Thoát Khỏi Nghiện Ngập
Quý vị thân mến, quý vị đã tham dự khóa thực hành Dhamma (Pháp) mười ngày này. Đây là khía cạnh thực tiễn của Pháp. Không nếm khía cạnh thực tiễn này của Pháp thì phương diện lý thuyết sẽ không rõ ràng. Tất nhiên, chúng tôi không hy vọng rằng, trong mười ngày các bạn sẽ nắm bắt được những phương diện thâm sâu của Pháp, nhưng ít ra bạn cũng có được một nét khái quát về đạo lộ là thế nào, và quy luật tự nhiên là sao.
Tôi xin nhắc lại rằng Pháp không có nghĩa là Pháp của đạo Phật, hay Pháp của đạo Hindu (Ấn Độ giáo) hoặc Pháp của Hồi giáo (Muslim), vv… Pháp là Pháp. Và Đức Phật cũng vậy, là Đức Phật. Không phải chỉ có một người thành Phật, mà bất kỳ ai giác ngộ viên mãn đều là Phật cả.
Thế nào là sự giác ngộ viên mãn? Đó là sự chứng ngộ sự thực ở mức cùng tột bằng kinh nghiệm trực tiếp. Khi một bậc nào đó giác ngộ viên mãn, vị ấy không thiết lập một bộ phái đặc biệt hay một tôn giáo đặc biệt nào cả. Vị ấy chỉ giải thích sự thực mà vị ấy đã tự mình thực chứng, sự thực mà mọi người ai cũng có thể chứng được, sự thực vốn giải thoát con người khỏi mọi khổ đau.
Đức Phật đã công bố hết sức rõ ràng rằng người nào hiểu được quy luật nhân – quả, người ấy hiểu Pháp; và người nào hiểu Pháp, người ấy hiểu quy luật nhân – quả. Luật nhân – quả thì chẳng thuộc bộ phái nào cả. Quy luật của tự nhiên là quy luật cho thấy rằng giây phút nào bạn phát ra tiêu cực trong tâm, tâm sẽ ảnh hưởng đến vật chất (sắc), và sự phản ứng khởi động trong cấu trúc vật chất này làm cho bạn rất là kích động, làm cho bạn rất là bất hạnh, rất là khổ đau.
Bạn có thể tự gọi mình là một người Hindu giáo, hay một người Hồi giáo, hay một người Thiên Chúa giáo, hay là người Phật giáo. Bạn có thể tự gọi mình là một người Ấn Độ, người Pakistani, người Tích Lan, hay Miến Điện vv… nhưng giây phút bạn phát sinh tiêu cực trong tâm, quy luật tự nhiên cho biết rằng bạn chắc chắn sẽ đau khổ. Không người nào có thể cứu bạn khỏi sự đau khổ này. Tuy nhiên, nếu bạn không phát ra tiêu cực trong tâm, bạn sẽ thấy rằng bạn không có đau khổ. Một cái tâm thoát khỏi những nào phiền, một cái tâm thanh tịnh cũng theo quy luật tự nhiên, sẽ tràn đầy lòng từ ái, tràn đầy lòng bi mẫn, tràn đầy lòng hoan hỷ và tràn đầy tâm buông xả.
Nếu có một pháp hành, nếu có một kỹ thuật, nếu có một đạo lộ nào có thể thay đổi được lề thói quen của tâm, và có thể làm cho tâm thanh tịnh bằng cách tẩy sạch những tiêu cực, những phiền não; thì theo nó đương nhiên sẽ thoát khỏi khổ đau. Bạn có thể cứ tiếp tục gọi mình bằng bất cứ tên gọi nào cũng được, điều đó không quan trọng. Quy luật là quy luật, nó mang tính phổ quát.
Đây là sự giác ngộ của đức Phật và đây cũng là những gì Ngài giảng dạy, đức Phật không màng đến một triết lý đặc biệt nào cả. Hầu hết mọi thời đại, triết lý được sáng tạo bởi những người chơi trò tưởng tượng, hay chơi trò tri thức hóa. Cũng có khi triết lý được tạo ra bởi những người có thể đã kinh nghiệm một vài bước trên đạo lộ, và từ những gì họ kinh nghiệm được, họ hình thành một triết lý để rồi trở thành một thứ tín điều mù quáng cho những tín đồ của họ. Và đây cũng là cách các bộ phái được thành lập: dựa trên những niềm tin được xem là tưởng tưởng hay những niềm tin được xem là do những trò chơi tri thức sáng tạo, hoặc những niềm tin do kinh nghiệm phần nào đó về sự thực tạo ra.
