Tích Truyện Pháp Cú

Phẩm Không Phóng Dật

Những Chuyện Luân Hồi Quanh Vua Udena ( hay Udayna)

Phần 1: Thời Niên Thiếu Của Udena

Một thuở nọ, vua Allakappa cai trị vương quốc Allakappa và vua Vethadìpaka cai trị vương quốc Vrthadìpaka. Họ là bạn thân từ thuở bé, cùng học một thầy. Sau khi phụ hoàng băng hà, họ nối ngôi cai trị vương quốc rộng hơn mười dặm.

Họ gặp nhau thường xuyên, ăn cùng mâm ngủ cùng giường. Nhận thấy con người cứ sinh ra rồi lại chết đi, cả hai cùng kết luận rằng sau khi chết ta chẳng đem theo được gì, kể cả xác thân, vậy thì có ích lợi gì nếu sống đời tại gia, ta nên xuất gia.

Vì vậy hai vua nhường ngôi cho vợ con và đi tu, sống đời khổ hạnh trong dãy Hy-mã-lạp-sơn. Rồi họ nghĩ từ bỏ ngai vàng, sống đời xuất gia cũng chẳng khó khăn gì, nhưng nếu sống chung thì chưa phải là nếp sống khổ hạnh. Do đó họ sống riêng biệt ở hai ngọn núi, cứ hai tuần vào ngày phát lồ họ lại gặp nhau. Tuy không thường xuyên liên lạc với nhau, họ vẫn biết được bạn mình sống hay chết nhờ mỗi người đều đốt ngọn lửa trên núi cho người kia thấy.

Một thời gian sau, tu sĩ Vethadiipaka chết, tái sinh làm con trai Phạm thiên có quyền năng phi thường. Hai tuần sau, Allakappa không thấy ngọn lửa trên núi, biết rằng bạn mình đã chết. Vethadìpaka vừa được tái sinh liền quan sát, tầng trời của mình, xét lại việc làm đời trứơc, những sự khổ hạnh từ ngày xuất gia, và muốn đi thăm bạn mình. Ngài bỏ lớp trời, hoá thành một bộä hành đi đến gặp Allakappa, đảnh lễ rồi cung kính đứng một bên.

Allakappa hỏi:

– Ông từ đâu đến?

– Tôi là một bộ hành từ xa đến. Nhưng thưa tôn giả, Ngài ở đây có một mình sao?

– Tôi chỉ có một người bạn.

– Người ấy đâu rồi?

– Ông ta ở trên ngọn núi kia, không thấy đốt lửa vào ngày phát lồ, tôi biết ông ta đã chết.

– Tôi chính là bạn Ngài, thưa tôn giả.

– Bạn tái sinh ở đâu?

– Ở cõi trời, là con trai Phạm thiên có quyền năng phi thường. Tôi trở lại đây để thăm Ngài. Ngài sống ở đây có an ổn không, hay bị quấy rầy?

– Tôi rất bực lũ voi.

– Tôn giả, chúng quấy rầy gì  Ngài?

– Tôn vừa quét dọn xong chúng đã đến ị đầy, rồi lại dậm chân tung bụi mù. Phần hốt phân, phần dọn đất, tôi mệt lử.

– Vậy Ngài có muốn đuổi chúng đi không?

– Muốn!

– Được rồi. Tôi sẽ giúp Ngài.

Vethadìpaka cho Allakappa một cây đàn ba dây và chỉ cách đọc ba câu chú để mê hoặc lũ voi:

– Đánh dây thứ nhất và đọc thần chú này lũ voi sẽ bỏ chạy, không dám nhìn Ngài một chút nào. Đánh dây thứ hai và đọc thần chú này, chúng cũng sẽ bỏ chạy, mỗi bước mỗi nhìn Ngài. Đánh dây thứ ba và đọc thần chú này, voi đầu đàn sẽ chạy đến cho Ngài cưỡi. Đây, hãy sử dụng theo ý muốn.

Nói rồi, Vethadìpaka ra đi. Từ đó vị ẩn sĩ sống yên ổn.

Thuở ấy vua xứ Kosambi là Parantapa. Một sáng nọ, vua ngồi phơi nắng sớm với hoàng hậu đang mang thai. Hoàng hậu khoác chiếc long bào đỏ tía của vua đáng giá một trăm ngàn đồng tiền, và đang khi trò chuyện bà tháo ngọc ấn nơi ngón tay vua đáng giá một trăm ngàn đồng vàng, đeo vào tay mình.

Ngay lúc ấy, một quái điểu mỏ lớn như vòi voi hay liệng trên không, trông thấy hoàng hậu và lầm bà là một miếng thịt tươi nên dang rộng cánh nhào xuống. Nghe tiếng chim sà xuống, nhà vua bật dậy lao vào cung. Còn hoàng hậu, vừa có thai, vừa chậm chạp yếu đuối không chạy nhanh được, bị chim đâm bổ xuống, dùng vuốt quắp lấy rồi bay vút lên không (Giống chim này mạnh bằng năm con voi, có thể quắp mồi bay đi đến nơi nào tùy ý rồi ăn thịt). Tuy khiếp hãi hoàng hậu vẫn tỉnh táo. Biết rằng nếu la lên, chim sợ tiếng người sẽ buông ra ngay, nhưng lại nguy hiểm cho mình và đứa con trong bụng. Cho nên bà kiên nhẫn chịu đựng, chờ khi chim dđáp xuống sẽ la lớn cho nó sợ bay đi.

Quái điểu như thường lệ mang hoàng hậu đặt trên nhánh chĩa ba một cây đa khá lâu năm, có tán che rộng trong dãy Hy-mã-lạp-sơn, vừa trông chừng dưới đất. (Người ta nói loài chim này có thói quen trông chừng con đường dẫn đến cây nó đang ở).

Biết đã đến lúc, hoàng hậu đưa tay lên vỗ, hét lớn đuổi chim đi.

Đến chiều, trong lúc giông bão nổi lên bốn phía, bà chuyển dạ, yếu quá, gần ngất đi vì đau đớn, chẳng có ai bên cạnh để an ủi.

Suốt đêm bà không ngủ. Khi trời sáng dần, mây tan, đứa trẻ ra đời. Vì sinh giữa cơn bão trên đỉnh núi lúc mặt trời mọc, bà đặt tên con là Udena. Cách đó không xa là trú xứ của ẩn sĩ Allakappa. Vào những ngày mưa ẩn sĩ không vào rừng hái vì sợ lạnh, mà thường đi đến gốc cây đa nhặt những mẫu xương thừa của chim, gĩa nhỏ và nấu nước xúp uống. Hôm ấy, Alakappa đi đến gốc cây lượm xương, nghe tiếng trẻ khóc trên cành và nhìn lên thấy hoàng hậu, Ngài hỏi:

– Ai đó?

– Tôi là một phụ nữ.

– Sao bà ở trên ấy?

– Con quái điểu mang tôi đến.

– Xuống đi!

– Thưa ngài, tôi không dám xuống vì sợ khác giai cấp.

– Bà thuộc giai cấp nào?

– Giai cấp chiến sĩ.

– Tôi cũng vậy.

– Ngài hãy đọc khẩu lệnh của giai cấp chiến sĩ.

Ẩn sĩ đọc lên, hoàng hậu đồng ý cho ngài leo lên cây đem đứa bé xuống. Vâng lệnh hoàng hậu không được chạm đến bà, Ngài ẵm đứa bé rồi đặt xuống đất, để hoàng hậu tự leo xuống.

Ẩn sĩ dẫn hoàng hậu về túp lều của mình. Ngài săn sóc và phục vụ bà với mật ong, nấu xúp và cháo với lúa đã trồng, mà không phạm giới cấm. Thời gian trôi qua, vì lo sợ bị ẩn sĩ bỏ rơi, phần vì không biết đường đến cả đường về, nên hoàng hậu nảy sinh ý định quyến rũ ẩn sĩ. Và ẩn sĩ đã phạm giới với bà, từ đó hai người chung sống với nhau.

Một hôm xem thiên vănẩn sĩ thấy sao chiếu mệnh của Parantapa vua xứ Kosambi mờ đi, bèn nói với hoàng hậu:

– Này bà, vua xứ Kosambi đã chết.

– Tôn giả, sao ngươi nói vậy? Sao ngươi có ác tâm với nhà vua?

– Tôi không có ác tâm. Tôi nói vậy vì thấy ngôi sao của vua mờ đi.

Hoàng hậu bật khóc. Ẩn sĩ ngạc nhiên hỏi:

– Sao bà khóc?

Lúc đó hoàng hậu mới cho biết vua Paratapa chính là chồng bà. Ẩn sĩ an ủi:

– Đừng khóc. Ai sinh ra cũng đều phải chết.

– Tôi biết.

– Vậy sao bà vẫn khóc?

– Tôi khóc vì buồn cho con tôi, đáng lý phải được nối ngôi, được che lọng trắng. Giờ đây nó chỉ là thường dân.

– Không sao, bà đừng lo. Nếu bà muốn nó làm vua, tôi sẽ có cách. Allakappa bèn cho chú bé cây đàn và dạy các câu chú mê hoặc voi. Ngày thứ nhất, chú bé búng sợi dây đàn thứ nhất và đọc câu chú đầu tiên, bầy voi đang tụ tập quan gốc cây đa bỗng chạy hết, không dám nhìn lại một chút nào. Qua ngày hôm sau, chú búng sợi dây đàn thứ hai và câu chú thứ hai, bầy voi chạy đi mỗi bước mỗi nhìn chú bé. và trước khi chỉ dạy câu chú thứ ba, ẩn sĩ bảo hoàng hậu dạy chú bé thông điệp lên ngôi vua: “Con phải nói con là con trai vua Parantapa xứ Kosambi, bị một quái điểu bắt đem đi, rồi con đọc tên tổng tư lệnh quân đội và các đại tướng. Nếu người ta vẫn chưa tin, con sẽ cho họ xem chiếc áo choàng này và chiếc nhẫn ngọc ấn này của cha con”. Đến ngày thứ ba, chú bé theo lời ẩn sĩ ngồi trên nhánh cây đa thấp nhất, búng sợi dây đàn và đọc câu chú thứ ba, voi đấu đàn chạy đến cho chú cưỡi lên, chú thì thầm bên tai voi:

– Tôi là con trai vua xứ Kosambi. Hãy mang tôi đến ngai vàng của cha tôi.

Voi đầu đàn liền rống lên:

– Ngàn voi, tập hợp!

Hàng ngàn voi tụ lại. Voi rống lần thứ hai:

– Các voi già yếu ở lại!

Các voi già yếu bèn rút lui.

Voi rống lần thứ ba:

– Các voi con ở lại.

Các voi con bèn rút lui.

Như thế, chú bé ra đi giữa hàng ngàn voi dũng sĩ. Đến một làng biên giới, chú tuyên bố:

– Ta là con trai của đức vua, ai muốn ấm no thịnh vượng hãy đến với ta!

Rồi chú tiến lên, tuyển thêm quân, bao vây thành phố và gởi thông điệp “Hoặc đánh nhau, hoặc trao ngai vàng”. Dân chúng trả lời:

– Cả hai là không. Hoàng hậu của chúng tôi bị quái điểu bắt mang đi khi đang có thai. Chúng tôi không biết bà còn sống hay đã chết. Chúng tôi không đánh nhau hay trao ngôi vua cho đến bao giờ được tin tức hoàng hậu.

Chú bé liền nói:

– Chính ta là con của hoàng hậu.

Rồi chú đọc tên vị tổng tư lệnh, tên các đại tướng. Thấy dân chúng chưa tin, chú đưa ra áo choàng và chiếc nhẫn. Dân chúng nhận ra, liền mở cổng thành, tung hô chú bé lên ngôi vua.

