Nội Dung Chính
Mục Đích
“Phàm những gì có bản chất sanh cũng có bản chất diệt”.
Sự kinh nghiệm thực tại này là yếu tính của lời dạy của đức Phật. Tâm và thân chỉ là một đống những tiến trình luôn luôn sanh và diệt. Khổ đau có mặt khi chúng ta chấp trước vào những tiến trình này, chấp trước vào những gì thực sự chỉ là phù du và không có thực thể. Nếu chúng ta có thể trực nhận tính chất vô thường của những tiến trình này, sự chấp trước của chúng ta vào chúng sẽ chấm dứt. Đây là nhiệm vụ mà những người hành thiền phải đảm nhận, nghĩa là phải tuệ tri tính chất không bền của chính họ bằng cách quan sát các cảm thọ luôn luôn thay đổi bên trong (tự thân). Khi một cảm thọ nảy sanh, hành giả không phản ứng, mà để cho nó tự sanh và diệt. Nhờ làm như vậy hành giả để cho điều kiện (duyên) cũ của tâm hiện lên bề mặt và diệt. Khi duyên và sự chấp thủ diệt, thì khổ cũng sẽ diệt, và chúng ta cảm nghiệm sự giải thoát. Đó là một nhiệm vụ lâu dài và đòi hỏi phải có sự áp dụng liên tục. Tất nhiên những lợi ích sẽ hiển hiện rõ ràng ở mỗi bước trên đạo lộ, song để đạt đến chúng, cần phải có sự nỗ lực thường xuyên. Chỉ qua việc thực hành một cách nhẫn nại, kiên trì, và liên tục hành giả mới có thể tiến tới mục đích được.
Thể Nhập Sự Thực Tối Hậu
Sự tiến triển của hành giả trên đạo lộ (giải thoát) sẽ trải qua ba giai đoạn. Thứ nhất là học để biết kỹ thuật – hành như thế nào và tại sao. Thứ hai là đưa kỹ thuật ấy vào thực hành. Thứ ba là sự thể nhập dùng kỹ thuật để chọc thủng chiều sâu của thực tại và nhờ đó tiến về mục đích cuối cùng.
Đức Phật không phủ nhận sự hiện hữu của thế giới bề ngoài gồm các hình dạng, màu sắc, mùi, vị, khổ đau và lạc thú, tư duy và cảm xúc, của các chúng sanh – bản thân và những người chung quanh. Ngài chỉ tuyên bố rằng đây không phải là thực tại tối hậu. Với cái nhìn bình thường chúng ta chỉ nhận thức được những mô hình diện rộng trong đó các hiện tượng vi tế hơn tự sắp xếp.
Chúng ta chỉ thấy những mô hình chứ không thấy được những thành phần cấu tạo cơ bản, chúng ta chủ yếu nhận thấy những khác biệt của chúng và từ đó vạch ra những phân biệt, gắn lên những nhãn hiệu, hình thành những yêu thích và thành kiến, để rồi bắt đầu có thái độ thích và không thích. Tiến trình này sau đó sẽ phát triển thành tham và sân.
Để vượt lên khỏi thói quen tham và sân, nhất thiết không chỉ có một cái nhìn tổng thể, mà phải thấy các pháp (mọi sự, mọi vật) ở tận chiều sâu, để nhận thức rõ các hiện tượng cơ bản tạo thành thực tại bề ngoài. Đây chính là những gì mà việc thực hành Vipassanã (Minh-sát) cho phép chúng ta làm.
Đương nhiên, bất kỳ một sự khảo sát tự thân nào cũng phải bắt đầu với những phương tiện dễ thấy nhất của bản thân chúng ta, đó là những phần khác nhau của thân, như tứ chi và các cơ quan khác. Việc khảo sát kỹ lưỡng sẽ cho thấy rằng một số thân phần thì cứng, số khác lỏng, một số đang chuyển động hoặc đứng yên. Có thể chúng ta nhận ra thân nhiệt khác với nhiệt độ của môi trường chung quanh. Tất cả những quan sát này có thể giúp chúng ta phát triển được sự tự tri tốt hơn, song chúng vẫn là kết quả của sự khảo sát thực tại bề ngoài trong một hình dạng hay hình thể cấu hợp. Vì thế những phân biệt, những yêu thích và thành kiến, tham ái và sân hận vẫn tồn tại.