Một bậc giác ngộ hiểu rõ tất cả điều này. Ngài không bao giờ đòi hỏi mọi người phải chấp nhận những gì Ngài nói vì Ngài là một bậc thực chứng, một bậc đã giác ngộ viên mãn. Muốn hiểu được điều ấy bạn cũng phải tự mình chứng ngộ, và đây là một tiến trình nhờ đó bạn trực tiếp thực chứng chân lý. Bạn phải bước những bước trên đạo lộ và những gì đã được bạn thực chứng bạn mới chấp nhận nó, và dần dần từng bước một, với một tâm hồn cởi mở, bạn tiếp tục kinh nghiệm những sự thực càng lúc càng thâm sâu hơn trên đạo lộ.
Đạo lộ có sẵn đó, vì thế hãy tiếp tục bước đi trên đấy. Dĩ nhiên, cũng có một số những quy tắc cần phải tuân thủ: không để bị vướng mắc vào bất cứ loại tưởng nào; không để vướng mắc vào những kỹ thuật trong đó bạn cố gắng thấy thực tại với cặp kính màu mang nặng tín ngưỡng truyền thống riêng của bạn. Nếu không, kỹ thuật sẽ không hiệu quả.
Bạn chỉ việc quan sát thực tại từ sát na này đến sát na khác, đúng như nó là, hiểu rõ bản chất của nó, hiểu rõ đặc tính của nó. Tuy nhiên, đối với thực tại thuộc thế gian bên ngoài, có thể được kinh nghiệm chỉ khi nó tiếp xúc với các cửa giác quan (căn môn) của thân bạn, còn chỉ có thực tại trong cấu trúc của thân mới có thể được kinh nghiệm trực tiếp mà thôi. Và giờ đây bạn đã bắt đầu kinh nghiệm thực tại này trong cơ cấu của thân. Như tôi đã nói, trong mười ngày không thể trông đợi là bạn sẽ có thể hoàn hảo trong việc hiểu rõ quy luật tự nhiên này được. Nhưng một thiền sinh đến đây để thẩm xét sự thực và làm việc với một tâm trí cởi mở, ít ra sẽ hiểu được thế nào là đạo lộ thực chứng chân lý.
Trong mười ngày này bạn trở nên tin chắc rằng kỹ thuật bạn đang theo là đúng; nhờ tiến bước trên đạo lộ mà những thực tại tinh tế hơn thuộc tâm và vật chất hay danh và sắc sẽ được chứng thực, bạn cũng hiểu sự tương tác giữa tâm và vật chất, cách chúng ảnh hưởng lẫn nhau, rằng toàn tiến trình không liên quan gì đến tôn giáo này hay tín ngưỡng khác. Bạn đã làm việc giống như các nhà khoa học thẩm tra sự thực bằng cách chia chẻ, mổ xẻ, làm rã ra, làm tan ra và phân tích nó, không chỉ ở mức tri thức, mà còn ở mức kinh nghiệm, ở mức cụ thể. Bạn đã bước một bước rất nhỏ trên đạo lộ để hiểu được tâm này là gì, để hiểu được sắc (vật chất) này là gì.
