Ngày thứ nhất và thứ nhì 

Hai ngày này hoàn toàn dành cho việc niệm hơi thở. Thiền sinh ngồi trong một tư thế thoải mái, tốt nhà là kiết già nhưng không nhất thiết, điều quan trọng là làm sao có thể duy trì được tư thế (oai nghi ngồi) trong một thời gian khá lâu. Trong ba ngày đầu có thể thay đổi oai nghi nếu cảm thấy quá khó chịu, nhưng không nhiều hơn mức tuyệt đối cần thiết. Giữ cho mắt nhắm suốt cả buổi tập. Thở qua mũi và miệng ngậm chặt, thiền sinh tập trung trên cảm giác về hơi gió khi nó đi vào và đi ra.

Ở giai đoạn này vùng quan sát bao gồm toàn bộ phần bên trong của mũi, hai lỗ mũi và môi trên dưới hai lỗ mũi. Điều cốt yếu là phải duy trì nghiêm ngặt trong vùng này, không quan tâm đến những điểm khác có liên quan đến việc thở, như cuống họng, ngực, hay cơ hoành (lớp cơ nằm giữa vùng ngực và vùng bụng giúp cho việc điều chỉnh thở). 

Thiền sinh ngồi yên lặng như vậy, tỉnh giác nhưng không căng thẳng dõi theo từng hơi thở vào và hơi thở ra từ đầu đến cuối không gián đoạn. Bạn quan sát các cảm thọ, bất kể đó là gì, có thể là những cảm giác xúc chạm của luồng không khí, nhiệt độ, cường độ và khoảng thời gian của mỗi hơi thở vv… bạn cố gắng nhận biết một cách rõ ràng và đầy đủ đến mức có thể tính chất chính xác của mỗi cảm thọ, nhưng không bao giờ cố gắng kích hoạt hoặc tưởng tượng ra bất kỳ những cảm thọ đặc biệt nào.

Nếu không có cảm thọ rõ rệt nào được nhận thức, như lúc ban đầu có thể xảy ra, bạn không nên lo lắng mà chỉ đơn giản ghi nhận sự “trống không” ấy và kiên trì một cách lặng lẽ. Sự vắng mặt của một cảm thọ cũng là một kinh nghiệm và bạn phải nhận biết nó là như vậy. Khi có cảm thọ, bạn quan sát một cách chính xác chỗ nào: bên trong lỗ mũi hay ở lỗ mũi; bên phải hay bên trái, hoặc cả hai bên; chỉ ở một chỗ hay ở một vài chỗ, hay khắp nơi. Bạn nhận biết bất cứ những rung động nào: hơi gió mạnh hơn hay yếu hơn, nhẹ nhàng hơn, hay thô hơn, ngắn hay dài. Nhưng luôn luôn để cho hơi thở đến một cách tự nhiên, không ép nó hay can thiệp vào đó bằng bất cứ cách nào. 

Bất kỳ sự tán loạn nào phát sinh do các kích thích giác quan (ngoài những gì được tạo ra bởi hành động thở trong vùng đặc biệt ấy) hoặc từ những nguồn tâm lý hoặc cảm xúc cần phải cắt đứt liền bằng cách tâm niệm nó (tức nhận biết nó trong tâm) để chứng tỏ có sự nhận biết rõ ràng về sự khởi lên của nó, và lập tức quay về với hơi thở. 

—o0o—

Ngày thứ ba 

Tiếp tục hành niệm hơi thở, nhưng thu hẹp vùng nhận biết lại chỉ còn ở đầu mũi (đó là quanh mép lỗ mũi) và ở phần môi trên ngay dưới lỗ mũi. Mục đích của việc thu hẹp này là để tăng cường và tinh lọc định nhờ tập trung mạnh hơn trên một vùng đã được hạn chế tối đa. 