Là người hành thiền chúng ta phải đi xa hơn bằng cách thực hành chánh niệm trên các cảm thọ bên trong. Điều này chắc chắn sẽ mở ra một thực tại vi tế hơn về những gì trước đây chúng ta không biết. Thoạt đầu chúng ta nhận biết các loại thọ khác nhau trong những phần khác nhau của thân, các cảm thọ ấy dường như sanh lên, dừng lại trong một thời gian, và cuối cùng thì diệt. Mặc dù chúng ta đã tiến xa hơn ở mức bề ngoài, song chúng ta vẫn còn đang quan sát những hình thức kết hợp của thực tại bề ngoài. Vì lý do này mà chúng ta vẫn chưa thoát khỏi những phân biệt, chưa thoát khỏi tham ái và sân hận.
Nếu chúng ta tiếp tục thực hành một cách chuyên cần, không sớm thì muộn chúng ta sẽ đạt đến giai đoạn ở đây tính chất của các cảm thọ thay đổi. Hiện giờ chúng ta chỉ biết được một loại y hệt nhau của những cảm thọ vi tế ở khắp toàn thân, sanh và diệt với tốc độ rất nhanh. Chúng ta đã chọc thủng qua những mô hình kết hợp để nhận thức những hiện tượng cơ bản từ đó chúng được tạo thành, hay những tổng hợp sắc (hạt hạ nguyên tử) tạo thành mọi vật chất.
Chúng ta kinh nghiệm trực tiếp bản chất thoáng qua của những phân tử này, nghĩa là thấy chúng liên tục sanh lên và diệt. Bây giờ bất luận thứ gì chúng ta quan sát bên trong, dù là máu hay xương, cứng, lỏng, hay hơi (khí), dù là xấu hay đẹp, chúng ta chỉ nhận thấy như một khối những rung động không thể phân biệt. Cuối cùng tiến trình vạch ra những phân biệt và gán cho những nhãn hiệu sẽ chấm dứt. Chúng ta đã kinh nghiệm được sự thực tối hậu về vật chất (sắc) trong cơ cấu của thân chúng ta: nghĩa là thấy nó như một dòng sanh – diệt liên tục.
Tương tự, thực tại bề ngoài của các tiến trình tâm lý cũng có thể được thể nhập đến một mức độ vi tế hơn. Chẳng hạn, một sát na thích hay không thích nảy sanh, dựa trên những điều kiện quá khứ của ta. Sát na kế, tâm lập lại phản ứng thích hay không thích ấy, và tăng cường nó trong những sát na tiếp theo cho đến khi nó phát triển thành ái hoặc sân.
Chúng ta chỉ biết được sự phản ứng đã gia tăng cường độ ấy. Với nhận thức hời hợt này chúng ta bắt đầu nhận dạng và phân biệt giữa lạc và khổ, tốt và xấu, muốn và không muốn. Nhưng cũng như trong những trường hợp của thực tại vật chất bề ngoài, với cảm xúc mãnh liệt này cũng vậy: khi chúng ta khởi sự quan sát nó bằng cách quan sát các cảm thọ bên trong, nó chắc chắn sẽ tan ra. Vật chất chỉ là những sóng lăn tăn vi tế của những hạt hạ nguyên tử như thế nào, thì cảm xúc mãnh liệt cũng vậy, chỉ là hình thức đã được củng cố của những ưa và ghét nhất thời mà thôi. Một khi cảm xúcmãnh liệt ấy tan ra thành hình thức vi tế hơn của nó, nó không còn có bất kỳ sức mạnh nào nữa để áp đảo.
Từ việc quan sát các cảm thọ đã được củng cố khác nhau trong những thân phần khác nhau này, chúng ta tiến đến việc chánh niệm trên các cảm thọ vi tế hơn có bản chất giống nhau, luôn luôn sanh và diệt ở khắp cấu trúc vật lý. Do các cảm thọ xuất hiện và biến diệt cực kỳ nhanh, chúng có thể được kinh nghiệm như một dòng của những rung động, một dòng chuyển động khắp toàn thân.
