Hãy Tự Cứu Chính Mình

Ở bề mặt, tâm chơi rất nhiều trò chơi – suy nghĩ, tưởng tượng, mơ mộng, gợi ý. Nhưng tận sâu bên trong, tâm vẫn là tù nhân của chính mô thức thói quen của nó, và lề thói quen ở mức sâu kín nhất của tâm là cảm giác các cảm thọ và phản ứng. Nếu các cảm thọ ấy là lạc, tâm sẽ phản ứng lại với tham ái; nếu các cảm thọ là khổ (khó chịu), nó sẽ phản ứng lại với sân.

Sự giác ngộ của đức Phật chính là đi sâu vào căn nguyên của vấn đề. Trừ phi chúng ta làm việc ở mức căn nguyên này, bằng không chúng ta sẽ chỉ giải quyết vấn đề với tri thức và chỉ phần này của tâm được tịnh hoá mà thôi. Bao lâu gốc rễ của một cái cây còn khoẻ mạnh, chúng sẽ cung cấp chất nhựa nuôi dưỡng cho toàn bộ cây ấy. Vì thế hãy bắt đầu làm việc với những căn nguyên. Đây là sự giác ngộ của đức Phật. 

Khi đức Phật tuyên thuyết Pháp, Bát Thánh đạo – đạo lộ của Giới, Định, và Tuệ – Ngài không thiết lập một giáo điều hay một đức tin. Pháp (dhammã) là đạo lộ thực tiễn (con đường thực hành). Những ai bước đi trên đạo lộ ấy có thể đi vào mức sâu kín nhất và trừ tuyệt mọi khổ đau của họ. 

Những người đã thực sự tự mình giải thoát sẽ hiểu ra rằng việc đi vào phần sâu kín của tâm – thực hiện một cuộc giải phẫu về tâm – phải được làm bởi chính cá nhân mỗi người. Một người nào đó có thể hướng dẫn bạn trong cuộc hành trình trên đạo lộ này, nhưng chẳng ai có thể cõng bạn trên vai của họ và nói, “tôi sẽ đưa bạn đến mục tiêu cuối cùng, chỉ cần qui phục tôi, tôi sẽ làm mọi việc”. 

Bạn phải có trách nhiệm đối với sự ràng buộc của chính bạn. Bạn phải có trách nhiệm trong việc làm cho tâm bạn bất tịnh, chứ không phải ai khác. Do đó bạn cũng phải có trách nhiệm trong việc làm cho tâm bạn thanh tịnh bằng cách chặt đứt mọi ràng buộc. Không ai khác có thể làm công việc đó thay bạn. 

Bí quyết của thành công là việc thực hành liên tục. Khi đức Phật nói bạn phải có chánh niệm liên tục, điều này có nghĩa rằng bạn phải có chánh niệm với trí tuệ hiểu biết về các cảm thọ trên thân, nơi đây bạn thực sự kinh nghiệm các pháp đang sanh và diệt. Sự chánh niệm về tính chất vô thường (anicca), hay chánh niệm về trạng thái sanh và diệt của những cảm thọ này là pháp tịnh hoá tâm. 

Tri thức hoá sự thực này sẽ chẳng giúp được gì. Bạn có thể hiểu: “Cái gì đã sanh sớm muộn cũng diệt. Bất luận ai đã sanh sớm muộn cũng chết. Đây là vô thường”. Bạn có thể hiểu điều này chính xác như vậy, nhưng bạn vẫn không kinh nghiệm được nó. Chỉ có kinh nghiệm cá nhân của bạn mới giúp bạn tịnh hoá được tâm và giải thoát bạn khỏi khổ đau. Từ để chỉ “kinh nghiệm” được dùng ở Ấn Độ vào thời đức Phật là Vedanã (thọ), cảm giác bằng kinh nghiệm, chứ không chỉ là sự tri thức hoá. Và điều này là khả dĩ chỉ khi một cảm thọ được cảm giác trên thân. 

