Bát Chánh Đạo – Tu Tập Định

Bằng việc thực hành giới, chúng ta cố gắng kiểm soát lời nói và hành động của thân. Tuy nhiên, nhân sanh khổ nằm trong những hoạt động tâm lý của chúng ta. Chỉ đơn thuần kiềm chế lời nói và hành động thôi, cũng sẽ vô ích nếu như tâm vẫn tiếp tục sục sôi trong tham ái và sân hận, trong những hoạt động tâm lý bất thiện. Mâu thuẫn tự thân theo cách này, chúng ta chẳng thế nào có được sự an vui. Sớm muộn gì tham ái và sân hận cũng sẽ bột phát và lúc ấy chúng ta sẽ phạm giới, làm tổn hại người khác và chính bản thân chúng ta. 

Về mặt tri thức bạn có thể hiểu rằng phạm vào những hành vi bất thiện là sai. Xét cho cùng, cả ngàn năm nay mọi tôn giáo đều đã thuyết giảng về tầm quan trọng của giới hay đạo đức. Nhưng, khi mà sự cám dỗ đến, nó áp đảo tâm và người ta liền phạm giới. Một người nghiện rượu có thể biết rất rõ rằng họ không nên uống rượu vì có hại cho bản thân họ, vậy mà khi tham ái khởi lên họ liền vớ lấy rượu và uống cho say bí tỉ. Họ không thể dừng lại được vì không kiểm soát được tâm. Nhưng nếu họ học được cách ngưng phạm những hành vi tâm lý bất thiện, thì việc kiềm chế những lời nói và việc làm bất thiện sẽ trở nên dễ dàng hơn. 

Vì vấn đề xuất phát trong tâm, nên chúng ta phải đương đầu với nó ở mức tâm lý. Để làm được như vậy, chúng ta phải thọ trì việc hành “bhãvanã” – nghĩa đen là “phát triển tâm”, hoặc nói theo ngôn ngữ thông thường là thiền. Từ sau thời đức Phật, ý nghĩa của chữ “bhãvanã” đã trở nên mơ hồ khi việc thực hành thiền xuống dốc. Trong những năm gần đây, từ này đã được dùng để nói đến bất kỳ loại trau dồi hay nâng cao tinh thần nào, ngay cả những hoạt động như đọc, nói, nghe, hoặc tư duy về Pháp (dhamma).

“Thiền” (meditation), sự phiên dịch sang Anh ngữ phổ biến nhất của từ bhãvanã, đã được dùng thậm chí rất lỏng lẻo để nói về nhiều hoạt động, từ thư giãn tinh thần, mơ mơ màng màng (day dreaming), và tự liên tưởng, đến tự thôi miên (self-hypnosis). Tất cả những hình thức này rất xa lạ với những gì đức Phật muốn nói về bhãvanã (sự phát triển hay tu tập tâm). Đức Phật đã dùng từ này để nói về những việc luyện tập tinh thần đặc biệt, những kỹ thuật chính xác nhằm tập trung và thanh lọc tâm. 

Sự phát triển tinh thần hay tu tập tâm (bhãvanã) này bao gồm hai giai đoạn tu tập về định (samãdhi) và tu tập về tuệ (pãnnã). Việc thực hành định tâm còn gọi là “tu tập tịnh chỉ” (samatha bhãvanã) và việc thực hành trí tuệ còn gọi là “tu tập minh sát” (vipassanã bhãvanã). Việc thực hành bhãvanã bắt đầu với định, phần thứ hai của Bát thánh đạo, đây  là thiện nghiệp liên quan đến việc học cách kiểm soát các tiến trình tâm, để trở thành chủ nhân của chính tâm mình. Ba chi phần của thánh đạo nằm trong giai đoạn luyện tập này là: Chánh tinh tấn, chánh niệm, và chánh định.  

Chánh Tinh Tấn

Chánh tinh tấn là bước đầu tiên trong việc thực hành bhãvanã (thiền). Tâm chúng ta dễ dàng bị vô minh áp đảo, dễ dàng bị tham ái hoặc sân hận lay động. Bằng cách này hay cách khác chúng ta phải củng cố nó để cho tâm trở nên vững chắc và ổn định, biến nó thành một lợi khí hữu ích cho việc khảo sát bản chất của chúng ta ở mức vi tế nhất để phát hiện ra và rồi loại trừ tình trạng khổ đau của chúng ta. 