_______________________

dhp022 b

Phần 2. Thời Niên Thiếu Của Ghosaka

Câu chuyện tiền thân – Kotuuhalaka Vứt Con

Một thuở nọ, tại vương quốc Ajita xảy ra nạn đói. Một người tên Kotùhalaka không đủ ăn, định đến Kosambi để kiếm sống. Ông cùng con trai nhỏ Kapi và vợ Kali ra đi với một ít lương thực. (Cũng có người nói ông bỏ nhà đi vì dân ở đó đang chết vì bệnh dịch tả).

Họ đi mãi cho đến lúc hết lương thực. Sau cùng, đói quá họ không bồng nổi đứa con. Người chồng bảo vợ:

– Này bà, nếu chúng ta còn sống thì sẽ có đứa con khác. Hãy bỏ đứa nhỏ lại để đi tiếp.

Lòng mẹ lúc nào cũng từ ái nên người vợ trả lời:

– Tôi không bao giờ vứt bỏ đứa con còn sống.

– Vậy ta phải làm sao?

– Thay phiên nhau ẵm nó.

Phiên bà mẹ bồng thì bà đỡ đứa bé như nâng một vòng hoa, ôm vào lòng hoặc mang bên hông. Đến phiên người cha, ông bồng kiểu nào cũng thấy nặng nhọc, khổ sở còn hơn cả cơn đói. Ông cứ lặp đi lặp lại mãi điệp khúc: “Này bà, nếu chúng ta còn sống sẽ có đứa con khác, vứt đứa nhỏ này đi!” Nhưng người mẹ nhứt quyết không chịu. Đứa bé bị bồng tới bồng lui tới một lúc thì quá mệt nên ngủ thiếp trên tay người cha. Kotuhalaka bèn chậm chân để người mẹ đi trước, rồi lén đặt đứa bé trên đệm lá dưới một cây, và lập tức đi tiếp. Đi một đoạn bà mẹ bỗng quay lại, không thấy đứa bé liền hỏi:

– Ông! Con tôi đâu rồi?

– Bỏ nó dưới bụi cây rồi!

– Trời! Ông đừng có giết tôi Thiếu nó tôi sống sao nổi. Trả con lại cho tôi!

Thấy bà đấm ngực khóc lóc, ông chồng phải đi lui tìm đứa bé trao lại cho vợ. (Do một lần vứt con này mà kiếp sau đó, Kotuhalaka bị cha mẹ vứt bỏ bảy lần. Ta chớ có xem thường việc ác và bảo rằng chỉ là việc nhỏ).

Tiếp tục cuộc hành trình, họ đến nhà người chăn nuôi gia súc. Hôm ấy có con bò cái đẻ nên chủ nó làm tiệc ăn mừng. Sau khi cúng dường vị Bích Chi Phật thường đến khất thực, ông nấu đãi rất nhiều cháo và xúp. Trông thấy hai người khách lỡ đường và thương xót cho hoàn cảnh của họ, ông bố thì cháo và nhiều bơ sữa. Bà vợ thì đặt bơ sữa lỏng và bánh sữa trước mặt, nhường cho chồng ăn uống thỏa thích sau những ngày đói khổ, còn mình thì ăn chút ít. Ông chồng thì ăn ngốn ăn nghiến vẫn chưa thấy no vì đã nhịn đói sáu bảy ngày trước. Thấy người chăn bò đang dùng bữa, thỉnh thoảng cho con chó cái nằm chực dưới ghế vài muỗng cháo, ông chồng lại khởi tâm thèm muốn, bảo con chó tốt phước được ăn ngon lành và no đủ. Tối đến, ông chồng bị đầy bụng và qua đời, thác sinh vào bụng con chó cái.

Người vợ chôn cất chồng xong, ở lại làm thuê cho ấy luôn. Được trả công nửa lít gạo, bà nấu cơm để bát cúng dường vị Bích Chi Phậthồi hướng phước báo cho con mình. Nghĩ rằng dù có cúng dường hay không, cũng được đặc ân đảnh lễ và hầu hạ vị Bích Chi Phật mỗi ngày, do đó sẽ được phước lành an lạc, bà bèn quyết định ở lại đây luôn.

Sáu, bảy tháng sau, con chó cái xinh một chú chó con. Người chủ nhà dành riêng sữa một con bò cho nó. Chẳng bao lâu nó lớn thành một con chó to khỏe. Còn vị Bích Chi Phật mỗi khi thọ thực đều dành cho nó một phần cháo nên nó cứ quấn quýt bên Ngài.

Mỗi ngày người chăn bò đều đến viếng thăm vị Bích Chi Phật với con chó theo sau. Trên đường đi, đến một hang thú ông ta thường đập gậy vào bụi cây và dộng gậy xuống đất, kêu lên ba lần “su,su” cho thú sợ. Ngày kia, ông ta bạch với Phật rằng khi nào không đến được sẽ gởi con chó đến tìm, và xin Phật hiểu cho là ông đang mong Ngài đến. Quả nhiên vài ngày sau, ông thấy khó chịu trong mình nên để con chó đến thỉnh Phật. Nghe lệnh chủ, con chó chạỵ đi. Ngang qua nơi hang thú, chú ta sủa ba lần rồi mới đi tiếp. Sáng sớm, đi vệ sinh xong chú mới vào lều tranh sủa ba tiếng ra mắt vị Bích Chi Phật, rồi nằm về một bên. Biết đã đến lúc, Ngài đứng dạy lên đường. Chú chó chạy phía trước sửa từng chặp. Nhiều lần vị Bích Chi Phật vờ đi nhầm đường để thử chú, nhưng lần nào chú cũng biết, đứng chận lại sủa vang, ra dấu cho Phật đi đường khác. Một hôm, chú cũng cản lại khi Phật đi nhầm đường, nhưng lần này Phật không trở lui, chỉ lấy chân đẩy nó ra rồi đi tiếp. Chú chó liền cắn tà áo trong của Phật và kéo trở lui cho đến khi Ngài đi đúng đường. Chú quả là trung thành và nhiệt tình với Phật.

Rồi đến một ngày y Phật rách, người chăn bò cúng dường vải để may y mới, và Phật phải đi đến chỗ khác để nhờ may giúp. Ngài bay lên không về hướng Gandhamadana. Chú chó sủa và chu lên cho đến khi bóng Ngài khuất dần, rồi vỡ tim ngay đó. (Người ta thường nói loài vật sống chơn chất không biết lừa dối, còn con người tâm một đường miệng một nẻo. Vì vậy Thế Tôn có dậy một Sa-môn: “Lòng người khó lường còn loài thú lại đơn giản”).

Chú chó chết đi, do lòng ngay thẳng trung hậu, tái sinh lên cõi trời ba mươi ba với một ngàn thiên nữ tùy tùng, hưởng phúc lạc vô kể. Vị trời này chỉ cần thì thầm âm thanh đã vang xa mười sáu dặm. Khi nói năng bình thường khắp cõi trời rộng ngàn dặm đều nghe (Đó là do thân chó kiếp trước đã sủa và chu vì thương mến vị Bích Chi Phật).

Ở tầng trời ba mươi ba không còn lâu, vị này mạng chung (Chư thiên mạng chung do bốn nguyên nhân: mạng tận, phước tận, thực phẩm tận và sân hận. Nếu nhiều phước, ở tầng trời này đủ hạn kỳ rồi sanh thiên cao hơn nữa, đó là “mạng tận”. Nếu ít phước, giống như một, hai lít gạo bỏ vào kho chẳng nhằm đâu cả, không bao lâu sẽ chết, gọi là “phước tận”. Trường hợp thứ ba, vị trời ham hưởng lạc, quên cả ăn uống, sức khoẻ suy sụp và chết, đó là “thực phẩm tận”. Thứ tư là do ganh tỵ với sự sáng chói của vị khác, sân hận mà chết).

_______________________

Câu chuyện hiện tại – Bảy Lần Ghosaka Bị Vứt Bỏ

Ghosaka, tiền kiếp là chú chó, ở cõi trời Ba mươi ba thụ hưởng lạc thú quên cả uống nên mạng chung, thác sinh làm con một kỹ nữ ở Kosambi. Vừa lâm bồn, cô ta đã hỏi ngay nàng hầu là trai hay gái. Biết là con trai cô ra lệnh bỏ đứa bé trong cái giỏ cũ, đem vất ngoài đống rác. (Kỹ nữ chỉ nuôi con gái vì sẽ kế nghiệp họ).Qụa và chó xúm quanh nhưng do phước báo kiếp trước, chẳng con nào làm hại đứa bé. Lúc đó có người đi đến, thấy chuyện lạ, tiến lại xem, gặp đứa bé trai liền thương ngay và nhặt lên mang về nuôi.

Hôm đó viên chưởng khố ở Kosambi vào cung vua gặp thầy tế lễ xem thiên văn cho biết là một bé trai ra đời hôm nay sẽ thành vị chưởng khố trọng yếu. Lúc bấy giờ vợ viên chưởng khố đang có mang gần ngày sinh, nhưng hôm đó thì chưa sinh. Viên chưởng khố bèn gọi một bà nô lệ tên Kàkì cho một ngàn đồng tiền, bảo đi lùng khắp thành tìm đứa bé vừa mới sinh ra hôm nay đem về gấp. Bà nô lệ sục sạo khắp nơi. Khi đến nhà đứa bé vừa được lượm về, bà liền trả giá, từ một xu rồi tăng dần đến một ngàn đồng tiền thì xin được đứa bé mang về cho viên chưởng khố. Ông ta nuôi đứa bé trong nhà, định bụng nếu sau này con mình là gái sẽ cho nó làm rễ để nối nghiệp chưởng khố, nếu là trai sẽ giết đứa bé đi.

Ít ngày sau vợ ông hạ sinh một bé trai. Ông bèn bảo Kaalii mang đứa bé nuôi để ngay lối vào chuồng bò vào giờ bò đi ăn, để chúng giẫm chết nó. và còn dặn thêm xem kỹ nó chết rồi hãy về báo cho ông. người nô lệ làm y theo lời ông dặn.Ngay khi cửa chuồng vừa mở, con bò đực đầu đàn xông ra trước tiên, khác với thường lệ là nó đi sau rốt. Đến chỗ đứa bé, nó dùng bốn chân che kín lại và đứng yên ở đó. Hàng trăm con bò lần lượt đi ra hai bên, chạm sát vào sườn nó. Quanh cảnh này không lọt khỏi cặp mắt người chăn bò đang đứng gần đấy. Ông đi đến gầnngạc nhiên thấy đứa trẻ nằm ngay chân bò. Ông thấy thương nó ngay và liền mang về nuôi.