—o0o—

Ngày thứ tư 

Bắt đầu với niệm hơi thở như ngày thứ ba, nhưng sau một lúc bạn sẽ chuyển sang hành trọn vẹn thiền Minh sát (Vipassanã) với việc quán thân kể như bài tập chính. Với mục đích này, bước đầu tiên là hướng sự nhận biết duy nhất vào phần môi trên dưới lỗ mũi (không kể bản thân lỗ mũi).

Với tâm đã được định sâu hơn trên một điểm như vậy, bạn ngừng tập trung sự chú ý của mình trên các cảm thọ do tiến trình thở tạo ra và tập trung vào việc quan sát bất cứ những cảm thọ bên trong nào (những cảm thọ không do xúc chạm, nhiệt độ, sự chuyển động vv… của luồng hơi gió tạo ra) phát sinh ở cùng chỗ mà bạn đã tập trung trên đó, tức ngay giữa môi trên.

Đây là khoảnh khắc chuyển tiếp từ việc quán một mình hơi thở sang quán thân như đã mô tả và quán các cảm thọ phát sinh ở đó. Nếu thoạt tiên không có thọ nào hiện khởi rõ ràng, hãy nhận biết rõ trong tâm sự “trống không” và cứ tiếp tục duy trì sự nhận biết ở đấy. Nếu sức tập trung đầy đủ chắc chắn sẽ không thiếu các cảm thọ bên trong để quán.

Từ những gì các nhà khoa học nói, chúng ta biết khá rõ ràng cơ thể của chúng ta nằm trong trạng thái sôi động liên tục gồm vô số các tiến trình sinh hoá, hoá học và điện học (chẳng hạn sự tuần hoàn máu, sự chuyển hoá các tế bào mô của thân, những xung lực chạy dọc theo hệ thần kinh vv….) và chúng ta cũng còn biết có nhiều sự kiện khác xảy ra ở các mức độ phân tử, nguyên tử, và hạ nguyên tử.

Tất cả những điều này chúng ta biết trên phương diện tri thức, cái biết ấy bình thường vẫn còn nằm dưới ngưỡng của sự nhận biết thuộc tri giác trong cuộc sống hàng ngày, khi tâm đuổi theo sự ý thức của nó, chủ yếu là những quan tâm hướng ngoại. Những gì chúng ta hiện giờ đang cố gắng để làm là nhận biết một cách rõ ràng và ý thức những hiện tượng bình thường tiềm ẩn này qua sự kinh nghiệm trực tiếp. 

Tất nhiên, lúc ban đầu đó là những hiện tượng thô hơn hoặc mãnh liệt hơn và cũng dễ dàng nhận thức hơn, như là các cảm giác tê tê hoặc nhịp đập đều đều, những thay đổi của nhiệt độ vv… trong vùng môi trên nhỏ bé ấy. Bất luận nó là gì, bạn chỉ nên quan sát với sự rõ ràng và chính xác lớn nhất có thể được, không phản ứng và cũng không để cho tâm hoặc bắt đầu suy đoán xem cái gì đang được quan sát, hoặc lạc lối trong những dòng suy nghĩ mông lung. 

Một khi sự chú tâm đã được tập trung và giữ chắc trên sự nhận thức về các sự kiện nội tại và các tiến trình bên trong đang xảy ra ở môi trên, bạn sẵn sàng để chuyển sang việc quán toàn thân theo phương pháp. Công việc này buổi đầu luôn được làm trong thời ngồi thiền nhóm dưới sự hướng dẫn chặt chẽ của một vị thầy. Trung tâm điểm của sự chú tâm đã được tập trung (định) ở môi trên sẽ được hướng lên đỉnh đầu. Thiền sinh lúc đó tập trung trên điểm mới (đỉnh đầu) trong một lúc cho đến khi sự nhận thức về các cảm thọ bên trong đã được xác minh (như ở môi trên trước đây).

