Nội Dung Chính
Tầm Quan Trọng Của Vedanã (Thọ) Trong Lời Dạy Của Đức Phật
Lời dạy của đức Phật là một hệ thống nhằm phát triển sự tự tri như một phương tiện để chuyển hóa tự thân. Nhờ đạt đến sự hiểu biết dựa trên kinh nghiệm (tu tuệ) về thực tại của bản chất con người, chúng ta có thể loại bỏ những hiểu lầm từng khiến chúng ta hành động không đúng, và tạo khổ đau cho bản thân. Chúng ta học cách hành động sao cho phù hợp với thực tại và nhờ đó sống một cuộc sống lợi ích, hữu dụng và vui tươi.
Trong Kinh Tứ Niệm xứ – Satipatthãna Sutta, đức Phật đã giới thiệu một pháp môn thực tiễn nhằm phát triển sự tự tri qua việc quan sát tự thân. Kỹ thuật này được gọi là thiền Minh-sát.
Bất kỳ một cố gắng nào nhằm quan sát sự thực về chính bản thân cũng liền phát hiện ra rằng những gì chúng ta gọi là “bản thân mình” chỉ có hai phương diện, vật lý và tâm lý, hay thân và tâm. Chúng ta phải học cách để quan sát cả hai.Nhưng làm thế nào chúng ta có thể thực sự kinh nghiệm được thực tại của thân và tâm? Chấp nhận những giải thích của người khác thôi thì không đủ, dựa vào tri kiến thuần túy không cũng vậy. Cả hay tuy có thể hướng dẫn chúng ta trong công việc khám phá tự thân, song mỗi người chúng ta vẫn phải khám phá và kinh nghiệm thực tại một cách trực tiếp trong chính bản thân mình.
Chúng ta kinh nghiệm thực tại của thân bằng cách cảm nhận nó, tức là bằng cách cảm nhận những cảm thọ vật lý xuất hiện bên trong thân. Với mắt nhắm, chúng ta vẫn biết rằng mình có hai tay, hoặc bất kỳ bộ phận nào khác của thân, vì chúng ta có thể cảm nhận được chúng. Như một cuốn sách có hình thức bên ngoài và nội dung bên trong, cấu trúc vật lý cũng có một thực tại khách quan, ở bên ngoài là thân (kãya), và một thực tại chủ quan bên trong là cảm thọ (vedanã). Chúng ta hiểu rõ một cuốn sách bằng cách đọc tất cả những chữ trong cuốn sách ấy; chúng ta kinh nghiệm được thân bằng cách cảm giác các cảm thọ. Không có niệm thọ thì không thể có sự hiểu biết trực tiếp về cấu trúc vật lý. Hai việc không thể tách rời nhau.
Tương tự, cấu trúc tâm cũng có thể phân tích ra thành hình thức và nội dung: tâm (citta) và bất cứ những gì nảy sanh trong tâm (Pháp – Dhamma), như ý nghĩ, cảm xúc, ký ức, hy vọng, sợ hãi hay bất cứ sự kiện tâm lý nào. Thân và thọ không thể được kinh nghiệm tách rời nhau như thế nào, thì ở đây ta cũng không thể quan sát tâm ngoài những nội dung của tâm như thế ấy. Hơn nữa, tâm và vật chất (sắc thân) còn có liên quan mật thiết với nhau. Bất luận điều gì xảy ra ở thân cũng được phản ảnh ở tâm, và ngược lại.
Đây là một khám phá then chốt của đức Phật, một khám phá có ý nghĩa quan trọng trong lời dạy của Ngài. Như đức Phật đã diễn đạt nó, “Phàm những gì nảy sanh trong tâm cũng có cảm thọ đi kèm”. Do đó, việc quán thọ cũng đưa ra một phương tiện để khảo sát toàn bộ cấu trúc vật lý và tâm lý của con người chúng ta.
Bốn chiều của thực tại này là chung cho mọi người, đó là những phương tiện vật lý của thân và thọ, những phương diện tâm lý của tâm và pháp (nội dung của tâm). Chúng cung cấp bốn chiều cho “Kinh Niệm Xứ”, hay bốn đại lộ cho việc thiết lập niệm, bốn lợi điểm cho việc quán sát các hiện tượng của con người. Nếu sự thẩm sát được xem là hoàn toàn, thì mỗi phương diện phải được kinh nghiệm. Và cả bốn (phương diện) có thể được kinh nghiệm bằng cách quán sát cảm thọ (vedanã).