Một vị bác sĩ muốn chẩn bệnh cho bệnh nhân sẽ phải lấy máu của họ và đặt nó dưới một kính hiển vi. Trước khi khảo sát mẫu vật, vị bác sĩ trước hết phải điều chỉnh tiêu điểm kính một cách thích hợp, rồi gắn mẫu vật vào tiêu điểm ấy. Chỉ lúc đó ông ta mới có thể kiểm tra mẫu vật, khám phá nguyên nhân sanh bệnh và quyết định cách điều trị thích hợp để chữa bệnh. Tương tự, chúng ta phải biết cách điều chỉnh sự tập trung của tâm, gắn chặt và duy trì nó trên một đối tượng độc nhất của sự chú tâm, bằng cách này chúng ta biến tâm thành một dụng cụ để khảo sát thực tại vi tế nhất của bản thân chúng ta. 

Đức Phật đã giải thích các kỹ thuật khác nhau cho việc định tâm, mỗi kỹ thuật phù hợp từng căn tánh của con người. Kỹ thuật thích hợp nhất cho việc khám phá thực tại bên trong, kỹ thuật mà chính đức Phật đã thực hành, là kỹ thuật “niệm hơi thở” – ãnãpãna sati. 

Hơi thở là đối tượng của sự chú tâm luôn luôn có sẵn cho mọi người, vì tất cả chúng ta ai nấy đều thở từ lúc sinh ra cho đến lúc chết. Hơn nữa nó lại là một đề mục thiền mà ai cũng có thể dùng được, ai cũng có thể chấp nhận được. Để bắt đầu hành thiền (bhãvanã) hành giả ngồi xuống, theo một tư thế thẳng đứng và thoải mái, nhắm mắt lại. Hành giả nên chọn một căn phòng yên tĩnh ít bị phân tán sự chú tâm. Xoay từ thế giới bên ngoài vào thế giới bên trong, hành giả thấy rằng hoạt động nổi bật nhất lúc này là hơi thở; vì thế hành giả đặt sự chú tâm vào đối tượng này: hơi thở đang vào và ra khỏi lỗ mũi. 

Đây không phải là cách luyện tập thở, mà là cách luyện tập chánh niệm. Nỗ lực không phải để kiểm soát hơi thở mà để duy trì sự ý thức về hơi thở như nó tự nhiên là: dài hoặc ngắn, nặng hay nhẹ, thô hay tế. Hành giả cố gắng gắn sự chú tâm trên hơi thở, không để cho bất kỳ một sự xao lãng nào làm gián đoạn chuỗi chánh niệm của mình trong thời gian càng lâu càng tốt. 

Ngay lập tức hành giả sẽ khám phá ra là việc này khó biết dường nào. Ngay khi chúng ta cố gắng để giữ cho tâm gắn chặt trên hơi thở, chúng ta bắt đầu khó chịu về cái đau nơi chân. Ngay khi chúng ta cố gắng đè nén mọi ý nghĩ phân tán, thì cả ngàn điều nhảy vào trong tâm: ký ức, dự định, hy vọng, sợ hãi vv… Một trong những điều này sẽ lôi cuốn sự chú tâm của chúng ta, và sau một lúc chúng ta mới nhận ra rằng chúng ta đã quên mất hơi thở hoàn toàn. Chúng ta bắt đầu trở lại với một quyết tâm mới, và chỉ sau một thời gian ngắn chúng ta lại nhận ra rằng tâm đã vượt khỏi không có sự ghi nhận của chúng ta. 

Ai làm việc kiểm soát ở đây? Ngay khi bắt đầu bài tập này, chúng ta nhanh chóng biết rõ rằng thực ra tâm nằm ngoài sự kiểm soát của chúng ta. Giống như một đứa bé hư với tay lấy món đồ chơi này, chán, vớ lấy món khác, chán rồi lại lấy món khác nữa. Tâm cũng vậy, cứ liên tục nhảy từ ý tưởng này, từ đối tượng của sự chú tâm này đến đối tượng khác, luôn luôn chạy trốn thực tại. 

