọ đã sanh, đã hiện hữu … Ðối với tưởng đã sanh, đã hiện hữu … Ðối với các hành đã sanh, đã hiện hữu … Ðối với thức đã sanh, đã hiện hữu, trong thức ấy, sự sanh khởi được thấy rõ, sự diệt mất được thấy rõ. Trong những pháp này, này Hiền giả, sự sanh khởi được thấy rõ, sự diệt mất được thấy rõ, trong khi tồn tại, sự biến đổi được thấy rõ”.

Nếu con được hỏi như vậy, bạch Thế Tôn, con sẽ trả lời như vậy.

—Lành thay, lành thay, này Ānanda! Này Ānanda, đối với sắc thuộc quá khứ đã đoạn diệt, đã biến hoại; đối với sắc ấy, sự sanh khởi đã được thấy rõ, sự diệt mất đã được thấy rõ, trong khi tồn tại, sự biến đổi đã được thấy rõ. Ðối với thọ … Ðối với tưởng … Ðối với các hành … Ðối với thức, thuộc quá khứ đã đoạn diệt, đã biến hoại, trong thức ấy, sự sanh khởi đã được thấy rõ, sự biến mất đã được thấy rõ, trong khi tồn tại, sự biến đổi đã được thấy rõ. Trong các pháp này, này Ānanda, sự sanh khởi đã được thấy rõ, sự biến mất đã được thấy rõ, trong khi tồn tại, sự biến đổi đã được thấy rõ.

Ðối với sắc chưa sanh, này Ānanda, chưa hiện hữu, trong sắc ấy, sự sanh khởi sẽ được thấy rõ, sự diệt mất sẽ được thấy rõ, trong khi tồn tại, sự biến đổi sẽ được thấy rõ. Ðối với thọ … Ðối với tưởng … Ðối với các hành … Ðối với thức chưa sanh khởi, chưa hiện hữu, trong thức ấy, sự sanh khởi sẽ được thấy rõ, sự diệt mất sẽ được thấy rõ, trong khi tồn tại, sự biến đổi sẽ được thấy rõ. Ðối với những pháp này, này Ānanda, sự sanh khởi sẽ được thấy rõ, sự diệt mất sẽ được thấy rõ, trong khi tồn tại, sự biến đổi sẽ được thấy rõ.

Ðối với sắc đã sanh, này Ānanda, đã hiện hữu, đối với sắc ấy, sự sanh khởi được thấy rõ, sự diệt mất được thấy rõ, trong khi tồn tại, sự biến đổi được thấy rõ. Ðối với thọ … Ðối với tưởng … Ðối với các hành … Ðối với thức đã sanh, đã hiện hữu, đối với thức ấy, sự sanh khởi được thấy rõ, sự diệt mất được thấy rõ, trong khi tồn tại, sự biến đổi được thấy rõ. Trong những pháp này, sự sanh khởi được thấy rõ, sự diệt mất được thấy rõ, trong khi tồn tại, sự biến đổi được thấy rõ. Ðược hỏi như vậy, này Ānanda, Ông cần phải trả lời như vậy.

39. Tùy Pháp

Nhân duyên ở Sàavatthi …

—Ðối với vị Tỷ-kheo thực hành pháp và tùy pháp, tùy pháp này có mặt: Ðối với sắc, vị ấy sống nhiều yếm ly; đối với thọ, vị ấy sống nhiều yếm ly; đối với tưởng, vị ấy sống nhiều yếm ly; đối với các hành, vị ấy sống nhiều yếm ly; đối với thức, vị ấy sống nhiều yếm ly.

Ai sống nhiều yếm ly đối với sắc … đối với thọ … đối với tưởng … đối với các hành … ai sống nhiều yếm ly đối với thức, vị ấy liễu tri sắc … liễu tri thọ … liễu tri tưởng … liễu tri các hành … liễu tri thức. Do liễu tri sắc … thọ … tưởng … các hành … do liễu tri thức, vị ấy được giải thoát khỏi sắc, giải thoát khỏi thọ, giải thoát khỏi tưởng, giải thoát khỏi các hành, giải thoát khỏi thức, giải thoát khỏi sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói vị ấy giải thoát khỏi đau khổ.

40. Tùy Pháp

Nhân duyên ở Sāvatthi

—Ðối với vị Tỷ-kheo thực hành pháp và tùy pháp, tùy pháp này có mặt: Vị ấy sống tùy quán vô thường trong sắc … Ta nói vị ấy giải thoát khỏi đau khổ.

41. Tùy Pháp

Nhân duyên ở Sāvatthi

—Ðối với vị Tỷ-kheo thực hành pháp và tùy pháp, tùy pháp này có mặt: Vị ấy sống tùy quán khổ trong sắc … Ta nói vị ấy giải thoát khỏi đau khổ.

42. Tùy Pháp

Nhân duyên ở Sāvatthi

—Ðối với vị Tỷ-kheo thực hành pháp và tùy pháp, tùy pháp này có mặt: Vị ấy sống tùy quán vô ngã trong sắc … trong thọ … trong tưởng … trong các hành. Vị ấy sống tùy quán vô ngã trong thức …

Ai sống tùy quán vô ngã trong sắc, trong thọ, trong tưởng, trong các hành, trong thức; vị ấy liễu tri sắc, liễu tri thọ, liễu tri tưởng, liễu tri các hành, liễu tri thức. Do vị ấy liễu tri sắc, liễu tri thọ, liễu tri tưởng, liễu tri các hành, liễu tri thức; vị ấy giải thoát khỏi sắc, giải thoát khỏi thọ, giải thoát khỏi tưởng, giải thoát khỏi các hành, giải thoát khỏi thức, giải thoát khỏi sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói vị ấy giải thoát khỏi đau khổ.

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Tương Ưng Bộ III“, Ngài Thích Minh Châu Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Tương Ưng Bộ III” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Ngài Thích Minh Châu
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

* Thuộc TƯƠNG ƯNG BỘ III - TẠNG KINH - TAM TẠNG TIPITAKA | Dịch Việt: Ngài Thích Minh Châu
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app