Kaalii thấy hết từ đầu đến cuối, trở về kể rõ tự sự cho viên chưởng khố. Ông lại bảo Kaalii đi gặp thằng chăn bò, cho một ngàn đồng tiền để bắt đứa bé lại. Tiếp theo ông ra lệnh cho Kaalii mang đứa bé đặt nơi bánh xe bò, vì biết rằng sáng mai năm trăm cỗ xe này sẽ lên đường đi một chuyến buôn xa, mấy con bò không dậm chết nó thì bánh xe cũng nghiến nát nó. Và ông không quên dặn Kaalii phải xem thằng bé chết ra sao rồi mới về báo cho ông. Sáng sớm trưởng đoàn buôn đến tròng ách vào cổ bò và thúc chúng bước đi. Nhưng chúng vùng ra không chịu đi. Mấy lần như thế cũng không được, ông vật lộn đàn bò cho đến mặt trời mọc. Ông thắc mắc không hiểu tại sao, chợt nhìn xuống đường thấy đứa bé nằm ờ đó. Ông bế lên, lòng vui mừng vì được một đứa con trai. Kaalii vẫn theo dõi từ nãy giờ, lúc này mới trở về báo tin cho viên chưởng khố. Ông lại bảo Kaalii đến gặp trưởng đoàn buôn đưa một ngàn đồng tiền để chuộc lại thằng bé, rồi quăng nó trong lùm cây nơi bãi thiêu cho chim thú ăn thịt hay ma quỷ giết nó. Kaalii lại mang đứa bé đi, nhưng chẳng có con thú hay ma quỷ nào làm hại đứa bé vì qủa báo đời trước đã che chở cho nó. Chợt có một đàn dê đi qua bãi thiêu. Một chị dê đi len trong lùm bụi ăn lá cỏ, thấy đứa trẻ liền quỳ xuống cho bú. Người chăn dê gọi mãi chị ta vẫn không chun ra. Cuối cùng chủ nó phải cầm gậy xông vào và bắt gặp đứa trẻ, hớn hở đem về. Đến lần này đứa trẻ vẫn chưa yên vì viên chưởng khố vẫn chưa chịu thua. Kaalii lại được lệnh chuộc nó từ người chăn dê và leo lên ngọn Dốc Đá Cướp ném nó xuống sườn núi, nó sẽ va vào vách đá rồi rớt xuống khe núi tan xác. Nhưng dọc sườn núi lại có một bụi tre dày và trên chót núi nhiều bụi gunjà bao phủ. Đứa bé rơi xuống ngay giữa đám tre như trên một nệm lông dê. Ngày hôm đó, người trưởng nhóm đánh tre vừa nhận một mối bán tre hời. Và khi ông cùng con trai lia dao vào bụi tre định chặt thì đứa bé bị tre lay động bật khóc. Ông ngạc nhiên nghe sao giống tiếng trẻ khóc, vội trèo lên xem thì thấy ngay một đứa con trai. Ông lại hân hoan mang về nhà. Kaalii li đi chuộc đứa bé một lần nữa. Cho đến lần này đứa bé vẫn sống mạnh khỏe đến lớn, tên nó là Ghosaka, nhưng cũng còn là cái gai trước mắt viên chưởng khố. Ông vẫn tìm mọi cách để giết cậu bé. Lần này ông đích thân đến gặp người bạn làm nghề gốm, đưa trước một ngàn đồng tiền và dặn dò như sau:

– Tôi có một đứa con tư sinh và sẽ gởi nó đến cho anh. Cho nó vào một phòng kín lấy búa bén băm nó ra thành từng mảnh rồi thảy vào lò nung đốt hết. Đây là một ngàn đồng tiền như đã giao hẹn. Việc xong tôi sẽ thưởng thêm cho anh xứng đáng.

Thợ gốm đồng ý. Về nhà, viên chưởng khố gọi Ghosaka sai đến thợ gốm.

– Hôm qua ta có nhờ thợ gốm làm một ít việc cho ta. Hãy đến bảo ông ấy hoàn tất công việc cha tôi đã giao hôm qua.

– Thưa vâng.

Và Ghosaka lên đường. Rời khỏi nhà một quãng anh ta gặp con trai viên chưởng khố đang chơi bắn bi với chúng bạn. Nó chận Ghosaka lại hỏi.

– Mày đi đâu vậy?

– Tôi mang lời cha đến cho người thợ gốm.

– Để tao đi! Mấy đứa này ăn hết tiền của tao, mày đánh ăn lại cho tao.

– Tôi sợ cha lắm!

– Đừng sợ, tao sẽ nói cho. Tao đã thua nhiều tiền rồi, mày chơi cho đến lúc tao trở về, ráng ăn lại số tiền của tao.

Ghosaka bắn bi rất giỏi nên anh nuôi nó cứ nài nỉ mãi. Cuối cùng Ghosaka bằng lòng. Vậy là chính con đẻ của chưởng khố chuyển lời đến thợ gốm, và đúng như lệnh giao hẹn anh ta giết người đưa tin rồi ném thây vào lò nung.

Ghosaka chơi bi suốt ngày, chiều mới về. Viên chưởng khố ngạc nhiên hỏi ngay:

– Mày về đó ư?

Ghosaka liền kể lại tự sự. Chưởng khố tái nhợt như mất hết máu, gầm lên;

– Trời ơi! Khổ tôi chưa!

Rồi ông tức tốc đi đến thợ gốm, vặn vẹo đôi tay rên rỉ:

– Thợ gốm ơi! Ông giết tôi mất rồi! Tôi chết mất! Tôi chết mất!

Thợ gốm thấy ông hốt hoảng như vậy vội trấn tỉnh ông;

– Thưa Ngài, đừng làm ồn. Công việc xong rồi.

Đau buồn như một trái núi úp chụp xuống, viên chưởng khố phải gánh chịu sự đau khổ cùng cực như tất cả những ai đã làm hại người vô tội.

Vì vậy đức Thế Tôn dạy:

(137) Dùng trượng phạt không trượng,

Làm ác, người không ác.

Trong mười loại khổ đau,

Chịu gấp một loại khổ.

 

(138) Hoặc khổ thọ khốc liệt,

Thân thể bị thương vong,

Hoặc thọ bệnh kịch liệt,

Hay loạn ý tán tâm

 

(139) Hoặc tai vạ từ vua,

Hay bị vu trọng tội,

Bà con phải ly tán,

Tài sản bị nát tan.

 

(140) Hoặc phòng ốc nhà cửa,

Bị hỏa tai thiên đốt.

Khi thân hoại mạnh chung,

Ác tuệ sanh địa ngục.

Viên chưởng khố không thể nào nguôi ngoai nổi khi thấy mặt Ghosaka, nên cứ phải tìm cách giết cậu ta. Lần này ông sai cậu mang lá thư đến người quản lý trăm ngôi làng của ông, trong thư ông dặn giết cậu ta rồi liệng xuống hầm phân. Lá thư được cột nơi viền áo của Ghosaka. Cậu ta không biết chữ vì từ khi chào đời đến khôn lớn viên chưởng khố luôn âm mưu giết cậu, nên cậu không được đi học. Và với lệnh giết mình, cậu xin cha lương thực để lên đường. Người cha ác nghiệt của cậu bảo rằng trên đường đi, ở làng đó làng đó có người bạn của ông cũng làm quản khố, và hãy ăn ở đó rồi đi tiếp.

Đến làng đó, Ghosaka hỏi nhà người quản khố và gặp được bà vợ. Biết đó là con trai của bạn mình, bà có cảm tình ngay với chàng trai. Viên quản khố này có cô con gái chừng mười lăm mười sáu tuổi, xinh đẹp tuyệt vời. Để giữ tiếng tốt và an toàn cho con, hai ông bà cho cô ở trên tầng cao nhất trong toà lâu đài bảy tầng, cung vi lộng lẫy như trong hoàng cung với một nàng hầu.

Hôm đó, cô gái sai nàng hầu đi chợ. Giữa đường nàng hầu gặp bà mẹ và được bà nhờ trải chỗ ngồi cho Ghosaka, rửa chân và xức dầu rồi trải giường cho chàng. Nàng hầu đi chợ về trễ, bị cô chủ rầy, phải kể lại việc hầu hạ Ghosaka. Nghe đến tên chàng trai, cô gái thương ngay thấu tận xương tủy tim gan. Cô chính là vợ của Kotùhalaka kiếp trước, nhờ cúng dường vị Bích Chi Phật được phước báo sanh vào nhà viên quản khố giàu có. Do đó lòng luyến ái kiếp trước sống lạiĐức Thế Tôn có dạy;

Do liên hệ đời trước,

Hay lợi lộc hôm nay,

Lòng mến thương bừng dậy,

Như hoa vươn mặt hồ.

Cô hân hoan hỏi thăm về chàng trai. Khi được biết chàng trai đang nằm ngủ với lá thư nơi viền áo, cô lén đi xuống gỡ lấy lá thư mang về phòng, đóng cửa lớn, mở cửa sổ và đocï thư.

Xem xong cô gái buột miệng:

– Ố! Anh chàng ngốc, ra đi với lệnh giết mình buộc nơi áo. Nếu mình không lén đọc thư trước chắc hẳn anh ta sẽ bị giết.

Rồi cô xé phăng lá thư, viết một cái khác, nhại giọng viên chưởng khố: “Đây là Ghosaka con tôi. Hãy kiếm lễ vật từ trăm ngôi làng của ta cho nó. Sửa soạn lễ cưới cho nó với con gái viên quản khố vùng này. Xây một ngôi nhà hai tầng ngay giữa làng cho hai vợ chồng mới ở, có tường vách bao quanh và người canh gác bảo vệ cẩn thận. Xong việc, hãy báo tin cho ta rằng đã làm đúng như vậy, ta sẽ hậu thưởng xứng đáng”. Xong, buộc lá thư vào viền áo chàng trai như cũ.

Ngủ nguyên một ngày, Ghosaka thức dậyăn uốnglấy lại sức rồi đi tiếp. Sáng hôm sau chàng đến ngôi làng nơi viên quản lý trăm ngôi làng của cha nuôi cư ngụ. Chào hỏi xong, chàng trao ngay bức thư của viên chưởng khố. Viên quản lý xem thư xong reo lên mừng rỡ, và ra lệnh cho gia nhân chở gỗ và các vật liệu xây dựng khác đến cất một ngôi nhà hai tầng ngay giữa làng như lời dặn trong thư. Rồi ông mang lễ vật của trăm ngôi làng đến nhà viên quản khố cách đó không xa để xin làm lễ cưới. Đồng thời ông cũng báo tin cho viên chưởng khố thành phố biết là đã làm đúng như vậy.

Viên chưởng khố nhận được tin xây nhà và cưới vợ cho Ghosaka muốn bật ngửa, chỉ còn biết than thầm: “Mưu sự tại nhơn, thành sự tại thiên!” Phần rầu buồn vì con chết, phần đau tức kế mưu sụp đổ, lòng ông lúc nào cũng như lửa đốt, và còn sinh ra chứng tiêu chảy. Ông vẫn không hạ được cơn tức tối về Ghosaka: “Bằng mọi giá ta không để cho thằng khốn nạn này thừa kế gia sản”. Và ông sai viên thư lại phái người đi gọi Ghosaka về.

Cô gái viên quản khố, bây giờ là vợ của Ghsaka, đã dặn trước đám gia nhân khi có ai từ viên chưởng khố thành phố đến, hãy báo cho cô ta biết trước khi nói với Ghosaka. Vì thế khi người của viên thư lại đến, cô liền chận lại hỏi thăm. Người này thật thà cho biết là viên chưởng khố bệnh tình chưa trầm trọngăn uống cũng còn được, và xin gặp Ghosaka để chuyển lời cha chàng bị bệnh muốn gặp chàng. Cô vợ không để cho Ghosaka biết, ra lệnh cung cấp cho người này chỗ ở và tiền công, và bảo y ở lại đi, khi nào cô ta sai y hãy đi.

Viên chưởng khố đợi mãi chẳng thấy người nhắn tin về, hỏi viên thư lại, cũng không có tin tức gì, bèn phái thêm người đi nữa. Cô vợ làm y như trước. Khi người thứ ba đến, biết tin rằng viên chưởng khố bệnh đã nặng, không ăn uống nằm liệt giường, phải đổ bô luôn, cô liền cho Ghosaka hay và khuyên chàng mang phẩm vật từ trăm ngôi làng về thăm cha. Nhưng khi phẩm vật được chở tới quá nhiều, nếu chất hết mọi thứ lên xe cùng đi e chậm trễ, do đó cô gái bảo chồng nên để lại nhà, chỉ có hai vợ chồng đi, và không quên dặn rằng: “Anh nhớ đứng đằng chân cha, còn em sẽ đứng bên gối nằm của ông”. Và khi vào nhà cô ra lệnh cho gia nhân của mình đứng canh cả phía trước và phía sau nhà.