Đây là thói quen thâm căn cố đế của tâm; đây là những gì nó đã làm suốt những kiếp sống của chúng ta. Nhưng một khi chúng ta khởi sự khảo sát bản chất thực của mình, việc chạy trốn thực tại này phải chấm dứt. Chúng ta phải thay đổi được lề thói quen của tâm và học cách sống với thực tại. Chúng ta bắt đầu bằng cách cố gắng gắn chặt sự chú tâm vào hơi thở. Khi chúng ta để ý thấy rằng nó đã phóng đi, chúng ta sẽ đưa nó trở lại một cách nhẫn nại và điềm tĩnh. Có thể chúng ta sẽ thất bại nhưng vẫn cố gắng trở lại, và cứ tiếp tục nhẫn nại như thế. Tươi cười, không căng thẳng, không thối chí, chúng ta cứ lập đi lập lại bài tập. Xét cho cùng thói quen của một đời người không dễ gì đổi trong một vài phút như vậy. Công việc đòi hỏi phải có sự thực hành liên tục, lập đi lập lại nhiều lần, cũng như cần có sự nhẫn nại và điềm tĩnh. Đây là cách chúng ta tu tập chánh niệm về thực tại. Đây là chánh tịnh tấn. Đức Phật đã mô tả bốn loại chánh tinh tấn: 

Tinh tấn ngăn các các, bất thiện pháp không cho khởi lên, 

Tinh tấn đoạn trừ nếu chúng đã sanh, 

Tinh tấn làm cho sanh khởi những thiện pháp chưa sanh, 

Tinh tấn duy trì không xao lãng, làm cho các thiện pháp được phát triển và đạt đến sự sung mãn, hoàn thiện. (A.IV.II.3 (13) Pathãna Sutta.)

Bằng việc thực hành niệm hơi thở, chúng ta thực hành cả bốn loại chánh tinh tấn. Chúng ta ngồi xuống và gắn sự chú tâm trên hơi thở không để một ý tưởng nào xen vào. Nhờ làm vậy, chúng ta đã khởi sự và duy trì được thiện pháp về tự-chánh-niệm. Chúng ta ngăn tự thân không để rơi vào sự phân tán, hay thất niệm, ngăn không để rơi vào sự phân tán, hay thất niệm, ngăn không để cho mất cái thấy về thực tại (ở đây là hơi thở). Nếu một ý tưởng khởi lên, chúng ta không đuổi theo nó, mà đưa sự chú tâm của ta vào hơi thở trở lại. Bằng cách này, chúng ta phát triển được khả năng của tâm để duy trì tập trung trên một đối tượng duy nhất và để chống lại sự tán loạn – hai đặc tính không thể thiếu của định. 

Chánh Niệm

Quan sát hơi thở cũng là phương tiện để hành chánh niệm. Khổ đau của chúng ta xuất phát từ vô minh. Chúng ta phản ứng vì chúng ta không biết chúng ta đang làm gì, vì chúng ta không biết thực tại của bản thân chúng ta. Tâm dùng hầu hết thời giờ miệt mài trong những sự tưởng tượng và ảo tưởng, trở lại những kinh nghiệm vui buồn và mong đợi tương lai với sự háo hức hoặc sợ hãi. Trong khi mải miết trong những tham ái và sân hận như vậy chúng ta không biết những gì đang xảy ra trong hiện tại, những gì chúng ta đang làm trong hiện tại. Tuy thế chắc chắn sát na này, hiện tại này, là quan trọng nhất đối với chúng ta. Chúng ta không thể  sống trong quá khứ, nó đã qua rồi. Chúng ta cũng không thể sống trong tương lai, vì nó mãi mãi nằm ngoài tầm tay của chúng ta. Chúng ta chỉ có thể sống trong hiện tại. Nếu chúng ta không biết về những  hành vi hiện tại của chúng ta, chúng ta buộc phải lặp lại những lầm lỗi của quá  khứ và có thể chẳng bao giờ thành công trong việc thực hiện những ước mơ tương lai. Nhưng nếu chúng ta có thể tu tập khả năng nhận biết trong sát na hiện tại, chúng ta có thể dùng quá khứ như một cố vấn cho việc sắp đặt trình tự hoạt động của chúng ta trong tương lai, nhờ vậy chúng ta có thể đạt đến cứ cánh. 