Khi bạn tiến thêm nữa, đạo lộ sẽ dẫn bạn đến một giai đoạn ở đấy bạn có thể kinh nghiệm sự nhảy múa của từng hạt hạ nguyên tử tí xíu tạo thành cấu trúc vật lý trong cơ cấu của thân bạn, cũng như ở bên ngoài vũ trụ; những hạt hạ nguyên tử tí xíu ấy sanh và diệt, sanh và diệt ra sao. Và với vật chất (sắc) như thế nào, với tâm cũng như thế ấy. Nghĩa là bạn tiếp tục chia chẻ, mổ xẻ và làm tan rã ra, lúc ấy thực tại về tâm sẽ trở nên càng lúc càng rõ rệt hơn. Một giai đoạn sẽ đến khi bạn có thể thực chứng sự thực tối hậu thuộc về tâm; tức là bạn thấy rõ nó cũng sanh và diệt, sanh và diệt như trước. Rồi một lúc nào đó sẽ đến khi bạn có thể thực chứng thực tại tối hậu thuộc về pháp hay các nội dung tâm trí vốn sanh và diệt trong tâm, các tâm sở khởi lên cùng với tâm; bạn thấy ra rằng bản chất của chúng cũng sanh và diệt, sanh và diệt như vậy.
Sự thẩm sát sự thực của vật chất (sắc), sự thực của tâm (danh), và sự thực của các tâm sở (danh) hay các nội dung tâm trí này, không chỉ vì thỏa mãn tính tò mò, mà để thay đổi lề thói quen của tâm ở mức sâu kín nhất. Khi bạn tiếp tục thực hành bạn sẽ hiểu rõ tâm ảnh hưởng đến sắc như thế nào, và sắc ảnh hưởng đến tâm ra sao.
Mỗi sát na, các khối hạt hạ nguyên tử – kalãpas (các tổng hợp sắc) trong cơ cấu của thân sanh diệt, sanh diệt liên tục. Chúng sanh như thế nào? Nguyên nhân sẽ trở nên rõ ràng khi bạn thẩm sát thực tại đúng như nó là, không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ quy định quá khứ hay bởi những tín ngưỡng nặng tính triết lý nào. Nguồn nhập vật chất, hay thức ăn bạn ăn vào, trở thành một nhân cho sự khởi sanh của những tổng hợp sắc (kalãpas) này. Bạn cũng sẽ thấy rằng các kalãphas sanh và diệt do hoàn cảnh khí hậu quanh bạn.
Bạn cũng bắt đầu hiểu ra sự hình thành của cấu trúc danh – sắc (tâm – vật chất); sắc trợ giúp sắc sanh và biến hoại liên tục như thế nào. Tương tự, bạn hiểu ra tâm trợ giúp sắc sanh và biến hoại ra sao. Bạn lại còn để ý thấy rằng thỉnh thoảng sắc sanh từ điều kiện tâm lý của quá khứ. Đó là, các hành đã được tích lũy từ quá khứ, hay còn gọi là nghiệp (kamma). Do thực hành Minh sát, tất cả những điều này bắt đầu trở nên hiển hiện rõ ràng. Trong mười ngày, dù bạn không hoàn hảo trong sự bước khởi đầu. Ngay sát na này, loại tâm nào đã sanh và nội dung của tâm ấy là gì. Tính chất của tâm được quyết định bởi nội dung của tâm. Chẳng hạn, khi một tâm đầy sân hận, hay một tâm đầy dục vọng, hay một tâm đầy sợ hãi đã phát sanh, bạn sẽ thấy rằng khi tâm này sanh, nó trợ giúp cho việc tạo ra các tổng hợp sắc – kalãpas.
Khi tâm đầy dục vọng, thì trong cấu trúc vật chất này, một loại kalãpas đặc biệt sẽ sanh và có một dòng sinh hóa, một sự tiết rỉ, thuộc tuyến hay không thuộc tuyến (non-glandular) bắt đầu chảy khắp toàn thân cùng với dòng máu hoặc theo cách khác. Dòng sinh hóa vốn khởi động do một tâm đầy tham dục đã phát sinh này được gọi là Dục lậu – kãmãsava.
Bây giờ, như một nhà khoa học chân chánh, bạn tiến hành thêm, chỉ quan sát sự thực đúng như nó là, chỉ quan sát xem quy luật tự nhiên làm việc như thế nào. Khi sự tiết rỉ của chất dục lậu (kãmãsava) bắt đầu, vì là chất sinh hóa do dục tham tạo, nên nó ảnh hưởng đến sát na kế của tâm với cường độ dục mạnh hơn nữa. Như vậy, dục lậu này chuyển thành dục ái (kãma-tanhã) ở mức tâm lý, mà dục ái vốn lại kích thích cho dục lậu, một dòng tham dục trôi chảy ở mức vật lý. Cái này bắt đầu ảnh hưởng đến cái kia, bắt đầu kích thích cái kia và tham dục cứ tiếp tục sinh sôi nảy nở trong hàng phút liên tiếp, thỉnh thoảng trong hàng giờ liên tiếp như vậy. Mô thức ứng xử của tâm trong việc tạo rat ham dục được củng cố thêm do sự sinh sản của tham dục cứ được lập đi lập lại như thế này.