Viên chưởng khố đang nằm trên giường bệnh, có viên thư lại chà xát bàn chân, và báo cho ông là con trai và dâu đã về. Khi biết rằng Ghosaka đang đứng dưới chân mình, ông gọi viên thủ quỹ đọc cho ông nghe số tài sản và lợi tức của mình như sau: “Tiền mặt là bốn trăm triệu đồng. Còn dụng cụ và đồ giải trí, những ngôi làng, đất ruộng, người hầu, súc vật, xe bò, xe ngựa, tổng cộng là chừng ấy, chừng ấy…” Viên chưởng khố nghe qua, định nói:

– Tất cả tài sản này ta không cho con trai ta Ghosaka.

Nhưng lại nói:

– Ta cho.

Cô vợ Ghosaka nghe xong, nghĩ rằng nếu để ông ta nói lại lần nữa, e sẽ khác đi. Vì thế cô giả vờ như quá đau buồn, bứt tóc kêu khóc:

– Cha thân yêu, cha nói thật chứ? Dù vậy chúng con cũng thật là bất hạnh khi nghe những lời của cha.

Rồi với vẻ sầu khổ cùng cực cô ngã lên người ông, đập đầu vào ngực ông, lại lăn đầu ngay giữa ngực ông khiến ông không thể nói thêm được nữa. Viên chưởng khố chết trong lúc ấy.

Người ta đi báo tin cho vua Udena biết. Vua tổ chức tang lễ xong liền hỏi về con cái của viên chưởng khố. Biết ông ta có một người con trai là Ghosaka và đã giao hết tài sản, vua triệu anh ta đến. Ghosaka vào cung. Vua nhìn anh qua cửa sổ, thấy anh nhảy qua các vũng nước. Rồi vua an ủi anh và ban chức chưởng khố thành phố cho anh. Anh cảm tạ vua rồi ra về. Vua lại đứng nhìn anh rời cung điện. Lần này, anh không nhảy qua vũng nước mà lội qua một cách tề chỉnh. Vua ngạc nhiên, truyền gọi anh ta lại hỏi;

– Này Ghosaka! Có đúng là khi đến đây ngươi nhảy qua vũng nước, còn lúc trở về thì nghiêm chỉnh bước qua?

– Tâu bệ hạ, quả như vậy.

– Tại sao vậy?

– Tâu bệ hạ, khi bước vào hạ thần vẫn còn là một chú thanh niên ham chơi, nhưng bây giờ đã được bệ hạ ban cho chức tước, thần phải dẹp bỏ những ưa thích cũ và phải cư xử nhã nhặn, đàng hoàng.

Vua nghe nói, đẹp dạ, liền phong chức cho anh ta ngay. Anh được thừa hưởng gia sản trước đây của cha nuôi với địa vị chưởng khố và trăm ngôi làng.

Sau này, một dịp nọ, cô vợ Ghosaka mới tiết lộ cho bà vú Kaalii về việc tráo lá thư để cứu mạng Ghosaka, và từ đó mới có được vinh quang như hôm nay. Sẵn dịp đó, vú Kaalii mới khai ra Ghosaka đã bị cha nuôi mưu hại bảy lần như thế nào. Khi chồng về, cô vợ thuật lại hết câu chuyện, nhưng anh ta không tin bèn đi hỏi bà vú. Nghe kể lại tự sự, Ghosaka bàng hoàng cả người và thấy mình quả có phước đức mới thoát khỏi bảy lần chết khủng khiếp. Do đó anh ta tự hứa với lòng là sẽ không sống đời phóng dật nữa, mà cố gắng chuyên tâm chánh niệm. Anh không quên bố thí cho người nghèo khó mù loà một ngàn đồng mỗi ngày, và giao cho người quản lý thuở trước việc đó.

_______________________

dhp023 b

Phần 3: Thời Niên Thiếu Của Saamaavatì

Tại thành phố Bhaddavatì có viên chưởng khố tên là Bhaddavatiya, vốn là bạn chưởng khố Ghosaka. Họ chưa hề gặp mặt, chỉ kết bạn vì nghe thương buôn qua lại giữa hai thành phố ca tụng tuổi tác và tài sản hai bên, và từ đó họ trao tặng phẩm vật cho nhau.

Về sau, bệnh dịch tả hoành hành trong nhà Bhaddavatiya. Trước hết là ruồi, côn trùng chết, rồi lần lượt chuột, gà vịt, heo bò, nô lệ trai và gái, cuối cùng là người trong gia đình. Bhaddavatiya cùng vợ và con gái, nhờ phá tường chạy trốn nên thoát chết. Họ nhắm hướng Kosambi định tìm đến Ghosaka. Dọc đường lương thực khô cạn, họ kiệt sức vì đói khát và phải phơi mình dưới nắng gió. Vất vả lắm họ mới đến được Kosambi. Sau khi tắm xong trong một hồ nước họ thấy dễ chịu, rồi vào nghỉ trong nhà trạm ở cổng thành. Viên chưởng khố kể cho vợ con biết là bạn của ông, viên chưởng khố tại đây, mỗi ngày đều phân phát một ngàn đồng tiền cho kẻ nghèo khó mù loà, và ông quyết định ở lại đây vài ngày, cho con gái đến chỗ bố thí xin thức ăn về, lấy lại sức rồi mới đi gặp bạn.

Thế là cô gái nhà giàu, hết cả kiêu hãnh trong cơn hoạn nạn, cố giấu xấu hổ, cầm bát đi với đám dân nghèo xin ăn. Người ta hỏi cô xin mấy phần. Lúc đầu cô xin ba phần, ngày hôm sau cô xin hai phần, và hôm sau nữa chỉ còn có một phần. Ngày đầu tiên cha cô được mẹ cô an ủi và nài nỉ mãi mới chịu ăn của bố thí đó, nhưng vẫn không tiêu nổi, do đó sáng sớm hôm sau ông qua đời. Rồi hôm sau đến lượt mẹ cô cũng bỏ cô mà đi theo cha. Còn lại một mình, cô gái nằm lăn khóc lóc than van cho số phận bất hạnh và cảnh đời bất trắc của mình. Nhưng cơn đói cào cấu ruột gan đã khiến cô ngồi dậy, vừa khóc vừa đi theo đoàn ăn mày xin cơm.

Người quản lý Mitta nhớ rằng cô gái đã nhận thức ăn ba ngày liên tiếp, nên nạt đùa:

– Hỏng! Thứ đàn bà tồi! Rốt cuộc hôm nay mày đã biết cái bụng mày chứa được bao nhiêu chưa?

Vốn con nhà thế phiệt, lại hiền lành nhút nhát, cô nghe như bị kim châm muối xát. Cô chỉ biết nghẹn ngào hỏi:

– Thưa Ngài, vậy nghĩa là sao?

– Hôm kia mày lấy ba phần, hôm qua lấy hai, còn hôm nay chỉ lấy một. Vậy là đến hôm nay mày mới biết bụng mày chứa được bao nhiêu cơm.

– Thưa Ngài, không phải tôi lấy những phần ấy cho tôi.

– Vậy tại sao mày lấy?

– Hôm kia tôi có ba người, hôm qua có hai, bây giờ chỉ còn một mình tôi.

– Cô gái kể lại câu chuyện từ đầu đến cuối. Mitta nghe xong không cầm được nước mắt. Ông bảo cô gái, lòng đầy trắc ẩn:

– Con thân yêu, trước đây con là con gái của Bhaddavatiya, nhưng từ nay trở đi con là con gái của ta.

Một hôm cô nhận thấy chỗ phân phát thức ăn luôn ồn náo, bèn góp ý với cha nuôi làm lối đi từ hai cổng ra vào đến chỗ phát thức ăn, có hàng rào bao quanh. Người ta sẽ vào bằng cửa này, lãnh thức ăn xong ra bằng cửa kia lần lượt theo lối đi, như vậy sẽ trật tự và êm thắm. Cha cô bằng lòng và cho thi hành. Từ đấy cô gái vốn tên là Sàmà, nay thêm Vatì nghĩa là hàng rào.

Chưởng khố Ghosaka lâu nay đã nghe quen tiếng ồn náo nơi phân phát thức ăn, và cũng thích thú xem đó là sinh hoạt trong nhà ăn của mình. Hôm nay lại im lặng, ông ngạc nhiên hỏi quản lý Mitta, và nhờ đó được biết con gái mồ côi của Bhaddavatiya bạn mình. Ghosaka liền nhận cô gái làm con nuôi.

Vào ngày lễ hội trong thành, các tiểu thư con nhà vọng tộc được phép ra ngoài tắm sông. Và khi Saamaavatii, con gái nuôi của Ghosaka cùng năm trăm tỳ nữ đi tắm, ngang qua cung điện, lọt vào mắt vua Udena, nên được lệnh tiến cung. Ban đầu Ghosaka không tuân lệnh vì sợ mang tiếng là bạc đãi con gái nuôi, nhưng sau bị vua niêm phong hết nhà cửa và chính Sàmàvatì bằng lòng, ông mới vâng lệnh thánh chỉ. Từ đó nàng trở thành hoàng hậu.

_______________________

dhp021 b

Phần 4: Udena Được Vaasuladattà

Vua Udena còn có một thứ phi khác là Vàsuladattà con gái của vua Canda Pajjota xứ Ujjeni. Câu chuyện như sau:

Một hôm, từ hoa viên trở về, vua Canda Pajjota nhìn ngắm vẻ đẹp rực rỡ của mình rồi hỏi đám cận thần:

– Còn có ai đẹp đẽ rực rỡ như ta chăng?

Họ đáp:

– Vua Udena xứ Kosambi rực rỡ hơn bội phần.

– Vậy thì hãy bắt ông ta làm tù binh.

– Không bắt hắn được đâu, tâu bệ hạ.

– Sao vậy?

– Vì ông ta biết cách dẫn dụ loài voi. Có thể đuổi voi đi hay bắt voi lại tuỳ ý bằng cách đọc chú và chơi đàn. Không ai có nhiều voi cưỡi như Udena.

– Vậy là không thể bắt được ông ta sao?

– Nếu bệ hạ nhất quyết muốn bắt, hãy làm một con voi bằng gỗ, đưa đến gần vua Udena, lại tạo thêm tiếng ngựa hí, vua sẽ đi ra xa để xem là voi hay ngựa, và sẽ bị bao vây, lúc đó Ngài có thể bắt vua.

– Quả là diệu kế!

Rồi vua cho làm một con voi máy bằng gỗ, bọc vải và sơn thật khéo, xong mang đặt trên bờ hồ gần xứ của kẻ thù mình. Trong bụng voi có sáu mươi người đi tới luiThỉnh thoảng họ xúc những xẻng phân voi đổ ra ngoài. Một tiều phu trông thấy voi, liền tâu lên vua Udena. Vua và đám tuỳ tùng liền theo tiều phu đi xem voi. Đường đi của họ đều bị gián điệp theo dõi và báo tin cho vua Canda Pajjota, và một toán quân được phái đến sát bên Udena, nhưng không để cho vua biết. Rồi Udena gảy đàn và đọc thần chú thâu phục voi, nhưng không kết quả. Voi được những người núp trong bụng điều khiển, chạy như vũ bão như không hề nghe bùa phép. Vua thúc ngựa phi nước đại để cố theo kịp voi, nên quân lính bị rớt lại đằng sau xa lắc. Khi chỉ còn một mình, người của Canda Pajjota, mai phục sẵn hai bên, ùa ra bắt Udena. Quân lính của Udena thấy vua mình bị sa vào tay kẻ thù, bèn xây một doanh trại ngay bên ngoài xứ ujjeni và ở lại đó.

Canda Pajjota bắt sống và bắt giam kẻ thù xong, mở tiệc ăn mừng ba ngày. Udena nằm trong ngục tối đến ngày thứ ba đánh bạo hỏi người gác ngục.

– Này anh, vua của anh ở đâu?

– Đang chè chén say sưa thì bắt được kẻ thù.

– Vua của anh hành động chẳng khác gì đàn bà. Hắn đã bắt được ta một là tha hai là giết đi, lẽ nào đã làm nhục ta mà chè chén say sưa nữa!