Bất cứ chỗ nào chúng ta gắn sự chú tâm vào trong cấu trúc vật lý, chúng ta không biết gì ngoài sự sanh và diệt. Bất cứ khi nào một ý nghĩ xuất hiện trong tâm, chúng ta biết được những cảm thọ vật lý sanh và diệt đi kèm. Tính rắn chắc rõ ràng của thân và tâm tan ra, và chúng ta kinh nghiệm được thực tại tối hậu của vật chất (sắc), tâm và các tạo tác tâm lý (ý hành) chỉ là những rung động, những dao động, sanh và diệt với vận tốc cực nhanh. Như tỳ khưu ni Upacãlã, người đã kinh nghiệm sự thực này, nói:
Toàn thế gian cháy đỏ,
Toàn thế gian nổ tung
Toàn thế gian bừng cháy
Toàn thế gian rung động.
(S.V.7.Upacãlã Sutta)
Để đạt đến giai đoạn tan hoại (bhanga) này, người hành thiền chỉ cần phát triển chánh niệm và xả. Cũng như một nhà khoa học có thể quan sát các hiện tượng chi tiết hơn bằng cách gia tăng độ lớn của kính hiển vi, ở đây cũng vậy, bằng cách phát triển chánh niệm và xả chúng ta sẽ gia tăng khả năng để quan sát các thực tại vi tế hơn ở bên trong.
Kinh nghiệm này, khi xảy ra, chắc chắn sẽ rất dễ chịu. Mọi đau đớn đã tan biến, tất cả những vùng không cảm thọ đã biến mất. Chúng ta cảm thấy bình yên, an vui, sung sướng. Đức Phật đã mô tả kinh nghiệm ấy như sau:
Người luôn luôn chánh niệm,
Sự sanh diệt các uẩn,
Được hoan hỷ, hân hoan.
Chỉ bậc bất tử biết.
(Pháp Cú 374)
(Nguyên văn: Khi một người kinh nghiệm sự sanh và diệt của các tiến trình tâm vật lý, vị ấy thọ hưởng niềm hỷ lạc. Vị ấy đạt đến bất tử, chỉ bậc trí chứng ngộ).
Niềm vui sướng chắc chắn sẽ phát sinh khi ta thăng tiến trên đạo lộ, khi tính rắn chắc rõ rệt của tâm và thân đã bị tan ra. Hân hoan trong trạng thái an lạc, chúng ta có thể nghĩ rằng đó là mục đích cuối cùng rồi. Nhưng thực sự đó chỉ là một ga xép (ga phụ). Từ đây chúng ta sẽ tiến bước thêm để kinh nghiệm sự thực tối hậu nằm ngoài tâm và vật chất (danh-sắc) để đạt đến sự giải thoát hoàn toàn khỏi khổ.
Ý nghĩa những lời dạy này của đức Phật trở nên rõ ràng với chúng ta từ việc hành thiền. Thể nhập từ thực tại bề ngoài đến thực tại vi tế, chúng ta bắt đầu cảm nhận được dòng chảy của những rung động khắp toàn thân. Rồi thình lình dòng chảy mất đi. Chúng ta lại kinh nghiệm những cảm thọ căng thẳng, khó chịu (khổ) nơi một vài thân phần, và có thể nơi một vài phần khác sẽ không có cảm thọ. Chúng ta lại kinh nghiệm những cảm xúc căng thẳng trong tâm. Nếu chúng ta bắt đầu cảm thấy sân hận đối với tình trạng mới này và mong muốn dòng chảy ấy trở lại, chúng ta đã biến nó thành một trò chơi trong đó mục đích là để thành tựu những cảm giác dễ chịu (lạc) và tránh hay vượt qua những cảm giác khó chịu (khổ). Đây là trò chơi quen thuộc mà chúng ta đã chơi suốt cả cuộc đời – cái vòng bất tận của đẩy và kéo, của ưa và ghét, không đưa đến gì ngoại trừ đau khổ.