Anicca hay vô thường phải được kinh nghiệm. Nếu bạn không kinh nghiệm nó, thì vô thường ấy chỉ là lý thuyết. Và đức Phật không quan tâm đến ký thuyết. Ngay cả trước đức Phật, và vào thời đức Phật cũng thế, có những vị đạo sư dạy rằng toàn thế gian là vô thường; điều này không phải là mới. Cái được xem là mới nơi đức Phật chính là kinh nghiệm về vô thường; khi bạn kinh nghiệm nó trong cấu trúc của thân bạn, là bạn đã bắt đầu làm việc ở mức sâu kín nhất của tâm. 

Có hai điều rất quan trọng đối với những người đang bước trên đạo lộ. Một là phá bỏ hàng rào ngăn chia tâm ý thức và tâm vô thức. Song, cho dù tâm ý thức của bạn bây giờ có thể cảm giác được những cảm thọ mà trước đây chỉ được cảm giác bằng phần vô thức sâu kín của tâm, một mình điều đó vẫn không giúp ích gì cho bạn. Đức Phật muốn bạn thực hiện thêm bước thứ hai là thay đổi thói quen phản ứng của bạn ở mức sâu xa nhất. 

Đến được giai đoạn mà ở đây bạn bắt đầu cảm giác các cảm thọ là một bước khởi đầu tốt đẹp, tuy vậy lề thói quen của phản ứng vẫn còn. Khi bạn cảm giác một khổ thọ, nếu bạn tiếp tục phản ứng, “ồ, ta phải loại bỏ thọ này mới được”, điều đó không giúp ích gì cho bạn. Hoặc nếu bạn cảm giác một dòng chảy an lạc của những rung động rất vi tế khắp toàn thân, và bạn phản ứng, “A, thật tuyệt diệu. Đây là điều ta đang mong mỏi. Bây giờ ta đã được nó rồi!”. Thế là bạn hoàn toàn không hiểu gì cả về Vipassanã. 

Vipassanã không phải là một trò chơi của lạc và khổ. Bạn đã phản ứng theo cách này trong suốt cuộc đời, trong vô số kiếp sống của bạn. Giờ đây nhân danh thiền Minh sát bạn lại làm cho lề thói này trở nên mạnh hơn. Mỗi lần cảm giác một khổ thọ, bạn phản ứng lại với sân; mỗi lần cảm giác một lạc thọ, bạn phản ứng lại với tham, chẳng khác gì trước đây. Thiền Minh sát như vậy không giúp gì cho bạn, vì bạn đã không hành Vipassanã đúng cách. 

Bất cứ khi nào bạn lập lại phản ứng sai lầm này do thói quen cũ, hãy xem bạn có thể nhận biết được nó nhanh như thế nào. “Xem này, một khổ thọ đã sanh và ta đang phản ứng với sân; xem này, một lạc thọ đã sanh và ta đang phản ứng lại với tham. Đây không phải là hành Minh sát. Hành như vậy sẽ không giúp ích gì cho ta”. 

Hiểu rằng đây là những gì bạn cần phải làm. Nếu như bạn không thành công một trăm phần trăm, cũng không sao cả. Điều này sẽ không làm tổn hại bạn bao lâu bạn vẫn còn hiểu và vẫn còn cố gắng để thay đổi lề thói quen cũ này. Nếu bạn thoát khỏi ngục tù của bạn, dù chỉ trong vài giây, bạn cũng đang tiến bộ vậy. 