Gác ngục đi báo và nhà vua liền đến hỏi Udena:

– Có phải mi đã nói…như thế, như thế?

– Vâng, đại vương.

– Tốt lắm, ta sẽ tha ngươi nếu như ngươi chịu trao bùa chú cho ta.

– Đồng ý, nhưng khi Ngài nhận bùa chú, ngài có chịu lễ kính ta không?

– Lễ kính ngươi à, không!

– Thế thì ta sẽ trao cho Ngài.

– Ta sẽ hành hình ngươi.

– Ta không sợ, vì Ngài chỉ làm chủ thân xác ta chứ không làm chủ tâm hồn ta.

Nghe Udena trả lời bướng bỉnh như thế, nhà vua bối rối không biết làm sao để đoạt được phù phép. Bỗng vua nghĩ ra một kế, liền bảo:

– Người bảo ta sẽ tiết lộ bài chú cho người nào lễ kính ngươi phải không?

– Vâng đại vương.

– Tốt lắm. Trong nhà ta có một mụ lưng gù. Bà ta sẽ ngồi sau bức màn đề nghe ngươi dạy thần chú.

– Gù hay què gì cũng được, miễn là lễ kính ta thì ta dạy thần chú.

Rồi nhà vua đến gặp công chúa Vàsuladattà.

– Con cưng, có một người cùi biết được câu thần chú linh nghiệm và qúi báu. Con hãy ngồi bên trong bức màn đề hắn dạy con thần chú. Con nên học với hắn vì cha không muốn ai khác biết, rồi cha sẽ học lại với con.

Sở dĩ nhà vua phải bịa ra gù lưng và cùi hủi vì sợ hai người yêu nhau.

Một hôm, đến một câu chú sao đó mà Vàsuladattà không thể đọc lại cho đúng, dù Udena đã lặp đi lặp lại nhiều lần. Tức quá Udena la lên:

– Đồ gù đần độn! Môi dày mo, má chư bự! Mi đáng nhận mấy cái tát!

Vàsuladattà cũng giận dữ không kém:

 – Đồ hủi hung tợn! Mi nói gì? Dám gọi ta là đồ gù hả?

Udena ngạc nhiên, vén màn lên và hỏi:

– Cô là ai?

– Tôi là công chúa Vàsuladattà.

– Cha cô bảo với tôi cô là người gù lưng.

– Còn ông, vua nói là bị cùi.

Rồi cả hai đồng nói một lượt:

– Vua nói thế vì sợ chúng ta yêu nhau.

Và quả như thế, tình yêu đến, nên từ đó trở đi họ hết học hết dạy.

Nhà vua không biết, thỉnh thoảng lại hỏi con gái:

– Này con, con đang học bài hả?

Công chúa tỉnh bơ đáp:

– Vâng thưa cha.

Ngày kia, Udena bảo với người yêu rằng một người chồng có thể làm được những việc mà cha, mẹ, anh, chị không làm được, và nếu nàng cứu được Udena thì sẽ được ban năm trăm người tùy tùng và phong làm hoàng hậu. Công chúa bằng lòng và đến gặp cha xin mở cửa và một con voi để cưỡi vì cần đi ra ngoài ban đêm, theo sự chỉ dẫn của các tinh tú, tìm một loài dược thảo dùng trong chú thuật. Vua thuận cho, và họ được phép đi lúc nào tùy ý. Lúc bấy giờ vua có năm vật chuyên chở: một voi cái tên Bhaddavatì có thể đi năm mươi dặm một ngày, một nô lệ tên Kàka có thể đi sáu mươi dặm một ngày, hai ngựa cái Celakanthì và Munjakesì có thể đi một trăm dặm một ngày và một voi tên Nàlàgiri có thể đi một trăm hai mươi dặm một ngày.

_______________________

Chuyện quá khứ – Canda Pajjota Được Năm Vật Chuyên chở

Hình như trước khi Phật hiện tại ra đời nhà vua đã là nô lệ cho một Trưởng giả. Có lần trưởng giả đi ra ngoài thành tắm, trở về gặp một vị Phật Độc Giác khất thực trong thành trở ra, với bình bát sạch như lau, bèn hỏi:

– Bạch Tôn giả! Ngài có nhận được gì không?

– Tôi đã đi một vòng và giờ ra khỏi thành, đạo hữu ạ.

Ngài không trả lời ngay câu hỏi mà nói ra điều không hỏi, nhưng vẫn có nghĩa là không nhận được thức ăn. Nhìn vào bình bát, thấy trống không, Trưởng giả thỉnh Ngài đợi một lát rồi vội vã về nhà. Lúc bấy giờ áp lực xấu ác của Marà trùm khắp thành, nó còn giả dạng đến hỏi Ngài sao không nhận được thức ăn và khuyên Ngài trở lui. Nhưng Ngài đã quyết chí không trở lui, vì biết rằng một lần nữa Marà sẽ dùng quyền lực sai khiến dân cư reo hò và chọc phá Ngài.

Thấy nhà có thức ăn sẵn, Trưởng giả vội bảo tên hầu chạy hết sức mình đến gặp Phật và lấy bình bát mang về gấp. Trưởng giả để thực phẩm đầy bát xong, lại bảo tên hầu tức tốc mang bát giao lại cho Phật, với lời hứa rằng sẽ nhường cho anh ta công đức này.

Tên hầu đi và về mau như tên bắn, và khi đưa bát cho Phật đã bạch rằng:

– Bạch Tôn giả, trong thời gian ngắn con đã đi và về nhanh hết sức mình. Do phước báo của sự nhanh nhẹn này, con mong rằng sẽ được năm vật chuyên chở có thể đi năm mươi, sáu mươi, một trăm và một trăm hai mươi dặm một ngày. Thời gian đi và về đó thân con hun nóng dưới tia nắng mặt trời. Do phước báo việc làm này con mong rằng dù tái sanh ở nơi nào, con cũng sẽ được quyền lực bằng sức mạnh những tia nắng mặt trời. Chủ con đã nhường công đức của sự cúng dường này, do phước báo đó con mong được dự phần vào giáo pháp Ngài đã ngộ.

Phật hứa khả:

– Sẽ được vậy.

Và Ngài nói kệ:

Mong mọi sở nguyện thí chủ

Được thành tựu tốt đẹp

Mong mọi sở nguyện thí chủ

Viên mãn như trăng rằm

Mong mọi sở nguyện thí chủ

Được thành tựu tốt đẹp

Mong mọi sở nguyện thí chủ

Viên mãn như ngọc lộ quang

Đó là việc làm của vua Canda Pajjota trong kiếp trước, và do phước báo này vua có năm vật chuyên chở

_______________________

(Hết Chuyện Quá Khứ)

Một hôm nhơn kúc vua Canda Pajjota dạo chơi vườn thượng uyển, Udena bỏ trốn. Ông nhét đầy tiền vàng và bạc vào nhiếu túi da lớn, xong đặt lên lưng voi cái, rồi đỡ vàsuladattà lên yên và họ ra đi. Quân thị vệ trông thấy liền phi báo cho vua. Vua sai lính tức tốc đuổi theo. Udena bèn mở túi vàng rải tiền vàng xuống đường. Quân truy nã dừng lại nhặt vàng rồi mới đuổi tiếp. Ông lại mở túi bạc rải xuống đất. Quân truy nã vì cứ mãi ngừng lại để nhặt bạc nên chậm trễ, để Udena chạy thoát về doanh trại dựng ngoài thành. Quân lính của Udena trông thấy ông nhiệt liệt đón mừng và hộ tống ông về Kosambi. Sau đó ông tổ chức lễ cưới và tấn phong Vàsuladattà lên ngôi thứ phi.

_______________________

Phần 5: Đức Phật Từ Chối Màgandiyà

Một thứ phi khác của vua Udena là Migandiyà  nguyên là con gái của Bà-la-môn tên là Màgandiyà, sống ở xứ Kuru. Mẹ cô và cả chú út, em của cha cô, cũng tên là Màgandiyà. Cô ta đẹp như thiên nữ nên ông Bà-la-môn khó tính không thấy ai, kể cả những chàng trai vọng tộc nhất trong xứ đã đến cầu hôn, xứng đáng làm rễ đông sàng.

Ngày kia, sáng sớm đức Đạo sư quan sát thế giannhận thấy Bà-la-môn Maagandiyaa và vợ ông có đủ duyên lành chứng quả A-na-hàm. Ngài đắp y ôm bát đến vùng ven phố thị nơi Bà-la-môn đang tế thần lửa. Ông ta ngắm nhìn thân Như Lai thấy toàn hảo, thầm nghĩ không ai trên thế gian có thể so bì với người này, ta sẽ gả con gái cho ông để nâng khăn sửa túi. Ông ta nói với đức Đạo sư:

– Này, Tỳ-kheo! Tôi có cô con gái độc nhất và chưa thấy ai xứng với nó trừ ông. Ông phải có một người vợ và nó phải có một người chồng. Tôi sẽ gả nó cho ông. Hãy đứng đợi tại đây cho đến khi tôi trở lại.

Đức Đạo sư đứng yên, không nói một lời. Người Bà-la-môn vội vã về nhà, hớn hở bảo với bà vợ:  – Bà ơi! tôi đã gặp một người xứng với con gái ta. Mau lên! Mặc cho nó bộ đẹp đẽ vào!

Rồi ông dẫn vợ con vào gặp đức Đạo sư. Cả thành xôn xao:

– Một khi lão này chê bai đủ kiểu người nào đến cầu hôn con gái lão. Nhưng nghe đồn rằng hôm nay lão ta gặp một người môn đăng hậu đối rồi. Không biết mặt mũi anh chàng này ra sao mà lão chấm đậu vậy?

Rồi họ the ông đi xem anh chàng tốt số. Trong thời gian đó, đức Đạo sư thay vì đứng yên chờ đợi, Ngài bỏ đi, để lại một dầu chân. (Dầu chân Phật chỉ xuất hiện trên chỗ đã bước, không có chỗ nào khác, và chỉ người nào đủ phước duyên mới thấy được. Dù voi rừng hay thú hoang có giẫm lên hay mưa bão dữ dội, gió giông gào thét thổi đến, cũng không xóa được dấu chân của Phật). Đến nơi cũ, người Bà-la-môn ngạc nhiên không thấy Phật. Nhìn quanh quất một hồi ông phát hiện dấu chân. Vợ người Bà-la-môn thuộc lòng ba bộ Vệ-đà, luôn cả những bài thơ liên quan đến tướng số. Bà lẩm bẩm đọc lại và xem xét tỉ mỉ hình nét dấu chân trước mặtCuối cùng bà kết luận:

– Ông ơi! Đây không phải dầu chân của người chạy theo ngũ dục.

Rồi bà đọc kệ:

Dấu chân người tham dục cạn cợt,

của ác nhơn, lún mạnh xuống đường.

Người ngu si, dấu thường lết bết.

Đây, dấu chân người hết dục tham.

Người Bà-la-môn không tin lời vợ nên nạt đùa:

– Khéo tưởng tượng! Bà lúc nào cũng thấy cá sấu trong chậu nước, ăn trộm núp trong nhà! Hãy im đi!

Bà vợ vẫn một mực đoan chắc:

– Ông ưa nói gì thì nói. Nhưng đây không phải dấu chân người chạy theo ngũ dục.

Người Bà-la-môn vẫn đi lòng vòng tìm kiếm, chợt thấy đức Đạo sư liền mừng rỡ reo lên:

– Ông ta đây rồi!

Và ông thưa với Phật:

– Tỳ-kheo! Tôi gả con gái cho ông để nâng khăn sửa túi.

Đức Đạo sư thay vì trả lời ưng thuận hay không, lại bảo:

– Bà-la-môn! Ta có vài việc để nói với ông.