Tuy nhiên, khi trí tuệ tăng trưởng, chúng ta nhận ra rằng sự tái diễn của các cảm thọ thô, ngay cả sau khi đã kinh nghiệm sự tan hoại, không phải là dấu hiệu của sự thoái bộ mà đúng hơn là sự tiến bộ. Chúng ta thực hành Vipassanã không phải với mục đích cảm nghiệm bất kỳ một loại thọ đặc biệt nào, mà để giải phóng tâm khỏi mọi điều kiện. Nếu chúng ta phản ứng lại một cảm thọ là chúng ta đã làm tăng đau khổ của chúng ta vậy. Nếu chúng ta giữ quân bình, chúng ta để cho một số các duyên (điều kiện) diệt và lúc đó cảm thọ trở thành một phương tiện để giải thoát chúng ta khỏi khổ. Bằng cách quan sát các cảm thọ khổ mà không phản ứng chúng ta đã diệt trừ sân. Bằng cách quan sát các cảm thọ không khổ không lạc mà không phản ứng, chúng ta đã diệt trừ si. Vì thế, về bản chất, không có cảm thọ, không có kinh nghiệm nào là tốt hoặc xấu. Nó là tốt nếu chúng ta giữ được quân bình, và là xấu nếu chúng ta mất đi thái độ xả.
Với sự hiểu biết này chúng ta dùng mọi cảm thọ như một lợi khí để diệt trừ các duyên. Đây là giai đoạn gọi là sankhãra-upekkhã (xả hành), xả đối với mọi duyên (hành), vốn dẫn đến sự thực tối hậu của giải thoát, tức Niết bàn, theo tuần tự.
Chứng Nghiệm Giải Thoát
Giải thoát là việc khả dĩ. Chúng ta có thể đạt đến sự giải thoát khỏi mọi điều kiện, mọi khổ đau. Đức Phật đã giải thích:
Có một lãnh vực kinh nghiệm nằm ngoài toàn bộ lãnh vực của vật chất, nằm ngoài toàn bộ lãnh vực của tâm, lãnh vực ấy không phải ở thế giới này, không phải ở thế giới khác, không phải cả hai, không có mặt trăng không có mặt trời. Ta gọi lãnh vực này là không sanh, không diệt, không trú, không chết, không tái sanh. Lãnh vực ấy không có sự hỗ trợ, không có sự phát triển, không có sự thành lập. Đây là sự chấm dứt khổ đau.
Ngài cũng nói,
Có sự không sanh, không trở thành (phi hữu), không tạo tác, không điều kiện (không hữu vi). Nếu không có sự không sanh, không trở thành, không tạo tác, không điều kiện, ắt hẳn sự giải thoát khỏi sanh, trở thành, tạo tác, điều kiện sẽ không được biết đến. Nhưng vì có sự không sanh, không trở thành, không tạo tác, không điều kiện, do đó sự giải thoát khỏi sanh, trở thành, tạo tác, điều kiện mới được biết đến.
Niết bàn không chỉ là một trạng thái sau khi chết người ta đi đến đó; Niết bàn còn là một trạng thái được kinh nghiệm trong tự thân ngay ở đây và bây giờ (hiện tại). Niết bàn được mô tả trong những từ ngữ phủ định không phải vì nó là một kinh nghiệm phủ định mà vì chúng ta không có cách nào khác để mô tả nó vậy thôi. Mỗi ngôn ngữ đều có những từ để nói đến toàn bộ lãnh vực của hiện tượng tâm và vật lý, song lại không có những từ hoặc khái niệm để diễn tả cái nằm ngoài tâm và vật chất. Nó bất chấp mọi phạm trù, bất chấp mọi sự khu biệt. Chúng ta chỉ có thể mô tả Niết bàn bằng cách nói về những gì Niết bàn không phải là thôi.
Quả thực là vô nghĩa khi cố gắng mô tả Niết bàn. Bất cứ một sự diễn đạt nào sẽ chỉ làm rối rắm thêm. Thay vì luận bàn và tranh cãi, điều quan trọng là hãy chứng nghiệm Niết bàn. Đức Phật nói, “Thánh đế về sự diệt khổ này phải được chứng đắc cho tự thân”. Khi một người chứng nghiệm Niết bàn, chỉ lúc đó nó mới là thực đối với người ấy, và mọi sự tranh luận về Niết bàn khi ấy sẽ không còn thích hợp nữa.
