Chánh Niệm và Xả

Chánh niệm và xả – đây là thiền Minh sát. Khi niệm và xả được thực hành cùng nhau sẽ dẫn đến sự giải thoát khỏi khổ. Nếu một trong hai yếu tố hay không có, chúng ta không thể tiến bộ trên đạo lộ hướng đến mục đích (giải thoát khổ) ấy được. Cả hai đều cần yếu, cũng như con chim cần phải có hai cánh để bay, hay chiếc xe phải có hai bánh để chạy vậy. Nếu như một bên cánh của chim bị yếu còn cánh kia thì mạnh, nó không thể nào bay một cách thích đáng được. Nếu một bánh xe của chiếc xe nhỏ hơn bánh khác, nó sẽ đi luẩn quẩn theo vòng tròn. Người hành thiền phải phát triển niệm và xả cùng nhau để tiến tới trên đạo lộ. 

Chúng ta phải nhận biết được toàn bộ tâm và vật chất (danh và sắc) trong tính chất vi tế nhất của chúng. Vì mục đích này, nếu chỉ đơn thuần chú ý tới những phương tiện bề ngoài của thân và tâm, như những chuyển động của cơ thể hay những ý nghĩ thôi thì không đủ. Chúng ta phải phát triển chánh niệm về các cảm thọ ở khắp toàn thân và duy trì thái độ xả đối với chúng. 

Nếu chúng ta có chánh niệm nhưng thiếu xả, khi ấy chúng ta càng ý thức về các cảm thọ bên trong nhiều bao nhiêu, chúng ta lại càng trở nên nhạy cảm và phản ứng lại với chúng nhiều bấy nhiêu, vì vậy khổ đau cũng gia tăng theo. Ngược lại, nếu chúng ta có xả, nhưng lại không biết gì về các cảm thọ bên trong, thì xả này chỉ là bề ngoài, che đậy những cảm thọ đang diễn ra liên tục tận chiều sâu của tâm mà không hay. 

Như vậy chúng ta phải tìm cách phát triển cả niệm lẫn xả ở mức thâm sâu nhất. Chúng ta phải cố gắng có ý thức về mọi việc đang xảy ra bên trong, đồng thời không phản ứng lại nó, hiểu rằng nó sẽ thay đổi (vô thường). 

Đây là trí tuệ thực thụ: hiểu biết về bản chất của chính chúng ta, một sự hiểu biết được thành tựu bằng kinh nghiệm trực tiếp về sự thực nằm sâu trong tự thân. Đây là những gì đức Phật gọi là yathã-bhũta-nãna-dassana (tri kiến như thực), trí tuệ phát sinh do quan sát thực tại đúng như nó là. Với trí tuệ này ta sẽ thoát ra khỏi khổ. Mỗi cảm thọ khởi lên sẽ chỉ làm phát sinh sự hiểu biết về vô thường. Mọi phản ứng, tất cả các hành (sankhãra) thuộc tham ái và sân hận chấm dứt. Nhờ học cách quan sát thực tại một cách khách quan, ta dừng lại việc tạo tác khổ đau cho chính ta. 

Kho Dữ Trữ Các Phản Ứng (Hành) Quá Khứ

Duy trì chánh niệm và xả là cách để dừng lại việc tạo tác các phản ứng mới, dừng lại những nguồn khổ đau mới. Nhưng đối với khổ đau của chúng ta, còn một khía cạnh khác cũng phải đề cập tới. Từ khoảnh khắc này trở đi, do không phản ứng chúng ta có thể không tạo tác thêm nhân của khổ nữa, song mỗi người chúng ta ai cũng có một kho dự trữ các điều kiện (duyên), hay kho dự trữ các phản ứng quá khứ. Dù chúng ta không thêm cái gì mới vào kho chăng nữa, các hành (sankhãra) cũ đã tích chứa từ trước vẫn sẽ gây cho chúng ta khổ đau. 