Rồi thiền sinh bắt đầu quét qua thân từ đỉnh đầu cho đến các ngón chân, di chuyển theo thứ tự từ phần này đến phần kế, không để sót phần nào, chú tâm chính xác vào bất cứ các cảm thọ nào có mặt lúc đó. Bạn không nên cố gắng tưởng tượng hay kích hoạt những cảm thọ mà chỉ quan sát những gì ở đó. Nếu không có cảm thọ nào được nhận thức, bạn sẽ nhận biết rõ “sự trống không” và di chuyển tiếp tục một cách chánh niệm và không vội vàng. Khi trình tự quét được làm đi làm lại nhiều lần, bạn sẽ thấy rằng cái biết được cải thiện và những chỗ trống không trước đây cũng trở nên sôi nổi. 

Lần đầu tiên (và một vài lần kế tiếp, cho đến khi thiền sinh hoàn toàn quen với kỹ thuật) trình tự quét diễn ra theo những chỉ dẫn chi tiết từng bước một bởi một vị thầy. Nhằm tăng cường tác động và tính hiệu quả của nó như một bài tập phối hợp giữa sự chú tâm sát xao và sự không phản ứng, buổi quán thân đầu tiên này sẽ kéo dài suốt hai tiếng không gián đoạn, và được thực hiện với sự quyết tâm (adhitthãna). 

Điều này có nghĩa rằng, bất kỳ oai nghi nào bạn đã sử dụng, bạn phải quyết tâm duy trì oai nghi ấy hoàn toàn không xê dịch trong suốt hai giờ đồng hồ, bất kể sự khó chịu có thể phát triển mãnh liệt đến thế nào. Điều này cho bạn một cơ hội để quán một cách chánh niệm và xả các cảm thọ đang sanh khởi nơi thân, mà trong trường hợp của người mới bắt đầu thường thường sẽ trở nên mãnh liệt sau một lúc ngồi bất động hoàn toàn; thí dụ những sự đau đớn, nhức nhối, tê cứng vv…

Khi sự khó chịu phát sanh đến mức này, thiền sinh sẽ được chỉ dẫn để nhận biết rõ cái đau vv… với sự xả ly khi thêm một cảm thọ nữa và quan trọng hơn cả, không nhúc nhích để làm cho nó dịu lại, bằng cách này bạn đi đến chỗ thấu hiểu, qua kinh nghiệm trực tiếp, rằng ngay cả những đau đớn, nhức nhối mà dường như hoàn toàn gay gắt lúc ban đầu cũng chẳng thường tại hay không thay đổi, và bạn cũng để ý thấy rằng, giống như mọi cảm thọ của thân khác đã được quan sát, chúng đều có khuynh hướng tăng – giảm, thay đổi và biến mất. 

Buổi thiền Minh sát suốt hai tiếng không gián đoạn lần đầu tiên này là hoàn toàn căng thẳng. Các thiền sinh mới không phải lúc nào cũng giữ vững được cho đến hết thời gian trong lần đầu. Tuy nhiên, khi một người đã thành công, tác động tâm lý sẽ rất đáng lưu ý – bạn cảm thấy mình đã phá vỡ được hàng rào tâm lý. Nhờ quan sát và chấp nhận bất cứ những gì khởi lên, không chấp chặt vào những cảm thọ thoải mái hay những ý nghĩ dễ chịu và cũng không kháng lại hay cố gắng tránh né cái đau hay những tư duy tán loạn, bạn có được cái nhìn thoáng đầu tiên của mình về kinh nghiệm chấp nhận vốn là yếu tính của thiền minh sát. 

Từ lúc này trở đi bạn cố gắng thực hiện mọi thời thiền toạ với “quyết tâm”, đó là không nhúc nhích, nhưng mỗi thời ngồi theo quy luật chung, không kéo dài hơn một giờ liên tục (mặc dù các thiền sinh thành thạo hơn, dĩ nhiên, có thể duy trì sự quyết tâm trong thời gian lâu hơn với sự lợi ích). 

Phần còn lại trong ngày được dành cho việc thực hành thêm bài tập quét thân, luôn luôn quan sát theo cùng trình tự, từ đầu cho đến những ngón chân, xen kẽ những buổi thiền nhóm với việc hành cá nhân. 