Và không chỉ tham dục mà cả sợ hãi, nóng giận, sân hận và tham ái – mỗi loại bất tịnh đi vào tâm – cũng đồng thời tạo ra một lậu hoặc (asãva). Lậu hoặc này tiếp tục kích thích loại tiêu cực đặc biệt ấy, dẫn đến một vòng luẩn quẩn của khổ. Bạn có thể tự gọi mình là một người theo Ấn giáo, hay một người theo Hồi giáo, hay một người theo Thiên Chúa giáo, điều đó không quan trọng. Tiến trình vẫn là như vậy, quy luật vẫn là như vậy, nghĩa là có thể áp dụng cho mọi người. Không có sự phân biệt nào ở đây.
Sự hiểu biết thuần tri thức sẽ không giúp bạn bẻ gãy cái vòng này, nó có thể còn tạo ra nhiều khó khăn hơn. Tín ngưỡng của bạn từ một truyền thống đặc biệt nào đó xem ra có vẻ hoàn toàn hợp lý, tuy vậy tín ngưỡng ấy sẽ tạo ra chướng ngại cho bạn. Tri thức có những giới hạn riêng của nó. Bạn không thể thực chứng sự thực tối hậu đơn thuần ở mức tri thức. Sự thực tối hậu là vô hạn, vô biên, trong khi tri thức lại hữu hạn. Chỉ có qua kinh nghiệm bạn mới có thể hiểu rõ được cái vô hạn, vô biên ấy. Ngay cả những người đã chấp nhận quy luật tự nhiên này trên phương diện tri thức cũng không thể thay đổi được mô thức ứng xử của tâm họ, và tất nhiên họ còn rất xa sự chứng ngộ sự thực tối hậu vậy.
Mô thức ứng xử này nằm ở phần sâu thẳm của tâm. Những gì được gọi là tâm vô thức thực ra không vô thức, vì lúc nào nó cũng tiếp xúc với thân này. Và với sự tiếp xúc ấy của thân, cảm thọ cứ liên tục sanh lên, vì mỗi hóa chất lưu chuyển trong thân đều tạo ra một loại cảm thọ đặc biệt. Bạn cảm giác một cảm thọ – lạc, khổ, hoặc không lạc không khổ, bất cứ loại nào có mặt, và với sự cảm giác cảm thọ này, bạn liền phản ứng. Ở sâu thẳm trong tâm, bạn cứ tiép tục phản ứng lại với tham, với sân, với tham, với sân… Do cứ tạo ra những loại tiêu cực và bất tịnh khác nhau như vậy mà tiến trình của sự sinh sôi nảy nở vẫn tiếp diễn không ngừng. Bạn không thể dừng lại được vì có một chướng ngại rất lớn giữa tâm ý thức và tâm vô thức. Khi bạn hành Vipassanã bạn sẽ phá bỏ được chướng ngại này, không hành Vipassanã chướng ngại sẽ mãi tồn tại.
Ở mức ý thức cũng như ở mức tri thức của tâm, bạn có thể chấp nhận mọi lý thuyết về Pháp (dhamma) về sự thực, về quy luật tự nhiên. Nhưng bạn vẫn cứ lăn xả vào khổ vì bạn không hiểu được những gì đang xảy ra ở sâu thẳm trong tâm. Chỉ có kinh nghiệm trực tiếp bạn mới có thể hiểu được điều này. Vipassanã sẽ giúp bạn, và nó giúp như thế nào? Sau khi quan sát hơi thở trong vài ngày, bạn đi đến một giai đoạn ở đấy tâm trở nên sắc bén và rất nhạy cảm. Và nếu bạn hành một cách đúng đắn, nhẫn nại và kiên trì, thì chỉ trong vòng mười ngày đầu hoặc mười ngày thứ hai, bạn sẽ đạt đến một giai đoạn, ở đây bạn có thể cảm giác các cảm thọ suốt toàn thân. Thực ra các cảm thọ có mặt ở đó trong từng sát na, vì mỗi sự xúc chạm đều đưa đến một cảm thọ – Phassa paccayã vedanã – xúc duyên thọ. Đây không phải là một triết lý, mà là sự thực rất khoa học có thể được mọi người xác chứng.