Chữ sankhãra (hành) có thể dịch là “sự hình thành”, vừa theo nghĩa của hành vi tạo tác và vừa theo nghĩa cái được tạo tác. Mỗi phản ứng là bước cuối cùng, hay kết quả trong trình tự của các tiến trình tâm, nhưng nó cũng có thể là bước đầu tiên, hay nhân trong mọi trình tự tâm lý mới. Như vậy mỗi hành (sankhãra) vừa được tạo điều kiện bởi những tiến trình dẫn đến nó và cũng vừa tạo điều kiện hay làm duyên cho những tiến trình theo sau. 

Điều kiện hay duyên hoạt động bằng  cách tác động đến tưởng, chức năng tâm lý thứ hai trong bốn danh uẩn (xem lại bài “Điểm Khởi Đầu”). Chúng ta biết, về cơ bản, thức không có sự phân biệt. Mục đích của nó chỉ là để ghi nhận xem xúc nào đã xuất hiện ở tâm hay thân vậy thôi. Tuy nhiên, tưởng lại có sự phân biệt. Nó kéo trong kho chứa các kinh nghiệm quá khứ ra để đánh giá và sắp loại bất cứ một hiện tượng mới nào. Những phản ứng quá khứ trở thành những điểm tham chiếu qua đó chúng ta tìm cách hiểu một kinh nghiệm mới; chúng ta xét đoán và phân loại nó phù hợp với các hành quá khứ của chúng ta. 

Theo cách này các phản ứng cũ của tham ái và sân hận ảnh hưởng đến tưởng về hiện tại của chúng ta. Thay vì thấy thực tại, chúng ta lại thấy “như qua môt lăng kính xẫm màu”. Tưởng của chúng ta về thế giới bên ngoài và về thế giới bên trong (tự thân) bị bóp méo và che mờ bởi điều kiện quá khứ, bởi những yêu thích và thành kiến của chúng ta. Theo đúng cái tưởng đã bị bóp méo ấy, một cảm thọ vốn bản chất trung tính liền trở thành lạc hoặc khổ (dễ chịu hay khó chịu). Trước cảm thọ này, chúng ta lại phản ứng, lại tạo ra điều kiện (duyên) mới làm méo mó thêm nữa các tưởng của chúng ta. Theo cách này mỗi phản ứng trở thành nhân cho những phản ứng tương lai, tất cả được tạo điều kiện bởi quá khứ và rồi lại làm duyên (tạo điều kiện) cho tương lai. 

Chức năng kép của sankhãra (hành) được trình bày trong Chuỗi Duyên Sinh (Chain of conditioned arising, hay Thập Nhị Nhân Duyên). Mắt xích thứ hai trong chuỗi là hành vốn là điều kiện đi liền trước, hay tiền duyên cho sự khởi sanh của thức – tiến trình tâm lý đầu tiên trong bốn danh uẩn: thức, tưởng, thọ, hành. Tuy nhiên, hành cũng là tiến trình tâm lý cuối cùng trong chuỗi tiến trình ấy. Trong chuỗi duyên sinh, dưới hình thức này nó lại tái hiện, sau thọ, như phản ứng của ái và sân. Ái hoặc sân phát triển thành thủ, thủ này trở thành những xung lực cho một giai đoạn mới của hoạt động tâm-vật lý.

Như vậy tiến trình tự nó nuôi dưỡng nó. Mỗi hành mở ra một chuỗi các sự kiện dẫn đến một hành mới, và hành này lại mở ra một chuỗi sự kiện mới trong sự lập lại bất tận, một vòng lẩn quẩn không dứt. Mỗi lần chúng ta phản ứng, chúng ta lại củng cố thêm cho thói quen tâm lý của sự phản ứng ấy. Mỗi lần phát triển tham ái hoặc sân hận, chúng ta đã làm mạnh thêm khuynh hướng của tâm để tiếp tục tạo ra chúng. Một khi mô thức tâm lý này được thiết lập, chúng ta bị tóm chặt trong đó. 