Và ông ta lắng nghe đức Đạo sư kể chuyện Ma vương đã theo đuổi Ngài như thế nào, từ lúc xuất gia tới khi ngồi dưới cội Bồ đềcuối cùng chính Ma vương ngồi dưới cây Bồ đềthiểu não buồn rầu vì thấy quyền lực của mình không làm gì Phật được. Con gái Ma vương bèn đến an ủi cha, rồi biến thành thiếu nữ trẻ và đàn bà đứng tuổi để cố quyến rũ Phật. Đức Đạo sư lúc đó nói rằng:

Đã thấy rõ Khát ái, Sầu buồn, Dục lạc

Ta đâu còn ưa hạnh phúc tình yêu

Tấm thân kia, chứa các thứ tiểu, tiêu.

Ta không muốn, dù dùng chân chạm đến.

Ngay khi Phật kết thúc bài kệ, người Bà-la-môn và vợ chứng A-na-hàm. Còn Màgandiyà tự nhủ: “Nếu ông này không cần ta, kể cũng đúng, nhưng nói người ta chứa đầy phần tiểu thì thật quá lắm. Được rồi! Với dòng dõiđịa vị xã hộitài sản và sức quyến rũ của tuổi thanh xuân sẵn có, ta sẽ được một tấm chồng xứng đáng, và rồi ta sẽ biết làm gì đối với Sa-môn Cồ-đàm”. Từ đó cô nuôi lòng căm ghét đức Phật (Đức Phật biết cô căm ghét Ngài, nhưng Ngài vẫn đọc kệ vì lợi ích cho hai người kia, để họ chứng thánh quả, chớ không quan tâm đến lòng thù hận trực tiếp chống lại mình)

Cha mẹ cô gởi cô cho chú Culla Màgandiyà biết cháu mình chỉ xứng đáng làm vợ vua, nên trang điểm cho nàng đủ món trang sức rồi đưa đến Kosambi dâng cho vua Udena. Vua hài lòng, làm lễ đăng quang cho nàng lên ngôi thứ phi với năm trăm thị nữ.

Vậy là vua Udena có ba bà vợ với một ngàn năm trăm thị nữ.

_______________________

Phần 6: Cái Chết Của Sàmàvati và Màgandiyà, Các Chưởng Khố, Các Tỳ Kheo Và Vị Thần Cây.

Có ba vị chưởng khố cùng ở Kosambi là Ghosaka, Kukkuta và pàvàriya. Mùa mưa gần đến, năm trăm ẩn sĩ từ Hy-mã-lạp sơn về thành khất thực. Cả ba vị chuởng khố hoan hỷ cung cấp tọa cụ và cúng dường thức ăn, và còn dâng cúng phòng ốc trong nhà mình suốt bốn tháng mưa khi các vị ẩn sĩ chịu ở lại. Từ đó, thường thường sau tám tháng trong Hy-mã-lạp-sơn, các ẩn sĩ về ngụ bốn tháng mưa nơi ba chưởng khố.

Một lần từ Hy-mã-lạp-sơn trở về thành, các ẩn sĩ ngồi nghỉ dưới gốc một cây đa to trong rừng vắng. Vị già nhất vừa nghĩ đến xin nước uống nơi vị thần cây – chắc là một vị đại lực thần vương – thì lập tức họ được nước uống. Nghĩ đến thức ăn thì cũng được thức ăn, rồi muốn nhìn thấy cây thần cây cũng được nhìn thấy. Thần cây tách khỏi thân cây chui ra. Các vị ẩn sĩ đến gần ông và hỏi làm thế nào ông được đại thần lực như vậy. Vị thần khiêm tốn, thấy công đức mình nhỏ nhoi không muốn nói, nhưng vì bị nài nỉ mãi đành phải kể lại chuyện Quá khứ.

_______________________

Việc Làm Của Thần Cây

Thần cây xưa là người nghèo, sinh sống nhờ tìm được việc làm với ông Cấp Cô Độc. Vào ngày Bát quan trai, từ tinh xá trở về nhà, Cấp Cô Độc hỏi gia nhân có cho người làm này biết hôm nay là ngày trai giới không. Họ chưa cho biết. Ông liền bảo nấu cho anh ta phần ăn tối. Nhưng khi dọn cơm lên, anh ta đã từ chối không ăn, dù đã làm việc cực nhọc suốt ngày trong rừng. Sở dĩ ông ta nhịn ăn vì được hôm nay là ngày trai giới. Chiều nay thật là im lìm, khác với mọi chiều tiếng ồn vang dội, nào là cho tôi cơm, cho tôi nước xúp, càri… Mọi người đều giữ giới không ăn chiều, ngay cả đứa bé còn ẵm ngữa; sau khi súc miệng họ chỉ ngậm bốn viên kẹo. Một đèn dầu thơm thắp sáng cả phòng, và già trẻ đều đọc lên ba mươi hai yếu tố của thân. Riêng anh vì hay tin trễ, mới bắt đầu ngày trai chiều nay nên được hưởng nửa công đức. Đến tối anh bắt đầu thấy khó chịu vì quá đói. Anh nịt một sợi dây quanh mình, và nắm đuôi dây nịt trong tay anh cứ siết thêm mãi. Trưởng giả hay được, cầm đuốc đến chỗ anh và lấy bốn viên kẹo cho anh, nhưng anh vẫn không ăn vì không muốn mất luôn nửa công đức ngày trai. Anh kiên trì giữ giới như thế cho đến khi mặt trời mọc thì lìa đời như một vòng hoa héo, và tái sanh vào cây đa này.

______________________

Phần kết: Chuyện chưởng khố, Tỳ kheo và thần cây.

Rồi thần cây kết luận: “Trưởng giả đã cúng dường Phậtcúng dường Pháp, cúng dường Tăng. Và nhờ ông ta, tôi hưởng được phước báo nửa ngày trai giới nên mới có đại thần lực này”.

Năm trăm ẩn sĩ nghe đến danh hiệu Phật liền chỗi dậy, dang tay ra trong thái độ tôn kính và khẩn cầu vị thần cây hãy nói “Phật đà”. Họ yêu cầu thần cây nói lên niềm tin của mình bằng cách lặp lại ba lần “Phật đà” rồi họ trịnh trọng tuyên bố:

– Rất khó mà nghe được danh hiệu này trên thế gian!

Và kết luận:

– Thần nhân! Ông đã cho chúng tôi nghe được một âm thanh mà biết bao trăm ngàn kiếp chúng tôi không hề nghe.

Rồi các môn đệ ngỏ ý với thầy họ muốn đi đến Đức đạo sư. Và tất cả đều đồng ý là ngày mai, sau khi nhận thức ăn nơi ba vị chưởng khố, nói cho ba vị ấy biết ý định rồi sẽ lên đường. Cả ba, sau khi dâng tọa cụ và cúng dường cháo đặc tại nhà mình, được biết đoàn ẩn sĩ sẽ đi ngay thì không tránh khỏi ngạc nhiên nên hỏi:

– Chư Tôn giả! Không phải các ngài đã hứa ở lại với chúng tôi bốn tháng mưa sao? Bây giờ các Ngài đi đâu?

– Đức Phật đã xuất hiện trên thế gian, Pháp đã ra đời, Tăng đã ra đời. Do đó chúng tôi đi gặp Đạo sư.

– Nhưng chỉ có các Ngài mới xứng đáng đi đến đức Đạo sư sao?

– Không ngăn cấm ai hết, đạo hữu ạ.

– Vậy thì chúng tôi cùng đi.

Vì phải chuẩn bị nên ba vị chưởng khố để đoàn ẩn sĩ đi trước. Họ đến Thế Tônxưng tánđảnh lễ Ngài và cung kính ngồi xuống một bên. Thế Tôn thuyết pháp tuần tự cho họ, và ngay khi kết thúc bài pháp, tất cả đều chứng A-la-hán cùng các thứ thần thông. Rồi họ xin gia nhập Tăng đoànPhật bảo: “Hãy đến, các Tỳ-kheo!” Họ liền trở thành Tỳ-kheo có đầy đủ y bát do thần lực tạo ra.

Phần ba chưởng khố thì sắm những thứ cúng dường cần thiết gồm y phụcngọa cụ, bơ, mật, … chở mỗi thứ năm trăm xe đi đến Xá vệ. Gặp Phật, họ đảnh lễnghe pháp và cuối bài pháp chứng quả Dự lưu. Họ ở lại với Thế Tôn hai tuần, cúng dường và thỉnh Phật đến Kosambi.

Trở về xứ, chưởng khố Ghosaka xây tinh xá Ghosita, Kukkuta xây tinh xá Kukkuta, Pàvàriya cất tinh xá Pàvàriya. Xong họ thỉnh Phật đến và lần lượt hầu hạ Đức Phật ở mỗi tinh xá một ngày và thọ thực tại đó. Cả ba chưởng khố có người hầu là Sumana làm vườn, phục vụ họ đã lâu. Anh ta xin cúng dường Phật và được dành cho ngày mai.

_______________________

Khujjuttarà Chuyển Hóa Sàmàvatì

Anh làm vườn Sumana vẫn thường bán hoa cho Khujjuttarà, nữ tỳ hoàng hậu Sàmàvatì. Nhưng hôm đó anh không cắt hoa giao cho hoàng cung mà dành để dâng Phật vì anh đã thỉnh Phật về nhà cúng dường. Ngoài những lời xin lỗi Khujjuttarà, anh còn mời nàng ở lại.

– Xin cô đợi tôi hầu Phật và nghe pháp. Sau đó cô có thể lấy hết số hoa còn lại.

Cô đồng ý.

Khi Phật dẫn đầu Tăng đoàn đến nhà, Sumana đỡ lấy bình bát và được Phật hồi hướng công đức. Những lời này đã khiến Khujjuttarà chứng quả Dự lưu.

Từ trước đến giờ, trong số tiền tám đồng của vua Udena dành cho hoàng hậu Saamaavaatii mua hoa, cô thường cất riêng bốn đồng cho mình và chỉ mua bốn đồng hoa. Hoàng hậu ngạc nhiên thấy số hoa gấp đôi mọi ngày, hỏi ra mới biết tự sự, và lý do nhờ nghe bài thuyết pháp của đấng Giác Ngộ Tối Thượng. Thay vì nổi giận nhiếc mắng cô tỳ nữ và đòi lại số tiền cô đã bớt xén bà lại sanh tâm hoan hỷ muốn được uống dòng pháp bất tử đó. Và trước khi trùng tuyên bài pháp của Như Lai, Khujjuttarà được hoàng hậu tắm cho với mười sáu bát nước thơm, được mặc vào y phục đẹp bằng vải mịn, từ đồ lót đến áo khoác vai, và cũng được dọn sẵn một chỗ ngồi. Cô đã thuyết pháp cho năm trăm cung nữ nghe y như Thế Tôn đã thuyết, ngồi pháp tòa tay cầm chiếc quạt có hình vẽ. Mọi người nghe xong đều vui mừng bảo cô:

– Này bạn, từ nay trở đi đừng làm việc tội lỗi. Hãy làm một bà mẹ và một đạo sư của chúng tôi. Hãy đến Thế Tôn nghe đủ hết pháp đã giảng và về đây trùng tuyên lại cho chúng tôi.

Cô đã thi hành thật trung thực lời dặn dò đến nỗi sau đó cô thuộc lòng hết Tam tạng, và đức Phật cũng đã xác nhận là trong hàng cư sĩ nữ, người đã học thuộc thánh điển và có thể giảng giải pháp đệ nhất là Khujjuttarà.

Năm trăm cung nữ, sau những thời pháp của Khujjuttarà đều phấn khởi và mong muốn gặp Thế Tôn. Nhưng với luật lệ cung cấm, cung nữ không thể tự do đi ra ngoài, vì vậy Khujjuttarà bảo họ hãy đục lỗ trên tường, mang sẵn hương hoa để đó, khi Thế Tôn đến cửa nhà ba chưởng khố, từ trong phòng mỗi người nhìn qua lỗ tường sẽ thấy được Ngài để đảnh lễ và xưng tán.