Sát na xúc có mặt, chắc chắn phải có một cảm thọ; và trong từng sát na tâm luôn tiếp xúc với vật chất (sắc) ở khắp cấu trúc vật lý. Ở mức sâu xa hơn, tâm giữ việc cảm giác những cảm thọ này và cứ tiếp tục phản ứng với chúng. Nhưng trên bề mặt tâm lại duy trì sự bận rộn của nó với các đối tượng bên ngoài, hoặc nó duy trì quan hệ với những trò chơi của tri thức, tưởng tượng hay cảm xúc. Đó là công việc của “tâm nhỏ” (paritta citta) của bạn, hay những hoạt động trên bề mặt của tâm. Vì thế mà bạn không cảm nhận được những gì đang xảy ra ở sâu bên trong, và bạn không biết được bạn đang phản ứng như thế nào đối với những gì xảy ra ở mức sâu thẳm của tâm.
Nhờ thiền Minh sát, khi chướng ngại ấy đã bị phá bỏ, bạn bắt đầu cảm giác được các cảm thọ ở khắp toàn thân, không chỉ ở bề mặt mà còn tận sâu bên trong; ở khắp toàn bộ cấu trúc vật lý này, chỗ nào có sự sống, chỗ ấy có cảm thọ. Và nhờ quan sát các cảm thọ này, bạn bắt đầu nhận ra đặc tính sanh và diệt. Với sự hiểu biết ấy bạn sẽ thay đổi được lề thói quen của tâm.
Chẳng hạn, bạn đang cảm giác một cảm thọ đặc biệt, cảm thọ này có thể do thức ăn bạn ăn vào, có thể do bầu khí quyển quanh bạn, có thể do những tâm hành hiện tại của bạn, hoặc có thể do những phản ứng tâm lý cũ đang cho quả của chúng. Dù đó là gì, thì một cảm thọ cũng đang có mặt, và bạn sẽ tập để quan sát cảm thọ ấy với xả mà không phản ứng lại nó. Nhưng bạn vẫn tiếp tục phản ứng do lề thói quen cũ của tâm. Bạn ngồi trong một giờ và lúc đầu có thể bạn chỉ có được vài khoảnh khắc là không phản ứng, nhưng vài khoảnh khắc ấy là những khoảnh khắc kỳ diệu.
Do quan sát cảm thọ và hiểu được tính chất vô thường của nó, bạn đã bắt đầu thay đổi lề thói quen của tâm bạn. Điều này sẽ chấm dứt thói quen mù quáng của việc phản ứng lại cảm thọ và thói quen làm tăng trưởng vòng luẩn quẩn của khổ đau. Ban đầu, trong một giờ bạn có được vài giây hay vài phút không phản ứng. Nhưng cuối cùng, với việc thực hành kiên nhẫn, bạn đạt đến giai đoạn suốt một giờ bạn hoàn toàn không phản ứng. Ở mức sâu thẳm nhất bạn hoàn toàn không phản ứng. Một sự thay đổi sâu sắc đang diễn ra trong lề thói quen cũ. Vòng luẩn quẩn bị bẻ gãy: tiến trình sinh hóa vốn từng thể hiện như một cảm thọ, và là cái mà tâm bạn đang phản ứng lại với một bất tịnh đặc biệt, giờ đây bị gián đoạn trong vài sát na, vài giây hay vài phút.
Khi lề thói quen này trở nên yếu đi, thì cung cách cư xử của bạn cũng thay đổi. Bạn thoát khỏi khổ đau. Vả lại, điều này không phải để tin vì đức Phật nói như vậy. Không phải để tin vì đạo sư của bạn nói như vậy. Bạn phải tự mình chứng nghiệm nó. Những người tham dự các khóa thiền như thế này đã nhận ra bằng kinh nghiệm của họ rằng có một sự chuyển đổi tốt hơn trong cách cư xử của họ.