Để chứng nghiệm sự thực tối hậu của giải thoát, việc trước tiên nhất thiết phải là chọc thủng qua thực tại bề ngoài và kinh nghiệm sự tan hoại của thân và tâm. Ta càng chọc thủng sâu hơn vào thực tại bề ngoài, ta càng chấm dứt tham, sân, và chấp thủ sớm hơn, và càng đến gần sự thực tối hậu hơn. Thực hành từng bước, từng bước một, cố nhiên ta sẽ đạt đến được giai đoạn ở đây bước kế tiếp là chứng nghiệm Niết bàn. Mong mỏi Niết bàn sẽ chẳng ích gì và cũng không có lý do nào để hoài nghi việc Niết bàn sẽ đến. Nó sẽ đến đối với những ai thực hành Pháp (Dhamma) một cách đúng đắn.
Khi nào Niết bàn sẽ đến, chẳng ai có thể nói được. Điều này một phần tùy thuộc vào sự tích lũy các duyên trong mỗi người, một phần tùy thuộc vào số lượng tinh tấn mà họ sử dụng đề diệt trừ các duyên (điều kiện) ấy. Tất cả cái chúng ta có thể làm, tất cả cái chúng ta cần phải làm để đạt đến mục đích, là quan sát liên tục từng cảm thọ mà không phản ứng.
Chúng ta không thể xác định được khi nào thì chúng ta sẽ chứng nghiệm sự thực tối hậu của Niết bàn, song chúng ta có thể quả quyết rằng mình đang tiếp tục tiến tới đó. Chúng ta có thể kiểm soát được trạng thái tâm hiện tại. Bằng cách duy trì thái độ xả với bất kỳ những gì xảy ra bên ngoài hoặc bên trong chúng ta, chúng ta đã thành tựu sự giải thoát trong sát na này vậy. Bậc đã đạt đến mục đích tối hậu nói, “Sự diệt tận tham, diệt tận sân, diệt tận si – đây gọi là Niết bàn”. Cho đến mức nào mà tâm thoát khỏi (tham, sân, si) này, chúng ta sẽ kinh nghiệm Niết bàn – sự giải thoát.
Mỗi sát na hành Minh sát đúng đắn, chúng ta có thể chứng nghiệm sự giải thoát này. Xét cho cùng, Pháp (Dhamma) theo định nghĩa, phải đem lại kết quả ngay trong hiện tại (ở đây và bây giờ), chứ không chỉ trong tương lai. Chúng ta phải kinh nghiệm được những lợi ích của Pháp ở mỗi bước trên đạo lộ, và mỗi bước như vậy phải dẫn thẳng đến mục đích (giải thoát). Tâm ở sát na này thoát khỏi mọi điều kiện, nên nó phải là một cái tâm an tịnh. Mỗi sát na như vậy sẽ đưa chúng ta đến gần sự giải thoát viên mãn hơn.
Chúng ta không thể phấn đấu để phát triển Niết bàn bởi lẽ Niết bàn không do phát triển; Niết bàn chỉ đơn giản là Niết bàn. Song chúng ta có thể nỗ lực để phát triển phẩm chất dẫn chúng ta đến Niết bàn, đó là phẩm chất xả. Mỗi sát na chúng ta quan sát thực tại mà không phản ứng, chúng ta đã thể nhập vào sự thực tối hậu. Phẩm chất cao tột của tâm là xả dựa trên sự chánh niệm trọn vẹn về thực tại.
Chơn Hạnh Phúc
Một lần đức Phật được thỉnh cầu để giải thích về hạnh phúc chân thực. Ngài đã kể ra những thiện sự khác nhau đưa đến hạnh phúc được xem là phúc lành chơn thực. Tất cả những phúc lành này chia làm hai loại, môt là thực hiện những hành động góp phần vào phúc lợi của người khác bằng cách chu toàn những trách nhiệm đối với gia đình và xã hội, hai là thực hiện những hành động làm trong sạch tâm. Sự tốt đẹp của bản thân không thể tách rời khỏi sự tốt đẹp của tha nhân. Và cuối cùng Ngài dạy:
Khi đối diện với những thăng trầm của cuộc đời,
Tâm vẫn giữ không lay động,
Không than van, không tạo ra phiền não, luôn luôn cảm thấy an ổn,
Đây là hạnh phúc cao tột nhất,
Khi xúc chạm việc đời,
Tâm không động, không sầu Tự tại và vô nhiễm
Là phúc lành cao thượng.