Đây là những gì đức Phật muốn bạn phải làm: thực hành Bát Thánh đạo. Thực hành Giới (sĩla) nhờ đó bạn có thể có loại định (Samãdhi) chân chánh. Đối với những người cứ tiếp tục phạm giới, rất ít có hy vọng là họ sẽ đi vào được những mức sâu xa nhất của thực tại. Giới phát triển sau khi bạn đã kiểm soát được tâm ở một mức nào đó, và sau khi bạn đã hiểu với trí tuệ rằng phạm giới là tai hại. Trí tuệ của bạn ở mức kinh nghiệm sẽ trợ giúp cho định. Định của bạn ở mức kinh nghiệm sẽ trợ giúp cho giới. Giới vững chắc sẽ giúp cho định trở nên kiên cố. Định vững chắc sẽ giúp cho tuệ trở nên mạnh mẽ. Mỗi trong tam học sẽ trợ giúp cho hai học khác và bạn sẽ duy trì được sự tiến bộ trên đạo lộ. 

Xưa cũng như nay, ở Ấn Độ có rất nhiều kỹ thuật Minh sát, thực hành những kỹ thuật ấy người hành thiền bắt đầu cảm giác những rung động vi tế khắp toàn thân, khi tính rắn chắc của thân đã tan ra. Sự thực là ngay cả rung động vi tế nhất mà họ kinh nghiệm cũng vẫn là một hiện tượng nằm trong lĩnh vực của tâm và vật chất (danh và sắc), Nó sanh, diệt, sanh, diệt, song vẫn nằm trong lĩnh vực vô thường – lĩnh vực của sự thay đổi liên tục. 

Một số người hành thiền ngày xưa đã cố gắng áp đặt một triết lý lên kinh nghiệm vi tế này. Sau khi đạt đến giai đoạn ở đây họ không kinh nghiệm gì khác ngoài những rung động, họ tin chắc rằng: “Khắp vũ trụ chỉ có năng lượng vi tế này. Đây là Thượng Đế Toàn Năng. Ta đang kinh nghiệm điều này; Ta đang sống với Thượng Đế Toàn Năng. Toàn vũ trụ là một. Mọi chúng sanh đều là Thượng Đế. Tại sao ta lại phải có bất kỳ loại ưu đãi hay thiên kiến nào chứ?”. Tất nhiên, đó là một sự ám thị tâm lý rất tích cực nhưng nó chỉ giúp được ở mức bề mặt mà thôi. 

Thực tế là ngay kinh nghiệm rất vi tế này vẫn còn nằm trong lĩnh vực của tâm và vật chất, nó không phải là sự thực tối hậu vượt ra ngoài tâm và vật chất. Tất cả những sự ám thị này, dù chúng có thể là tích cực, song vẫn không thể giải thoát được ai cả. Bạn phải sống với thực tại; mọi rung động chỉ là một dòng, một sự trôi chảy. Sự chứng thực này loại bỏ được lề thói quen của phản ứng đối với các cảm thọ tận căn để. 

Bất cứ cảm thọ nào bạn kinh nghiệm – lạc, khổ, hay trung tính – bạn nên dùng chúng như những lợi khí. Các cảm thọ này có thể trở thành các lợi khí để giải thoát bạn khỏi khổ đau, với điều kiện là bạn hiểu sự thực đúng như nó là. Bằng không, cũng những cảm thọ này, sẽ trở thành những lợi khí làm tăng trưởng khổ đau của bạn. Thích và không thích sẽ không che lấp được vấn đề. Thực tế là các cảm thọ vẫn cứ sanh và diệt, vì chúng vô thường. Dù lạc, khổ, hay không lạc không khổ, cũng không làm khác đi được. Khi bạn bắt đầu hiểu ra sự thực rằng ngay cả những cảm thọ lạc nhất mà bạn kinh nghiệm cũng là khổ (dukkha), lúc đó bạn đang đến gần với sự giải thoát hơn. 

Hiểu được tại sao các cảm thọ lạc lại là khổ rất khó. Mỗi lần một cảm thọ lạc sanh lên, bạn liền thích thú nó. Thói quen dính mắc vào các cảm thọ lạc này đã tồn tại lâu đời lâu kiếp. Tham và sân là hai mặt của một đồng tiền. Tham càng mạnh, thì chắc chắn sân cũng càng mãnh liệt hơn. Không sớm thì muộn, mọi thọ lạc rồi cũng biến thành thọ khổ, và mọi thọ khổ cũng thành thọ lạc; đây là qui luật tự nhiên. Nếu như bạn tham đắm các cảm thọ lạc, là bạn đang mời khổ đến. 