Chẳng hạn, anh A ngăn anh B không để cho thỏa mãn một dục vòng nào đó. Anh B (người bị ngăn) tin rằng anh A là người xấu và không thích anh ta.Niềm tin này không dựa trên sự xét đoán nhân cách của anh A, mà chỉ dựa trên sự kiện anh ta đã cản trở những dục vọng của anh B mà thôi. Hơn nữa nó còn gây ấn tượng sâu xa trong tâm vô thức của anh B. Sau đó mỗi lần tiếp xúc với anh A, do bị nhuốm màu bởi ấn tượng đó, nên càng phát sinh cảm thọ khổ (khó chịu), vốn tạo ra một sân hận mới, làm mạnh thêm cho ấn tượng.

Cho dù hai mươi năm sau hai người gặp lại nhau, anh B (người bị cản trở) liền nghĩ rằng anh A rất xấu và vẫn cảm thấy không ưa. Nhân cách của anh A có thể đã thay đổi trong hai mươi năm ấy, song anh B vẫn xét đoán anh ta trên tiêu chuẩn của kinh nghiệm quá khứ. Như vậy, sự phản ứng không phải đối với tự thân người đó mà đối với niềm tin sẵn có về anh ta dựa trên phản ứng  mù quáng  ban đầu và do đó đã trở thành thiên kiến. 

Trong trường hợp khác, anh A giúp anh B thỏa mãn một dục  vọng. Anh B, người nhận được sự trợ giúp, tin rằng anh A là người tốt và thích anh ta. Niềm tin này chỉ dựa trên sự kiện là anh A đã giúp để thỏa mãn những dục vọng của anh B, chứ không dựa trên sự xét đoán cẩn thận về tư cách của anh ta. Niềm tin tích cực ấy được ghi lại trong tâm vô thức và ảnh hưởng đến những lần tiếp xúc sau đó với anh A, làm phát sinh cảm thọ lạc (dễ chịu) dẫn đến sự yêu mến, vốn tăng cường thêm cho niềm tin. Cho dù bao nhiêu năm trôi qua trước khi hai người gặp lại nhau, cũng mô thức ấy tự nó sẽ lập lại với mỗi lần tiếp xúc mới. Anh B phản ứng không phải đối với tự thân anh A, mà chỉ với niềm tin của mình về anh A, dựa trên phản ứng mù quáng ban đầu. 

Theo cách này một sankhãra (hành) có thể làm phát sanh những phản ứng mới, cả tức thời lẫn trong tương lai xa. Rồi mỗi phản ứng tiếp theo lại trở thành nhân cho những phản ứng xa hơn nữa, và những phản ứng ấy chắc chắn sẽ chỉ đem lại khổ đau mà thôi. Đây là tiến trình có tính cách lập đi lập lại của những phản ứng và của khổ. Chúng ta cho rằng mình đang đối phó với thực tại bên ngoài trong khi kỳ thực chúng ta lại đang phản ứng với chính những cảm thọ của chúng ta, những cảm thọ này được tạo điều kiện bởi các tưởng của chúng ta, được tạo điều kiện bởi những phản ứng của chúng ta.

Mặc dù từ khoảnh khắc này chúng ta đã dừng lại việc tạo tác các hành mới, tuy nhiên vẫn phải tính đến những hành đã tích lũy trong quá khứ. Do kho dự trữ cũ này, một khuynh hướng muốn phản ứng sẽ vẫn còn và bất cứ lúc nào cũng có thể tự khẳng định nó, tạo ra những khổ đau mới cho chúng ta. Bao lâu điều kiện cũ vẫn tồn tại, chúng ta vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi khổ đau. 

Làm thế nào để có thể trừ tiệt những phản ứng cũ? 

Muốn tìm câu trả lời cho câu hỏi này, nhất thiết chúng ta phải hiểu sâu hơn nữa tiến trình thiền Minh sát. 