—o0o—

Ngày thứ năm đến thứ tám 

Từ ngày thứ năm trở đi bạn tiếp tục việc cải thiện và tinh lọc nhận thức của mình về các hiện tượng khi chúng khởi lên bằng cách kiên trì trong việc quán thân [luôn luôn hành cùng với sự quan sát các trạng thái tâm và các nội dung tâm trí (quán pháp hay những đối tượng của tâm) bất cứ khi nào chúng xuất hiện, như đã chỉ rõ trong ngày thứ nhất, để duy trì tính liên tục không gián đoạn của sự chú tâm].

Phương pháp căn bản cốt ở việc quét thân như đã mô tả, nhưng những thay đổi trong tình tự và sự tập trung được giới thiệu theo những giai đoạn nối tiếp nhau: quét trên bề mặt và quét ở chiều sâu (xen kẽ hay phối hợp), quét ngược (nghĩa là đầu đến các ngón chân và từ các ngón chân lên đầu, thay vì như lúc đầu, luôn luôn theo cùng một hướng từ đầu đến chân) nhận biết cùng một lúc (nghĩa là quét thân theo nhóm các bộ phận, tỉ dụ hai cánh tay cùng với nhau, ngực và lưng, cả hai chân).

Thỉnh thoảng điều chỉnh tốc độ việc luyện tập – đôi khi quét chậm, đôi khi quét nhanh – và trình tự trong đó các bộ phận của thân được chọn cũng có thể thay đổi theo ý muốn (miễn rằng luôn luôn không để sót phần nào). Sự việc có thể được đánh giá dễ dàng như thế này, ý nghĩa của việc giới thiệu những thay đổi là nhằm làm cho bài tập được bao quát và đầy đủ đến mức có thể, và để giúp thiền sinh duy trì được sự tỉnh giác cực độ bằng cách chống lại bất cứ sự tẻ nhạt của tâm nếu có, do sự đơn điệu thái quá (của việc lập đi lập lại cùng một trình tự quét). 

Như vậy thiền sinh cứ tiếp tục cố gắng (nhưng luôn luôn không căng thẳng, vì cố gắng mà căng thẳng quá sẽ tự chuốc lấy thất bại) để tinh lọc và làm phong phú hơn nhận thức của mình về các cảm thọ của thân trong khi vẫn duy trì cái biết ngay tức thời về bất kỳ sự phóng tâm nào. Luôn luôn thực hành để hướng về cái biết đầy đủ nhất, ở mức tinh tế nhất có thể được, về mọi tiến trình thân và tâm. 

Ngoài ra, thiền sinh còn được khuyên nên thực hiện mọi nỗ lực để duy trì một thái độ tinh thần chú tâm chánh niệm và thận trọng trong bất kỳ hoạt động nào mà họ buộc phải làm trong ngày, ngoài những giờ hành thiền chính thức. Điều đó có nghĩa là trong khi ăn, khi thức dậy vào buổi sáng hay đi ngủ vào buổi tối, khi đi tới đi lui, khi giặt giũ, mặc áo quần vv… họ đều phải thực hành chánh niệm và tỉnh giác về mọi hoạt động như những bài tập phụ. Những bài tập phụ này chẳng những tự thân chúng đã hữu ích mà còn làm cho thiền sinh khi trở lại với bài tập chính trong những buổi thiền chính thức dễ dàng lấy lại một mức chú tâm đã tập trung hơn.

Tính Hiệu Quả Của Phương Pháp

Tới đây có lẽ sẽ hữu ích để nhắc lại một lần nữa cách tuệ giác được phát triển dần dần như thế nào, và cũng để sơ lược một vài nét chính về loại cơ chế tâm lý liên quan, đòi hỏi phải dùng một số thuật ngữ phương Tây đương thời, trong chừng mực có thể, cho mục đích này. Tất nhiên, điều này không phải để thanh minh cho “sự thanh tịnh tâm” của giáo pháp đức Phật bằng cách giảm nó xuống không còn hơn gì một loại tâm-lý liệu pháp (psychotherapy), mà đúng hơn để làm cho việc nắm bắt trên khái niệm của chúng ta về những gì có liên quan được dễ dàng nhờ diễn đạt lại nó trong những từ ngữ quen thuộc hơn. 