_______________________

Màgandiyà Âm Mưu Chống Lại Sàmàvatì và Đức Phật

Một hôm, Màgandiyà rời cung điện đi bộ đến dãy phòng cung nữ, và ngạc nhiên khi thấy những lỗ hổng trên tường, hỏi ra mới biết là vì  các cung nữ muốn chiêm ngưỡng và cung tán Phật. Bà muốn mưu hại Sàmàvatì và Phật nên tâu với vua Udena là Sàmàvatì và đám cung nữ tùy tùng sẽ phản bội vua, và trong vài hôm nữa sẽ hại mạng vua. Nhưng vua không tin. Bà cứ tâu tới tâu lui bên tai nhưng vua vẫn không tin. Bà bèn thỉnh vua đến khu vực của Sàmàvatì chỉ những lỗ hỏng trên tường. Vua hỏi tại sao và khi hiểu được lý do vua không nói lời nào, chỉ truyền lấp hết lỗ hổng và cho làm cửa sổ có một khoảng hở ở trên, tại tất cả các phòng. Người ta nói loại cửa sổ hở bên trên ra đời từ đó. Không bôi nhọ được Sàmàvatì cùng các cung nữ, Màgandiyà quay sang tìm cách lăng nhục đức Phật. bà xúi giục những tên côn đồ đi sau Phật mắng nhiếc và nhục mạ Ngài với đủ lời lẽ nặng nề:

– Mi là một tên trộm, đồ ngu ngốc, đồ điên, đồ lạc đà, bò tót, đồ lừa, đồ ở địa ngục, đồ thú vật, mi không có hy vọng được giải thoát. Những trừng phạt sẽ đến với mi.

Tôn giả A-nan nghe những lời chửi bới quá thậm tệ, không chịu nổi, bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Dân ở đây mắng nhiếc và nhục mạ chúng taChúng ta hãy đi nơi khác!

– Ta sẽ đi đâu A-nan?

– Đến thành phố khác, thưa Thế Tôn.

– Nêú ở đó người ta cũng chửi mình thì sẽ đi đâu, A-nan?

– Sẽ đi chỗ khác nữa, thưa Thế Tôn.

– Nêú ở đó người ta cũng chủi mình nữa thì sao?

– Chúng ta lại đi đến chỗ khác, thưa Thế Tôn.

– A-nan đừng nói thế. Ở đâu có khó khăn thì giải quyết ở đó. Ổn thỏa rồi mới được phép đi nơi khác. Nhưng ai chửi ông, A-nan?

– Bạch Thế Tôn! Mọi người đều mắng nhiếc chúng ta, bọn côn đồ và cả đám dân kia.

– A-nan, Ta như con voi xông ra trận. Bổn phận của voi xông trận là hứng chịu những mũi tên từ bốn phía. Đúng thế, bổn phận của ta là kham nhẫn những lời nói độc ác.

Rồi Phật thuyết pháp về chính Ngài với ba pháp cú như sau trong phẩm Voi:

(320) Ta như voi giữa trận,

Hứng chịu cung tên rơi,

Chịu đựng mọi phỉ báng,

Ác giới rất nhiều người.

 

(321) Voi luyện đưa dự bội,

Ngựa luyện được vua cưỡi.

Người luyện, bậc tối thượng,

Chịu đựng mọi phỉ báng.

 

(322) Tốt thay con la thuần,

Thuần chủng loài ngựa Sindh [*].

Đại tượng, voi có ngà,

Tự điều mới tối thượng.

[*] loài ngựa đẹp ở vùng sông Sindha, Ấn Độ

Bài pháp đã đem lại lợi ích cho những người lúc ấy đang tụ tập chung quanh. Rồi đức Phật khuyên A-nan.

– A-nan, đừng phiền muộn. Những người này chỉ mắng nhiếc ông trong bảy ngày, đến ngày thứ tám họ sẽ yên lặng. Khó khăn đến với Phật không kéo dài quá bảy ngày.

Màgandiyà tuy thất bại trong âm mưu đẩy Phật rời khỏi thành, vẫn không lùi bước. Bà lập kế hại bọn cung nữ kính tín Phật. Bà dặn chú của bà là thầy Tư tế trong cung mang theo tám con gà sống và tám con gà chết vào hầu vua, lúc đó đang uống rượu với bà. Người chú vào cung, đến bậc thềm cao nhất thì đứng ở đó, không muốn vào chốn ngự ẩm. Bà liền bảo tiểu đồng đến đó lấy tám con gà sống dâng vua và xúi vua ra lệnh cho cung nữ của Sàmàvatì nấu nướng dâng lên vua. Vua chuẩn tấu. Tiểu đồng y lệnh ra đi rồi trở về tâu lời của các cung nữ.

– Chúng ta không giết hại sinh vật.

Màgandiyà lại tiếp tục ton hót:

– Đại vương! Muốn biết họ có thật sự giết hại sinh vật hay không, xin bệ hạ cứ bảo nấu nướng gửi đến Sa-môn Cồ-đàm.

Vua nghe theo, lại sai tiểu đồng đi đến các cung nữ lần nữa. Nhưng lần này chú mang tám con gà sống đến thầy Tư tế trước để đổi lấy tám con gà chết rồi mới giao lệnh vua đến các cung nữ.

– Vua ra lệnh nấu những con gà này dâng đức Phật.

Lần này họ nhận lời.

– Dĩ nhiên, đây là bổn phận của chúng tôi.

Tiểu đồng trở về tâu lại đúng như vậy. Màgandiyà không bỏ lỡ dịp gièm pha với vua.

– Đại vương thấy chưa! Họ không làm theo ý Ngài, mà chỉ hướng về người khác.

Nhưng vua vẫn giữ yên lặng, tha thứ cho họ. Màgandiyà tức tối nhưng không biết làm gì hơn đành cố nuốt hận chờ dịp khác.

Nhà vua có thói quen đến với mỗi hoàng hậu bảy ngày. Biết rằng ngày hôm sau vua sẽ đến cung của Sàmàvatì, Màgandiyà nhắn người chú gởi cho bà một con rắn đã tẩm thuốc độc vào răng. Đi đâu vua Udena vẫn mang theo cây đàn dùng chú thuật lũ voi, trong bao đàn có thủng một lỗ, và bà đã bỏ con rắn vào đó song bít lại với một bó hoa.

Khi vua sắp đi đến cung Sàmàvatìi, bà bèn kể cơn mộng dữ và xin can vua đừng đến đó. Vua không nghe. Bà lại đòi đi theo, dù nhà vua không đồng ý lắm. Được Sàmàvatì và cung nữ hầu cận mặc y phục, xông ướp hương hoa và trang sức xong, vua ăn uống thân mật và lên giường, để đàn bên gối. Màgandiyà giả vờ đi tới lui, thừa lúc không ai để y rút bó hoa trong cây đàn ra. Con rắn đã bị bỏ đói trước đó mấy ngày, trườn ngay khỏi lỗ thủng, ngóc đầu và rít lên, cuốn mình trên đầu giường. Màgandiyà làm như bất ngờ thấy con rắn hoảng hốt la lên:

– Ồ! Đại vương, con rắn kìa!

Và bà càm ràm, trách móc:

– Ông vua dại dột, xui xẻo này chẳng chịu nghe ta nói gì cả. Những tên vô lại này thật không biết hổ thẹn, chúng làm như không nhận được ân huệ gì của vua mà còn muốn vua chết để sống sung sướng. Nhưng khi nào vua còn sống thì chúng sẽ còn chật vậtĐại vương, thiếp đã báo động về cơn ác mộng và đã can Ngài đừng đến cung Sàmàvatì, mà Ngài nào có nghe đâu!

Nhà vua thấy rắn sợ chết khiếp, lửa giận phừng phừng, ông gầm lên:

– Chúng đã cả gan làm việc tày trời như vậy! Thật là tội lỗi! Ta đã không nghe Màgandiyà khi nàng kể ra nết xấu tật hư của chúng, nào là đục lỗ trên tường nhà để ngồi nhìn ở đó, bảo nấu gà cho ta thì chúng trả lại và hôm nay bỏ rắn lên giường ta.

Trong khi đó Sàmàvatì hết lời khuyên giải năm trăm cung nữ của nàng.

– Các bạn, chúng ta không còn nơi nương tựa nào khác. Hãy thật tình yêu mến vua và hoàng hậu như thương chính mình. Đừng giận dữ bất cứ ai.

Rồi nhà vua ra lệnh mang chiếc cung của mình, một cây cung khổng lồ phải một ngàn người mới khiêng nổi. Để Sàmàvatì đứng trước còn tất cả cung nữ đứng nhắm ngay ngực Saamaavatii, nhưng nhờ thần lực xuất phát từ lòng từ bi của bà, mũi tên quay ngược lại theo con đường đã đến, nhắm ngay tim nhà vua.

Vua thầm nghĩ: “Mũi tên này có thể xuyên qua cả tảng đá và không có vật gì trong trời đất này khiến nó quay mũi lại. Giờ đây nó đã quay trở lại khi gặp Sàmàvatì. Tuy vô tri giác và không có sự sống, nó vẫn biết Săamàvatì là con người hiền thiện, thế mà một vị vua, một con người như ta, lại không biết được”. Vua ném cung đi, quỳ xuống trước Sàmàvatì, hai tay dang ra, cung kính nói kệ:

Ta quá sức hoang mang bối rối

Bốn phương trời đảo lộn trong tâm

Sàmàvatì hỡi, xin nàng che chở

Hãy làm nơi nương tựa cho ta.

Sàmàvatì, đệ tử của đấng Đại Giác cũng đáp lại bằng bài kệ:

Đừng tìm nương tựa nơi tôi,

Hãy tìm nương tựa ở nơi Phật-đà

Đấng Vô Thượng; Ngài chính là

Người tâm tôi hướng tới mà náu nương.

Đại vương nương đấng pháp vương

Tôi xin nương tựa đại vương một lòng.

Nhưng nỗi sợ hãi của vua cứ gia tăng khiến vua phải lặp lại kệ xin nương tựa nơi Sàmàvatì. Bà cương quyết từ chối. Cuối cùng vua bằng lòng.

– Vậy thì, ta xin nương tựa nơi nàng và nơi đức Đạo sư, ta sẽ ban ơn cho nàng.

Bà hoan hỷ;

– Tôi xin nhận.

Nhà vua đến chỗ Phật xin quy y và thỉnh Phật nhận cúng dường rộng rãi trong bảy ngày. Rồi quay sang Sàmàvatì, vua bảo;

– Hãy đứng lên và chọn gì tuỳ ý.

– Đại vương, tôi không cần vàng bạc, nhưng chúng tôi xin đặc ân này. Xin Ngài sắp xếp sao cho Thế Tôn có thể đến đây mỗi ngày cùng với năm trăm Tỳ-kheo để tôi được nghe pháp.

Nhà vua quay lại đảnh lễ Phật và cung thỉnh Phật cùng với năm trăm Tỳ-kheo. Vì Phật không thể đến hoài một chỗ trong khi nhiều nơi cần, nên Ngài gởi Trưởng lão A-nan đến hoàng cung mỗi ngày.

Hôm đó, như thường lệ, họ dâng thức ăn và lắng nghe Trưởng lão thuyết pháp. Lòng tràn đầy an lạc, họ dâng lên Trưởng lão năm trăm bộ y vàng đang khoác trên vai, mỗi bộ trị giá năm trăm đồng tiền. Khi nhà vua không thấy họ khoác y vàng, hỏi ra biết đã dâng cúng, liền đến Trưởng lão hỏi tiếp;

– Bạch Tôn giả! Ngài làm gì với số y nhiều thế?

– Tôi sẽ giữ đủ số y cần thiết, số còn lại sẽ trao cho những vị đã rách y.

