BÀI GIẢNG NGÀY THỨ TÁM KHOÁ THIỀN VIPASSANA THIỀN SƯ S.N. GOENKA HƯỚNG DẪN

  • Quy Luật Tăng Trưởng và Quy Luật Trừ Diệt
  • Xả là niềm hạnh phúc vĩ đại nhất –  
  • Xả cho bạn khả năng sống một cuộc sống hành động thực sự
  • Bằng cách trú xả, bạn bảo đảm cho mình một tương lại hạnh phúc.

Tám ngày đã qua, bạn còn lại hai ngày nữa để thực hành. Trong hai ngày này, hãy xem xem bạn đã hiểu kỹ thuật một cách đúng đắn chưa, để bạn có thể thực hành đúng ở đây cũng như tận dụng nó trong cuộc sống hàng ngày sau này. Hiểu rõ Pháp (Dhamma) là gì: 

Pháp là quy luật tự nhiên, là sự thực và là quy luật phổ quát. 

Một mặt, có tiến trình của sự tăng trưởng liên tục. Mặt khác, có tiến trình của sự trừ diệt. Điều này đã được giải thích rõ qua bài kệ: 

Các pháp hữu vi thực vô thường

Bản chất sanh, thành, hoại diệt luôn 

Nếu chúng sanh lên liền dập tắt 

Sự diệt này đem lại an vui.

Mỗi hành (sankhãra), mỗi điều kiện tâm lý đều vô thường, có cùng bản chất sanh và diệt như nhau. Nó diệt, nhưng sát na kế lại sanh, và cứ tiếp tục như vậy: đây là cách các hành (sankhãra) tăng trưởng hay sinh sôi nảy nở. Nếu bạn tu tập tuệ và khởi sự quán một cách khách quan, tiến trình tăng trưởng ấy sẽ dừng lại, và tiến trình đoạn trừ bắt đầu. Một hành sanh lên, nhưng bạn giữ thái độ xả, nó sẽ mất hết sức mạnh và bị trừ diệt. Hết lớp này đến lớp khác, các hành cũ sẽ nối tiếp nhau sanh lên và bị diệt trừ. Với điều kiện bạn giữ thái độ xả, các hành bị diệt trừ nhiều bao nhiêu, bạn sẽ hưởng được an lạc bấy nhiêu, sự an lạc của giải thoát khổ. Nếu tất cả an lạc vô hạn của giải thoát hoàn toàn. 

Thói quen cũ của tâm là phản ứng và làm tăng trưởng các phản ứng. Một điều gì đó không muốn xảy ra và bạn phát ra một hành thuộc sân hận. Khi hành phát sanh trong tâm, nó được kèm theo bởi một cảm thọ vật lý khó chịu. Sát na kế, do thói quen cũ của phản ứng, bạn lại tạo ra sân hận, mà sân này thực sự nhắm vào cảm thọ khó chịu của thân. Những kích thích bên ngoài của sân chỉ là phụ; thực tế sự phản ứng chính là đối với cái cảm thọ trong chính bạn.

Cảm thọ khó chịu khiến cho bạn phản ứng với sân, sân này lại tạo ra một phản ứng nữa. Theo cách này tiến trình tăng trưởng bắt đầu. Nếu bạn không phản ứng với cảm thọ mà thay vào đó mỉm cười và hiểu rõ tính chất vô thường của nó, thì bạn sẽ không phát ra một hành mới, và hành đã khởi lên ấy sẽ diệt mà không tăng trưởng. Sát na kế, một hành cùng loại khác sẽ phát sinh từ trong sâu thẳm của tâm, bạn lại giữ thái độ xả, và nó cũng sẽ diệt. Sát na kế, hành khác phát sinh, bạn duy trì xả, và nó diệt. Như vậy, tiến trình của sự diệt đã khởi động.

Những tiến trình mà bạn quan sát trong tự thân cũng xảy ra ở khắp vũ trụ. Chẳng hạn, một người gieo một hạt giống cây đa. Từ hạt giống tí tẹo đó một cái cây khổng lồ mọc lên cho ra vô số trái hết năm này đến năm khác, bao lâu nó còn sống. Và ngay cả sau khi cây đó chết đi, tiến trình vẫn tiếp tục, vì mỗi quả mà cây ấy sinh ra đều chứa đựng một hay nhiều hạt giống có cùng tính chất như hạt giống nguyên thủy từ đó cây mọc lên. Bất cứ khi nào một trong những hạt giống ấy rơi trên đất tốt, nó sẽ nảy mầm và mọc thành một cây khác và lại sanh ra hàng ngàn quả, tất cả đều chứa những hạt giống.