Pháp (Dhamma) là đạo lộ của hiện tại (ngay ở đây và bây giờ) vì thế chúng ta phải phát triển khả năng nhận biết sát na hiện tại. Chúng ta cần phải có một phương pháp để tập trung sự chú tâm trên thực tại của chính chúng ta trong sát na này. Kỹ thuật niệm hơi thở 

(ãnãpãna sati) là pháp môn ấy. Thực hành kỹ thuật niệm hơi thở sẽ phát triển được sự chánh niệm về tự thân ngay trong hiện tại: ngay sát na này đang thở vào, ngay sát na này đang thở ra. Nhờ thực hành niệm hơi thở, chúng ta trở nên ý thức rõ về sát na hiện tại. 

Lý do khác để phát triển niệm hơi thở là chúng ta muốn kinh nghiệm thực tại tối hậu. Tập trung trên hơi thở có thể giúp chúng ta khám phá được những gì còn chưa biết về bản thân chúng ta, khiến cho những gì từng là vô thức trở thành ý thức. Nói chung, hơi thở đóng vai trò như một cây cầu nối giữa tâm ý thức và tâm vô thức, vì hơi thở vận hành cả trên phương diện ý thức lẫn vô thức. Chúng ta có thể quyết định thở theo một cách đặc biệt nào đó, để kiểm soát việc thở. Thậm chí chúng ta còn có thể ngưng thở trong một thời gian. Tuy vậy khi chúng ta ngừng (cố gắng) kiểm soát hơi thở, thì nó vẫn tiếp tục không cần nhắc bảo. 

Chẳng hạn, chúng ta có thể bắt đầu bằng cách thở có chủ tâm, hơi nặng một chút, để gắn sự chú tâm dễ dàng hơn. Ngay khi việc niệm hơi thở trở nên rõ ràng và đều đặn, chúng ta để cho hơi thở diễn tiến một cách tự nhiên, hoặc nặng hoặc nhẹ, sâu hay không sâu, dài hay ngắn, nhanh hay chậm. Chúng ta không ra sức điều khiển hơi thở, mà chỉ cố gắng biết rõ nó. Nhờ duy trì niệm hơi thở tự nhiên chúng ta đã khởi sự quan sát cơ năng tự trị của thân, một hoạt động thường được xem là vô thức. Từ việc quan sát thực tại thô của hơi thở có chủ ý, chúng ta tiến đến việc quan sát thực tại vi tế hơn của hơi thở tự nhiên. Như vậy chúng ta đã bắt đầu vượt qua thực tại bề ngoài để đi vào lãnh vực niệm thực tại vi tế hơn. 

Vẫn có một lý do khác khiến chúng ta tu tập niệm hơi thở, là để thoát khỏi tham, sân và si, nhờ lần đầu tiên biết được chúng. Trong công việc này hơi thở sẽ giúp chúng ta, vì hơi thở đóng vai trò như một sự phản chiếu trạng thái tâm của chúng ta vậy. Khi tâm yên và vắng lặng, hơi thở sẽ đều đặn và nhẹ nhàng. Nhưng, bất cứ khi nào những tiêu cực phát sinh trong tâm, có thể là nóng giận, sợ hãi, hay tham dục, lúc đó hơi thở trở nên thô hơn, nặng hơn và nhanh hơn. Bằng cách này, hơi thở cảnh báo cho chúng ta biết trạng thái tâm lý của chúng ta và giúp chúng ta đối phó với nó. 