Khi chúng ta nói về sự nghiện ngập, đó không chỉ là đối với rượu hoặc ma túy thôi, mà còn cả đối với tham dục, sân hận, sợ hãi, ích kỷ nữa. Tất cả những thứ ấy đều là sự nghiện ngập. Tất cả những thứ ấy đều là chứng nghiện những bất tịnh của bạn. Và ở mức tri thức bạn hiểu rất rõ, “sân hận không có lợi cho ta. Nó rất nguy hiểm, nó rất tai hại”. Tuy vậy bạn vẫn nghiện sân hận, bạn vẫn tiếp tục tạo ra sân hận. Và khi sân hận qua đi, bạn lại thốt lên, “Ôi, lẽ ra ta không nên phát sinh sân hận.
Lẽ ra ta không nên tạo ra sân hận. Thật là vô nghĩa!”. Lần tới, một kích thích nào đó đến, bạn lại nổi sân nữa. Bạn không thoát khỏi nó được, vì bạn chưa từng làm việc ở chiều sâu của lề thói cư xử của tâm bạn. Sân hận khởi lên vì một hóa chất đặc biệt đã bắt đầu lưu chuyển trong thân bạn, và cùng với sự tương tác của tâm và sắc – cái này ảnh hưởng tới cái kia và ngược lại – sân hận cứ tiếp tục sinh sôi nảy nở.
Nhờ thực hành kỹ thuật này, bạn bắt đầu quan sát cảm thọ đã khởi lên do sự lưu chuyển của hóa chất đặc biệt ấy. Bạn không phản ứng lại nó. Điều đó có nghĩa là bạn không phát ra sân hận vào sát na đặc biệt ấy. Từ một sát na này làm thành vài sát na, từ vài sát na thành vài giây, từ vài giây thành vài phút, và bạn thấy rằng bạn không còn dễ bị ảnh hưởng bởi sự lưu chuyển của hóa chất này như trước đây bạn đã từng nữa. Bạn bắt đầu thoát khỏi sự nóng giận của bạn một cách từ từ.
Sau khi đến dự những khóa thiền này trở về nhà, một số người đã áp dụng kỹ thuật Minh sát vào cuộc sống của họ bằng cách hành thiền mỗi buổi sáng và mỗi buổi chiều, và bằng cách liên tục quan sát mình suốt cả ngày lẫn đêm trong những tình huống khác nhau. Điều đầu tiên họ sẽ cố gắng làm là quan sát cảm thọ. Do một tình huống đặc biệt nào đó, có thể một phần của tâm đã bắt đầu phản ứng, nhưng nhờ quan sát cảm thọ, tâm của họ trở nên buông xả.
Khi ấy bất luận hành động nào họ làm sẽ chỉ là hành động, chứ không còn là phản ứng. Hành động thì luôn luôn tích cực. Chỉ khi nào phản ứng, họ mới phát sinh ra tiêu cực và trở nên đau khổ. Một vài sát na quan sát cảm thọ làm cho tâm bình thản (buông xả) và rồi nó có thể hành động. Cuộc sống lúc ấy sẽ chỉ là hành động thay vì phản ứng.
Việc thực hành mỗi sáng và mỗi chiều cũng như việc áp dụng kỹ thuật này trong đời sống hàng ngày như vậy, bắt đầu chuyển đổi cung cách ứng xử của bạn. Những người trước đây quen lăn lộn trong sân hận sẽ thấy rằng sân hận của họ giảm bớt đi. Khi sân hận đến nó không thể kéo dài lâu, vì nó không căng thẳng. Tương tự, những người đã nghiện ngập tham dục thấy rằng tham dục trở nên càng lúc càng yếu đi. Những người nghiện sợ hãi thấy sợ hãi ngày càng giảm đi. Các loại bất tịnh khác phải mất một số thời gian khác nhau để thoát khỏi chúng. Dù phải mất một thời gian dài để thoát khỏi chúng, hay chỉ một thời gian ngắn, kỹ thuật vẫn sẽ hiệu quả với điều kiện nó được sử dụng một cách đúng đắn.