Diệt Trừ Điều Kiện (Duyên) Cũ

Trong việc hành Minh sát, phận sự của chúng ta chỉ đơn giản là quan sát các cảm thọ ở khắp toàn thân.Nhân sanh của bất kỳ cảm thọ đặc biệt nào không nằm trong sự quan tâm của chúng ta, chỉ cần hiểu rằng mỗi cảm thọ là một dấu hiệu của sự thay đổi bên trong là đủ. Sự thay đổi có thể xuất phát từ tâm lý hoặc vật lý; tâm và thân vận hành phụ thuộc lẫn nhau và thường không thể phân biệt được. Bất cứ điều gì xảy ra ở mặt này cũng có thể được biểu lộ ở mặt khác. 

Ở mặt vật lý, thân bao gồm những hạt hạ nguyên tử hay các tổng hợp sắc (kalãpas) sanh và diệt cực kỳ nhanh lẹ trong từng sát na. Vì chúng sanh diệt nhanh như vậy, chúng thể hiện một trạng thái đa dạng vô cùng của sự kết hợp những tính chất cơ bản của vật chất – như khối lượng, sự kết dính, nhiệt, và sự chuyển động – tạo ra bên trong chúng ta toàn bộ lãnh vực của cảm thọ. 

Có bốn nguyên nhân khả dĩ làm sanh khởi các kalãpas (tổng hợp sắc), thứ nhất là thức ăn chúng ta ăn vào; thứ hai là môi trường chúng ta sống. Song bất cứ điều gì nảy sanh trong tâm cũng có một ảnh hưởng trên toàn thân và có thể là nguyên nhân cho sự sanh khởi của các kalãpas. Do đó các phân tử cũng có thể sanh khởi do một phản ứng tâm lý diễn ra trong sát na hiện tại, hoặc do một phản ứng quá khứ tác động đến trạng thái tâm lý hiện tại. 

Để thực hiện chức năng, thân đòi hỏi phải có thức ăn. Tuy nhiên, nếu ta ngừng cho thân ăn nó sẽ không suy sụp liền. Thân có thể tiếp tục tự nuôi dưỡng, nếu cần, trong hàng tuần lễ bằng cách tiêu thụ năng lượng tồn trữ trong các mô của nó. Khi tất  cả năng lượng tồn trữ đã cạn kiệt, thân sẽ suy sụp và chết: dòng vật lý chấm dứt. 

Cũng theo cách ấy, tâm đòi hỏi phải có một hoạt động để duy trì dòng tâm thức. Hoạt động tâm lý này goi là Hành (sankhãra). Theo chuỗi duyên sinh, thức bắt nguồn từ sự phản ứng (hành). Mỗi phản ứng tâm lý là nhân làm phát sinh những xung lực cho dòng tâm thức. Và trong khi thân chỉ đòi hỏi thức ăn từng lúc trong suốt ngày, thì tâm lại đòi hỏi phải có kích thích mới thường xuyên. Không có sự kích thích, dòng tâm thức không thể tiếp tục dù trong một khoảnh khắc.Chẳng hạn, ở một khoảnh khắc nhất định nào đó bạn phát sinh sân hận trong tâm, sát na kế tâm sanh lên là sản phẩm của sân hận này, và cứ như vậy hết sát na này đến sát na khác. Bạn cứ tiếp tục lập đi lập lại phản ứng của sân từ sát na này đến sát na kế, và cứ tiếp tục nạp dữ liệu mới vào tâm. 

Tuy nhiên, nhờ hành thiền Minh sát, người hành thiền biết cách để không phản ứng. Ở một sát na quy định, họ không tạo ra các hành, tức là họ không đưa sự kích thích mới vào tâm. Vậy thì cái gì sẽ xảy ra đối với dòng tâm lý? Nó không dừng lại tức thời. Thay vào  đó, một trong những hành đã tích lũy trong quá khứ sẽ xuất hiện trên bề mặt của tâm để duy trì dòng (tâm thức). Một sự phản ứng do điều kiện quá khứ làm duyên sẽ phát sanh từ tâm căn bản này tiếp nối trong sát na khác.