Quả và các hạt; các hạt và quả; một tiến trình bất tận của sự tăng trưởng hay sinh sôi nảy nở. Cũng vậy, từ vô minh bạn gieo hạt giống của một hành (sankhãra), hành này không sớm thì muộn sẽ cho ra một quả cũng gọi là hành, và cũng chứa đựng một hạt giống chính xác cùng loại như vậy. Nếu bạn cung cấp đất màu mỡ cho hạt giống nó sẽ nảy mầm thành một hành mới, và khổ đau của bạn cũng tăng trưởng thêm. Tuy nhiên, nếu bạn ném hạt giống ấy trên đất khô cằn sỏi đá, chúng sẽ không nảy mầm được, và tất nhiên sẽ không có gì phát triển từ những hạt giống ấy. Tiến trình của sự tăng trưởng dừng lại, và tự động tiến trình đảo nghịch hay tiến trình của sự diệt bắt đầu. 

Vậy tiến trình này vận hành như thế nào? Như đã giải thích, một số dữ liệu được xem là cần thiết cho dòng sống hay cho dòng danh – sắc (tâm và thân) được tiếp tục. Dữ liệu cần cho thân là thức ăn bạn ăn vào, cũng như bầu khí quyển trong đó bạn sống. Nếu một ngày bạn không ăn, dòng sắc chết sẽ không dừng lại liền. Nó sẽ vẫn tiếp tục bằng cách tiêu thụ những kho năng lượng cũ chứa đựng trong thân. Khi  tất cả năng lượng dự trữ đã dùng hết, lúc ấy dòng sắc chất mới dừng lại, xác thân chết. 

Thân này cần đến thức ăn chỉ hai hoặc ba lần một ngày, nhưng dòng tâm thức lại đòi hỏi phải có sự nhập dữ liệu vào trong từng sát na. Dữ liệu tinh thần nhập vào là các hành (sankhãra). Hành mà bạn tạo trong mỗi sát na có trách nhiệm duy trì dòng tâm thức. Tâm khởi lên trong sát na kế là sản phẩm của hành này. Như vậy, mỗi sát na bạn phải đưa dữ liệu của hành vào, và dòng tâm thức tiếp tục trôi chảy. Nếu ở bất kỳ sát na nào, bạn không tạo ra một hành  mới, dòng tâm thức cũng không dừng lại liền; thay vào đó nó lấy trong kho dự trữ các hành cũ ra.

Một hành cũ sẽ buộc phải cho quả của nó, nghĩa là buộc phải trồi lên bề mặt của tâm để duy trì dòng chảy. Và nó sẽ thể hiện ra như một cảm thọ vật lý, nếu bạn phản ứng với cảm thọ ấy, thì bạn lại khởi sự tạo một hành mới, lại gieo thêm những hạt giống đau khổ mới. Nhưng nếu bạn quan sát cảm thọ với thái độ xả, hành ấy sẽ mất sức mạnh của nó và bị diệt trừ. Sát na kế một hành cũ khác phải trồi lên để duy trì dòng tâm thức. Một lần nữa bạn không phản ứng và nó lại bị diệt trừ. Bao lâu bạn còn giữ được chánh niệm và xả, chừng đó từng lớp. từng lớp các hành vũ sẽ trồi lên bề mặt và bị diệt trừ;  đây là quy luật tự nhiên. 

Bạn phải tự mình kinh nghiệm tiến trình này, bằng cách thực hành kỹ thuật Minh sát. Khi bạn thấy rằng những lề thói quen thuộc cũ và những đau khổ cũ của bạn đã được diệt trừ, bạn biết rằng tiến trình đoạn trừ đã vận hành. 