Dù bạn nghiệm tham ái hay sân hận, tham dục hay sợ hãi, thì sự nghiện ấy là đối với một cảm thọ đã phát sinh do sự lưu chuyển của chất sinh hóa. Loại vật chất (sắc) này đưa đến sự phản ứng ở mức tâm lý, và sự phản ứng ở mức tâm lý lại biến thành phản ứng sinh hóa này. Khi bạn biết rằng bạn đã nghiện, thực ra là bạn nghiện một cảm thọ nào đó. Bạn nghiện cái dòng lưu chuyển sinh hóa này.
Dòng lưu chuyển của vô minh hay vô minh lậu (ãsãva) là lậu hoặc cường lực nhất. Tất nhiên vô minh có mặt ngay cả khi bạn đang phản ứng với sân hận hay tham dục, hay sợ hãi; nhưng khi bạn bị say rượu hay ma túy, thì sự say sưa này làm tăng trưởng vô minh của bạn. Vì thế phải mất thời gian mới cảm giác được các cảm thọ, mới đi vào căn nguyên của vấn đề. Khi bạn nghiệm rượu hay nghiện may túy, bạn không biết được hiện thực của những gì đang xảy ra trong cơ cấu của thể chất.
Có một sự tăm tối trong tâm của bạn. Bạn không thể hiểu những gì đang diễn ra bên trong, những gì đang tiếp tục sinh sôi nảy nở bên trong. Chúng tôi đã thấy rằng ở trường hợp nghiện rượu, người ta thường đạt được lợi ích nhanh hơn những người nghiện ma túy. Nhưng dù họ nghiện gì chăng nữa, dù họ vô minh như thế nào chăng nữa, con đường vẫn có đó cho mọi người thoát khỏi khổ đau. Nếu bạn duy trì việc thực hành một cách nhẫn nại và kiên trì, không sớm thì muộn chắc chắn bạn cũng đạt đến giai đoạn ở đây bạn bắt đầu cảm giác được các cảm thọ ở khắp toàn thân và có thể quan sát chúng một cách khách quan. Có thể phải mất thời gian.
Trong mười ngày bạn chỉ có thể tạo ra một sự thay đổi nho nhỏ trong lề thói quen của tâm bạn. Điều đó không sao cả: bước khởi đầu đã được thực hiện và nếu bạn duy trì việc thực hành mỗi sáng mỗi chiều, và tham dự thêm một vài khóa thiền nữa, lề thói quen cũ sẽ thay đổi ở mức sâu xa nhất của tâm và bạn sẽ thoát khỏi vô minh, thoát khỏi sự phản ứng của bạn.
Chúng tôi vẫn thường khuyên những người đã nghiện thuốc, ngay cả việc hút thuốc lá bình thường, rằng nếu có một thôi thúc (muốn hút thuốc) khởi lên trong tâm, đừng móc thuốc ra và hút liền. Hãy chờ một chút. Đơn giản chấp nhận sự kiện rằng một thôi thúc, hay ham muốn mạnh mẽ đã phát sanh trong tâm. Khi thôi thúc này phát sinh, cùng với nó sẽ có một cảm thọ ở nơi thân. Hãy quan sát cảm thọ ấy, dù cảm thọ đó có thể là gì chăng nữa, không phải tìm một cảm thọ đặc biệt nào cả. Bất cứ cảm thọ nào có mặt lúc ấy đều liên quan đến sự thúc giục muốn hút thuốc. Và nhờ quan sát cảm thọ đó kể như vô thường (anicca), nó sanh, nó diệt, nó sanh, nó diệt khoảng mười, mười lăm phút, sự ham muốn này sẽ biến mất. Đây không phải là một triết lý mà là sự thực dựa trên kinh nghiệm.