Chính vì lý do này đức Phật đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của niệm thọ. Trong kinh Phạm Võng
(Brahmajãla Sutta), một trong những bài kinh quan trọng nhất, Ngài nói:
“Bậc giác ngộ đã được giải thoát và thoát khỏi mọi chấp thủ nhờ thấy đúng như thực sự sanh khởi và sự biến diệt của các cảm thọ, vị ngọt của chúng, sự nguy hiểm của chúng, và cách thoát khỏi chúng”.
Ngài còn tuyên bố niệm thọ là điều kiện tiên quyết cho việc tuệ tri Tứ Thánh Đế:
“Đối với người kinh nghiệm được thọ, Ta (Như Lai) chỉ cách để thấy rõ thế nào là khổ, tập khởi của khổ, sự diệt khổ, và con đường đưa đến sự diệt khổ”.
Vậy thì thọ (Vedanã) chính xác là gì? Đức Phật đã mô tả bằng nhiều cách khác nhau. Ngài đã gồm thọ (Vedanã) trong bốn tiến trình tạo thành tâm (xem lại bài Điểm Khởi Đầu). Tuy nhiên, khi định nghĩa một cách chính xác hơn Ngài đã nói về thọ kể như có hai phương diện tâm lý và vật lý.Chỉ một mình sắc (thân) thì không thể cảm giác được bất cứ điều gì nếu như tâm không có mặt: trong một xác chết, chẳng hạn, không có những cảm thọ. Chính tâm (làm việc) cảm giác, những cái nó cảm giác lại có một yếu tố vật lý không thể tách ra được.
Yếu tố vật lý này là điểm quan trọng chính trong việc thực hành lời dạy của đức Phật. Mục đích của việc thực hành là nhằm phát triển nơi chúng ta khả năng để đối phó với những thăng trầm của cuộc đời theo cách quân bình nhất. Chúng ta học cách đối phó ấy trong thiền bằng việc quan sát những gì xảy ra trong bản thân chúng ta với thái độ xả. Với xả này,chúng ta có thể phá bỏ thói quen phản ứng mù quáng, thay vào đó chúng ta có thể chọn đường lối hành động có lợi nhất trong bất kỳ tình huống nào.
Bất cứ điều gì chúng ta kinh nghiệm trong cuộc sống đều gặp gỡ qua sáu cửa nhận thức: năm giác quan vật lý và tâm. Và theo chuỗi Duyên sinh (Pháp Duyên Khởi), ngay khi một xúc xảy ra ở bất kỳ cửa nào trong sáu cửa này, nghĩa là ngay khi chúng ta gặp bất kỳ hiện tượng tâm lý hay vật lý nào, thì một thọ được sinh ra. Nếu chúng ta không tác ý (chú tâm) đến những gì đang xảy ra ở thân, chúng ta vẫn không hay biết về cảm thọ, ở mức ý thức. Trong tăm tối của vô minh một phản ứng vô thức bắt đầu hướng đến cảm thọ ấy, một thoáng ưa hay ghét nhất thời, phát triển thành tham hoặc sân.
Phản ứng này được lập đi lập lại và gia tăng cường độ gấp nhiều lần trước khi nó tác động đến tâm ý thức. Nếu người hành thiền chỉ xem trọng những gì xảy ra ở tâm ý thức, họ sẽ chỉ biết được tiến trình sau khi phản ứng đã xảy ra và gom góp sức mạnh nguy hiểm đủ để áp đảo họ. Họ để cho tia lửa cảm thọ đốt cháy ngọn lửa giận dữ trước khi cố gắng dập tắt nó, gây bao nhiêu khó khăn cho bản thân họ một cách vô ích. Tuy nhiên nếu họ học cách quan sát các cảm thọ trong thân một cách khách quan, họ cho phép mỗi tia lửa tự đốt rụi nó mà không khởi động một đám cháy lớn. Do xem trọng phương diện vật lý, họ sẽ biết được cảm thọ ngay khi nó khởi sanh và có thể ngăn không cho bất cứ phản ứng nào xảy ra.