Còn một lý do khác nữa cho việc thực hành niệm hơi thở. Vì mục đích của chúng ta là tiến đến một cái tâm không còn tiêu cực, nên chúng ta phải thận trọng để ý rằng mỗi bước của chúng ta hướng về mục đích đó phải là trong sạch và hiền thiện. Ngay cả trong giai đoạn đầu của việc tu tập định, chúng ta cũng phải dùng một đối tượng của sự chú tâm được xem là thiện. Hơi thở là một đối tượng như vậy. Chúng ta không thể có tham hay sân đối với hơi thở được, và nó là một thực tại, hoàn toàn tách rời khỏi ảo giác hoặc ảo tưởng. Vì thế nó được xem là đối tượng thích hợp cho sự chú tâm. 

Trong sát na khi mà tâm hoàn toàn tập trung trên hơi thở, nó thoát khỏi tham ái, thoát khỏi sân hận, và thoát khỏi si mê. Dù sát na thanh tịnh ấy có thể ngắn ngủi, song rất mãnh liệt, vì nó thách thức tất cả quy định quá khứ của con người. Tất cả những phản ứng tích cực đã bị khuấy động lên và bắt đầu xuất hiện như những chướng ngại tâm lý cũng như vật lý khác nhau, vốn cản trở nỗ lực phát triển chánh niệm của chúng ta. Có thể chúng ta cảm thấy nôn nóng muốn tiến bộ, một hình thức của tham ái; hoặc giả sân hận có thể phát sinh dưới hình thức của nóng nảy và chán nản vì sự tiến bộ dường như quá chậm. Có khi trạng thái uể oải xâm chiếm, và chúng ta ngủ gà ngủ gật ngay khi vừa mới ngồi xuống hành thiền. Đôi lúc chúng ta có thể bị kích động (trạo cử) đến độ đứng ngồi không yên hoặc tìm cách thoái thác để tránh hành thiền. Lắm lúc hoài nghi xói mòn dần ý chí thực hành – những hoài nghi vô lý, ám ảnh về người thầy, về lời dạy (giáo pháp), hoặc về chính khả năng hành thiền của chúng ta. Khi bất chợt đương đầu với những khó khăn này, chúng ta có thể nghĩ đến việc từ bỏ pháp hành hoàn toàn. 

Vào những lúc như vậy chúng ta hiểu rằng những chướng ngại (năm triền cái) này chỉ xuất hiện để phản kháng lại sự thành công của chúng ta trong việc hành niệm hơi thở mà thôi. Nếu chúng ta kiên trì chúng sẽ biến dần. Khi chúng mất đi, công việc thực hành sẽ trở nên dễ dàng hơn, vì ngay ở giai đoạn đầu của việc thực hành này, một số lớn tâm hành hay phản ứng (mental) condition-sankhãra) cũ đã bị quét sạch khỏi bề mặt của tâm. Theo cách này, ngay cả khi chúng ta hành niệm hơi thở, chúng ta cũng bắt đầu thanh lọc tâm và tiến đến giải thoát. 

Chánh Định

Gắn chặt sự chú tâm vào hơi thở là phát triển chánh niệm về sát na hiện tại. Duy trì chánh niệm này từ sát na này đến sát na khác, trong thời gian lâu dài, là chánh định. 

Trong những hành động hàng ngày của đời thường cũng đòi hỏi phải có định (sự tập trung), nhưng định đó không nhất thiết là chánh định. Một người có thể tập trung vào việc thỏa mãn một dục vọng, hoặc tập trung vào việc ngăn chặn trước một nỗi lo sợ nào đó. Một con mèo nằm rình với tất cả sự chú tâm của nó trên hang chuột, sẵn sang lao mình ngay khi con chuột xuất hiện.

Một tay móc túi chăm chú vào ví tiền của nạn nhân, chờ cơ hội thuận tiện là lấy đi. Một đứa bé nằm trên giường ban đêm nhìn chằm chằm vào xó tối của căn phòng một cách sợ hãi, tưởng tượng như có những con quái vật đang ẩn nấp đâu đó trong bóng tối. Không thứ nào trong số này là chánh định, loại định có thể dùng cho mục đích giải thoát. Samãdhi (định) ở đây phải có một đối tượng được xem là thoát khỏi mọi tham, sân, si, như tiêu điểm của nó. 