Giáo pháp của đức Phật giúp chúng ta phá tan cái sức mạnh kiên cố từng ngăn không cho chúng ta thấy sự thực chơn chánh. ở mức thực tại, chỉ có những rung động, không có gì khác. Đồng thời ở đó cũng có tính kiên cố. Chẳng hạn, bức tường này là kiên cố. Đây là một sự thực, một sự thực rõ rệt bề ngoài. Song sự thực tối hậu cho thấy rằng cái bạn gọi là một bức tường chỉ là một khối của những hạt hạ nguyên tử đang rung động. Chúng ta phải kết hợp cả hai sự thực này qua sự hiểu biết đúng đắn. 

Pháp mở rộng sự hiểu biết của chúng ta, nhờ đó chúng ta tự giải thoát mình khỏi thói quen phản ứng và hiểu rằng tham ái đang làm hại chúng ta, sân hận đang làm hại chúng ta. Và lúc đó chúng ta trở nên thực tế hơn: “Hãy xem lại coi, có sự thực tối hậu, nhưng cũng có sự thực rõ rệt bề ngoài; cả hai đều là sự thực”. 

Tiến trình đi vào phần sâu thẳm của tâm để giải thoát tự thân được thực hiện bởi một mình bạn; nhưng bạn cũng phải sẵn sàng để sinh hoạt với gia đình bạn, với xã hội nói chung. Cây thước để đo xem lòng từ ái, bi mẫn và thiện chí có thực sự đang phát triển trong bạn hay không chính là xem những đức tính ấy đã được thể hiện như thế nào đối với những người chung quanh bạn. 

Đức Phật muốn chúng ta được giải thoát ở mức sâu thẳm nhất của tâm (chúng ta). Và điều đó là khả dĩ chỉ khi ba đặc tính vô thường, khổ, vô ngã được thực chứng. Khi tâm trở nên phi điều kiện (deconditioned) thì hết lớp phiền não này đến lớp khác được tịnh hoá cho đến khi tâm hoàn toàn không tạo tác (vô vị). Lúc ấy sự thanh khiết trở thành một lối sống. Bạn sẽ không phải hành tâm từ (mettã) như hiện nay bạn đang hành vào cuối mỗi thời toạ thiền một tiếng nữa. Sau đó, tâm từ tức khắc trở thành một phần của đời bạn. Lúc nào bạn cũng toả ra lòng từ ái, bi mẫn và thiện chí đến mọi chúng sinh. Đây là mục đích, là cứu cánh của việc hành Minh sát. 

Đạo lộ giải thoát là đạo lộ vận hành ở mức sâu kín nhất của tâm. Không có gì sai khi tạo ra những ám thị tâm lý lành mạnh, nhưng nếu bạn không thay đổi được thói quen phản ứng mù quáng ở mức sâu xa nhất, thì bạn vẫn không giải thoát, sẽ không ai được giải thoát nếu mức sâu kín nhất của tâm không chuyển đổi. Và mức sâu kín nhất của tâm thì luôn luôn tiếp xúc với các cảm thọ của thân. 

Chúng ta phải chia chẻ, mổ xẻ, và làm tan rã toàn bộ cấu trúc tâm vật lý này để hiểu danh và sắc có tương quan với nhau như thế nào. Nếu bạn chỉ làm việc với tâm và quên đi thân, bạn đang không thực hành lời dạy của đức Phật. Nếu bạn chỉ làm việc với thân và quên tâm, thì bạn cũng không hiểu đúng lời đức Phật dạy. 