Phương diện vật lý của thọ (vedanã) là đặc biệt quan trọng vì nó cung cấp kinh nghiệm sinh động rõ ràng về thực tại vô thường trong chính bản thân chúng ta. Sự thay đổi xảy ra ở từng sát na trong chúng ta và tự nó thể hiện trong trò chơi của các cảm thọ. Chính ở mặt này mà trạng thái vô thường phải được kinh nghiệm. Việc quan sát các cảm thọ đang liên tục thay đổi cho phép chúng ta thực chứng tính chất phù du của chính chúng ta. Sự thực chứng này làm hiển nhiên thêm sự vô ích của việc chấp thủ vào những gì được xem là không bền như vậy.
Do đó kinh nghiệm trực tiếp về vô thường (anicca) tự động làm phát sinh sự xả ly, với sự xả ly này chẳng những chúng ta có thể ngăn được những phản ứng mới của tham hoặc sân, mà còn diệt được chính thói quen phản ứng ấy. Theo cách này chúng ta dần dần giải thoát tâm khỏi khổ đau. Trừ phi phương diện vật lý của nó được đưa vào (việc Minh sát) bằng không niệm thọ vẫn còn có tính cách phiến diện và không hoàn toàn. Vì thế mà đức Phật đã nhấn mạnh rất nhiều lần đến tầm quan trọng của việc kinh nghiệm vô thường qua các cảm thọ vật lý. Ngài nói,
Ai liên tục nỗ lực
Hướng niệm quán tự thân,
Tránh việc làm bất thiện,
Làm những việc cần làm,
Niệm, tỉnh giác như vậy
Giải thoát mọi phiền não.
Nhân sanh khổ là tham, ái và sân. Thông thường, đối với chúng ta sự thể có vẻ như chúng ta tạo ra những phản ứng tham và sân với những đối tượng khác nhau mà chúng ta gặp ngang qua các giác quan vật lý và tâm. Tuy nhiên, đức Phật khám phá ra rằng giữa đối tượng và sự phản ứng còn có một mắt xích bị bỏ sót, đó là thọ (vedanã). Chúng ta phản ứng không phải là với thực tại bên ngoài mà với những cảm thọ bên trong chúng ta. Khi chúng ta biết cách quan sát cảm thọ mà không phản ứng lại với tham và sân thì nhân sanh khổ sẽ không xuất hiện, và khổ đau cũng diệt.
Vì vậy việc quán thọ được xem là thiết yếu để thực hành những gì đức Phật dạy. Và việc quán phải ở mức cảm thọ vật lý nếu như muốn niệm thọ được hoàn hảo. Với việc niệm cảm thọ vật lý này chúng ta có thể thể nhập vào cội rễ của vấn đề và loại trừ nó. Chúng ta có thể quán chính bản chất của chúng ta đến tận chiều sâu và tự giải thoát mình khỏi khổ đau.
Nhờ hiểu rõ tầm quan trọng của việc quán thọ trong lời dạy của đức Phật, chúng ta có thể có được khả năng thấu triệt Kinh Niệm xứ (Satipatthãna). Bài kinh mở đầu bằng lời tuyên bố về mục đích của niệm xứ (Satipatthãna), hay mục đích của việc thiết lập niệm: nhằm “Tịnh hóa (tâm) của các chúng sinh, vượt khỏi sầu, bi; dập tắt khổ ưu (khổ thân, ưu tâm); việc thực hành con đường chơn thực (chánh đạo) là để thực nghiệm thực tại tối hậu, Niết bàn” Rồi kinh giải thích vắn tắt cách làm thế nào để thành tựu những mục đích này: “Ở đây, người hành thiền sống nhiệt tâm với tỉnh giác và niệm, quán thân trong thân, quán các cảm thọ trong các cảm thọ, quán tâm trong tâm, quán pháp (các nội dung tâm lý) trong pháp, sau khi đã đoạn trừ tham và sân đối với thế gian”.