Trong thực hành niệm hơi thở bạn sẽ thấy việc duy trì niệm không gián đoạn thật khó khăn làm sao. Bất chấp quyết tâm kiên định của bạn để giữ sự chú tâm gắn chặt trên đối tượng hơi thở, bằng mọi cách nó vẫn cứ vuột khỏi chẳng ai hay. Chúng ta cảm thấy mình giống như một gã say cố gắng đi theo đường thẳng, nhưng vẫn bị lạc sang bên này hoặc bên kia. Thực sự chúng ta đã say với si mê và ảo tưởng của chúng ta. Và vì thế mà chúng ta cứ mãi lạc lối về quá khứ hay tương lai, cứ mãi lạc lối vào tham ái hay sân hận. Chúng ta không thể duy trì trên đạo lộ chánh trực củ niệm kéo dài (sustained awareness – samãdhi). 

Là người hành thiền, chúng ta cần phải sáng suốt không để bị chán nản hoặc thối chí khi đương đầu với những khó khăn này, mà thay vào đó cần phải hiểu rằng muốn thay đổi những thói quen thâm căn cố đế như thế phải mất hàng năm. Thói quen ấy chỉ có thể được thay đổi bằng việc thực hành một cách đều đặn, liên tục, nhẫn nại và kiên trì. Công việc của chúng ta chỉ đơn giản là đưa sự chú tâm trở về hơi thở ngay khi chúng ta nhận ra nó đã lạc lối. Nếu chúng ta có thể làm được điều đó, chúng ta đã bước một bước rất quan trọng hướng đến việc thay đổi thói quen lang thang của tâm. Và nhờ thực hành đều đặn, chúng ta có thể đưa sự chú tâm trở lại (hơi thở) càng lúc càng nhanh hơn. Dần dần, những giai đoạn quên sẽ trở nên ngắn hơn và những giai đoạn niệm (ghi nhớ) được duy trì lâu, hay định (samãndhi) trở nên lâu hơn. 

Khi định tâm vững mạnh, chúng ta bắt đầu cảm nghe nhẹ nhõm, an lạc, và đầy năng lực. Hơi thở thay đổi dần dần, từng chút từng chút một nó trở nên êm dịu hơn, đều đặn hơn, nhẹ nhàng hơn. Thỉnh thoảng bạn có cảm giác như thế là hơi thở đã dừng lại hoàn toàn. Thực ra, khi tâm trở nên vắng lặng, thì thân cũng trở nên an tịnh và quá trình chuyển hóa (thức ăn trong cơ thể) giảm bớt, vì thế mà lượng oxy cần rất ít. 

Ở giai đoạn này một số người hành niệm hơi thở có thể có những kinh nghiệm đặc biệt khác nhau, chẳng hạn như thấy ánh sáng hay những ảo ảnh trong lúc nhắm mắt, hoặc nghe những âm thanh dị thường, tất cả những kinh nghiệm được gọi là nằm ngoài phạm vi của giác quan hay những kinh nghiệm ngoại cảm này chỉ là những chỉ dấu cho thấy rằng tâm đã đạt đến mức định rất cao. Bản thân những hiện tượng này không có gì quan trọng cả và không nên chú tâm đến nó. Đối tượng của niệm vẫn là hơi thở, còn bất luận thứ gì khác đều là sự phân tâm. Bạn cũng không nên trông đợi những kinh nghiệm như vậy; chúng chỉ xuất hiện trong một vài trường hợp, và ở những trường hợp khác thì không. Tất cả những kinh nghiệm lạ lùng này chỉ là những cái mốc đánh dấu sự tiến bộ trên đạo lộ. Đôi khi cái mốc ấy có thể bị che khuất, hoặc có thể do chúng ta quá chú tâm trên đạo lộ đến độ chúng ta xem những cái mốc ấy như mục đích cuối cùng và chấp trước vào đó, chúng ta đã ngưng lại mọi tiến bộ hoàn toàn. Xét cho cùng, có vô số những kinh nghiệm ngoại cảm lạ lùng như vậy trong quá trình hành thiền. Nhưng người thực hành Pháp (Dhamma) không tầm cầu những kinh nghiệm ấy, mà thay vào đó cố gắng thấu triệt bản chất thực của mình, nhờ vậy đạt đến sự giải thoát khỏi khổ. 