– Những vị đó làm gì với y rách?

– Với những y rách nát đó họ sẽ làm gì?

– Làm khăn trải giường.

– Còn khăn trải giường cũ?

– Làm thảm chùi chân.

– Còn tấm thảm cũ?

– Sẽ làm khăn lau chân.

– Rồi khăn lau chân cũ?

– Sẽ được cắt ra từng mảnh nhỏ trộn với hồ để trét vách.

– Như vậy, bạch Tôn gỉả, dù tất cả y đều dâng lên Tôn giả, nhưng không phung phí.

– Hoàn toàn đúng vậy, thưa đại vương.

Nhà vua hài lòng đến nỗi truyền đem thêm năm trăm y đặt dưới chân Trưởng lão. (Tục truyền rằng Trưởng lão đã từng nhận một ngàn chiếc y trị giá năm trăm đồng tiền đến một trăm ngàn lần, một ngàn chiếc y trị giá một ngàn đồng tiền đến một ngàn lần, một ngàn chiếc y trị giá một ngàn đồng tiền đến một trăm lần. Với số y lẻ tẻ, từ một, hai…đến mười thì Ngài nhận không kể nổi. Đến khi đức Phật nhập diệttrưởng lão A-nan du hành khắp xứ Diêm-phù-đề, và Ngài đã tặng Tỳ-kheo trong các tinh xá y bát của chính Ngài)

_______________________

Sàmàvatì Bị Thiêu Và Màgandiyà  Bị Trừng Phạt

Màgandiyà thấy rằng bất cứ mưu tính nào đưa ra hậu quả đều ngược với sự mong đợi của bà. Lần này bà cho tiến hành một kế hoạch khác. Bà ra lệnh cho người chú đến cung điện của sàmàvatì, mở cửa kho lấy vải nhúng dầu rồi nhúng vào cột nhà. Tập hợp tất cả các cung nữ vào trong nhà, đóng cửa lại không chờ một ai, rồi lấy đuốt châm lửa đốt, xong tụt xuống đi về.

Sàmàvatì thấy người chú bao quanh cột với vải nhúng dầu ngạc nhiên hỏi và được biết là để cho chắc cột. Và ông ta bắt họ vào phòng, châm lửa đốt. Trong đám lửa đang cháy lan thật nhanh, Sàmàvatì khuyên nhắc các tỳ nữ.

– Dù với trí tuệ của Phật cũng khó xác định được trong vòng luân hồi từ vô thủy, thân xác chúng ta đã bị thiêu đốt bao nhiêu lần. vậy, các ngươi hãy chánh niệm.

Trong khi lửa đang cháy thật nhanh, Sàmàvatì và các cung nữ chuyên tâm thiền định về đề mục “sự đau đớn” và họ đã chứng các quả Thánh.

Thế Tôn, khi nghe các Tỳ kheo kể chuyện Sàmàvatì và năm trăm cung nữ bị mất mạng, để giải đáp câu hỏi về số phận của họ trong kiếp sau, đã cho biết là có người chứng Sơ quả, có người chứng Nhị quả, có người chứng Tam quả do phước báo của việc làm quá khứ và Ngài nói kệ:

Với xiềng xích vô minh vọng tưởng

Thấy thế gian như đẹp như bền

Do vô minhnhân duyên ràng buộc

Kẻ ngu cho thế giới trường tồn

Người khôn nghe thấy như thật biết

Chẳng có gì ra thoát diệt sanh

Rồi Phật thuyết pháp:

– Này các Tỳ-kheo! Trong vòng luân hồichúng sanh không phải lúc nào cũng chuyên niệm nhất tâm, đôi khi họ đã phạm ác hạnh, do đó họ kinh qua cả hai lạc và khổ

Lúc bấy giờ nhà vua đang ở vườn giải trí. Nghe tiếng la cung của Sàmàvatì bị cháy, ông vội đến đó, nhưng tất cả đã bị cháy rụi. Ông ngồi xuống bậc thềm triều thần vây quanh, vô cùng thương tiếc Saamaavatii khi nhớ lại đức hạnh của nàng. Ông thắc mắc không biết ai có thể gây ra việc đau thương này và nghĩ ngay đến Màgandiyà. Ông muốn dùng mẹo dò hỏi bà ta nên nói với những người tùy tùng:

– Thế cũng xong! Bây giờ ta hết bị lôi kéo hay bận rộn nữa. Sàmàvatì luôn luôn tìm cớ giết ta khiến ta sợ hãi và ngờ vực. Nhưng giờ đây tâm ta sẽ yên ổn và ta có thể nằm ngủ yên lành.

– Ai đã làm việc này, đại vương?

– Người mà thật sự yêu ta nhất đã làm.

Màgandiyà tình cờ đứng gần đó nghe thế liền hãnh diện nhận ngay mình là thủ phạm cùng với người chú. Vua vẫn bình tĩnh khen rằng không ai thật sự yêu vua bằng bà và sẽ ban cho bà cùng với quyến thuộc một ân huệ. Bà nhắn tin thân quyến gần xa đến hoàng cung, ngay cả những kẻ không họ hàng nghe chuyện cũng đút lót để được làm bà con. Khi đã tập trung họ, vua ra lệnh đào hố sâu đến thắt lưng, bỏ họ xuống trải rơm lên trên rồi đốt rơm. Khi lửa đốt da thịt họ đến giòn rụm, vua cho cày sắt cày lấp thân thể họ đập vụn ra. Đối với Màgandiyà, vua cho dùng dao nhọn xẻ những chỗ thịt rắn chắc trên người bà ra từng mảnh, bỏ vào thùng dầu đặt trên lò than, chiên như bánh và bắt bà ăn.

Trong Pháp đườngđức Phật nghe các Tỳ-kheo thắc mắc bàn tán về cái chết của Sàmàvatì với năm trăm cung nữ, nên kể:

_______________________

Chuyện quá khứ – Sàmàvati Âm Mưu Đốt Một Vị Bích Chi Phật

Ngày xưa, khi vua Phạm-ma-đạt cai trị Ba-la-nại, có tám vị Bích Chi Phật thường được cúng dường thức ăn trong hoàng cung với trăm cung nữ hầu hạ. Bảy vị trở về Hy-mã-lạp-sơn, còn lại một vị ngồi nhập định trên bờ sông nơi đám cỏ rối.

Một dịp theo vua đi tắm chơi, các cung nữ đã nô đùa suốt ngày trong nước, bây giờ lên bờ và run lên vì lạnh. Họ tìm chỗ đốt lửa để sưởi ấm. Thấy đám cỏ họ chẳng buồn ngó trước xem sau vội châm lửa và xúm xít quanh. Khi cỏ cháy xẹp xuống, họ phát giác vị Bích Chi Phật, hoảng hốt không biết tính sao. Cuối cùng vì sợ nhà vua truy ra bắt tội, họ muốn phi tang hẳn xác của Phật nên đem củi đến từ mọi ngả, chất đóng thành một giàn thiêu lớn, đổ dầu và châm lửa. Xong họ bỏ đi.

Hành động đầu tiên của các cung nữ thì vô tâm. Nhưng sau đó họ phạm lỗi nặng vì có tính toán kỹ, do đó bị quả báo đau khổ. Riêng vị Bích Chi Phật đang đắm mình trong thiền định thì dù có một trăm ngàn xe củi với dầu đốt lên, Ngài cũng không thấy nóng. Vì vậy, vào ngày thứ bảy Phật xuất định và đi đến nơi Ngài thích.

Những cung nữ này, không những bị nung nấu nhiều trăm ngàn năm trong địa ngục, mà nhà họ còn bị đốt và họ chết cháy trong nhà mình suốt một trăm kiếp liên tiếp.

Đức Phật kể xong chuyện thì các Tỳ-kheo hỏi tiếp:

– Nhưng bạch Thế Tôn! Tại sao Khujjuttà trở thành một người gù? Sao cô ta lại thông minh thế? Sao cô ta chứng quả Dự lưu và sao lại thành một tỳ nữ?

Đức Phật kể tiếp:

_______________________

Chuyện quá khứ: Những Việc Làm Kiếp Trước Của Khujjuttarà

Này các Tỳ-kheo, cũng trong triều đại của vị vua Phạm-ma-đạt trị vì Ba-la-nại, có một Phật Độc Giác hơi gù. Một tỳ nữ trông thấy Ngài bèn quấn một cái mền trên vai và tay ôm một bình bằng vàng, lưng còng xuống y như một người gù, rồi chậm rãi vừa bước đi vừa nói:

– Ông Phật Độc Giác đi như thế này đây!

Vì cô nhại tướng đi của Ngài nên cô ta thành gù lưng.

Tuy nhiên, ngày đầu tiên cô đã dâng lên các vị Phật Độc Giác chỗ ngồi trong hoàng cung, lấy bình bát múc đầy cháo đặc cúng dường. Phật nhận lãnh, nhưng vì cháo quá nóng nên phải chuyền bình bát từ tay này sang tay khác. Cô thấy vậy bèn dâng tám vòng tay bằng ngà lót dưới bình bát. Xong Phật nhìn cô, lập tức cô thưa:

– Chư Tôn giả! Chúng tôi không dùng những vòng này nữa, xin các Ngài nhận cho, xem như một món quà của chúng tôi dâng cúng trước khi lên đường.

Các vị Phật Độc Giác mang những chiếc vòng này về hang núi Nandamùla, và đến ngày nay vẫn còn nguyên vẹn. Nhờ phước báo của việc làm này, cô thuộc lòng Tam tạng kinh điển và trí huệ uyên bác, và cũng do đó cô chứng quả Dự lưu. Đó là việc làm của cô trong thời kỳ giữa hai vị Phật.

Thời Phật Ca-diếp, có cô con gái viên chưởng khố ở Ba-la-nại, một hôm khi bóng chiều đổ xuống, lấy gương ra soi và trang điểm. Một ni cô bạn thân của cô, người đã dứt hết dục lạc, đến thăm. (Thường những ni cô đã dứt hết dục lạc, hay đến thăm gia chủ ủng hộ mình vào xế chiều). Lúc đó các nàng hầu của cô vắng mặt nên cô bảo vị ni lấy giùm giỏ trang điểm. Nếu không làm theo ý cô, có thể cô nổi sân và như thế sẽ tái sanh vào địa ngục, nhưng nếu nghe lời cô sai bảo thì cô sẽ làm người hầu ở kiếp sau. Làm người hầu dù sao cũng không khổ bằng ở địa ngục, nên vị ni lấy giỏ trang điểm đưa cho cô. Do đó cô trở thành nàng hầu.

Lại một hôm các Tỳ-kheo bàn cãi trong Pháp đường:

– Sàmàvatì và năm trăm cung nữ bị thiêu ngay trong nhà mình. Còn Màgandiyà và quyến thuộc thân bị lửa rơm đốt, bị cày sắt cày nát nhừ, riêng Màgandiyà bị nấu trong dầu sôi. Như vậy ai sống và ai chết?

Đức Phật nghe qua, đáp rằng:

– Này các Tỳ-kheo, những người phóng dật buông lung dù sống một trăm năm cũng như chết. Những người sống chú tâm chuyên niệm, dù chết hay sống vẫn là đang sống. Này các Tỳ-khep, có chú tâm chánh niệm thì không bao giờ chết cả.

Rồi đức Phật đọc Pháp Cú sau:

(21) Không phóng dật, đường sống,

Phóng dật là đường chết.

Không phóng dật, không chết,

Phóng dật như chết rồi.

 

(22) Biết rõ sai biệt ấy,

Người trí không phóng dật,

Hoan hỷ, không phóng dật,

An vui hạnh bậc Thánh.

 

(23) Người hằng tu thiền định,

Thường kiên trì tinh tấn,

Bậc trí hưởng Niết-bàn,

Ắt thanh tịnh vô thượng.

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app