Ý nghĩa của “quán thân trong thân, thọ trong thọ vv…” này là gì? Đối với một hành giả Vipassanã, cách diễn đạt này là dễ hiểu trong sự rõ ràng của nó. Thân, thọ, tâm và pháp là bốn lĩnh vực của một con người. Để hiểu chính xác về hiện tượng con người này, mỗi chúng ta phải kinh nghiệm trực tiếp thực tại của chính bản thân. Muốn thành tựu kinh nghiệm trực tiếp ấy, hành giả phải phát triển hai phẩm chất: niệm (sati) và tỉnh giác (sampajanã). Mặc dù bài kinh được gọi là “Thiết Lập Niệm”, nhưng niệm sẽ không hoàn hảo nếu không có trí tuệ tỉnh giác, khả năng thâm nhập vào chiều sâu của bản chất con người chúng ta, vào tính chất vô thường của hiện tượng mà chúng ta gọi là “Tôi” này. Việc thực hành
“Satipatthãna” (Niệm Xứ) đưa hành giả đến chỗ tỏ ngộ bản chất vô thường (phù du) cơ bản của họ. Khi họ đã có sự tỏ ngộ cá nhân này rồi thì niệm coi như đã được thiết lập vững chắc – chánh niệm, dẫn đến giải thoát. Lúc đó tham và sân sẽ tự động biến mất, không chỉ đối với thế giới bên ngoài mà cả đối với thế giới bên trong (ngũ uẩn) nơi mà tham và sân ăn sâu nhất, và thường bị bỏ qua nhất trong sự chấp thủ theo bản năng, và thiếu suy xét đối với thân và tâm của chính mình. Hễ sự chấp thủ cơ bản này còn, chúng ta không thể nào giải thoát khỏi khổ.
“Kinh Niệm Xứ” trước tiên nói về việc quán thân. Đây là phương diện rõ rệt nhất của cấu trúc tâm-vật lý, và vì vậy cũng là điểm thích hợp để từ đó bắt đầu công việc quán tự thân. Từ việc quán thân, đương nhiên quán thọ, tâm và pháp sẽ phát triển. Bài kinh giải thích một số cách để bắt đầu việc quán thân. Cách thứ nhất và phổ thông nhất là niệm hơi thở. Cách khác để bắt đầu là bằng việc chú ý đến những chuyển động của thân. Nhưng, cho dù chúng ta khởi sự cuộc hành trình như thế nào, vẫn có vài giai đoạn chúng ta phải trải qua trên con đường đi đến mục đích cuối cùng. Những giai đoạn này đã được mô tả trong một đoạn trọng yếu của bài kinh:
“Theo cách này vị ấy sống quán thân trong nội thân hoặc quán thân trong ngoại thân, hoặc quán thân trong nội và ngoại thân. Vị ấy sống quán hiện tượng diệt trong thân. Vị ấy sống quán hiện tượng sanh và diệt trong thân. Bây giờ niệm tự nó có mặt nơi vị ấy,”Đây là thân”. Niệm này phát triển đến một mức độ nào đó chỉ để còn lại trí tuệ tỉnh giác và quan sát, và vị ấy sống xả ly không chấp trước bất cứ điều gì ở đời”.
Tầm quan trọng của đoạn kinh này được chứng tỏ bằng việc nó được lập đi lập lại không chỉ ở cuối mỗi phần trong chỗ luận bàn về quán thân trong thân thôi, mà cả trong những đoạn tiếp theo của bài kinh đề cập đến việc quán thọ, quán tâm và quán pháp. (Chỉ khác là, trong ba đoạn sau, chữ “thân” được lần lượt thay thế bằng “thọ”,”tâm”, và “pháp). Như vậy đoạn kinh đã mô tả lý do chung trong việc thực hành niệm xứ (Satipatthãna).
Do những khó khăn nó giới thiệu, sự giải thích của đoạn kinh đã có nhiều điểm khác nhau. Tuy nhiên, những khó khăn ấy mất đi khi đoạn kinh được hiểu như đề cập đến niệm thọ. Trong việc hành Satipatthãna (niệm xứ), hành giả phải thành tựu một sự hiểu biết tổng hợp về bản chất của chính mình. Phương tiện để đạt đến tuệ thể nhập này là quán các cảm thọ, bao gồm, như nó đã làm quán ba lãnh vực khác của hiện tượng con người. Vì thế mặc dù những bước đầu tiên có thể khác, vượt qua một điểm nào đó, việc thực hành tất phải liên quan đến niệm thọ.
Do đó, đoạn kinh giải thích, hành giả bắt đầu bằng cách quán các cảm thọ sanh khởi trong nội tâm hoặc ngoại thân, tức trên bề mặt của thân, hoặc quán cả hai cùng với nhau. Đó là, từ niệm các cảm thọ nơi một vài thân phần nào đó, chứ không ở những chỗ khác, hành giả dần dần phát triển khả năng cảm giác các cảm thọ ở khắp toàn thân. Khi mới bắt đầu thực hành, trước tiên hành giả có thể kinh nghiệm các cảm thọ có bản chất mãnh liệt phát sinh và dường như tiếp tục tồn tại trong một thời gian nào đó. Hành giả biết sự sinh khởi của chúng, và sau một lúc, biết sự diệt của chúng.