Vì vậy chúng ta cứ tiếp tục chú tâm duy nhất vào hơi thở. Khi tâm trở nên an định hơn, thì hơi thở cũng trở nên tinh tế hơn và khó theo dõi hơn, do đó đòi hỏi chúng ta phải có những nỗ lực to lớn hơn nữa để duy trì sự chú tâm. Theo cách ấy chúng ta tiếp tục mài dũa tâm, để làm cho định sắc bén, biến nó thành một lợi khí để chọc thủng thực tại bề ngoài, để quan sát thực tại vi tế nhất ở bên trong. 

Có nhiều kỹ thuật khác nhau để phát triển định. Bạn có thể được dạy định tâm trên một chữ nào đó bằng cách lập đi lập lại nó, hoặc tập trung vào một hình ảnh do mường tượng ra, hay thậm chí lập đi lập lại nhiều lần một động tác vật lý nào đó. Do làm như vậy bạn trở nên chuyên chú hoàn toàn trên đối tượng và đạt đến một trạng thái xuất thần đầy phấn chấn. Mặc dù một trạng thái như vậy chắc chắn là rất an lạc bao lâu nó còn tồn tại, song khi nó chấm dứt bạn sẽ thấy rằng mình rơi trở lại đời thường với bao vấn đề như trước. Những kỹ thuật này hiệu quả nhờ tạo ra một lớp bình yên và hoan lạc ở bề mặt của tâm, nhưng tận chiều sâu điều kiện vẫn không chạm tới. Những đối tượng được dùng để đắc định trong những kỹ thuật này không liên quan đến thực tại trong từng sát na của tự thân. Hỷ lạc mà bạn đạt đến được tạo ra một cách chủ định và chồng thêm vào hơn là xuất phát một cách tự nhiên từ phần sâu thẳm của một cái tâm thanh tịnh. Chánh định không thể là tình trạng đê mê tinh thần được. Nó phải thoát khỏi mọi sự phi tự nhiên, thoát khỏi mọi ảo tưởng. 

Ngay cả trong giáo pháp của đức Phật, người hành thiền cũng có thể đạt đến những trạng thái thiền (jhãna) khác nhau. Bản thân đức Phật, trước khi giác ngộ, cũng đã hành tám trạng thái định tâm hay thiền chừng này, và Ngài vẫn tiếp tục hành chúng trong suốt cuộc đời Ngài. Tuy nhiên, một mình những thiền chứng ấy không thể giải thoát cho Ngài được. Vì thế khi dạy các thiền chứng này Ngài nhấn  mạnh nhiệm vụ của chúng chỉ như những phương tiện để phát triển tuệ giác. Người hành thiền tu tập năng lực định (định căn) không  phải để kinh nghiệm những trạng thái xuất thần hay hưởng lạc mà đúng hơn để trui rèn tâm thành một khí cụ, dùng nó để khảo sát thực tại và loại trừ các nhân gây ra khổ đau của họ. Đây là chánh định. 

Bài viết trích từ cuốn Tìm Hiểu Pháp Môn Niệm Thọ – Thiền Sư S.N. Goenka do Tỳ Kheo Pháp Thông biên dịch. Tải cuốn sách file PDF tại đây.

AUDIOS CUỐN SÁCH TÌM HIỂU PHÁP MÔN NIỆM THỌ

* Các Bài Viết Này Được Trích Từ Cuốn Tìm Hiểu Pháp Môn Niệm Thọ Của Ngài S.N. Goenka, Tỳ Khưu Pháp Thông Dịch Việt. Phương Pháp Thiền Vipassana Này Do Thiền Sư S.N. Goenka Giảng Dạy Theo Truyền Thống Thiền Sư Sayagyi U Ba Khin. Tài Liệu Thuộc Bản Quyền Của Viện Nghiên Cứu Vipassana VRIDhamma.org & Pariyatti.org. Tài Liệu Chỉ Mang Tính Tham Khảo. Để Học Phương Pháp Thiền Này, Quý Vị Nên Tìm Hiểu Thông Tin & Đăng Ký Tham Dự Khoá Thiền Tại Dhamma.org.
Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app