Trong ngành luyện kim hiện đại cũng có một kỹ thuật tương tự. Để siêu tinh lọc một vài kim loại, làm cho chúng cực kỳ tinh ròng, nhất thiết phải loại bỏ ngay cả một phân tử lạ trong một tỷ phân tử. Điều này được thực hiện bằng cách đúc kim loại thành hình que, rồi làm một cái vòng bằng cùng kim loại ấy nhưng đã được tinh luyện đến độ thuần tịnh như đòi hỏi. Chiếc vòng được ho chạy qua que kim loại và tạo ra một từ trường tự động đẩy bất cứ một tạp chất nào có trong đó ra hai cực của que. Cùng một lúc, tất cả những phân tử trong que kim loại cũng sắp xếp lại ngay ngắn, trở nên mềm dẻo, dễ uốn, có thể trau chuốt được. Cũng vậy, kỹ thuật Vipassanã có thể được xem như việc chạy chiếc vòng chánh niệm qua cấu trúc của thân, đẩy bất cứ những bất tịnh nào có trong đó ra, với những lợi ích tương tự như vậy. 

Chánh niệm và xả sẽ đưa đến sự thanh tịnh của tâm. Bất cứ điều gì bạn nếm trải trên đạo lộ, dù lạc hay khổ, đều không quan trọng. Điểm quan trọng là đừng để phản ứng với tham hoặc sân, vì cả hai sẽ chỉ tạo ra đau khổ. Cây thước duy nhất để đo mức tiến bộ của bạn trên đạo lộ là thái độ xả mà bạn đã phát triển được. Và xả ấy phải ở mức các cảm thụ của thân nếu bạn đi vào chỗ sâu kín của tâm và tẩy trừ những bất tịnh ở đó. Khi bạn biết cách chánh niệm về các cảm thọ và duy trì xả đối với chúng, bạn cũng sẽ dễ dàng giữ được sự quân bình của bạn trong những tình huống bên ngoài. 

Một lần, đức Phật được hỏi về hạnh phúc chân thực là gì. Ngài trả lời rằng hạnh phúc cao tột nhất là có thể giữ được sự quân bình của tâm trước những thăng trầm của cuộc đời. Bạn có thể phải đương đầu với những tình huống lạc hoặc khổ, với chiến thắng hoặc chiến bại, với được hoặc mất, với danh thơm hay tiếng xấu; đây là những điều mọi người chắc chắn phải gặp. Nhưng liệu bạn có thể mỉm cười trong mọi hoàn cảnh, một nụ cười thực thụ từ trái tim không? Nếu bạn có xả này ở mức sâu kín nhất bên trong, bạn sẽ có hạnh phúc chân thực. 

Nếu xả chỉ hời hợt bên ngoài nó sẽ không giúp được gì trong đời sống hàng ngày. Cũng tựa như một người mang một thùng xăng hay thùng dầu ở bên trong vậy. Nếu một tia lửa tới, một quả của phản ứng quá khứ tới, lập tức một sự bùng nổ dữ dội sẽ xảy ra, tạo thành hàng triệu tia lửa hay “hành” nữa, để rồi sẽ đem lại thêm nhiều khổ đau trong tương lai. Nhờ hành thiền Minh sát, bạn dần dần làm cạn hết thùng xăng ấy đi. Những tia lửa sẽ vẫn đến do một hành quá khứ của bạn, nhưng khi chúng tới, chúng sẽ chỉ đốt chỗ nhiên liệu mà chúng đem theo; không được cung cấp thêm nhiên liệu mới, chúng cháy một chút cho tới khi đốt hết chỗ nhiên liệu chúng chứa theo, rồi bị dập tắt. Sau đó, khi bạn tu tập thêm trên đạo lộ, bạn tự nhiên phát ra một dòng nước mát của từ ái và bi mẫn, và cái thùng bây giờ đầy với loại nước này. Lúc ấy, khi một tia lửa đến, nó bị dập tắt liền. Nó không thể cháy được dù chỉ một lượng nhiên liệu nhỏ nó mang theo. 

Bạn có thể hiểu điều này ở mức trí thức, và biết rằng bạn cần phải có một cái bơm nước sẵn sàng khi lửa cháy. Nhưng khi lửa thật sự đến, bạn lại mở cái bơm xăng và thế là gây ra một đám cháy lớn. Sau đó bạn nhận thức được lầm lẫn, nhưng rồi lần tới khi lửa đến, bạn vẫn lập lại sai lầm cũ, vì trí tuệ của bạn chỉ ở mức bề ngoài. Nếu một người có trí tuệ thực sự trong chiều sâu của tâm, khi đương đầu với lửa, họ sẽ không ném xăng vào đó vì hiểu rằng làm vậy chỉ gây ra tai hại. Thay vào đó, người này tưới nước mát của từ ái và bi mẫn vào, giúp ích cho mọi người và cho chính bản thân mình. 