Đối với những người nghiện rượu hay nghiện ma túy cũng tương tự như vậy. Khi một khao khát phát sinh, chúng tôi khuyên họ không đầu hàng liền, phải chờ mười, mười lăm phút, và chấp nhận sự kiện rằng một khao khát đã phát sinh và quan sát bất cứ cảm thọ nào có mặc vào lúc đó. Họ thấy rằng họ đang thoát ra khỏi sự nghiện ngập của họ. Có thể họ không thành công mỗi lần như vậy, nhưng nếu họ thành công, thậm chí một lần trong mười lần cũng được, thì một bước khởi đầu rất tốt đã được thực hiện bởi vì căn nguyên đã bắt đầu thay đổi. Lề thói quen nằm ở căn nguyên của tâm, và căn nguyên của tâm lại liên hệ mật thiết với các cảm thọ trên thân; tâm và vật chất (danh và sắc) tương quan lẫn nhau, chúng luôn luôn ảnh hưởng lẫn nhau như vậy.
Nếu quy luật này, nếu sự tự nhiên này chỉ được chấp nhận ở mức tri thức, hay mức tín ngưỡng, thì lợi ích sẽ rất nhỏ – nó có thể khích lệ bạn thực hành. Nhưng lợi ích đích thực sẽ ngày càng tăng thêm qua việc thực hành. Tốt lành thay các bạn đã đến và chấp nhận một sự thử thách đối với kỹ thuật này trong mười ngày. Qua thử thách, nếu bạn chắc rằng kỹ thuật này là một đạo lộ lợi ích, một đạo lộ khoa học, không liên quan gì đến đức tin mù quáng, đến giáo điều, không liên quan đến việc cải đạo, không liên quan đến quyền hạn của minh sư, nghĩa là không vị đạo sư nào giải thoát cho bạn khỏi những nghiện ngập hay khỏi những khổ đau của bạn, rằng bạn phải thực hiện sự giải thoát riêng của bạn.
Nếu trong mười ngày này bạn chắc rằng đây là một đạo lộ lợi ích, thì tôi phải nói rằng bạn đã thành công. Thực ra đây là một đạo lộ rất dài, một công việc của cả đời người. Ngay cả một cuộc hành trình mười ngàn dặm cũng phải bắt đầu với bước chân đầu tiên cơ mà. Đối với người đã bước được bước thứ nhất, thì chắc chắn họ sẽ có thể bước được bước thứ hai, thứ ba, và từng bước một như vậy, họ sẽ đạt đến đích cuối cùng của sự giải thoát viên mãn.
Cầu mong các bạn thoát khỏi mọi sự nghiện ngập. Không chỉ nghiện rượu hay ma túy thôi – sự nghiện các chất bất tịnh trong tâm còn mạnh hơn cả những thứ này. Nó đã sống với bạn trong rất nhiều kiếp sống; có thể nói đó là một mô thức ứng xử rất bền chắc mà bạn phải bẻ gãy để thoát khỏi khổ đau.
Đây là một công việc lớn. Một kinh nghiệm lớn. Và bạn không phải làm công việc đó do ai bắt buộc; không phải để làm vừa lòng một đấng toàn năng nào, không phải để làm hài lòng đạo sư của bạn. Bạn tự buộc mình phải làm điều đó vì sự tốt đẹp của chính bạn, vì lợi ích của chính bạn, vì sự giải thoát của chính bạn. Khi bạn có được lợi ích từ kỹ thuật này, từ đạo lộ này rồi, bạn có thể giúp người khác. Lúc đó việc làm của bạn không chỉ vì sự tốt đẹp của riêng bạn, vì sự giải thoát của riêng bạn, mà cũng vì sự tốt đẹp, sự lợi ích, và sự giải thoát của số đông. Rất nhiều người đang đau khổ quanh bạn, cầu ong họ được tiếp xúc với Pháp thuần khiết và thoát khỏi khổ.
Cầu mong họ hưởng được sự bình yên và hòa hợp. Sự bình yên và hòa hợp của tâm giải thoát, giải thoát khỏi mọi phiền não.
Dịch từ cuốn “Meditation Now” (Inner Peace Through Inner Wisdom)
Bài viết trích từ cuốn Tìm Hiểu Pháp Môn Niệm Thọ – Thiền Sư S.N. Goenka do Tỳ Kheo Pháp Thông biên dịch. Tải cuốn sách file PDF tại đây.
AUDIOS CUỐN SÁCH TÌM HIỂU PHÁP MÔN NIỆM THỌ