Ở giai đoạn này, hành giả vẫn chỉ kinh nghiệm được thực tại rõ rệt của thân và tâm, tính chất phối hợp, có vẻ như bền chắc và lâu dài của chúng thôi. Song khi tiếp tục thực hành, hành giả sẽ đạt đến giai đoạn ở đây tính rắn chắc ấy tự động tan ra, tâm và thân được kinh nghiệm trong bản chất thực của chúng như một khối những rung động, sanh và diệt trong từng sát na. Giờ đây, với kinh nghiệm này hành giả hiểu ra thân, thọ, tâm, và pháp cuối cùng thực sự là gì: chỉ là một dòng trôi chảy của những hiện tượng khách quan, thay đổi không ngừng.
Sự hiểu biết trực tiếp về thực tại tối hậu của tâm và thân (danh-sắc) này làm tan vỡ dần những ảo tưởng, quan niệm sai lầm, và định kiến của hành giả. Ngay cả những nhận thức đúng đã từng được chấp nhận dựa trên đức tin hoặc trên sự suy diễn theo tri thức, giờ đây cũng có một ý nghĩa mới khi chúng đã được trực tiếp kinh nghiệm. Dần dần, nhờ quan sát thực tại bên trong, tất cả các duyên (điều kiện) làm méo mó nhận thức bị hủy diệt. Chỉ có niệm và tuệ thuần túy còn lại.
Khi vô minh tan biến, thời những khuynh hướng ngủ ngầm của tham và sân (tham tùy miên và sân tùy miên) sẽ bị diệt trừ, và người hành thiền thoát khỏi mọi chấp thủ – sự chấp thủ sâu xa nhất là chấp vào thế giới nội tại của chính thân và tâm họ (ngã chấp).
Khi ngã chấp bị diệt trừ, khổ đau chấm dứt và người hành thiền trở nên giải thoát.
Đức Phật thường nói, “Phàm cái gì được cảm thọ, cái ấy có liên quan đến khổ”. Vì thế thọ (vedanã) là một phương tiện lý tưởng để khảo sát sự thực của khổ. Những cảm thọ khó chịu hiển nhiên là khổ rồi, song cảm thọ dễ chịu nhất cũng là một hình thức của sự kích động rất vi tế. Mọi cảm thọ đều vô thường. Nếu ta chấp vào những thọ lạc, thì khi chúng diệt, chỉ còn lại khổ.
Như vậy mỗi thọ đều chứa đựng một hạt giống của khổ. Vì lý do này, khi nói về con đường dẫn đến sự diệt khổ, đức Phật đã nói về con đường đưa đến sự sinh khởi của thọ (vedanã) và con đường đưa đến sự đoạn diệt của thọ. Bao lâu con người vẫn còn nằm trong lãnh vực tạo tác của tâm và vật chất (danh-sắc), chừng ấy các cảm thọ và khổ đau vẫn còn. Chúng chỉ diệt khi chúng ta vượt qua lãnh vực đó để kinh nghiệm thực tại tối hậu của Niết Bàn. Đức Phật dạy:
Không phải vì nói nhiều,
Là không thực hành pháp
Người tuy chỉ nghe ít
Nhưng tự thân thấy pháp
Thực sự sống tùy pháp
Không bao giờ quên pháp
Dhammapada 259
Tự thân của chúng ta xác chứng cho sự thực. Khi người hành thiền khám phá ra sự thực ở bên trong (tự thân), điều đó trở thành thực đối với họ, và họ sống tùy thuận theo sự thực (Pháp) ấy.
Mỗi người chúng ta có thể chứng ngộ sự thực đó bằng cách học quan sát các cảm thọ bên trong chúng ta, vì nhờ quan sát như vậy chúng ta có thể đạt đến sự giải thoát khổ.
Bài viết trích từ cuốn Tìm Hiểu Pháp Môn Niệm Thọ – Thiền Sư S.N. Goenka do Tỳ Kheo Pháp Thông biên dịch. Tải cuốn sách file PDF tại đây.
AUDIOS CUỐN SÁCH TÌM HIỂU PHÁP MÔN NIỆM THỌ