Trí tuệ phải ở mức các cảm thọ. Nếu bạn tập cho mình có chánh niệm về các cảm thọ trong bất kỳ tình huống nào và giữ thái độ xả đối với chúng, thì không gì có thể áp đảo được bạn. Có thể chỉ trong một vài giây bạn quan sát mà không phản ứng, lúc ấy với tâm quân bình này, bạn quyết định hành động nào phải chọn. Chắc chắn đó phải là hành động đúng đắn, tích cực, giúp ích cho người, vì nó được thực hiện với một cái tâm quân bình. 

Trong cuộc sống có lúc chúng ta cũng cần phải chọn hành động cứng rắn. Bạn đã cố gắng giải thích cho ai đó một cách lễ độ, nhã nhặn với một nụ cười, nhưng người ấy chỉ có thể hiểu chuyện bằng những lời lẽ cứng rắn, hành động cứng rắn. Vì thế bạn buộc phải chọn thân hành hoặc khẩu hành cứng rắn đối với họ. Nhưng trước khi làm thế, bạn phải tự xét lại mình xem tâm đã quân bình hay chưa, và bạn đã thực chỉ có lòng từ ái và bi mẫn với người đó hay không. Nếu có, hành động sẽ có ích; nếu không, nó sẽ chẳng ích gì cho ai cả. Bạn chọn hành động cứng rắn để giúp người lầm lỗi. Với căn bản từ ái và bi mẫn này bạn không thể nào sai được. 

Trong một vụ gây gổ, là hành giả Vipassanã, bạn sẽ làm công việc tách người gây hấn và nạn nhân ra, bạn không chỉ có lòng bi mẫn đối với nạn nhân mà còn đối với người gây hấn nữa. Bạn nhận ra rằng người gây hấn không biết anh ta đang tự hại mình như thế nào. Hiểu như vậy bạn cố gắng giúp cho người ấy bằng cách ngăn không để anh ta làm những điều sẽ khiến anh ta phải khổ trong tương lai. 

Tuy nhiên, bạn phải rất thận trọng đừng để sau khi chuyện đã rồi mới biện minh cho những hành động của mình. Bạn phải xét lại tâm trước khi hành động. Nếu tâm còn mang đầy phiền não, bạn chẳng thể giúp được ai. Bạn phải sửa lỗi lầm của mình trước khi bạn sửa lỗi người khác. Trước hết, bạn phải thanh tịnh tâm của bạn bằng cách quán xét mình. Lúc đó bạn mới có thể giúp được mọi người. 

Đức Phật dạy rằng có bốn loại người trong thế gian này:

  • người từ bóng tối đi tới bóng tối
  • người từ ánh sáng đi tới bóng tối
  • người từ bóng tối đi tới ánh sáng
  • và người từ ánh sáng đi tới ánh sáng. 

Đối với người thuộc loại thứ nhất, chung quanh anh ta là những bất hạnh, đen tối, nhưng nỗi bất hạnh lớn nhất của anh ta là không có trí tuệ. Mỗi lần gặp chuyện khốn đốn anh ta bộc lộ càng nhiều bực tức, phẫn nộ, si mê hơn nữa, và còn đổ lỗi cho người khác về nỗi khổ đau của mình. 

Một người thuộc loại thứ hai được xem là có những gì mà thế gian này gọi là ánh sáng: tiền bạc, địa vị, và quyền lực, nhưng anh ta cũng không có trí tuệ. Do si mê anh ta nuôi lớn tính ích kỷ, không hiểu rằng những căng thẳng của thói ích kỷ ấy sẽ chỉ dẫn đến sự tối tăm trong tương lai. 

Một người thuộc loại thứ ba có cùng hoàn cảnh như người thuộc loại thứ nhất, nghĩa là bị vây bủa bởi tối tăm và bất hạnh. Nhưng anh ta là người có trí tuệ và hiểu được tình cảnh của mình. 