Điều kiện ấy sẽ xuất hiện ở mặt vật lý bằng cách sanh lên, lúc đó ta kinh nghiệm như cảm thọ trong thân. Có thể một hành thuộc sân hận quá khứ khởi lên, tự thể hiện như những phân tử, khiến ta cảm thấy như một cảm thọ khổ nóng như lửa trong thân. Nếu ta phản ứng lại cảm thọ ấy. với sự ghét bỏ, thì sân hận mới được tạo ra. Như vậy ta đã bắt đầu đưa dữ liệu mới vào dòng tâm thức, và không còn cơ hội để cho một nành khác của kho dự trữ các phản ứng quá khứ xuất hiện trên mặt ý thức. 

Tuy nhiên, nếu một cảm thọ khổ nảy sanh, và ta không phản ứng, thì sẽ không tạo ra các hành mới. Còn hành (sankhãra) đã khởi lên từ kho dự trữ cũ sẽ diệt. Sát na kế, hành quá khứ khác khởi lên như một cảm thọ. Một lần nữa, nếu ta không phản ứng, nó sẽ diệt. Theo cách này, nhờ duy trì thái độ xả, chúng ta để cho các phản ứng đã tích lũy trong quá khứ tuần tự trồi lên bề mặt của tâm, tự chúng thể hiện như những cảm thọ. Dần dần, nhờ duy trì niệm và xả đối với cảm thọ, chúng ta diệt được các điều kiện quá khứ. 

Bao lâu điều kiện hay duyên của sân còn tồn tại, khuynh hướng của tâm vô thức cũng sẽ phản ứng với sân khi đương đầu với bất kỳ cảm giác khó chịu nào trong cuộc sống. Hễ điều kiện của ái còn tồn tại, tâm cũng sẽ có khuynh hướng phản ứng lại với ái trong bất kỳ tình huống dễ chịu nào. Thiền Minh sát hiệu quả nhờ làm tiêu mòn những phản ứng có điều kiện này. Khi thực hành, chúng ta sẽ tiếp tục gặp những cảm thọ lạc và khổ. Nhờ quan sát từng cảm thọ với thái độ xả, chúng ta dần dần làm suy yếu và hủy diệt những khuynh hướng tham ái và sân hận. Khi những phản ứng có điều kiện của một loại nào đó bị diệt trừ, chúng ta sẽ thoát khỏi loại khổ đó. Và khi tất cả những phản ứng có điều kiện đã lần lượt bị diệt trừ, tâm hoàn toàn được giải thoát. Vị đã hiểu rõ tiến trình này nói: 

Các hành (Pháp do điều kiện tạo thành) là vô thường,

Có tính chất sinh diệt. 

Đã sanh chúng phải diệt, Diệt chúng là an lạc.

Mỗi hành sanh lên và diệt, chỉ trong sát na kế nó mới sanh trong một sự lập lại không ngừng. Nếu chúng ta phát triển được trí tuệ và bắt đầu quan sát một cách khách quan, sự lập đi lập lại ấy mới dừng và tiến trình đoạn trừ bắt đầu. Từng lớp, từng lớp các hành cũ sẽ sanh lên và bị đoạn trừ, với điều kiện chúng ta không phản ứng. Các hành bị đoạn trừ càng nhiều, chúng ta càng hưởng được nhiều – an lạc – sự an lạc của giải thoát khổ. Nếu tất cả hành quá khứ bị đoạn trừ, chúng ta sẽ hưởng được sự an lạc vô hạn của giải thoát viên mãn. 