Bất cứ điều gì khởi lên trong tâm đều chuyển thành sắc chất, thành một cảm thọ trong lãnh vực vật chất. Đây là khám phá của đức Phật. Con người đã quên sự thực này, một sự thực mà chỉ có thể được hiểu qua việc thực hành đúng đắn. Đức Phật nói, “Sabbe dhammã vedanã samosaramã”. Bất luận điều gì (dhammã, pháp gì) khởi lên nơi tâm đều bắt đầu tuôn chảy như một cảm thọ trên thân

Đức Phật đã dùng chữ asava (lậu hoặc) vốn có nghĩa là sự tuôn chảy hay chất làm cho say. Giả sử bạn phát ra sân hận. Một dòng sinh hoá khởi động, dòng này tạo ra những cảm thọ rất khó chịu. Do những cảm thọ khó chịu này, bạn bắt đầu phản ứng lại với sân, khi bạn phát ra sân thì dòng này càng trở nên mạnh mẽ hơn. Như vậy, có những cảm thọ khó chịu (khổ), và cùng với chúng, một sự tiết rỉ phản ứng sinh hoá. Khi bạn tạo ra càng nhiều sân hận, dòng này sẽ trở nên mãnh liệt hơn. 

Cũng theo cách ấy, khi tham dục hay sợ hãi phát sinh, một loại đặc chất sinh hoá sẽ khởi chuyển trong máu. Và vòng luẩn quẩn bắt đầu, vòng này tự nó sẽ duy trì việc lập lại của nó. Có một dòng chảy, một chất gây say, ở phần sâu thẳm của tâm. Do vô minh, chúng ta trở nên kích động bởi dòng sinh hoá đặc biệt này. Mặc dù nó làm cho chúng ta đau khổ, tuy thế chúng ta vẫn bị say đắm, chúng ta muốn nó có mãi. Vì thế chúng ta tiếp tục tạo ra càng lúc càng nhiều sân hận, càng lúc càng nhiều tham dục, càng lúc càng nhiều sợ hãi thêm nữa. Chúng ta trở nên say sưa với chất bất tịnh mà chúng ta tạo ra trong tâm. Khi chúng ta nói rằng một người nào đó bị nghiện rượu hay nghiệm ma tuý, điều này không đúng. Không có ai nghiện rượu hay nghiệm ma tuý cả. 

Đúng sự thực thì người này đã nghiện các cảm thọ mà rượu hay ma tuý tạo ra. 

Đức Phật dạy chúng ta quan sát thực tại. Mọi sự nghiện ngập sẽ được hoá giải nếu chúng ta quan sát sự thực của các cảm thọ trên thân với sự hiểu biết này: “Vô thường, vô thường (anica, anicca), cảm thọ này là vô thường”. Dần dần chúng ta sẽ biết cách dừng lại mọi phản ứng. 

Pháp thực là giản dị, thực là khoa học, thực là chơn thực – pháp (dhamma) là quy luật tự nhiên mà mọi người ai cũng có thể áp dụng được. Dù bạn là người Phật tử hay thuộc bất kỳ tôn giáo nào; dù bạn là người Mỹ hay 

Ấn Độ; người Miến hay Nga – điều đó không quan trọng, con người là con người. Pháp là một khoa học thuần tuý về tâm, vật chất (sắc), và về sự tương tác giữa hai yếu tố ấy. Đừng để cho Pháp trở thành một bộ phái hay niềm tin có tính triết lý. Điều này sẽ không giúp được gì cả. 

Nhà khoa học vĩ đại nhất mà thế gian sản sinh đã làm việc để duy trì tìm sự thực về mối tương quan giữa tâm và vật chất, và đã khám phá ra sự thực này. Người đã tìm ra một cách để vượt qua tâm và vật chất. Người đã khám phá thực tại không chỉ để thoả mãn tính hiếu kỳ của mình mà còn để tìm một phương cách nhằm giải thoát khổ. Rất nhiều khổ đau hiện hữu trong mọi gia đình, mọi xã hội, mọi quốc gia, trên toàn thế giới, và bậc Giác Ngộ đã tìm ra con đường thoát khỏi khổ đau ấy. 