Viên Minh
Bất kỳ cái gì phát sinh, dù trong thế giới vi mô của tâm và thân chúng ta hay trong thế giới vĩ mô bên ngoài, chúng ta có thể đương đầu với nó – không phải sự căng thẳng, hay với tham và sân đơn thuần bị đè nén- mà với sự thoải mái hoàn toàn, với một nụ cười xuất phát từ sâu thẳm trong tâm. Trong mọi tình huống, dù lạc hay khổ, muốn hay không muốn, chúng ta cũng không lo lắng, chúng ta cảm thấy hoàn toàn an ổn, an ổn trong sự hiểu biết về tính chất vô thường. Đây là phúc lành cao tột nhất.
Biết rằng bạn là chủ nhân của chính mình, rằng không có gì có thể áp đảo được bạn, rằng bạn có thể vui vẻ chấp nhận bất cứ những gì cuộc đời trao tặng – đây là sự quân bình tâm hoàn hảo nhất, đây là sự giải thoát chân thực. Đây là những gì bạn có thể đạt đến ngay trong hiện tại qua việc thực hành thiền Minh sát. Đây là thái độ xả thực thụ chứ không chỉ là sự xa lánh có tính chất tiêu cực hoặc thụ động. Nó cũng không phải là sự cam chịu mù quáng hoặc sự lãnh đạm của một người tìm cách trốn tránh cuộc đời, cố gắng xa lánh thế sự. Đúng hơn, sự quân bình tâm trí thực thụ được dựa trên sự tỉnh giác về mọi vấn đề, sự chánh niệm trên mọi mức độ của thực tại.
Sự vắng mặt của tham hoặc sân không ngụ ý một thái độ lãnh đạm khô cứng, trong đó người ta thọ hưởng sự giải thoát cá nhân của mình mà không nghĩ đến khổ đau của mọi người. Trái lại, thái độ xả thực thụ được gọi một cách thích đáng là “sự vô tư thánh thiện”. Đó là một phẩm chất năng động, một biểu lộ của tâm thanh tịnh. Khi thoát khỏi thói quen phản ứng mù quáng, lần đầu tiên tâm có thể đảm nhận hành động tích cực có năng lực sáng tạo, hiệu quả và lợi ích cho bản thân cũng như cho tha nhân. Cùng với xả, những phẩm chất khác của tâm thanh tịnh cũng sẽ phát sinh: từ ái, tình yêu thương vốn mưu cầu lợi ích cho người khác không mong đáp trả; bi mẫn đối với những người trong cơ hoạn nạn và khổ đau của họ; hoan hỷ đối với sự thành công và may mắn của người khác. Bốn phẩm chất này (từ, bi, hỷ, xả) là kết quả chắc chắn phải xảy ra của việc hành Minh sát.
Trước đây có thể ta luôn luôn cố gắng giữ những gì tốt về phần mình và đẩy cái không muốn sang người. Giờ đây ta hiểu rằng hạnh phúc riêng của mình không thể đạt được bằng sự trả giá của người khác, rằng ban bố sự an vui cho người khác tức là mang lại niềm an vui cho chính mình. Do đó ta tìm cách sẻ chia những điều tốt đẹp mình có với mọi người. Sau khi đã thoát khỏi khổ và chứng nghiệm sự bình yên của giải thoát, chúng ta hiểu rằng đây là lợi ích tối thượng. Vì vậy chúng ta ước mong người khác cũng có thể chứng nghiệm sự ước mong người khác cũng có thể chứng nghiệm sự lợi ích này và tìm được lối thoát ra khỏi khổ đau của họ.
Mettã bhãvanã (tu tập tâm từ), sự tu tập tâm từ đến mọi người là phần cuối hợp lý của thiền Minh sát. Trước đây có thể ta chỉ nói ngoài miệng những tình cảm này, nhưng tận sâu trong tâm tiến trình cũ của tham và sân vẫn tiếp tục hoạt động.
Giờ đây, ở một mức độ nào đó tiến trình phản ứng ấy đã dừng lại, thói quen cũ của chủ nghĩa vị kỷ đã tiêu vong, và tâm từ tự nhiên lưu xuất từ tận sâu trong tâm. Với toàn bộ sức mạnh của một cái tâm thanh tịnh đằng sau nó, tâm từ này có thể rất mãnh liệt trong việc tạo ra một bầu không khí bình yên và hòa hợp vì lợi ích của tất cả chúng sanh.