Điểm thiết yếu cần ghi nhớ là sự thành tựu tuệ giác tuỳ thuộc vào việc phát triển của cả chánh niệm lẫn xả, hoặc sự không phản ứng, và cả hai đặc tính đều quan trọng như nhau. Chúng ta hãy tóm tắt một cách ngắn gọn lại những điểm chính: 

Chánh niệm:

Áp dụng vào sự quan sát không ngừng mọi cảm thọ của thân (từ cảm thọ mãnh liệt nhất đến cảm thọ khó thấy nhất), đưa đến việc kinh nghiệm thực sự (khác biệt với sự hiểu biết dựa trên trí óc thuần tuý) về thân như một mô thức của các hiện tượng thay đổi liên tục (thường được nhận thức như những xung động hay những rung động ở mức vi tế) nói theo thuật ngữ của khoa vật lý hiện đại, đó là một mạng lưới của những sự kiện năng lượng cao (a web of high-energy events) mỗi sự kiện chỉ tồn tại trong những giai đoạn cực ngắn và tương tác ở những vận tốc và tần số cao không thể tưởng nổi. Đây là trí tu hay quán trí (theo thuật ngữ Phật giáo) về tính chất vô thường (anicca) và vô ngã (annatã) của mọi hiện tượng và kéo theo tính chất bất toại nguyện hay khổ (dukkha) chủ yếu của chúng. Đây là tiến trình tuệ giác của Vipassanã (Minh sát) mà căn bản cốt để dẫn đến kinh nghiệm này qua sự nhận biết hoàn toàn ý thức về các dữ kiện giác quan và những tiến trình tâm vốn bình thường tiềm ẩn (trong vô thức). 

Xả:

Nghĩa là nhìn vào bất cứ những gì xuất hiện trong tiến trình thẩm sát có chánh niệm và chấp nhận nó một cách hoàn toàn, không phản ứng thuận hay nghịch; không dính mắc vào những cảm thọ dễ chịu hoặc chùn lại trước những cảm thọ khó chịu, mà chỉ quan sát mỗi trong các cảm thọ, như trong kinh điển truyền thống nói: “quán thọ trong các thọ”.

Cần phải hiểu rõ rằng bạn phải thực sự tập cho mình không phản ứng. Tuy nhiên, đè nén các phản ứng đã khởi cũng vô ích, vì ngay hành động đè nén ấy đã hàm ý một tham muốn, một ý hành (“Tôi không muốn phản ứng”). Khi còn có phản ứng đối với sự quan sát, điều đó có nghĩa rằng bạn vẫn đồng nhất mình với sự kinh nghiệm. Chiến lược đúng đắn trong trường hợp như vậy là không đè nén cái xung lực đang hiện khởi mà lập tức biến chính phản ứng ấy thành đối tượng của sự quan sát có chánh niệm và buông xả, như vậy bạn không đồng nhất với nó. 

Điều này cũng dễ hiểu, do không phản ứng bạn tránh được việc tạo ra sự sanh sôi nảy nở thông thường của các cảm giác thuận ứng và nghịch ứng, những phán đoán, đánh giá, và các hành (nghiệp) – vốn thường xảy ra cùng với mỗi kinh nghiệm, và rồi đến lượt nó lại trở thành cội nguồn của những phản ứng, cảm xúc, tư duy, căng thẳng, và mặc cảm thêm nữa.