Không còn giải pháp nào khác: mỗi người phải tự mình đi ra khỏi khổ đau. Khi mỗi thành viên trong gia đình thoát khỏi khổ, gia đình ấy sẽ trở nên hạnh phúc, an lạc, và hoà hợp. Khi mỗi thành viên của xã hội thoát khỏi khổ, khi mỗi thành viên của quốc gia thoát khỏi khổ, khi mỗi công dân của thế giới thoát khỏi khổ – chỉ lúc đó mới có một nền hoà bình thế giới. 

Không thể có hoà bình thế giới chỉ vì chúng ta muốn thế giới hoà bình suông được: “Sẽ phải có hoà bình thế giới vì tôi đang vận động cho việc ấy”. Điều này không bao giờ xảy ra. Chúng ta không thể nào vận động cho hoà bình được. Khi chúng ta trở nên kích động, chúng ta đã đánh mất sự bình yên của mình. Hãy làm sao để không có kích động. Hãy làm sao tịnh hoá tâm của bạn. Lúc đó mọi hành động bạn làm sẽ đóng góp an lạc cho thế gian. 

Tịnh hoá tâm: đây là cách bạn có thể chấm dứt việc làm tổn hại đến những người khác và bắt đầu giúp ích cho họ. Khi bạn thực hiện sự giải thoát cá nhân của bạn, bạn sẽ nhận ra là mình cũng đã góp phần giúp người khác thoát khỏi khổ đau của họ. Từ một cá nhân sẽ thành nhiều cá nhân – vòng tròn sẽ được mở rộng ra từ từ. Hoàn toàn không có phép thần thông, không có phép lạ nào cả. Hãy thực tập sự bình yên của bạn, và bạn sẽ thấy rằng bạn đã bắt đầu giúp cho môi trường quanh bạn trở nên bình yên hơn. Tất nhiên là chỉ khi bạn hành đúng. 

Phép lạ lớn nhất là thay đổi lề thói quen của tâm từ chỗ lăn vào khổ đau đến chỗ giải thoát khỏi khổ đau. Không có phép lạ nào lớn hơn phép lạ này. Mỗi bước bạn hướng đến phép lạ này là một bước lành mạnh, một bước hữu ích. Mọi phép lạ bên ngoài khác chỉ là sự ràng buộc mà thôi. 

Cầu mong tất cả các bạn thoát khỏi khổ đau, thoát khỏi ách phược (trói buộc) của bạn. Cầu mong tất cả các bạn hưởng được sự bình an chơn thực, hoà hợp chơn thực và hạnh phúc chơn thực.  

—o0o—

Bài viết trích từ cuốn Tìm Hiểu Pháp Môn Niệm Thọ – Thiền Sư S.N. Goenka do Tỳ Kheo Pháp Thông biên dịch. Tải cuốn sách file PDF tại đây.

AUDIOS CUỐN SÁCH TÌM HIỂU PHÁP MÔN NIỆM THỌ

* Các Bài Viết Này Được Trích Từ Cuốn Tìm Hiểu Pháp Môn Niệm Thọ Của Ngài S.N. Goenka, Tỳ Khưu Pháp Thông Dịch Việt. Phương Pháp Thiền Vipassana Này Do Thiền Sư S.N. Goenka Giảng Dạy Theo Truyền Thống Thiền Sư Sayagyi U Ba Khin. Tài Liệu Thuộc Bản Quyền Của Viện Nghiên Cứu Vipassana VRIDhamma.org & Pariyatti.org. Tài Liệu Chỉ Mang Tính Tham Khảo. Để Học Phương Pháp Thiền Này, Quý Vị Nên Tìm Hiểu Thông Tin & Đăng Ký Tham Dự Khoá Thiền Tại Dhamma.org.
Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app