Có nhiều người nghĩ rằng lúc nào cũng giữ thái độ quân bình (xả) nghĩa là người ta không còn biết thọ hưởng cuộc đời với muôn vàn muôn vẻ của nó, như thể một anh họa sĩ có cả một bảng đầy màu sắc nhưng chỉ chọn dùng mỗi màu xám xịt, hoặc như một người có chiếc đàn dương cầm nhưng chỉ chọn chơi mỗi nốt đô trung (middle C). Đây là một cách hiểu sai về thái độ xả. Sự thực là cây đàn dương cầm đã bị lạc điệu và chúng ta không biết cách làm thế nào để chơi cho đúng. Đơn giản nhấn miết vào những cái phím nhân danh cái tôi (tự thể hiện) sẽ chỉ tạo ra bất hòa. Nhưng nếu chúng ta học được cách lên đây và chơi cho đúng, lúc ấy chúng ta có thể tạo ra âm nhạc. Từ nốt nhạc thấp nhất đến nốt nhạc cao nhất chúng ta sử dụng hết mọi âm vực của bàn phím, và mỗi nốt mà chúng ta chơi sẽ tạo ra sự hòa hợp, du dương.
Đức Phật nói rằng trong việc thanh lọc tâm và đạt đến “trí tuệ viên mãn”, ta cảm nghiệm “hân hoan, tịnh lạc, chánh niệm, tỉnh giác, chân an lạc”. Với một cái tâm quân bình, chúng ta có thể thọ hưởng cuộc đời nhiều hơn. Khi một tình huống dễ chịu xuất hiện, chúng ta có thể thưởng thức nó một cách trọn vẹn, có sự chánh niệm đầy đủ và không tán loạn trong sát na hiện tại. Và khi cảm thọ diệt, chúng ta không đau buồn. Chúng ta vẫn tiếp tục mỉm cười, hiểu rằng nó buộc phải thay đổi. Tương tự, khi một tình huống khó chịu xuất hiện, chúng ta cũng không bị đảo lộn. thay vào đó chúng ta hiểu rõ nó và nhờ sự hiểu biết ấy có thể chúng ta sẽ tìm ra một cách để sửa đổi nó. Nếu điều đó không nằm trong khả năng của chúng ta, chúng ta vẫn giữ được sự bình yên, biết rõ rằng kinh nghiệm ấy cũng vô thường, chắc chắn phải diệt. Theo cách này, nhờ giữ tâm không căng thẳng, chúng ta sẽ có một cuộc sống đáng hưởng thụ và lợi ích hơn.
Có một câu chuyện kể rằng ở Miến (Burma) người ta thường phê bình những thiền sinh của thiền sư Sayagi U Ba Khin, cho rằng họ thiếu thái độ nghiêm túc thích hợp với những người hành thiền Minh sát. Trong khóa thiền, những người phê bình này nhìn nhận, những thiền sinh ấy thực hành một cách nghiêm túc, với hết khả năng của họ, nhưng sau đó họ luôn tỏ ra vui vẻ và tươi cười. Khi những lời phê bình này đến tai Webu Sayadaw, một trong những vị sư đáng tôn kính nhất trong vùng, ngài trả lời, “Họ cười vì họ có thể cười”. Cái cười của họ không phải cái cười của tham ái hay vô minh, mà là cái cười của Pháp (Dhamma). Người đã gội rửa sạch nội tâm, sẽ không cau mày khi đi đây đi đó. Khi khổ đã được đoạn trừ, đương nhiên họ sẽ tươi cười vậy thôi. Nếu bạn học được con đường giải thoát này, tất nhiên bạn sẽ cảm thấy vui vẻ.
Sự tươi cười xuất phát từ trái tim này không bộc lộ gì ngoài sự bình yên, xả ly và lòng từ bao la, một nụ cười luôn tươi sáng trong mọi hoàn cảnh, là hạnh phúc chân thực. Đây là mục đích của Pháp (Dhamma).
Bài viết trích từ cuốn Tìm Hiểu Pháp Môn Niệm Thọ – Thiền Sư S.N. Goenka do Tỳ Kheo Pháp Thông biên dịch. Tải cuốn sách file PDF tại đây.
AUDIOS CUỐN SÁCH TÌM HIỂU PHÁP MÔN NIỆM THỌ