Đây là sự khởi đầu của việc thanh tịnh tâm. Bất cứ cứ khi nào bạn duy trì được xả trước các cảm thọ, để chúng sinh lên và diệt đi, là bạn đang bẻ gãy cái vòng luẩn quẩn ấy. Ở những khoảnh khắc chánh niệm và xả này, tâm bạn hoàn toàn trong sạch. Theo thuật ngữ truyền thống, khi ở trong trạng thái ấy bạn không tích luỹ những nghiệp mới. Quan trọng hơn nữa, bất cứ khi nào, nhờ vận dụng xả, tâm bạn không tạo ra các phản ứng mới, thì những áp lực, căng thẳng, mặc cảm vv… (đó là những quả nghiệp) đã tích luỹ từ những thời vô thỉ bắt đầu ngoi lên từ những mức tiềm thức hay vô thức của tâm trí và hiện hành thành ý thức.

Ở đó chúng được nhận thức, không nhất thiết trong những hình thức nguyên thuỷ của nó, như những trạng thái tâm hay những nội dung tâm trí, mà rất thường, qua các cảm thọ của thân có tương quan. Điều này có nghĩa là, xin đưa ra đây một minh hoạ đã được đơn giản hoá, chẳng hạn một tổn thương tâm trí cũ có thể bỗng nhiên biểu lộ ra như một cơn đau buốt trong một phần nào đó của thân hay một cảm giác nghẹn thở, hoặc nhịp tim đập nhanh hơn vv… mà không có một cái nhớ ý thức nào về sự kiện khởi thuỷ đã gây ra tổn thương ấy. 

Những điều kiện tâm lý ấy có những tương quan trên phương diện vật lý (có thể) khá rõ ràng với mọi người trong một vài trường hợp hiển nhiên (thí dụ tác động của sân hận trên huyết áp hoặc của sợ hãi trên nhịp tim). Mọi người cũng biết rằng những mặc cảm có gốc rễ sâu xa có thể gây ra những ảnh hưởng về vật lý rất mạnh, chẳng hạn như chứng tê liệt loạn tâm thần – hysterical paralysis và bẩm tính tâm thần thân thể – psychosomatic nature của nhiều chứng bệnh đã và đang được thế giới công nhận.

Những gì cần phải hiểu trong ngữ cảnh này là mọi trạng thái tâm lý và những tiến trình tâm có vẻ như có những tương quan vật lý của chúng, đôi khi rất mong manh, và rằng những tương quan này có thể được nhận thức dưới dạng các cảm thọ của thân. Sự nhận thức có ý thức về các sự kiện vật lý (với điều kiện luôn kèm với xả, không phản ứng) sẽ giải tán được năng lực của điều kiện có gốc ở tâm lý và như vậy đã “tháo ngòi nổ” của nó, có thể nói là thế. 

Có một sự trùng hợp hiển nhiên ở đây với các kỹ thuật tâm lý liệu pháp hiện đại, trong đó các rối loạn tâm lý và thần kinh được điều trị bằng cách khiến cho những nội dung tâm trí vô thức trở thành ý thức. Tuy nhiên có một điểm khác biệt quan trọng là trong thiền Minh sát, người ta không cần biết nội dung tâm trí đặc biệt nào (đối tượng của ý thức hay pháp trần) đang được làm cho thanh khiết, cũng như không cần biết đến tính đặc thù của những tương quan vật lý; một sự tích luỹ năng lực tâm trí (mà nếu không sẽ vẫn cứ hoạt động như một nguồn cung cấp các điều kiện tâm lý hoặc tâm thần thân thể trong tương lai) chỉ được giải tán hoàn toàn khi nó trở thành ý thức dưới dạng cảm thọ và không phản ứng với nó. 

Như vậy, nói thẳng ra, sự gợi ý cho rằng những căng thẳng của tâm trí được phóng thích qua những cảm thọ của thân tương quan có vẻ như hơi quá đơn giản, nhưng dĩ nhiên đây chỉ là một nét đại cương của cơ chế mà thôi. 