Nhận chân được rằng mình phải có trách nhiệm đối với những khổ đau của chính mình, nên anh ta làm tất cả những gì có thể được để thay đổi hoàn cảnh một cách bình thản và an lạc, không chút phẫn nộ hay sân hận với người khác; thay vào đó anh ta chỉ có lòng từ ái và bi mẫn đối với những người đang làm hại anh ta. Tất cả những gì anh tạo cho tương lai là sự sáng sủa. 

Cuối cùng một người thuộc loại thứ tư, cũng như người thuộc loại thứ hai, hưởng được tiền bạc, địa vị, và quyền lực. Nhưng không giống người thuộc nhóm thứ hai ở chỗ, anh là người có trí tuệ đầy đủ. Anh tận dụng những gì mình có để nuôi sống mình và những người lệ thuộc vào mình, và những gì còn lại anh sử dụng cho lợi ích của người khác, với lòng từ ái và bi mẫn. Hiện tại của anh sáng sủa và tương lai cũng sáng sủa như vậy. 

Tất nhiên hiện tại bạn không thể chọn để đối diện với bóng tối hay ánh sáng được, vì điều đó là do hành (sankhãrã) quá khứ quyết định. Quá khứ không thể thay đổi được, nhưng bạn có thể kiểm soát hiện tại bằng cách trở thành chủ nhân của chính mình. Tương lai chỉ là quá khứ cộng với những gì đã được thêm vào ở hiện tại. Vipassanã dạy cho bạn cách làm thế nào để trở thành chủ nhân của chính mình bằng việc phát triển chánh niệm và xả đối với các cảm. Nếu bạn phát triển được sự làm chủ trong sát na hiện tại này, tương lai sẽ tự động sáng sủa. 

Hãy tận dụng hai ngày còn lại để học cách trở thành chủ nhân của sát na hiện tại, chủ nhân của chính bạn. Tiếp tục tăng trưởng trong Pháp, để đi ra khỏi mọi khổ đau và để hưởng hạnh phúc chơn thực ngay trong hiện tại. Cầu mong tất cả chúng sinh được an vui!

Ghi chú: – Những đoạn kinh Pãli trích dẫn: 

Aniccã va ta Sankhãrã, Hữu vi vô thường

Uppãdavaya – Thuộc tánh sanh diệt 

dhammino. Có rồi lại không 

Uppajjitvã nurujjhanti,Tịch tịnh chơn lạc

Tesam vũpasamo suho. 

Mahã-Parinibbãna T.V.M Suttanta, D.N.16

Phutthassa loka – Khi xúc chạm việc đời (ở thế gian) 

dhammehi, 

Cittam yassa na kampati 

asokam, virajam, Tâm không động, không sầu khemam, Tự tại và vô nhiễm

etam mangalamuttamam Là phúc lành cao thượng

Mahã Mangala Sutta T.V.M Sutta Nipãta 11.4

Attã hi attano nãtho, Chính ta là chủ nhân của ta

Attã hi attano gati, Chính ta tạo tương lai cho ta

Tasmã sãnnãmay’ Do đó hãy tự điều phục mình

Attãnam

assam bhadram va Như mã thương luyện ngựa thuần 

vãnijo 

Dhammapada XXV. 21 (380)

  

Bài viết trích từ cuốn Tìm Hiểu Pháp Môn Niệm Thọ – Thiền Sư S.N. Goenka do Tỳ Kheo Pháp Thông biên dịch. Tải cuốn sách file PDF tại đây.

AUDIOS CUỐN SÁCH TÌM HIỂU PHÁP MÔN NIỆM THỌ

* Các Bài Viết Này Được Trích Từ Cuốn Tìm Hiểu Pháp Môn Niệm Thọ Của Ngài S.N. Goenka, Tỳ Khưu Pháp Thông Dịch Việt. Phương Pháp Thiền Vipassana Này Do Thiền Sư S.N. Goenka Giảng Dạy Theo Truyền Thống Thiền Sư Sayagyi U Ba Khin. Tài Liệu Thuộc Bản Quyền Của Viện Nghiên Cứu Vipassana VRIDhamma.org & Pariyatti.org. Tài Liệu Chỉ Mang Tính Tham Khảo. Để Học Phương Pháp Thiền Này, Quý Vị Nên Tìm Hiểu Thông Tin & Đăng Ký Tham Dự Khoá Thiền Tại Dhamma.org.
Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app