Do đó thiền Minh sát là một loại nhịn ăn tinh thần để diệt trừ điều kiện quá khứ. Mỗi sát na trong suốt cuộc đời mình, chúng ta đã tạo ra những phản ứng. Giờ đây, nhờ duy trì niệm và xả, chúng ta thành tựu một vài sát na không phản ứng, không tạo ra một hành nào cả. Những sát na ấy, dù ngắn ngủi nhưng rất mãnh liệt, chúng làm chuyển động tiến trình đảo ngược, tiến trình của sự thanh tịnh.

Để thúc đẩy tiến trình này, thực ra chúng ta  không phải làm gì cả; nghĩa là, chúng ta chỉ phải (nhịn) không tạo tác những phản ứng mới. Bất cứ những gì có thể là nhân sanh của cảm thọ mà chúng ta kinh nghiệm, chúng ta quan sát chúng với thái độ xả ly. Chính hành động tạo ra niệm và xả này sẽ tự động diệt những phản ứng cũ, cũng như ánh sáng của ngọn đèn sẽ xua tan bóng tối ra khỏi phòng vậy. 

Có lần đức Phật kể câu chuyện về một người đã thực hiện cuộc bố thí lớn nhất. Nhưng kết luận lại, Ngài khuyên: 

“Mặc dù vị ấy đã thực hiện cuộc bố thí lớn nhất, song nếu vị ấy quy y với tâm chấp nhận đức Phật, Giáo Phật, và các vị Thánh Tăng, thời quả báo sẽ lớn hơn rất nhiều. Và dù vị ấy đã quy y như vậy, song nếu vị ấy thọ trì với tâm chấp nhận ngũ giới thời quả báo vẫn sẽ lớn hơn rất nhiều. Và mặc dù vị ấy đã thọ trì ngũ giới như vậy, song nếu vị ấy tu tập tâm từ đối với tất cả chúng sanh chỉ trong khoảnh khắc vắt sữa một con bò, thời quả báo vẫn sẽ lớn hơn rất nhiều. Và dù vị ấy đã làm tất cả những điều này, song nếu vị ấy tu tập niệm vô thường chỉ trong thời gian khoảng một búng tay, thời quả báo vẫn sẽ lớn hơn rất nhiều”.

Có thể người hành thiền nhận biết (niệm) thực tại của các cảm thọ nơi thân chỉ trong một vài sát na và không phản ứng vì người ấy hiểu bản chất thoáng qua của chúng. Ngay cả vài sát na ngắn ngủi này cũng sẽ có một hiệu quả mạnh mẽ. Với việc thực hành liên tục và nhẫn nại, một vài sát na buông xả ngắn ngủi ấy sẽ gia tăng, và những sát na phản ứng sẽ giảm bớt. Dần dần thói quen phản ứng của tâm sẽ bị bẻ gãy và điều kiện cũ bị diệt trừ, đến một lúc nào đó tâm sẽ giải thoát khỏi mọi phản ứng quá khứ cũng như hiện tại, giải thoát khỏi mọi khổ đau.

Bài viết trích từ cuốn Tìm Hiểu Pháp Môn Niệm Thọ – Thiền Sư S.N. Goenka do Tỳ Kheo Pháp Thông biên dịch. Tải cuốn sách file PDF tại đây.

AUDIOS CUỐN SÁCH TÌM HIỂU PHÁP MÔN NIỆM THỌ

* Các Bài Viết Này Được Trích Từ Cuốn Tìm Hiểu Pháp Môn Niệm Thọ Của Ngài S.N. Goenka, Tỳ Khưu Pháp Thông Dịch Việt. Phương Pháp Thiền Vipassana Này Do Thiền Sư S.N. Goenka Giảng Dạy Theo Truyền Thống Thiền Sư Sayagyi U Ba Khin. Tài Liệu Thuộc Bản Quyền Của Viện Nghiên Cứu Vipassana VRIDhamma.org & Pariyatti.org. Tài Liệu Chỉ Mang Tính Tham Khảo. Để Học Phương Pháp Thiền Này, Quý Vị Nên Tìm Hiểu Thông Tin & Đăng Ký Tham Dự Khoá Thiền Tại Dhamma.org.
Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app