Trong tâm lý học Phật giáo truyền thống có những giải thích khá chi tiết và rất mực tinh vi về tiến trình này dưới hình thức những cơ chế và mức độ của tâm trí con người, điều mà tâm lý học phương Tây chỉ vừa mới bắt đầu nghiên cứu và nằm ngoài phạm vi của cuốn sách này. Điều quan trọng đối với chúng ta là, duy trì việc thực hành và kỹ thuật sẽ chứng tỏ sự kiến hiệu của nó. Nhưng bây giờ, chúng ta hãy trở lại với khoá thiền mười ngày đã. 

—o0o—

Ngày thứ chín 

Tới điểm này, và cũng kể như tột điểm của toàn bộ tiến trình, thiền sinh được giới thiệu một cách thực hành thiền tâm từ (mettã). Tâm từ đã được thanh khiết và an tịnh nhờ những bài tập Vipassanã (Minh sát) giờ đây được hướng về tất cả các chúng sinh khác trong tinh thần từ ái. Sau khi thực hành thiền Minh sát mà giờ đây đã quen thuộc, thiền sinh được khuyên hãy chia sẻ với mọi chúng sinh khác sự an tịnh và quân bình mà mình đã thành tựu qua bài tập chánh niệm và xả: 

Tựa như cục than hồng cháy đỏ toả ra sức nóng, hãy để cho cảm giác bình an và thiện chí từ nơi thân bạn toả ra khắp mười phương. Hãy nghĩ đến mọi chúng sinh – những chúng sinh gần gũi và thân ái với bạn, những chúng sinh không thân không thù, và những chúng sinh có thể là kẻ thù; những chúng sinh bạn biết và những chúng sinh bạn không biết; gần hay xa, là người hay phi nhân, lớn hay nhỏ – không có sự phân biệt. Cảm giác thân thiện của bạn, lòng từ ái của bạn đến với tất cả mọi người.

Cần lưu ý rằng đây là một bài tập thường xuyên để mở rộng lòng từ (xem chi tiết trong “Biết và Thấy“, và từ bây giờ trở đi, thiền sinh nên có thói quen thực hiện năm hoặc mười phút thiền tâm từ ở cuối mỗi thời toạ thiền (Minh sát). 

—o0o—

Ngày thứ mười 

Đây là một ngày dành cho việc tóm tắt những gì đã học và để chuẩn bị hành trang cho việc chuyển lại đời sống hàng ngày. Lời nguyện giữ yên lặng được xả bỏ, và những lời hướng dẫn cũng như khuyên nhủ cuối cùng được nhắn gởi đến các thiền sinh.

Lời khuyên quan trọng nhất là hãy kiên trì trong việc thực hành thiền Minh sát một mình mỗi ngày, để duy trì và phát triển sự thành thạo đã có được trong khoá thiền (tốt nhất là hành hai giờ mỗi ngày, sáng một giờ và chiều hay tối một giờ) và cũng nên tập trung với nhau trong các buổi thiền cùng các hành giả đồng tu khác bất cứ khi nào có thể (nếu có điều kiện, mỗi tuần một lần). 

Bài viết trích từ cuốn Tìm Hiểu Pháp Môn Niệm Thọ – Thiền Sư S.N. Goenka do Tỳ Kheo Pháp Thông biên dịch. Tải cuốn sách file PDF tại đây.

AUDIOS CUỐN SÁCH TÌM HIỂU PHÁP MÔN NIỆM THỌ

* Các Bài Viết Này Được Trích Từ Cuốn Tìm Hiểu Pháp Môn Niệm Thọ Của Ngài S.N. Goenka, Tỳ Khưu Pháp Thông Dịch Việt. Phương Pháp Thiền Vipassana Này Do Thiền Sư S.N. Goenka Giảng Dạy Theo Truyền Thống Thiền Sư Sayagyi U Ba Khin. Tài Liệu Thuộc Bản Quyền Của Viện Nghiên Cứu Vipassana VRIDhamma.org & Pariyatti.org. Tài Liệu Chỉ Mang Tính Tham Khảo. Để Học Phương Pháp Thiền Này, Quý Vị Nên Tìm Hiểu Thông Tin & Đăng Ký Tham Dự Khoá Thiền Tại Dhamma.org.
Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app